Thứ Hai, 2 tháng 11, 2020

Tản mạn: LỘC ĂN - Donna MHT.

 





LỘC ĂN. 

Ngày nhỏ có người nói Donna có hai má lúm đồng tiền là có lộc không bao giờ sợ chết đói. Ở trong nhà thì ông bà dạy "hạt gạo là hạt ngọc" nên ăn cơm không được bỏ mứa. Ăn ít thì lấy ít, hết rồi thì lấy tiếp. Giờ đi được nửa cuộc trăm năm, Donna nghiệm thấy rằng điều gì mình biết trân trọng và cảm tạ, thì chúng sẽ ở lại với mình. Điều gì chúng ta xem thường và hoang phí thì chúng sẽ đội nón ra đi không chần chừ. Tiền bạc, vận may hay cơm áo gạo tiền cũng thế thôi.

Ở Việt Nam Donna đã bị bỏ đói một ngày vì gia đình bận việc đột xuất, lục cơm nguội chan nước lã ăn đại đã cho Donna biết cảm giác thế nào là không có cơm mà ăn. Còn những ngày nghèo khổ ăn cơm trắng với trứng muối, hoặc bột mì, bo bo thì là chuyện thường tình. Nhờ ơn trời, từ ngày qua Mỹ Donna không có ngày nào là thiếu ăn, mà chỉ có lúc không có thời gian để ăn đủ hay đúng bữa mà thôi. Dù thức ăn ở đây thừa mứa, dư dã, nhưng Donna vẫn giữ thói quen cũ ăn vài lần cho hết, không bỏ đồ ăn vào thùng rác tùy tiện được.

Nhiều lần đi party, hoặc kể cả đi ăn ở các chương trình cộng đồng, ở nhà thờ, ở chùa, Donna cũng thấy nhiều người dành nhau lấy cho thật nhiều y như kiểu ăn Buffet vậy, kiểu "no bụng mà đói con mắt" nên ăn không được bao nhiêu, có khi còn để y nguyên dĩa đồ ăn chưa ăn miếng nào bỏ vào sọt rác. Trong khi đó, ở một góc nào đó nơi Châu Phi hoặc các nước chậm phát triển, và kể cả Việt Nam, có những người, được một lần ăn no ăn ngon, là cả một giấc mơ của đời người.

Hơn nữa, phần lớn Donna thấy rất nhiều người quen biết, đi chợ gặp gì cũng mua, về chất đầy tủ lạnh, tủ đá. Nhưng sau đó lại không ăn hết, đồ ăn bị hư hoặc để quá lâu chán không ăn nữa, lại đem vất vào sọt rác rồi tiếp tục mua đồ mới. Có gia đình chỉ có 4 người mà đã sở hữu hai tủ lạnh và một tủ đá riêng thật lớn để trữ đồ. Phần lớn họ không hề biết cách bảo quản thức ăn làm sao để giữ được dinh dưỡng và mùi vị vẫn còn tươi ngọt trong một thời gian nhất định nào đó. Hầu như ít ai ghi chú vào món đồ ăn khi họ để vào tủ đá và không biết họ sẽ giữ nó đến bao lâu thì nấu hoặc là đem bỏ. Tiền chợ và tiền thức ăn do đó cũng bị phung phí một phần. Ví dụ như mùa đại dịch thì người ta ùn ùn đi mua mọi thứ về dự trữ nhưng thường là mua quá mức cần thiết. Ngày thường vì bận rộn công việc nên chúng ta thường đi chợ hàng tuần. Tuy nhiên, có thật sự là chúng ta mua đồ ăn vừa vặn cho đủ một tuần hay không, trong khi những thứ dự trữ thì vẫn còn ngổn ngang ở nhà. Người nội trợ thông minh là người biết mua những thứ mình cần và dự trữ trong một thời gian ngắn hạn nhất định mà thôi.

Có nhiều người mua đồ về chất đống và tới ngày hết hạn thì lôi ra quăng vào sọt rác và khiến trái đất này ngày càng bị ô nhiễm vô lý.

Chúng ta hãy học cách chế biến những đồ ăn chưa kịp sử dụng để chúng có thêm thời gian để cung cấp dinh dưỡng thay vì phải đi nằm sọt rác. Trái cây ăn không hết có thể ép nước uống, phơi khô, nấu lấy nước cốt để uống...v...v...Rau, thịt, cá có thể nấu sơ lên rồi để tủ đá, khi cần thì lấy ra hâm lại ăn dần.

Nói tóm lại là chúng ta hàng ngày vất vả mưu sinh để có cơm ăn áo mặc và nơi chốn trú ngụ. "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm", nhưng ăn bao nhiêu thì nấu bấy nhiêu, đừng nấu một nồi đầy, ăn vài bát rồi chờ cơm thiu mà đem đổ. Phung phí đồ ăn cũng đồng nghĩa với phung phí ơn phước mà chúng ta đang thụ hưởng.

Cái lộc ăn mà chúng ta đang có, được quyền chọn món gì ăn cho ngon bên cạnh là ăn cho no và có dinh dưỡng, không phải là ai muốn cũng có được. Món ăn vừa miệng mà có đủ dinh dưỡng, đôi lúc cũng không tốn kém gì nhiều. Nhưng món ăn ngon miệng mà bị phung phí thì thật là xa xỉ và đáng trách. 

"Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày" là lời kinh mà người Công Giáo luôn đọc. Cũng như người Hoa họ gặp nhau thường hỏi "Ăn cơm chưa?" vì đối với họ no đủ là một nhu cầu cần thiết nhất của con người. Nhiều người không kén ăn, có gì ăn nấy. Nhiều người phải có món này món nọ mới chịu ăn, không ăn lại đồ để qua đêm, trong khi tiền nhà tiền xe thì thiếu trước hụt sau. Sài tiền trong việc ăn uống như thế nào là lựa chọn của riêng từng người. Nhưng phung phí thức ăn thường xuyên là điều có nên làm hay không thì chúng ta nên suy ngẫm lại.

Chúng ta đang no đủ thì nên quý cái lộc ăn của mình. Có dư thì chúng ta chia sẻ như các chương trình kiểu Food Bank. Nhiều công ty họ thà đem đồ ăn bỏ thùng rác chớ không cho người nghèo. Họ làm ăn kiểu đó chắc gì được hưng thịnh mãi. 


Do đó, xin đừng coi thường cái lộc ăn mà bạn đang có. Vì "ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ là tiền mất đi". Ăn ngon miệng hay không là do khẩu vị riêng chớ không phải do món ăn. Kén chọn quá cũng là một sự phung phí lộc ăn mà chúng ta đang có. 

Chúc quý vị luôn ngon miệng trong các bữa ăn hàng ngày.

Donna M H T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét