Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Cuộc đời : CÚ ĐIỆN THOẠI... - St trên FB.

 

( Hình ảnh sưu tầm trên mạng )

CÚ ĐIỆN THOẠI GỌI NHẦM SỐ…

Một ngày nọ, đang trên đường đi làm về nhà, chuông điện thoại reo lên, anh vừa nhấc máy thì nghe giọng của một cô bé non nớt từ đầu dây bên kia vang lên:

- Ba ơi! Ba nhanh về nhà nhé, con rất nhớ ba!

Anh biết là ai đó đã gọi nhầm số, vì anh không có con gái mà chỉ có một cậu con trai mới vừa 6 tuổi.

Chuyện này cũng không có gì làm lạ, anh lắc đầu nói:

- Gọi nhầm số rồi nhé cháu! Nói rồi, anh tắt máy.

Thế nhưng những ngày tiếp theo đó, số điện thoại kia vẫn tiếp tục gọi đến máy anh, anh bắt đầu thấy phiền phức, thế nên anh nhất quyết không nghe máy.

Hôm rồi, số điện thoại đó lại gọi đến hết lần này rồi lần khác, điều khiến anh ngạc nhiên đó là trong khi anh kiên quyết không nghe thì số điện thoại kia vẫn kiên quyết gọi cho bằng được.

Cuối cùng, anh nghe máy, vẫn là giọng nói nhỏ nhẹ của cô bé kia:

- Ba ơi! Ba nhanh về nhé, con nhớ ba lắm. Mẹ nói con không gọi nhầm số đâu, chính là số điện thoại của ba đấy. Ba ơi con đau lắm! Mẹ nói ba rất bận nên chỉ có mình mẹ chăm sóc con, mẹ rất mệt. Ba ơi, con biết ba đi làm rất vất vả, nếu ba không về với con được thì ba hôn con qua điện thoại một lần được không ba?

Yêu cầu ngây thơ của cô bé khiến anh không có cách nào từ chối, anh đồng ý.

Sau đó, anh nghe thấy tiếng nói đứt quãng của cô bé qua điện thoại:

- Con…cảm ơn…ba, con…vui…lắm, con…hạnh…phúc…lắm...ba ơi...!!!

Khi anh cảm thấy thú vị với cuộc gọi này thì chuông điện thoại anh lại reo lên, nhưng người gọi điện thoại lần này không phải cô bé lần trước mà là giọng nói nặng trĩu của một người phụ nữ:

- Xin lỗi anh! Mấy ngày hôm nay thật làm phiền anh nhiều, thực sự xin lỗi! Tôi tính đợi lo xong mọi chuyện cho cháu rồi mới gọi điện lại xin lỗi anh sau.

Con bé mà mấy lần trước gọi điện cho anh đó là con gái tôi, số nó khổ lắm, mới sinh ra đã mắc bệnh ung thư xương, không lâu sau đó ba nó lại qua đời trong một vụ tai nạn giao thông.

Tôi thực sự không dám cho nó biết bởi hàng ngày nó đều phải chịu sự dày vò đau đớn của đợt điều trị hóa chất. Mỗi lần không chịu đựng được sự đau đớn đó, miệng nó cứ gọi ba không ngừng bởi anh ấy luôn động viên nó phải mạnh mẽ vượt qua. Tôi thực sự không nỡ chứng kiến cảnh nó như thế nên liền nghĩ ra một số điện thoại để nói dối nó.

Nghe thế anh vội vàng hỏi người phụ nữ:

- Vậy con bé bây giờ ra sao rồi?

Người phụ nữ kia trả lời:

- Cháu nó đi rồi anh à! Chắc lúc anh đã hôn nó qua điện thoại thì nó ra đi với nụ cười mãn nguyện, trước khi đi tay nó còn ôm chặt cái điện thoại vào lòng.

Nghe xong, anh sững người lại, miệng không biết nói gì nữa.

Cô bé giúp mọi người nhận ra tình thân vô cùng quan trọng, giúp mọi người cảm nhận được tình yêu, cảm nhận được sự ấm áp. Thế giới vô cùng rộng lớn nhưng không chứa đựng được một tiếng gọi, gia đình vô cùng nhỏ bé nhưng đối với cô bé, nó là cả một thế giới. 

Bởi vì một nụ hôn của ba nên cô bé đã ra đi cùng với một nụ cười trong thanh thản, nhẹ nhàng.....

St trên FB 

Tản mạn : GÓC CHÈ SÀI GÒN - Cù Mai Công.

 



GÓC CHÈ SÀI GÒN NHỎ XÍU, HIỀN LÀNH GẦN NỬA THẾ KỶ…


Góc chè không tên, người bán như không tuổi, nằm nép một góc rất nhỏ - chừng thước rưỡi vuông ở ngã tư Nguyễn Trọng Tuyển - Trương Quốc Dung (Phú Nhuận). 

Thuở 1976, 1977, khi tôi 14, 15 tuổi, cùng bạn bè cắm trại ở khu vườn - đồi nay là Trường THCS Ngô Tất Tố, phía sau Trường Thánh Thomas (nay là Trường Hàn Thuyên), cách góc chè chừng trăm thước. Chúng tôi kéo nhau lội bộ đi ăn. Lúc đó chỉ có hai món: chè đậu đen và chè đậu xanh. Người bán là một cô gái tuổi đôi mươi, da dẻ mịn màng, nói giọng Quảng Ngãi: gọn, nhẹ và ngọt như… chè. 

Hai món chè xứ đường phèn, đường phổi ấy khác với món chè đậu đen, đậu xanh kiểu Bắc 54 Ông Tạ mà tôi hay ăn: không thơm bằng nhưng có phần ngọt thanh hơn, sánh hơn. Ăn một miếng chưa qua cuống họng đã nôn nao miếng thứ hai. Chè đựng trong chén nhỏ, ăn đứng tại chỗ. Nếu tôi nhớ không lầm thì 5-10 xu gì đó một chén, bằng giá một tờ báo. Có lúc cô dúi cho tôi một miếng đường phổi. Thời khó khăn sau 1975 ấy, đứa trẻ con nào cũng thèm đường.

Mười năm sau, năm 1985 - 1986, khi đã làm báo Khăn Quàng Đỏ, tôi vừa là phụ tá huấn luyện viên vừa là vận động viên Đội Karate kiêm bảo vệ (cuối tuần) Nhà văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần lãnh lương, trên đường đạp xe về, tôi ghé mua mấy bịch chè đủ loại, vừa cho gia đình vừa để bồi dưỡng sức khỏe. Mẹ tôi ăn, bảo: “Chè người Trung nấu dẻo hơn, quến hơn chè người Bắc mình”.

Gần 20 năm sau, năm 2005, khi tòa soạn báo Tuổi Trẻ dời từ 161 Lý Chính Thắng (quận 3) về 60A Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), tôi đi làm theo lối này, bất ngờ gặp lại góc chè tuổi thơ của mình vẫn còn đó. Góc chè ấy đã lên năm, sáu món. Giá từ 5-10 xu thuở xưa đã là 2.000 - 3.000 đồng. Góc chè nhỏ ấy không còn xài chén mà đựng trong các bịch nhựa, ly nhựa.  

Buổi trưa, xế chiều từ tòa soạn về, tôi thường ghé qua. Các món chè đã mướt hơn với nước cốt dừa kiểu Nam bộ, nhưng hột đậu hột nếp vẫn mềm, vẫn thanh như ngày nào. Cô gái bán chè giờ đã thành một phụ nữ tuổi 50, da đã có phần ngăm đen với nắng mưa Sài Gòn và góc chè nhỏ xíu của mình. Giọng cô chủ đã Sài Gòn lắm rồi nhưng nghe kỹ, chất giọng ấy vẫn thoáng Quảng Ngãi - gọn, rõ như thời thiếu nữ.

Gần 20 năm nữa, tức hiện nay 2024, góc chè nhỏ xíu này đã lên tám món: chè đậu đen, chè đậu xanh, chè đậu trắng, chè bà ba, chè thập cẩm, chè chuối, chè thưng và sâm bổ lượng. Các món chè bày chật góc nhỏ trong những nồi nhôm sạch bóng. Múc cho khách xong, vung nồi được kéo lại ngay để tránh bụi đường. Người chủ góc chè đã gần 70, da đã sạm nâu, lên chút đồi mồi. Đôi mắt ấy đã phần nào đục, khi nếm trải hết cuộc mưu sinh đến thời cuộc, từ hồi con đường Nguyễn Trọng Tuyển còn tên Nguyễn Minh Chiếu, nhỏ hẹp chừng ba mét, bụi mù lúc nắng, lầy lội khi mưa. 

Hôm nay, đường Nguyễn Trọng Tuyển đã rộng gấp đôi sau giải tỏa, mở rộng đường gần 30 năm trước, trải nhựa sạch sẽ. Xung quanh góc chè đã là những cao ốc lộng lẫy, những công ty đa quốc gia. Khách của góc chè không chỉ là bà con xung quanh, ông xe ôm, anh chạy grab, chị mua ve chai… ăn mặc xuề xòa mà còn là những công dân cao ốc, nhân viên công ty áo quần thẳng thớm nếp gấp, thơm mùi nước xả vải. 

Tất cả đều bu quanh góc chè trên xe chè nhỏ xíu ấy - dù qua thời gian, nó đã nhuốm màu thời gian lắm rồi. Các món chè của góc chè này không mà mắt, thuốc miệng khách bằng mấy món tốp ping “ngập ngụa” kiểu bây giờ. Không rõ khách ăn khác ra sao, nhưng với tôi, đây là góc chè ngon khó tìm ở Sài Gòn. Tôi ăn chè nhiều nơi vẫn không thấy nơi nào hơn. Để tới giờ, tôi vẫn ghé về người chủ cũ, với món chè xưa: hột nếp dẻo như bột, thơm như sữa; hột đậu nào cũng mềm như bún, mịn như nhung… 

Tôi có ông anh họ xa, đi lính đóng quân ở Quảng Ngãi. Hồi học tiểu học cuối thập niên 1960, có năm ảnh đưa tôi đi nghỉ hè ở Quảng Ngãi bằng máy bay. Tôi ở đó suốt hai tháng, chơi với đám con nít Quảng Ngãi. Tụi nó hay rủ tôi đi nhổ trộm khoai mì, lột vỏ xong xin vô lò đường nhúng ké khoai mì vô chảo mật mía rất lớn, lúc nào cũng sôi sùng sục. Một hồi khoai mì chín, mì và đường mật quyện vô nhau, ăn rất ngon, thơm phức mật mía. Giờ trong một món chè ở đây, tôi thấy có khoai mì cắt miếng nhỏ. Nhớ lại một trời tuổi thơ.

Cách đây một, hai năm, bịch chè vẫn giữ giá 7.000 đồng, trong khi các hàng chè xung quanh đã bán 10.000 từ lâu. Nấn ná mãi, bịch chè lên 10.000 đồng, nhưng cô chủ múc lên đầy đặn hơn. Có lúc tôi phải cản: “Múc vừa thôi chị”.

Đó là chè Sài Gòn, nguyên liệu miền Nam cho hợp mồm miệng Sài Gòn chớ không còn nguyên gốc chè Quảng Ngãi nữa. Cô chủ ấy bảo: “Chè Quảng Ngãi bây giờ tôi về ăn thấy vẫn có phần cứng, thô như ngày xưa tôi rời xứ vô đây”.

… Thuở ấy, cô chủ ấy mới 20 tuổi, giận cha dỗi mẹ thế nào không rõ, “rời xứ”, rời quê vô Sài Gòn từ năm 1976, một thân một mình giữa đô thị với góc chè nhỏ. Mười năm sau, 1986, cô gom góp tiền từ muôn vàn chén chè mới mua được một căn nhà 20 thước vuông trên đường Thích Quảng Đức và ở đó cho tới giờ. Một tay tự nấu đủ món chè, không ai phụ nên giờ mỗi tuần, khi cô chủ tuổi đã lớn, góc chè chỉ bán mỗi tuần bốn buổi, từ thứ hai tới thứ năm. Có lúc thứ năm tôi mua ba, bốn bịch, dặn không bỏ nước dừa; mang về bỏ trong ngăn mát tủ lạnh, mấy ngày sau ăn vẫn mềm. 

“Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi” gần nửa thế kỷ giờ cô thôn nữ xưa đã thành một người Sài Gòn gốc Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cái gốc yêu thương của cô cả một thời niên thiếu, tuổi đôi mươi ấy vẫn đưa cô về viếng mộ cha, cúng giỗ mẹ, cưu mang anh em mình… như ngày nào còn thiếu nữ. 

… Và cô bảo: “Tên tám chị em mình là do ông nội đặt: Hồng - Đào - Nở - Hoa - Tư - Sanh - Nhành - Lựu”. Cô là con thứ ba, tên Nở.


CÙ MAI CÔNG


Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Giai thoại : SUY NGHĨ TỪ CHUYỆN... - Bùi Chí Vinh.

 



Cách đây gần 200 năm mà dân Nam Bộ đào được con kinh thẳng băng thật phi thường. Còn ngày nay có đầy đủ tiền bạc thuế má khoa học kỹ thuật mà cao tốc thì không có, cầu thì xây dần dần, đường bộ thì phải uốn lượn sợ đụng nhà đụng đất quan cai trị. Đúng là một bước thụt lùi khủng khiếp đối với tiền nhân mở cõi... 


SUY NGHĨ TỪ CHUYỆN CON KINH HUYỀN THOẠI 


Cách đây gần 200 năm đã đào kinh Vĩnh Tế 

Con kinh thẳng băng như tính khí Nam Kỳ 

Ông Thoại Ngọc Hầu không phải là thần thánh 

Mà hứa một lời là tứ mã nan truy 


Sau 200 năm mất hết thần uy 

Kinh rạch bây giờ là những "đường cong mềm mại" 

Vướng nhà quan tham phải đổi hướng tức thì 

Nếu không uốn lượn coi chừng đi đày ải 


Giờ xây cầu, đào đường cũng kéo dài hàng thế kỷ 

Nói gì đào kinh kiểu Vĩnh Tế phi thường 

Hảo hớn miền Tây giờ đây bị trị 

Vựa lúa đồng bằng xơ xác đến tang thương ! 

4-10-2024

BÙI CHÍ VINH .


Kinh Vĩnh Tế do ông Thoại Ngọc Hầu khởi xướng 200 năm trước thẳng băng như sợi chỉ

Vui cười : LỜI NÓI QUÁ... THẬT !!! - Sưu tầm.

 LỜI NÓI QUÁ... THẬT !!!




Thư giãn : MỘT VÒNG LUẨN QUẨN - Sưu tầm.

 MỘT VÒNG LUẨN QUẨN! 



Chuyện xưa : TÊN GỌI CÀ MAU - Vương Hồng Sển.

 



TÊN GỌI CÀ MAU.

"Từ Bạc-Liêu đi một đỗi gặp một cánh đồng thấp phì nhiêu vô cùng, nhưng đặc biệt là nước sông rạch đều một màu đen thâm gần như mực xạ. Tiếng Cao-Miên gọi "srock tưc khmau", dịch "sốc nước đen". Ông bà chúng ta Việt-hóa thành Cà-Mau, chớ không phải "Cà-Mâu" như nhiều đồng bào thường viết và đọc.

Tuy vậy, cái xứ cá đầy thúng nầy, nước vẫn đục và đen ngòm, truy ra vì đó là nước ứ đọng từ lâu năm trong những gốc mục của rừng dừa-nước quanh năm chầy tháng lá dừa và bẹ dừa-nước mục nát hết đi và tiết ra một chất mủ đen làm cho nước dưới chưng rừng dừa cũng đen theo, chảy lờ-đờ quanh đi lộn lại, cũng hoàn chỗ cũ. Nước nầy xem lại chưa đựng rất nhiều sinh-vật, đặc biệt nhứt là con ba-khía, tức một loại cua còng nhỏ con, tới mùa nó leo lên cây không biết cơ man nào mà kể. Người thổ-dân bắt ba-khía cho muối vào làm ra thứ mắm để ăn quanh năm và dân nhà giàu Ba-Thắc không nệ-hà đãi khách sang bằng mắm ba-khía khi nêm chanh ớt cho dịu, vì ba-khía để dành lâu "ăn rất bắt cơm". Ngoài ra trong nước còn chứa các loại cá nước mặn và vô số tôm tép cua rùa, v.v...

Nước ấy tuy đen vì là nước trầm thủy, nhưng không độc. Người xứ Cà-Mau vẫn dùng để ăn để uống và pha trà, duy người lạ đến đây thấy vẫn ngờ-ngợ nhát uống. Coi vậy mà đó là nước mưa pha lá dừa-nước, uống không sanh bịnh tật duy màu khó coi, không như nước nơi rừng khác thấy trong veo đẹp mắt mà uống độc bất ngờ. Cũng vùng Cà-Mau có giống tràm mục lưu-lai nhiều đời, lá rụng cây ngã giữ nước đọng lại rồi nát thành bùn, biến ra một chất "than đá non" "nê-thán" (tourbe), xắn vuông-vắn phơi cho khô, chụm rất tốt".

 ("Ăn cơm mới nói chuyện cũ" )

VƯƠNG HỒNG SỂN.


Ngày đó : TÔI CƯỚI VỢ - Kha Tiệm Ly.




 TÔI CƯỚI VỢ

Hồi học lớp đệ Tứ (lớp 9 bây giờ), tôi có đọc đâu đó truyện ngắn tựa là “Lấy Vợ Miền Quê,” của tác giả nào tôi quên. Tôi rất khoái truyện ngắn nầy và định bụng lớn lên mình cũng “lấy vợ miền quê” như tác giả kia. 

Nói thì hơi xấu hổ, vừa đậu Tú Tài phần hai, lúc đó tôi mới 18 tuổi Tây, tức 19 tuổi Ta, mà tôi đã… “muốn vợ !” Con trai mà “muốn” chuyện gì thì thường vòi vĩnh với mẹ, như chiếc xe đạp, đồng hồ, quần áo mới, kể cả chiếc solex cáu cạnh tôi đang chạy, mà chỉ hàng “thiếu gia”… ở tỉnh như tôi mới có. 

Những thứ đó tôi đều mạnh dạn nói với mẹ, và lần nào cũng vậy, mẹ tôi không cần suy nghĩ mà “ô kê” liền. Còn cái vụ “muốn vợ” nầy, tôi có miệng mà chẳng thốt nên lời! Tôi định bụng lúc nào mẹ vui và khi chỉ có hai mẹ con ở nhà thì tôi “tâm sự” liền. Mà mẹ lúc nào lại không vui? Vả lại tôi là con một trong gia đình, chỉ cần ba tôi đi uống cà phê hay đi đâu đó thì có biết bao nhiêu “dịp may”! 

Thế mà khi thấy mẹ ngồi, tôi vừa xề lại thì bao dũng khí đã tiêu tan! 

Bao lần như vậy, dường như bà để ý, giọng ngọt ngào cố hữu: 

– Gì đó con trai cưng? Muốn gì nữa phải không? 

Lúc đó tôi chỉ cần một gờ ram dũng khí, thêm một tiếng “vợ” sau tiếng “muốn” của me tôi thì đòn cân cục diện đâu lại vào đấy rồi. 

Đằng nầy tôi lại nhút nhát, rụt rè!  Điều nầy, vốn không phải là bản tính của tôi!

 – Dạ… có “muốn” gì đâu mẹ! 

Trả lời xong tôi thấy ấm ức, giận mình sao quá yếu gan! Thì may thay, vợ chồng anh hai Trân tới chơi. Anh với tôi là chú bác ruột. A hai Trân là con trai trưởng của bác hai, còn cha tôi đến thứ chín, nên ảnh nhỏ hơn cha tôi chẳng bao nhiêu. Anh rất vui tính, cởi mở, lẹ làng, sốt sắng. Cái gì cũng chịu hoạch toẹt, không chịu úp úp mở mở, nên có khi hơi lố lố. Vậy mà tôi lại quý mến anh ở điểm nầy nhất, mới lạ!

 Chưa chào hỏi mẹ tôi, anh nhìn tôi, bôm bốp: 

– Đậu (Tú Tài) rồi hả mậy? Là người lớn rồi, cưới vợ được rồi đó nghen! 

Thuở đó đậu Tú Tài cũng oai lắm, kiếm việc làm dễ như chơi. Trong thân tộc có người đậu tú tài là niềm hãnh diện chung. Nghe anh nói, tôi khoái chí tử, nhưng cũng làm bộ: 

– Mới bây lớn mà có vợ gì anh ơi!

 – Sao lại “bây lớn”? Hồi tao cỡ mầy là con cu biết gáy rồi. Mầy hỏi chú chín…. 

Chị hai thúc mạnh vào hông chồng: 

– Nói bậy không hà! Thím chín kìa!  Chú nó còn nhỏ…

 – Nhỏ nhỏ cái gì? Cỡ tuổi nó tôi có con rồi! 

Tôi mỉm cười, thấy thích anh lạ! Anh hai quay sang mẹ tôi: 

– Thím chín! Em lớn rồi nghen thím. “Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương” đó thím. Em nó đẹp trai, học giỏi, nhà giàu, mà thím không chịu cưới vợ cho nó là có ngày có người bồng cháu nội về cho thím nuôi đó! 

Chị hai nạt: 

– Nói bậy không hà! Cái tật không bỏ! 

Anh hai nói chuyện thường chêm vào mấy câu chữ nho, những lần đó tôi cũng bực mình, vì có câu tôi cũng không hiểu nghĩa rõ ràng. 

Câu anh vừa nói tôi hiểu, xem ra nó cũng hay đó chứ! Còn chị hai, là người phụ nữ nết na, đẹp lại hiền, hay kìm chế chồng những khi anh quá trớn. Đặc biệt lần nầy tôi lại thấy chị hơi… quá trớn!

 Mẹ mỉm cười: 

– Biết nó chịu không mà cưới? 

Tim tôi đập thình thịch. Không ngờ diễn tiến lại thuận lợi như vậy. Mẹ nói thế tức là nếu tôi “chịu” thì mẹ cưới chứ gì? Ôi con đường… cưới vợ sao mà hanh thông như vậy! 

Anh hai quyết liệt: 

– Sao lại hổng chịu thím? Hỏng lẽ nó muốn vợ nó lại la làng lên sao? Hồi trước con muốn vợ, con cũng đâu dám nói cho má con mà phải nhờ chú chín mở hơi giùm. Thím quên rồi sao? 

Quay qua tôi, anh dịu giọng: 

– Nè cưng, anh hai hỏi thiệt nghen, cưng có muốn cưới vợ không? 

Phải nói là nhờ anh hai mà lòng tôi tràn dũng khí. Tôi quyết không bỏ lỡ cơ hội. Chỉ cần tôi nói một tiếng “muốn” là bài toán có đáp số ngay, và bao nhiêu đè nén trong lòng bấy lâu chắc chắn giờ đây tan biến! 

Nhưng như vậy xem phàm phu quá! Tôi cười cười, đợi cho mọi người chờ một lát, thần khẩu xui tôi phát ra một câu quá tuyệt vời:

 – Thì hồi trước anh hai sao thì giờ em vậy thôi! 

Mọi người cười rần và mang ý nghĩa khác nhau. Tôi cười cho… đỡ mắc cở. Chị hai cười xòa góp phần vui; anh hai cười ngất, cười sặc sụa của người thích chí; còn mẹ thì cười hiền hòa, sung sướng, lấy tay áo chậm hai khóe mắt rưng rưng. Tôi thấy thương mẹ vô cùng, sà vào lòng mẹ. Dù là một cậu tú, nhưng với mẹ, tôi vẫn thường thích mẹ vuốt ve như thuở lên ba. Mẹ vò tóc tôi, nói với anh chị hai: 

– Bây thấy hôn? Nó làm còn như nhỏ lắm vậy! 

Mẹ hỏi tôi: 

– Bộ con có để ý bạn gái nào ở trường hả? 

Tôi lắc đầu. Mẹ bảo: 

– Vậy thì mẹ biết ai mà cưới cho con? 

Anh hai nhanh nhẩu: 

– Thì làm mai! Hồi trước chú chín cũng vậy, con cũng vậy. Có ai thương yêu ai trước đâu? (liếc sang chị hai) Chừng về ở chung cũng khoái thấy mồ… 

Anh phủi bàn tay chị hai định nhéo vào hông anh: 

– Vậy chớ hỏng phải sao? 

Rồi quay sang tôi, anh lại ngọt ngào và xôm tụ: 

– Nè, bây giờ em chưa quen ai phải không? E hèm! Hồi trước anh cũng vậy thôi. Có sao? Nhưng em phải cho thím chín và anh chị hai đây biết mẫu người em ưng thế nào thì ở đây mới kiếm cho em được chứ! Thí dụ, hồi trước anh ra tiêu chuẩn là phải vừa đẹp, vừa hiền, vừa có chút học vấn.  Em thấy hôn, chị hai đúng bon tiêu chuẩn đó, Anh thấy là khoái liền.  Hề hề…! 

Tôi thấy mặt chị hai đỏ lên vì sung sướng: 

– Nói không biết mắc cở…. 

Sẵn đà, tôi tiếp: 

– Mà phải ở miệt vườn nữa em mới chịu. 

Anh hai có vẻ cụt hứng, còn mẹ thì có vẻ vui: 

– Phải đó à bây, con gái ở vườn nó nết na, thùy mị, giỏi giang.

 Anh hai cười, lại xông xáo:

 – Trúng tủ bả rồi! Mà cũng dễ thôi! Thím bán tạp hóa lớn, mối mang miệt vườn biết bao nhiêu, nhờ họ mối lái giùm. 

Chị hai: 

– Sao hăng hái dữ! Mai mốt anh hai "chịu lạy" đó nghen! 

– Tất nhiên! Tất nhiên!

 Thói thường người ta tin tưởng vào những gì mình hy vọng, và sợ mất những gì mình có. Mẹ đã xong rồi, còn ba thì sao? Ba thường hay chiều ý mẹ dù đôi khi ý mẹ có đôi chút làm ông chẳng hài lòng, nhưng đó là những việc nhỏ đời thường, còn đây là “hôn nhân đại sự,” liệu ba có còn chiều mẹ hay không? 

Ngày hôm sau, tôi thấy ba có vẻ khác khác – vậy là mẹ nói với ba rồi! 

Ba ít nói, có chiều nghĩ ngợi. Khi giáp mặt tôi, ba mỉm cười khó hiểu. Phúc hay là họa đây?

Rồi ngày tôi chờ đợi cũng đến. “Phái đoàn” gồm ba mẹ, anh chị hai và tất nhiên có vai chánh là tôi. Thật khó tả được bao cảm xúc bồn chồn lo lắng, hồi hộp, đủ thứ lộn xộn trong lòng tôi. Mẹ tôi cứ dặn dò đủ mọi việc, hết chuyện nọ tới chuyện kia, đến nỗi khó mà nhớ hết; còn anh hai thì cứ lải nhải bên tai “bình tỉnh, bình tỉnh, đừng có run.” Nhà ông nhạc tôi (tạm gọi vậy) ở xã Ngũ Hiệp, cách thành phố Mỹ Tho 30 cây số về hướng tây. Chợ Ngũ Hiệp nằm bên kia sông, muốn qua phải nhờ một phà nhỏ. 

Từ chợ, theo lời bà mai, chúng tôi phải đi bộ thêm gần ngàn mét nữa. Nghe vậy anh hai nói với tôi: 

– Như vậy là “vườn trong vườn” rồi phải không cưng? Tiêu chuẩn một đạt hai trăm phần trăm rồi hén!

 Chị hai cau mặt: 

– Cái ông nầy lúc nào cũng đùa được. 

Thật vậy, đây là vùng trù phú đất đai, cây lành trái ngọt. không biết cơ man nào là cây trái mọng quả trĩu cành! Cam, bưởi, sa bô chê, dừa, vú sữa, nhãn, chôm chôm… Nhất là sầu riêng cây nào cây nấy “chân tay” đeo đầy nghẹt quả, hương theo gió thơm lừng. Bà mai chỉ tay về căn nhà ngói kiểu xưa (kiểu “chữ Đinh”) nói: 

– Nhà đó đó. 

Tất cả dừng lại “hội ý.” Mẹ khẩn trương thấy rõ, lại dặn dò:

 – Nhớ những gì mẹ dặn nghen con! 

– Dạ! 

Anh hai cũng thì thào: 

– Nhà cất kiểu nầy mà gặp ông già củ tỏi thì mệt lắm à nghen!

 Chị hai nạt nhỏ: 

– Ông lo cái miệng ông đó. Vô đó nói bậy đi! 

Bà mai vô trước, mẹ sửa lại áo quần tôi chưa xong thì có người ra mời vào. Giờ phút nầy tôi càng thấy tình mẫu tử bao la như thế nào. Mẹ hồi hộp như sắp bước vào nơi hang hùm nọc rắn không bằng,  điệp khúc “Nhớ nghe con!” lại phát ra! 

Vừa vào cổng, tôi bị hốt hồn vì hơn hai chục cặp mắt, đủ hạng tuổi, nhiều nhất là trẻ em chăm chú vào tôi, một bà trạc tuổi mẹ có lẽ thông cảm được điều ấy, bèn rầy đám nhỏ: 

– Nè, mấy đứa làm gì tụ tập lại đây dữ vậy? Có đi hết không? 

Đám trẻ tản đi rồi bẽn lẽn đứng nhìn. Phòng khách được bài trí hai bàn. Bàn giữa gồm ba mẹ tôi, bà mai, ông bà nhạc và hai vị cao niên. Bàn bên có anh chị hai tôi và bốn người bên gái cùng trang lứa. 

Phần tôi nghe lời mẹ là không được ngồi, mà đứng sau ghế cha mẹ, hai tay xếp lại để dưới bụng (nếu đã mời trà xong), tư thế y như lính hầu ở phủ huyện, hay các thái giám ở cung đình hầu hạ đức vua! 

Theo cách nói chuyện, lại được dịp đứng trước nhạc phụ mẫu; tôi biết ông bà là người cởi mở, dễ tính. Câu chuyện của hai “sui” càng lâu càng khởi sắc tốt đẹp. Dần dà khách khí không còn, mà như đã quen nhau từ trước vậy. 

Bỗng Ông nhạc gọi: 

– Con hai đâu, châm trà mới đi con! 

Một tiếng “dạ” thảnh thót không kém Điêu Thuyền thời Tam Quốc từ nhà dưới vọng lên làm tim tôi rộn ràng. “Phái đoàn” nhà trai ai cũng hồi hộp chờ đợi. Bởi ai cũng biết bảo “châm trà” chẳng qua là lời nói khéo cho con mình ra chào để nhà trai “coi mắt” đó thôi! 

Mẹ quay lại nhìn tôi mỉm cười, thầm bảo “hãy xem kỹ vì thời gian không lâu.” Tôi chưa kip mỉm cười với mẹ thì một kiều nữ vận bộ bà ba, không phấn không son mà má phấn môi hồng. Tóc dài phủ lưng gọn gàng bởi chiếc kẹp  vàng 14 có đính bông hồng chói lọi. Thoạt trông, tôi giật nẩy người, đến nỗi bố vợ nhìn thấy. Đợi giai nhân châm trà xong, ông vội bảo:

 – À quên nữa, cháu qua bên ngồi uống nước, hay cứ ra ngoài dạo cho thoải mái. Con hai đâu, dẫn anh ra vườn chơi đi con!

Mẹ lại quay ra tôi, nhướng mày, thầm bảo “hãy đi đi con,” vì thực ra, ông nhạc cũng ngầm ý cho tôi và vợ tôi gặp nhau để “tìm hiểu,” dù thời lượng ít oi, nhưng nếu tri túc ắt tiện túc mà thôi! Mọi sự đều được người lớn sắp xếp có bài có bản và, có màn có lớp hẳn hoi! 

Không khí bên ngoài thực thoải mái. Nhiều loại cây trái lớn nhỏ thi nhau che rợp ánh mặt trời làm mát rượi cả một không gian rộng. Vài tia sáng yếu ớt cố gắng chen vào đất tạo thành những đóm trắng lưa thưa đây đó tựa rãi hoa. Mùi sầu riêng thơm lừng. Hàng Sa Pô thẳng tắp trái nặng sai oằn. Mấy nhánh ổi cho trái bóng láng no tròn, rục mềm rơi rụng tứ tung, tỏa hương thơm bát ngát. Chim hót líu lo, bướm vờn thẳng cánh. 

Đàn ong tranh nhau hút mật của trăm ngàn hoa đủ sắc đủ màu. Rõ ràng là vùng đất lành thừa mứa cây lành trái ngọt. 

Bên sau một giọng êm đềm: 

– Biết người ta ưng hay không mà dám đi hỏi vậy? 

Tôi quay lại, thì ra là vợ tôi, (tạm gọi vậy), mà cũng là Vi, người đã làm tôi kinh ngạc đến đánh thót cả người khi nãy! 

Vi là bạn học cùng lớp với tôi hồi năm đệ Tứ. Hồi đó lớp đệ Tứ được xem là cái “móc” của sự chia tay. Bởi con trai, nếu thi rớt thì cha mẹ thường cho nghỉ để học nghề, còn thi đậu (cấp bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) thì cũng mỗi người một hướng đi: Vào sư phạm hoặc gành nghề nào đó, hoặc học tiếp ba năm nữa để lấy Tú Tài rồi lên đại học. Con gái thì ít người được học đến nơi đến chốn. Rớt hay đậu cũng thường bị cha mẹ cho nghỉ mà lo phụ việc nhà, viện lẽ con gái “học cao” khó có chồng! Vi cũng nằm trong số phận nầy. Bởi vậy cuối năm đệ Tứ, chúng tôi thường trao nhau lưu bút, mọi người đều nắn nót tuồng chữ cho trang mình; các bạn  thường tặng cả ảnh, dán vào giữa trang viết, dưới đề: 

“Thương nhau mới tặng ảnh nầy,

Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau’

Dù cho ảnh có phai màu,

Cũng đừng xé bỏ mà đau lòng người!” 

Không biết bốn câu thơ ấy là của tác giả nào, và sáng tác tự bao giờ, mà đến nay, thỉnh thoảng tôi lại thấy sau bức ảnh ”tặng nhau” của các em cũng có đề như vậy. 

Hơi lạc đề, nhưng nói thêm cho vui: Hồi đó tôi cũng có quyển lưu bút, tất nhiên khi ai nhận thì cũng nắn nót từng chữ và giữ sạch sẽ như nói ở trên. Khi tôi đưa cho thằng Nhứt, ngày sau nó trả (thường thì vậy), nó viết vào trang đôi mấy chữ tổ bố: “Lưu niệm làm cái xê bình phương (CC) gì?”, rồi láu cá ký tên giáp cả hai trang giấy! 

Tôi xem giận run. Cự nó. Nó cười: “Để sau nầy mầy nhớ tao.” 

Tôi nghe cũng xìu lòng. Quả thật, đến giờ, nó là người tôi nhớ nhất. 

Và đến ngày cuối, chúng tôi tổ chức tiệc liên hoan cuối khóa tại lớp. 

Văn nghệ xung quanh các bài hát về “Mùa chia tay,” “Tạm biệt,” “Nỗi buồn hoa phượng”… Tôi có sở trường ngâm thơ, ngâm hai bài thơ Đường Luật, bài đầu của Thầy H.C, giáo sư Sử Địa, bài nầy tôi chỉ nhớ hai câu cuối: 

“Rồi đây nếu chẳng sau mùa phượng,

Tất cũng mai kia ở chợ đời!” 

Và bài họa của tôi: 

“Việc cũ, ngàn sau vẫn đổi dời.

Chút tình tâm huyết nói sao vơi?

Luyến lưu kẻ ở đôi dòng lệ,

Tiếc nhớ người đi một góc trời

Chín tháng vui buồn trong một lớp,

Vài giây ly biệt rẽ ngàn khơi,

Đường mây một kẻ hanh thông bước,

Một kẻ lang thang giữa chợ đời!”

(Thơ Kha Tiệm Ly) 

Đám con gái mắt đỏ hoe, có đứa khóc thành tiếng. Chúng tôi lai tặng quà lưu niệm cho các bạn “nghỉ luôn.” Tôi tặng Vi cái kẹp tóc bằng vàng 14 (tôi là… “thiếu gia” mà! Vàng hồi đó rẻ lắm, đàn bà con gái chẳng thấy ai đeo, có đeo thì cũng sơ sài, đeo nhiều mắc cở, bị coi là “quê”; không thấy ai đeo cục cục như giờ. Vi tặng lại cho tôi cây bút “Pilot” nắp vàng, loại tốt nhất thời ấy.

 – Sao không trả lời? 

Vi nghiêm trang như thuở nào, tôi hơi chột dạ: 

– Thật lòng tôi không ngờ mình đi hỏi cưới Vi. Đã bao năm rồi, vả lại lúc đó mình còn nhỏ cả mà! 

– Bộ mấy năm qua không nhớ chút gì về Vi sao?

 – Vẫn nhớ về người bạn nhỏ hiền lành, nhiều nước mắt nhưng biết đâu tìm?

Vi vừa đưa tay rút cây viết trên túi áo tôi, vừa nói: 

– Xin lỗi nghe, cho Vi mượn. 

Rồi xoay cán viết, nhìn những dòng chữ khắc trên ấy, Vi có vẻ xúc động: 

– Vẫn còn giữ của Vi à? 

Tôi không đáp, nhìn hai rèm mi chơm chớp, tôi thấy Vi đẹp não nùng.

 Tôi nắm lấy tay Vi: 

– Không ngờ lại gặp lại Vi. Chẳng phải không có duyên số hay sao? Vi đồng ý nhé!

 Vi tủm tỉm cười:

 – Nếu em không ưng thì sao? 

– Thì anh về, nhưng xin gởi trái tim anh lại. 

Lại cười: 

– Rõ là thi sĩ! Em đã đồng ý từ khi bà mai nói chuyện với ba mẹ, đâu phải đến bây giờ.

Tôi trả đũa:

– Không biết mặt làm sao ưng? 

Vi kéo mái tóc về phía trước ngực: 

– Khờ quá đi! Mọi người ở đây ai không biết con trai một của tiệm tạp hóa Vạn Phát, chứ em thì rành lắm. Vị “công tử” ấy còn tặng cho em chiếc kẹp xinh đẹp nầy nữa phải không?

Trên đường về, mẹ luôn miệng với ba:

 – Con nhỏ xem nết na và lịch sự* ghê ông há?. 

Lại lo ngại: 

– Hổng biết nó có ưng thằng con trai cưng tôi không nữa?” 

Nãy giờ tôi lặng thinh, nhớ lại những lời nói của Vi mà thấy lòng hân hoan lạ. 

Thấy mẹ cứ lo lắng mãi, tôi mói nói:

 – Chắc ăn rồi mẹ ơi! Mẹ đừng lo! 

Mẹ nghi ngờ. Anh hai nói: 

– Hồi nãy ngoài vườn tụi nó nói chuyện, chỉ cần khi về, đá lông nheo một cái là kể như xong. Thím lo gì!

 Ba châm vào: 

– Hồi trước bà cũng vậy, sao bà mau quên quá! 

Không biết mẹ đánh hay phủi bụi cho ba: 

– Cha già mất nết! 

Thế là chậm lắm khoảng một tuần, mươi ngày tôi đều đến thăm nhạc gia, nhạc mẫu. Ba mẹ vợ tôi đều nhân hậu, nghiêm khắc với con cái nhưng xem chừng “dễ” với thằng rể tương lai.

 Trước khi đi, ba tôi dặn: “Con đến đó thấy cái gì làm được thì làm, chứ đừng lấy mắt ngó là không được! Ngày xưa trước khi cưới, phải làm rể ba năm: Chẻ củi, vác lúa, cày bừa, làm đủ thứ nặng nhọc, chứ chẳng phải chơi đâu!” 

Nhưng tôi biết cái gì mà làm, mà phụ? Lần đầu đến, tôi thấy ba vợ tôi đang chài cá, thấy tôi sựng rựng, ông hiểu ý, nói: 

– Con đứng chơi, ba vãi vài chài nữa ba vô. 

Thế coi sao được! Đợi mỗi khi ba kéo chài lên, tôi phụ gỡ cá, mà có được đâu! Tôi đụng tới con nào thì con ấy giãy rồn rột, rách cả tay, có khi phóng lại xuống mương; trong lúc ông bỏ vào giỏ lia lịa như bỏ nước đá vào ly vậy! 

Một lần thì thấy ông đang chiết nhánh cây, cái nầy tôi càng mù tịt, nhưng cũng có việc làm là… đưa dây cho ba tôi cột “bầu”; cái công việc không cần người phụ tá! 

Ba vợ tôi rất điệu đời, ông thường bảo vợ tôi dắt tôi ra vườn xem có “cái gì nó thích thì hái nó ăn.” Tôi biết ba tạo điều kiện cho chúng tôi chuyện trò. Ông dư hiểu, bởi nói tiếng là thăm cha mẹ vợ, nhưng chủ yếu của chàng rể tương lai nào cũng là thăm… vợ cho đở nhớ mà thôi. Nếu không, tại sao mỗi lần đến thăm mà cha mẹ vợ đi vắng thì chàng rể lại hớn hở trong lòng!

Vườn nhà vợ tôi đủ loại cây nên có trái quanh năm, chúng chen chút nhau nên chỉ cách hơn mười thước là không thấy dáng người. Tôi có cảm tưởng như hoàng tử gặp công chúa trong rừng vậy! Đến hàng dừa tơ, quày ôm trĩu trái màu vang rực, sai oằn đụng tới mép mương, Vi đưa tôi dao, bảo: 

– Chặt dừa uống nhé! 

– Trái nào đây? 

– Thì tùy chọn. 

Khổ sở lắm tôi mới đem được hai trái dừa rời quày được. Dùng dao chặt phần đầu có cuống. Dao bén ngót mà tôi phạt ba bốn nhát liền mà chưa phạm vào gáo! Vi cười khoe hai hàm răng đều như hạt bắp: 

– Để nô tì giúp cho, thưa công tử! 

Dành lấy dao, Vi chỉ phập ba nhát nhẹ nhàng mà vỏ dừa tách ra từng mảng lớn, nhát thứ tư, nhẹ hơn, chạm vào gáo, Vi thuần thục lách nhẹ lưỡi dao, để lộ phần “cái” trắng bóc mịn màng, bao quanh phần nước sóng sánh trong veo! Một tay đưa dừa cho tôi, tay kia chỉ chỉ vào trái dừa bảo: 

– Chặt dừa ai chặt phía có cuống? Phải chặt đầu nầy đây, Lưỡi dao phải để hơi xiêng. Ai đời ở trên bổ xuống… 90 độ. Làm sao đứt được? 

Lợi dụng tôi nắm lấy cổ tay tròn trịa mịn màng của Vi, ghé mũi xuống hít một hơi dài. Vi vẫn để yên nhưng bặm môi: 

– Có thấy con dao ở đây không thì bảo? 

Rồi cùng cười, tôi hít mũi chọc: 

– Còn ngọt hơn cả nước dừa! 

Đến địa phận chuyên canh sầu riêng. Ôi! Hàng hàng thẳng tắp. Không biết cơ man nào là trái đậu trên cành! Toòng teng nhỏ to đủ cở, lủng la, lủng lẳng tầng thấp tầng cao, xem vô cùng ngoạn mục. Tôi hỏi: 

– Nghe nói sầu riêng chỉ rụng về đêm, phải không?

 – Sao lạ vậy?

 – Thì… trời khiến để đừng bể đầu người! 

Vi cười ngoặt ngoẽo: 

– Sao trái dừa vẫn rụng ban ngày? Bộ trái dừa không làm bể được đầu người được sao? Chủ vườn nói vậy để cho mấy thằng ăn trộm không dám lẻn vào đó thôi! 

Rồi chỉ vào phía trước, bảo: 

– Có hai trái rụng kìa! Anh lại lượm đi! Coi chừng nó “bịch” một cái là hết có vợ đo..o..ó!

Tôi nhìn lên, thấy hàng trăm trái lòng thòng, gai tua tủa, giống như những quả chùy của các võ tướng ngày xưa. Nói dại, nếu nó mà”phịch” xuống một cái như lời Vi nói thì dù không bể đầu, thì mặt mũi chắc cũng khó coi!

Dợm chạy đi, bỗng luồng gió quái ác từ đâu lùa tới, tôi chột dạ, dừng lại. Vi cười ngất: 

– Coi vậy mà cũng sợ mất vợ hén! 

Tôi chữa thẹn: 

– Vậy chớ vợ như Tây Thi thì chết sao đành! 

Má Vi càng đỏ thêm, nắm tay lại giá giá vào tôi: 

– Cái tật nịnh… 

Tôi vừa đặt hai trái sầu riêng xuống thì Vi bảo: 

– Tách ra đi! 

Nói đoạn lại bờ rào tìm hái những nhánh bông. tôi lui cui lấy dao chặt phình phịch vào đầu không có cuống, dao cũng để xiêng một góc mà xem ra vỏ sầu riêng còn dai hơn cả vỏ dừa. Thật tình, sầu riêng tôi ăn có hàng trăm lần, nhưng mỗi lần đều được mẹ bóc sẵn bỏ vào tủ lạnh, nên có biết gì đâu! 

Tôi lật qua, lật lại, chợt nhớ tới cái vỏ sầu riêng mẹ bóc xong đâu có trầy trụa, hay mất một góc đàng đầu trái, mà xem ra nó còn nguyên vẹn giống như một chiếc xuồng! Tôi sửa lại rồi dùng dao bổ theo chiều dọc, cũng chẳng ăn thua! Mệt, tôi định gọi cầu cứu, thì Vi đã đứng sát bên tôi bụm miệng cười tự lúc nào…

 Rõ ràng là Vi biết tôi không làm được mà cố chọc chơi! Bèn ngồi xuống, lấy dao, vừa làm vừa dạy đời: 

– Hồi nãy em bảo công tử “tách” ra chứ có bảo “chặt” đâu mà làm như bửa củi vậy? Đây nè, chỗ nầy lúc nào cũng có một khe hở. Chỉ cần để mũi dao vào đây rồi dùng đòn bẩy “Ạc Shi Mét” là xong. Làm rể kiểu nầy mất vợ như chơi. 

Tôi bá lấy cổ Vi: 

– Giỏi quá, để anh thưởng cho một cái. 

Vi nhắm mắt, lắc đầu quầy quậy:

 – H..ô..ông..! 

Đợi khi tôi “chụt” xong, Vi mới mở mắt ra, chỉ tay vào vỏ sầu riêng, nói:

 – Cái vỏ sầu riêng nầy mà vô mặt thì còn hơn té thùng đinh nữa đó! 

Lần nào cũng có chuyện tương tự như vậy, thử hỏi sao tôi không khoái về thăm… ông bà nhạc? 

Gần tới ngày cưới, tội nghiệp Vi gầy thấy rõ. Sau nầy tôi mới biết, là con gái trưởng trong gia đình, Vi lo lắng sắp xếp mọi thứ, lại nghĩ tới ngày theo chồng, xa mẹ bỏ em nên đủ thứ tình cảm ray rức trong lòng. Vậy mà trò chuyện với tôi một hồi, mặt hoa lại rạng rỡ, nói nhỏ cho tôi vừa nghe, như một chuyện gì quan trong lắm: 

– Làm rể mà lỏng nhỏng không động móng tay, cứ đeo sát con gái người ta hoài không sợ bà con họ nói sao?

 Ba vợ tôi thường bảo tôi: “Con ở chợ không quen việc ở vườn. Con cứ về thăm, khỏi làm gì hết, đừng ngại, cứ coi như ở nhà con.” 

Tôi đem lời nầy nói cho vợ nghe, rồi châm thêm: 

– Vậy chứ anh có việc gì để làm?

 – Em chỉ cho. Gần tới ngày cưới rồi, phải có củi để nấu chứ! Hay là anh chịu khó ra chẻ một mớ…. 

– Ở đâu? 

Vi chỉ tay về một hàng củi được chất ngay ngắn từng ô một, dài chừng… vài chục mét, khúc nào khúc nấy cở bắp đùi… voi. Tôi chột dạ: 

– Chẻ hết sao? 

Vi làm mặt nghiêm: 

– Ừa!… Thì tới đâu hay tới đó! Ngày còn dài mà!…. 

Tôi xách búa đi mà tác phong rời rã như Hạng Võ tại bến Ô Giang! Nhưng muốn ăn phải lăn vào bếp, muốn cưới được vợ thì phải bửa củi, cày bừa… Thì ra lời ba tôi nói chẳng sai, bằng chứng là tôi cũng không ngoại lệ! 

Tôi cởi áo sơ mi máng trên cành bưởi, còn lại chiếc áo thun ba lỗ trắng tinh, vốn là “mô đen” của con nhà giàu mới có áo lót bên trong. Dù là “công tử,” nhưng tôi thường tập tạ nên bắp thịt coi cũng ngon lành. 

Tôi đếm thầm: Một, hai, “phập!”; một, hai “phập!” Có cái “phập” làm củi tách ra, có cái “phập” thì búa lại dính khắn vào củi, gỡ ra cũng tróc vải trầy vi! Khi độ mệt đã choáng váng mặt mày, nhưng còn đủ để nhận được tiếng ông nhạc ở sau lưng: 

– Bây làm cái gì vậy? 

Tôi quay lại chào ông bà vừa đi xóm về, rồi trả lời với giọng điệu của người vừa lập nên công trạng: 

– Dạ, vợ con biểu chẻ củi để khi đám cưới có mà xài! 

– Thôi, thôi! Bây “bị” nó rồi! Đi vô! Đi vô uống nước con!

 – Dạ, để con chẻ thêm một mớ nữa, ba!

 – Củi nầy ba để bán cho lò bánh mì, đâu cần chẻ! Còn củi dùng cho đám cưới thì để trong nhà kho kia, có xài mười đám cũng không hết! 

Bà nhạc lắc đầu: 

– Cái con nhỏ nầy… 

Vào nhà bà nhạc rầy Vi: 

– Chồng của mầy nó không quen làm việc nặng. Xúi dại rũi nó trợt chân trợt cẳng thì sao? 

Bà nhạc dùng tiếng “chồng mầy” tôi thấy ấm áp lạ lùng! Còn vợ tôi thì chúm chím cười, còn liếc qua tôi với ánh mắt còn bén hơn… lưỡi búa, lại chu đôi môi đỏ ao chế nhạo. 

Thế mà bao mệt mỏi trong tôi biến mất tiêu! Lạ thiệt!

Phải nói trong đời thường, về sự thông minh, lúc nào vợ cũng hơn tôi một phép. Khi về làm dâu vợ tôi đã chứng minh đầy đủ điều đó. Ngoài sự hiếu thảo với cha mẹ chồng, vợ tôi còn nhiều đức tính như nhân hậu, cần kiệm… 

Thuở đó, ở thành phố “nhà giàu” mới có tủ lạnh (ti vi chưa có), còn dưới quê thì tuyệt đối không, bởi có điện đâu mà xài! Nên những ngày đầu, tủ lạnh đối với vợ tôi là một phát minh khoa học lớn lao, nó đủ công năng, nên có cái gì cũng “thồn” vô trong đó. Có lần mẹ tôi mở tủ lạnh, rồi nói với vợ tôi: 

– Tô mắm nêm nầy, con đừng có để vào đây, nếu không tất cả cái gì trong nầy đều có mùi mắm nêm hết. 

Chỉ chờ có dịp nầy, tôi cười hí hí: 

– Trái cây mà có mùi mắm nêm ăn càng ngon chứ sao mẹ? 

Mẹ cười, còn vợ tôi cứ đem cái sở trường là bắn nửa mắt vào tôi.

 Tôi khoái chí, nói theo kiểu đá banh thì “gỡ” được một, nhưng dường như chỉ có một mà thôi! 

Khi con chúng tôi đã lớn, tuổi có thể về quê thăm ngoại một mình, thế mà một tối cả nhà xem “ti vi,” không phải nhằm đoạn hài mà vợ tôi cười ngất. Con hỏi, “sao tự nhiên mẹ cười?” Một lát vợ tôi mới trả lời được: 

– Mẹ thấy bộ tướng ông thái giám đứng khúm núm kia giống “mấy thằng cha” lần đầu coi mắt vợ quá! Hi! Hi! 

Biết bị xỏ ngọt nhưng tôi biết gì hơn ngoài làm…thinh! May sao đến chương trình quảng cáo, quảng cáo tủ lạnh, tôi nói tỉnh bơ: 

– Tủ lanh đời mới coi bộ tốt à nghen! Nó tự khử mùi, dù “mấy con mẹ” ở vườn có để mắm nêm vô đó cũng không sợ hôi. Ha! Ha!… 

Tức thì vành tai tôi bị kéo ra cả thước, tiếp theo là một giọng tru tréo, muốn nổi da gà:

 – Trời..u.u..i! Chuyện cũ nhắc hoài! Nhắc hoài! 

Vậy đó, “chuyện xưa” thì vợ tội nhắc được, còn “chuyện cũ” tôi nhắc thì như bị muốn nhai xương! 

Có vợ miệt vườn, miệt quê là vậy đó quý bạn! 


KHA TIỆM LY


* Lịch sự: Ở đây có nghĩa là đẹp, duyên dáng

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Vui cười : LỜI THẬT... - St trên FB.

 LỜI THẬT... !!!



Thơ : NGHĨ VỀ BA TẤM ẢNH... - Bùi Chí Vinh.

 




NGHĨ VỀ BA TẤM ẢNH SÀI GÒN NĂM 1967

Năm ấy tôi mới 13 tuổi 

Học sinh Trần Lục ở Sài Gòn 

Chưa biết thế nào là cách mạng 

Chỉ biết đùa chữ nghĩa văn chương 


Năm ấy tôi còn ngây thơ lắm 

Chỉ lén nhìn em lúc đến trường 

Có chàng ngơ ngác mơ áo trắng 

Hết Gia Long rồi đến Trưng Vương 


Năm ấy vẫn còn xe thổ mộ 

Hàm Nghi vó ngựa gõ giang hồ 

Những tay xà ích đầy bí ẩn 

Chở hồn tôi về tuốt ngoại ô 


Năm ấy con người chưa biết ác 

Ra đường nhân lễ nghĩa biết bao 

Chẳng ai muốn làm Lương Sơn Bạc 

Bởi chung quanh tình nghĩa đồng bào 


Năm ấy giờ đây là quá khứ 

Những gì tươi đẹp đã qua rồi 

Sau một trận tương tàn lịch sử 

Sài Gòn xưa nhói buốt tim tôi ... 

20-10-2024

BÙI CHÍ VINH. 

Dấu thời gian : BỐ GIÀ... - St trên FB.

 



BỐ GIÀ AI KHÉO ĐẶT TÊN? 

Cần thấy, hai chữ “Bố Già” nổi danh đến mức vài năm trước, một ê-kíp làm phim tại xứ này đã đưa một câu chuyện xã hội trong xóm nhỏ lên màn ảnh rộng, dĩ nhiên không hề có chút hơi hướng Mafia Việt Nam nào và cũng chẳng có một nhân vật “cha đỡ đầu” làm trùm băng đảng nào - Cứ thế hốt bạc. Chắc chắn một điều họ cũng chẳng hiểu biết cho lắm về ý nghĩa hai chữ ấy, nguyên thủy là gì và ai đã đặt ra nó, nên người khác có quyền ngờ vực là họ cũng chẳng cần hỏi ý kiến của ai về quyền sử dụng hai chữ đó vào một câu chuyện lạ hoắc trên màn bạc. Trong khi, nhân vật được gán cho biệt danh “Bố Già” thật trong phim đó, lại chưa thực sự quá già và có tí oai quyền nào - Thành ra nghe hài hước. Cũng như phim Đất Rừng Phương Nam về sau, mặc nhiên có Thiên Địa Hội khuynh đảo đời sống xã hội từ miệt vườn ra thành thị. Nhưng xứ mình nó thế!

… Một buổi sáng tháng Chạp năm 1972, một người đàn ông gầy, mặt nhỏ choắt, mặc chiếc sơ-mi màu cháo lòng, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay, bước vào tòa soạn Văn trên đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn. Lúc đó có 2 nhà văn Mai Thảo và Nguyễn Xuân Hoàng tại tòa báo. Ông Mai Thảo giới thiệu với ông Xuân Hoàng người vừa đến tên là Tú, tức Ngọc Thứ Lang, dịch giả cuốn Bố Già của Mario Puzo.

“Mình đi uống cà-phê đi!” - Mai Thảo rủ. Quán nhỏ nằm bên hông tòa soạn của bà Tư người Nam rất dễ tính, xởi lởi và hệch hạc. Bà vẫn thường cho nhiều nhà báo ghi sổ nợ để cuối tháng trả một lần cho tiện, mặc dù Xuân Hoàng ít khi được dịp trả, vì Bố già Vượng - Lại một “bố già” nữa trong làng xuất bản, cũng là người đỡ đầu cho tạp chí Văn - luôn luôn thanh toán hộ trước kỳ hạn.

Thường Xuân Hoảng vẫn quen ngồi uống cà-phê sáng ở quán Cái Chùa (La Pagode) với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, chỉ hôm nào không ra đó, mới ăn sáng ở quán bà Tư. Ở đây không có gì khác hơn là bánh mì hột gà (ốp-la hay ô-mơ-lét) và cà-phê đen hay sữa. Quán nhỏ nằm bên hông nhà của một tiệm ảnh sát tòa soạn Văn, chỉ có hai ba chiếc ghế lèo tèo, loại ghế cao đóng bằng gỗ tạp.

Ngọc Thứ Lang ít nói. Ông Mai Thảo hôm đó cũng không nói nhiều. Chưa uống hết ly cà-phê, Ngọc Thứ Lang là người đứng dậy trước dợm bước đi, Mai Thảo đứng dậy theo và kín đáo dúi vào tay Ngọc Thứ Lang mấy tờ giấy bạc. Đó là lần đầu tiên và lần duy nhất Xuân Hoàng gặp dịch giả Bố Già - Ông không có cơ hội nào khác để gặp.

Xuân Hoàng đọc cuốn Bố Già bản tiếng Việt của Ngọc Thứ Lang và cuốn sách đã lôi cuốn ông mạnh mẽ. Thời gian đó ông đang thực hiện một loạt bài dưới tên Nhà Văn Ở Phút Nói Thật, phỏng vấn các ông Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Mai Thảo, Bùi Giáng, Viên Linh, Nguyễn Mạnh Côn… Bỗng nhiên sau hôm đó, Xuân Hoàng thấy muốn phỏng vấn một người dịch là Ngọc Thứ Lang.

Bố Già Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tờ Văn cười bảo: “Phỏng vấn chi người dịch Bố Già, cứ phỏng vấn trực tiếp Bố Già có hơn không?” - Bởi vì mọi người vẫn thường gọi ông là Bố Già. Tuy nhiên thời gian đó có quá nhiều việc phải làm nên Xuân Hoàng quên luôn chuyện đi tìm Ngọc Thứ Lang để hỏi, vì đâu ông ấy nắm bắt được cái ngôn ngữ kỳ lạ của thế giới Mafia như thế.

Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt mà chính Xuân Hoàng vẫn chưa được xem phim Bố Già trên màn ảnh lớn. Bố Già Nguyễn Đình Vượng thì đã mất trước đó một năm. Gia đình, bạn bè thì đã ly tán. Cả thành phố chìm trong bóng tối. Xuân Hoàng quên mất Bố Già Mario Puzo. Ông cũng không nhớ có một người tên Ngọc Thứ Lang đã dịch cuốn Bố Già tuyệt hay.

Năm 1986, từ Bataan Phi Luật Tân đến Mỹ, tình cờ Xuân Hoàng được xem cuốn video Bố Già. Ông có cảm giác giống như ông Hoàng Hải Thủy, cuốn phim không lôi cuốn như khi đọc sách, mặc dù đó là một trong những tác phẩm lớn của điện ảnh Hoa Kỳ. Sự chờ đợi quá lâu đã làm tình cảm người ta nguội lạnh chăng? Xuân Hoàng không tin như thế. Bởi có những tác phẩm điện ảnh, như Bác Sĩ Zhivago, sau bao nhiêu năm, xem lại vẫn làm trái tim người ta rung động như mới ngày nào vừa gặp người đàn bà định mệnh Lara từ cuốn tiểu thuyết của Boris Pasternak bước lên màn ảnh. Khuôn mặt đam mê quyến rũ ấy cứ theo đuổi không ít người mãi suốt những tháng năm trong đời mình.

… Cho đến hôm Xuân Hoàng đọc một bản tin cho biết tác giả The Godfather đã qua đời hôm 1 tháng Bảy 1999 tại thành phố Bay Shore, New York, thọ 78 tuổi, làm ông nhớ lại hình ảnh người đàn ông gầy gò, chiếc sơ-mi màu cháo lòng, hai tay áo dài che lấp hai bàn tay, một buổi sáng nào đã bước vào tòa soạn tạp chí Văn trên đường Phạm Ngũ Lão. Bây giờ Ngọc Thứ Lang ở đâu, người dịch giả tài năng ấy?

Ông Hoàng Hải Thủy nói Ngọc Thứ Lang mất cách thời gian ấy cũng đã 20 năm rồi. Sau 1975, hai nhà xuất bản ở Việt Nam giành nhau in lại bản dịch Bố Già của ông Tú, giờ đây không phải trả tiền bản quyền người dịch nữa. Một nhà xuất bản Việt ở hải ngoại cũng đã in Bố Già và cũng miễn chi tiền bản quyền cho Ngọc Thứ Lang.

Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết best-seller từng bán đến 21 triệu quyển, qua đời ở nhà riêng trong thành phố Bay Shore, New York, ngày Một tháng Bảy 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già, qua đời ở trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con. Theo trí nhớ Hoàng Hải Thủy thì ông đã gặp Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang, công tử Bắc Kỳ vào năm 1951 tại Sài Gòn. Đó là năm mà cả hai ông đều mới ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng ở vào tuổi đó, Tú đã là người chơi trội hơn Hoàng Hải Thủy nhiều: Đánh roulette ở sòng bạc Kim Chung và hút thuốc phiện. Năm 1955, mới chừng 25 tuổi, Nguyễn Ngọc Tú đã kiếm được nhiều tiền. Ông in và bán quyển Tại Sao Tôi Di Cư cho Bộ Thông Tin chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời bộ trưởng Phạm Xuân Thái. Năm đó Nguyễn Ngọc Tú có trong tay cả trăm nghìn đồng, một số tiền rất lớn thời bấy giờ. Ông ăn diện như một tay chơi thứ thiệt, áo sơ-mi hàng nhập từ Paris sang chỉ có trong một cửa tiệm trên đường Tự Do, đồng hồ vuông mặt đen, mũ Mossant, cặp da, máy chữ, hút thuốc lá Philip Morris vàng loại King size, bật lửa Dupont, cơm Tây, rượu chát...

Vào giai đoạn đó, Nguyễn Ngọc Tú gặp tình yêu. Nhưng mối tình trắc trở. Người yêu ông tự tử và cuộc đời ông bắt đầu xuống dốc không phanh. Ông nằm luôn trong căn nhà bán thuốc phiện ở khu Monceaux, Tân Định. Ăn, hút và ngủ luôn trong nhà đó. Để có tiền hút, Tú bán dần đồng hồ, máy chữ, cặp da và trở thành người nghiện nặng. Những năm 1970, ông viết cho tuần san Thứ Tư của Nguyễn Đức Nhuận và nhiều báo khác với bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Khi Nguyễn Đức Nhuận đưa cuốn The Godfather cho Ngọc Thứ Lang dịch, ông đã chọn tên Bố Già cho bản dịch của mình. Và cuốn sách trở thành tác phẩm ăn khách của Sài Gòn những năm 1971-72. Năm 1976, ông bị bắt đi phục hồi nhân phẩm ở Bình Triệu. Trung tâm cai ma túy nằm trong tòa nhà Tu viện Fatima. Một nữ ký giả ngoại quốc đến thăm Trung tâm ngạc nhiên khi biết Nguyễn Ngọc Tú, một con người thân tàn ma dại đang đứng trước mặt mình là dịch giả cuốn The Godfather của Mario Puzo. Cô nhà báo không tin. Và ông được phép về Sài Gòn mang cuốn sách dịch lên Trung tâm cho cô ký giả thấy là thật.

Người ta còn nhớ khi cuốn tiểu thuyết viết về tổ chức Mafia ở Hoa Kỳ của Mario Puzo được Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ vào năm 1972 dưới tên Bố Già thì lập tức, như tác phẩm nguyên bản của nó, Bố Già trở thành cuốn sách ăn khách nhất thời bấy giờ. Mặc dù đó là thời điểm mà cuộc chiến Việt Nam đang bước vào những giây phút ác liệt nhất, thời mà Phan Nhật Nam viết Mùa Hè Đỏ Lửa.

Người Sài Gòn rất mê cuốn tiểu thuyết Bố Già, và chờ đợi xem cuốn phim thực hiện theo tác phẩm này, nhưng cho đến năm 1975, chưa người Sài Gòn nào được xem phim Bố Già do Marlon Brando đóng vai Don Corleone. Mặc dù như lời Hoàng Hải Thủy, ngay từ đầu năm 1975, người ta đã cho nhập cảng cuốn phim này vào Việt Nam, nhưng phim vẫn chưa được trình chiếu trước công chúng. Tại sao? Hoàng Hải Thủy cho biết vì những người nhập phim còn chờ đợi ngày lành tháng tốt mới đem ra chiếu để hốt bạc. Sự chờ đợi của những con buôn ấy không bao giờ trở thành hiện thực. Cuốn phim ấy đã đi qua và mãi hơn 20 năm sau người Sài Gòn mới được xem Bố Già trên băng video.

Với Mario Puzo, sau Bố Già ông vẫn không ngừng viết. Năm 1996, ông viết The Last Don – Bố Già Cuối Cùng, nhưng không mấy ăn khách, và tác phẩm cuối cùng của ông là Omerta (Luật Kín Miệng) được ấn hành năm 2000. Đó là cuốn sách mà tác giả không còn cơ hội nhìn thấy mặt mũi chính đứa con tinh thần của mình.

… Cho mãi tới gần đây, tháng 10/2024, khi ấn bản dịch The Godfather mới nhất của nhà xuất bản Đông A đem phát hành toàn quốc với giá bán lẻ 200 nghìn một quyển bìa mềm (1), người ta vẫn không thể tìm được chữ nào khác cho The Godfather, tên sách vẫn cứ là Bố Già. Mà không biết có ai nhớ Ngọc Thứ Lang. Cũng chẳng ai buồn nhớ, The Godfather đi qua cuộc đổi đời tại Việt Nam, đã được tái bản bao nhiêu lần!

SƯU TẦM. 

Thương nhớ : THÀNH PHỐ MƯA BAY - St trên FB & YT

 



THÀNH PHỐ MƯA BAY.

Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Bằng Giang - tác giả của bài hát Thành Phố Mưa Bay, Người em xóm đạo, Người về đơn vị mới... Ông qua đời vào ngày 8 tháng 10 năm 2024 tại tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. 

Nhạc sĩ tên thật là Trần Văn Khôi, sinh năm 1939 tại Biên Hòa. Ngoài một số sáng tác riêng, ông còn hợp soạn với nhạc sĩ Tú Nhi (tức ca sĩ Chế Linh) cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như Đêm buồn tỉnh lẻ, Bài ca kỷ niệm....

Vào năm 2020, trong dịp Jimmy đến thành phố Atlanta để quay phỏng vấn cô Thiên Trang, Jimmy cũng đến thăm nhạc sĩ Bằng Giang. Lúc đó vì bạo bệnh liên quan đến cuống họng nên ông không còn nói được nữa mà chỉ viết ra giấy.

Cám ơn ông đã để lại cho đời nhiều nhạc phẩm hay, trong đó có bài THÀNH PHỐ MƯA BAY mà Jimmy rất yêu thích.

Kính tiễn biệt nhạc sĩ Bằng Giang, nguyện cầu hương linh nhạc sĩ an nghỉ nơi vĩnh hằng.

JIMMY.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Thơ : MƯA ĐỪNG RƠI NỮA - Kim Dung.

 



MƯA ĐỪNG RƠI NỮA 

Mưa vẫn rơi .... mưa rơi hoài không dứt

Như nỗi buồn ray rứt mãi không nguôi

Mưa ơi mưa xin mưa đừng rơi nữa

Cõi lòng tôi không chứa nổi ... ưu phiền

KIM DUNG.

Khó tin : KẺ TRỘM CÓ TÂM - BBC tiếng Việt.

 

(Cảnh sát Gwent: Ông Damian Wojnilowicz)

KẺ TRỘM CÓ TÂM


Một phụ nữ ở xứ Wales (Vương quốc Anh) đi làm về nhà và phát hiện một tên trộm đã phơi giùm áo quần, bỏ đồ vào tủ lạnh và đồ ăn được nấu sẵn trên bếp.

Damian Wojnilowicz, 36 tuổi, đã bị tòa Cardiff phạt 22 tháng tù giam vì tội đột nhập phi pháp tại Monmouthshire vào ngày 16/7.

Nữ chủ nhà cho biết bà sợ đến mức không dám ở nhà sau khi đi làm về và phát hiện đồ đạc đã được chuyển ra vườn, còn thùng rác thì được dọn sạch. Trong khi người hàng xóm cho biết đã thấy có người phơi áo quần giùm.

Tên trộm còn để lại tờ giấy với nội dung: "Đừng lo, vui vẻ đi, ăn hết đồ ăn rồi mà đi kiếm sống nhé!"

Trong nhà một đôi giày đã được mang ra khỏi hộp, chậu cây cũng được dọn dẹp.

Sau đó, Damian Wojnilowicz đã có vụ đột nhập ở một ngôi nhà khác vào ngày 26/7, tắm bồn và giặt giũ tại đó.

Theo thông tin, Damian Wojnilowicz là một người vô gia cư, đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và đã gửi lời xin lỗi đến các chủ nhà về hành vi của mình.


BBCTiengViet (10 - 2024)


Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Thơ : CHO NGƯỜI TÌNH LỠ - Thạch Thảo BD.

 



CHO NGƯỜI TÌNH LỠ 


Biển gọi Trường Sa chiều buổi ấy 

Có chàng trai trẻ tuổi đôi mươi 

Bút nghiên xếp lại xa bè bạn 

Xa cả người thương chẳng hẹn hò.


Năm tháng lênh đênh cùng sóng gió 

Hải hành tất bật chuyện nhà binh

Tình xưa xóm nhỏ càng lăn lắc 

Thương nhớ buồn vui tự dỗ dành.


Đành duyên không nợ Tình đang dở

Sao vẫn trong tim bóng một người 

Cái thuở ban đầu ơi khó tả 

Sao còn đeo đẳng mãi không thôi.


Tạ lỗi cùng tình xa thuở ấy 

Lỡ làng thương. Để nhớ nhau hoài.


Thạch Thảo BD


Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Hơn nữa : ÔI LỊCH SỬ! - Nguyễn Khắc Cần.

 



💥 ÔI LỊCH SỬ  ! 💥

     Lịch sử, vốn dĩ được xây dựng dựa trên những khám phá khảo cổ và các bằng chứng được tìm thấy qua hàng thiên niên kỷ, có thể sẽ phải viết lại khi những phát hiện gần đây dần làm sáng tỏ những bí ẩn về các công trình cổ đại.

      Một trong những ví dụ điển hình là những bức tượng khổng lồ trên Đảo Phục Sinh. Trước đây, các nhà khảo cổ chỉ tập trung vào phần "đầu" của những bức tượng đá lớn, mà mọi người nghĩ rằng chúng là những pho tượng đơn lẻ, không có phần thân. Tuy nhiên, các cuộc khai quật mới đây đã tiết lộ rằng những "chiếc đầu" này thực chất chỉ là phần nổi của những tượng đá khổng lồ với toàn bộ cơ thể bị chôn vùi dưới lớp đất. Việc phát hiện ra các pho tượng khổng lồ này đã khiến giới khoa học bối rối về việc làm thế nào những tượng đá nặng hàng tấn này có thể bị chôn vùi sâu đến 20 mét dưới lòng đất mà không bị hư hại.

Câu hỏi đặt ra là: người xưa đã làm như thế nào? Trên một hòn đảo nhỏ cô lập giữa Thái Bình Dương, với dân số hạn chế, làm sao người dân Đảo Phục Sinh có thể xây dựng và di chuyển những pho tượng khổng lồ như vậy mà không có nguồn lực dồi dào như những nền văn minh lớn khác, chẳng hạn như Ai Cập cổ đại. So sánh với các kim tự tháp ở Ai Cập, nơi các công trình kỳ vĩ được xây dựng nhờ sự huy động hàng chục ngàn lao động từ một đế chế rộng lớn, câu hỏi càng trở nên khó giải thích hơn. Điều gì đã xảy ra với những người dân trên hòn đảo này, và bằng cách nào họ có thể xây dựng những công trình kỳ vĩ như vậy?

Không chỉ riêng Đảo Phục Sinh, mà trên thế giới còn nhiều bí ẩn khảo cổ khác có thể khiến lịch sử phải thay đổi cách nhìn nhận. Nan Madol, một thành phố cổ nằm trên một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, cũng gây ra nhiều thắc mắc. Những cấu trúc đá khổng lồ của thành phố này đã được xây dựng với kỹ thuật tiên tiến vượt xa những gì mà một cộng đồng dân cư nhỏ bé có thể thực hiện, nhất là trong điều kiện cô lập hoàn toàn giữa biển khơi. Giống như Đảo Phục Sinh, câu hỏi về nguồn nhân lực và công nghệ để xây dựng một thành phố đá trên một hòn đảo nhỏ cũng khiến giới khoa học bối rối.

Một bí ẩn khác, nằm ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, là khu phức hợp megalith Göbekli Tepe, một công trình cổ xưa được chôn vùi hoàn toàn và chỉ mới được phát hiện trong những thập kỷ gần đây. Được xây dựng từ hơn 11.000 năm trước, Göbekli Tepe không chỉ là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất thế giới mà còn là một trong những bí ẩn lớn nhất. Những nghiên cứu gần đây bằng georadar đã phát hiện ra rằng, dưới lòng đất của khu vực này, có hàng chục công trình megalith tương tự, chưa được khai quật. Các nhà khoa học đang tự hỏi liệu một nền văn minh cổ đại nào đó, hiện vẫn chưa được biết đến, đã từng xây dựng nên những công trình này trước khi biến mất do một thảm họa tự nhiên hoặc một lý do nào khác.

Câu chuyện về các nền văn minh bí ẩn như Đảo Phục Sinh, Nan Madol hay Göbekli Tepe đang thách thức những hiểu biết hiện tại của chúng ta về lịch sử nhân loại. Với những phát hiện mới liên tục xuất hiện, lịch sử không còn là một câu chuyện đã hoàn tất mà là một bức tranh đang dần hoàn thiện, với nhiều mảnh ghép còn chưa được khám phá. Những công trình khổng lồ, những nền văn minh biến mất bí ẩn, và những câu hỏi chưa có lời giải đáp tiếp tục khơi gợi trí tò mò của loài người, thúc đẩy chúng ta nhìn lại quá khứ và suy ngẫm về những điều chúng ta có thể chưa biết về chính mình.

  

  (Nguồn: Nguyễn Khắc Cần)

Thư giãn : TÌNH DỤC TUỔI XẾ CHIỀU - Sưu tầm trên FB.

 



TÌNH DỤC TUỔI XẾ CHIỀU

Ông chồng nghiêng người và hỏi vợ: "Em có nhớ lần đầu tiên anh đưa em tới ... thiên đường hơn năm mươi năm trước không? Chúng ta đã đi ra sau quán rượu của làng, em tựa vào hàng rào phía sau và chúng ta ... yêu nhau."

"Vâng," bà đáp, "em nhớ rất rõ."

"Vậy thì," ông nói, "hay mình đi dạo qua đó một lần nữa và ôn lại ngày xưa nhé?"

"Ô, anh thật là quỷ quyệt, nghe có vẻ điên rồ, nhưng cũng là ý tưởng hay đó!"

Một viên cảnh sát ngồi ở bàn bên cạnh nghe thấy cuộc trò chuyện của họ, vừa cười thầm vừa nghĩ, mình phải xem kiểu yêu nhau của hai ông bà già này dựa vào hàng rào mới được. Anh quyết định theo dõi để đảm bảo không có rắc rối gì xảy ra. 

Cặp đôi bước đi loạng choạng, tựa vào nhau để đỡ, còn dùng thêm gậy để hỗ trợ. Cuối cùng, họ đến phía sau quán rượu và tiến đến hàng rào. Bà cụ ... vén phứa lên, còn ông cụ thì kéo xuống. Khi bà cụ tựa vào hàng rào, ông cụ tiến lại gần ... Rồi bất ngờ họ bùng nổ giống như trong một phim sex mãnh liệt nhất mà viên cảnh sát từng thấy. Họ cứ thế suốt khoảng mười phút, cả hai đều rên rỉ và la hét inh ỏi. Cuối cùng, họ gục xuống, thở hổn hển trên mặt đất.

Viên cảnh sát kinh ngạc. Anh nghĩ mình đã học được điều gì đó về cuộc sống và tuổi già mà trước đây chưa biết. Sau khoảng nửa tiếng nằm thở, cặp đôi này mới gượng dậy và mặc lại quần áo. Viên cảnh sát vẫn đứng quan sát và tự nhủ, thật đáng kinh ngạc, mình phải hỏi họ bí quyết là gì mới được.

Vì vậy, khi cặp đôi đi ngang qua, anh nói: "Xin lỗi, nhưng chuyện vừa rồi thật là kỳ diệu. Hai bác hẳn đã có đời sống tình dục tuyệt vời cùng nhau. Có bí quyết nào không ạ?"

Run rẩy, ông cụ chỉ vừa đủ sức trả lời:

"Hồi năm mươi năm trước, chỗ này chưa phải là hàng rào điện."


Nguồn sưu tầm

Tản mạn : TIẾNG VIỆT BA MIỀN... - Vũ Thế Thành.

 



TIẾNG VIỆT BA MIỀN CHUẨN ƠI LÀ CHUẨN!…


Hồi tôi học Đệ Lục (lớp 7 bây giờ), cô giáo Việt Văn người Bắc (chắc là dân 54) đọc chính tả, “đập cửa rầm rầm” thành “đập cửa dzầm dzầm”.

Với môn luận văn, tả tình tả cảnh thì tôi dốt nát, nhưng môn chính tả thì tôi khó… thua, ngay từ thời tiểu học, tôi luôn luôn dẫn đầu môn chính tả. 

Lần đó, tôi quyết định viết “dầm dầm” y như phát âm của cô giáo. 

Kết quả là tôi bị bắt lỗi. 

Sai hai lỗi giống nhau, nên bà cô ra ơn, trừ một điểm. 

Chỉ chờ có thế, tôi khiếu nại. Cô giáo chẳng nói gì, nhưng vẫn trừ điểm.

Người Bắc thường phát âm nặng , vần “tr” thành “ch” (“trời” thành “chời”) như tác giả Huyền Chiêu “bắt lỗi” trong bài Bắc kỳ di cư. 

Bắt lỗi người ta mà trong lòng lại… thích thú với lỗi đó.

Người Bắc cũng hay đọc vần “r” thành “dz” như “Năm năm rồi không gặp”, nhiều ca sĩ Bắc (cả ca sĩ trong Nam nữa) đều hát thành “ Năm năm “dzồi” không gặp”…

Dân Nam và Trung phát âm còn trớt quớt hơn nữa, nhất là dân Miền Trung, tới miệt Quảng Bình, phát âm nghe không hiểu nổi. 

Có lần ở một bến đò xứ Huế, bà chủ đò chắc bị ai đó giựt mối, nổi cơn la hét chửi rủa một tràng, tôi ngây người, không hiểu được câu nào… (May mà tôi không hiểu).

Đâu đó cách nay 15 năm, tôi ra Đà Nẵng dự hội thảo, nhân tiện ghé Huế thăm bè bạn. 

Cậu tài xế chưa biết Huế là gì nên tôi dẫn vào thăm Đại Nội. 

Tình cờ gặp một cô hướng dẫn viên du lịch, trạc ngoài 30, mặc áo dài tím, đội nón lá đang thuyết minh cho du khách, giọng lúc trầm, lúc bổng, nhẹ như hơi gió… 

Tôi vốn không tin gì lắm vào thuyết minh du lịch ở VN, nên tiếp tục đi. 

Quay lại, tài xế mất tiêu. 

Đi tìm, thấy cậu ta đang đứng ngẩn người nghe thuyết minh. 

Tôi khều, anh ta miễn cưỡng đi theo như người mất vía. 

Hỏi, nghe có hiểu gì không? – Thẩn thờ lắc đầu. Anh tài xế quê gốc gác Mỹ Tho. 

Cho mày chết! 

Nghe giọng con gái Huế thủ thỉ con trai miền Nam như bị chích thuốc tê, bất kể nội dung là gì cũng không cần biết.

Hồi xuống An Giang, theo đoàn làm phim tài liệu nước mắm cá đồng, tôi phỏng vấn một bà làm nước mắm cá linh. 

Bả nói, năm nào mùa nước lên thu được cá linh gặt… 

Tôi ngắt lời, cá linh gặt là loại cá linh thế nào? 

Ngữ Yên, kẻ lê la ăn vặt miền Tây phá lên cười, dù đang ghi âm thu hình. 

Té ra, “gặt” là “rặt”. 

Cá linh “gặt” nghĩa là “rặt” toàn là cá linh, tỉ lệ cá tạp ít.

Với tôi, đó là chỉ là phát âm riêng vùng miền. 

Tôi luôn luôn tôn trọng kiểu phát âm của họ, dù họ có nói, “lạnh lùng” thành “nạnh nùng”, hay “cá rô” thành “cá gô”,… 

Thật ra đôi khi tôi còn cảm thấy khó chịu khi có người nhại giọng vùng khác hàm ý chê bai người ta quê mùa.

Nói cho cùng, chẳng có vùng miền nào phát âm tiếng Việt đáng gọi là “chuẩn”cả. 

Vùng nào ít ra cũng phát âm vài từ không đúng. 

Điều này tạo ra đặc trưng của giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn, giọng Nẫu, giọng Huế,…

Từ “chuẩn” chỉ xuất hiện sau năm 75 để chỉ sự độc tôn kiêu hãnh, phát âm phải như thế này… này mới gọi là… “chuẩn”. 

Đành thế, ngay cả phương ngữ cũng phải… chuẩn, “chả lụa” phải nói là “giò lụa”, chả giò phải gọi là nem rán mới… chuẩn. 

Tính đa dạng của ngôn ngữ bị cầm tù.

Rốt cuộc “chuẩn” là cái con… mẹ gì, tôi cũng không biết.

VŨ THẾ THÀNH. 

Thư giãn : BA BỐN CÁI "ĐẢM ĐANG" !!! - Trần Thanh Cảnh.




 BA BỐN CÁI "ĐẢM ĐANG" !!!


    Xưa, tay hàng xóm làng tôi lấy phải cô vợ đần, hơi bực. Thế nhưng ngoài cái đần, mọi cái khác đều ngon nên tắc lưỡi: "đần thì dạy dần cũng khôn, chứ cái khác có đem đất sét về nặn cũng chả nên"!

Được cái cô vợ cũng biết mình đần, không đảm như hầu hết các bà các cô trong làng, nên cũng chú ý nghe lời chồng...

    Một tối, chồng bảo: "mẹ mày mai dậy sớm nấu cám lợn thì bắc chõ đồ cho tôi ít xôi, mai rằm cúng thành hoàng."

    Sáng vợ dậy sớm tinh mơ. Ngồi nghĩ một lúc. Rồi bắc nồi cám lợn lên bếp, trên nồi cám ả đặt luôn chõ xôi, rất tiện, khỏi phải hai bếp! Rồi ả thấy hơi nóng bốc lên nghi ngút, chợt nhớ cái váy sồi giặt tối qua chưa khô. Mà chiều mai phải mặc sang ngoại ăn cỗ...

Ả bèn ra hiên nhà, lấy cái váy sồi phủ lên chõ cho chóng khô!

Lát sau, chồng dậy. Xuống bếp xem xôi oản thế nào còn ra đình làng. Nhìn. Hỏi:

- Cô làm cái trò gì thế này?

- Tôi nấu cám lợn, tiện thể đồ xôi, hong luôn váy ướt! Mình thấy tôi đảm đang chưa...

Ông chồng không nói nổi lời nào, điên tiết, cho ả hai bạt tai...

Ả ngồi khóc rên rỉ: "dưới tôi nấu cám lợn, giữa tôi đồ xôi, trên tôi hấp váy...một mình tôi ba bốn cái đảm đang thế mà ông chả khen, lại còn đánh tôi, huhuhu..."

   Chồng đành câm miệng hến!

TRẦN THANH CẢNH. 

Lưu danh : BÁC VẬT LANG - Kha Tiệm Ly.

 



BÁC VẬT LANG

 

 Vào đầu thế kỉ 20, ở Nam Bộ có một nhân vật rất nổi danh, đến nỗi tên của ông đã đi vào huyền thoại. Người ta đã gọi ông với lòng tôn kính và sự bái phục như với một người đầy đủ đức hạnh và một bậc trí giả tài năng tót chúng: Bác Vật Lang.

 

Ông tên thật là Lưu Văn Lang, sinh ngày 5 tháng 6 năm 1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân nhưng có truyền thống hiếu học.

 

Thân sinh của ông là  Lưu Văn Cung; Từ nhỏ ông học chữ Nho, đến năm lên 10, ông mới học chữ Pháp và  Quốc Ngữ.

 

Ông là học sinh xuất sắc nên được đặc cách vào học ở trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn, để rồi năm 17 tuổi, ông đậu Tú Tài với điểm ưu, và được học bổng sang Pháp học tại trường École Centrale de Paris, là trường đào tạo kĩ sư lớn nhất tại Pháp thời bấy giờ. Năm 1904, ông tốt nghiệp kĩ sư hạng xuất sắc (hạng 3/250), trở thành vị kỹ sư bản xứ đầu tiên ở Đông Dương.

 

Khi về nước, ông được người Pháp trọng dụng và cho giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Sở Công Chánh Đông Dương

 

Từ thực tài…

 

Khi cầu Long Thạnh ở Bạc Liêu do một kỹ sư người Pháp xây sắp xong, ông đến lấy gậy gõ vào thành cầu và khẳng định với vị kỹ sư ấy rằng, một tháng nữa cầu sẽ bị sập! Vị kỹ sư ấy vô cùng phẫn nộ. Chưa nguôi cơn giận thì một tháng sau, cầu bị sập như dự đoán của ông! Từ đó cầu Long Thạnh được gọi là Cầu Sập cho đến ngày nay. Vì lẽ nầy, vị tỉnh trưởng người Pháp lúc bấy giờ vô cùng ngưỡng mộ ông, nên mỗi khi có dịp thường mời ông đến dinh dùng cơm, trò chuyện thân mật. Để đáp lại tấm thạnh tình ấy, ông đã sáng chế ra chiếc đồng hồ Thái Dương để tặng vị tỉnh trưởng nầy.

 

Đồng hồ Thái Dương được đặt tại trước sân dinh (giờ là Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên); xây bằng gạch tàu, cao khoảng 1 mét, rộng 0,8 mét, mặt quay về hướng bắc (có nhiều tư liệu nói quay về hướng đông e không chính xác), gồm ba phần: Phần giữa hình chữ nhật, nhô ra phía trước, hai bên là hai hình vuông; trên mỗi mặt hình vuông nầy có khắc số La Mã theo hình vòng cung để biểu thị giờ; một bên từ 6 đến 12 giờ; một bên từ 12 đến 17 giờ. Ánh mặt trời chiếu xuống phần hình chữ nhật, tạo ra hai vệt sáng tối. Vệt sáng, tối nầy xem như là cây kim chỉ giờ, “chỉ” ngay số nào là giờ đó.

 

Vào thời điểm ấy thì đồng hồ Thái Dương có độ chính xác rất cao (có lẽ mãi mãi vẫn giữ độ chính xác như vậy nếu trái đất không quay chậm hoặc nhanh hơn!), và nó không bao giờ sợ… “hết dây thiều”! Bởi vậy, hồi đó, các thầy ký thầy thông, kể cả người Pháp, mỗi sáng thường tạt vào dinh để “lấy” lại đồng hồ mình cho chuẩn! Đến nay, đồng hồ nầy vẫn còn “chạy” tốt, và là một trong những điểm tham quan du lịch của Bạc Liêu.

 

Có thể vì tài năng cùng đức độ của ông được biểu lộ rõ ràng, mà người dân Nam Bộ thường gọi ông là “Quan Bác Vật” với lòng tôn trọng và quý mến. Từ “Bác Vật” lúc ấy có ý nghĩa là người thông thái về khoa học. Với Bác Vật Lang,  người dân đương thời còn đi xa hơn nữa, đó là người thông thiên đạt địa, biết rõ “thiên cơ”!

 

Trên núi Cấm có một cái hang huyền bí, người Pháp muốn thám hiểm hang nầy. Ban đầu họ cho con khỉ vào lồng rồi buộc dây thả xuống, ít lâu sau. khi thấy sức căng của dây không còn; họ kéo lên thì lồng đựng con khỉ biến mất, mà mối dây như được ai tháo ra! Kế tiếp, họ cho con chó vào, và kết quả cũng y như lần trước! Lúc nầy Bác Vật Lang mới tình nguyện xuống hang. Khi người trên hang giật dây thì không được tín hiệu (của ông) bên dưới trả lời. Họ chờ một đêm, thì bất ngờ từ dưới hang, nhà Bác Vật lù lù bò lên, nhiều người xúm nhau hỏi, nhưng ông ú ớ mà không nói được! Mọi người liền đưa ông về Sài Gòn cứu chữa. Khi sức khỏe bình phục, ông cũng chẳng nói được  lời nào! Về sau có người đại diện của Bửu Sơn Kỳ Hương tới thăm và hỏi, ông đơ đớ trả lời: “Dưới… có mâm cơm… dọn… sẵn. Trên là … một cái … lồng bàn,.. giở ra là… ăn. Các ông … ráng … tu!”

 

Nói chỉ bấy nhiêu rồi ông cúi đầu chào mọi người, đoạn vào thiền! Đó là câu nói cuối cùng của ông cho đến khi ông nhắm mắt!

 

Từ đó người ta gọi hang nầy là Hang Bác Vật Lang. (ngày nay vị trí nó vẫn còn nhiều tranh cãi) Và cũng từ câu chuyện nầy mà trong dân gian có câu: “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Đố ai biết được trong hang có gì?/ Đàn kêu tích tịch tì tì/ Đố ai biết được có gì trong hang?”.

 

Đến huyền thoại.

 

Có thể nói Bác Vật Lang đã trở thành huyền thoại với người dân Nam Bộ thời bấy giờ. Họ tôn sùng ông, ca ngợi ông, tôn vinh ông là kẻ phi phàm, cho ông là người thấu đạt “thiên cơ”.

 

Chuyện ông gõ vào cầu Long Thạnh và tiên đoán một tháng sau sẽ sập, là chuyện có thật. Nhưng để cho sự việc thêm màu thần thánh, họ còn nói ông còn cho chính xác cả ngày, giờ cầu bị bị rơi xuống nước!

 

Khi Sông Ba Lai càng ngày càng bị nông và hẹp từ dòng chảy sông Tiền đến địa phận xã An Hóa và dần dần tại cửa biển cũng bị nghẽn bởi phù sa, thì họ cũng nói đó là lời ông đã tiên đoán vào năm nào đó, “người ta sẽ trồng bắp trên dòng Ba Lai”!

 

Họ còn “chế” thêm rằng, có một lần về công tác một nơi bị hạn hán, người dân than không còn nước ngọt dự trữ để uống (có lẽ ở vùng biển), ông bèn ra sau nhà, vừa đi vừa gõ ba-ton xuống đất. Đến chỗ sau cùng, ông bảo chủ nhà đào lên; chủ nhà mới đào có … mấy cuốc (!), thì từ lòng đất phụt lên một vòi nước ngọt lịm, “cả làng dùng không hết”!

 

Họ lại bảo, ông nói với người Pháp, dưới cù lao Rồng (Mỹ tho) có một con rồng đang tu luyện, khi “thành đạo”, nó sẽ “dậy” lên thì không những cồn Rồng, mà cà trấn Định Tường cũng thành biển nước. Người Pháp vốn phục tài ông nhưng điều nầy họ không tin, nên dùng dàn khoan, khoan sâu xuống. Đến khi đất cồn rung chuyển, cây cối chao nghiêng (có lẽ chạm tời mình rồng!), họ cả sợ, bèn thu dàn khoan, và vội đem những người bệnh cùi qua đó để yếm, cho rồng sợ sự ô uế mà mà không dám “dậy”! Nhờ thế mà cù lao Rồng… còn tồn tại đến ngày nay (!)

 

Cũng vì thần thánh hóa ngài bác vật đáng kính ấy, nên người ta không lạ gì vào thời điểm đó, trong những câu chuyện liên quan đến tài năng, người dân nam bộ thường sử dụng cụm từ “làm như nó là Bác Vật Lang vậy”!

 

Bác Vật Lang mất tại Sài gòn (có chỗ nói tại Sa Đéc) vào ngày 3 tháng 6 năm 1969, thọ 89 tuổi. Ở quận 1, TP HCM có con đường mang tên ông. Tại Sa Đéc cũng có trường học và con đường mang tên Lưu Văn Lang.


KHA TIỆM LY


Thứ Năm, 26 tháng 9, 2024

Thư giãn : CHUYỆN BUỒN CƯỜI... - Mai Quang Hiền.

 



CHUYỆN BUỒN CƯỜI…


Để thử lòng trung của các xứ quân, vua Hán triệu Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền vào cung thiết yến tiệc. Các cung nữ được bí mật bôi nhọ nồi vào ngực, rồi ra múa hát chiêu đãi.

Sau những màn múa mê hoặc, 3 nàng đẹp nhất được bố trí ngồi cạnh hầu rượu 3 vị. Bỗng đèn đuốc tắt hết. Một hồi lâu đèn nến mới sáng lên, thì thấy bàn tay Tôn Quyền đen thui, và mũi Lưu Bị thì nhọ. Vua Hán nghĩ bụng: “Tôn Quyền khua khuắng cả cung nữ của ta, thế nào hắn cũng lấy đất Ngô, Lưu Bị ngửi cả cung nữ của ta, ắt là hắn thèm đất Thục, chỉ có Tào Tháo là trung thành”. Vua Hán bèn ban khen Tào trung nghĩa. Tào Tháo khoái chí, cười ha hả, lộ ra cả 2 hàm răng và lưỡi đều đen thui!

Vua Hán tức giận, lập tức ban chiếu chỉ: Cấm bôi nhọ lãnh đạo.


MAI QUANG HIỀN

#8saigon