Bây giờ đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”, chị tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc khi sống trong nhà hương hỏa của gia đình. Đó là một ngôi nhà xưa, tuy đã được sửa sang lại mấy lần nhưng vẫn giữ nét cổ kính vì là nơi thờ phượng tổ tiên.
Trong nhà, những vật dụng bằng gỗ đều do ông Nội của tôi làm ra, vì ông vốn là thợ mộc. Từ cái tủ thờ, bộ ván gõ, cái bàn cùng sáu cái ghế trước tủ thờ cho đến tủ đựng chén dĩa, tủ đựng quần áo... như vẫn còn lãng đãng dấu tay của ông Nội tôi ngày trước.
Cù Lao Phố là nơi đại gia đình của tôi trải qua các thế hệ cả trăm năm nay. Không biết tự bao giờ mà ông bà Cố của tôi đến lập nghiệp nơi đây. Rồi đến ông bà Nội và thế hệ cô, bác, ba tôi cũng được sinh ra và lớn lên ở nơi nầy.
Các anh chị em tôi cũng đã trải qua thời niên thiếu trong ngôi nhà cạnh dòng sông Đồng Nai, luôn có những cụm lục bình trôi lờ lững. Nước ngọt của dòng sông đã tưới mát ruộng đồng thành một vùng đất trù phú với cây ngọt trái lành.
Chiến tranh đã đẩy đưa một số thanh niên rời quê cha đất tổ, đi đến chốn thị thành để tìm sự bình yên rồi lập nghiệp nơi định cư mới. Bác và ba tôi ở trong trường hợp đó. Rốt cuộc thì người ở lại thờ phượng ông bà là cô của tôi.
Chị Ba của tôi lại nối tiếp con đường của cô tôi, khi những đứa em phải sống xa quê và có vài đứa em họ phải rời cố quốc, xa quê hương hơn nửa vòng trái đất - trong đó có tôi - ra đi mà lòng ngậm ngùi nhớ thương quê cha đất tổ...
Má của chị là cô Hai của tôi. Nghe kể lại rằng, vào thập niên 30, có một người thanh niên từ đất Nha Trang vào Saigon làm việc. Rồi do duyên tiền định, ông gặp cô tôi có vài lần và đem lòng cảm mến.
Cô tôi thuở ấy rất xinh đẹp, được nhiều người trong làng để ý, nhưng lại phải lòng người khách phương xa, đã nhận lời cầu hôn với điều kiện là vẫn sống cùng cha mẹ ở Biên Hòa vì cô là con gái lớn, các em đã lập nghiệp phương xa.
Thế rồi chị Hai ra đời, khi được năm tuổi thì bị bệnh và mất. Chị Ba là đứa con gái kế, mang những nét đẹp của cả cha lẫn mẹ, đôi mắt to và làn da trắng hồng. Cô dượng đặt tên là Hồng, đúng là một đóa hồng nhung, càng lớn càng xinh đẹp.
Khi học xong lớp Ba ở trường làng, chị phải lên Biên Hòa học tiếp trường Nguyễn Du. Sau đó, chị học trường Nữ Công Gia Chánh vì không có điều kiện về Saigon học tiếp trung học. Thuở đó, trường trung học Ngô Quyền chưa được thành lập.
Sau đó chị nghỉ học, ở nhà phụ giúp cô tôi chăm sóc bà Ngoại, đứa em gái và thêm một đám em họ là năm anh em chúng tôi, được ba má tôi gửi về bà Nội nuôi dưỡng. Tuy là em họ nhưng chị xem như các em ruột vì chúng tôi sống chung với chị từ lúc còn rất nhỏ.
Khi các em đã lớn, chị phải đi làm để giúp đỡ gia đình. Chị chấp nhận học ít, mà lại muốn các em có cơ hội học cao hơn, để tương lai thêm phần sáng lạng. Chị tôi quả là một người chị tuyệt vời, hy sinh cho gia đình.
Dạo đó, cùng lúc với quân đội Mỹ đến Việt Nam thì cũng có những hội truyền giáo người Mỹ đến VN để truyền đạo Tin Lành. Chị làm việc cho Hội Thánh Tin Lành ở Saigon.
Hội nầy chủ yếu là truyền đạo Tin Lành cho đồng bào thiểu số ở vùng Tây Nguyên, nên chị có nhiều lần đi Kontum, Pleiku... Các dân tộc thiểu số ở đây khi đã trở thành tín hữu Tin Lành thì có đức tin rất cao. Kinh Thánh được in bằng chữ của dân tộc Tây Nguyên.
Chị đi làm ở Saigon, mỗi tuần về nhà một lần. Những chuyến xe đò Liên Hiệp, xe lô đã in bước chân của người con gái Biên Hòa nặng gánh gia đình. Biết bao nhiêu năm tháng chị đã hy sinh tuổi trẻ của mình.
Các em lớn lên đều yên bề gia thất, có một mái ấm gia đình riêng. Duy có chị vẫn còn độc thân để chăm sóc bà Ngoại và mẹ tuổi đã già. Chị lập gia đình rất muộn và có một đứa con gái duy nhất. Chồng chị cũng đã qua đời mấy năm nay.
Những ngày cuối của tháng 4/75, Hội Thánh Tin Lành rút về Mỹ, họ muốn đưa chị di tản theo nhưng chị đã từ chối vì không muốn xa gia đình. Thế là chị ở lại và cũng đã gặp nhiều khó khăn sau này, vì chị đi làm cho Mỹ dù chỉ là hội truyền giáo.
Cả một quãng đời của chị, từ hồi niên thiếu cho đến lúc tuổi già, chị vẫn sống ở Cù Lao và lo việc cúng kiếng tổ tiên, thay cho những đứa em trai ở xa. Chị đã chứng kiến những thăng trầm của Biên Hòa trước và sau năm 75, mà chị cảm thấy vui ít buồn nhiều.
Cù Lao Phố gắn liền với cầu Gành và cầu Rạch Cát, hai chiếc cầu mang tính lịch sử hơn 100 năm, từ thời Pháp thuộc. Người dân Cù Lao muốn đi Chợ Đồn hay Biên Hòa phải sử dụng hai chiếc cầu đó.
Gần đây, hai chiếc cầu Hiệp Hòa và Bửu Hòa lần lượt được xây dựng, mới hơn, đẹp hơn và rộng rãi hơn. Cầu Gành và cầu Rạch Cát vẫn còn đó nhưng chỉ được người bộ hành sử dụng. Hai chiếc cầu vẫn còn ngạo nghễ trên dòng Đồng Nai nhưng đã vắng bóng xe cộ qua lại.
Chị nói với tôi, “Hai cây cầu mới tuy kiên cố và đẹp hơn hai chiếc cầu cũ, nhưng với chị, cầu Gành và cầu Rạch Cát vẫn còn là cái hồn của Cù Lao Phố.” Nó chứa đầy kỷ niệm mà người dân Cù Lao vẫn giữ trong lòng, của một thuở xa xưa!
Chị đang ở quê nhà mà còn nuối tiếc kỷ niệm, huống chi tôi đang sống bên kia bờ đại dương, đã xa quê hương suốt hai mươi năm! Với tôi, ký ức về Biên Hòa - Cù Lao Phố, đã ăn sâu vào tâm tưởng và bất biến theo thời gian.
Nghe chị tôi nói đã có dự án làm con đường mới dọc theo bờ sông và người ta đã đo đạc để giải tỏa bờ sông. Thế là trong tương lai, cái bến sông mà ngày xưa còn bé, anh chị em chúng tôi ngụp lặn trong dòng nước mát sẽ không còn nữa, ký ức của một thời tuổi trẻ như vụt bay xa...
Ngày ấy, những buổi chiều hè, tôi hay ngồi ở bến sông, nhìn ra cầu Rạch Cát, xem những dòng xe chạy trên cầu, thấp thoáng bóng dáng của người bộ hành trên lối đi gập ghềnh hai bên thành cầu. Những chiếc ghe chài lưới ẩn hiện trên sông đang bủa lưới. Từ xa ánh mặt trời rắc những tia nắng cuối cùng trước khi biến mất phía xa bên kia cầu.
Thỉnh thoảng chị vẫn nhắc đến ông Ngoại, người mà chị luôn kính trọng vì ông đã thay cha mẹ đã mất sớm mà lo cho hai người em gái, nuôi nấng tới tuổi lớn khôn, yên bề gia thất rồi ông mới cưới vợ. Còn má của chị cũng theo gương cha, suốt một đời lo cho các em và con cháu. Rồi đến đời chị cũng vậy, noi theo tấm gương hy sinh của những thế hệ đi trước. Ôi những tình cảm gia đình sao mà thiêng liêng quá!
Tôi còn nhớ khoảng thập niên 60, khi chị làm việc ở Hội Thánh Tin Lành của Mỹ, biết tôi thích sưu tầm tem thơ, chị vẫn dành thời gian rỗi rảnh để thu nhặt những bì thơ có những con tem từ Mỹ gửi về cho nhân viên của Hội. Mỗi lần nhận được những con tem Mỹ là tôi rất vui mừng, cám ơn chị và thấy thương chị vô cùng.
Tôi vẫn còn giữ quyển sưu tầm tem thơ của tôi ngày ấy, những con tem với hình phi thuyền Apolo, hình các vị tổng thống Mỹ, hình Giáng Sinh, hình bông hoa đủ màu sắc... tuy nay đã úa màu nhưng tôi vẫn cảm thấy còn dấu tay của chị trên đó, dù đã hơn 40 năm qua. Biết làm sao nói hết được tình cảm của người chị dành cho đứa em gái nhỏ ngày ấy!
Tôi quên làm sao được những lần cúng Kỳ Yên ở Đình Bình Tự, cứ ba năm một lần, có gánh hát bội về làng là mấy chị em dẫn nhau đi xem hát đến tận nửa đêm mới về. Những lần hát Hồ Quảng bằng tiếng Hoa ở Chùa Ông cũng không thiếu vắng chị em chúng tôi đi xem. Kỷ niệm của thời thơ ấu sao mà đáng yêu và đầm ấm quá!
Ngày tháng năm trôi qua, tất cả đều thay đổi theo dòng thời gian, cảnh vật và con người cũng thay đổi theo. Trong ký ức của người xa quê, những gì của ngày xưa vẫn còn in trong trí. Cho đến một ngày trở lại chốn quê nhà, phải ngỡ ngàng trước cảnh vật đổi thay, tưởng chừng như không phải là chốn cũ của mình...
Cầu nguyện cho chị có sức khỏe tốt để sống lâu dài trong ngôi nhà thân yêu của một đại gia đình. Vận nước nổi trôi đã phân tán mọi thành viên của gia đình mình, kẻ nơi góc biển - người ngoài chân mây...
Hát Bình Phương
Đây là 1 bài đã đăng, nhưng vì lý do kỹ thuật phải đăng lại. Mong quý đọc giả thông cảm...
Trả lờiXóaMCHX...
Cảm ơn anh Huê đã post lại bài viết của HBP. Một mùa Xuân nữa sắp về, kỷ niệm của những mùa Xuân năm xưa lại ngập tràn trong tâm tưởng của người viễn xứ. Nhưng tất cả chỉ còn là hoài niệm mà thôi...
Trả lờiXóa