Biên Hòa Trong Trí Tưởng
"Tôi xa Biên Hòa năm lên mười bốn khi vừa”.... đủ khôn để ghi nhớ những ngày hạnh phúc hồn nhiên của mình bên bờ sông Đồng Nai .
Dấu chân của chúng tôi, bầy học trò con gái, cùng tiếng cười trong trẻo đã trải dài từ đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Trịnh Hoài Đức, đường Quốc lộ I, đường Hàm Nghi. Những con đường quen thuộc như từng góc cạnh ở nhà.
Chúng tôi thuộc đến nỗi để ý được là những cây con trồng ở lề đường cao lên được bao nhiêu, những cây cổ thụ cho bóng mát đổ lá vào tháng mấy. Những con đường thân thuộc của Biên Hòa một thủa bình yên không chỉ là đường đi, lối về của chúng tôi, mà có khi còn cung cấp đồ chơi cho chúng tôi. Chẳng hạn như con đường Lê Văn Duyệt cho chúng tôi những "chiếc máy bay" bằng lá.Con đường được đa số chúng tôi(những người sống ít nhất là 10 năm ở Biên Hòa) đồng ý là con đường đẹp nhất ở Biên Hòa. Hai bên đường có hai hàng cây cổ thụ(không biết tên là gì)nên con đường lúc nào cũng có "bóng mát cuộc đời". Đẹp hơn nữa là con đường lại là một con dốc ngắn, đầu dốc là Tòa Án Biên Hòa, và cuối dốc là sông Đồng Nai. Sau này, ở Mỹ,một số đàn anh, đàn chị Ngô Quyền ở trên con đường đó, trong "xóm Bắc kỳ di cư", kể cho chúng tôi nghe về những trò chơi trẻ thơ với những cây cổ thụ ở hai lề đường. Thời còn ở Biên Hòa, chúng tôi còn con nít, không quen biết ai ở đường Lê Văn Duyệt, nhưng cứ mỗi lần đi học hoặc về từ trường Nữ Tiểu học, đến trước cửa Tòa Án, chúng tôi đều hướng mắt về cuối dốc thăm con đường ngắn, yên tĩnh nhưng rất thơ mộng. Vào mùa trời trở gió, chúng tôi mon men đến những gốc cây đầu dốc đường Lê Văn Duyệt lượm những trái khô rơi xuống. Trái khô bằng quả cau nhỏ ở giữa, hai bên là hai cánh lá khô, nên loại trái này khi rơi xuống bay vòng vòng như chong chóng rất đẹp. Khi lên Trung học, đậu vào lớp 6 Ngô Quyền, không còn đi học ở Nữ Tiểu học, không còn đi ngang con đường đẹp nhất Biên Hòa mỗi ngày, đến mùa lá khô rụng, chúng tôi đạp xe đến đường Lê Văn Duyệt ra sức nhặt "chong chóng lá khô", vừa nhặt vừa "lạy trời gió lên, gió nữa lên" để con lượm đủ chong chóng cho cả lớp.
Phải lượm ít nhất là 30 cái chong chóng lá khô để ngày mai đi học, cả lớp có những giờ phút hào hứng trong giờ ra chơi.Phòng học năm lóp 7 nằm ởgóc dãy lầu mới xây đối diện thư viện của trường.giờ ra chơi chúng tôi đứng cạnh nhau ở lan can, chơi trò thả “máy bay”. Lúc nào cũng có vài đứa thay phiên nhau đứng dưới đất để làm giám khảo coi máy bay nào chạm đất an toàn trước nhất. Và lượm sạch các “máy bay” chạm đất để vừa khỏi bị các thầy cô giám thị phạt tội xả rác, vừa có máy bay chơi tiếp. Trò chơi đơn giản chỉ có vậy nhưng chúng tôi đã cẩn thận viết tên mình lên lá để coi ai thắng ai thua. Thường nửa nhóm đứng cuối bảng xếp hạng phải bao nửa nhóm đứng trên một chầu “xi rô xí muội” ở góc sân trường. Giải pháp đó làm cho nhóm thua chỉ phải "bao"(trả tiền nước) cho một đứa trong nhóm thắng. Hai đứa có "máy bay" chạm đất sau cùng phải bao giám khảo và "nhân viên phi trường"(đứa lượm "máy bay" trên mặt đất). Lớp học gần phòng giáo sư, và phòng Giám học nên lâu lâu chúng tôi hào hứng quá, mấy chục cái miệng thi nhau la hét ủng hộ…“máy bay” nhà, làm một vài thầy cô ra cửa nhìn lên, lắc đầu với trò chơi trẻ con của học trò lớp 7 với mấy cái lá khô. Hạnh phúc đơn giản nhưng êm đềm, đi theo chúng tôi đến suốt cuộc đời.
Trò chơi đó đã biến mất cùng với thời gian, vì nghe nói hai hàng cây cổ thụ ở đường Lê Văn Duyệt đã bị chặt từ lâu. Và con đường cũng bị đổi tên, không còn được mang tên Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, mà mang tên của một ai đó, rất xa lạ với chúng tôi, chưa bao giờ nghe đến tên trong các giờ Sử. Thì thôi, con đường thơ mộng ngày xưa đã không còn thì Đức Ông Lê Văn Duyệt có lẽ cũng chẳng còn gì để lưu luyến với con đường thơ mộng nhất một thời của Biên Hòa.
®®®
Ở nơi tiếp giáp hai con đường lớn của tỉnh thời trước 75, cuối đường Nguyễn Hữu Cảnh, đầu đường Hàm Nghi là một con đường nhỏ khác, một thiên đường thời thơ dại của chúng tôi.Con đường bên hông trường Nguyễn Du dẫn ra bờ sông, có Ty Bưu điện, và Ty Giáo Dục Biên Hòa là nơi chúng tôi đã thả mơ ước của mình bay cao cùng với những cánh diều. Ký ức của tôi không còn giữ được tên khúc đường ngắn thân thương, nhưng vẫn còn lưu lại những kỷ niệm tuổi thơ ở đó. Đường nằm giữa các công sở, một bên là trường Nam Tiểu học Nguyễn Du, rồi đến Ty Bưu Điện, rồi Ty Giáo dục. Bên kia (nếu trí nhớ của tôi vẫn còn tốt) là bên hông của Trường Mỹ Nghệ(?)và Tòa Hành Chánh của Tỉnh. Nên ngoài giờ làm việc, con đường hoàn toàn yên tĩnh, có những cây con còn nhỏ ở hai bên đường, chưa cho bóng mát như đường Lê Văn Duyệt nhưng là nơi tốt nhất để thả diều. Những hôm có gió, diều càng bay cao lộng gió, ước mơ của chúng tôi, con nít tỉnh nhỏ cũng bay xa, không những chỉ vượt qua bên kia sông Đồng Nai mà còn lang thang đến sông Cửu Long ở miền Tây gạo trắng nước trong.
®®®
Một con đường nhỏ khác rất êm đềm của Biên Hòa được chúng tôi gọi là đường lục bình hoa tím. Đường Công Lý hẹp hơn, là một con đường nhỏ nối đường Hàm Nghi và đường Quốc Lộ I có những ruộng lục bình hoa tím đơn sơ nhưng có vẻ đẹp hương đồng gió nội. Ban đêm tiếng ểnh ương kêu vang làm thành một bản hòa tấu mang âm hưởng của gió mát trăng thanh giữa một tỉnh lỵ an bình dù đất nước thời đó đang có chiến tranh. Đường Công Lý là nơi đua xe đạp của chúng tôi. Đường không có cây cao bóng mát nhưng nhờ màu xanh và màu tím của những ruộng lục bình, đường Công Lý có vẻ đẹp thiên nhiên đầy màu sắc:trời xanh dương, mây trắng, lá xanh lục, và hoa lục bình màu tím.
Chúng tôi lớn lên như vậy bình yên với những con đường yên ắng, mỗi con đường là một trò chơi đi theo chúng tôi mãi đến bây giờ. Lớn lên, phải nổi trôi cùng vận nước,sống đời lưu lạc ở nhiều nơi, hình như thời ở Biên Hòa là thời hạnh phúc nhất của chúng tôi.
Nhờ đi bộ mỗi ngày đi học nên chúng tôi biết được nhà nào trồng hoa ngọc lan sát cổng, hoa rụng xuống đường vào tháng mấy, để đến lượm hoa về bỏ trong cặp, trong tủ quần áo, hay trong ngăn bàn học , mùi ngọc lan thoang thoảng dịu dàng, không có một mùi nước hoa nào sánh kịp. Còn nhớ có một đứa bạn cùng lớp tên Ngọc Lan, đến ngày sinh nhật bạn, cả lớp, nhất là mấy đứa ở cù lao, ra sức lượm hoa ngọc lan vô mừng bạn. Hôm đó vô đến cửa lớp đã nghe mùi thơm nồng nàn của loại hoa màu trắng nhiều cánh. Cô Diệp là giáo sư hướng dẫn năm đó đã khen :
- Đúng là lớp con gái, hiền lành, thơm ngát. Mỗi lần ngửi mùi hoa ngọc lan, Cô sẽ nhớ đến các em.
Bao nhiêu năm trôi qua, trong trí tưởng của chúng tôi, mùi ngọc lan vẫn còn thơm ngát, và cô Diệp vẫn trẻ trung, duyên dáng, dạy Kim văn rất hay như ngày nào.
®®®
Từ ngày xa Biên Hòa, dù vẫn về Việt Nam thăm Ba Mẹ, đi ngang Biên Hòa nhiều lần, mà không dám về thăm lại Biên Hòa. Vẫn biết không có gì không thay đổi, không có ai có thề tắm hai lần trên cùng một giòng sông, tôi không bao giờ tìm lại được trường xưa, nhà cũ, và những con đường hạnh phúc của tuổi thơ. Biên Hòa bây giờ không còn một chút gì của Biên Hòa hạnh phúc ngày xưa. Và người Biên Hòa ngày nay không còn hiền lành, trung hậu như Biên Hòa thời tôi chơi những trò chơi tuổi thơ bình yên, hạnh phúc. Sông Đồng Naicũng không còn trong lành, thuần khiết như ngày xưa. Nên xin tạ lỗi cùng Biên Hòa, vì vẫn còn nguyên Biên Hòa hạnh phúc, bình yên trong trí tưởng, và không muốn mất đi hình ảnh đó, nên chúng tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện hạnh ngộ với Biên Hòa.
Một điều chắc chắn, Biên Hòa vẫn là một nơi chốn hạnh phúc, bình yên trong lòng của rất nhiều người Biên Hòa lưu lạc. Ở rất xa, luôn huớng lòng về Biên Hòa và mong người ở đó bây giờ cũng hạnh phúc, an lạc như chúng tôi ngày trước.
Nguyễn Trần Diệu Hương
Cuối năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét