Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Tự truyện NGOẠI TUI - Lê Xuân Sang.

( Ngoại tui - phần thứ nhất)
NGOẠI TUI

Kể từ khi  nhận biết được mọi sự việc trên cái cõi đời ô trọc nầy thì tui chẳng biết bà ngoại tui tròn méo ra sao.Chỉ nghe kể rằng hồi xa xưa lắm,lúc má tui được 4,5 tuổi gì đó thì bà ngoại tui “tạ từ trong đêm”! bỏ lại ông ngoại trẻ gà trống nuôi con.
Nghĩ cũng lạ . Thời đó mà thanh niên cỡ ngoại tui lại chấp nhận ở giá thì cũng đáng cho vào guiness. Thường thì người ta nói đàn bà giá dễ nghe hơn ,chứ ….đàn ông giá nghe ít có lọt cái lỗ tai.
Quê ngoại tui thuộc xã Bình Long ,thôn Bình Quới,Quận Tân Phú ( tỉnh Biên Hòa ,nay là Đồng Nai). Là vùng quê thuần nông. Từ đường cái quan đất đỏ tẻ vào nhà ngoại khoảng 300 mét.Đó là con đường mòn do người và xe bò đi mãi mà thành. Nói tiếng là nhà ngoại,quê ngoại nhưng thật ra đó là nhà của ….ông sáu ( em của ông ngoại.Ông ngoại thứ tư ) . Nhắc lại,từ khi tui nhận thức được mọi chuyện thì chỉ thấy ông ngoại sống chung với gia đình ông sáu.
Thôi thì ,vợ chết rồi anh về sống với vợ chồng em cho vui cửa vui nhà .
Thế rồi thời gian thắm thoát thoi đưa, hai đứa con gái bé bỏng của ngoại giờ lớn phổng phao. Lần lượt ngoại lo yên bề gia thất cho hai đứa,còn mình thì vẫn vò võ năm canh, ca bài “Dạ cỗ hoài thê” .
Hai đứa con của ngoại,cô lớn (dì hai của tui) gả cho anh hàng xóm,sau nầy chuyển lên Sài gòn sinh sống ,còn cô nhỏ chính là ….má của tui!
Ba tui cũng là trai làng ở bên cạnh : Bình Ninh. Sau nầy ba má tui chuyển về xã Bình Trước ,quận Đức Tu, gần chợ Biên hòa .
Thiệt đúng là….nuôi con gái như nuôi lele vịt trời,lớn lên nó bay hết trơn hết trọi,bỏ lại ông già mồ côi vợ ở quê  năm canh vò võ!

Hồi đó anh em tụi tui rất thích về quê. Chỉ mong hè về là được ba má cho “tự do đi bụi” ở quê mấy tuần lể.
Nói thiệt,ở quê thích lắm các bạn ơi. Sáng bảnh mắt thức dậy là anh em tui đã nghe văng vẳng ngoài đồng tiếng “thá.ví” của ông sáu và của ngoại.Không biết hai ông thức hồi nào,chắc từ sớm lắm. Tui hỏi,sao thức làm chi sớm vậy ngoại? Ngoại nói tranh thủ làm sớm để sợ trưa nắng,bò đở mệt.
Nói về điều khiển chiếc cày cũng phải có “nghề” đó nha.Khi muốn rẽ bên trái,ngoại hô “thá”,đồng  thời kéo hơi thẳng dây của con bò (hoặc trâu ) bên trái là hai con bò “nghe lời” quẹo trái liền . và nếu muốn rẽ phải thì làm động tác ngược lại, đồng thời hô “ví”. Sở dĩ có như vậy là vì lúc ngoại giật căng dây con bên trái,phản ứng tự nhiên là nó khựng lại và chậm bước,trong khi con kia vẫn bước đều,và tất yếu,cả bò,cày đều rẽ trái.
Sau nầy khi  xem tài liệu khoa học,tui thấy mấy nhà phát minh ra máy cày bánh xích hoặc xe tăng đều sử dụng nguyên tắc nầy. Khi muốn quẹo trái,họ đạp thắng  bên trái cho hệ thống bánh xích bên trái ngừng chạy,trong khi bánh xích bên phải vẫn lăn.Thế là chiếc xe từ từ rẽ trái và  muốn quẹo phải thì làm ngược lại. Ngẫm nghĩ lại tui phục mấy ông nông dân VN mình quá,nhưng chỉ ở giai đoạn …điều khiển trâu bò mà thôi. Hic!( cái nầy là tui nói về nông dân của mấy chục năm về trước,chứ bây giờ tiến bộ rất nhiều rồi ). Các bạn thấy chưa,ở chợ làm gì mà thấy cảnh nầy ? Còn nữa,sát bên nhà ông Sáu là cái sân lãng ,mỗi bề dài độ 20 mét .Đó là nơi để ông Che .Sân lãng có thể gọi nôm na là nhà ,có mái che đàng hoàng(nhưng không có vách ) để tránh mưa nắng khi người ta quây quần làm việc ở đó. Sân lãng của ông sáu rất kiên cố và to lớn. Tui nhớ lúc nhỏ 2 anh em tui vòng tay ôm cây cột không giáp.
Ngày thường,khi trâu bò làm việc xong ông ngoại và ông sáu dẫn nó vào trong sân lãng nầy nghỉ ngơi .Đây cũng là nơi làm việc của nó khi tới mùa mía đường.
Nhắc lại,phần trên tui có đề cặp tới “ông Che”. Vậy ông Che là gì?Tui nghĩ ,nếu các bạn thuộc thế hệ 5x hoặc 6x trở về trước thì may ra còn thấy ông Che,còn các bạn sau này ,do “công nghiệp hóa,hiện đại hóa” nên không còn dịp để thấy ông Che nữa rồi.
Ông Che ,đó là “máy ép mía” của những làng quê VN vào những năm 60 của thế kỷ 20 trở về trước.Ở quê người ta rất kính trọng Che và gọi là ông ,(cũng như gọi cọp là ông Ba Mươi vậy)chắc người ta mong muốn “ông” giúp cho vụ mùa tốt đẹp và trong lúc làm việc được suông sẻ,không có xảy ra tai nạn . Che gồm ba trục đứng bằng gỗ tốt  được đặt giữa sân lãng.Trên mỗi trục người ta làm nổi những cục u  với mục đích cho có sự liên kết nhau. Khi trục giữa quay thì nó khiến cho 2 trục ngoài quay theo .Còn phần dưới trục không có mấy cục u ,mà người ta làm phẳng và  bọc tôle . Phần nầy để đút mía vào ép . Khi bắt đầu việc ép mía,người ta mắc trâu (hoặc bò) vào cây đòn nối với trục giữa. Con trâu cứ chậm rãi đi vòng vòng ông Che là nó bắt cổ “máy” bắt đầu chuyển động. Trong khi đó,người ta từ từ đút mía vào phần dưới của trục che. Nước mía được ép chảy xuống thùng chứa bên dưới.Các bạn cứ nghĩ nguyên tắc nó giống xe nước mía ép ở chợ,nhưng thay vì xe nước mía trục nằm ngang,còn ông Che trục đứng.
Đó là giai đoạn ép lấy nước mía,bây giờ tới giai đoạn nấu lấy mật đường.
Sau khi mía được ép ,nước mía  chảy vào thùng chứa bên dưới.Từ đó người ta múc cho vào chảo nấu đường thiệt lớn,sôi sung sục. Một lúc sau nước mía trở thành….nước đường và ngày càng sền sệt,đặc quánh.
Bây giờ tới giai đoạn tồn trử. Có hai cách,hoặc là người ta rót mật đường vào khạp da bò nhỏ khoảng 5 lít,hoặc rót vào từng khuôn nhỏ hình móng trâu  ,gọi là đường tán (bởi vậy có thành ngữ : “tiêu tán thòn” là vậy ) . Khuôn đường tán là thanh tre vót mỏng rồi được uốn cong lại thành hình bầu dục,nhưng có gù ở giữa nên khi mật đường đặc lại thì nó giống như hình móng trâu in trên đất vậy.
Nhìn chung,lúc làm mía đường rất vui,vì qui tụ gần như bà con trong xóm khi lò đường nổi lửa.Người nào việc nấy.Người chụm lò,người ép mía,người đổ đường vào khuôn. Chuyện trò rôm rã. Chỉ tội nghiệp con trâu không biết nói,cứ lầm lũi bước đi vòng tròn ….
Nói về con trâu,anh em tụi tui cũng rất khoái ( Nói anh  em là tui với anh ba của tui ; tui thứ tư trong gia đình ) . Hai anh  em thường xin ông ngoại cho được cưởi trâu. Xem phim cao bồi cưởi ngựa thấy oai quá mà ở quê mình đâu có ngựa ! thôi thì cưởi trâu vậy .hihi. Nhớ lần đầu tiên được cưởi trâu,anh em tui khoái chí.
“Ai bảo chăn trâu là khổ,chăn trâu sướng thấy …tía! Ngồi lưng trâu ,ta sờ mông trâu,rồi ta nắm đuôi trâu,…Haha” anh em tui hát vang trời.Nhưng bữa hôm sau mới…biết đá biết vàng. Hai cái mông đít anh em tui …..đỏ như đít khỉ và rát không thể tưởng! vì bị mấy cái lông ở lưng trâu xuyên qua quần đùi . Huhu .Thế là:
“ Ai bảo chăn chăn trâu là sướng ? chăn trâu đau đít thấy tía !”,
Nói về “tư trang” của ngoại, tui để ý 2  cái “Xi” ,đó là xi nhông và xi móc.
Xi nhông  phát âm dựa vào tiếng Pháp là signon,tức là   cái đầu tóc củ tỏi của ngoại .còn xi móc thì tui không biết phát âm từ tiếng gì nữa,chắc là  smoke chăng?  Nghĩ cũng phục lăn,ngoại là đản ông mà bới đầu siêu lắm nhe ,30 giây là xong. Điệu nghệ!Lại còn cắm giữa cái “củ tỏi” đó 1 cây móc tai cho…. sành điệu. Hahaha.
Nói về cái Xi móc,các bạn có biết là cái gì không? Đó là cái túi da nhỏ,bên trong đựng nhúm thuốc rê ,một cuồn giấy quyến và…một cái hộp quẹt . Cái bộ “tam xên” đó là vật bất ly thân của ngoại,một tấc không đi,một ly không rời,ngoại trừ lúc ngoại ….đi tắm ! Hahaha. Cái hộp quẹt hiệu “bóc lăn se ông già le lưỡi liếm” bây giờ thuộc loại hàng hiếm.Hình như hiện nay không còn tìm ra bóng dáng của nó trên cuộc đời nầy. Nó đã “làm nên lịch sử” cách nay vài chục năm.
Đó là cái hộp quẹt bằng nhôm nhỏ,dẹp. tim làm bằng bông gòn se lại và sử dụng nhiên liệu là …dầu hôi! Vậy mà bén lửa thiệt nhạy mới ác chứ .Chỉ cần soẹt 1 cái là cháy ngay.Bởi vậy mấy ông già mới khoái. Chả bù sau nầy có hộp quẹt diêm hay bị hút ẩm xài nửa bỏ nửa ,rồi hộp quẹt gas,quẹt chưa hết gas văng bánh xe đá ,rồi zippo phải xài xăng xịn,rất tốn kém , ông ngoại tui ca bài : “Ta về ta tắm ao ta,dù trong dù đục cũng là …cái ao”.
Phàm, ở đời cái gì nó cũng có nhân quả . Nếu không có bộ “đồ nghề” xi móc của ngoại thì đâu có mấy “cái đuôi thằn lằn” ở trên cột nhà? Đó là phần cuối của điếu thuốc rê ngoại dán lên cột bằng …nước miếng.
Lần đầu tiên về quê,thấy mấy cái “đuôi thằn lằn” dán đầy trên cột gỗ ở hàng ba nhà ,tui đâm ra thắc mắc : - Dán mấy cái đó chi vậy ngoại ?
Ngoại đáp:- thì lúc nào ghiền mà chưa kịp đi chợ mua thuốc thì lấy 2,3 điếu dồn  lại 1 điếu hút đỡ ghiền chớ chi.
          Tui vổ tay khen hay, và nói :- ngoại hay quá ta. Ngoại có 2 cái “xi”,là xi nhông và xi móc  mà con hõng có .
-         Sao hõng có ? mầy cũng có 1 cái “xi” vậy.
-         Xi gì vậy ngoại?
-         Thì… xi đái chứ gì. Hồi nhỏ ngoại xi đái 2 anh em bây hoài chứ ai .
-         Haha,thiệt hả ngoại? Hồi nhỏ xíu con đâu có nhớ. Thôi vậy huề nha ngoại.
-         Ừa.
                                 ( còn tiếp )

 LÊ XUÂN SANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét