PHÚC KHÍ CON NGƯỜI.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường từng nói: “Phúc khí của một người không phải từ bên ngoài đến mà là từ nội tâm phát ra”. Suy ngẫm kỹ một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, người mà không có phúc khí, thường xuyên gặp vận rủi thường là người không chú trọng đến hành vi và lời nói của bản thân
Thường xuyên nói lời cay nghiệt
Trong cuộc sống có những việc là thói quen thường ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại đang dần dần làm tổn hại phúc khí của chúng ta, dưới đây là 3 loại hành vi như vậy, nhất định không nên làm:
Người nói lời cay nghiệt thường là người rất hà khắc và ích kỷ, tự tư. Phàm là việc gì họ cũng đều chỉ nghĩ đến bản thân mình. Tâm thái của họ thường xuyên không tốt và trong tâm luôn có sự ganh ghét đố kỵ và không thể tiếp nhận được người khác. Khi thấy công việc của người khác có chỗ hơn mình thì cho rằng họ được cấp trên ưu ái, được mọi người giúp đỡ. Khi thấy người khác có chỗ thiếu sót thì lập tức đàm tiếu, phê bình, cho rằng mình tài trí hơn. Trong tâm họ khuyết thiếu bao dung nên không thể nhìn được điểm tốt của người khác. Nhưng họ không biết được đạo lý rằng, một người đạt được thứ gì đó trong đời thì đều có sự trả giá tương xứng. Không ai có thể dễ dàng đạt được thành công mà không có sự kiên trì cố gắng.
Triết gia người Pháp, Montaigne từng nói, lúc phẫn nộ không thể dùng lời ác làm tổn thương người khác, càng không thể dùng lời cay nghiệt để chọc vào điểm yếu của người khác. Một người đang tức giận, nhất thiết không được bóc trần người khác. Bởi vì nếu làm như vậy sẽ có thể khiến sự tình không thể vãn hồi được xảy ra.
Trong cuộc sống, những lời nói cay nghiệt dù là ở mức độ nào cũng đều tạo ra ảnh hưởng không tốt đối với cả người nghe và người nói. Người nói nhiều lời cay nghiệt chính là đang tích oán khí, phá hư phúc khí và làm bại hoại vận khí của bản thân mình. Cho nên, vô luận là ở hoàn cảnh như thế nào, chúng ta cũng nên điều chỉnh tâm thái bản thân cho tốt, tích cực hướng về phía trước, làm một người phúc hậu, vì bản thân mà tích lũy thiện hạnh, làm cho nội tâm tươi sáng là điều chính yếu để phúc khí đến.
Không muốn cho đi, muốn độc chiếm công trạng
Đặc điểm của người bạc phúc chính là không muốn chia sẻ, muốn độc chiếm công trạng. Một người phúc hậu thường hiểu sâu sắc rằng trong cuộc sống mỗi một việc dù nhỏ cũng đều là tu hành. Họ hiểu rằng mỗi một sự chia sẻ trong cuộc sống đều là đang tích lũy thiện căn cho mình. Nhưng trong cuộc sống luôn có những người cho mình là tối quan trọng, có công trạng gì to nhỏ đều muốn chiếm giữ là của mình, khi có sai lầm thì đổ trách nhiệm cho người khác. Người như vậy chính là đang làm hao tổn phúc khí của bản thân và làm tổn hại người khác.
Một số người cho rằng, phải có điều kiện, có tiền bạc mới có thể giúp đỡ người khác, mới có thể chia sẻ, cho đi. Nhưng kỳ thực, ngay cả khi chúng ta không có những thứ vật chất ấy, chúng ta vẫn có thể cho đi một cách rất ý nghĩa và hữu ích. Đôi khi chỉ một lời nói động viên khích lệ, một cái nhìn hay một nụ cười ấm áp là chúng ta đã có thể chuyển một người buồn thành một người vui vẻ. Thậm chí chỉ bằng những cử chỉ nhỏ ấy, chúng ta đã có thể cảm hóa được một người ác thành người lương thiện hơn.
Kỳ thực, hết thảy giới tự nhiên đều là sống dựa vào nhau, nhờ vào nhau mà sống. Cho đi là một sự khoái hoạt, vui vẻ. Bởi vì cho đi không phải là hoàn toàn mất đi, mà là một cách thu hoạch cao thượng. Cho đi là một niềm hạnh phúc, bởi vì cho đi càng có thể khiến tâm linh mình tốt đẹp, phúc khí cũng theo đó mà đến.
Người khôn vặt, yêu thích chiếm lợi
Yêu thích chiếm lợi về mình là cách phá hư phúc khí của bản thân. Rất nhiều người nhầm lẫn giữa thông minh và khôn vặt, cho rằng khôn vặt là biểu hiện của thông minh mà không biết rằng dùng cách khôn vặt chiếm lợi của người khác thì cuối cùng cũng phải hoàn trả.
Người ham chiếm lợi của người khác thường thường cuối cùng sẽ bị thiệt thòi lớn. Bởi vì trên đời không có mất thì không có được. Đời người phải hiểu được rằng muốn có hồi báo thì phải có trả giá.
Những người già thường hay khuyên nhủ con cháu “chịu thiệt là phúc”, bởi vì họ biết rõ hết thảy “Phúc, Lộc, Thọ” ở thế gian con người đều là đổi từ đức mà ra, mà “chịu thiệt” lại có thể tích đức. Cổ nhân hiểu rằng, đời người trong họa có phúc, trong phúc có họa, không mất thì không được, được thì phải mất.
Người luôn chiếm lợi về mình sẽ khiến người khác đề phòng, từ đó mất đi nhiều cơ hội và nhân duyên. Người thích chiếm lợi cho dù nhất thời có thể được đắc ý nhưng cuối cùng cái được chẳng bù nổi cho cái mất.
Phúc khí và đức hạnh của một người là có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi chúng ta hiểu được rằng phải thận trọng từ lời nói đến hành vi, làm nhiều việc tốt thì chính là đang tích lũy phúc đức cho mình. Trong cuộc sống, khi gặp phải những sự tình không thuận lợi, những sóng gió nhấp nhô hãy dừng lại và suy ngẫm xem có phải hay không bản thân đã làm chuyện bất thiện mà bị như vậy. Đó cũng chính là cách thủ giữ đức, bảo trì hậu phúc của bản thân mình.
ST TRÊN MẠNG.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét