XÓM HỐ Ở GÒ VẤP
Sơn Nam
Đất Sài Gòn bằng phẳng nhưng cũng có vài “tiểu hình thế”, thí dụ như chùa Gò, gò Mây, Bàu Cát, Đầm Sen, nhà thờ Hầm, cầu Hang, xóm Hố. Chẳng biết còn xóm Hố nào khác chăng, riêng tôi thì chỉ mới biết một xóm ở phường 7, quận Gò Vấp. Rất xứng danh là “hố”, cả một khu vực rộng cỡ 300 mét bề dài, thấp khoảng 3 mét hơn so với vùng phụ cận. Nên nhớ Gò Vấp cao hơn chín mét so với mặt nước biển, nơi chân gò thấp hơn để có nơi tháo nước. Đi vào xóm, ngỡ như đi dạo chơi xứ Đà Lạt. Con đường nhỏ khoảng hai mét, nhà bên kia lề cất trên cao, như trên sườn đồi; bên này thì nhà lè tè, nóc nhà thấp hơn nền nhà bên kia. Trẻ con nô đùa như ở trên bờ đê, còn bên này ta đứng dưới mặt ruộng. Nghe nói cách đây không lâu, khi mưa to thì nước trên gò trút xuống, chảy theo những cống ra tận rạch Vàm Thuật của sông Sài Gòn. Nay thì ống cống mất rồi, nhà dân lao động chen nhau san sát, cao nhất chỉ có một tầng. Không cây cao, bóng mát. Mưa ào ạt đập vào vách lá, vào mái tôn, vào cánh liếp… Nắng chang chang nấu nung con người, gió cứ hắt bụi. Không là ổ chuột; gẫm lại sướng hơn những xóm ở quận 8, quận 6. Chưa bị ô nhiễm, rác rến dễ gom, dễ hốt, không khí dễ thở. Về đêm, thấy trăng non, trăng già. Hừng sáng, thấy mặt trời mọc; chiều tối, mặt trời xuống đỏ ửng. Mọi người còn có chổ đứng dưới ánh mặt trời
Dân xóm Hố sống với nghề gì?
Nghề đạp xích lô. Ngon lành nhất là người đủ tiền sắm chiếc xích lô đậu chật căn nhà bề ngang hai thước. Còn tay, còn chân là còn sống. Dọc đường, mua một ngàn đồng đậu rồng về chiên xào, ăn sống là bửa cơm ngon miệng. Dạo nó, báo chỉ giảng rằng đậu rồng ăn bổ, hột đậu rồng giàu chất dinh dưỡng như sữa bò. Nói vậy thì hay vậy, nào ai thay thứ sữa bò đó bao giờ? Thịt thì đủ loại “thứ phẩm” ngon lành. Lò heo, lò bò gần xóm, dường như vài người đến công ty sát sinh lớn là Vissan để mua đầu heo, ruột heo, chế biến lại, bỏ mối nơi khác. Rau cải Gò Vấp lừng danh vành đai xanh của thành phố. Một số trai trẻ làm nghề phụ hồ – phong trào xây cất dạo này rầm rộ, mỗi ngày lĩnh hơn 10,000 đồng, tự túc cơm nước, ăn xong dư được năm bảy ngàn. Đàn bà, phụ nữ gánh chè hoặc đẩy xe cà rem, đủ sống. Trong xóm bày ra mua bán vặt vạnh. Với hai trăm đồng, trẻ con có thể mua trái mận, hoặc vài trái xơ ri, cục kẹo. Vài người lớn tuổi dường như mang phong cách “văn minh nhàn rỗi” để giết thời giờ tụ tập lại đánh bài tứ sắc. Thỉnh thoảng nghe hô lên “9, 13″. Hoặc “13, 15″ ngon lành nhất là bài tới 17 ăn 40. Ăn thua nhỏ, đôi ba ngàn.
Phụ nữ ở đây xinh đẹp, nhưng chẳng chịu thi hoa hậu, vì không tin chắc qua được vòng loại. Trẻ con tới lui trong xóm, có dép nhưng lại thích đi chân đất. Vài đứa giành lấy vỏ bưởi lột ra, đem úp ngược lên đầu, như kiểu mão vua quan. TV không thiếu, máy cassette ai cũng có, đôi nhà mua đầu máy video cũ. Trời lạnh, trẻ con mặc áo ấm của người lớn, tay áo lòng thòng, phất phơ như nhân vật trong múa rối. Không ai thích nhạc Rock, nhưng say mê nhạc có làn hơi dân tộc. Máy cassette văng vẳng ra nào: “Huế của ta ơi, ta có Huế tự hào”; nào “đêm khuya vắng vẻ, càng thấy thương ngoại ô buồn”; hoặc “mạ ngoài đồng, em cấy lúa ba trăng”.
Mua giấy số lai rai, nhưng mười năm qua chưa thấy ai trúng bạc triệu! Người giàu nhất ở ven xóm Hố này là… ông chủ trại hòm (quan tài), bà con gọi đùa đó là mặt hàng mua không cần trả giá. Và cũng là món hàng không cần giấy bảo trì, bảo hành gì cả. Chết rồi, tạm có cái “bao bì” vàng son như thiên hạ.
Tết năm ngoái, một thi sĩ say rượu đến xóm để “quậy” chơi, ngâm thơ huyên thuyên. Vài người nhớ mặt, xác nhận đó là nhân tài Bùi Giáng. Có người nảy ra sáng kiến: ”Giáng” cũng đồng âm với con gián, con rệp. Con gián tương ứng với con nhền nhện, bèn đánh đề số 33, nhưng lại trật lất. Bà con bảo mấy ông thi sĩ làm thơ quá cao siêu, chẳng ích lợi cụ thể nào cho dân nghèo cả. Ăn cơm dưới đất mà chê khen truyện trên trời.
Làm sao bây giờ? Phường 7 và phòng giáo dục quận Gò Vấp đã nghĩ đến kế hoạch dài lâu. Mở lớp học tình thương, trẻ em và thanh niên lớn tuổi đến khá đông. Đến học được phát tập, phát bút, và thỉnh thoảng chút ít tiền. Vài gia đình đã được hưởng trợ cấp xóa đói giảm nghèo… Bởi vậy tuy nghèo nhưng ai nấy vẫn cười tươi, bám lấy xóm.
(Trích "Tuổi Già - Sơn Nam) .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét