Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Thơ nhạc: NÚI NHẠN... - Trần Quang.





 NÚI NHẠN TRONG CA KHÚC ANH CÒN NỢ EM LÀ NÚI NHẠN NÀO?

Vanvn- Nhạc phẩm ‘Anh còn nợ em’ – thơ Phạm Thành Tài, nhạc Anh Bằng – là một bài hát được rất nhiều người ưa thích. 

Trong bài có câu ‘Anh còn nợ em / Chim về núi Nhạn’, vậy núi Nhạn ở đâu?

Núi Nhạn (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chính là nguồn cảm xúc cho bao tao nhân mặc khách, từ đó nhiều tác phẩm thi ca nhạc họa ra đời, trong đó có bài thơ “Anh còn nợ em” của Phạm Thành Tài.

Từ bài thơ đó, nhạc sĩ Anh Bằng cảm hứng phổ nên nhạc phẩm “Anh còn nợ em” nổi tiếng, được nhiều người ưa thích.

Núi Nhạn và cảm hứng “Anh còn nợ em”

Núi Nhạn – sông Ðà (đoạn sông Ba chảy qua Tuy Hòa trước khi đổ ra biển gọi là sông Ðà Rằng, tiếng Chăm có nghĩa là con sông lau sậy) là những biểu tượng của Phú Yên, rất gần gũi với người dân Tuy Hòa vì cả núi và sông đều trong lòng thành phố.

Gọi núi Nhạn vì trên núi có tháp Nhạn, là một công trình kiến trúc Champa còn khá nguyên vẹn, được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng vào khoảng thế kỷ XII.

Những ngày hè hay những dịp lễ, Tết, bao thế hệ học sinh, thanh thiếu niên Tuy Hòa thường rủ nhau lên núi Nhạn để phóng hết tầm mắt nhìn qua làng rau, làng hoa Ngọc Lãng bên kia sông sương khói bồng bềnh.

Dưới sông Chùa (một nhánh nhỏ của sông Ðà Rằng), vài chiếc thuyền buồm xuôi ngược.

Núi Nhạn với tháp Nhạn cũng là nơi tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống hàng năm lâu nhất nước

Vào đông, gió từ biển thổi vào đủ lạnh để những đôi vai mềm tựa vào nhau, từng đàn chim én ríu rít vào trú ngụ trong ngôi tháp cổ.

Nhiều người thích nhất những ngày đông lạnh như thế để được mặc áo ấm, được thả bộ lên núi Nhạn, để nhìn toàn cảnh Tuy Hòa, được làm thơ và ngắm từng đàn chim én báo hiệu mùa xuân đến…

Núi Nhạn, tháp Nhạn là hình ảnh, biểu tượng không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân Tuy Hòa, Phú Yên.

Bài thơ Anh còn nợ em của nhà thơ Phạm Thành Tài và bài hát cùng tên được phổ từ bài thơ này của nhạc sĩ Anh Bằng đã tạo thêm những xúc cảm mạnh mẽ cho nhiều người khi nhớ về Phú Yên, về Tuy Hòa, một vùng đất tươi đẹp và con người hiền hòa bên tháp Nhạn ngàn năm soi bóng.

Nhà thơ xứ Trầm Hương

Nhiều nguồn tư liệu cho biết khi nhạc sĩ Anh Bằng đọc tập thơ nhỏ của Phạm Thành Tài, có mấy bài thơ ngắn, ông rất thích và phổ 3 bài: Anh còn nợ em, Anh còn yêu em và Từ thuở yêu em.

Sau khi các bài hát phổ biến, nhất là bài Anh còn nợ em được nhiều người ưa thích, nhạc sĩ Anh Bằng có nhờ người tìm kiếm tác giả bài thơ.

Nhưng khi tìm được thì nhà thơ Phạm Thành Tài đã qua đời. 

Nhạc sĩ Anh Bằng mới chép tay 3 bài nhạc và tặng cho vợ của nhà thơ làm kỷ niệm.

Nhà thơ Phạm Thành Tài quê thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). 

Ông từng là Giáo sư Đại học tại Viện Đại học Ðà Lạt trước năm 1975. 

Từ năm 1991, ông định cư tại Hoa Kỳ. 

Ông tốt nghiệp bác sĩ Ðông y tại Hoa Kỳ năm 1995 và mất năm 1997.

Theo lời kể của người bạn học và là đồng hương với nhà thơ Phạm Thành Tài, thời học sinh ông có quen một nữ sinh Trường trung học Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa.

Nhưng chuyện tình của họ không có hồi kết vì sự ngăn cấm từ phía gia đình nhà gái.

Cũng theo lời của người bạn nhà thơ, cô nữ sinh ấy rất xinh đẹp, từng được nhà trường lựa chọn đóng Trưng Trắc trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng.

Chuyện tình không thành, trước khi rời Tuy Hòa…Lần cuối cùng, nhà thơ có lên tháp Nhạn trên núi Nhạn, khắc tên hai người trên một cây si trong nỗi khổ đau đến tận cùng.

Mấy tháng sau đó, cô nữ sinh duyên dáng của Trường Trung học Nguyễn Huệ lên xe hoa về làm dâu nơi xứ lạ.

Sau đó, nhà thơ Phạm Thành Tài từ Sài Gòn có về lại Tuy Hòa, lên tháp Nhạn, tìm lại những kỷ niệm ngày xưa, nén lại những vui buồn của mối tình dang dở trong bài thơ để đời “Anh còn nợ em”


Photo: 

- Chân dung nhà thơ Phạm Thành Tài – Ảnh: TCP

- Tháp Nhạn trên núi Nhạn, niềm cảm hứng của ca khúc “Anh còn nợ em” – 

Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

TRẦN QUANG – TTO (nguồn: vanvn)

Cuộc đời : CHIẾN HỮU - Nguyễn Xuân Hoàng.

 



CHIẾN HỮU. 

Sau năm 1975, cả gia đình tôi từ Pleiku trở về quê mẹ Quảng Ngãi . Đó là những năm tháng cực kỳ khó khăn. Ruộng đã vào hợp tác . Đi làm công điểm thì nhiều nhưng cuối vụ lúa được chia rất ít. Mẹ chưa quen ruộng đồng, làm theo với người ta sức yếu nên thường đau ốm luôn. Bà từ nhỏ đi học rồi làm công chức nên cũng không biết ruộng mạ là gì. Nhà có cả thảy tám miệng ăn. Bữa đói, bữa no. Những đêm mùa đông lạnh rét dài, cái đói giày vò không ngủ được.  Để chống đói chị tôi "sáng kiến" món " nem rau muống" : một cái bánh tráng sống nhúng nước rồi cắt làm bốn, gói được bốn cái "nem rau muống", chấm với mắm cái.  Nhìn chị em tôi xúm xít quanh rổ rau muống, ba tôi im lặng, mắt nhìn nơi khác...

Một hôm ba nói với mẹ: " Chắc là anh phải kiếm một nghề gì đó làm thêm". Nói là làm, dồn chút vốn liếng còn lại, vay mượn thêm một ít, ba tôi sắm chiếc xe đạp thồ.

Ngày đầu lạ nước lạ cái chưa quen khách hàng, bến bãi, ba đạp xe đi lơ ngơ suốt ngày vẫn không có khách.  Không nản lòng, hôm sau, rồi hôm sau nữa, từ sáng sớm ba đã dắt xe ra đường đến tối mịt mới về nhà. Từ ấy, ba làm nghề xe đạp thồ. Thỉnh thoảng chị em tôi đi học vẫn thường thấy ba gò lưng đạp xe trên đường, tấm áo ba mặc loang đầy mồ hôi bạc thếch. Có khi ba tôi chở khách, có khi chở mắm, chở heo hoặc chở cá từ biển Đức Lợi lên chợ Trạm, Sông Vệ. Những năm tháng ấy tuyến đường từ Đức Lợi lên chợ Trạm, Sông Vệ rất xấu. Mùa đông mưa dầm đường đầy bùn lầy, ổ gà, ổ voi. Ba và chiếc xe thồ lấm lem như trâu cui.  Mà đâu chỉ có lên chợ Trạm, Sông Vệ, ba còn chở khách đi chợ Chùa, lên tận những vùng heo hút Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long... Suốt 20 năm dường như ba chưa nghỉ một ngày nào. 

Chị đầu tôi vào Đại học Qui Nhơn, ba  tôi tất tả trên đường.  Chị kế tôi vào Đại học Sư phạm ngoại ngữ Đà Nẵng, ba tôi càng vất vả hơn. Rồi tôi và em tôi vào Đại học Tổng hợp Huế, ba tôi đã qua thời trai trẻ, người có yếu đi nhưng vẫn ngày ngày miệt mài đạp xe.  Tiền ăn học không gởi được đủ tháng cho mấy chị em, ba gởi gối đầu từng nửa tháng một. Tôi ra bưu điện Huế nhận tiền mà nhớ xé ruột gương mặt gầy gò cháy nắng của ba. Do đạp xe nặng nhọc, hai bàn chân cha bị sừng hóa, các đầu ngón biến thành hình tam giác. Ba thường lặng lẽ lấy nước muối để ngâm đôi bàn chân nứt nẻ ấy. 

Mỗi bận hè về thăm nhà, ra lại trường, ba lại cặm cụi chở chị em tôi ra bến xe. Xe chạy xa rồi vẫn còn thấy dáng ba đứng nhàu úa thầm lặng bên chiếc xe đạp thồ. Không hiểu ba tôi lấy đâu ra sức lực để đạp xe ròng rã suốt 20 năm trời như vậy. Có những ngày đau ốm, cảm hàn chỉ ăn được cháo mà ba vẫn đạp xe, bởi tháng nào tiền ăn học của chị em tôi cũng tới liền liền.  Khi em út tôi vào Đại học Thủy sản Nha Trang, năm ấy ba tôi đã gần 60, sức yếu đi nhiều.  Ba nói em tôi ra trường sẽ treo xe giải nghệ. Ngày ba còn trẻ khỏe mạnh, mối đi xe của ba rất nhiều.  Đoạn sau này ba già yếu, người đi ít hơn. Ba cũng không chở nặng được nữa, nhưng cũng không nghỉ một ngày nào, chắt chiu gửi tiền nuôi em tôi ăn học.

Rồi em tôi ra trường, có việc làm, ba quyết định giải nghệ. Buổi sáng sớm ông dắt xe thồ ra ngoài sông Vệ, chăm chút rửa thật sạch. Có người muốn mua lại chiếc xe, ông chỉ lắc đầu cười. Ba thương chiếc xe - vật vô tri ấy bằng một tình cảm đặc biệt.  Ba thường gọi vui nó là " chiến hữu" của ba. Treo chiếc xe lên xà nhà, ba buồn mấy tháng trời.

Năm rồi tôi về thăm nhà, ba khoe "Gia đình mình vừa được công nhận là gia đình hiếu học tiêu biểu". Tôi cầm tấm bằng lớn bằng bìa cuốn vở học sinh ba đưa mà thấy lòng nặng trĩu. Nhìn lên xà nhà, "Chiến hữu" của ba vẫn còn đó với những chiếc căm đã gỉ rét, ghiđông sạm đen, mạng nhện giăng đầy khung xe. Ba cười bảo " Chiếc xe bây giờ nó cũng già nua lụm cụm như ba". 20 năm trời, ba tôi đã dùng nó để "thồ" năm chị em tôi đến giảng đường đại học.  Ừ, nếu có gia huy của gia đình, có lẽ gia huy của gia đình tôi sẽ là hình ảnh cách điệu một chiếc xe đạp thồ - " Chiến hữu" thân thiết của ba. 

Nói vui vậy mà lòng rưng rưng.  20 năm, 50 cây số trung bình một ngày, vị chi là bốn vạn cây số mà ba đã đi. Viết những dòng này, cho con thay mặt năm chị em cảm ơn ba  20 mươi năm trời nhọc nhằn vì chị em con. 

Và xin "cảm ơn CHIẾN HỮU của ba"


Tác giả: Nguyễn Xuân Hoàng

Suy ngẫm : CHÔN XE - St trên FB.

 


CHÔN XE.

Một trong những tỉ phú giàu nhất Brazil, tuyên bố trên tài khoản Facebook là ông sẽ chôn chiếc "siêu xe" Bentley mới trị giá khoảng 400.000 USD của ông.

Ông Scarpa bảo sau chuyến đi thăm Ai Cập trước đó, ông có ý định học tập các vị Pharaoh và chôn theo chiếc xe để nó "phục vụ" khi ông sang thế giới bên kia.

Sau thông báo "chấn động", ông Scarpa hứng hàng loạt "gạch đá" từ cư dân mạng. Người ta bảo lẽ ra ông nên quyên góp từ thiện chiếc xe, cáo buộc ông lãng phí và cả... lãng nhách. 

Suốt một tuần sau thông báo, ông tiếp tục cập nhật kế hoạch chôn xe trên mạng xã hội và bỏ ngoài tai những câu hỏi mọi người chất vấn về việc có phải ông đang cố tình làm việc này để trốn thuế hay không.

Vào ngày lễ "chôn xe", ông Scarpa mời đông đảo các cơ quan báo chí tới dự. Nhưng vào đúng thời khắc chiếc xe Bentley chuẩn bị hạ huyệt, ông tỉ phú bất ngờ yêu cầu dừng lại và chia sẻ lý do thực sự của việc chôn xe: "Mọi người đã lên án tôi vì việc cố tình chôn một chiếc Bentley giá triệu đô. 

Nhưng sự thật là hầu hết mọi người đang chôn đi một thứ còn giá trị hơn nhiều chiếc xe của tôi. Mọi người đang chôn đi những quả tim, lá gan, lá phổi, những đôi mắt và những quả thận. Điều này thật ngu xuẩn. 

Có biết bao người ngoài kia đang chờ được ghép tạng, còn quý vị lại chôn đi những cơ quan nội tạng khỏe mạnh có thể cứu sống bao sinh mệnh. Đây là sự lãng phí lớn nhất thế giới. Chiếc Bentley của tôi thực sự chẳng đáng gì so với những cuộc đời đã cho đi những tạng ấy. Không tài sản nào quý giá hơn một cơ quan nội tạng, vì không gì quý giá hơn sự sống".

Và rồi ông tỉ phú thông báo: "Tôi chính thức tuyên bố tôi đã đăng ký hiến tạng tuần này. Tôi là người đăng ký hiến tạng, còn bạn thì sao? Hãy nói với gia đình bạn".

Rốt cuộc ông tỉ phú Brazil đã không chôn chiếc xe. Ông chỉ lấy nó làm cái cớ để lan tỏa một thông điệp đầy cảm hứng về hiến tạng.

Câu chuyện "chôn xe" của ông Scarpa đã xảy ra gần tròn 6 năm, nó cũng đã được chia sẻ không biết bao nhiêu lượt trên mạng Internet, nhưng cho tới nay nó vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

ST trên FB. 

Thơ góp : KỶ NIỆM NGÀY XANH - HVH-ĐVT

 

      * Bạn bè về họp mặt 
      * Trái qua : Phạm Trị - Công Lưu  - Kim Thoa cùng phu quân - Huỳnh Văn Huê. 
      * Đinh Văn Tài 

KỶ NIỆM NGÀY XANH 


Thời gian nhẹ lướt qua mau

Năm mười tám tuổi ta vào trường xưa 

Bây giờ bảy chục có thừa

Trường xưa còn đó người xưa xa mờ

Để chàng thi sĩ thẩn thờ

Nhớ “đường hoa” cũ đợi chờ dáng ai… !

Ngờ đâu ngọc nát vàng phai 

Chia ly nhưng vẫn còn ngày gặp nhau 

Nhưng đời như giấc chiêm bao 

Người xa ta mãi sầu đau riêng mình 

Vẫy tay vĩnh biệt cuộc tình 

Ta về ẩn sĩ một mình cô liêu!


HUỲNH VĂN HUÊ ( Thơ chữ nghiêng )

ĐINH VĂN TÀI ( Thơ chữ đứng : Thương tặng thi-nhạc sĩ Sông Bồ-Trần Lực )

     

     

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Ngẫm : CHÚT SAI SÓT CỦA... - St trên FB.

 



CHÚT SAI SÓT CỦA THƯỢNG ĐẾ


     Ông vua xe hơi, Henry Ford sau khi qua đời, được đưa lên Thiên đường. Tại cổng Thiên đường có Thánh Peter chờ sẵn để đón Ford. 

     Vừa gặp Ford, Thánh Peter cho biết: 

     - Ford, hồi còn sống, ngươi đã làm nhiều việc công ích cho xã hội - như sáng chế phương pháp làm việc dây chuyền cho kỹ nghệ xe hơi làm thay đổi cả thế giới. Với thành quả như vậy, ngươi sẽ được một ân huệ là có thể chuyện trò với bất cứ ai trên Thiên đường này.

     Suy nghĩ vài giây, Ford xin được gặp Thượng đế.     Thánh Peter dẫn Ford đi gặp Thượng đế.

     Vừa gặp Thượng đế, Ford hỏi ngay:

     - Thưa ngài, lúc ngài sáng tạo ra đàn bà, ngài đã suy nghĩ gì?

     Thượng đế nghe xong, bèn hỏi lại:

     - Nhà ngươi hỏi như vậy là có ý gì?

     Ford liền trả lời:

     - Trong sáng chế của ngài có quá nhiều sai sót. Phía trước thì phồng lên, phía sau bị nhô ra. Máy thường kêu to khi chạy nhanh. Tiền bảo trì và nuôi dưỡng quá cao. Thường xuyên đòi hỏi nước sơn mới. Cứ đi 28 ngày là lại bị chảy nhớt và không làm việc được. Chỗ bơm xăng và ống xả lại quá gần nhau. Đèn trước thì quá nhỏ. Tiêu thụ nhiên liệu thì nhiều khủng khiếp…

     Nghe xong, Thượng đế bảo:

     - Ngươi hãy đợi một lát, để ta xem lại bản thiết kế.

     Ngài bèn cho gọi toàn bộ kỹ sư thiết kế và cơ khí trên Thiên đường lại để xem lại quy trình. Một lúc sau, họ trình Thượng đế bản báo cáo. Xem xong, ngài bèn phán rằng:

     - Những lời ngươi vừa nói hoàn toàn đúng, sáng chế của ta quả thật có nhiều sai sót. Nhưng nếu tính trên phương diện kinh tế thì hiệu quả lại rất cao: có tới gần 98% đàn ông trên thế giới sử dụng sản phẩm do ta sáng tạo, trong khi chưa đầy 8% đàn ông sử dụng sản phẩm của ngươi!

     ST trên FB. 

Bài hát hay: TIẾNG MƯA ĐÊM - Kim Dung.

 


    TIẾNG MƯA ĐÊM 

     Sáng tác : KIM  DUNG 

     Trình bày : BẢO YẾN 

Thơ : NỬA ĐỜI NGƯỜI - Đồng Ánh Liễu.




 NỬA ĐỜI NGƯỜI


Qua nửa đời người trẻ gì nữa đâu

Tóc đã phai màu Xuân xanh bạc phếch 

Dư dả hiểu đời đúng - sai - khớp - lệch

Biết thả nụ cười khuất lấp chua cay


Biết đong niềm vui trong những hao gầy 

Chẳng còn đọa đày bản thân thêm nữa

Tin rằng gió trời cuốn đi lời hứa

Nên không đợi chờ mật ngọt yêu thương 


Tự mình vững tin trên những cung đường

Được - mất- hơn - thua chẳng bận tâm quá

Chuyện ở thế nhân đâu hoàn hảo cả 

Bóc mẽ mà chi... gian dối tình người!


Dẫu lòng buồn đau ... vẫn nhoẻn miệng cười!

Khóc chỉ làm cho chân chim hằn vết

Chi bằng bình tâm đi qua mỏi mệt

Nông nổi không còn sau những trầm luân


Cũng có đôi lần nuối tiếc thanh Xuân

Trách cứ bản thân một thời ngây dại

Đánh cược tình yêu sẽ là mãi mãi

Gieo trọn niềm tin đổi mấy cung sầu


Đã qua cả rồi sóng gió bể dâu

Hong nỗi buồn đau ngàn lần có lẻ

Đi hết nửa đời ta đâu còn trẻ

Lặng lẽ thâm trầm trước những đong đưa


Biết vờ làm ngơ khi thấy dối lừa

Không để bản thân chìm trong ảo mộng 

Lời nói yêu thương dễ gì rung động

Sợ đổi ngọt ngào lấy những tái tê


Lấp lánh ... lung linh chẳng phải pha lê

Bởi nó chính là Lệ đời ngang trái

Nên bốn mươi rồi ... không còn khờ dại

Vững chãi an bình giữ nụ cười xinh...!


ĐỒNG ÁNH LIỄU. 

#ĐAL

#TrangThoDongAnhLieu

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Thư giãn : LỜI THẬT MẤT LÒNG! - St trên FB.

 



LỜI THẬT ... MẤT LÒNG !

Thằng em vợ đến nhà tôi chơi, hai anh em đang ngồi nói chuyện thì vợ tôi về. Vừa bước vào nhà, vợ hất hất mái tóc qua hai bên vai, hỏi:

    - Em vừa làm kiểu tóc xoăn mới này! Anh thấy hợp không?

    Tôi ngỡ ngàng:

    - Trời ơi! Em để kiểu này hợp và trẻ quá! Nãy em vừa bước vào, anh cứ tưởng con bé sinh viên năm thứ nhất mới thuê phòng bên hàng xóm nó vào nhầm nhà.

    Vợ nghe vậy thì tủm tỉm cười, rồi lấy xoài, lấy ổi ra gọt cho hai anh em ăn. Xong vợ bảo hai anh em cứ ngồi xem tivi, vợ chạy ù ra đầu ngõ mua con gà luộc với mấy lon bia về cho hai anh em lai rai.

    Đợi lúc vợ tôi vừa đi khuất, thằng em vợ mới hỏi tôi bằng giọng thắc mắc:

    - Gu thẩm mĩ của anh lạ nhỉ? Em thấy kiểu tóc ấy của chị không được đẹp lắm!

    - Không phải là không được đẹp lắm, mà là như con dở hơi mới đúng!

    - Vậy sao lúc nãy anh…?

    - Anh đâu có ngu mà chê chị mày! Lỡ mồm chê một phát là khổ ngay: mặt chị mày sẽ hằm hằm, không nói năng gì, đóng cửa phòng cái rầm, rồi vào trong đó nằm lì. Và anh với mày sẽ phải hì hục đi cắm nước pha mì tôm, chứ lấy đâu ra xoài ngọt ổi thơm như thế này để mà đút vào mồm? Cũng sẽ chẳng có bia, có gà để mà lát nữa lai rai. Rồi sáng mai, chị mày sẽ phi ra quán cắt tóc, bắt chúng nó duỗi thẳng tóc ra để làm lại kiểu khác. Làm kiểu khác là sẽ tốn thêm tiền, mất thêm cả triệu bạc: bằng cả nửa tháng lương làm bục mặt của anh mày!

    Ở đời, ai chả muốn được sống thật với lòng mình, được nói thẳng những điều mình nghĩ, để ngày ra đường hiên ngang với thiên hạ, đêm về nhà nằm ngủ gối kê cao, để khỏi cắn rứt lương tâm, để không hổ thẹn với lòng. Nhưng em ạ: “lương tâm không cắn rứt” đồng nghĩa với “mồm không có cái mà nhai”. Các cụ đã dạy cấm có sai: “Một sự nhịn là chín sự lành”. Nhưng chắc là ý các cụ muốn nói tới người ngoài thôi, chứ với vợ thì phải là sáu chín sự lành mới đúng!

    Thằng em vợ tròn mắt, há hốc mồm nghe tôi nói như muốn nuốt từng lời. Cái ánh mắt nó sao mà ngây thơ, thánh thiện, hồn nhiên và trong veo đến thế: giống hệt ánh mắt tôi… lúc chưa lấy vợ!

Sưu tầm

Thơ : ÁO THU BAY - Thạch Thảo BD.


 


ÁO THU BAY


Thuở ấy sân trường thơm nắng lụa

Có chàng áo trắng dáng trầm tư.

Thương nàng mắt biếc. Chiều tan học

Hai đứa thầm thì dệt mộng mơ.


Đâu ngờ binh biến tràn quê mẹ

Giã biệt người thương, xa mái trường.

Vai khoác ba lô, tình giấu kín

Ai hay từ ấy… hoá vô thường.


Rồi con bướm trắng không sang nữa

Để gót thu buồn bước ngẩn ngơ.

Sáng nay đến lớp, sầu lên mắt

Nắng nhớ mưa thương cũng hững hờ.


Chợt đến, chợt đi. Tình vội vã

Chiều hoang hun hút gió heo may.

Ừ…chấp nhận thương lòng hoá sẹo

Chút hương đầu, thăm thẳm mờ phai.


Rồi con bướm trắng không sang nữa

Để nắng thu gầy vương áo bay.


Ngày 26-8-2024

Thạch Thảo BD


https://www.youtube.com/watch?v=c3uhuI07nSM

Thơ : NẮNG THU VÀNG - Xuân Duyên.

 



NẮNG THU VÀNG

Chút nắng thu vàng cho sớm mai

Mang theo giấc mộng thấy u hoài

Trả đầy mơ tưởng theo thương nhớ

Lẽ bóng thu tàn chiếc lá xoay

   Xôn xao mấy nắng cây vàng úa

   Ủ rủ bao mưa lá đỏ hoài

   Em tìm màu nắng hay màu tóc

    Để nắng thu vàng cứ mãi bay

              8/2024

XUÂN DUYÊN. 

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

Thư giãn : BÀN LUẬN LÀM ĂN ! - Ba Khía.

 



BÀN LUẬN LÀM ĂN! 

Sáng nào tui cũng ngồi vỉa hè khoảng một tiếng rồi đi đâu thì đi. Một bữa nọ, tình cờ tui nghe được chuyện mần ăn của mấy ông anh, bà chị ngồi bàn cafe kế bên. Họ nói về việc nuôi, trồng, về mua bán, về hụi hè, nghe sướng lỗ tai... Tuy nhiên không biết họ nói thiệt hay nổ thì mình cũng bó tay.

Xóm Cổ Cò quê tui sau đợt dịch cô vít đã mấy năm rồi mà cho tới bây giờ gia đình nào cũng còn gặp khó khăn, thiếu hụt, chưa kể là chiến tranh ở bên U dù xa lắc xa lơ cũng bị ảnh hưởng ?!

Thằng Đậu thì khoe mới bán vài chục tạ heo, thằng Cu thì nói mới thu hoạch 10 tấn lúa xuất khẩu, cô Tám dù khéo léo rồi cũng hé cho mọi người biết vừa bán mấy chục tấn tôm nuôi, còn con Mén thì nói vừa bán hai công đất mua xe bốn chỗ làm chưn. Riêng cô Mộng thì khoe vừa xây căn nhà mới lên vài tấm…

Thằng Cu đột nhiên nói với cô Mộng:

-Cô cho tui mượn 5 triệu chiều trả !

Cô Mộng không thắc mắc thằng Cu mượn tiền để làm gì, quay qua nói với cô Tám:

-Này bà Tám đưa tui mượn 5 triệu cho thằng Cu, mai tui trả ?

Cô Tám quay qua thằng Đậu:

-Ông đưa cho tui mượn 5 triệu để nó trả cho ông Từ Đề, mai tui hốt hụi trả lại.

Thằng Đậu kết thúc câu chuyện:

-Thôi đi mấy người ơi ! Chỉ có 5 triệu đồng mà mấy cha, mấy mẹ cứ mượn qua mượn lại lòng vòng như xe chạy bùng binh. Chỉ có ông Tư Đề là giàu nhất. Ai muốn mua gì thì bấm bấm rồi chuyển tiền cho ổng. Cỡ 5 giờ chiều ổng cũng bấm bấm chuyển tiền trở lại nếu vô mánh.  Ông Tư giàu nhứt huyện, người ta quen gọi là ông Huyện Đề !


12.8.24

Ba Khía

Tên tuổi : VĨNH BIỆT GIÁO SƯ... - Kiem Mai Ba (fb)

 




VĨNH BIỆT GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN!

Tháng 6-7/1990, tôi ra Hà Nội tường thuật kỳ họp 7, QH Khóa 8. GS Võ Tòng Xuân (ĐB QH Khóa VII, VIII, IX) là ĐB duy nhất xách laptop to bằng cái mặt bàn đi họp. Trong khi các ĐB ghi vào sổ tay, thì GS gõ laptop. Lúc đó, laptop chỉ dùng để viết văn bản khi chưa có font chữ tiếng Việt.

Khi đó, muốn truyền văn bản chỉ có máy Telex (điện tín), chưa có máy fax, nói gì đến mạng internet để gửi email. Nhưng GS Xuân không viết tay, không đánh máy chữ, mà xài laptop mới oai. Tôi tò mò xin GS cho xách thử và lấy gang tay ra đo, ước chừng nó nặng cỡ 5 kg, kích thước 4 dm x 6 dm.

Trong kỳ họp đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trình QH (chủ tịch QH là Lê Quang Đạo - không nằm trong Bộ Chính trị) Luật Thuế Nông nghiệp (TNN). Chỉ có 2 đoàn ĐB của TPHCM và An Giang dám phản biện, đưa các lý do không nên thông qua Luật TNN. DIễn giả xuất sắc của đoàn An Giang là GS Võ Tòng Xuân và của đoàn TP là KS Huỳnh Ngọc Điền.

Đoàn TP đưa ra lập luận là Bác Hồ hứa miễn TNN 2 năm sau hòa bình, mà chưa thực hiện được. Và, theo nghiên cứu của Viện Sử học TP,  mức TNN của dự Luật (350 kg thóc/ha) mắc hơn mức cao nhất của thời chiến trong phong kiến (Quang Trung). 

GS Võ Tòng Xuân nói, VN có 7 vùng thổ nhưỡng khác nhau, loại đất và độ màu mỡ đất ở từng vùng khác nhau, nên cây lương thực cũng khác nhau, tại sao mức TNN lại dựa vào độ màu mỡ của đất phù sa đồng bằng, để thu 350 kg thóc/ ha? GS Xuân ví von "Nhà soạn Luật TNN giống người pha lốc một con heo ra từng mảng nạt, mỡ, ba rọi, sườn, cốc lết...vuông thành sắc cạnh, đẹp để bán được giá. Đàng này, nhà soạn Luật TNN giống anh đồ tể tồi cầm dao lẹm múa lung tung ra một đống thịt bầy nhầy, bán không ai mua"

Cuối cùng, chủ tịch HĐBT Đỗ Mười xin QH hoãn thông qua Luật TNN để sửa lại! Nhưng, sau đó 2 đoàn TP và An Giang không yên, vì Viện Sử học VN buộc tội Viện Sử học TP nói mức TNN trong dự thảo mắc hơn mức thuế triều Quang Trung là vô căn cứ.

Sau đó, Hội LH các HKH KT TP họp giải trình, lấy các đơn vị đong gạo "thưng, đấu, thúng, giạ" quy ra lít; lấy đơn vị cân gạo "tạ, cân, lạng" quy ra kilo; lấy diện tích "sào, công, mẫu ta" quy ra ha; rồi tính ra mức TNN thời Quang Trung là cao nhất của phong kiến, nhưng vẫn thấp hơn 350 kg thóc/ha.

Đó ấn tượng đầu tiên của tôi khi chứng kiến GS Võ Tòng Xuân trong vai một ĐB QH. Xin thành thật chia buồn cùng gia đình GS Võ Tòng Xuân.

KIEM MAI BA ( FB )

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2024

Thơ : DÀNH CHO MỘT NGÀY - hathuthuy.

 



DÀNH CHO MỘT NGÀY. 

Để dành cho một ngày

Khi chùng chân gối mỏi

Run run đôi bàn tay

Nhìn lại hình nhắc nhớ

Khi đó dù ở đâu

Nơi chân trời góc bể

Cũng cảm thấy bồi hồi

Cũng nghe vàng nắng lụa 

Rơi vào hồn nhớ thương.

hathuthuy

Cuộc sống : RẺ LẮM MẸ - St trên FB.

 



RẺ LẮM MẸ


‐ Tới giờ ăn rồi, hôm nay mẹ ăn cháo nhé

‐ Cháo gì mà nhìn lạ thế con

‐ Là cháo tổ yến mẹ ạ

‐ Có mắc tiền không con?

‐ Không mắc đâu mẹ, còn rẻ hơn cháo thịt heo nữa ấy

‐ Ừ thế thì mẹ ăn. 

‐ Để con múc cho mẹ, kẻo mẹ tay run lại làm đổ ra ngoài

‐ Con gái này...

‐ Dạ sao hả mẹ?

‐ Con có thương mẹ, thì cũng mua những thứ rẻ tiền thôi nhé, như bát cháo tổ yến này chẳng hạn, mẹ ăn thấy lạ miệng mà ngon. Con chả giàu có gì, còn phải nuôi thằng út học đại học nữa. Mẹ giờ già rồi, chờ về với với ông bà tổ tiên thôi, con để dành tiền mà lo cho nó.

‐ Con lo được mà mẹ. Mẹ còn sống rất lâu, còn phải ăn đồ con nấu dài dài nữa đấy. Ôi mẹ giỏi quá, ăn hết cả tô cháo rẻ tiền của con rồi. Giờ mẹ uống sữa nhé

‐ Sữa gì mà thơm thế con?

‐ À sữa này tốt cho xương khớp của mẹ. Con mua cho thằng út uống, nhưng nó chê sữa rẻ tiền không chịu uống, nên giờ mẹ uống giùm con nhé

‐ Thế thì để đấy mẹ uống cho. Mà con cũng tệ, sao không mua sữa tốt như sữa ông thọ cho nó uống, lại mua thứ sữa chữ nghĩa lạ hoắc thế này

‐ Dạ vì con là con gái bé bỏng của mẹ mà, con đã lớn đâu

‐ Cha bố cô, lúc nào cũng như con nít ấy

‐ Hì hì...


St trên FB.