Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

Tên tuổi : VĨNH BIỆT GIÁO SƯ... - Kiem Mai Ba (fb)

 




VĨNH BIỆT GIÁO SƯ VÕ TÒNG XUÂN!

Tháng 6-7/1990, tôi ra Hà Nội tường thuật kỳ họp 7, QH Khóa 8. GS Võ Tòng Xuân (ĐB QH Khóa VII, VIII, IX) là ĐB duy nhất xách laptop to bằng cái mặt bàn đi họp. Trong khi các ĐB ghi vào sổ tay, thì GS gõ laptop. Lúc đó, laptop chỉ dùng để viết văn bản khi chưa có font chữ tiếng Việt.

Khi đó, muốn truyền văn bản chỉ có máy Telex (điện tín), chưa có máy fax, nói gì đến mạng internet để gửi email. Nhưng GS Xuân không viết tay, không đánh máy chữ, mà xài laptop mới oai. Tôi tò mò xin GS cho xách thử và lấy gang tay ra đo, ước chừng nó nặng cỡ 5 kg, kích thước 4 dm x 6 dm.

Trong kỳ họp đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trình QH (chủ tịch QH là Lê Quang Đạo - không nằm trong Bộ Chính trị) Luật Thuế Nông nghiệp (TNN). Chỉ có 2 đoàn ĐB của TPHCM và An Giang dám phản biện, đưa các lý do không nên thông qua Luật TNN. DIễn giả xuất sắc của đoàn An Giang là GS Võ Tòng Xuân và của đoàn TP là KS Huỳnh Ngọc Điền.

Đoàn TP đưa ra lập luận là Bác Hồ hứa miễn TNN 2 năm sau hòa bình, mà chưa thực hiện được. Và, theo nghiên cứu của Viện Sử học TP,  mức TNN của dự Luật (350 kg thóc/ha) mắc hơn mức cao nhất của thời chiến trong phong kiến (Quang Trung). 

GS Võ Tòng Xuân nói, VN có 7 vùng thổ nhưỡng khác nhau, loại đất và độ màu mỡ đất ở từng vùng khác nhau, nên cây lương thực cũng khác nhau, tại sao mức TNN lại dựa vào độ màu mỡ của đất phù sa đồng bằng, để thu 350 kg thóc/ ha? GS Xuân ví von "Nhà soạn Luật TNN giống người pha lốc một con heo ra từng mảng nạt, mỡ, ba rọi, sườn, cốc lết...vuông thành sắc cạnh, đẹp để bán được giá. Đàng này, nhà soạn Luật TNN giống anh đồ tể tồi cầm dao lẹm múa lung tung ra một đống thịt bầy nhầy, bán không ai mua"

Cuối cùng, chủ tịch HĐBT Đỗ Mười xin QH hoãn thông qua Luật TNN để sửa lại! Nhưng, sau đó 2 đoàn TP và An Giang không yên, vì Viện Sử học VN buộc tội Viện Sử học TP nói mức TNN trong dự thảo mắc hơn mức thuế triều Quang Trung là vô căn cứ.

Sau đó, Hội LH các HKH KT TP họp giải trình, lấy các đơn vị đong gạo "thưng, đấu, thúng, giạ" quy ra lít; lấy đơn vị cân gạo "tạ, cân, lạng" quy ra kilo; lấy diện tích "sào, công, mẫu ta" quy ra ha; rồi tính ra mức TNN thời Quang Trung là cao nhất của phong kiến, nhưng vẫn thấp hơn 350 kg thóc/ha.

Đó ấn tượng đầu tiên của tôi khi chứng kiến GS Võ Tòng Xuân trong vai một ĐB QH. Xin thành thật chia buồn cùng gia đình GS Võ Tòng Xuân.

KIEM MAI BA ( FB )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét