Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Chuyện xưa : TÊN GỌI CÀ MAU - Vương Hồng Sển.

 



TÊN GỌI CÀ MAU.

"Từ Bạc-Liêu đi một đỗi gặp một cánh đồng thấp phì nhiêu vô cùng, nhưng đặc biệt là nước sông rạch đều một màu đen thâm gần như mực xạ. Tiếng Cao-Miên gọi "srock tưc khmau", dịch "sốc nước đen". Ông bà chúng ta Việt-hóa thành Cà-Mau, chớ không phải "Cà-Mâu" như nhiều đồng bào thường viết và đọc.

Tuy vậy, cái xứ cá đầy thúng nầy, nước vẫn đục và đen ngòm, truy ra vì đó là nước ứ đọng từ lâu năm trong những gốc mục của rừng dừa-nước quanh năm chầy tháng lá dừa và bẹ dừa-nước mục nát hết đi và tiết ra một chất mủ đen làm cho nước dưới chưng rừng dừa cũng đen theo, chảy lờ-đờ quanh đi lộn lại, cũng hoàn chỗ cũ. Nước nầy xem lại chưa đựng rất nhiều sinh-vật, đặc biệt nhứt là con ba-khía, tức một loại cua còng nhỏ con, tới mùa nó leo lên cây không biết cơ man nào mà kể. Người thổ-dân bắt ba-khía cho muối vào làm ra thứ mắm để ăn quanh năm và dân nhà giàu Ba-Thắc không nệ-hà đãi khách sang bằng mắm ba-khía khi nêm chanh ớt cho dịu, vì ba-khía để dành lâu "ăn rất bắt cơm". Ngoài ra trong nước còn chứa các loại cá nước mặn và vô số tôm tép cua rùa, v.v...

Nước ấy tuy đen vì là nước trầm thủy, nhưng không độc. Người xứ Cà-Mau vẫn dùng để ăn để uống và pha trà, duy người lạ đến đây thấy vẫn ngờ-ngợ nhát uống. Coi vậy mà đó là nước mưa pha lá dừa-nước, uống không sanh bịnh tật duy màu khó coi, không như nước nơi rừng khác thấy trong veo đẹp mắt mà uống độc bất ngờ. Cũng vùng Cà-Mau có giống tràm mục lưu-lai nhiều đời, lá rụng cây ngã giữ nước đọng lại rồi nát thành bùn, biến ra một chất "than đá non" "nê-thán" (tourbe), xắn vuông-vắn phơi cho khô, chụm rất tốt".

 ("Ăn cơm mới nói chuyện cũ" )

VƯƠNG HỒNG SỂN.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét