Vàng Mã Cuối Năm
Cha tôi thuộc gia đình theo đạo Tổ Tiên, thờ cúng ông bà, nhưng hồi trẻ vào những ngày Tết, cha tôi có theo ông bà nội đi lễ vái đầu năm ở những ngôi chùa.
Mẹ tôi là người theo Thiên Chúa Giáo từ nhỏ và cha tôi kết hôn với mẹ tôi người cũng theo vào đạo công giáo cho tới khi qua đời.
Người anh ruột của cha tôi mất lúc còn khá trẻ, lại ở tận miền Bắc xa xôi, nên cha tôi vào Nam lên thay thế chức trưởng tộc. Mẹ tôi tuy theo công giáo, nhưng vẫn giữ bổn phận dâu con. Mỗi năm vào ngày Tết và ngày giỗ cha mẹ chồng, anh, em chồng, mẹ tôi luôn luôn có mâm cơm cúng và bày bàn thờ với hương, hoa, vàng mã cho cha tôi khấn vái. Mẹ tôi nói: Chồng mình lấy mình, theo đạo của mình là đủ rồi, mình không nên bắt cả gia đình bên chồng phải theo mình.
Anh chị em chúng tôi lớn lên học trường Công Giáo, đi nhà thờ, đọc kinh mỗi ngày. Nhưng đến ngày giỗ bên nội, ngày Tết chúng tôi cũng được hòa mình vào mùi nhang, hoa trái trên bàn thờ, được ngắm những chồng vàng mã cao ngất ngưởng, được nhìn mâm cơm cúng có đủ các món nấu, món xào và con gà luộc cả đầu bày trước hình ông bà nội, hình bác, chú, họ Trần.
Mỗi lần nhìn cha tôi thay quần áo chỉnh tề đứng nghiêm trang khấn vái lòng tôi lúc nào cũng rưng rưng xúc động. Nhất là khi cha tôi hóa vàng: Nào vàng thoi, tiền giấy, quần áo, có khi mẹ tôi còn mua cả một cái nhà ba gian, một chiếc xe kéo và anh xe, chị bếp nữa. Cha tôi trịnh trọng lấy một chiếc chậu nhôm to, cho dần dần từng thứ vào rồi châm lửa, chúng tôi đứng chung quanh xem. Thỉnh thoảng nghe mẹ nói bên cạnh cha:
- Năm nay chúng con gửi cả anh xe và chị bếp mới xuống cho các cụ.
Tôi không biết mẹ tôi có hoàn toàn tin thật như thế không? Vì mẹ tôi là người Kitô giáo. Nhưng trong giọng nói của mẹ tôi, tôi nghe được cả tấm lòng thành.
Hóa vàng mã xong, cha tôi cầm mấy chung rượu nhỏ trên bàn thờ, rót lên đám tàn tro đó.
Cái xúc động đó mỗi ngày một tăng theo tuổi của tôi chứ không giảm đi. Nhất là khi sống bên ngoài nước Việt. Hình ảnh cha tôi đã già yếu, tóc bạc lơ thơ (vì cha tôi hói) chắp tay đứng trước bàn thờ, vào ngày giỗ ông bà nội, ngày Tết, trong một ngôi nhà ở Mỹ sao mà cô đơn thế. Tôi chắc cha tôi tủi thân lắm mà không nói ra vì người vốn hay giấu những cảm xúc trong lòng. Vàng mã ở đâu mà hóa, dù có, chắc cũng chẳng dám hóa ở nhà con rể, khác văn hóa, khác quốc tịch.
Cha tôi qua Mỹ theo con được 10 năm thì mất, mẹ tôi mất sau cha tôi 5 năm. Cả hai cụ đều mất ở tuổi 81. Ở thế hệ của cha mẹ tôi, như vậy là sống thọ, nhưng đối với tôi mấy chục năm nay, khi nghĩ mình không còn cha mẹ nữa, tôi vẫn tủi thân như một đứa trẻ mồ côi.
Chúng tôi làm giỗ cho cha mẹ mỗi năm, bằng nghi thức xin lễ ở nhà thờ, con, cháu, chắt, tụ lại đọc kinh, ăn uống. Trên bàn thờ có ảnh cha mẹ, nến, hoa và đĩa trái cây. Con cháu đến đông đủ thì thắp ba nén nhang, như gửi lòng thành bay lên theo khói và hương thơm.
Tôi không hề đốt vàng mã cho cha mẹ tôi từ ngày cha mẹ tôi mất đi. Vì ở nước Mỹ này mà nhóm lửa như thế ở ngoài mộ hay ở trong nhà đều rất phức tạp.Tôi cũng không tin cha mẹ tôi sẽ nhận đầy đủ số tiền tôi đốt, dù một xu.
Nhưng chị tôi thì không? Thỉnh thoảng vào ngày giỗ hay rằm tháng tám, chị vẫn âm thầm đi mua xấp vàng mã mỏng, âm thầm khấn vái một mình. Nếu em có bắt gặp thì chị ngập ngừng nói: Cứ làm cho yên lòng, nhỡ bố cần tiền không có thì sao?
Tôi có hơi cằn nhằn chị lẩn thẩn, nhưng lần sau thấy, tôi chỉ cười, có khi cùng đi mua theo chị. Cứ để chị an tâm còn hơn chị lo lắng. Vàng mã làm yên lòng người sống hơn người chết.
Tôi chỉ nghĩ hóa vàng là một phong tục tượng trưng đẹp, nếu không bị người ta thương mại hóa đưa tới chỗ phí phạm quá đáng.
Một người bạn gửi cho một bài về “Tiền âm phủ trong nước”. Tiền vàng không phải là một tờ giấy dó quét kim nhũ lên nữa, mà họ in thành tiền đô la và euro mới là điều lạ lùng.
Và để mua 1 đồng tiền âm phủ người ta phải mua giá chợ đen, trả tới 100 đồng tiền dương thế của chính phủ.
Chắc chắn không ai mua 1 đồng bao giờ. Để hóa, bao giờ tiền cũng phải mua từng xấp. Con cháu càng giầu có thì tiền mang đốt xuống âm phủ phải càng nhiều. Trước tiên họ cần ba loại tiền khác nhau:
Đó là tiền bạch đinh, hoàng đinh và tiền hoa in hình đồng xu tròn. Giấy bạch đinh tượng trưng cho dương khí, hoàng đinh tượng trưng cho âm khí và đồng in hình xu tròn tượng trưng cho sự phối ngẫu cả hai loại tiền này, âm dương gắn kết, hài hòa. Một khi đốt cúng cho ông bà, người Việt Nam thường đốt kết hợp ba loại bạch đinh, hoàng đinh và tiền hoa để ông bà tùy nghi sử dụng.
Tục vàng mã này xuất phát từ Trung Hoa, sau 1000 năm bị Tàu đô hộ, nước Việt thấm nhuần cả phong tục, xấu và tốt của họ. Từ thời xa thật là xa (Nhà Chu, 1.122 trước Tây lịch) chỉ có vua quan khi chết có quyền chôn theo tất cả cái gì thuộc về mình, như: châu báu, vàng bạc, bề tôi trung (còn sống) thê, thiếp (còn sống). Sau thấy chôn người sống dã man quá, họ thay bằng người bện bằng cỏ, gọi là Sơ linh. Các vật dụng hàng ngày bằng đồ gốm, đá quý cũng được chôn theo. Mãi khi khám phá ra cây dó, làm giấy được thì vàng mã được thay vào.
Đây là một thị trường càng ngày càng phát triển theo đầu óc mê tín của người dân. Nên những con buôn nghĩ ra đủ mọi mặt hàng để kiếm tiền.
Vàng mã thịnh hành nhất ở miền Bắc nước Việt. Ngay từ thời còn nhỏ tôi đã nghe nhưng câu hát về vàng mã như:
Đồng tiền Vạn Lịch/Thích bốn chữ vàng/Anh tiếc công anh gian díu với nàng đã lâu/Bây giờ nàng lấy chồng đâu/ Để anh mua tặng trăm cau ngàn vàng/Năm trăm anh đốt cho nàng/Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
Chia tay cho một mối tình mà cũng phải mua vàng mã về đốt để giải lời thề, thì văn hóa này chỉ có ở miền Bắc nước Việt mà thôi.
Những làng chuyên nghề như làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), mỗi năm đến gần Tết và vào rằm tháng bảy, cả làng từ người già đến con trẻ, bận tối mặt về làm hàng mã.
Khi về thăm Hà Nội vào dịp cuối năm, tôi thích nhất đi vào phố hàng Mã để nhìn màu đỏ nhuộm đỏ không gian, nhuộm đỏ trái tim người đi qua phố.
Họ sản xuất không thiếu một thứ nào, không cái gì người sống có mà người chết không có. Từ những trang phục cổ như: áo the, khăn xếp, ô đen cầm tay, xe kéo, xe đạp, con chó, con mèo,v.v…tới IPod, IPad, xe hơi, nhà lầu hạng sang nhất là chuyện thường, họ còn hóa cả hình nhân của các ca sĩ đang ăn khách xuống âm phủ cho những cậu quý tử ăn chơi chết trẻ. Ca sĩ càng nổi tiếng, giá càng cao. Giá cao tới đâu vẫn có người mua mang về hóa.
Nhưng trong đám vàng mã đó nếu muốn tìm một bộ quân phục, mũ tai bèo, nón cối, dép râu, cũng có ngay.
Nhìn hình ảnh bà mẹ già trong một đất nước đã thanh bình, không còn súng đạn nữa, ngồi hóa vàng cho con với những bộ quần áo, mũ, dép của người lính như thế trong những ngày vào xuân ai không mủi lòng.
Tôi biết đức tin công giáo của chị tôi rất mạnh, nhưng lòng thương cha khiến chị để trí tưởng tượng của mình đến một thế giới cần tiền âm phủ. Cái thế giới đó có ông bà, cha mẹ mình đang ở.
Cái thế giới đó có thật hay không? Nếu có thật thì vẫn có kẻ giầu, người nghèo như thế giới tôi đang sống. Rồi những người giầu sẽ nhận được xe hơi, nhà lầu, tiền đô la, tiền euro, ngay cả ca sĩ giúp vui. Và người nghèo vẫn chỉ có trong tay những đồng bạc vụn. Người lính Bắc Việt vẫn phải mặc hoài áo lính, nón cối, dép râu.
Ai muốn tin vào chuyện hóa vàng, muốn thi vị hóa đời sống cõi âm, muốn giữ một phong tục lâu năm bằng cách này hay cách khác. Đúng hay sai, khó mà nói được.
Chỉ tội một điều những người nghèo quá, Tết chưa chắc có tiền may một tấm áo mới cho đứa con đang tuổi lớn, làm sao có tiền đốt một cái áo giấy, một xấp bạc giả cho một vong hồn người đã chết bao năm, mà giá đắt gấp mấy mươi lần.
Ước chi có một cuộc hóa vàng của những người đã qua đời, đốt cho những người trên trần thế, để chúng ta nhận được tình thương yêu, đạo đức của tổ tiên mình.
Trần Mộng Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét