Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

CHUYỆN ĐỜI TỰ KỂ ( phần cuối ) - Lê Xuân Sang.

Gia đình LXS năm 1961
... Nghe tiếng, ba hướng về phía tui, vội vã. Mấy đứa bạn thấy vậy chọc quê: “Thằng nầy sướng he, đi thi có ông già hộ tống”. Tui mắc cỡ thấy bà cố.
- Ba… xuống đây chi vậy?
- Thì tao sợ mầy bỏ…
À thì ra vậy. Số là khi nộp hồ sơ thi, ba tui căn dặn nên đi sư phạm, đừng đi đại học hoặc kiểm sự (trung cấp) vì khỏi bị đi lính. Thời đó ai đi sư phạm được ưu tiên hoãn dịch. Trong khi tui lại thích hai thứ kia. Quan điểm của tui lúc ấy là con trai mà đi làm thầy giáo thì hơi bị yếu! Vốn biết tánh tui ngang như cua nên ba tui không yên tâm. Từ lúc xách túi xuống nhà dì dượng Hai luyện thi, tui hơi làm biếng về nhà, vì vậy tới ngày thi, ba tui khăn gói xuống “thăm chừng” thằng con ngang như cua nầy có bỏ thi không. Thiệt hết ý!
Theo chương trình thi thì có hai phần: thi viết và thi thực tế. Thi thực tế để giám khảo đánh giá sơ bộ anh, chị nầy có khả năng làm “thầy” hay không? Giống như khi thi vào trường sân khấu điện ảnh phải tự mình diễn 1 tiểu phẩm ngắn vậy. Về hình thức, tác phong cũng rất quan trọng. Vì vậy, trong lúc dặn dò tui khi đứng trên bục giảng phải làm sao, cách cầm cục phấn, cách trình bày trên bảng đen,… thì ông móc trong túi ra cặp manchette (nút tay áo) và cái cravate (cà-la-vát) bắt tui phải mang vào. Thiên địa thánh thần ơi, mắc cỡ muốn chết. Mấy đứa bạn đứng chung quanh cười rần rần khiến tui suýt độn thổ. Ơ hay, vậy mà có lý. Khi giám khảo chấm tác phong trên bục giảng, tui được điểm tối đa. Cám ơn “đồng chí” bố già của tui. Ba là thầy giáo đã thành, chúng con là thầy giáo sắp thành, ba ơi.
Và kết quả kỳ thi sư phạm ngành NLS tui đậu, mà lại đậu cao nữa chứ. Thế là mặc dầu đã nộp đơn hai trường kia, tui bỏ luôn không thi, chấp nhận bước vào nghề “godautre” cho ba tui vui lòng.
Trường Cao Đẳng Sư Phạm NLS được hình thành để giải quyết nhu cầu giáo sư cho các trường trung học NLS ở các tỉnh miền Nam thời bấy giờ, mà người chủ trương là thầy Đặng Quang Điện. (Trước năm 1975 ở miền Nam, thầy cô giáo dạy tiểu học gọi là giáo viên, dạy trung học là giáo sư, và dạy đại học là giảng sư). Vì tính cấp tốc của chương trình nên mang tiếng là “trường” nhưng chẳng có cơ sở vật chất gì ráo mà phải “ăn nhờ ở đậu”. Văn phòng trường thì ở chung với Nha Học Vụ NLS do thầy Điện làm Giám Đốc Nha, kiêm Hiệu Trưởng trường. Khi học các bộ môn chuyên biệt như N,L,S thì mượn hội trường Ty, Sở, còn khi học các môn chung về sư phạm thì tập trung ở hội trường lớn trong Sở Thú. Vì vậy tụi tui năm đó có thẻ ưu tiên vào Sở Thú... coi khỉ hỏng tốn tiền.
Rồi khóa sư phạm cũng kết thúc mà… hỏng có đứa nào rớt hết. Bịn rịn chia tay những bạn bè yêu dấu, chia tay những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò để bước vào khúc quanh mới: LÀM THẦY – Làm người lớn.
Trong thời gian ngắn ngủi của khóa sư phạm, tui cũng kịp vương vấn một chút tơ lòng mà đành phải “trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát...” để về nơi đất phèn chua, có đám học trò áo nâu, nhắc nhớ mình những kỷ niệm thời còn ở Bảo Lộc, cách đó mấy năm mà cứ ngỡ xa lắm. Các em là hiện thân, là hậu duệ của mình thời cắp sách. Ôi, mộc mạc và thân thiết bởi đám học sinh nơi tỉnh lẻ Ba Xuyên-Sóc Trăng. Nơi đây đặc thù của ba sắc dân: Việt, Khmer và Tiều. Họ sống chan hòa với nhau bằng tình thân xóm giềng lẫn tình ruột thịt, trong đám học trò của tui cũng thế.
Mỗi khi đi chợ, các bạn luôn nghe sự giao thoa, pha trộn của 3 thứ ngôn ngữ nầy. Nào là: chế, hia, cửu, ý (chị, anh, cậu, dì), mình ên, muôi, pia, bây (một, hai, ba), rồi: phất tức te (uống trà), phất sra (uống rượu), si bay bòn ơi (ăn cơm anh ơi). Cái độc đáo là tiếng Khmer lại thêm tiếng Việt “ơi” vào phía sau mới không đụng hàng. Hihi. Thật là những kỷ niệm không quên khi còn ở “tỉnh lẻ đêm buồn”, mà ở đây:

“Cầu nào cao cho bằng cầu Thiên Hộ
Gái nào ngộ cho bằng gái Sóc Trăng”

(Nếu có dịp, tui sẽ có những bài viết về từng giai đoạn trong cuộc đời. Đời người là một liên khúc nhạc, có thăng, có trầm, nhưng có một sự kết nối nhau tuyệt diệu mà ta không thể giải thích nỗi. Các bạn chờ nhé).
Trở lại câu chuyện, nhiều lúc tui cứ nghĩ rồi đây sẽ mình chôn chân nơi vùng đất phèn chua nầy với mối tình nho nhỏ, với đám học trò áo đồng phục màu nâu đất ùa ra mọi ngã mỗi buổi tan trường. Thế nhưng ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến làm thay đổi mọi thứ trong tui, kể cả “chuyện tình nho nhỏ” nơi đây.

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”
(Xuân Diệu)

Theo chủ trương của tỉnh lúc bấy giờ, trường NLS giải tán, thầy trò tập trung lên huyện Ô Môn, cách Cần Thơ 30km, để xây dựng nông trường lúa giống có tên là Trại Giống Nông Nghiệp Hậu Giang. (Sóc Trăng và Cần Thơ sáp nhập thành Hậu Giang). Trong thời gian ở Trại Giống, tui bắt đầu ký bản án “chung thân” với một em mới quen, cùng cơ quan. Cho tới giờ phút nầy em vẫn “đeo bám” tui suốt, mà có lẽ… suốt đời quá! Bản án chung thân mà. Hic! Từng người tình đã bỏ ta đi trong những ngày tháng dài, chỉ còn “mình em” theo ta như hình với bóng.
Sau một thời gian làm việc ở đây “bả” rủ tui: “em đưa anh đi về, về quê hương ta đó”, là đất Sông Bé, vùng miền Đông đất đỏ. Đó là thời điểm 1978.
Ngày đầu đặt chân làm dân Sông Bé, môi trường mới, cuộc sống mới, lấy quê của bả làm quê hương thứ hai của tui. Ôi, vô vàn gian nan thời bao cấp. Sau khi trình diện, tổ chức chính quyền tỉnh Sông Bé sắp xếptui dạy ở một trường phổ thông với đồng lương:

“Người quân tử ăn chẳng cần no
Đêm năm canh an giấc ngáy khò khò
Thời thái bình cửa thường bỏ ngõ”
(Nguyễn Công Trứ)

Có mấy người bà con trong xóm thắc mắc: “sao nghe nói ở miền Tây lúa gạo ăn không hết, tụi bây dìa đây làm chi mà phải ăn độn?” “Dạ, tình hình chung tía ơi! Hễ đói thì chỗ nào cũng đói hết á! Do thiên tai, mất mùa mà ra. Ở Cần Thơ cũng vậy thôi tía ơi”.
Tui còn nhớ lúc đó đi dạy phải “ém” một lon guigoz cơm pha bobo với tỉ lệ 50/50 trong túi xách. Sở dĩ phải mang cơm theo là vì sau khi dạy xong, tui đạp xe gần 7 cây số leo dốc, xuống đèo từ thị xã Thủ Dầu Mệt… ủa lộn, Thủ Dầu Một tới lò mỹ nghệ Minh Long để… làm mướn.
Khi xe lăn bánh tới lò thì mồ hôi mẹ, mồ hôi con tui đổ ào ào. Ngồi một lúc cho... hạ tăng xông, tui giở lon guigoz ra “chém đẹp”. Chừng vài phút, lon guigoz sạch nhẵn, năng lượng được nạp đầy, tui hý hoáy trong tư tác làm thuê. Đến chiều thong dong đạp xe về nhà chừng 3km nhưng khỏe hơn vì nhờ gió chiều, và nghĩ tới thành quả lao động của mình nên vơi bớt nhọc nhằn. Tính ra thu nhập làm thêm cũng khá cao, họ tính tiền theo sản phẩm mình làm ra. Nếu mình làm cần mẫn thì thu nhập có thể gấp ba lần lương đi dạy. Bây giờ nghĩ lại thấy phục tui quá xá. Nếu bây giờ bắt tui đạp xe đi làm như lúc đó chắc... xỉu.
Đây là cái nghề không cần học, cũng không tốn vốn mà lại kiếm tiền kha khá mới ngộ chứ. Số là “vốn tự có” của tui là hoa tay. Hồi nhỏ lúc nào điểm vẽ của tui cũng maximum. Thầy giáo thường khen: “Thằng nầy có hoa tay, chắc lớn làm họa sĩ quá”. Mà đúng thiệt, sau nầy tui sử dụng “vốn tự có” của mình để đi… vẽ mướn.
Trong nghề mỹ nghệ lúc đó có nhiều khâu, nào là: quậy hồ, đổ khuôn, khắc, chấm màu, sắp xếp vào lò, thợ chụm lò, thợ in hộp,… Tui ở khâu khắc. Vậy khắc là gì? Tui xin giải thích như thế nầy: bình bông sau khi lấy ra khỏi khuôn, được lau, gọt cho láng rồi đem ra nắng phơi. Sau vài nắng, bình khô cứng sẽ tới khâu khắc. Đó là người thợ dùng cây căm xe đạp mài nhọn đầu để khắc, tạo hình bằng những đường rãnh trên cái bình đó. Đại khái là dùng “cây viết” nhọn đầu (cán viết là đoạn trúc) vẽ lên cái bình đất chưa nung. Tại sao phải làm như vậy? Vì những đưởng rãnh đó sẽ ngăn từng chi tiết của hình không bị lem vào nhau khi chấm màu và khi bị nung nóng. Trong thời gian làm ở đây, tui có sáng tác hai tác phẩm, mà hiện nay vẫn còn chưng ở nhà. Đó là bình bông tặng ba tui nhân dịp mừng lục tuần, và bình bông tặng nhân dịp sinh nhật của “bả” (ma moitié) mà ông chủ cảm tình không tính tiền “lửa củi”.
Thời gian ở lò gốm tui cũng có nhiều kỷ niệm. Số là trong đám công nhân chắc tui “già đầu” nhất. Mỗi khâu ngồi thành nhóm riêng, ngoài tui là đực rựa già còn có mấy cô giáo cùng cảnh ngộ “khoái ăn sang” làm chung. Trong lúc làm việc vừa tâm sự chuyện đời, chuyện nhà thiệt vui.
Thế rồi bánh xe cuộc đời cứ lăn, cứ lăn. Tui cứ nghĩ chắc cuộc sống của mình cứ thế cho đến già. Nhưng không, vào một ngày đẹp trời tui lại giã từ nghề giáo để đầu quân vào công ty Chăn Nuôi Sông Bé vừa mới thành lập. Cứ ngỡ lần nầy thoát khỏi ngành “hành chánh sự nghiệp” để bước sang lãnh vực kinh doanh chắc… khá hơn. Thế nhưng tui đã lầm. Mặc dù lúc ấy đất nước đang chuyển mình từ bao cấp sang kinh tế thị trường, rất thuận lợi cho những ai nhạy bén, biết nắm lấy thời cơ thì dễ phất lên làm giàu. Nhưng đối với một thằng vẫn còn bản chất thầy giáo như tui, sau 6 năm “lăn lộn” trong cái công ty đó, tui thấy tui vẫn… là tui!
Thế là sau thời gian đắn đo “về” hay “ở”, và vào một ngày đẹp trời, tui đút đơn xin “về quê cắm câu”. Hic!
Báo cáo các bạn, kể từ đó đến nay, tui yên tâm tư tác bằng cái nghề mà ba tui “đem con bỏ trường” năm ấy, nghề mà mọi người gọi là Thú Y. Còn tiền lương? Có bà con, nhân dân trả lương cho tui. Đến bây giờ nhiều lúc tui nghĩ lại, biết đâu lúc mình nghỉ việc cơ quan lại là cái may? Vì lúc đó phong trào chăn nuôi cả nước lên rất cao. Nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo. Từ mấy anh cán bộ trưởng, phó phòng, đến anh chị nhân viên cơ quan đều tranh thủ về nuôi heo sau giờ làm, ít có la cà ăn nhậu như bây giờ. Nuôi sau đất cơ quan, nuôi ở hộ tập thể,... Còn ngoài dân thì khỏi nói, nhà nào cũng vài ba con nái, hàng chục heo thịt. Chẳng qua là vì lúc đó còn trong giai đoạn giao thời giữa “kinh tế bao cấp” và “kinh tế thị trường”, nguồn cung còn ít hơn cầu, nên việc chăn nuôi cung ứng thực phẩm còn đất sống. Hơn nữa giá cả heo, gà lúc ấy rất hấp dẫn nên ai cũng tập trung chăn nuôi (chả bù hiện nay người chăn nuôi khóc ròng vì giá!).Các hãng cám lúc ấy chạy hết công suất vẫn không đủ bán. Thế là, theo qui luật tự nhiên, có chăn nuôi thì phải có bịnh gia súc. Mà có bịnh gia súc thì… thú y có ngay! Mấy năm đó nghề thú y ăn nên làm ra, nhưng chạy mệt xỉu. Chỗ nào bà con cũng kêu, mà hễ kêu thì gần như là hối “gấp, gấp”. Từ anh đại lý bán thuốc thú y, anh bán cám, đến anh thú y trực tiếp tiêm chích đều… sống khỏe. Heo bán ra có lời nên mặc dù chi phí có tốn kém nhưng ai nấy đều vui vẻ.
Thế nhưng việc gì cũng chỉ có giai đoạn, như hiện nay nghề chăn nuôi đang có hiện tượng suy thoái. Tui nghĩ nếu tình hình giá cả bấp bênh như thế nầy và tốc độ đô thị hóa nhanh thì chắc thời gian ngắn nữa thôi, người nuôi sẽ tự động “treo máng”, mặc dù họ vẫn còn “yêu nghề”!
Nhưng ông bà ta ngày xưa nói có lý: ”cái khó ló cái khôn”. Thời gian sau nầy tuy việc điều trị heo, trâu, bò có giảm nhưng điều trị… chó của tui lại tăng lên các bạn ạ. Thôi thì cầu mong cho bà con “đâu cần, thanh niên có, đâu khó, có thanh niên” để tui có dịp rong ruổi trên mọi nẻo đường quê hương…
Đoạn kết:
Tui nhớ lại hồi nhỏ tập làm văn, cô giáo dạy bài văn phải có 3 phần: nhập đề, thân bài và kết luận. Vậy thì “CUỘC ĐỜI CHIẾN ĐẤU” của tui sắp kết thúc rồi. Ngẫm nghĩ lại, phía sau những nốt thăng trầm trong cuộc đời của tui luôn có bóng dáng của... bố già tui. Nhất là lúc cực khổ trên ngôi trường NLS Blao, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giữa những buổi thực hành nông trại bên líp rau, bên vườn ươm cây rừng, bên chuồng gia súc với những mùi đặc trưng khó tả! Từ một thằng “dân chợ” chẳng biết gì về nông nghiệp cả, vậy mà giờ đây mấy cây, mấy con thuộc về nông nghiệp nó rành… 7 câu. Nào là: Cyprynus Carpio (cá chép), Tilapia Mossampica (cá rô phi), Cynodon Dactylon (cỏ chỉ), Eleusine Indica (cỏ mần trầu), Mimosa Pudica (cây mắc cở), Hopea Odorata (cây sao), Shorea Cochinchinensis (cây sến), Dipterocarpus Alatus (cây dầu), Pinus Merkusi (thông 2 lá), Pinus Khasia (thông 3 lá), heo Yorshire, Landrace, Danois, Duroc,… café Robusta, Arabica,… các giống lúa, sâu rầy,... đều phải học hết ráo. Rồi đỡ đẻ heo, bò. Nhiều lúc tui nghĩ tui phục tui quá xá. Mấy chục năm trôi qua mà tui vẫn còn nhớ như ngày nào.
Nhưng dù sao, công bằng mà nói, cũng tại tui muốn làm Christop Colomb tìm “vùng đất mới” sương mù giống bên Tây nên mới bước chân lên vùng cao nầy. Nơi có ngôi trường với con đường Hoàng Hoa tuyệt đẹp, với những kỷ niệm thời học sinh tuyệt vời.
Còn mấy ngày nữa là đến giỗ “bố già” tui, (17/3 ÂL), một lần nữa xin nghiêng mình thắp một nén nhang trước hương hồn của ông, mà lúc nào tui cũng văng vẳng bên tai lời khuyên của ông: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù không có danh gì với núi sông cũng phải LÀM NGƯỜI TỬ TẾ”.
Các bạn ơi, đến đây tui xin tạm chia tay “chuyện đời tự kể” mà có lẽ 90% là thật, và phần còn lại là cường điệu để tạo thêm sự hấp dẫn của câu chuyện. Trong đó, có thể các bạn cảm thấy phảng phất đâu đây những tình huống giống giống cuộc đời mình đã trải qua, như vậy cũng khiến tui mãn nguyện lắm. Sau khi xem xong bài viết nầy, có bạn thích, có bạn không thích, nhưng mong các bạn thông cảm, vì:
... và LXS áo xanh - 2014


“Lời quê chắp nhặt dông dài,
mua vui cũng được một vài trống canh”

     Lê Xuân Sang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét