Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

CÓ PHẢI NGẠC NHIÊN ? - Nguyễn Trần Diệu Hương.

(Hình minh họa)
Có Phải Ngạc Nhiên?




Đầu mùa Thu, lá trở vàng như quy luật thiên nhiên. Ở quê nhà, Cô giáo Việt văn ngày xưa là một trong những chiếc lá vàng lìa cành đầu tiên.

Cô về hưu gần hai mươi năm và sống quạnh quẽ ở một góc Saigon , nhưng lúc nào Cô cũng rạng rỡ nụ cười trên môi. Vì bên cạnh Cô có đồng nghiệp, và học trò cũ. Một vài người trông còn đứng tuổi hơn Cô, nhưng có dịp gặp Cô họ vẫn cung kính như xưa.

Ngày Cô trở bệnh nặng, Cô nhắn tin cho thân nhân ờ Pháp về. Người thân của Cô vội vã về ngay nhưng đường xa ngàn dặm, cũng phải mất hai ngày mới đến. Đồng nghiệp cũ, học trò xưa, người nhỏ nhất tóc cũng chớm đổi màu, tận tình chăm sóc Cô từ nhà vào bệnh viện. Rồi bệnh viện bó tay, Cô trờ về nhà. Ngôi nhà không còn trống vắng, vì đầy tình nghĩa ngày xưa.  Học trò ờ VN gởi E mail cho bạn học ở khắp nơi từ Châu Úc, Châu Âu, qua Châu Mỹ báo tin "Cô chỉ xin Phật cho Cô được sống thêm một ngày để gặp được cháu Cô từ Pháp về".

Học trò xưa lưu lạc quê người, mờ mắt chạy đua theo kim đồng hồ vì nợ áo cơm , nhưng vẫn nhạt nhòa nước mắt thương Cô.

Ngày đưa tang Cô, hàng xóm kinh ngạc vì đó là đám ma lớn nhất vùng. Không có lễ truy điệu cùa nhà nước, không có kèn trống xênh xang, nhưng có những con mắt đỏ hoe cùa "học trò già”, có nỗi ngậm ngùi của đồng nghiệp. Những tràng hoa phúng điếu đến từ khắp nơi trên thế giới, không rực rỡ màu sắc mà chì mỗi một màu trắng như màu áo học trò.

Học trò ờ VN đọc điếu văn ,thay mặt bạn bè khắp thế giới , dù ở góc nào trên địa cầu cũng chân thành thương Cô, một nhà giáo mẫu mực.

Tình nghĩa thầy trò còn thấy ở một lề đường bụi bặm của Tây Ninh 30 năm trước. Có người học trò cũ trong y phục chỉnh tề của nhà giáo đi chấm kỳ thi tốt nghiệp Trung học. Một khoảnh khắc tình cờ, từ cửa sổ phòng coi thi nhìn ra lề đường, người học trò xưa , lúc đó là phó chủ khảo của Hội đồng chấm thi, chợt nhận ra bóng dáng ông Thầy dạy Toán của mình năm lớp 9  ở Biên Hòa ngồi ở lề đường bên kia đối diện  trước cổng trường, đang lui cui sửa một đôi giày cũ.

Lòng chùng xuống,  nhưng nhà giáo trẻ đành phải đợi đến cuối buổi thi. Trưa hôm đó, xong mọi công việc, thay vì đi ăn trưa, anh băng qua đường đến chào Thầy:

- Thưa Thầy, em chào Thầy.

Ông vá giày, đen đủi vì nắng mùa hè, nhem nhuốc vì bụi đường (và cả "bụi đời" sau biến cố tháng 4/75) nhưng đôi mắt vẫn sáng, điềm tĩnh như phong cách nhà giáo trước tháng 4/75, ngước lên ngạc nhiên lẫn vui mừng:

- A! Thanh đó hả? Làm gì ở đây? Chờ Thầy một chút, phài vá xong đôi giày này để một giờ người ta đến lấy.

Người học trò cũ ngồi xuống lề đường, bên cạnh chiếc thùng gỗ đựng đồ nghề sửa giày, nhem nhuốc vì bụi đường, đứng chơ vơ bên lề đường như người chù cùa nó.

Anh thương Thầy lắm, cứ áy náy không làm gì được để giúp Thầy. Cái chemise trắng cùa anh nổi bật giữa màu sắc xám xịt trong "gian hàng lưu động" ở lề đường của ông Thầy cũ.

Chì tám năm trước, Thầy và anh cùng mặc áo trắng. Trong lớp học, Thầy đứng trên bục giảng, anh ngồi ở bàn đầu nghe Thầy dạy cách giải phương trình bậc hai. Bây giờ Thầy mặc cái áo kaki màu olive sờn cũ bạc màu, cũng thay đổi như xã hội đương thời. Duy có đôi mắt vẫn tinh anh, vẫn còn là đôi mắt của một nhà mô phạm. Bụi đường bay tung tóe không làm đôi mắt Thầy vẫn đục.

Khi người khách đến lấy giày, ông ta tưởng anh là khách hàng, khuyên anh bằng một thứ ngôn ngữ mới du nhập vào miền Nam:

- Này, ngồi đợi như thế thì chỉ có "rách việc". Vừa phí thì giờ vừa không được vá giày kỹ lưỡng.

Anh nhũn nhặn trả lời:

- Thưa không, tôi ngồi đợi Thầy tôi làm việc xong để được thăm Thầy.

Ông khách tròn mắt ngạc nhiên và nhận xét thật lòng:

- Thầy trò miền Nam các anh quý hóa thật!

Hôm đó khi Thầy làm xong công việc, anh chì còn kịp cầm tay Thầy ân cần thăm hỏi. Không dám dốc nửa tháng tiền lương của một "giáo viên Toán cấp 3" đặt vào tay Thầy vì Thanh biết Thầy sẽ không bao giờ nhận.

Ba mươi năm sau ngày gặp Thầy ờ lề đường Tây Ninh, Thanh vẫn dạy Toán cho học trò lớn hơn ở bậc Đại học. Và Thầy tóc đã ngã màu sương khói, được hệ thống an sinh xã hội ở Mỹ chu cấp trong giai đoạn hoàng hôn của cuộc đời.

Thanh kề chuyện cho một người học trò cũ nghe. Cô đã so sánh nỗi kinh ngạc của người khách hàng ở lề đường của Thầy năm xưa với sự ngạc nhiên của cả xóm ngày tang lễ Cô giáo dạy Việt văn thời Trung học.

Nếu người ta biết đến những câu nói truyền miệng ngày xưa "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hay "Trọng Thầy nới được làm Thầy" thì trong cá hai trường hợp đều không có sự ngạc nhiên. Chuyện bình thường trong xã hội này không dưng trở thành nỗi ngạc nhiên trong một thể chế khác. Hình như có những chiếc lá vàng may mắn  đã bay lượn trong hoan ca trước khi về với đất...

Nguyễn Trần Diệu Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét