Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Câu chuyện phương xa GIÁO DỤC MỸ... - Lương Thái Sỹ.




GIÁO DỤC MỸ, NHÌN TỪ MỘT LÀNG ĐẠI HỌC
*

Đến Mỹ, tôi có chuyến thăm đại học UCSB (Universty of California at Santa Barbara) đặt tại Santa Barbara (nơi cố TT Mỹ Ronald Reagan có một trang trại ngựa nổi tiếng) thuộc trung bộ California (Cali). Đại học nằm sát con đường ven biển Hwy (highway) 101 nối Nam Cali với Bắc Cali, đến tận San Francisco.
 O O O O O O
Đại học Mỹ vừa là cơ hội vừa là cái bẫy nợ nần
*
Nói đến giáo dục đại học tại Cali là phải nói đến University of California ở thành phố Berkeley, còn gọi là Đại học California-Berkeley nằm trong khu vực vịnh San Francisco, một trong những đại học công nổi tiếng nhất ở Mỹ và có truyền thống chống chính phủ. Đại học tư thì có Stanford University, tên chính thức Leland Stanford Junior University, nơi con gái Chelsea của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng theo học. Tôi đến UCSB không đúng mùa nhập học nên không thấy được không khí rất đặc trưng và náo nhiệt của mùa này. Mùa tựu trường là mùa bận rộn nhất của sinh viên (SV) Mỹ mới nhập học và của cả các bậc cha mẹ. Đây cũng là mùa cao điểm "kiếm ăn" của các nhà hàng, khách sạn...giáp ranh đại học. Tất cả khách sạn và những nơi ở trọ đều ken kín người, nên có khi cha, mẹ phải thuê phòng cách đó vài chục km, chờ con cái ổn định xong ăn ở và nhập học mới về. Đó là chưa kể trước đó họ còn phải chạy đôn chạy đáo hàng trăm km để tìm đại học nào phù hợp mà con cái có thể ghi danh vào học. Khác với Việt Nam, SV Mỹ đi học là bắt đầu có cuộc sống riêng đúng nghĩa nên cha mẹ phải lỉnh kinh mang theo các thứ cần thiết, đủ để cho con sống nội trú tập thể năm đầu trong các dorm (ký túc xá của đại học). Đây cũng chính là thời gian thử thách cuộc sống tập thể và khả năng tự lập khi không có gia đình bên cạnh. Từ năm thứ 2 SV được phép ra ngoại trú, cha mẹ còn phải bổ sung thêm các vật dụng cần thiết khác, như tủ lạnh, xe hơi, giường, bàn ghế và dĩ nhiên là đồ nấu ăn. Campus (làng đại học) rộng cả, chục, trăm ha và được thiết kế sao cho SV cảm thấy thoải mái nhất trong học tập và vui chơi. Các khoa cách xa nhau nên phải đi lại bằng xe đạp. Có bãi xe chứa cả nghìn chiếc xe đạp, tuyệt đại đa số là loại rẻ tiền. Đại học có đội ngũ an ninh riêng và cảnh sát chỉ được phép đi vào khi có yêu cầu. Thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ sát nhân trong khuân viên trường, mà UCSB không là ngoại lệ. Nguyên nhân chính do bất mãn hay tuyệt vọng. Không ít sinh viên có xe hơi riêng khi ra ngoại trú, có em còn tranh thủ kiếm tiền bằng cách cho bạn nào cần đi chung xe (carsharing) về nhà những ngày nghỉ lễ. Ý thức làm thêm của SV Mỹ khá cao, đặc biệt trong dịp hè, và không từ nan bất cứ công việc nào. Có em chọn học kỳ hè để rút ngắn thời gian học và chỉ dành vài tuần nghỉ ngơi hoàn toàn về với gia đình. Thường thì SV ngoại trú thuê 2, 3 người một phòng có đầy đủ tiện nghi cơ bản để tiết kiệm. Bên ngoài campus có cả một hệ thống kinh doanh ăn theo sinh viên, từ nhà trọ đến nhà hàng, giải trí và đặc biệt là các quán cà phê wifi, điểm lý tưởng để SV học bài với giá cả phải chăng. Cũng có club và sân khấu kịch. Các biển cho thuê "now leasing" nhan nhản trước mùa tựu trường. Trường đại học nào cũng có trên dưới chục ngàn SV theo học nên số ăn theo này rất lớn. Nói rõ hơn là có một hệ thống kinh doanh vận hành theo SV, kể cả cho vay tư nhân nặng lãi. Các đại học tìm mọi cách thu hút càng nhiều SV và thầy giỏi càng tốt vì số tiền thu được quyết định sự tồn tại và mở rộng của đại học, kể cả đại học công. Học phí và sinh hoạt phí tại Mỹ không hề rẻ, nhưng cơ hội vẫn để ngỏ cho mọi người. SV nghèo có học bổng và các khoản hỗ trợ khác. Ngoài ra còn nợ SV mà hiện nay đã lên đến con số 1.350 tỉ USD, và cứ mỗi giây tăng thêm 2.720 USD. Thống kê mới nhất cho thấy hiện chỉ có 10% công ty Mỹ có chính sách hỗ trợ nhân viên trả một phần nợ công thời còn đi học theo từng tháng. Nợ đại học là bài toán đau đầu của cả chính phủ và SV Mỹ sau khi ra trường. Uy tín tài chính của bạn sẽ giảm nếu bạn cứ dây dưa khoản nợ này.
*
Sinh viên Việt tại Mỹ
*
UCSB tôi đến nằm sát biển nên cảnh quan rất đẹp. SV Việt sinh ra và trưởng thành tại Mỹ có phong cách giao tiếp "Mỹ hoá" từ trong trứng nên rất tự tin, có ý thức tự lập cao và cư xử lễ phép kiểu Mỹ. Nhiều em nói tiếng Việt giọng Mỹ. Còn SV du học có nhiều em dựa dẫm vào cha mẹ, bắt chước lối sống Mỹ ở phần ngọn nên có em buông thả và sa đà ăn chơi nhiều hơn là học. Sang Mỹ tôi mới biết tại sao có những SV VN qua Mỹ học hoài mà vẫn không giỏi, chỉ khá phần tiếng Anh. Nhiều em học đại học cộng đồng và "tận đáy" cho có bằng cấp "ngoại" với người ta. Lý do là họ du học thiếu định hướng và chỉ tiếp thu những phần đen tối của lối sống Mỹ, bỏ qua phần tinh hoa với mục đích chính là định cư tại Mỹ và "giữ chỗ" cho cha mẹ. Có em tìm cách lấy vợ (chồng) quốc tịch Mỹ để kiếm một suất công dân Mỹ sau này. Nạn đại học ma và bán bằng cấp, kể cả bằng tiến sĩ cũng khá rôm rả tại các đại học cộng đồng và đại học chui. Thỉnh thoảng, trong campus tôi lại thấy những chiếc xe hơi của SV đậu dọc đường bị đập phá bể kính, móp méo và kính chiếu hậu lặc lìa. (Nhất quỉ nhì ma, thứ 3 học trò mà). Vì vậy, xe hơi SV giá chỉ vài ngàn USD và trong tư thế sẵn sàng chờ...đập. Nạn ăn cắp từ xe đạp đến các vật dụng cá nhân xảy ra khá thường xuyên trong khuân viên đại học. 21 tuổi là tuổi được phép uống rượu nên SV nào đến tuổi này đều tổ chức một buổi "nhập môn" hoành tráng. Uống rượu trong ký túc xá cũng là vấn nạn của các đại học Mỹ. Nhiều đại học cho phép bán rượu giới hạn ngay trên sân vận động để có thêm nguồn thu, vì đây là nhu cầu có thật của khán giả SV. Nói chung, các bậc cha mẹ gốc Việt tại Mỹ đều muốn con cái mình vào học những đại học “chiếu trên” như Harvard, Yale, Stanford, MIT (Viện Công nghệ Masachussets) nhưng lực bất tòng tâm, cả do lực học của con cái lẫn khả năng tài chính của họ. Có em không theo kịp chúng bạn phải bồi thường học bổng và xin ra. Viện đại học nào cũng có những con át chủ bài riêng (như Yale có khoa luật) và tất cả những chiến lược đào tạo đều tập trung vào mục tiêu chất lượng để thu hút SV, mà cùng đích là huy động đủ nguồn kinh phí để đại học có thể phát triển và tự duy trì.

LƯƠNG THÁI SỸ
(San Jose 5.2016)

( Lương Thái Sỹ )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét