Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Hồi ức: ĐI MỸ - TRẠI TỊ NẠN BATAAN - CÁC LỚP HỌC- Nguyễn Thị Thêm.




ĐI MỸ - TRẠI TỴ NẠN BATAAN - CÁC LỚP HỌC. 

 Trại tị nạn Bataan lập ra để giúp cho những người tị nạn được học tiếng Anh, biết cơ bản về đời sống văn hóa Mỹ, xin việc và làm việc để hội nhập. Do đó chúng tôi phải hoàn tất ba khóa học: Chương trình học tiếng Anh (ESL program), Cultural Orientation (CO) và Work Orientation (WO) trước khi đi Mỹ.


Mỗi một khóa học mới, một đợt nhập trại mới gọi là một cycle. Tôi thuộc cycle 156. Gia đình tôi chỉ có thằng bé út mới 3 tuổi là không đi học. Mỗi người tùy theo độ tuổi đều phải đến trường. Mẹ chồng tôi 64 tuổi cũng học lớp người già. Cuối khóa cũng nhận bằng và chụp hình với cô giáo rất vui.

Chúng tôi được đi sát hạch để nhận lớp trong chương trình ESL. Các cô thầy giáo đều ở Manila đến đây dạy học. Họ được phân bổ ở khu nhà riêng, cuối tuần họ về lại nhà. Ông xã, tôi và cô con gái lớn học lớp dành cho người lớn. Mỗi người học khác lớp, khác buổi nên mỗi người có thầy cô riêng, bạn bè riêng mạnh ai nấy học. Con gái nhỏ đang học lớp 11 tại VN nên được vào học chương trình Trung học tại đây gọi là trường PASS. Thằng lớn vừa đúng 6 tuổi được vào học lớp một với một ông thầy người Phi rất trẻ và dễ thương. Mấy đứa con đều học những lớp ở xa vùng 6 nên được đưa đón bằng  xe bus tại trạm.

trai bataan

                                                           Xe Bus chở học sinh đi học

 

Hai vợ chồng tôi dù sao cũng có chút ít vốn liếng tiếng Anh nên đều được sắp lớp cao.  Khổ một điều là mình viết thì được nhưng nói và nghe thì chậm, phát âm không chuẩn mấy.

Trong lớp ESL của tôi đa số các chị đã làm sở Mỹ có con lai nên nghe tiếng Mỹ khá giỏi. Các chị nói giọng bồi cô giáo vẫn hiểu tuy nhiên các chị lại yếu về viết. Mỗi người mỗi hoàn cảnh riêng tư, cuộc sống tại VN giàu nghèo khác nhau, nhưng đến trạm dừng chân này để chuẩn bị đi Mỹ nên không ai làm phiền ai. Chúng tôi coi đây là cơ hội học hỏi và gắn kết thêm tình bạn.

Cô giáo Gloria  biết điều đó nên cô dạy cầm chừng để lãnh lương. Cô không quá khó khăn hay làm cả lớp bị áp lực. Cô thường chọn một học viên siêng năng viết bài lên bảng trước. Cô đọc cho học viên nghe rồi chỉ vài người bắt đọc cho đúng giọng. Sau đó cô lật sách đặt câu hỏi hỏi vài người rồi cho ngồi làm bài.

Cô Gloria rất đẹp, cao ráo, ăn mặc hợp thời trang. Cô rất mê ăn hột vịt lộn. Nhiều khi cô cho bài, chúng tôi hý hoáy làm, cô mua hột vịt lộn ngồi ăn ngon lành.

Bataan ESL

Đây là lớp ESL tại Bataan 31 năm về trước trong ngày mãn khóa học. Những người bạn ngày

ày mãn khóa học. Những người bạn ngày xưa không biết bây giờ ở đâu?

 Lớp định hướng Văn hóa Cultural Orientation(CO) và lớp Định hướng công Việc Work Orientation(WO) tôi học cô giáo tên Tet. Cô độc thân, thật dễ thương và có trách nhiệm. Cô đến đúng giờ, dạy nghiêm túc và rất hòa đồng. Chúng tôi ai cũng mến cô.

bataan 3                                                     Cô TET và Thêm ( tác giả với áo dài VN ) trong ngày mãn khóa 1991

 

Lớp Work Credit Enhancement là lớp tôi ghi tên học thêm. Phụ trách lớp này là một ông thầy còn trẻ. Thầy hay tổ chức cho chúng tôi đi chơi những khu vực quanh trại. Chúng tôi có những buổi picnic thật vui  nhiều kỷ niệm. Thầy nói ông cũng sẽ đi Mỹ một ngày rất gần, hồ sơ ba ông bảo lãnh đã gần hoàn tất. Thầy vui vẻ và rất trẻ con. Học thầy thú vị vì tất cả học viên đều thân tình coi nhau như một nhà. Rất tiếc mỗi người đi mỗi ngã, khi ở trại tị nạn chưa biết qua Mỹ mình sẽ ở đâu, làm gì nên không thể cho địa chỉ hay số phone liên lạc.

pataan 2                                                Lớp Work Credit Enhancement Program 1991 Bataan

 Tôi có con nhỏ nên còn được sắp xếp học thêm một lớp của các bà mẹ. Lớp này dạy về chăm sóc giáo dục con cái, về đời sống phụ nữ ở Mỹ (trong đó có dạy về tình dục. ) Gần cuối khóa cô giáo dẫn đến trung tâm học nấu vài món ăn của Mỹ. Tập xài những dụng cụ thông dụng như nồi cơm điện, bếp ga, máy rửa chén, máy giặt, máy sấy quần áo. Đầu khóa học, cô giáo mới sinh con, vài tháng sau thấy cô lại có bầu. Mấy đứa học viên tụi tôi nói nhỏ với nhau: "Học theo bà này chắc mình đẻ liên tục." Những bí quyết bà dạy khác xa với những tập tục ở VN. Quan hệ vợ chồng ở Mỹ tự nhiên bạo dạn. Mình đã lớn tuổi lại phải sống một thời gian quá dài và cực khổ dưới thời XHCN nên có học cũng như không. Mấy bà mẹ trẻ nói với nhau: " Có một cái phản gỗ, cả gia đình ngủ sắp lớp như cá mòi thực hành gì được".
  

Cô giáo còn có nghề tay trái là bán hột xoàn. Cô giao thiệp rộng, biết một số gia đình giàu có ở đây mua con lai để đi Mỹ nên tỏ ra rất thân tình với những nhà đó. Cô buôn bán hột xoàn, đổi tiền đô, mua rẻ hay xin những đồ dùng họ đi Mỹ không dùng nữa. Có mấy lần cô bảo chúng tôi tới nhà buổi tối để coi phim sex khi dạy về tình dục. Tôi viện lý do con còn nhỏ cần mẹ ban đêm để từ chối. Rất tiếc không có hình chụp ở lớp này.

     

                                            
055                                              Đây là lớp học của ông xã tôi ở trại Bataan

 052

                                            Hai Thầy trò trong trại Tị Nạn Bataan. Trò (bên trái, phu quân của tác giả) đã mất còn Thầy không biết ở đâu.

Ông xã tôi làm thiện nguyện và tham gia vào hội đoàn Quân cán chính của trại nên quen biết một người bạn khá giỏi tiếng Anh tên là anh Giao. Anh là cựu sĩ quan trong quân lực VNCH, vượt biên và được đưa về đây chờ cứu xét. Có lẽ trục trặc giấy tờ sao đó nên anh đã ở đây khá lâu. Anh đến nhà tôi vào buổi chiều khi nào  rảnh để giúp cả nhà luyện giọng và văn phạm. Anh đi Mỹ trước chúng tôi vài tháng. Khi qua Mỹ chúng tôi cố gắng tìm kiếm nhưng đến bây giờ cũng không liên lạc được với anh.

 

MÃN KHÓA

 Mỗi khóa học xong đều có tổ chức ngày mãn khóa. Những ngày cuối khóa vui lắm, chơi nhiều hơn học. Tuy đến đây ai cũng lo lắng tương lai gia đình mình ở xứ người xa lạ, nhưng cứ mỗi lần xong một khóa học lại vui như hội. Tâm lý có lẽ thấy mình đã qua một chặng đường và cái đích sắp đến gần. 

Ngày mãn khóa mỗi học viên đóng tiền để làm tiệc chia tay nho nhỏ. Mỗi người phải học tối thiểu ba khóa. Nhà tôi ba người lớn vị chi 9 lần tổ chức tiệc. Chưa kể lớp thằng lớn và chị nó đang học high school. Cho nên cứ khoảng 2 tháng là học viên trong lớp bàn bạc để phân công nấu nướng làm tiệc. Người Phi rất thích chả giò VN, nên tiệc chia tay nào cũng có món chả giò là chính. Tiệc làm vào ngày cuối khóa với  một chút quà kỷ niệm tặng cô giáo. Ngày này ai cũng ăn mặc tươm tất để có chung một tấm hình kỷ niệm. Nhờ vậy đời sống ở trại  không mấy tẻ nhạt, các con tôi không đứa nào phàn nàn, cứ chí thú lo học, làm thiện nguyện và chờ ngày đi Mỹ.

Theo chương trình cứ lớp này học xong  thì chuẩn bị bước vào lớp mới, thầy cô mới, bạn học mới. Giống như xóa bài chia lại nên ít khi được học chung lớp với bạn cũ. Tuy nhiên trước lạ sau quen, cùng chung hoàn cảnh tị nạn nên rất thân thiết. Phải nói là ở trại tị nạn, mỗi con người, mỗi gia đình là một câu chuyện dài nhiều tập. Những mẫu chuyện đời bi ai làm mình nghe kể xong đau lòng xót ruột. Cũng như có những câu chuyện đời dạy cho mình một bài học, một kinh nghiệm sống. Có những con người tài hoa, những con người thời cuộc, những con người cô đơn, những mảnh đời cay đắng. 

- Lớp Việt Ngữ

Tôi ở vùng 6, sau lưng building của chúng tôi là một dãy phòng dùng làm lớp Việt Ngữ . Chương trình Việt Ngữ do các trại viên người Việt tình nguyện dạy (được tính là làm outside) Nếu tôi nhớ không lầm chương trình này do soeur Pascale Lê Thị Tríu điều hành. Soeur nhỏ con nhưng oai nghiêm lắm. Soeur thường tới đột xuất kiểm tra nên ai cũng ngán. Chương trình Việt Ngữ mở ra để các em học, viết và bảo tồn văn hóa phong tục Việt. Một số lớn các con lai đều nghèo,  ở vùng quê không được đến trường đến lớp đàng hoàng, nơi đây là cơ hội cho các em học Anh Ngữ và cả Việt Ngữ.

Có một buổi tối thằng Út tôi mất tích. Tôi đi tìm khắp nhà, đi hỏi hết trong building chẳng ai thấy nó đâu. Nó mới 3 tuổi chắc chạy chơi  loanh quanh đâu đó. Cả nhà túa ra đi hỏi mấy nhà quen đều không có. Tôi như người mất hồn dáo dác chạy đi tìm con.

Lúc chạy ngang lớp Việt Ngữ tôi nghe tiếng cười và tiếng đọc bài thật lạ, có một giọng nghe quen quen. Tôi ghé vào và thấy cu cậu đang làm thầy giáo. Cu cậu lấy cây thước dài của thầy và chỉ lên bảng đã được viết sẳn rồi đọc thật lớn.  Cả lớp thấy thằng bé dễ thương nên cũng đọc theo trong tiếng cười nghịch ngợm. Tôi vào kêu nhóc về nhưng nhóc không chịu. Thầy giáo tới trễ nói để nhóc ngồi ở dưới học cũng được. Ông hiệu trưởng sợ soeur Tríu vào sẽ khiển trách nên thầy đem cháu về văn phòng cho cháu tập tô màu, cháu mới chịu rời khỏi lớp.

Từ đó, cứ tối là cháu lại xin vào chơi với thầy. Thầy vượt biên, tàu bị đắm, vợ con đều bị mất trên biển đông. Thầy nói, có cháu tôi được an ủi nhiều lắm. Tôi sẽ chăm sóc cháu chị đừng ngại nó làm phiền tôi. Đó cũng là một người đi tìm tự do nhưng bến bờ tự do chưa thấy đã mất mát cả gia đình. VN ta sau 1975 biết bao hoàn cảnh tang thương bi đát.

Thằng út tôi rất mê các lớp học. Một lần dám lén cả nhà theo anh lên xe bus tới lớp anh nó học. Thầy giáo không cho vô lớp. Cu cậu ngồi ngoài cửa nhìn vào và đọc theo. Một người quen trông thấy, dẫn cu cậu về nhà giao cho bà nội. Lần khác cu cậu biết đường nên đi bộ tới lớp của anh và ngồi trước cửa lớp nhìn vô. Mất con, tôi đoán chắc nó lên trường nên tới dẫn về. Từ đó mọi người trong nhà canh chừng cu cậu thật kỹ không cho đi rong nữa.

(Còn Tiếp)

Nguyễn Thị Thêm

 

                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét