Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018
Tản mạn NHỚ NHÀ THƠ HỮU LOAN- Văn Châu.
Mỗi độ hè sang- trên đồi, sim nở rộ
Tím trời chiều, loang tím cả hồn tôi
Gợi nhớ đến bậc tài hoa, tiết nghĩa...
Khí phách hiên ngang- một bài học làm Người!
• Nhớ ngày giỗ Hữu Loan, đăng lại bài viết cũ
(có chỉnh lý để cập nhật theo năm)
TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ HỮU LOAN
Ngày mai là vừa tròn 8 năm ( 18.3.2009 – 18.3.2017 ) chúng ta nghiêng mình, vô cùng thương tiếc và vĩnh biệt HỮU LOAN - Một Con Người Khả Kính – Một Nhân Cách Lớn- Một Thi Sĩ Tài Hoa, Đích Thực đã nhẹ gót thênh thang vào cõi vĩnh hằng.
Nhắc đến Ông, chúng ta luôn được gợi nhớ đến hai Di Sản đồ sộ, in đậm nét son mà ông đã để lại trong mỗi lòng người, đó là:
- Bài Thơ Tình Thế Kỷ: Màu Tím Hoa Sim ( Dũng Chinh, Phạm Duy và Anh Bằng đã phổ nhạc )
- và Một Khí Phách Trung Trực, Tiết Nghĩa hiếm có giữa cõi đời đầy ô trọc, nhiễu nhương này.
Như Hữu Loan đã thẳng thắn và hiên ngang tự thuật:
"Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc?
Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán."
Khí phách trung trực đầy tiết nghĩa của Hữu Loan được Nhà văn Hoàng Tiến sưu tầm và kể lại trong 3 mẫu chuyện như sau:
Mẫu chuyện thứ nhất:
Một buổi, trong bữa rượu lạc thanh bần, Hữu Loan bỗng hỏi:
- Truyện Kiều có thằng bán tơ thật không?
Mọi người ngớ ra. Cái tai nạn của cuộc đời Kiều, khởi nguyên là ở thằng bán tơ.
Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ
(câu 588 – Đoạn trường tân thanh)
Hữu Loan tủm tỉm:
- Kiều lấy Từ Hải, hùng cứ một phương trời, có cảnh báo ân báo oán làm hả hê cuộc đời Kiều. Cảnh báo oán trừng phạt đầy đủ những người đã gây tai họa cho Kiều. Nhưng không thấy thằng bán tơ. Thế là sao?
Hữu Loan ngừng một lúc, nhấc chén rượu lên môi, rồi lại đặt xuống. Một khoảng im lặng đủ để mọi người suy nghĩ, rồi ông nói nhẹ nhàng:
- Tôi bị cái họa Nhân văn – Giai phẩm, bị vu cho là phản động, lật đổ chính quyền, về Nga Sơn nằm dài, nhân đọc lại Kiều, mới thấy cụ Nguyễn Du nhà ta thánh thật. Thằng bán tơ là nhân vật bịa ra, nhân vật vu khống, không có thật, thì làm sao mang nó ra xét xử được. Cụ Nguyễn Du giả vờ quên thằng bán tơ là cụ cao tay lắm trong nghệ thuật bút pháp. Kẻ hậu sinh đọc Truyện Kiều, suy ngẫm để nhận ra điều ấy, là nhận ra cái xã hội thối nát truyện Kiều, đến công lý cũng vin vào một lời khai vu vơ làm tan nát cả một đời Kiều. Cái thâm thúy của cụ Nguyễn Du là ở đấy!
Chúng tôi cùng giật mình, thấy lạnh xương sống về nhận xét của Hữu Loan. Ngẫm ra, cụ Nguyễn Du thánh thật, và cụ Hữu Loan nhận ra được điều ấy trong bút pháp cụ Nguyễn Du, thì cụ Hữu Loan cũng thánh thật.
Mẩu chuyện thứ hai:
Hữu Loan về quê làm ruộng, thồ đá bán. Phòng thương nghiệp và dân quân được lệnh xét hỏi. Họ bắt nhà thơ đổ hai sọt đá xuống và nói:
- Ông không vào hợp tác. Làm ăn riêng lẻ, để phát triển con đường tư bản. Chúng tôi cấm.
Nhà thơ nói:
- Chúng tôi bị quy Nhân văn – Giai phẩm, nghĩa là phần tử nguy hiểm hơn cả địa chủ, tư sản. Hợp tác các ông không cho tôi vào. Ở đời này có hai việc tôi không thể làm được. Một là đi ăn cắp, hai là đi làm cán bộ. Nay, tôi lao động, kiếm sống nuôi con, mà các ông cũng cấm. Từ cổ chí kim, tôi không thấy một nhà nước nào cấm người ta lao động cả. Còn các ông cấm, không cho tôi lao động, thì tôi chỉ còn một cách là đi ăn xin. Ngày mai tôi sẽ khoác bị chống gậy đi ăn xin, đề một tấm biển trước ngực: “Tú Loan, người ăn xin”. Các ông đừng bảo là tôi bôi xấu chế độ nhé.
Mấy ông thương nghiệp và dân quân quay ra bàn nhau một lúc, rồi họ rút lui.
Mẩu chuyện thứ ba:
Cái họa Nhân văn – Giai phẩm đã lùi xa. Nhiều người đến thăm hỏi Hữu Loan. Người ta thấy ông ăn mặc mộc mạc, nhà cửa tuyềnh toàng. Có người hỏi: “Bấy lâu nay ông bận làm gì, mà không xây nhà cửa cho nó đàng hoàng, ở cho nó sướng cái thân”. Nhà thơ Hữu Loan đáp: “Tôi bận làm người”.
Chúng tôi là lớp hậu sinh yêu thơ ông, quý mến ông, cảm thương những hoạn nạn mà ông đã trải, kính phục trước nhân cách khí khái, ngang tàng, mà chúng tôi thường nói với nhau: một nhân cách vuông chành chạnh!
Sách xưa nói:
“Tố nhân bất khả hữu ngạo thái, nhiên, bất khả vô ngạo cốt”
(Làm người không nên có cái thái độ kiêu ngạo, tuy nhiên, không thể không có cái cốt cách kiêu ngạo).
Nhà thơ Hữu Loan đã có cái cốt cách của bậc sĩ quân tử “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Giàu sang không cám dỗ, nghèo khó chẳng chuyển lay, uy vũ không khuất phục). Ông tự ví mình như cây gỗ vuông chành chạnh, không để cho ai đẽo gọt tròn trịa có thể lăn đi bất cứ chỗ nào.
Có thể nói trong nền văn học cận và đương đại Việt Nam, do phải sống trong nhiều biến loạn và thăng trầm của lịch sử, nên không ít những văn nghệ sĩ đã không giữ được chữ Tâm của người cầm bút. - Vì thế Hữu Loan chính là tấm gương chói lọi nghìn thu.
Tôi thực sự tâm cảm và xúc động với 2 bài điếu trong bài viết Kính Điếu Nhà thơ Hữu Loan của tác giả Nguyễn Duy Ân:
SANH ĐIẾU
Khí phách như ông hiếm ở đời
Với phường xu nịnh quyết không chơi
Với quân hiểm ác không gần gũi
Với lũ gian manh chẳng phí lời
Thồ đá đói nghèo nơi dã thảo
Đâu thèm uốn lưỡi chốn đua bơi
Phong ba khó nắn thân tùng bách
Sáng một danh thơm đứng giữa Trời.
(17/5/2007)
KÍNH ĐIẾU
Tuổi thọ chín lăm giả biệt đời
Đường trần nếm trải một tuồng chơi
Giữ tròn khí tiết dù thua thiệt
Chiếm trọn thương yêu cũng khẳm lời
Quẳng bút quyết lui về ẩn dật
Quay lưng rũ bỏ cuộc tranh bơi
Giờ đây cát bụi hoàn nguyên thủy
Còn lại danh ông giữa Đất Trời.
(19/3/2010)
Và cũng xin được mượn lời của Nhà thơ Nguyễn Duy- để bày tỏ chút tâm tình ngưỡng mộ dâng lên Bậc Tài Hoa và Tiết Tháo: Cụ Tú Loan
“Ngang tàng … ngang trái … nghênh ngang
Hồn sim tím một chiều hoang bên đời
Người thơ bận việc làm người
Một mai thánh hoá lên trời làm sao”.
Pleiku, 23 giờ 30 ngày 18.3.2013
Văn Châu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét