Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Tản mạn TÊN MỘT CHIẾC CẦU... - Sưu tầm trên mạng.



Cầu Gành chứ không phải cầu Ghềnh

Biên Hòa có chiếc cầu nổi tiếng là cầu Gành. Đây là chiếc cầu cổ xưa nhất thành phố Biên Hòa có tuổi đời hơn 100 năm, và do kiến trúc sư lừng danh Eiffel của Pháp thiết kế. Hình ảnh chiếc cầu sắt cổ kính này gần như đã thành biểu tượng của Biên Hòa.

Cầu Gành - Ảnh: PHN

Khốn khổ thay, tên cầu đã bị gọi sai thành cầu Ghềnh gần bốn mươi năm nay. Vì đâu nên nỗi như vậy? Bạn hãy đọc đoạn trích bài viết sau của nhà văn Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải) nhé:

Tất cả các báo, từ báo mạng đến báo chữ, từ báo trung ương đến báo tỉnh (gồm cả báo Đồng Nai); từ các nhà báo ở xa đến các nhà báo ở Biên Hòa, ở Đồng Nai... đều gọi tên chiếc cầu là CẦU GHỀNH. Có câu chuyện thế này: Một hôm có một người lạ đến Biên Hòa hỏi thăm một bác lớn tuổi đang ngồi uống cà phê vỉa hè, đường đi đến "Cầu Ghềnh". Bác này bèn trả lời: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa này, nay đã ngoại sáu chục tuổi rồi mà chưa nghe ai nói ở đây có cầu Ghềnh. Nếu cậu hỏi cầu Gành thì tôi biết, tôi chỉ đường cho". 

Không phải chuyện đùa vì thực ra tên đúng của chiếc cầu là CẦU GÀNH. Riêng chữ Gành có nghĩa như trong địa danh GÀNH HÀO ở miền Tây. 

Vậy thì các nhà báo đã viết sai tên chiếc cầu?Không! Họ viết đúng như bảng tên chiếc cầu được kẻ ở đầu cầu: CẦU GHỀNH.

Ai đã gọi và cho kẻ bảng tên này? 

Một số người biết chuyện đã giải thích như sau:


Sau giải phóng 1975, một số cán bộ, công chức từ miền Bắc vào Biên Hòa làm việc, thấy tên "Gành" thì cho là viết sai nên đã tự sửa lại, gọi là "Ghềnh".Nhiều bài báo, sáng tác văn học đã dùng tên gọi "Cầu Ghềnh" cho đến tận ngày nay. 

Việc kẻ bảng tên cầu không thuộc trách nhiệm của chính quyền sở tại (TP Biên Hòa, Đồng Nai), mà thuộc quyền Cục đường sắt (?) là đơn vị quản lý chiếc cầu thuộc tuyến Bắc Nam. Các vị có trách nhiệm ở đây đã chọn tên "Ghềnh" cho có nghĩa!

Cù lao Phố là tên thường gọi của xã Hiệp Hòa, một phía nối với các phường nội ô bằng chiếc cầu Rạch Cát (Gọi theo nghĩa tên nhánh sông Sa Hà mà nó bắc qua), phía kia nối với các phường ngoại ô về hướng TP HCM bởi chiếc cầu Gành. Nhiều người còn gọi chung cả hai chiếc cầu sắt này là "Cầu Gành". Những người sống lâu năm ở Biên Hòa đều gọi tên chiếc cầu là Cầu Gành. Trước 1975, trên giấy tờ, nó cũng mang tên Cầu Gành. 

Nếu bảo là "gành" và "ghềnh" cùng nghĩa, cần "viết lại cho đúng" thì không thuyết phục. Nói vậy có khác nào bảo người tên Dõng đổi thành tên Dũng, tên Võ đổi thành tên Vũ... Ở đây không phải là ngữ nghĩa, mà là chuyện CÁI TÊN. Đã là TÊN thì không thể thay đổi. Có người tên NIẾU, không có nghĩa gì nhưng không ai có quyền đổi tên của người này! Đằng này chữ GÀNH vừa là TÊN, vừa có nghĩa! Sao lại đổi? 

Tôi chợt nảy ra ý định viết một lá đơn có nội dung kiến nghị các cấp chính quyền trung ương và địa phương, xác định và quyết định gọi tên đúng của chiếc cầu là CẦU GÀNH. Nhưng... cũng chợt nghĩ không biết mình mà làm việc này, có bị thiên hạ bảo là "khùng" hay không nữa?


Phạm Hoài Nhân ghi lại
( 26-11-2013 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét