Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

Thơ : ĐÃ VỀ CHƯA? - Lê Xuân Duyên.

 



ĐÃ VỀ CHƯA?

Mưa rơi nhàn nhạt nắng hanh hao

Yêu lắm bầu trời gió trên cao

Hoa lan trăng trắng em cài tóc

Ôi tháng sang mùa nhớ biết bao

     Mong thời gian chầm chậm

     Đếm bước gót hài thưa

     Nghiêng chiếc ô hồng thắm

     Hỏi mùa đã về chưa?

       LÊ XUÂN DUYÊN  (11/2024)

Ngụ ngôn : TẮC KÈ VÀ ẾCH - Cang Huỳnh lược dịch.

  





TẮC KÈ và ẾCH : Nghệ thuật của sự im lặng!


Trong một khu rừng nơi im lặng là vàng,

Một con tắc kè hoa sống lâu, khôn ngoan và mạnh mẽ.

Trên một cành cây đang lặng lẽ,

Khi một con ếch nói chuyện rất lớn đến.

"Ribbit, Ribbit!" con ếch thét lên một cách không ngừng, nó nói chuyện cả ngày lẫn đêm, không ngừng.

Con tắc kè hoa, bị rối loạn bởi sự ồn ào này, quyết định có hành động với sự ồn ào của con ếch 

Với một cử chỉ nhanh chóng, nó kéo dài bàn chân nhanh nhẹn của mình, và bịt miệng con ếch lại,

"Im lặng, bạn tôi, hãy nghỉ ngơi. Hãy lắng nghe cả thế giới, có quá nhiều điều để nghe ở đây. "

Con ếch, ngạc nhiên, đây là quyền tự do của nó.

Và nhìn con tắc kè hoa trong kinh ngạc.

"Sao anh im lặng, điều gì khiến anh im lặng quá vậy?"

Chẳng phải tôi có quyền nói, hát hết tâm hồn mình sao? "

Con tắc kè hoa, với sự khôn ngoan, trả lời nhẹ nhàng,

"Nói chuyện là một nghệ thuật, nhưng lắng nghe lại là một nghệ thuật khác.

Trong im lặng, khám phá kho báu ẩn giấu,

Lời thì thầm của gió, những bí mật của sương.

Thật tốt khi chia sẻ, thể hiện bản thân với một trái tim rộng mở,

Nhưng đôi khi bạn phải lắng nghe vũ trụ.

Vì vậy, chú ếch thân mến, hãy dành một chút thời gian và lắng nghe,

Những bài học thầm lặng mà thiên nhiên muốn dạy cho bạn."

Con ếch, suy ngẫm những lời khôn ngoan này,

Hiểu được giá trị của sự im lặng, không ồn ào.

Con ếch giải phóng tâm trí của mình, lắng nghe cho kỹ,

Và được tìm thấy trong yên tĩnh, một sự tuyệt diệu mới.

Cuộc sống là như vậy, trong khu rừng yên tĩnh này,

Nơi mỗi sinh vật tìm thấy sự thật của nó.

Rằng con tắc kè hoa và con ếch, bằng sự tương tác của chúng. Và chúng

dạy chúng ta sự cân bằng giữa lời nói và suy nghĩ.


CANG HUỲNH  lược dịch từ Chaque jour une histoire.

Tản mạn vui: TRƯỜNG TÚC... - Kao Hoàng.

 



TRƯỜNG TÚC BẤT CHI LAO !

Hồi nhỏ, mỗi khi ba dẫn bạn bè về nhà nhậu. Những lần như vậy thì tui được ba hay giao nhiệm vụ nướng mực khô.

Ba đổ rượu trắng lên cái dĩa lớn, rồi ông châm lửa.

Tôi cầm con mực trở qua, trở lại. Mùi rượu cháy cộng với mùi mực nướng thơm nức mũi.

Nướng xong, phần thưởng cho tui là cái đầu con mực. Mà ngộ, ăn khô mực tui chỉ thích ăn cái đầu thôi.

Ngồi kế bên nghe ba với mấy chú đó nói chuyện trên trời dưới biển, có cả chuyện chiến sự...vv

Có lần, khi nghe mấy chú nói về phụ nữ hay chuyện tương tự vậy. Cái tui nghe ba nói câu" Trường túc bất chi lao"

Câu lạ quá, tui hỏi ba: Câu đó là sao hả ba?

Ông cười: Là chân dài không biết mệt đó. Con thấy mấy con ngựa không, bốn chân nó dài sọc, nên chạy cả ngày cả đêm không biết mệt mỏi...

Cái tự nhiên mấy chú bạn của ba phá lên cười ha hả...

Tui thiệt hổng biết gì hết trơn. Con nít nhỏ mà. Con ngựa chân dài thì có gì đáng cười đâu ta?

Giờ hay đọc trên báo chí những câu đại loại như: " người đẹp chân dài" hay hoa hậu chân dài, hotgirl chân dài..."..Rồi thì vô số cuộc thi hoa hậu nhiều như nấm gặp mưa. Mấy cô thi hoa hậu cô nào cô nấy chân dài sọc, dài miên man, dài lang thang, dài hoang mang...Tự nhiên nhớ câu" Trường túc bất chi lao" của con ngựa mà ba tui giải thích cho tui nghe hồi đó.

K.H

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Ngẫm : CHIẾC XE ĐẠP HỎNG... - Chau Doan giới thiệu.

 



CHIẾC XE ĐẠP HỎNG…

Một câu chuyện ngắn đầy ý nghĩa. 

Một cậu bé chạy xe đạp đâm vào tường và làm gãy xe. Cậu cảm thấy rất buồn, bất lực và giận dữ. Cậu mang chiếc xe đến một người thợ sửa xe già và hỏi:  

“Chú ơi, sửa chiếc xe đạp hỏng này hết bao nhiêu tiền? Đây là lần thứ ba nó bị hỏng! Nó rất quý giá với cháu.”  

Người thợ già xem xét chiếc xe một lúc rồi nói:  

“Nó bị hư hỏng nặng, sẽ tốn của cháu rất nhiều tiền, 20 đồng để sửa. Nhưng thực ra, một chiếc xe mới chỉ có giá 30 đồng thôi. Thay vì tốn 20 đồng để sửa chiếc xe cũ, có lẽ cháu nên mua một chiếc xe mới với 30 đồng thì tốt hơn.”  

Cậu bé lắc đầu không đồng ý và nói:  

“Không, cháu muốn sửa chiếc xe của mình. Cháu không thể buông bỏ nó. Cháu không thể chấp nhận việc nó bị hỏng. Cháu sẽ trả 20 đồng để sửa nó.”  

Người thợ già bắt đầu sửa chiếc xe đạp hỏng, mất rất nhiều thời gian. Cậu bé trả 20 đồng, nhảy lên chiếc xe và chạy đi.  

Tuy nhiên, ngày hôm sau, cậu bé lại quay lại chỗ người thợ già, nói rằng chiếc xe lại bị hỏng. Với nỗi buồn và sự mệt mỏi, cậu hỏi giá sửa chữa lần này là bao nhiêu.  

Người thợ già huýt sáo và nói:  

“10 đồng. Nhưng chiếc xe của cháu đã cũ và yếu, có thể sẽ hỏng nữa trong tương lai gần. Sao cháu không mua một chiếc xe mới, chỉ cần 30 đồng thôi?”  

Cậu bé không đồng ý và nói:  

“Cháu không muốn chiếc xe mới. Cháu sẽ trả 10 đồng để chú sửa nó.”  

Ngay khi người thợ già sửa xong, cậu bé trả tiền và lại chạy đi.  

Ba ngày sau, cậu bé quay lại, chiếc xe lại hỏng. Với sự thất vọng và chán nản, cậu bé bật khóc:  

“Cháu không còn tiền để sửa xe nữa, không còn một đồng nào cả!”  

Người thợ già nhún vai và nói:  

“Cháu từ chối mua một chiếc xe mới với giá 30 đồng. Nhưng thực tế, cháu đã chi hơn 30 đồng để sửa chữa cái đống phế liệu này. Thật tuyệt vời! Bài học ở đây là: Cuộc sống là như vậy. Chúng ta thường bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để cố thay đổi, sửa chữa những thứ không thể thay đổi được. Thay vì chấp nhận thực tế, buông bỏ và tiến về phía trước, chúng ta luôn cố gắng chắp nối mọi thứ và kiểm soát những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Đây là một bài học rất quan trọng, càng học sớm càng tốt. Nó sẽ thay đổi cuộc sống của cháu và giúp cháu đạt được ước mơ. Cháu không thể sửa hoặc giải quyết mọi vấn đề, và cố làm như vậy thường chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Đôi khi, cháu phải chấp nhận sự thật, buông bỏ những gì đã xảy ra và tập trung vào những điều mới. Đúng vậy, những điều mới, giống như một chiếc xe đạp mới.”  

Tác giả: Chima Dickson

CHAU DOAN


Thứ Ba, 26 tháng 11, 2024

Vui cười : KỶ NIỆM - Bùi Thế Tám ( sưu tầm )

 



KỶ NIỆM

 Người vợ thức giấc lúc đêm khuya và không thấy ông chồng trên giường. Bà khoác vội áo choàng và xuống lầu tìm ông ta. Bà thấy ông đang ngồi ở bàn ăn với một ly cà phê đen nóng để trước mặt. Ông ta có vẻ đăm chiêu , chỉ nhìn chăm chăm vào bức tường. Bà thấy ông quẹt nước mắt và nhấp một ngụm cà phê.

- Có chuyện gì vậy anh? - bà rón rén vào phòng và hỏi nhỏ - Sao tự nhiên anh xuống đây vào giờ này?

Người chồng nhìn ly cà phê, trả lời :

- Hôm nay là ngày kỷ niệm 30 năm mình gặp nhau .

Bà vợ không thể nào tin là ông chồng nhớ đến như vậy, bà cũng sụt sùi khóc theo. Người chồng tiếp:

- Em còn nhớ 30 năm trước khi mình bắt đầu hẹn hò? Lúc đó anh 18 và em chỉ mới 16? - ông chồng nói một cách trịnh trọng.

Lại một lần nữa bà vợ lau nước mắt nghĩ rằng chồng bà thật chu đáo và nhạy cảm.

- Vâng, em nhớ chứ - bà trả lời.

Người chồng ngập ngừng. Lời nói thật khó diễn tả:

- Em còn nhớ lúc ba em bắt quả tang tụi mình ngồi trong ghế sau của xe anh?

- Vâng, em nhớ - người vợ đáp , nhẹ ngồi xuống ghế cạnh chồng.

Người chồng tiếp:

- Em có nhớ là ba em đã dí dao vào mặt anh và quát lên : "Hoặc là mày phải lấy con gái tao, hoặc là tao cho mày vào tù 30 năm, mày muốn đằng nào?"

- "Em cũng nhớ như vậy " - người vợ thỏ thẻ đáp.

Ông chồng gạt thêm giọt nước mắt trên má và nói :

- "Thật đáng tiếc cho anh. Lẽ ra ngày hôm nay là ngày anh được ra tù!" 

BÙI THẾ TÁM ( sưu tầm )

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2024

Thơ : THAY GÌ LÀM THƠ,... - Văn Châu.

 



THAY VÌ LÀM THƠ,

ĐÊM UỐNG SAY- TA LẠI NGỒI CHỬI ĐỔNG


Đâu chỉ có chốn lợi danh mới lắm mưu hèn, kế bẩn

Mà trong cõi văn chương cũng “thọ địch tứ bề”

Đôi khi gặp một vài thằng giẻ rách

Lên mặt dạy đời, dè bỉu nọ kia...

 

Viết thơ tình chúng cho là ủy mị

Lớn tuổi rồi còn “bé”, “nhỏ”- Già dê (!)

Chúng đâu biết cõi thơ là cõi mộng

và Người thơ thì…diễm tuyệt- Đáng tôn thề!


Bàn thế sự, luận nhân tình thế thái;

lên án bất công, thao thức nỗi đau đời

Thì chúng cho rằng mắt ta bị cận

Nên nhìn đại bàng mà bảo...khỉ, đười ươi.


(Phàm, ở đời mình chỉ là hạt bụi

Thì chưa chắc gì ai đã hơn ai

Nếu không nói được những lời tử tế

Thì cũng đừng lên mặt để thị oai,


Đừng vác bút mà đi like, còm dạo

Viết tào lao thiên hạ chửi rạc rài,

Đừng suồng sã gặp em nào cũng tán

Sẽ có ngày ăn giò lái, bạt tai)


Chưa kể ngoài đời, có một bầy giun dế

Được thí cho xí đỉnh bổng lộc thừa

Tưởng ta đây được thọ ơn mưa mốc

Nên mỗi lời, mỗi vạn đại tung hô.


Tội nghiệp nhất là mấy thằng thỏ đế

Hì hục cày mới kiếm đủ miếng ăn

Mà nghe ai luận bàn câu thế sự

Vội khuyên nọ này, mặt tựa đít nhái xanh.

 

Đáng khinh thay một vài tên “bảy nhỏ”

Lợi thì còn, nhưng éo có chiếc răng

Muốn được an toàn về quê “gặm cỏ”

Đành uốn lưỡi cú diều, nịnh hót hôi tanh.

 

Nói túm lại có một bầy vô tích sự

Sống đời sống thừa; vô cảm, ký sinh

Có mắt như mù, giả câm và điếc

Ích kỷ, đớn hèn; mặc kệ chuyện chung quanh.

 

(Ai làm vợ cái ngữ này- mau "úp máng",

bắt nấu cám heo, bếp núc, giặt quần…

Vô phúc lắm mới gặp loại chồng như thế

Thì lấy gì mà…dựa bóng tùng quân?)


Ta định khép trang thơ này nghỉ trớt

Hay chỉ để đăng hình nhậu nhẹt, rượu bia?

(Mà nói thật, chúng mày không có cửa

Để ngồi cùng ta chờ húp chén rượu thừa.)


Thay vì làm thơ,

        Đêm uống say- ta lại ngồi chửi đổng

Dù cạn mấy hồ trường rồi,

        nhưng chưa thấy xi-nhê! 

 

      VĂN CHÂU.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2024

Cuộc đời : NỖI BUỒN LỚN NHẤT... - St trên FB.

 



NỖI BUỒN LỚN NHẤT CỦA TUỔI GIÀ

Câu chuyện của một người con: "Tôi mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh. Mẹ nhờ tôi hướng dẫn cách sử dụng. Tôi đã chỉ cho mẹ những chức năng cơ bản, rồi bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc.

Lát sau mẹ vào, hỏi lại về một tính năng của điện thoại, tôi chỉ lại cho mẹ.

Thế rồi khi tôi đang xoay xở với một đống việc, mẹ tôi lại vào hỏi tiếp... Sau cùng, bà than rằng điện thoại mới phức tạp quá, không thể dùng được.

Dòng ý tưởng công việc bị cắt ngang mấy lần khiến tôi bực dọc. Tôi gắt lên với mẹ.

Bà ngước lên nhìn tôi khổ sở: "Hay là thôi, mẹ vẫn dùng điện thoại cũ". "Tùy mẹ, mẹ muốn thế nào cũng được", tôi sốt ruột đáp.

Khuya hôm ấy, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được tin nhắn của mẹ: "Con à, mẹ đã già mau quên. Đôi khi mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Con đừng trách mẹ.”

Dòng tin nhắn của mẹ làm tôi cay mắt. Tôi biết, mẹ không dám nói chuyện trực tiếp với tôi nên đã nhắn tin. Mẹ sợ làm phiền và sợ tôi cáu gắt.

Những ngày sau đó, mẹ không hỏi tôi về điện thoại nữa. Tự bà mày mò một cách kiên nhẫn, khó nhọc...”

Thái độ trên của người con đã vô tình gửi đến cho người mẹ một thông điệp: Mẹ đã già rồi, đang dần trở nên lẩm cẩm, phiền hà, vô dụng...

Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ khi già yếu, chính là buộc phải trở nên "thận trọng" hơn với con mình.

Thủa ấu thơ, trong mắt trẻ, mẹ cha là người biết mọi thứ, mạnh hơn tất cả. Cha mẹ là hai ngọn núi, che chở, mang lại bình yên cho đứa con.

Nhưng đến một ngày, những "ngọn núi" ấy không còn sừng sững nữa. Đó là khi bố mẹ về già. Họ có nhiều điều không dám hỏi, không dám đề cập với con.

Lý do đơn giản, tuổi tác khiến họ dễ tổn thương; trong khi con cái tự cho mình nhiều kiến thức hơn và dần xem thường cha mẹ.

Đó là một trong những nỗi buồn và cô đơn lớn nhất của tuổi già.

Theo: why so serious

Thư giãn : ĐIỀU ƯỚC - St trên FB.

 



ĐIỀU ƯỚC

Một cặp vợ chồng ở tuổi 60 đang kỷ niệm 35 năm ngày cưới tại một nhà hàng nhỏ lãng mạn và yên tĩnh. 

Đột nhiên, một nàng tiên nhỏ xinh đẹp xuất hiện trên bàn và nói:  

"Vì hai người là cặp đôi mẫu mực và luôn trung thành với nhau trong suốt thời gian qua, mỗi người sẽ được một điều ước."  

Người vợ ước rằng mình có thể đi du lịch vòng quanh thế giới cùng chồng. Nàng tiên vung đũa phép, và "úm ba la!" – hai vé tàu du lịch hạng sang QM2 xuất hiện trên tay bà.  

Đến lượt người chồng. Ông suy nghĩ một lúc và nói:  

"Đây đúng là lãng mạn, nhưng cơ hội như thế này chỉ đến một lần trong đời... Tôi ước mình được ở bên một phụ nữ trẻ hơn 30 tuổi."  

Người vợ và nàng tiên vô cùng thất vọng, nhưng điều ước là điều ước. Nàng tiên vung đũa phép và "úm ba la!" – người chồng trở thành cụ ông 92 tuổi.

    (St)

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Sức khỏe : GÀ CÔNG NGHIỆP... - St trên FB.

 



GÀ CÔNG NGHIỆP và ASEN


Việc sử dụng các loại thuốc có chứa asen ( thạch tín ) trong thức ăn chăn nuôi gà thường nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện màu sắc cho thịt gà và ngăn ngừa bệnh tật cho gà. Khi gà ăn các loại thuốc này, asen tích tụ trong cơ thể chúng, bao gồm cả lông


1. Asen tích tụ trong cơ thể gà như thế nào?

Thuốc chứa asen được tiêu hóa và hấp thụ vào máu của gà, sau đó phân bố đến các cơ quan nội tạng gà và mô trong cơ thể

Một phần asen sẽ tích tụ trong lông gà vì lông chứa nhiều keratin, một loại protein liên kết với các kim loại nặng như asen


2. Lông gà được tái chế lại, vì sao?

Sau khi gà được giết mổ, lông gà thường được xử lý và tái chế lại để không bị lãng phí. Chúng được làm thành bột lông gà, một sản phẩm phụ phổ biến của ngành công nghiệp lò mổ

Bột lông gà được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi để bổ sung protein hoặc làm phân bón, vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng


3. Vòng lặp tái hấp thụ asen trong chuỗi thức ăn động vật

Khi bột lông gà có chứa asen được sử dụng nhiều lần trong thức ăn chăn nuôi, gà sẽ tiếp tục hấp thụ asen thông qua vòng tuần hoàn lẩn quẩn này. Điều này dẫn đến sự tích tụ asen lâu dài và ngày càng nhiều trong chuỗi thức ăn chăn nuôi


4. Tác động đến môi trường và sức khỏe con người như thế nào?

Asen từ lông gà hoặc phân gà thấm vào đất, nước hoặc được tích lũy trong các loại cây trồng (như gạo và nấm)

Khi cây trồng được trồng trên đất bị nhiễm kim loại nặng asen, nguồn nước tưới bị nhiễm asen tưới lên các loại cây trồng thì mọi thứ đều nhiễm asen, nước uống cũng bị nhiễm asen, con người tiêu thụ thực phẩm chứa asen

Asen gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng vì asen là một loại chất độc có khả năng gây ung thư

Người ở nông thôn bây giờ bệnh mãn tính nhiều lắm các bạn ơi, không cứ phải ở quê là thức ăn, nước uống hay bầu không khí trong lành, nên ý tưởng về quê trồng cây nuôi gà dành cho những người thiếu thực tế, nó sẽ ổn khi các bạn hiểu về dinh dưỡng, thức ăn và mọi thứ

Dù bạn có trồng cây hữu cơ trên đất bị nhiễm asen liệu sản phẩm hữu cơ đó còn hữu cơ được nữa hay không? Lý do mình không bao giờ tin và chọn các sản phẩm hữu cơ đắt gấp vài lần các sản phẩm thông thường

Cách asen được tái chế, nó đã tích tụ trong chuỗi cung ứng thực phẩm, môi trường, đã gây ra những hậu quả lâu dài trong đất, nước và cả trong con người


Sưu tầm trên FB. 

Thơ : MỘT TRỜI THƯƠNG NHỚ - Hà Thu Thủy.

 


Nhà giáo : THẦY TRÒ - NĐH.

 



THẦY TRÒ

Trước 1975, ông dạy học. Chỉ là “giáo sư thỉnh giảng”, không chính thức ăn lương tháng, mà dạy giờ nào tính tiền giờ đó. Một mình ông nuôi gia đình khá chật vật, nhưng hôm nào đi dạy, ông đều mặc áo sơ-mi trắng, thắt cà-vạt, khoác chiếc áo vét cũ, và đi bộ từ nhà đến trường hơn nửa tiếng. Người trong xóm gọi ông là Thầy Hai, cái tên mà chỉ dân Sài Gòn mới có. 

Học trò của ông đông, đủ mọi thành phần. Vài ba hôm lại có anh tới thăm. Anh đến hỏi bài, anh thì về quê lên, anh đang trong quân đội về phép, có anh đã thôi học đi làm vẫn ghé. Ông rất quý họ. 

Đêm nọ, có anh sinh viên ghé chơi. Chuyện trò một lúc, tự tay ông lấy chiếu cho anh ngủ lại. Nửa đêm thì cả cái xóm nghèo náo động. Nhà ông bị vây chặt. 

Lúc ông ra mở cửa, dưới ánh đèn lờ mờ, viên chỉ huy cảnh sát mặc quân phục trắng, chung quanh có rất nhiều người lính khác. Thấy ông, viên sĩ quan đứng nghiêm, không chào theo kiều nhà binh, và trước khi những người cảnh sát khác tràn vào nhà, viên sĩ quan bỏ nón kẹp bên hông, cúi đầu: 

- Thưa thầy… 

Không lâu sau đó, anh sinh viên hai tay bị còng ngược ra sau lưng, theo sau anh có mấy người lính đi kèm, ngang qua chỗ ông, anh dừng lại, nhìn ông thật lâu rồi cúi đầu :

 - Thưa thầy…

Cho đến bây giờ, người ta cũng không biết số phận anh sinh viên ngày đó ra sao, và viên sĩ quan cảnh sát có phải là học trò của ông không nữa…

NĐH


Thư giãn : CẦU ĐƯỢC ƯỚC THẤY - Tre Florida.

 



CẦU ĐƯỢC ƯỚC THẤY…

Một anh chàng ế ẩm kinh niên, một đêm buồn đời lang thang trên bãi biển, thình lình nhặt được chiếc đèn thần. Anh ta tẩn mẩn chùi một chặp, thì một cuộn khói bốc lên và một vị thần to lớn nhảy ra cung kính:

– Xin đa tạ Ngài đã giải thoát. Con xin tặng Ngài một điều ước bất kỳ nào…

Chàng trai ngẫm nghĩ vài giây và chợt nhớ Ngày Quốc Tế Đàn Ông (19-11) vừa mới qua đây, bèn nói:

– Ta muốn, tất cả phụ nữ xinh đẹp trên thế gian, hễ thấy ta là phải lật đật chạy đến, tự nguyện tụt váy xuống…

– Xin tuân lệnh!

Thần Đèn phất tay. Một ánh chớp chóa lòa không trung. Chàng trai biến thành một... cái bồn cầu.


TRE FLORIDA


Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Cuộc đời : CÚ ĐIỆN THOẠI... - St trên FB.

 

( Hình ảnh sưu tầm trên mạng )

CÚ ĐIỆN THOẠI GỌI NHẦM SỐ…

Một ngày nọ, đang trên đường đi làm về nhà, chuông điện thoại reo lên, anh vừa nhấc máy thì nghe giọng của một cô bé non nớt từ đầu dây bên kia vang lên:

- Ba ơi! Ba nhanh về nhà nhé, con rất nhớ ba!

Anh biết là ai đó đã gọi nhầm số, vì anh không có con gái mà chỉ có một cậu con trai mới vừa 6 tuổi.

Chuyện này cũng không có gì làm lạ, anh lắc đầu nói:

- Gọi nhầm số rồi nhé cháu! Nói rồi, anh tắt máy.

Thế nhưng những ngày tiếp theo đó, số điện thoại kia vẫn tiếp tục gọi đến máy anh, anh bắt đầu thấy phiền phức, thế nên anh nhất quyết không nghe máy.

Hôm rồi, số điện thoại đó lại gọi đến hết lần này rồi lần khác, điều khiến anh ngạc nhiên đó là trong khi anh kiên quyết không nghe thì số điện thoại kia vẫn kiên quyết gọi cho bằng được.

Cuối cùng, anh nghe máy, vẫn là giọng nói nhỏ nhẹ của cô bé kia:

- Ba ơi! Ba nhanh về nhé, con nhớ ba lắm. Mẹ nói con không gọi nhầm số đâu, chính là số điện thoại của ba đấy. Ba ơi con đau lắm! Mẹ nói ba rất bận nên chỉ có mình mẹ chăm sóc con, mẹ rất mệt. Ba ơi, con biết ba đi làm rất vất vả, nếu ba không về với con được thì ba hôn con qua điện thoại một lần được không ba?

Yêu cầu ngây thơ của cô bé khiến anh không có cách nào từ chối, anh đồng ý.

Sau đó, anh nghe thấy tiếng nói đứt quãng của cô bé qua điện thoại:

- Con…cảm ơn…ba, con…vui…lắm, con…hạnh…phúc…lắm...ba ơi...!!!

Khi anh cảm thấy thú vị với cuộc gọi này thì chuông điện thoại anh lại reo lên, nhưng người gọi điện thoại lần này không phải cô bé lần trước mà là giọng nói nặng trĩu của một người phụ nữ:

- Xin lỗi anh! Mấy ngày hôm nay thật làm phiền anh nhiều, thực sự xin lỗi! Tôi tính đợi lo xong mọi chuyện cho cháu rồi mới gọi điện lại xin lỗi anh sau.

Con bé mà mấy lần trước gọi điện cho anh đó là con gái tôi, số nó khổ lắm, mới sinh ra đã mắc bệnh ung thư xương, không lâu sau đó ba nó lại qua đời trong một vụ tai nạn giao thông.

Tôi thực sự không dám cho nó biết bởi hàng ngày nó đều phải chịu sự dày vò đau đớn của đợt điều trị hóa chất. Mỗi lần không chịu đựng được sự đau đớn đó, miệng nó cứ gọi ba không ngừng bởi anh ấy luôn động viên nó phải mạnh mẽ vượt qua. Tôi thực sự không nỡ chứng kiến cảnh nó như thế nên liền nghĩ ra một số điện thoại để nói dối nó.

Nghe thế anh vội vàng hỏi người phụ nữ:

- Vậy con bé bây giờ ra sao rồi?

Người phụ nữ kia trả lời:

- Cháu nó đi rồi anh à! Chắc lúc anh đã hôn nó qua điện thoại thì nó ra đi với nụ cười mãn nguyện, trước khi đi tay nó còn ôm chặt cái điện thoại vào lòng.

Nghe xong, anh sững người lại, miệng không biết nói gì nữa.

Cô bé giúp mọi người nhận ra tình thân vô cùng quan trọng, giúp mọi người cảm nhận được tình yêu, cảm nhận được sự ấm áp. Thế giới vô cùng rộng lớn nhưng không chứa đựng được một tiếng gọi, gia đình vô cùng nhỏ bé nhưng đối với cô bé, nó là cả một thế giới. 

Bởi vì một nụ hôn của ba nên cô bé đã ra đi cùng với một nụ cười trong thanh thản, nhẹ nhàng.....

St trên FB 

Tản mạn : GÓC CHÈ SÀI GÒN - Cù Mai Công.

 



GÓC CHÈ SÀI GÒN NHỎ XÍU, HIỀN LÀNH GẦN NỬA THẾ KỶ…


Góc chè không tên, người bán như không tuổi, nằm nép một góc rất nhỏ - chừng thước rưỡi vuông ở ngã tư Nguyễn Trọng Tuyển - Trương Quốc Dung (Phú Nhuận). 

Thuở 1976, 1977, khi tôi 14, 15 tuổi, cùng bạn bè cắm trại ở khu vườn - đồi nay là Trường THCS Ngô Tất Tố, phía sau Trường Thánh Thomas (nay là Trường Hàn Thuyên), cách góc chè chừng trăm thước. Chúng tôi kéo nhau lội bộ đi ăn. Lúc đó chỉ có hai món: chè đậu đen và chè đậu xanh. Người bán là một cô gái tuổi đôi mươi, da dẻ mịn màng, nói giọng Quảng Ngãi: gọn, nhẹ và ngọt như… chè. 

Hai món chè xứ đường phèn, đường phổi ấy khác với món chè đậu đen, đậu xanh kiểu Bắc 54 Ông Tạ mà tôi hay ăn: không thơm bằng nhưng có phần ngọt thanh hơn, sánh hơn. Ăn một miếng chưa qua cuống họng đã nôn nao miếng thứ hai. Chè đựng trong chén nhỏ, ăn đứng tại chỗ. Nếu tôi nhớ không lầm thì 5-10 xu gì đó một chén, bằng giá một tờ báo. Có lúc cô dúi cho tôi một miếng đường phổi. Thời khó khăn sau 1975 ấy, đứa trẻ con nào cũng thèm đường.

Mười năm sau, năm 1985 - 1986, khi đã làm báo Khăn Quàng Đỏ, tôi vừa là phụ tá huấn luyện viên vừa là vận động viên Đội Karate kiêm bảo vệ (cuối tuần) Nhà văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần lãnh lương, trên đường đạp xe về, tôi ghé mua mấy bịch chè đủ loại, vừa cho gia đình vừa để bồi dưỡng sức khỏe. Mẹ tôi ăn, bảo: “Chè người Trung nấu dẻo hơn, quến hơn chè người Bắc mình”.

Gần 20 năm sau, năm 2005, khi tòa soạn báo Tuổi Trẻ dời từ 161 Lý Chính Thắng (quận 3) về 60A Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), tôi đi làm theo lối này, bất ngờ gặp lại góc chè tuổi thơ của mình vẫn còn đó. Góc chè ấy đã lên năm, sáu món. Giá từ 5-10 xu thuở xưa đã là 2.000 - 3.000 đồng. Góc chè nhỏ ấy không còn xài chén mà đựng trong các bịch nhựa, ly nhựa.  

Buổi trưa, xế chiều từ tòa soạn về, tôi thường ghé qua. Các món chè đã mướt hơn với nước cốt dừa kiểu Nam bộ, nhưng hột đậu hột nếp vẫn mềm, vẫn thanh như ngày nào. Cô gái bán chè giờ đã thành một phụ nữ tuổi 50, da đã có phần ngăm đen với nắng mưa Sài Gòn và góc chè nhỏ xíu của mình. Giọng cô chủ đã Sài Gòn lắm rồi nhưng nghe kỹ, chất giọng ấy vẫn thoáng Quảng Ngãi - gọn, rõ như thời thiếu nữ.

Gần 20 năm nữa, tức hiện nay 2024, góc chè nhỏ xíu này đã lên tám món: chè đậu đen, chè đậu xanh, chè đậu trắng, chè bà ba, chè thập cẩm, chè chuối, chè thưng và sâm bổ lượng. Các món chè bày chật góc nhỏ trong những nồi nhôm sạch bóng. Múc cho khách xong, vung nồi được kéo lại ngay để tránh bụi đường. Người chủ góc chè đã gần 70, da đã sạm nâu, lên chút đồi mồi. Đôi mắt ấy đã phần nào đục, khi nếm trải hết cuộc mưu sinh đến thời cuộc, từ hồi con đường Nguyễn Trọng Tuyển còn tên Nguyễn Minh Chiếu, nhỏ hẹp chừng ba mét, bụi mù lúc nắng, lầy lội khi mưa. 

Hôm nay, đường Nguyễn Trọng Tuyển đã rộng gấp đôi sau giải tỏa, mở rộng đường gần 30 năm trước, trải nhựa sạch sẽ. Xung quanh góc chè đã là những cao ốc lộng lẫy, những công ty đa quốc gia. Khách của góc chè không chỉ là bà con xung quanh, ông xe ôm, anh chạy grab, chị mua ve chai… ăn mặc xuề xòa mà còn là những công dân cao ốc, nhân viên công ty áo quần thẳng thớm nếp gấp, thơm mùi nước xả vải. 

Tất cả đều bu quanh góc chè trên xe chè nhỏ xíu ấy - dù qua thời gian, nó đã nhuốm màu thời gian lắm rồi. Các món chè của góc chè này không mà mắt, thuốc miệng khách bằng mấy món tốp ping “ngập ngụa” kiểu bây giờ. Không rõ khách ăn khác ra sao, nhưng với tôi, đây là góc chè ngon khó tìm ở Sài Gòn. Tôi ăn chè nhiều nơi vẫn không thấy nơi nào hơn. Để tới giờ, tôi vẫn ghé về người chủ cũ, với món chè xưa: hột nếp dẻo như bột, thơm như sữa; hột đậu nào cũng mềm như bún, mịn như nhung… 

Tôi có ông anh họ xa, đi lính đóng quân ở Quảng Ngãi. Hồi học tiểu học cuối thập niên 1960, có năm ảnh đưa tôi đi nghỉ hè ở Quảng Ngãi bằng máy bay. Tôi ở đó suốt hai tháng, chơi với đám con nít Quảng Ngãi. Tụi nó hay rủ tôi đi nhổ trộm khoai mì, lột vỏ xong xin vô lò đường nhúng ké khoai mì vô chảo mật mía rất lớn, lúc nào cũng sôi sùng sục. Một hồi khoai mì chín, mì và đường mật quyện vô nhau, ăn rất ngon, thơm phức mật mía. Giờ trong một món chè ở đây, tôi thấy có khoai mì cắt miếng nhỏ. Nhớ lại một trời tuổi thơ.

Cách đây một, hai năm, bịch chè vẫn giữ giá 7.000 đồng, trong khi các hàng chè xung quanh đã bán 10.000 từ lâu. Nấn ná mãi, bịch chè lên 10.000 đồng, nhưng cô chủ múc lên đầy đặn hơn. Có lúc tôi phải cản: “Múc vừa thôi chị”.

Đó là chè Sài Gòn, nguyên liệu miền Nam cho hợp mồm miệng Sài Gòn chớ không còn nguyên gốc chè Quảng Ngãi nữa. Cô chủ ấy bảo: “Chè Quảng Ngãi bây giờ tôi về ăn thấy vẫn có phần cứng, thô như ngày xưa tôi rời xứ vô đây”.

… Thuở ấy, cô chủ ấy mới 20 tuổi, giận cha dỗi mẹ thế nào không rõ, “rời xứ”, rời quê vô Sài Gòn từ năm 1976, một thân một mình giữa đô thị với góc chè nhỏ. Mười năm sau, 1986, cô gom góp tiền từ muôn vàn chén chè mới mua được một căn nhà 20 thước vuông trên đường Thích Quảng Đức và ở đó cho tới giờ. Một tay tự nấu đủ món chè, không ai phụ nên giờ mỗi tuần, khi cô chủ tuổi đã lớn, góc chè chỉ bán mỗi tuần bốn buổi, từ thứ hai tới thứ năm. Có lúc thứ năm tôi mua ba, bốn bịch, dặn không bỏ nước dừa; mang về bỏ trong ngăn mát tủ lạnh, mấy ngày sau ăn vẫn mềm. 

“Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi” gần nửa thế kỷ giờ cô thôn nữ xưa đã thành một người Sài Gòn gốc Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cái gốc yêu thương của cô cả một thời niên thiếu, tuổi đôi mươi ấy vẫn đưa cô về viếng mộ cha, cúng giỗ mẹ, cưu mang anh em mình… như ngày nào còn thiếu nữ. 

… Và cô bảo: “Tên tám chị em mình là do ông nội đặt: Hồng - Đào - Nở - Hoa - Tư - Sanh - Nhành - Lựu”. Cô là con thứ ba, tên Nở.


CÙ MAI CÔNG