Thứ Hai, 31 tháng 3, 2025

Chữ nghĩa : "BÔNG" "HUÊ" "HOA" - Nguyễn Chương - Mt (fb)

 



"BÔNG", "HUÊ", "HOA"

 Về miền Tây mà nghe câu "Chờ anh, em hết sức chờ. Chờ cho ến xại lên bờ khui huê" (*), nghe ngồ ngộ hết biết. 

Coi, "ến xại" là gì? Đây là tiếng Tiều (Triều Châu), họ đọc như rứa cho hai chữ 蕹 菜 (âm Hán-Việt "ủng thái"), nghĩa là rau muống!

Còn "khui huê", cũng tiếng Tiều, viết 開 花 (âm Hán-Việt "khai hoa"), nghĩa là trổ bông!


/1/ "BÔNG" không phải là "phương ngữ" miền châu thổ Cửu Long đâu, mà cách gọi này thuộc Nam âm (quốc âm), là tiếng thuần Việt của chúng ta! 


Thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: "Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm BÔNG". 

Trong tiếng Mường, còn goi là "proto Vietic" (tiếng Việt nguyên thủy), gọi "Pông". 

Xứ Thanh, xứ Nghệ - xin chú ý- cũng gọi "Bông". 

Nhiều tỉnh miền duyên hải vẫn giữ cách gọi "Bông". 

Miền châu thổ Đồng Nai - Cửu Long, bà con gọi "Bông", dễ mến gì đâu! 


Vì là Nam âm (quốc âm) nên ghi bằng chữ Nôm 葻, đọc là "BÔNG". 


* Cùng nghĩa với BÔNG, trong chữ Hán ghi là 花  - "hoa" (âm Hán-Việt), "huê" (tiếng Tiều), "huā" (tiếng Hán Bắc Kinh). 


/2/ Đừng giở trò chụp mũ, nói BÔNG là "phương ngữ" hạn chế trong vùng miền. Ngược lại, đây là cách nói của tiếng Việt trải dài phần lớn theo chiều dài đất nước... 


Còn, "rau muống biển"? Ta nói, "rau", "muống", "biển" đều là tiếng thuần Việt, có tìm đỏ con mắt cũng không thấy cách đọc này trong chữ Hán. Mà đều ghi bằng chữ Nôm: 蔞 rau, 𡗐 muống, 㴜 biển. 


Đọc thấy trên báo Tuổi Trẻ (là "báo nhà" của tôi khi chưa nghỉ hưu), bỗng dưng ghi ... "hoa rau muống biển". Sao không ghi là "BÔNG RAU MUỐNG BIỂN", bởi hết thảy bốn chữ này đều thuần Việt, nhịp nhàng với nhau, rất hay! Mắc gì nhét cách đọc theo chữ Hán (âm Hán-Việt) "hoa" vô đây?


Kiểu này hệt như ở miền Tây, bà con nói "bông ô môi" thì bỗng dưng xuất hiện những kẻ gọi ..."hoa ô môi"! Nghe "hoa ô môi", biết ngay họ là "kinh hóa", tức chỉ biết dựa theo chữ Hán ("hoa") mà lạc mất ký ức "BÔNG" trong tiếng Việt (Yiệt)! 


/3/ Cũng còn may là họ hóa ... kinh, mới một phần, vẫn còn biết gọi "RAU MUỐNG".


Bởi nếu hóa người ... kinh toàn phần, tức chỉ biết dựa theo chữ Hán (kéo theo âm Hán-Việt) làm "chuẩn" => ắt họ phải nói "ủng thái hoa" (蕹 菜 花), dẹp bỏ tiếng thuần Việt "BÔNG RAU MUỐNG"! 


* Mời đọc tiếp bài: NHỜ NAM ÂM, ÂM HÁN-VIỆT THOÁT KHỎI CHÔNG CHÊNH 

https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/pfbid0K6poRgXG3gYiQkbki2gXUtgKgUD2iim4HJVU8yhvDaGN2HpiZkATKjUs8qzTc4mAl


--------------------------------------------

(*) Dị bản: "Chờ anh, em hết sức chờ. Chờ cho rau muống lên bờ khai huê", đây là người Việt (Yiệt) không dùng tiếng Tiều "ến xại", "khui" mà dịch ra luôn. 

Tuy nhiên, vẫn còn dùng "huê". Chú ý: tiếng Việt gọi "BÔNG"; còn "huê" - cũng như "chệc" (chú), "chế" (chị), "hia" (anh) - trong tiếng Tiều, người ở miền Tây vẫn có lối dùng chung, giao thoa như vậy.

NGUYỄN CHƯƠNG -  MT (FB) 

Bên ngoài : CẦN HỌC CÁI HAY - Dương Đình Tường.

 



Trong lúc nhiều giáo sư, tiến sĩ loay hoay với i ngắn y dài, với bỏ hay không bỏ khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn thì...

NGƯỜI NÔNG DÂN TỰ TIN UỐNG THUỐC TRỪ SÂU TỰ CHẾ, VẶT RAU ĂN NGAY GIỮA CÁNH ĐỒNG 

Khi mà bóng đen về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn bao trùm khắp chốn thì có một cặp vợ chồng nông dân tự tin uống thuốc trừ sâu tự chế, vặt rau ăn ngay giữa cánh đồng. 

Đó là anh Nguyễn Đăng Quý-chị Đặng Thị Cuối ở  xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Thành phần thuốc sâu tự chế của họ gồm sữa chua, sữa tươi, đường, men vi sinh và không thể thiếu là chính những con sâu màu xanh to như đầu đũa bắt ngay tại ruộng. 


Chị Cuối bảo với tôi rằng: “Khi tôi nói ra kỹ thuật này nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp hay vi sinh của ta họ cười cho thối mũi nhưng đó là kỹ thuật tôi học được khi còn làm thuê 4 năm trong một công ty rau của Nhật tại Đài Loan”.  

Một ngày ở đó vợ chồng chị trung bình lao động 12-13 tiếng, 2 h sáng thức dậy ăn điểm tâm rồi ra đồng nhổ rau đến 6 h sáng ăn tiếp rồi rửa rau đến 11h30 mới nghỉ, ngủ đến 2 h chiều và làm đến 6 h tối. Nhiều khi lắm đơn đặt hàng họ còn phải làm đến 7-8 h tối là chuyện thường nên trung bình mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 5-6 h. 


Người làm thuê ở xứ Đài Loan đã chăm chỉ nhưng ông chủ của họ còn chăm chỉ hơn thế rất nhiều. Họ dậy từ 1 h sáng và chỉ chịu lên giường sau 9h tối, trung bình mỗi ngày ngủ khoảng 4-5h. Ngày Tết, ngày lễ, người làm thuê được nghỉ để đi chơi nhưng chủ trại thì không. 

Sau nhiều năm bôn ba xứ người, anh chị về thuê đất lập một trang trại trồng rau an toàn, rộng 5 ha trong đó 3 ha ngoài trời, 2 ha nhà màng. Họ trồng cải trắng Nhật, cải mơ Nhật, súp lơ tí hon Nhật, cải thìa Mỹ, su hào ăn lá Đài Loan với những điều kiện nước sạch, không khí sạch, đất trồng cũng sạch. 


Họ hoàn toàn không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Thửa ruộng nào bị sâu thì bắt, có thời điểm sâu nhiều quá bắt không xuể nên chị mới nghĩ đến cách bài trừ sâu của người Nhật bằng ngâm những con sâu trong một dung dịch gồm đường, sữa chua, men vi sinh và sâu để chế thuốc. Thuốc này khi phun lên lá không làm cho sâu chết được nhưng sẽ đau bụng, ngừng ăn rau, nằm im đợi ngày hóa kén. Trong một lần đang phun thuốc như thế, chị bỗng thấy một người đàn ông dừng lại ở ven đường, rút điện thoại ra chuẩn bị quay. 


Nhanh như chớp, chị chạy tới túm ngay cái điện thoại và hỏi: “Anh đang làm gì thế?”. “Tôi quay cảnh cô phun thuốc sâu”. Người đàn ông đáp. Thấy vậy chị liền nói: “Anh có biết tôi phun thứ gì lên rau không? Nó không phải là thuốc sâu thông thường độc hại đâu nhé, không tin hả, tôi uống luôn cho anh xem”. 


Vậy là chị chắt bình thuốc sâu ra, uống ngon lành trước con mắt ngạc nhiên tột độ của người đàn ông xa lạ. Hỏi ra thì anh ta thú nhận cũng đang trồng rau sạch nhưng bị rau sạch của chị cạnh tranh mạnh mẽ quá nên khi thấy cảnh phun thuốc định quay lại để cho lên mạng. Và chị cũng hoàn toàn tự tin uống thuốc sâu tự chế trước mặt tôi như vậy. Chẳng thế mà sản phẩm của chị được nhiều trường học, công ty, cửa hàng, siêu thị tìm đến để đặt mua./.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

PS: Chị không có thói quen uống thuốc sâu tự chế hay khuyến khích việc này mà chỉ là để chứng minh nó an toàn mà thôi!

Vui cười : NÓI THIỆT CŨNG HAY ! - TVN st.

 


NÓI THIỆT CŨNG HAY


🎭 Khuya, chồng nằm với vợ cứ ngáp hoài. 

Vợ bỗng bảo:

- Ông lại muốn hút thuốc chứ gì? 

Ra ngoài kia mua thuốc mà hút đi. 

Chồng dậy mặc quần áo, bước ra phố.

Chỗ nào cũng đóng cửa, trừ mỗi quán bar. 

Anh chàng ghé vào, gọi một ly. 

Có một ẻm ngồi ở đó, anh ta liền gọi cho ẻm một ly. 

Tán chuyện một lúc, chàng gạ đưa ẻm về nhà. 

Ẻm đồng ý, khi về đến nhà liền mời anh chàng một ly cà phê. 

Chàng đồng ý liền. 

Rồi hai đứa làm chuyện ấy. 

6 giờ sáng chồng thức giấc, nghĩ ngay: 

"Vợ mình chỉ bảo mình đi mua thuốc lá thôi chứ nhỉ, làm sao giờ?".

Bèn hỏi ẻm:

- Nhà em có viên phấn nào không?

- Có.

- Đưa anh viên, ngay và luôn. 

Ẻm đưa viên phấn. 

Gã chồng lấy phấn bôi đầy tay rồi về nhà. Vợ cáu kỉnh hỏi:

- Ông đi chết ở đâu mà giờ này mới mò về?

- Em biết không, anh ra phố, chỗ nào cũng đóng cửa. Anh thấy quán bar mở cửa, vào đó thấy có một em. 

Anh mới mời nó uống, uống xong anh đòi đưa nó về nhà. 

Về nhà nó mời anh uống cà phê, anh đồng ý luôn. 

Sau đó bọn anh q.uất nhau. 

6 giờ sáng anh mới thức giấc và nghĩ: 

"Vợ bảo mình đi mua thuốc lá cơ mà, làm sao bây giờ?".

Vợ nghiêm mặt nói:

- Đưa tay đây tôi xem.

Chồng liền đưa tay ra, khuôn mặt đầy vẻ có lỗi.

Vợ liền kêu lên:

- Nói dối không biết ngượng miệng à? 

Ông lại đi chọc bi-a với bọn bạn thâu đêm suốt sáng đấy hả?! 

- !?!?. 

Kể ra nói thiệt cũng tốt chớ anh em❓


_____

TVN  Sưu tầm.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Tản mạn : THƯƠNG CÂU "NHẠC SẾN"... - Nam Phan.

 


THƯƠNG CÂU "NHẠC SẾN"...

Trên xứ người, mình còn giữ thói quen nghe nhạc khi có thời gian rảnh. Mình vẫn nghe một số bài tình ca lãng mạn được người ta xem là “Nhạc sang”, kiểu như “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Buồn tàn thu”, “Lá đổ muôn chiều”,  “Tình ca”, “Hạ trắng”, “Diễm xưa”. Tuy nhiên, mình chưa bao giờ che dấu chuyện mình cũng thích nghe bolero, vốn bị thiên hạ gán ghép là “Nhạc bình dân” hay “Nhạc sến” với ý niệm coi thường. Mình bắt đầu nghe bolero từ nhỏ, cũng không nhớ rõ là từ lúc nào nữa. Ba mình ngày xưa hâm mộ tiếng hát liêu trai của cô Thanh Thúy, nên đã lấy tên cô để đặt cho một người chị của mình. Saigon thay tên, nhạc bolero vàng son một thuở chỉ còn trong hoài niệm của những người muôn năm cũ, nhưng mình vẫn thường xuyên nghe ba mình nghêu ngao những câu bolero mỗi khi đêm về.

Lên Saigon học đại học, đúng ngay thời nhạc trẻ hải ngoại làm mưa làm gió, bạn bè cùng trang lứa với mình đắm mình trong dòng nhạc trẻ đó. Mình thường nghe bạn bè mình hát “Trái tim mùa đông”, “Người tình mùa đông”, “Mưa trên biển vắng” cũng như nhiều bài nhạc trẻ hải ngoại thời thượng khác. Có những người bạn ngày xưa thích nghe bolero, cũng đã bỏ bolero để chuyển sang nghe nhạc trẻ. Thời đó, các quán café thường mở nhạc trẻ hải ngoại, còn không thì mở nhạc Tuấn Ngọc, bởi vậy mỗi lần có dịp đi café với bạn bè, mình cũng hiếm khi được nghe bolero. Giữa Saigon hoa lệ, có những đêm đạp xe đi dạy kèm về khuya, vừa đói vừa mệt, qua phố vắng, bất chợt nghe văng vẳng tiếng nhạc bolero xen lẫn tiếng chửi thề vọng lại, mình dừng xe để nghe cho hết bài, và quên luôn cả cái đói và mệt.

Tốt nghiệp đại học, lên đường đi tầm sư học đạo ở xứ sở sương mù, trong mớ hành trang mang theo, có những đĩa CD MP3 nhạc tình ca và nhạc bolero. Thời đó internet chưa phát triển như sau này, gọi điện thoại vừa khó vừa đắt tiền, liên lạc với nhau chỉ bằng yahoo, chưa có youtube, chưa có facebook, chưa có zalo, chưa có viber, bởi vậy máy bay vừa cất cánh là xem như nghìn trùng xa cách. Những ngày đầu tiên trên xứ người, nghe cô Khánh Ly hát “Saigon niềm nhớ không tên” được một đoạn thì phải tắt, không dám nghe trọn bài hát. Mùa xuân đầu tiên trên xứ người, nghe cô Hương Lan hát “Đón xuân này nhớ xuân xưa” được một đoạn cũng phải tắt, vẫn không dám nghe hết bài. Thời gian dần trôi, mọi nỗi nhớ đều dần dần nguôi ngoai, những lúc mệt mỏi hay căng thẳng quá, mình lại tìm đến âm nhạc.

Khoảng chục năm trở lại đây, nhạc bolero trở lại, đường hoàng xuất hiện trên truyền hình, kể cả đài truyền hình quốc gia. Ngày xưa, có lẽ người ta cũng không ngờ có một ngày, những giọng ca bolero thành danh từ lúc Saigon chưa thay tên như “Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung hay “Nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh lại được xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia. Youtube xuất hiện, phần lớn các bài hát bolero xưa không còn bị kiểm duyệt khắt khe như ngày trước, nên gần như người người hát bolero nhà nhà hát bolero. Có những ca sỹ thành danh với nhạc trẻ cũng thỉnh thoảng hát bolero, có những ca sỹ thành danh với nhạc đỏ cũng thỉnh thoảng hát bolero, có những nghệ sỹ cải lương cũng thỉnh thoảng hát bolero. Số lượng ca sỹ trẻ hát nhạc bolero xuất hiện rất nhiều, nhất là khi youtube phát triển.

Cũng khoảng chục năm nay, mình luôn theo dõi “Solo cùng bolero”. Trên xứ người, không được coi TV, mình vẫn theo dõi qua youtube. Khán giả được thưởng thức lại những ca khúc quen thuộc, gắn liền với ký ức và cảm xúc của nhiều thế hệ, được thể hiện qua những giọng ca mới. Dĩ nhiên mỗi khán giả có một sở thích riêng, và trong lòng mỗi khán giả có một quán quân cho riêng mình. Với riêng mình, mùa “Solo cùng bolero” 2024 vừa qua là mùa thành công nhất từ trước đến nay, khi tìm được quán quân Nhất Minh, có một chất giọng vừa dày, tròn vành rõ chữ, lại vừa mùi, nhưng không quá bi lụy, đúng chất bolero xưa. Theo cảm nhận của riêng mình, đây là giọng nam bolero hay nhất trong suốt 10 năm qua của "Solo cùng bolero". Nghe bạn ấy hát bolero, cả một trời kỷ niệm quay về. Mình thật sự hy vọng Nhất Minh có cơ hội để được tỏa sáng thành sao trong làng bolero.

Trong giấc ngủ giữa xứ người, thỉnh thoảng mình vẫn mơ thấy có những đêm mình đạp xe đi dạy kèm về khuya, qua phố vắng, nghe nỉ non tiếng nhạc bolero từ đâu vọng lại. Giật mình tỉnh giấc, lòng vẫn còn đôi chút tiếc nuối …

NAM PHAN.

Phương xa: NỖI NIỀM NGƯỜI CHA - Sưu tầm.

 


NỖI NIỀM NGƯỜI CHA.

"Khi tôi bước sang tuổi 89, tôi đang ngồi một mình trong một ngôi nhà nghỉ hưu với một đĩa ravioli trước mặt. Tôi không biết ai đã tạo ra chúng, và tôi không biết liệu có ai nhớ sinh nhật của tôi không.

Tôi có ba đứa con. Lâu rồi tôi không gặp họ. Họ đưa tôi đến đây, nói rằng đó là vì lợi ích của tôi, nhưng khi ngày trôi qua, điện thoại vẫn im lặng. Không gọi điện, không ghé thăm.

Tôi không giận—chỉ buồn. Buồn vì, cho dù thời gian có trôi qua thế nào, tôi cũng không bao giờ ngừng yêu họ. Buồn vì không đòi hỏi gì nhiều—chỉ một cái ôm, một lời tử tế, một lời "Chúc mừng sinh nhật Bố."

Tôi chỉ ước có ai đó nhớ đến tôi.

Ở tuổi của tôi, bạn sống bằng những kỷ niệm và hy vọng. Và hôm nay, hy vọng của tôi là thông điệp này đến với những người đã quên mất tầm quan trọng của tình yêu và gia đình - trước khi quá muộn. "


(❤️ Gửi đến tất cả những người cha và ông nội, các bạn được yêu thương—dù đôi khi, không ai nói ra điều đó. ❤️ )

Vui cười : ANH CHỒNG LẺO MÉP - St trên FB.

 ANH CHỒNG LẺO MÉP 


Thơ : HOÀI NIỆM HOA LOA KÈN - Duc Tuan Phan.

 



HOÀI NIỆM HOA LOA KÈN


Anh hẹn em chụp ảnh

Với mùa hoa loa kèn

Anh bận, rồi em bận

Cứ lỡ hẹn triền miên. 


Khi loa kèn xuống phố

Tháng Tư, mưa  đầu mùa

Lá rụng vàng lối ngõ 

Lại lỡ lời hẹn xưa. 


"Không sao đâu anh ạ

Ta sẽ đợi mùa sau

Hoa loa kèn còn đó

Chẳng bỏ mình đi đâu."


Anh bảo: "Mùa quay lại

Tóc em còn bồng bềnh

Nụ cười còn rạng rỡ

Ánh mắt còn long lanh?" 


Em khẽ cười buồn bã

"Ừ nhỉ thời gian trôi

Những gì ta bỏ lỡ

Cứ day dứt suốt đời."


Mùa hoa đi rồi đến

Ta chẳng còn sóng đôi

Quán cà phê chiều muộn

Cánh hoa nào khẽ rơi...

DUC TUAN PHAN (FB) 

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Truyện năm Giáp Thìn: CON RỒNG MÌ GÓI - Huỳnh Văn Huê.

 

            ( Hình ảnh có AI giúp đỡ )

CON RỒNG MÌ GÓI


Giữa lòng thành phố ngột ngạt khói bụi, mức ô nhiễm thuộc hạng cao thế giới... . Dưới gầm cầu lạnh lẽo, nhếch nhác, từ bao giờ không ai biết rõ, có hai anh em với tên thường gọi Long anh và Long em nương tựa vào nhau lây lất  sống… .

Chúng là những đứa trẻ không cha không mẹ, gần như bị cuộc đời hất văng ra rìa xã hội. Nhắc lại dài dòng, Ông Bà nội tụi nó  mất trong trận lũ quét năm xưa, còn lại ba của chúng là đứa con trai duy nhất sống trơ trọi một thân một mình, có lẽ cô đơn và buồn chán nơi làng quê vắng vẻ, một ngày kia ba của chúng rời bỏ ngôi nhà xiêu vẹo ở quê lại cho những người bà con xa muốn làm gì thì làm, ông ấy đến chốn thị thành này rồi tham dự vào “chợ người” để bán sức lao động kiếm sống. Chính nơi thị thành này ba đã gặp mẹ tụi nó trong cùng cảnh ngộ, chỉ khác chăng là một người ở phía Bắc còn một người ở phía Nam con sông lớn chảy qua thành phố này . Hai vợ chồng có hai đứa con, đứa lớn tên Long - Thăng Long, không biết có phải vì ba nó tên Thăng hay không?! Đến đứa em sau đó chào đời ba nó cũng nhất định đặt tên là… Long nhưng ghép với tên mẹ là Kim . Hai đứa cùng tên Long nên để phân biệt chúng được gọi là Long anh và Long em. Xem ra tên Thăng Long là rồng bay lên và tên Kim Long là rồng vàng cũng đâu phải tầm thường!? 

Nhưng rồi tai họa ập đến…  . Ba chúng nó mất trong một tai nạn nơi công trình xây dựng! Năm sau, số tiền bồi thường của nhà thầu chẳng còn bao nhiêu, mẹ chúng nó một hôm lặng lẽ đi làm nhưng không trở về !… . Làm sao có tiền trả nhà trọ !? Chúng nó đành ra gầm cầu mà sống…  .Hai đứa trẻ bây giờ bơ vơ giữa một thành phố bao la - hào nhoáng, và dù chúng vốn sinh ra nơi chốn này nhưng vẫn thấy xa lạ, nơi đây hầu như chẳng ai quan tâm đến sự tồn tại của chúng.

Long anh mười bốn tuổi, gầy gò nhưng rắn rỏi. Cậu là "trụ cột gia đình", mỗi ngày vác hộp đánh giày đi khắp phố, len lỏi giữa những người vội vã để kiếm từng đồng lẻ. Long em mới mười tuổi, nhỏ xíu ốm o như con mèo hoang, ngày ngày ở lại giữ “nhà" dưới gầm cầu. Nhưng nó cũng chẳng ngồi không, đôi tay nhỏ bé gầy gò lục lọi thùng rác, nhặt nhạnh chai nhựa, lon bia, gom lại để bán ve chai.

Dưới gầm cầu, tài sản quý giá nhất của chúng là một chiếc chiếu rách, một cái xoong méo mó, và một bọc mì tôm rẻ tiền. Nhưng với chúng, đó là tất cả những gì có thể giúp nhau sống qua ngày.

Hôm nay, trời oi ả hơn mọi ngày, bụi đường bám đầy trên mái tóc rối bù của Long em. Nó đã đi nhặt ve chai cả buổi sáng, trong túi chỉ có mấy đồng bạc lẻ, do chính người anh đã để lại cho em trước khi đi ra đường kiếm sống… .Cả ngày chưa ăn gì, bụng nó lép kẹp, nhưng nó không lấy tiền mua bánh như mọi lần. Nó nghĩ tới anh nó.

"Anh Long chắc cũng đói lắm rồi..."

Nó lon ton chạy vào một tiệm tạp hóa ven đường, đưa ra những đồng bạc lẻ… .

— "Cho con hai gói mì tôm !..."

Bà chủ tiệm tạp hóa nhìn nó bằng ánh mắt ái ngại. Bà đã quen thấy nó lảng vảng quanh khu này, nhưng nó chưa bao giờ làm gì sai quấy. Hôm nay... , bà khẽ thở dài, rồi bất giác cầm thêm một gói mì đặt vào tay nó.

— "Cầm đi, bà không lấy thêm tiền đâu."

Long em tròn mắt nhìn bà, gương mặt đỏ bừng rồi cúi đầu cảm ơn thật nhỏ. Nó nắm chặt túi xốp có ba gói mì trong đó, chạy như bay về gầm cầu. Tối nay, nó sẽ đãi anh nó một "bữa tiệc".

Trời đã nhá nhem tối. Long em ngồi xổm bên bếp lửa nhỏ xíu, nhóm lên từ những khúc củi vụn nhặt nhạnh được trên đường… . Nồi nước trong xoong đã bắt đầu lăn tăn sôi. Nó lấy hai gói mì ra, cẩn thận và trịnh trọng để ngay ngắn bên nhau như là hai món cao lương mỹ vị của một nhà hàng 5 sao !

Nhưng Long anh vẫn chưa về.

Nó nhìn ra phía đường lớn, nơi dòng xe vẫn lao đi vun vút. Mọi khi, Long em nhớ giờ này anh nó đã về đến nhà. Dù mệt mỏi, lưng áo Long anh ướt đẫm mồ hôi, nhưng khi thấy em trai, cậu luôn cười:

— "Nay có gì ăn không nhóc?"

Vậy mà hôm nay, không thấy anh đâu.

Long em bồn chồn, hết đứng lại ngồi. Nó ngó nghiêng ra đường, tim bắt đầu đập nhanh hơn. Một cảm giác bất an dâng lên trong lồng ngực bé nhỏ.

Nó gắng kiên nhẫn, tự trấn an mình: "Anh Long chắc bị khách giữ lại lâu hơn thôi..."

Nhưng chờ mãi, chờ mãi, bóng dáng thân quen vẫn không xuất hiện.

Nước trong nồi đã cạn đi vì sôi quá lâu. Gió từ con sông  thổi qua, thoang thoảng nồng nồng mùi hóa chất lẫn mùi cống rãnh làm đôi mắt Long em cay xè.

Chợt có tiếng người lao xao ở đầu cầu. Một nhóm người tụ tập, nói chuyện xôn xao.

— "Tai nạn nặng lắm... thằng bé ấy tội nghiệp quá!"

Long em bỗng run lên. Một linh cảm khủng khiếp chạy dọc sống lưng nó. Nó chạy thật nhanh về phía đám đông, chen lấn giữa những người lớn.

Rồi nó thấy.

Giữa đường, một chiếc xe hơi bóng loáng bị vây quanh. Trên mặt đường, máu loang đỏ. Và giữa vũng máu ấy, một hình dáng quen thuộc nằm bất động.

Là anh Long. Anh Thăng Long của em Kim Long đây mà!!... 

Mắt Long em trợn trừng, môi mấp máy không thốt nổi lời nào. Cả thế giới như sụp đổ.

Một cô gái trẻ, dáng vẻ giàu sang, trên người lấp lánh kim cương và bạch kim (!) đứng gần đó với gương mặt tái mét. Cô ta đang run rẩy nói chuyện với cảnh sát. Người ta bảo cô ta mới tập lái, chưa quen xe lẫn quen đường, mất lái nên tông vào một cậu bé đang băng qua đường đúng luật khi đèn xanh! 

Cậu bé đó chính là Long anh .

Ai đó để nhẹ bàn tay lên vai Long em , giọng nói đau buồn:

— "Cháu là em trai thằng bé đó à? Tội nghiệp quá !..."

Nhưng Long em chẳng nghe thấy gì nữa. Trong đầu nó chỉ còn những hình ảnh mơ hồ về anh trai – người đã luôn bảo vệ nó, luôn nhịn ăn nhường bớt phần cho nó, luôn cười dù có cực khổ đến đâu.

Vậy mà giờ đây, anh nó nằm đó, bất động, mãi mãi không bao giờ tỉnh dậy.

Long em không can đảm hiện diện nơi đó nữa, nó lê bước về gầm cầu trong vô thức. Nó lờ mờ đoán ra sáng mai thế nào bác tổ trưởng tổ dân phố cũng tìm nó. Mọi chuyện để mọi người làm gì thì làm, đứa nhỏ mười tuổi đầu như nó còn biết làm gì trong tình huống này!? Chỉ biết rằng  từ đêm nay, nó không còn chi nữa. Không còn anh trai. Không còn gia đình. Chỉ còn mình nó với màn đêm cô quạnh.

Gió lạnh buốt, nhưng nó chẳng buồn kéo chiếc chiếu rách lại. Nó nhìn xuống hai gói mì tôm còn nguyên trên nền đất. Bất giác, nó xé ra, sắp từng sợi mì thành một con rồng.

"Anh nói sau này hai anh em có ngôi nhà nhỏ, anh sẽ vẽ con rồng lên tường, hai đứa cùng tên Long, long là rồng đó mà…"

Nó cẩn thận xếp những sợi mì, cố gắng tạo nên hình thù uốn lượn của con rồng. Nhưng tay nó run, vài sợi mì rơi vãi… . Cuối cùng, nó ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc nức nở. 

Một cơn gió mạnh thổi qua. Nó cầm luôn tô đựng mì, nhoài người ra mé sông. Không suy nghĩ, nó đổ hết mì xuống dòng nước.

Mì tôm rơi xuống, thấm nước, mềm nhão ra. Hình con rồng tan biến dần, hòa vào dòng nước vốn ô nhiễm đục ngầu.

Những sợi mì chìm dần, trôi đi rồi biến mất giống như anh nó… Giống như tất cả những gì nó từng có… , cả những ước mơ dù đơn sơ nhất của hai anh em… .

Nó nhủ thầm, rồi em sẽ cố gắng có một căn nhà nhỏ, thật nhỏ cũng được. Em sẽ có nơi để thờ ông bà nội, thờ ba và…  anh ! Em sẽ vẽ con rồng lên tường nhà như anh đã từng nói: tên hai anh em mình là Long là… rồng … .

Nước mắt Long em lăn dài trên hai má, rơi xuống hòa lẫn cùng dòng nước lạnh lùng cuồn cuộn trôi đi vô tận./.


HUỲNH VĂN HUÊ (10-2024. Giáp Thìn )


Thứ Hai, 3 tháng 3, 2025

Thơ : CHUNG MỘT CỘI NGUỒN - Tạ Trung.




CHUNG MỘT CỘI NGUỒN 

 Từ khi, khoác áo chinh nhân

Ngày xanh thuở ấy thêm phần liu diu

Về chiều chân bước liêu xiêu

Tim gan thận phổi... đủ điều ốm đau

Năm nào hạnh ngộ bên nhau

Nâng ly chạm cốc trước sau kết tình

Sài Gòn - Bến Thủ phiêu linh 

Anh em chiến hữu bọn mình gặp thôi

Tìm đâu lại giấc mơ đời

Vì chưng sức khoẻ môi cười héo hon

Từ ngày họp lớp họp trường

Bạn bè gặp lại yêu thương vô vàn

Đại Bình rừng núi bạt ngàn

Bước chân ngang dọc vẫn gần gũi nhau 

Nghe bạn bịnh, thấy lòng đau

Câu thơ tắt lịm lệ trào mắt cay

Ngày đó chung chén rượu đầy

Mình chung chuyện vãn không say không về

Bây giờ đi đứng nhiêu khê

Ngoảnh đầu nhìn lại lê thê nỗi buồn

Bạn bè chung một cội nguồn

Nông Lâm Súc mãi mãi luôn trường tồn.

TẠ TRUNG.

(P/s: Chúc anh Giao Nguyen gặp thầy thuốc mau chóng khỏi bịnh. Thân mến)

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2025

Thơ : TRÊN SÔNG MÊ KÔNG... - Sưu tầm trên FB.





TRÊN SÔNG MÊ KÔNG NHỚ VỀ NGƯỜI ĐẸP ĐÔNG KINH Ở HOÀ VANG XƯA 


Mê Kông sóng nước lững lờ,

Bia nghiêng đáy cốc, trăng mơ lưng trời.

Nhớ người Đông Kinh xa xôi,

Hòa Vang xưa cũ một thời còn đây.

Sông trôi bóng ngả vơi đầy,

Như ta thương nhớ tháng ngày đã qua.

Gió đêm khe khẽ lời ca,

Hỏi người viễn xứ có làn hương xưa?

Bọt bia tan giữa cơn mưa,

Mà tình ta vẫn đong đưa bên lòng.

Một câu thơ thả theo dòng,

Gửi người xưa ấy có mong nhau nhiều?


Sông Mê Kông chảy lặng thầm,

Như ta nâng chén âm thầm nhớ ai.

Bọt bia tan, bóng đêm dài,

Hòa Vang xưa cũ còn hoài trong tim.

Đông Kinh xa, mắt êm đềm,

Người như trăng sáng bên thềm cố hương.

Ta say đâu chỉ men thường,

Say câu đối mắt, say đường môi ngoan.

Sông trôi bóng nước mơ màng,

Nhớ em, ta rót mộng vàng vào bia.

Gió đêm khe khẽ thầm thì,

Rằng người Đông Kinh… có khi nhớ mình?


Tác giả: Chat GPT ( Trí tuệ nhân tạo )