MỘT CHÚT HƯƠNG XƯA Blog
Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024
Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024
Tản mạn : SAIGON MÀ !... - Thanh Minh.
SAIGON MÀ!…
Cách quán hủ tíu mì cật nổi tiếng ở Saigon khoảng 300 mét, gần hơn là quán bán món bún bò Huế xếp hàng rồng rắn nhưng chủ quán Cafe từ chối đưa các món ăn vào quán. Đơn giản, quán cafe không sang trọng nhưng nó có cái giá của nó! Saigon mà!
“Quý khách có thể để xe ở đây qua bên đó ăn rồi trở lại uống cafe” Saigon mà!
Chúng tôi nhờ cô bé phục vụ chụp bức ảnh lưu lại kỷ niệm ngồi cafe lề đường trước quán cafe phong cách Saigon xưa. Đang chụp thì có một nam thanh niên ăn mặc sạch sẽ nhưng đầu tóc rối bù đưa tay xin 1 ngàn! Tôi đoán anh ta sẽ chàng ràng trước ông kính chờ lấy tiền xong mới rời khỏi khung hình. Thế không, anh ta lùi ra xa một cách lịch sự, không ảnh hưởng đến bức ảnh lưu niệm của chúng tôi! Saigon mà!
Cuối tháng 11, Saigon không có mùa thu, không có lá vàng nhưng hôm nay “trời không buông nắng”, thời tiết mát mẻ, quán cafe nằm ngay trung tâm thành phố, sát khu metro đang xây dựng nên được che chắn, hạn chế xe cộ qua lại. Do vậy chúng tôi được thưởng thức không khí an bình của những ngày Saigon xưa với ly cafe lề đường, lại được thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn với giọng Khánh Ly. Saigon mà!
Thú thật lần đầu tiên sau mấy chục năm tôi được hưởng không khí nhẹ nhàng như thế nầy ở một đô thị ồn ào, đày khói bụi. Saigon mà!
Anh bạn gọi tiếp ly cafe đen, cô bé phục vụ xin phép cho thu tiền trước. Tôi hơi ngạc nhiên lên tiếng, phong cách Saigon xưa sao thu tiền trước? Cô bé cười “dạ quy định của quán ạ”, tôi hiểu rồi “Saigon ngày xưa khác, bây giờ khác”, Saigon mà!
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao anh bạn kiến trúc sư đang giữ trọng trách lãnh đạo một sở ở miền Tây lại khăn gói đưa vợ con lên Saigon để sống, anh thú thật “nơi đây có sức hút kỳ lạ”. Sài Gòn mà!
THANH MINH
Tản mạn Saigon xưa!
Thơ : NHẬN THỨC - Thanh Thủy.
NHẬN THỨC
Đi qua nhiều hạnh phúc,
Nếm không ít khổ đau.
Chợt thấy mình bình thản,
Kệ mưa nắng trên đầu…
Người đi hay ở lại,
Cũng đều bởi chữ duyên.
Người đối mình tốt xấu,
Mình cũng chẳng muộn phiền.
Thứ gì càng trân trọng,
Thì càng dễ mất đi.
Càng nắm ôm thật chặt,
Càng chẳng giữ được gì…
Tham sân si nhiều lắm,
Rồi cũng khổ mình thôi.
Cuộc đời này cơ bản
Biết đủ là được rồi…
Cuộc đời vui thì ít
Buồn khổ lại quá nhiều
Có gì đâu sung sướng
Để mà thích với yêu
Như đại dương vốn dĩ
Nước từ nguồn suối khe
Sống trên đời cũng thế
Rồi cũng có ngày về
Hãy làm gì có thể
Để mai ngày rời xa
Chẳng phải lần hối hận
Bao người nhớ về ta...
THANH THỦY
Thơ: THƯƠNG NHỚ VẪN NGẬP LÒNG - hathuthuy.
THƯƠNG NHỚ VẪN NGẬP LÒNG.
Trong thơ có mây bay
Để lòng mình dệt lụa
Êm ả những hàng cây
Chờ xuân về thay lá.
Trong thơ cần có gió
Để hoa tím nhà người
Hoa bí vàng cuối ngõ
Cùng khoe sắc xinh tươi.
Giữa đường trần trăm lối
Tình yêu vẫn thắm nồng
Dẫu cuộc đời chìm nổi
Thương nhớ vẫn ngập lòng.
hathuthuy
Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024
Thơ : PHẬN BÈO TRÔI - Quỳnh Trâm.
PHẬN BÈO TRÔI
( Thủ vĩ điệp )
BÈO trôi thân phận bọt BÈO
BUỒN tình dang dở gieo neo thật BUỒN
KHUÔN chiều mưa đổ rập KHUÔN
SÔNG khô dòng cạn tắt nguồn mạch SÔNG
ĐỒNG nay lúa mởn xanh ĐỒNG
VỀ đây chăm sóc mà không thấy VỀ
TÊ lòng buốt lạnh tái TÊ
GIĂNG mờ sương phủ tứ bề giăng GIĂNG
RẰNG ai có hiểu cho RẰNG
TRỜI mây che khuất bóng trăng cuối TRỜI
VƠI đầy nỗi nhớ nào VƠI
ĐAU thương sầu luỵ một đời nhói ĐAU
GIÀU sang phụ nghĩa tham GIÀU
VÀNG tia nắng rụng buồng cau úa VÀNG
NGANG cầu rút ván sang NGANG
DUYÊN em đã hết bẽ bàng phận DUYÊN
TG : Quỳnh Trâm
Lời xưa : RUỘT ĐAU CHÍN CHIỀU - Sưu tầm trên mạng.
RUỘT ĐAU CHÍN CHIỀU.
(CÂU CA DAO CỦA NGƯỜI XƯA THẬT LÀ SẮC…)
“Ruột Đau Chín Chiều”: đó là những chiều nào?
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều?
Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
Ta thường nghe câu ca dao:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Hoặc:
Vẳng nghe tiếng vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau
Thực ra nói đến chín chiều là ngầm ý nhớ đến công lao ơn nghĩa cha mẹ đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, người xưa thường dùng “cửu tự cù lao - chín chữ cù lao” là 09 điều khó nhọc khi làm cha mẹ sinh dưỡng con cái. Chín chữ đó là:
1 - Sinh (sanh đẻ)
2 - Cúc (nâng đỡ)
3 - Phủ (vuốt ve, trìu mến)
4 - Súc (cho bú mớm)
5 - Trưởng (nuôi nấng khôn lớn)
6 - Dục (dạy dỗ)
7 - Cố (trông nom)
8 - Phục (xem tính nết mà uốn nắn)
9 - Phúc (bảo vệ)
Vì vậy mới có câu: ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là tình cảm mẹ con, tình cảm gia đình sâu sắc trong tâm hồn mỗi chúng ta.
Tình thương nỗi nhớ gắn liền với tấm lòng biết ơn sâu nặng của những người con với tình cảm mẹ con, gia đình...
Nhân những ngày cuối năm tìm hiểu và tự nhắc nhở mình đôi điều về chín chữ cù lao để gọi là xin đền đáp trong muôn một thâm ân cha mẹ. . .
Sưu tầm
Phương xa : LIZA - Igor Shikhov
LIZA
Tác giả: Igor Shikhov.
Dịch từ tiếng Nga: Chu Thị Hồng Hạnh
Bác sĩ cúi xuống, xem xét thi thể và bắt đầu lập biên bản về cái chết. Trong phòng, một cảnh sát đi qua đi lại và liên tục yêu cầu kết thúc nhanh việc ghi chép này.
Ở phòng bên cạnh, vọng ra tiếng rên ư..ử... nghe như ai đó đang khóc thầm. Trên lưng ghế treo một chiếc áo khoác dạ cũ, và trên ghế cũng có một chiếc quần xếp gọn gàng. Viên cảnh sát nhìn vào đồ đạc và thấy một con chó nhỏ nằm ở góc bàn.
Con chó run lên bần bật, nép sát vào tường.
- Đây là chó của ông ấy à? - anh ta hỏi lớn về phía phòng bên cạnh. Một người phụ nữ bước ra từ đó, là hàng xóm, và xác nhận rằng đúng vậy.
- Đây là "Liza". nó là thú cưng yêu quý của ông Oleg Nikolaevich. Ông ấy đã mua nó ở chợ vài năm trước sau khi vợ ông là bà Anya qua đời, và từ đó họ không bao giờ rời nhau nửa bước. Tội nghiệp, giờ nó sẽ ra sao?
Một vài người vào, nâng thi thể lên cáng và bắt đầu đưa xuống cầu thang. Con chó rên rỉ và, vượt qua nỗi sợ hãi, chạy theo. Xuống đến hành lang, nó ngồi xuống, vẫn run rẩy nhìn theo khi người ta đưa chủ nó đi xa dần. Chiếc xe biến mất sau góc đường. Nó muốn chạy theo, nhưng khi nhìn lại, nó chạy ngược lên căn hộ. Cửa vẫn còn mở, nó ngồi vào góc và giơ chân trước lên, rên rỉ.
Phải làm gì đó với con chó này thôi. - viên cảnh sát nói và nhìn sang người hàng xóm.
À, vâng! Được rồi! - người phụ nữ đáp.
- Vậy, tôi để chìa khóa lại cho cô nhé. Anh ta khóa cửa và giao chìa khóa cho người hàng xóm, sau đó vội vàng rời khỏi tòa nhà.
Hôm nay là lễ Phục Sinh, viên cảnh sát cùng vợ rời nhà thờ, vừa đi vừa trò chuyện không chủ đề gì, đột nhiên anh nhớ lại về ông cụ mà vài ngày trước đã làm thủ tục.
Chúng ta ghé qua một nơi được không? - anh hỏi vợ.
Người hàng xóm ngạc nhiên khi thấy họ, không nói lời nào, và đưa trả chìa khóa. Anh mở cửa và thấy con chó vẫn ở đó.
- Cô..! - anh định quát người hàng xóm, nhưng cố kìm lại. Anh nhìn quanh căn phòng và bất chợt thấy một tờ giấy nhô ra từ dưới gối trên chiếc giường. Anh rút nó ra. Mặt sau có ghi: "Dành cho Liza yêu dấu của tôi." Anh mở ra và bắt đầu đọc.
"Liza yêu quý của ông! Linh hồn của ông! Hãy tha thứ cho ông vì đã bỏ rơi con! Hãy tha thứ vì ông đã không thể sắp xếp cho con đến với những người khác. Suốt cả tháng trời, ông đã cố gắng tìm một người tốt cho con, nhưng không có kết quả.
Mọi người đều không phù hợp và ông biết rằng nếu giao con cho họ, con sẽ phải chịu đựng. Ông tin rằng Chúa vẫn tồn tại và chắc chắn sẽ có người yêu thương con như ông đã yêu con. Có lẽ sáng mai ông sẽ gặp lại Anya của ông, và ông rất lo lắng cho con.
Con đã mang lại cho ông biết bao khoảnh khắc vui vẻ, con luôn ở bên ông trong những lúc buồn và vui. Đôi khi, con làm ông nhớ đến Anya của ông. Suốt bảy năm qua, con là chỗ dựa của ông, và ông sống chỉ vì con. Hãy tha thứ vì ông đã ra đi trước!"
Dưới thư là dòng chữ: "Tái bút: Tôi biết rằng người nào đó sẽ đọc được lá thư này, và tôi cầu xin, vì Chúa lòng lành, hãy chăm sóc Liza yêu dấu của tôi. Tôi là tất cả những gì mà nó có."
Người vợ nhìn chồng, và anh nhìn vào đôi mắt đẫm lệ của cô ấy và nói:
- Được rồi, vậy nó là con thứ năm! Nhà ta có năm con vậy..!
ST TRÊN FB.
Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024
Ngẫm : ĐỪNG CẢ TIN - St từ FB Chau Doan.
ĐỪNG CẢ TIN.
Ngày xửa ngày xưa, Sư Tử cảm thấy đói bụng và nói với Cáo:
"Mang cho ta cái gì đó để ăn, nếu không ta sẽ ăn ngươi."
Cáo liền tìm đến Lừa và nói:
" Sư Tử muốn biến bạn thành vua, hãy đi cùng tôi."
Khi Sư Tử nhìn thấy Lừa, nó lập tức tấn công, cắn đứt tai của Lừa, nhưng Lừa may mắn chạy thoát được. Lừa nói với Cáo:
" Ngươi đã lừa ta! Sư Tử cố giết ta!"
Cáo đáp:
" Đừng ngớ ngẩn thế! Hắn chỉ cắt tai của bạn để đặt vương miện lên đầu bạn thôi! Đi nào, quay lại với tôi."
Lừa thấy điều đó có lý, nên đã quay lại.
Lần này, Sư Tử tấn công Lừa lần nữa, cắn đứt đuôi của nó! Lừa lại thoát được, và nói với Cáo:
" Ngươi nói dối! Sư Tử đã cắt đuôi của ta!"
Cáo đáp:
" Hắn chỉ cắt đuôi bạn để bạn ngồi thoải mái hơn trên ngai vàng! Hãy quay lại cùng tôi."
Cáo lại thuyết phục Lừa quay lại.
Lần này, Sư Tử bắt được Lừa và giết chết nó.
Sư Tử nói với Cáo:
" Tốt lắm, ngươi đã mang Lừa quay lại. Giờ thì lột da nó cho ta, mang về đây bộ óc, phổi, gan và tim của nó!"
Cáo lột da Lừa, ăn bộ óc của nó, nhưng mang về phổi, gan và tim cho Sư Tử.
Sư Tử tức giận hỏi:
" Bộ óc của nó đâu?!"
Cáo trả lời:
" Thưa bệ hạ, nó không có óc. Nếu nó có óc, nó đã không quay lại sau khi ngài cắt tai và đuôi của nó."
Sư Tử đáp:
" Điều đó hoàn toàn đúng."
Sưu tầm từ FB Chau Doan.
Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024
Vui cười : NGƯỜI "LÝ TƯỞNG" ! - Loan Ngẫn.
NGƯỜI "LÝ TƯỞNG" !
Tối qua hắn nhắn: đầu phố X có quán bánh đa cua mới mở ngon lắm. Sáng mai anh đánh xe qua đón em, mình đi ăn sáng nhé. Gớm mừng, cả đêm qua hai mắt cá chân cứ thức chong chong!!!
Hắn nom đẹp dai phết các dì ạ. Lúc nào cũng ăn mặc bảnh bao. Quen hắn được mấy tháng rồi trong đám hiếu nhà đứa bạn. Thấy hắn ngồi một mình một bàn trống, nhà đám đông quá nên đến ngồi và thế là quen.
Hắn nói chuyện chỉn chu phết. Hắn khoe hắn làm nghề lái xe. Bữa nọ hắn đến nhà chơi. Thầy u kết nứt đĩa vì hắn nói về triết lý nhân sinh, về vô thường sự sống. Thầy u bảo thôi mày chốt đi, mày vừa xấu vừa già, thuộc diện tồn kho mất sổ gạo. Nó để ý là may “dồi” may “dồi”!
Hắn nói chuyện lúc nào cũng ân cần nhã nhặn. Hắn nhắn ngõ nhà em nhỏ, xe anh vào quành đầu khó, em chịu khó ra đầu ngõ mình đi ăn luôn.
Gặp gỡ cũng mấy lần rồi, nhưng đi ăn sáng mới lần đầu. Style giờ là cứ phải quần sooc áo phông à cơ. Mình diện quả quần sooc trắng với áo phông trắng mới tinh, rất phong cách với quả giày bệt trắng mới mua ở chợ giày da. Tiện tay cầm thêm quả kính mode cũng trắng. Tóm lại ngon. Cơ mà vừa bước xuống sân thầy đã mắng: Sao sáng ra mày mặc trắng toát toạt thế kia. Này mà bước lên con xe tang lễ người ta lại tưởng. U đang hâm cơm nguội gần đấy mắng át đi: Phủi phui cái mồm ông…
Ra đầu phố ngó ngược ngó xuôi không thấy con xe nào cả. Mịa, nghĩ bụng hay lão bị công an phạt vì tội cấm đỗ xe nhỉ. Đương phân vân thì điện thoại rung như động đất trong túi quần sooc.
À lo. Xe anh đâu mà em nhìn mãi ko thấy.
Anh đây, em tiến lên phía trước đi. Xe anh đỗ ngay trước mắt em đấy. Anh đi làm đêm về tiện đón em luôn. Xe nhà đòn đấy em. Đêm qua có hai ca hoả táng . . .
✍️Loan Ngẫn
Đó đây : CHIẾC XE HUYỀN THOẠI - Sưu tầm.
Trong Thế chiến II, chiếc Willys MB – biểu tượng nổi tiếng của dòng xe Jeep – từng được lưu trữ và vận chuyển trong những thùng gỗ lớn, dưới dạng tháo rời để dễ dàng di chuyển và lắp ráp nhanh chóng ngay trên chiến trường. Với thiết kế gọn nhẹ, một chiếc Jeep có thể được lắp ráp chỉ trong khoảng 30 phút bởi những người lính được đào tạo, tạo ra lợi thế cơ động cực kỳ lớn cho quân đội Mỹ.
Willys MB được phát triển vào năm 1941 bởi Willys-Overland Motors nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ. Với hệ thống dẫn động bốn bánh và thiết kế mạnh mẽ, Willys MB cùng phiên bản GPW do Ford sản xuất đã trở thành phương tiện quan trọng trong các nhiệm vụ vận tải quân sự. Xe có khả năng vượt qua địa hình hiểm trở, dễ dàng sửa chữa ngay trên chiến trường, giúp tăng cường hiệu quả tác chiến trong những tình huống khắc nghiệt.
Sau chiến tranh, Willys bắt đầu sản xuất phiên bản dân sự của mẫu xe này, mở đường cho thương hiệu Jeep ngày nay. Cái tên "Jeep" được cho là xuất phát từ cách đọc các chữ cái "GP" (viết tắt của "General Purpose" – xe đa năng). Một giả thuyết khác cho rằng tên này được lấy cảm hứng từ nhân vật "Eugene the Jeep" trong loạt truyện tranh Popeye. Dù xuất phát từ đâu, Jeep đã khẳng định vị thế như một biểu tượng bền bỉ, linh hoạt và là "vua địa hình" trong ngành công nghiệp xe hơi.
Với khả năng tháo lắp dễ dàng, sức mạnh và sự linh hoạt, những chiếc Jeep không chỉ là phương tiện chiến đấu mà còn là nhân tố quan trọng, góp phần định hình chiến lược quân sự hiện đại.
SƯU TẦM.
Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024
Thơ : THƯƠNG LẮM BIẾT KHÔNG - Thạch Thảo BD.
THƯƠNG LẮM BIẾT KHÔNG
Ai đem giá lạnh hôn làn tóc
Nghe gió sầu đông chạnh nhớ người.
Từ thế kỷ xưa còn sót lại
Vẫn lòng mươn mướt tuổi đôi mươi.
Bước về ngơ ngác sau dâu bể
Chạm gót mơ phai lắm tủi buồn.
Nắng mưa tồn tại đâu ra sống
Chỉ vậy mà...thương. Ơi quá thương.
Sao chàng không đến ngày hôm trước ?
Khi cánh vàng bay bướm nhởn nhơ
Áo hoa vụng dại hồn thạch thảo
Thơm gió hương đồng chim líu lo.
Người về trăng úa màu dâu bể
Tồn tại thôi và giấu nỗi buồn.
Chiều nghe đắng chát, lòng buôn buốt
Có vậy mà..thương lắm… Biết không ?
Thạch Thảo BD
Đó đây : HẦM MỘ CỔ... - Bình Thiên Hạ.
HẦM MỘ CỔ CỦA THÀNH CÁT TƯ HÃN….
Sâu trong lòng Mông Cổ, gần dòng sông Onon hùng vĩ thuộc tỉnh Khentii, một phát hiện phi thường đang dần hé lộ. Những công nhân xây dựng đường vô tình tìm thấy một ngôi m.ộ tập thể bí ẩn với những hài c.ốt cổ đại nằm trên một cấu trúc đá nguyên thủy.
Khi các chuyên gia pháp y và khảo cổ học tiếp cận hiện trường, một bí mật ngoạn mục dần được sáng tỏ - hầm mộ này có niên đại từ thế kỷ 13 và có thể là nơi yên nghỉ của nhân vật huyền thoại Thành Cát Tư Hãn.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh đã tiến hành điều tra sâu rộng tại địa điểm kỳ bí này và đưa ra những kết luận đáng kinh ngạc. Những bộ x.ương được tìm thấy trên cấu trúc đá có khả năng là của những người đã tham gia xây dựng ngôi mộ thiêng này, được ban vinh dự được yên nghỉ mãi mãi để bảo vệ bí mật của nó.
Trong số các di vật khai quật được, có 12 bộ hài c.ốt ngựa uy nghiêm, được chuẩn bị để đồng hành cùng vị lãnh đạo kính yêu đến cõi vĩnh hằng. Một cảnh tượng rùng r.ợn hiện ra khi 68 bộ xương được khai quật từ giấc ngủ ngàn năm, bị phong hóa bởi thời gian khắc nghiệt trong lòng đất dưới lòng sông, cho đến khi dòng sông Onon đổi hướng vào thế kỷ 18.
Giữa các di tích quý giá, hài cốt của một người đàn ông cao lớn và 16 bộ x.ương phụ nữ thanh nhã được tìm thấy, bao quanh bởi kho báu vàng bạc lấp lánh và các đồng tiền cổ. Những người phụ nữ này có thể là các thê thiếp và phi tần của vị thủ lĩnh, được an táng cùng ông để theo ông đến thế giới bên kia.
Kho báu lộng lẫy cùng số lượng lớn hài cốt an táng vẽ nên chân dung của một thủ lĩnh Mông Cổ hùng mạnh. Các phân tích kỹ lưỡng về hài cốt nam giới cho thấy người này khoảng 60-75 tuổi, qua đời trong khoảng thời gian từ năm 1215 đến 1235 . Những chi tiết này gợi lên khả năng đầy mê hoặc rằng hầm mộ tinh xảo này chính là nơi an nghỉ cuối cùng của Thành Cát Tư Hãn.
Phát hiện này làm rúng động giới lịch sử và khảo cổ. Thành Cát Tư Hãn, tên thật là Temüjin, là kiến trúc sư vĩ đại của Đế quốc Mông Cổ - một đế chế hùng mạnh để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy lịch sử. Với những cuộc viễn chinh quân sự táo bạo trải dài khắp lục địa, ông đã xây dựng một cây cầu nối liền Đông và Tây thông qua Con đường Tơ lụa, một biểu tượng của tài năng văn hóa và kinh tế.
Triều đại của ông vang vọng qua thời gian, với dòng dõi di truyền lan rộng khắp nơi. Các nghiên cứu cho thấy có thể có đến 200.000 người Mông Cổ mang trong mình huyết thống của vị thủ lĩnh vĩ đại này.
BÌNH THIÊN HẠ
Tùy bút : HAI CÔ GÁI... - Kao Hoàng.
HAI CÔ GÁI ĐIẾM
Cuối thập niên 80 có một thời gian thất nghiệp nên tôi đi đạp xích lô.Thật sự cũng không hẳn thất nghiệp, ban ngày cũng có việc làm ở một Hợp tác xã chuyên làm bông băng vệ sinh phụ nữ. Tôi trai chưa vợ nên khi xin vô làm cũng mắc cỡ lắm..Nhưng cũng không phải dễ xin mà họ cho, nhờ bà chị là xã viên, bả mới nói giùm với ông chủ nhiệm HTX nên ổng mới nhận. Công việc cũng không nặng nề gì, một tuần theo xe rác hợp đồng đi cùng hai thằng bạn tới cơ sở bông vải, mua bông thô rồi chất lên xe rác chở về. Do xe rác của cty vệ sinh chỉ chạy ban đêm nên ban ngày họ coi như kiếm thêm.
Xe rác, cho dù xe trống nhưng các bạn có thể hình dung nó tổng hợp các mùi thúi và dơ nhứt trên đời trong chiếc xe. Vậy mà tụi tôi đứng trong thùng xe, thời đó không có khẩu trang nên phải chịu khó mà hít cái mùi thúi tổng hợp đó vào lồng ngực. Đến nỗi tối về tắm mà vẫn không hết mùi, nó cứ phảng phất trên da thịt, tóc tai...ghê gì đâu.
Bông đem về phân loại xong xuôi. Sau đó cho vào cái máy quay cho ra hết mấy chất bẩn để nó trắng tinh. Rồi đem hấp tiệt trùng, hấp xong mang ra trải lên mấy cái vỉ để phơi cho khô. Sau đó đưa vô máy cán thành từng tấm mỏng rồi cắt thành miếng tầm 7x20cm. Sau đó dùng vải mùng rồi cho miếng bông vô đó đóng lại 2 đầu, rồi xếp vô cái hộp giấy có ghi dòng chữ" Bông băng vệ sinh phụ nữ do HTX VT sản xuất. Đảm bảo an toàn chất lượng".
Còn nó có thiệt chất lượng hay không thì tôi không biết. Tại tui phái mạnh nên đâu có xài thứ đó chi.
Mấy ngày đầu khi xếp bông vô mấy miếng vải mùng, thiệt tôi mắc cỡ gần chết. Cầm miếng bông dài cỡ gần gang tay và bề ngang chừng 3 ngón tay nhét vô miếng vải mùng bằng mà nhét ba trật, ba vuột, vô đầu này hụt đầu kia, nhét cả đỗi mới được có một miếng. Trong khi người ta làm xong cả chục miếng. Mấy chị gái làm chung và mấy cô gái trẻ hơn tôi cứ nhìn tôi tủm tỉm cười.
Thiệt quê hết sức! Thà như có vợ thì đỡ mắc cỡ hơn, chứ trai chưa vợ mà không ngờ lại có ngày phải đi làm cái thứ nhạy cảm này cho chị em.
Rồi may nhờ có một cô gái tầm 20 tuổi và khá xinh, cô ta thấy tôi loay hoay nhét hoài không vô, nên lại gần bên hướng dẫn: Anh đừng có nhét cà giựt, bóp tới bóp lui như vậy, nó nhăn miếng bông khó vô lắm, anh vạch cái miệng lưới cho rộng ra, xong anh đút vô dứt khoát một lần là nó vô gọn ơ hà...Hay em cầm tay anh nhét vài lần là anh quen thôi...
Trời ơi...cả đám nghe nó nói vậy cái phá ra cười rần rần làm tôi muốn độn thổ.
Lương rất ít, chỉ đủ tôi xài vặt nhưng thôi cũng ráng làm. Nghịch lý là hễ càng làm ít tiền thì đàn ông, con trai lại hay sinh tật nhậu nhẹt. Chiều nào mấy thằng trong HTX cũng rủ tôi đi nhậu. Mà nhậu gì toàn rượu thuốc, dĩa đậu phộng rang. Bữa nào ngon hơn là nhờ có đứa hái trộm gần HTX mấy trái xoài xanh lè mang ra nhậu.
Tôi thì do cơ địa không hợp với rượu bia, tại uống vô 1 ly là mặt mày như con gà nòi, rồi thì nghẹt mũi, dị ứng..ngứa, nổi mề đay gãi muốn rách da. Nên cũng chỉ ngồi ghé môi chút xíu để tán dóc cho vui.
Rồi tối tối tôi đạp xích lô kiếm thêm. Ban đầu cứ chạy loanh quanh, ai kêu thì đi, bữa có, bữa về không. Nhưng dù sao cũng đỡ và vui hơn là tối chỉ quanh quẩn trong nhà rồi đi ngủ.
Bên kia đường đối diện nhà tôi là cái chòi bằng tole lụp xụp, vách nhà bằng đủ loại ván và bao nylon che lại của ông hàng xóm góa vợ. Trước 75 ổng là quân nhân VNCH. Ổng cùng hai đứa con gái tầm hăm mấy tuổi bỏ vùng kinh tế mới về cất đại cái chòi trên miếng đất hoang phía bên kia đường để ở tạm. Thỉnh thoảng tôi có chuyện trò với ổng chứ không thân thiết gì.
Một tối nọ, khi lúi húi đẩy cái xích lô ra đường thì đứa con gái ổng đứng trong nhà gọi vọng ra: Anh Hoàng chờ chút rồi chở giùm em!
Lát sau nó từ trong nhà đi ra mặc một bộ đồ khá đẹp, gương mặt thì trang điểm son phấn. Tôi hỏi: Tối rồi em còn đi đâu? Nó nói em đi làm, anh chở giùm em tới khách sạn XX...
Tôi nói: Wow..em làm khách sạn luôn ta! Ngon nha, mà lương cao không em..???
Nó leo lên xe rồi phá ra cười: Em làm nhiêu ăn nhiêu chứ không có lương..
Tôi ngắt lời: Vậy nghỉ mẹ cho khỏe chứ làm chi trời..!!!
Nó đưa ngón tay lên lên môi: Anh nói nhỏ thôi, ba em mà nghe là chết em. Em làm..làm...Nó ngập ngừng rồi nói tiếp: Em làm gái đó! Chứ trên kinh tế mới về biết làm gì anh. Ba em hồi đi lính bị thương, khi lên kinh tế mới bị sốt rét..sống không nổi nên bỏ vùng về đây. Rồi cứ bị bệnh hoài, bà chị em bán lặt vặt ngoài chợ không đủ thiếu gì! Và em cũng đâu có làm khách sạn, khách sọt gì đâu. Em chọc anh cho vui chứ em toàn làm ngoài biển và kiếm khách ngoài đó.
Giọng nó tự nhiên chùng xuống. Tôi im lặng đạp xe đi. Nó tiếp tục: Anh chở em tới đường....Rồi anh chở luôn con bạn em. Ban ngày nó đi phụ hồ, tối nó đi làm thêm với em, vì hồi lâu em cũng phụ hồ nên quen nó, nhưng em yếu quá vác xi măng không nổi, thành ra em nghỉ làm. Đi làm nghề này nhàn hơn. Có khi gặp khách sộp thì một đêm bằng phụ hồ cả tháng...
Tới chỗ nhà bạn nó thì con nhỏ đó cũng son phấn như nó đang đứng trước nhà. Tôi dừng xe cho nó lên. Nhỏ hàng xóm nói: Anh chở tụi em xuống biển chỗ công viên cho tụi em kiếm khách. Anh cứ đi chở khách rồi canh tầm 10 hay 11h tới đây chở tụi em về. Còn không anh cứ đậu xe gần đâu đó. Tụi em nếu kiếm được khách có gì anh chở tới mấy chỗ tụi em thường làm rồi đón về luôn. Mình hàng xóm nên khi nào em đi khách có tiền nhiều em đưa anh nhiều chút, bữa nào ế thì anh cho em thiếu nha!
Haizzzz...Tôi gật đầu chứ còn biết nói gì nữa.
Vậy là từ bữa đó, tôi kiêm luôn việc chở gái điếm. Thật ra tụi nó cũng hiền khô và không ai muốn làm cái nghề" Đêm làm vợ khắp người ta" cũng chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy và tôi không hề có ý nghĩ xấu về công việc nó làm.
Đôi lúc tính khuyên nó bỏ nghề. Nhưng nghĩ thân mình còn đi đạp xích lô thì khuyên nhủ được gì ai. Thành ra thôi, việc nó nó làm, việc tôi đạp xích lô, tôi cứ đạp rồi tới đâu tới.
Vài tháng sau, một đêm chở nó đi làm. Nó ngồi trên xe nói: Mai anh khỏi chở em nữa, con bạn em cũng nghỉ làm tại nó sắp lấy chồng, chồng nó làm thợ hồ. Nên nó không dám đi làm sợ chồng nó biết. Còn em thì vài ngày nữa ba đưa hai chị em về quê tận Long Khánh để sống vì nhà bác em trong đó đất rộng lắm. Bác kêu ba em vô cho có anh em ở gần rồi cùng làm. Nên coi như tối nay sẵn em chia tay anh. Em chúc anh cùng gia đình ở lại mạnh khỏe. Khi nào em lấy chồng em ra mời anh vô dự đám cưới nha!
Tôi cười: Em có chồng anh mừng cho em, anh vô liền chứ sao không!
Vậy là từ đó tôi không còn gặp lại nó lần nào nữa. Tôi đạp xích lô gần một năm rồi cũng thay đổi công việc và từ giã cái nghề khổ không ra khổ, mà sướng thì cũng không sung sướng gì cho cam./.
KAO HOÀNG.
Suy ngẫm : BỨC THƯ CỦA MỘT BÀ MẸ... - St trên FB.
BỨC THƯ CỦA MỘT BÀ MẸ TỪ VIỆN DƯỠNG LÃO
Năm nay tôi 82 tuổi, tôi có 4 người con, 11 đứa cháu, và 2 chắt, hiện tại thì tôi đang sống trong một căn phòng rộng chừng 12m vuông..Bây giờ nhà cửa không còn, những thứ xa hoa phù phiếm cũng không có, bù lại tôi được chăm sóc tận tình từ A đến Z; có người lo dọn dẹp phòng, chăn drap gối nệm sạch sẽ, cơm nước được lo tận nơi, mỗi ngày được đo huyết áp và cân đo thường xuyên, nói chung tôi không làm gì cả, mỗi giờ trôi đi là sự hưởng thụ trong tuổi già.
Tôi rất nhớ! Nhớ tiếng cười đùa của lũ cháu, tôi không còn thấy chúng lớn tiếng cãi vã rồi vật nhau. Không còn được là trọng tài để phán xử đứa nào đúng, đứa nào sai. Nhớ chúng nhiều lắm. Tôi thèm được trở về nơi chốn cũ để tận hưởng không gian ấm áp của một thứ gọi là gia đình…
Bây giờ các con tôi, có đứa thì cách 15 ngày đến thăm tôi một lần, có đứa thì ba bốn tháng mới thấy chúng một lần, và có đứa thì chưa thấy mặt nó một lần kể từ khi tôi đến ở Viện Dưỡng Lão này.
Tôi nhớ da diết căn bếp ấm cúng của tôi, nơi đó tôi đã làm đủ các loại bánh, mùi bánh nướng thơm ngậy vẫn còn lưu giữ trong tiềm thức của tôi. À, còn mảnh vườn sau nhà nữa, đào xới đất để trồng rau, trồng hoa cũng một tay tôi dù lúc đó tôi cũng không còn khoẻ. Giờ thì mất hết rồi!
Tôi có sở thích đọc sách, giờ vẫn luôn có cuốn sách bên mình nhưng tôi không đọc được vì mắt đã mờ…
Tôi không biết thời gian của tôi còn bao lâu nữa, còn bao lâu thì tôi cũng phải sống trong sự cô đơn và chờ đợi...
Ở căn phòng này xem như ngôi nhà cuối đời của mình, tôi cố gắng xua đuổi nỗi buồn trong sinh hoạt hằng ngày, tôi như một nhóm trưởng, tôi giúp những người tồi tệ hơn tôi trong giới hạn cho phép của tôi qua những mẫu chuyện vui trong sách, những lời an ủi cho họ và cho chính tôi. Chúng tôi hát cùng nhau một bài hát cũ, và hôm sau tôi biết được người bạn phòng bên đã ra đi mãi mãi…
Họ nói bây giờ tuổi thọ kéo dài hơn. Tại sao? Tôi phải sống trong nỗi cô đơn dài nữa ư?
Lấp đầy sự trống trải bằng cuốn Album hình mà tôi đem theo đến đây. Hình cưới ngày xưa của tôi, hình lúc tôi sanh đứa đầu đến đứa cuối, hình tôi cười sung sướng khi ẵm đứa cháu đầu lòng, rồi đứa chắt bụ bẫm bên bà già đã đầy nếp nhăn. Hình gia đình đầy đủ, hình lúc ông chồng già của tôi bỏ tôi đi mà về với Chúa. Và đó là tất cả!
Nếu được mơ ước thì tôi mong các con, cháu, chắc của tôi đừng bao giờ quên hai chữ "GIA ĐÌNH" ngay cả khi cha mẹ về già, các con nên xem đó là bổn phận phải chăm lo khi họ không tự lo được cho mình...
Tôi hy vọng các thế hệ tiếp theo sẽ hiểu rằng Gia Đình là một Đại Gia Đình gồm nhiều thế hệ, gọi là sóng sau dồn sóng trước, như một chu kỳ tuần hoàn vì ai rồi cũng đến "sanh lão bệnh tử"...
Các con hãy chăm lo tốt cho cha mẹ khi họ về già...cũng giống như khi họ còn trẻ lo cho các con là chúng ta
SƯU TẦM.
Thơ : CÓ MỘT NGÀY... - hathuthuy.
CÓ MỘT NGÀY KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
15-12-24
Nhìn thấy được trên nếp nhăn vầng trán
Chút tình thơ còn lẫn khuất trong hồn
Ký ức đong đầy khung trời lãng mạn
Khi cùng nhớ về bằng hữu đồng môn.
Tìm thấy được trên hoa râm tóc bạc
Một vầng mây áo trắng thuở học trò
Những chiều xưa dốc NGÔ QUYỀN lãng đãng
Bước chân vui bay theo gió hẹn hò.
hathuthuy