Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Văn của nhà thơ VU VƠ CHIỀU HẠ - Đỗ Mỹ Loan.




Văn của nhà thơ : VU VƠ CHIỀU HẠ.

Trưa nay, mây trời xuống thấp. Lan đợi mãi mà giấc ngủ chẳng về. Thế là Lan ngồi vụt dậy, xếp laptop vào cặp, thay vội bộ quần áo và đạp xe đến quán cafe Nhật An, đối diện với dòng sông xanh thơ mộng, cách nhà Lan không xa lắm!
Quán giờ này vắng khách. Không gian yên ắng với màu xanh của thảm cỏ thật mát mắt. Cũng như mọi khi, Lan có thói quen chọn chiếc bàn đá khuất bên hồ nước, nép dưới bóng mát của mấy tán cây.
Thấy Lan loay hoay với sợi dây dẫn của chiếc máy tính, một em phục vụ nhanh nhảu đưa ổ điện lại gần. Lan gật nhẹ cảm ơn. Hình ảnh ngày xưa chợt hiện về trong tâm trí.
- Cafe sữa hả cô?
- Không, cho cô ly trà cúc nhé!
- Dạ!
Quá khứ như một bức tranh kéo qua miền ký ức với gam màu tối nhiều hơn sáng, buồn nhiều hơn vui. Cũng độ tuổi này, Lan đã vật lộn với thời gian, với miếng cơm manh áo để làm tròn lời hứa với ba trước lúc ba từ giã cõi đời. Trong không khí đầy tang thương ly biệt, Lan chỉ biết nghẹn ngào nắm chặt tay ba để ba được an tâm hơn ở những giây phút cuối đời.
- Con thay ba chăm sóc ngoại và nuôi dưỡng mấy em con nghe!
Lan mếu máo gật đầu. Nước mắt Lan ướt nhòe cả kính. Ba thở hắt ra, miệng như mỉm cười...
Kể từ đó, Lan là đứa con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ với trách nhiệm thật nặng nề. Vừa dạy học một buổi, buổi còn lại Lan phải quần quật tìm việc làm thêm. Trường Lan dạy cách nhà khá xa, mỗi ngày chạy xe đạp hai lượt đi và về cũng gần hai mươi cây số. Mặc cảm hoàn cảnh gia đình, Lan chỉ biết đến trường, hoàn thành trách nhiệm dạy dỗ các em học sinh chứ không dám đèo bòng, se sua cùng các đồng nghiệp. Sáng đi dạy, trưa chạy xe về dưới cơn nắng cháy cả thịt da. Nuốt vội miếng cơm ngoại nấu, thay bộ áo dài bằng bộ quần áo ngắn gọn, Lan lại tất tả đạp xe ra lò đường gần nhà làm thư ký. Ông chủ lò đường là người Hoa, bằng tuổi ba Lan, rất phúc hậu. Thấy Lan hiền lành, chịu khó, ngoài việc tính toán tài chính cho cơ sở sản xuất đường mía của ông, ông còn nhờ Lan dạy học thêm cho mấy đứa con của ông ấy. Dĩ nhiên với cương vị gia sư, Lan cũng phải chiến đấu không ngừng với các con chữ, các con số thậm chí cả ngoại ngữ Anh văn vì lớp học gia đình ấy gồm nhiều trình độ khác nhau. Đôi lúc, bà chủ cũng mang sách Học Vần nhờ Lan kèm cặp để bà khỏi đi học lớp xóa mù chữ do địa phương tổ chức.
Nhờ đồng lương dạy học ở trường và thêm phần bồi dưỡng hậu hĩnh của chủ lò đường, Lan mới ổn định được cuộc sống của gia đình. Lan là đứa cháu gái được ngoại yêu thương nhất. Còn với bốn em trai, Lan vừa là cha, là mẹ, là thầy dạy dỗ chúng nên người. Đời sống kinh tế tạm ổn, Lan có thêm thời gian đầu tư vào chuyên môn và giảng dạy. Ngày Lan đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh, Lan xúc động thật nhiều. Giá như ba mẹ Lan còn sống, chắc ông bà sẽ rất hãnh diện...
- Dạ, trà cúc của cô đây ạ! Nếu cô cần gì, cô gọi con nhé!...
Giọng nói lễ phép nhẹ nhàng của em phục vụ vang lên.
- Cô cảm ơn em!
Nghe một chút gì đó reo vui trong lòng. Mở chiếc laptop, đăng nhập, Lan ghé trang Blogspot. Chút vu vơ chiều hạ làm Lan quên đi nỗi cô đơn giữa cuộc sống tất bật này.

ĐỖ MỸ LOAN  ( 5/2017 )

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Thơ VỀ THƯƠNG ÁO HỌC TRÒ - LPQ



VỀ THƯƠNG ÁO HỌC TRÒ

mua-2

Buổi học tàn
áo trắng em về qua phố
Anh ngẩn ngơ nhìn
em vội bước chân mau
Đường chiều giăng mây tím se mong đợi
Em che mặt ngập ngừng
hôn chiếc lá trên tay

Gió thổi chiều vàng
rưng đọng hạt mưa bay
Từng bước chân son
nâng niu tóc thề con gái
Giữ thì thầm cho tình ta thêm vụng dại
Hai đứa lỡ cuộc chờ
đành lạc mất niềm riêng

Rồi ngày xa nhau
không qua dốc chiều 'Kỷ Niệm'
Anh đốt cuộc đời
giữa hai ngón tay ngoan
Thấm thú yêu đương tập tành say khói thuốc
Nên lạc lòng duyên
chia hai ngã giữa trần gian

Viết vào thơ
cho dù có muộn màng
Anh vẫn biết
hai đứa mình yêu chưa đủ
Cánh phượng xưa lưu vào trang giấy cũ
Nên môi xa vẫn nhớ nụ hôn đầu

Nếu cuộc đời
cho thêm phép nhiệm mầu
Anh vẫn xin mơ
áo em chiều trắng phố
Để làm thơ
ru nhau màu hạnh ngộ
Giữa vô thường 'Lễ' nghĩa chuyện hợp tan...

LPQ

(Nhớ về áo trắng Ngô Quyền xưa)

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2017

Thơ TRỐN VÀO THƠ - Thạch Thảo.





TRỐN VÀO THƠ

Có những niềm riêng nhiều đêm trăn trở
Chỉ âm thầm lặng lẽ nuốt vào tâm.
Thương quê hương sầu căng dòng lệ ứa
Dáng mẹ gầy còm cõi mắt quầng thâm.

Nào Formosa miền Trung cá chết
Bùn đỏ Tây Nguyên độc hại lan tràn
Nhà nông gào-khóc than làng mất đất,
Ngư dân nghèo bị cướp-giết dã man.

Bao công nhân phải làm thuê xa xứ,
Vật vã áo cơm quăng quật đêm ngày,
Tai nạn,giao thông...hiểm nguy rình rập,
Bỗng sớm mang về xác lạnh-đắng cay!

Bao điều bất công hàng hàng lớp lớp
Oằn nặng vai gầy phận nhỏ...Xót thương
Biết làm sao?Biết làm sao?Ẩn ức!
Bất lực tay trơn,im thít đời thường!

Đừng bảo thơ em sao tình mướt rượt?
Sức mỏng vai mềm-đui điếc thôi anh.
Mà rưng rức tỏa hồn quê bỏng cháy,
Khóc thương đời.Khóc hy vọng mong manh.

Tạ ơn người...chỉ xin lần gian dối.
Thiên lũng sầu-bẻn lẻn...trốn vào thơ.

     THẠCH THẢO 
    Quận 2 ngày 19-6-2017

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Truyện phương xa ĐỪNG BAO GIỜ - Trần Dzũng Minh Dân



( Hình ảnh chỉ có tính cách minh họa ) 

ĐỪNG BAO GIỜ…

Truyện ngắn của Trần Dzũng Minh Dân

Tôi ngồi ẩn mình dưới tàng cây rậm rạp sau sân chùa, tránh cái nắng oi ả của mùa hè. Hôm nay ngày thường, mọi người đi làm cả, cảnh chùa im lặng một cách trang nghiêm. Nhân tiện có công việc đi ngang qua chùa, tôi tạt vào viếng cốt và thắp cho ông bác một nén hương để tưởng nhớ đến bác mình. Tôi thường thích ngồi một mình yên lặng như thế, đầu óc như thể hồi mới sinh, mắt thấy cảnh, cảm nhận được hình ảnh nhưng chưa biết nói, trong đầu chưa có những biểu tượng tạo thành ý nghĩ hay tư tưởng! Những lúc như thế, tôi thấy tâm hồn có phần nào an lạc bình yên hơn.

Ngồi lơ đãng như vậy một lúc lâu, tôi chợt thấy bóng người đang lui cui dọn dẹp phía hông mé nhà kho. Để ý kỹ, tôi nhận ra đó là người đàn ông khoảng lứa tuổi ngoài 30 mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp làm công quả cho chùa. Mồ hôi người đàn ông đổ nhễ nhại dưới cái nóng bức của mùa hè, nhưng anh ta vẫn lẳng lặng làm không tỏ vẻ một chút nào khó chịu cả. Tôi ngồi nhìn anh ta làm việc, lòng thầm cảm phục.

Người đàn ông bất chợt nhìn thấy tôi. Anh ta cười, vẫy tay chào.

Tôi nói lớn:

– Nghỉ tay, uống miếng nước đã!

Người đàn ông khựng lại, ngẫm nghĩ, cúi xuống xách chai nước suối dưới đất rồi đi lại phía tôi ngồi.

Tôi đứng lên, bắt tay tự giới thiệu tên mình.

– Chào anh, tôi là Minh.

– Dạ, tôi tên Hiếu.

– Hôm nay anh không phải đi làm à?

Tôi ngắm Hiếu trong khi chờ đợi câu trả lời. Tuy với làn da hơi rám nắng, cùng với một mái tóc cắt ngắn, Hiếu có một khuôn mặt sáng sủa dù ẩn hiện nhiều nét suy tư. Đôi bàn tay gầy gầy thanh nhã chứng tỏ không phải làm việc lao động nhiều.

– Thưa anh không. Tôi nghỉ thứ Ba, không làm việc. Còn anh, sao hôm nay không đi làm à?

– Tôi có vài công việc riêng cần phải làm nên lấy ngày nghỉ hôm nay. Xong việc, đi ngang chùa nên ghé vào đây thăm cốt ông bác. Tôi thỉnh thoảng đi chùa vẫn thấy anh. Anh chắc thường làm công quả ở đây đã lâu?

– Dạ, cũng được vài năm, thưa anh. Sắp tới lễ Vu Lan rồi, tôi soạn lại nhà kho lấy những vật dụng cần thiết, để sẵn đó cho họ. Mỗi người một tay.

– Ừ nhỉ. Anh không nhắc thì tôi cũng quên khuấy đi mất, rằm tháng 7 sắp tới rồi! Trông anh còn trẻ, chắc còn bà cụ?

Hiếu chợt khựng lại, giọng nhỏ đi.

– Thưa anh không. Mẹ tôi mất cách đây được vài năm.

– Tôi xin lỗi.

– Dạ, không hề chi.

Tôi ngẫm nghĩ, miệng nói thầm “Hiếu, Hiếu …”. Tôi đã có nghe ai đó nói tới cái tên này, và đang cố nhớ là đã nghe ở đâu.

– A! Tôi có nghe mẹ tôi thỉnh thoảng nói ở chùa có một anh bác sĩ trẻ hay đến làm công quả, cho chùa tiền và chữa bệnh cho người đồng hương lấy tiền rất rẻ, gặp người nghèo thì chữa miễn phí, không biết có phải là anh không?

Hiếu cười ngượng ngập.

– Dạ, bà cụ anh nói quá lời. Tôi chỉ làm những gì khả năng cho phép.

Tôi tiếp lời:

– Mẹ tôi và mọi người ở đây quý mến anh lắm. Được một người trẻ công danh thành toại trong cộng đồng cũng là điều quý rồi, huống hồ thay vì hưởng thụ, vinh thân phì gia, anh còn nghĩ đến cộng đồng, giúp đỡ cộng đồng thì quá tốt. Tôi nói điều này bằng cả thực lòng, chẳng phải nói cho anh vui.

– Dạ, cám ơn anh. Tôi cũng chỉ xin đóng góp phần nào mà thôi. Một mình tôi thì cũng chẳng làm gì được nhiều nếu không có những sự tiếp tay và góp sức của những người khác. Người cho $100, người cho $5 đồng, $10 đồng … người làm trong nhà bếp, người chăm lo vườn, người lo giấy tờ thủ tục hành chánh v.v… một người thì chắc chắn không thể nào làm xuể được từng ấy công việc.

Tôi đổi đề tài đối thoại, để cho Hiếu được thoải mái, hỏi về những khóa tu thiền sắp tới do chùa tổ chức, những lớp học tiếng Việt v.v…

Ngồi nói chuyện được một lát, Hiếu xin phép quay trở lại làm tiếp công việc dang dở, tôi bảo để tôi phụ một tay khuân dọn cho nhanh chóng, thêm phần có hai người vừa làm vừa nói chuyện đỡ nhàm chán hơn. Hiếu vui vẻ cám ơn tôi.

Công việc xong thì cũng khoảng 5 giờ chiều. Tôi từ giã Hiếu và hẹn gặp lại trong ngày Vu Lan.

o0o

Khi tôi chở mẹ tôi tới thì chùa cũng đã có khá đông người. Một cô bé nhỏ tuổi mà tôi thường thấy trong gia đình Phật Tử của chùa chạy lại, chẳng cả hỏi, cài trên ngực áo tôi một bông đỏ rồi nhoẻn một nụ cười thật dễ thương chúc tôi may mắn còn mẹ. Tôi mỉm cười sung sướng.

Mẹ tôi dặn dò tôi vài điều như sẽ về lúc mấy giờ, nếu muốn kiếm mẹ tôi thì có thể kiếm bà ở đâu… rồi vội vã đi về hướng nhà bếp để tiếp tay với những người bạn trong Ban Hộ Niệm của bà trong đó.

Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, có những người mang đóa hoa đỏ cài trước ngực và có những người cài đóa hoa trắng, những người mà thân mẫu đã qua đời. Tôi chợt nhớ đến Hiếu, nhớ đến người bác sĩ trẻ hay làm công quả cho chùa. Tôi định bụng sẽ để ý kiếm Hiếu. Tôi đi vội về phía khán đài để giúp ban tổ chức văn nghệ khuân ghế ra cho khán giả ngồi và sắp đặt chương trình.

Không khí nhà chùa hôm nay đâu đâu cũng nhộn nhịp, mọi người cười nói vui vẻ. Tiếng thầy trụ trì đang sang sảng thuyết pháp vọng lại từ chính điện. Các em nhỏ trong ban vũ tíu tít gọi nhau để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Những tà áo dài đủ mầu sắc thỉnh thoảng có dịp gì đó trong năm mới được mang ra mặc. Mọi người rạng rỡ trong ngày báo hiếu.

Khi trời trở chiều, tôi kiếm mẹ tôi, chở bà về lo nấu nướng để cúng bái ở nhà. Tôi vẫn chưa thấy Hiếu. Tôi chợt nhớ là người hẹn gặp nhau ở chùa là tôi và Hiếu chỉ cười, không nói.

o0o

Sau ngày Vu Lan tôi gặp Hiếu đôi lần ở chùa, những lúc như thế, chúng tôi thường thảo luận về các kinh điển nhà Phật. Hiếu có một trí nhớ rất dai, thuộc làu làu những câu kinh hoặc đoạn kinh. Tôi vốn thuộc loại “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, thuộc loại ưa ngủ chứ chẳng phải tướng học trò gì cả, chẳng nhớ gì nhiều. Nhưng có điều khi nghe Hiếu đọc các câu kinh, tôi hiểu thế nào nói ra như vậy khiến nhiều lúc Hiếu kinh ngạc và thường khen tôi là người có căn cơ, chắc những kiếp trước có tu tập gì rồi. Chúng tôi lại tưởng tượng ra những kiếp trước ra sao để trêu chọc nhau và ngày càng trở nên thân nhau hơn. Thú thật tới lúc đó, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về bản thân cũng như gia đình của Hiếu. Tính tôi vốn không tò mò, ai thích kể cho mình nghe thì kể, tôi không hỏi và cũng không lấy đó làm điều quan tâm. Cho đến một hôm…

– Chiều thứ Bẩy này ông có rảnh không?

Ngẫm nghĩ một chốc, tôi trả lời Hiếu:

– Rảnh. Có chuyện gì không?

– Tôi định mời ông đến nhà ăn giỗ bà cụ.

– Ừ, nhưng ông phải chỉ đường cho tôi hay cho tôi địa chỉ. Ông định mấy giờ?

– Khoảng 7 giờ chiều được không? Sáng tôi còn ở phòng mạch. Để tôi vẽ đường đến cho ông sau.

– Ừ, cứ định như vậy đi.

Chiều thứ Bẩy tôi đến nhà Hiếu, một căn nhà nhỏ tọa lạc trong một khu vực yên lặng, hơi xa thành phố. Khi tôi tới, Hiếu đã cúng bái xong rồi, đang ngồi chờ tôi. Tôi đến bàn thờ, thắp nén nhang tỏ lòng tôn kính người quá cố. Nhìn di ảnh, mẹ của Hiếu là một người đàn bà khắc khổ, trông có vẻ lam lũ dù tấm ảnh chụp lúc còn khá trẻ. Duy chỉ có cặp mắt, cặp mắt thật buồn, cặp mắt của một người chịu đựng và hy sinh. Kế bên di ảnh là một bức ảnh của một người đàn ông mặc quân phục, da sạm nắng mà tôi đoán là cha của Hiếu. Điểm làm tôi ngạc nhiên, tôi là người khách duy nhất mà Hiếu mời! Không một người nào khác, ngoài tôi và Hiếu! Ngoài hai bức di ảnh trên bàn thờ, trong nhà không treo một tấm hình nào khác. Đồ đạc bầy biện rất đơn sơ nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Nhìn qua, ai cũng có thể đoán được phần nào tâm lý của người chủ nhà.

Trong bữa ăn, Hiếu vui vẻ cười nói huyên thuyên nhiều hơn bình thường. Không biết có phải vì chút rượu vang hay đã lâu trong bữa ăn mới có người cho Hiếu nói chuyện, hoặc vì một lý do nào đó mà Hiếu cố che dấu để quên đi?

Dùng cơm xong, chúng tôi ra phòng khách ngồi uống cà phê, nói chuyện. Lúc này Hiếu lại trở nên ít nói, có vẻ trầm ngâm tư lự, thành thử tôi cứ phải khơi chuyện.

– Ông ở một mình, sao không lấy vợ cho có không khí gia đình? Tôi đi làm về còn có cha mẹ, anh em, ông định ở như vầy đến bao giờ? Vả lại, cỡ người như ông đâu phải là khó lấy vợ!

Hiếu im lặng một hồi lâu rồi trả lời:

– Tôi cũng đã từng lập gia đình rồi.

Tôi nhìn Hiếu không nói. Hiếu tiếp tục kể:

– Tôi lấy vợ cách đây ba năm, ăn ở với nhau được gần một năm thì chúng tôi xa nhau. Chẳng phải lỗi tại Thy, lỗi tại tôi thì đúng hơn. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng đã ly dị. Như có dịp để tâm sự, Hiếu miên man kể cho tôi nghe.

– Bố của tôi là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông thuộc đơn vị tác chiến nên nay đây mai đó, vì vậy ông không muốn mẹ tôi theo. Khi tôi ra đời, lớn lên trong tình thương của mẹ, ít khi thấy mặt cha. Gia đình bên nội cũng như bên ngoại, tôi đều không biết vì bố mẹ tôi thương nhau không có sự đồng ý của cả hai gia đình vốn ghét nhau từ lâu. Mẹ tôi bị gia đình mình từ và gia đình bố tôi không nhận, nhưng vì thương yêu nhau nên bố mẹ tôi bất chấp tất cả để được gần nhau.

Lấy nhau một thời gian ngắn thì bố tôi nhập ngũ, mẹ tôi bắt đầu cuộc sống xa chồng, một thân một mình và có mang tôi. Không nói thì ông cũng có thể tưởng tượng được lúc đó mẹ tôi khổ sở đến thế nào. Bên nội, bên ngoại ngoảnh mặt nhất định không chịu nhìn. Chỉ tội bà ngoại tôi, thương con nhưng sợ chồng, lâu lâu lén lút gặp mẹ tôi và dấm dúi cho ít tiền. Mẹ tôi phải buôn thúng bán bưng để tự nuôi thân và chờ ngày sinh con.

Ngày tôi ra đời, tôi là nguồn sống của bà. Tôi lớn lên trong sự hy sinh cơ cực của mẹ tôi, nhưng ngày đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được sự hy sinh của mẹ mình. Tôi không biết phải diễn tả thế nào để nói lên được sự vui sướng của mẹ tôi mỗi khi bố tôi về phép, không còn gì sung sướng hơn cho người đàn bà khi thấy chồng mình, con mình và mình được quây quần chung một nhà. Đôi khi mẹ tôi đi xe đò, mang tôi lên đơn vị thăm chồng. Bố tôi vừa mừng vì được gặp vợ con, vừa lo vì đường xá xa xôi, mất an ninh.

Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, bố tôi bị chúng bắt đi cải tạo hay đi tù thì đúng hơn! Họ chuyển bố tôi ra Bắc. Mẹ tôi lặn lội ra ngoài đó thăm chồng nhưng họ cho biết bố tôi đã bị bệnh chết! Một người đồng tù đã lén cho mẹ tôi biết là bố tôi đã bị hành hạ đến chết và cho mẹ tôi biết ngày bố tôi bị giết!

Trở vào Nam, đau đớn vì bố tôi bị giết, mẹ tôi lại phải chứng kiến cảnh tôi bị ngược đãi ở trường học vì có cha là lính ngụy. Mẹ tôi tìm cách vượt biên vì tương lai của tôi. Tôi vốn hiếu học lại có trí nhớ dai. Sau khi bán hết tất cả đồ đạc, tom góp được một khoản tiền, mẹ tôi đưa tôi xuống Rạch Giá để tìm đường đi.

Dừng lại, Hiếu nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi kể tiếp:

– Trời cũng thương nên chuyến đầu đi lọt dù trải bao gian nan trên biển cả. Nếu không lọt thì cũng chẳng bao giờ còn tiền để đi những chuyến sau. Cuối cùng mẹ tôi và tôi đến Mã Lai. Không một nước nào nhận, nước sau cùng là Mỹ, họ nhận mẹ con tôi, một họ đạo Tin Lành bảo trợ cho vào Mỹ.

Đến Mỹ, không có nghề chuyên môn, tiếng Anh lại không biết, mẹ tôi vào làm phụ bếp trong một nhà hàng. Ai sai gì làm đó, một tuần bẩy ngày. Tối về mẹ tôi lại gò lưng may, ráp những tay áo, lấy tiền theo từng cái. Còn tôi chẳng phải lo lắng gì ngoài việc ăn học. Tôi học dễ dàng, từ trung học lên đại học rồi thi vào trường thuốc, ra trường và đi thực tập. Trong thời gian thực tập, tôi gặp Thy cũng thực tập cùng một nhà thương. Chúng tôi quen nhau và tình cảm nẩy sinh.

Cha mẹ của Thy cũng là bác sĩ từ Việt Nam, qua đây thi lại, thực tập lại rồi ra hành nghề. Nói chung gia đình Thy thuộc giai cấp trưởng giả. Họ biết cách ăn nói, xã giao rất lịch thiệp. Gia đình Thy rất quý mến tôi, mọi người ai cũng mong chúng tôi thành vợ thành chồng cả. Đời tôi thật sung sướng. Năm cuối thực tập, chúng tôi quyết định lấy nhau. Tôi đưa mẹ tôi đến nhà bố mẹ Thy dùng cơm tối để nói chuyện chung thân cho hai đứa tôi. Trong bữa cơm với gia đình Thy …

Giọng Hiếu trở nên khó khăn, ngập ngừng.

– Tôi chợt nhận thấy sự quê mùa của mẹ tôi khi ngồi chung bàn với gia đình Thy. Từ cái tóc, cách ăn mặc, lối ăn uống… Khi bố mẹ Thy nói chuyện, hỏi mẹ tôi những chuyện thông thường, mặt mẹ tôi ngớ ra, trắng bệch, giọng nói trở nên run rẩy, sợ hãi… Tôi… Hiếu nói nhỏ nhỏ, giọng run run trong cuống họng.

– Tôi… lúc đó cảm thấy xấu hổ. Tôi xấu hổ vì sự quê mùa, thiếu kiến thức của mẹ mình khi so sánh với người khác. Tôi trở nên tức giận mẹ tôi và có nhiều cử chỉ hỗn láo với mẹ trong suốt bữa ăn! Mẹ tôi im lặng, lúc về nhà bà luôn miệng xin lỗi tôi, đã làm tôi mất thể diện.

Đám cưới chúng tôi diễn tiến như dự định. Tôi càng tức tối trong ngày cưới khi thấy sự quê kệch, luống cuống của mẹ mình. Khách toàn là khách sang trọng. Lúc đó, tôi giận mẹ tôi vô cùng, tại sao những việc đơn giản như thế mà cũng không biết. Tôi gay gắt với mẹ tôi đến nỗi có lúc mẹ tôi vừa run vừa chẩy nước mắt vì sợ không vừa ý tôi!

Mẹ tôi về ở với vợ chồng chúng tôi. Thy có nhiều lúc khiếm nhã với mẹ của tôi, những lúc đó tôi lại tức tối mẹ tôi, tại sao những chuyện như vậy mà cũng không biết để người khác coi thường. Mẹ tôi trở nên sợ hãi, bà cố tránh chúng tôi, cả ngày bà trốn trong phòng. Chỉ những lúc ăn cơm bà mới phải ra, ăn vội ăn vàng rồi lại vào phòng. Mà đồ ăn nào vừa ý bà! Mẹ tôi ăn không có cơm đâu được. Đồ ăn thường là đồ kho, đồ xào. Thy lớn từ bé ở đây, lại thích ăn như người Mỹ. Tôi thì sao cũng được nhưng lúc đó tôi lại muốn tập cho mẹ tôi thay đổi! Chúng tôi đã bắt mẹ tôi nghỉ làm trước khi lấy nhau. Không lẽ cả hai vợ chồng là bác sĩ mà mẹ thì làm phụ bếp!

Ở như vậy được vài tháng thì mẹ tôi bỏ đi. Bà đi vì sợ vì bà, vì sự quê kệch của bà mà vợ chồng tôi sẽ mất hạnh phúc. Tôi không hiểu lúc đó tôi là con người hay là con vật! Tôi không mảy may quan tâm. Tôi nghĩ mẹ tôi đã từng tự lập từ hồi trẻ đến giờ, không có tôi mẹ tôi cũng không sao, nhất là mẹ tôi nói mẹ tôi dọn về ở với một người bạn. Thy cũng vậy. Chẳng trách Thy được. Tôi là con mà đối xử với mẹ mình như vậy, trách sao được người con dâu! Tôi có hỗn láo với mẹ tôi thì Thy mới dám coi thường mẹ tôi chứ! Mấy tháng sau…

Giọng Hiếu trở nên run rẩy, cố kìm hãm sự xúc động. Mắt ngấn lệ ngước lên nhìn hình mẹ.

– Mấy tháng sau, một nhân viên cảnh sát đến gõ cửa báo cho tôi biết mẹ tôi đã qua đời. Như tiếng sét đánh ngang tai, tôi không tin! Tôi vội vã chạy đến nhà xác. Xác mẹ tôi nằm đó, những nét nhăn hằn trên trán, những sự khổ cực hy sinh của mẹ tôi mà tôi cho là dấu tích của sự quê mùa. Tôi đã lầm …

Hiếu nức nở khóc.

– Làm sao mẹ tôi có thể sống thiếu tôi! Tôi là nguồn sống của bà mà! Tất cả sinh lực, ý chí phấn đấu trước kia là vì tương lai của tôi, là vì tôi! Không có tôi bên cạnh, không có đứa con trai thương yêu của bà bên cạnh, bà chẳng còn thiết gì! Tinh thần bà suy sụp, thể xác khô kiệt. Mẹ tôi lại sống một mình, chẳng phải với người quen như tôi tưởng. Trong khi đó vợ chồng tôi mải mê làm việc, lo làm giầu!

Tội này tôi làm sao rửa hết được! Tại sao tôi không nghĩ những lúc mẹ tôi khổ cực ở xó bếp để tôi được ăn miếng ngon, đến trường mặc những bộ quần áo mới! Tại sao tôi không nghĩ mẹ tôi còng lưng may những buổi tối để tôi có cái xe, thay vì bà ngồi đọc sách báo để tăng kiến thức như tôi mong muốn, cho tôi khỏi xấu hổ. Mẹ tôi chịu ngu dốt để cho tôi khôn, mẹ tôi quê mùa để tôi được thanh lịch mà tôi lại coi thường, khinh chê mẹ tôi! Sau khi chôn cất mẹ tôi. Tôi và Thy ly dị nhau chẳng bao lâu sau đó vì thấy Thy tôi lại nghĩ đến mẹ tôi.

Tôi dọn về tiểu bang này để khỏi phải thấy những cảnh quen cũ. Ông thấy đó, ngày lễ Vu Lan tôi không dám lên chùa vì sợ thấy cảnh hiếu thảo của người con đối với mẹ của họ, sợ thấy cảnh những người còn các bậc từ mẫu. Tôi làm công quả hy vọng hương hồn mẹ tôi vui lòng, những công việc mà bà rất muốn làm nhưng đã không làm được vì dành hết thời giờ cho tôi. Tôi bố thí, cúng dường với tâm ý hồi hướng công đức cho mẹ tôi dù biết rằng nên hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh. Công ơn mẹ tôi sâu dầy, lúc sống tôi đã không trả được, ít ra cũng làm nguôi ngoai phần nào hương hồn người khi đã mất.

Hiếu nhìn ảnh mẹ mình, nước mắt dàn dụa, miệng lẩm bẩm:

– Mẹ ơi, tội này con làm sao rửa hết được.

Tôi ngồi chẩy nước mắt nhìn Hiếu. Một tâm hồn đau khổ, đang quằn quại trước mặt tôi. Hiếu tiễn tôi ra cửa, miệng nói khe khẽ:

– Đừng bao giờ để hối hận như tôi ông nhé. Phúc thay cho những kẻ còn mẹ!

Tôi không trả lời, nắm tay Hiếu bóp mạnh.

Trần Dzũng Minh Dân



Truyện MỐI TÌNH THẦM LẶNG - Huỳnh Văn Huê.



MỐI TÌNH THẦM LẶNG.

 huetl-large-content 

     Vào đầu những năm 2020, ga tàu điện ngầm Suối Tiên đã bắt đầu hoạt động… . Vào một ngày nghỉ, lúc nắng ấm phương Nam đã ngập tràn….

    Là nơi giao lộ đường bộ, lại có thêm nhà ga tàu điện ngầm nên khu vực này trở nên sầm uất mặc dù việc đi lại vẫn thuận tiện hơn trước rất nhiều. Hàng quán đương nhiên mọc lên, nhất là quán café. Nhưng khu vực này đâu chỉ duy nhất có một quán café. 

    Nào là các quán tân kỳ theo phong cách Âu-Mỹ với ít nhất một tầng lầu, đi thang cuốn êm ái và tiện lợi, trang trí phía ngoài bởi màu sơn đặc trưng và hình thức bắt mắt, rất dễ dàng thu hút khách từ xa… Duy có một cái quán vừa phải với hàng cây xanh phía trước, khách phải đi đến gần mới trông thấy. 

    Cái quán có tên rất Việt: café Ti-Gôn. Ai cũng biết hoa ti-gôn rồi, loài hoa dây leo, có sức sống rất mãnh liệt, những chiếc lá màu xanh không đậm lắm (mang dáng hình trái tim!) . Rồi còn hơn thế nữa, đậm đà tha thiết với những bông hoa có màu hồng ấm nồng nàn… Đặc biệt, những chùm hoa cũng… hình trái tim quấn quít với nhau - như tim của những người đang yêu? - quyến luyến không muốn lìa xa…Đặc biệt chỉ quán này còn lợp… lá! Thời buổi này lá lợp nhà tính ra còn mắc hơn các vật liệu khác vì chỉ dùng được lâu nhất là ba năm phải lợp lại. Nhưng đây là thứ “lá nhân tạo” được sản xuất trong nước và bán khá chạy, ngay cả xuất khẩu ra nước ngoài. 

     Bên trên lớp mái lá dày là cả một công trình phải nói là…kỳ công. Người ta đã trồng và cho không biết bao nhiêu dây hoa ti-gôn leo chằng chịt, tạo nên một mái nhà thứ hai, một mái nhà toàn bằng … lá và hoa.

 Vào một ngày nghỉ, lúc nắng ấm phương Nam đã ngập tràn… Nơi góc quán có đôi vợ chồng già(?) hình như là khách quen thì phải. Họ hay ngồi trước một cái bàn nhỏ với hai chiếc ghế cạnh nhau, khu vực dành cho những đôi lứa. Lần nào cũng vậy, đến đây là bà nhanh nhẹn vào khu vực “khách hàng tự pha chế” pha cho ông ly cooktail-rhum… đặc biệt theo sở thích của ông, rồi tự tay mang ra bàn. Riêng phần bà chỉ uống nước khoáng thôi vì bà có bệnh cao huyết áp mấy mươi năm nay rồi.

 Cả hai rất khó đoán tuổi, ước chừng cũng gần bảy mươi hoặc có thể hơn.Ông người vừa phải,đầy đặn nhưng không đến mức béo phì như phần đông các cụ có cùng tuổi, mặc chiếc áo pull màu sáng, mang đôi giày đi tập thể dục, dáng dong dỏng cao… Riêng bà, cũng trạc vào độ tuổi đó nhưng thân hình còn thanh tú và vẫn còn vương vấn nét thanh xuân-kiêu hãnh với mái tóc dài và dày, được bới cao gọn gàng tuy một phần đã bạc theo năm tháng… 

    Thật bất ngờ khi cả hai Ông-Bà đều xưng hô anh-em ngọt ngào với nhau khiến một vài đôi thanh niên nam nữ gần đó nhìn nhau cười tủm tỉm… Người ta chỉ cần gặp ông bà tại đây vài lần là có thể biết khá nhiều câu chuyện tâm tình giữa hai người.

    Bà có lẽ cố hữu vẫn nhanh nhẹn hơn ông nên lúc nào cũng… nhắc chuyện trước, một câu chuyên cách nay hơn…mười năm:

- Hồi đó không biết sao khi đi họp mặt cựu sinh viên em lại chụp chung với anh một tấm hình. – Ông chậm rãi, trìu mến và âu yếm:

 - Làm… sao khi… không được! Em đã nói rồi, em muốn “né” chụp hình với ai đó nên “núp” kế bên anh… Mà lúc đó mình đâu có nghĩ gì, chỉ chụp hình… xã giao với nhau thôi.

Bà mĩm cười nghiêng mặt nhìn ông và nói:

- Nhưng mà em cũng cố tình tìm đúng người để… núp chớ bộ.- Rồi với cái nhoẽn miệng cười thật duyên bà nói tiếp:

- Rồi đâu có ngờ từ tấm hình này mà mình… với nhau đến bây giờ….

    Ông với bà vốn là sinh viên trường Luật, ra trường mãi từ năm 74. Sau năm 75, thời cuộc đưa đẩy, bà trở thành cô giáo của một trường học, ông thì trở về quê sinh sống tại một thành phố nhỏ hiền hòa, giáp ranh với Sài Gòn… .

    Dạo đó, sau ngày định mệnh chụp hình chung với nhau, qua vài e-mail, nhiều tin nhắn và những cuộc điện thoại nhẹ nhàng…hai người đã có cảm tình với nhau. Có một chuyện thật là trước thời điểm có tình cảm với nhau, cách đó bốn năm bà đã ly dị với người chồng. Riêng ông thì có khác, nói vui thì ông chỉ… “độc thân kỹ thuật” vì người vợ một phần cũng đã lớn tuổi lại hình như có bệnh sao đó mà không còn thiết đến việc vợ chồng. Xong công việc gia đình bà vợ của ông chỉ biết chuyên tâm đi công quả nơi các cảnh chùa…

    Trước đây, khi còn ở vào độ tuổi ngấp nghé sáu mươi, tuy không phải là hoa khôi, nhưng với dáng cao, người thon thả, giọng nói Nam Bộ dịu dàng… bà đã thu hút biết bao mối quan tâm, tình ý của nhiều quý ông có cùng độ tuổi với mình… Mặc dù bề ngoài có vẻ “thoáng” trong giao tiếp, nhưng đâu có người nào biết bà đã từng dũng cảm quyết liệt chống trả mấy cuộc “tấn công” dục tình đầy mưu mô và thủ đoạn.

    Bà đã vượt qua tất cả để đến với ông, người đàn ông mà theo bà có tính tình nhu hòa, không tranh hơn thua, thậm chí có khi còn nhường nhịn bạn bè. Có những lúc riêng tư bên nhau, sau một ánh nhìn nồng nàn, bà nói ra những lời (gần như là)… thỏ thẻ, âu yếm:

 - Hồi trước em đã… “lầm” anh đó chớ! Bề ngoài anh nho nhã như vậy, mà có lúc… anh cũng trở nên đầy sinh lực, tình tứ, mãnh liệt…- Ông cũng cười hiền lành: “ Chớ em cũng đâu có… chịu thua anh!”.Tiếp theo là tiếng cười rúc rích, có lẽ của… bà.

 Tình cảm với nhau phải nói là tràn trề như vậy, nhưng có những lúc bà thấy ray rức. Rằng về mặt pháp lý, dù bà đã ly hôn, nhưng khi đến với ông như thế này là… không phải. Hiểu tâm sự của người yêu, ông chỉ biết an ũi cho bà (cũng cho chính mình): Đành rằng về pháp lý là như thế, nhưng về mặt đạo lý mình cũng đâu có sai phạm gì quá nặng nề. Chính em từ lúc đầu đã nói rằng em đến với anh duy nhất chỉ vì tình cảm , còn những gì khác anh và em phải lo chu toàn cho gia đình của riêng mình như lâu nay. Thế là cuối cùng cả hai vẫn bên nhau cho đến nhiều năm sau đó… . Mỗi tuần lễ ông bà vẫn đều đặn có một ngày hẹn hò găp nhau tại quán Ti-Gôn…

    Bẳng đi một thời gian khá dài, những người khách quen, những nhân viên phục vụ mới lẫn cũ không thấy hai ông bà đến quán. Họ thấy không gian café Ti-Gôn như … khác trước, đến mức giống như cái quán này có một sự thay đổi gì đó thì phải…

    Thế rồi vào một buổi sáng, buổi sáng cũng ngập tràn nắng ấm phương Nam. Lại thêm đêm qua có một trận mưa giao mùa, cây xanh được tưới nước hậu hỉ bởi thiên nhiên lẽ ra phải tươi phải thắm, nhưng… Những giọt nước còn đọng trên những chiếc lá xanh, trên những chùm hoa ti-gôn sao giống như những giọt lệ bi thương!

    Bà đã xuất hiện trở lại, cái dáng vẻ nhanh nhẹn trước kia không còn nữa, mái tóc đẹp ngày nào nay đã bạc nhiều hơn trước. Bà nặng nề, ủ dột bước vào quán chỉ với… một mình. Góc đàng kia trong số mấy cô cậu sinh viên có ai đó nói nhỏ (trong tiếng “suỵt, suỵt” – ra hiệu đừng nói – của bạn bè):

- Hai ông bà… giận nhau và… chia tay rồi, hoa ti-gôn còn có tên là… “hoa tim vỡ” mà !!

    Đàng kia, trước ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người, bà cụ tiến lại quày “khách hàng tự pha chế” pha cho mình một ly cooktail-rhum rồi trở về chổ ngồi từ trước đến giờ của mình, bên cạnh đương nhiên là một cái … ghế trống. Bà thì thầm như nói với ai vậy:

- Em pha cho anh ly cooktail anh thích đây… .- Rồi bà cúi(hay gục?) đầu tìm trong túi xách mang theo bên mình lấy ra một quyển album nhỏ, trong đó ai cũng biết sẽ là những tấm ảnh kỷ niệm của hai người.

    Mấy tháng trước đây ông đã qua đời trong một giấc ngủ bình thường.Trước đó chỉ mấy giờ, hai người còn dùng cái điện thoại smart phone 3G đồ cổ của mình để nói chuyện và còn nhìn thấy mặt nhau ! Bà có đến đưa đám tang cùng với mấy người bạn học, dĩ nhiên bà đến với danh nghĩa cũng là… bạn. Chuyện “mối tình thầm lặng” từ trước đến nay giữa hai người có lẽ đâu có ai biết.

    Quán vừa có thêm một nhóm thanh niên bước vào, dường như là nhóm bạn học với nhau… Không khí trong quán trở nên hơi ồn ào. Riêng bà rồi cũng đã đến lúc ra về, bà lúi húi thu dọn những gì mình bày ra. Một lần nữa mọi người lại ngạc nhiên khi trong lúc tính tiền bà đã dịu dàng, ân cần nói với cậu phục vụ(có lẽ cũng là sinh viên như ông bà ngày xưa):

- Cháu làm ơn uống dùm ly cooktail nhé. Bác huyết áp cao nên không uống được!

 Tuần nào cũng vậy, bà đều đặn đến ngồi tại chỗ cũ, hình như khách quen và cả nhân viên phục vụ (vào ngày, giờ ấy) đều cố tình sắp xếp để chỗ đó còn trống mà chờ… bà. 

   Thời gian vẫn trôi, cái quán café Ti-Gôn vẫn tồn tại vì không có quán nào độc đáo như vậy. Hơn một năm sau, trong một lần thường lệ ghé quán – dù đã thưa dần hơn trước kia - , cũng với câu nói dịu dàng nhờ người phục vụ uống dùm ly cooktail do bà tự pha…

    Nói xong bà ra khỏi quán và lên chiếc xe bus vừa trờ tới…Sau đó cậu phục vụ trong lúc dọn bàn chợt nhìn thấy có một tấm hình rơi xuống sàn. Cậu ta cúi xuống nhặt lên. Tấm hình khổ 9x15 có khuôn hình trái tim tạo bởi kỹ thuật photoshops, trên đó là hai ông bà ngồi cạnh nhau lúc độ… sáu mươi tuổi, có lẽ trong một cuộc họp nhóm hay họp khóa học gì đó.   

    Tấm hình bị nhòe, không biết do nước uống hay là nước… (?). Tuy nhiên người ta vẫn đọc được hàng chữ hình như mới được viết một cách run run và vội vàng… “ sao anh lại ra đi trước em…? “. Vì bà vốn là khách quen nên người của quán cẩn thận giữ lại, vì mấy ngày nữa thôi bà cũng sẽ trở lại quán, đến ngồi nơi cái chỗ thân quen của bà.

    Vậy mà một tuần lễ trôi qua, nhiều tuần lễ trôi qua… Tháng sau, rồi năm sau bà cũng vẫn không trở lại. Không có ai nghĩ rằng bà đã quên được quán café Ti-Gôn, nơi chốn cũ thân thương với màu hoa ti-gôn bất diệt, nơi đầy ắp biết bao kỷ niệm . Thế nhưng vào độ tuổi qua bảy mươi đã lâu rồi, tuổi hoàng hôn bóng xế của đời người, bà còn có thể… đi đâu… ?!./.

 

  HUỲNH VĂN HUÊ.

 ( Cùng viết với T.T.Ch theo tâm sự của Q. – Tháng 3 năm 2012 )




 






( Truyện đã đăng trên trang web Hội Ái Hữu Biên Hòa - Cali )





Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thơ NHỊP ĐỜI - Xuân Duyên.




NHỊP ĐỜI

Ôi, thương sao màu nắng
Lúng liếng mắt em cười
Chim nhỏ hoài ngơ ngác
Nghe nhịp đời chơi vơi
   Bây chừ nắng đã xa
   Cơn mưa rào thấm hạt
   Chim nhỏ buồn man mác
   Nghe nhịp đời phôi pha
               
XUÂN DUYÊN - 6/2017

Thơ LẶNG (3) - Ngoc Quynh Vu.

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

Thơ SÔNG NƯỚC MÙA THU - Hà Thu Thủy



SÔNG NƯỚC MÙA THU (*)
(TRONG MƠ)

Trong chiêm bao bỗng thấy mình thành nước
Trôi chông chênh qua ghềnh thác mịt mù
Đại ngàn chập chùng thênh thang phía trước
Đợi hoàng hôn ngã xuống dáng nhân từ.

Nước sợ gió đẩy đưa ra biển cả
Rồi quên đường về lỗi hẹn dòng sông
Thương lục bình lênh đênh trôi muôn ngã
Không nước vỗ về úa héo  chờ mong.

Sương thu giờ chẳng còn lung linh nữa
Bởi hàng cây rụng hết lá đôi bờ
Thạch thảo vàng cũng gục đầu héo úa
Tiếng dế rơi vào lặng lẽ cô đơn.

Trăng thu bây giờ thôi vằng vặc sáng
Mà ủ ê trôi giữa lớp mây ngàn
Ngàn vì sao trên đỉnh trời thinh lặng
Chắc nhớ nhiều mùa thu cũ bình an.

Đường trở về không còn ai đưa đón
Bến bờ nào vương vất dáng hình xưa
Cứ thế nước lặng lờ trôi theo gió
Đêm chan hòa nghiêng ngã trắng màn mưa.

HÀ THU THỦY
(*) Tựa bài thơ của MCHX blog.

Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2017

Chuyện phương xa CHUYỆN TÌNH ĐẸP NHẤT - Lý Minh (KT giới thiệu)




Chuyện vui LỜI THẦY BÓI - Sưu tầm trên facebook.



LỜI THẦY BÓI.
 
1. Hồi xem Thầy bói phán:
"Lớn lên sẽ theo nghiệp cầm phấn!". Cứ mơ theo nghiệp Giáo viên ai dè cầm phấn viết yên xe ở chợ?

2. Thầy bói bảo:
"Sau này một tay đưa Đất nước vào Khuôn khổ". Cứ ngỡ sẽ thành Thủ tướng, Bộ trưởng, Chính trị gia... Hoá ra sau đi đóng gạch, làm lò?

3. Thầy bói bảo: "Về sau nhất định sẽ thay đổi bộ mặt Thành phố!", tưởng được sánh vai với những vị quyền uy cao của 1 thành phố lớn  ai dè xách chổi làm thợ quét vôi, quét rác?

4. Thầy bói bảo: "Tướng này về sau Uy lực hơn người, hàng ngày đè đầu vít cổ thiên hạ không ai cưỡng lại!". Cứ tưởng tầm thường cũng phải làm đến quan huyện quan xã, ai dè theo nghề Thợ cắt tóc, thợ cạo râu?

5. Thầy bói bảo: "Lớn lên sẽ có công việc sáng loà!". Cứ tưởng sẽ thành Minh tinh Sân khấu, màn bạc hoá ra sau theo nghiệp Thợ hàn xì?

6. Thầy bói bảo: "Lớn lên sẽ đi Xế hộp, có lái xe riêng, tay lúc nào cũng cầm 1 cục tiền". Tưởng làm Sếp lớn ai dè làm lơ xe Buýt?

7. Thầy bói bảo: "Tướng con sau này có ô to, ô nhỏ. Cứ nghĩ sẽ có quý nhân phù trợ, võng lọng đầy mình", đâu ngờ giờ đi trồng nấm.

8. Thầy bói bảo: "Tướng này nhất định phải làm Phi Hành gia!". Khấp khởi mừng ngồi chờ ngày bay lên Vũ trụ. Mà sao giờ chờ người huýt sáo phát chở dăm bịch hành khô chạy như cờ lông công?

9. Thầy lại phán: "Lớn lên chỉ cần ngồi chỗ rung đùi ra tiền". Những tưởng quả này làm quan to ngồi chỗ rung đùi, vuốt râu có người mang tiền tới khúm núm... Ai dè làm Thợ may vá?

10. Thầy bói cứ phán: "Sau này cứ cổng quan mà làm thích đánh ai thì đánh"? Ai dè cầm hộp xi, bàn chải đi hết cổng Ngân hàng, sang Kho bạc, chán quá thì đi Công an, Ủy ban rồi vô cổng chợ kiếm khách Đánh giày?

11. Thầy lại chốt: "Tướng con sau này đi đây đi đó, thoát ẩn thoát hiện, nhìn việc như thần việc đâu cũng rõ, các ngõ đều tường"? Tưởng rằng chắc chắn là một chiến sĩ Cảnh sát Hình sự hóa trang mật phục đi nắm tin tức tội phạm, đánh án, ai dè làm lão xe Ôm, ngồi quán vỉa hè rít thuốc Lào?

12. Thầy bói còn bảo: "Tính con thà phụ tất cả người trong thiên hạ chứ ko để người khác phụ mình"?
Các ông biết làm nghề gì ko?

ĐỜI KHÔNG NHƯ LÀ MƠ!.........

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

Bài viết từ blog quen CÀ PHÊ CẦU MÁT




Saturday, June 10, 2017


Cựu học sinh Ngô Quyền Houston họp mặt hè.


Từ Trái: Phan Văn Hóa K1, Lâm Kim Sơn K2, Đỗ Hữu Phương K5, Dzu Minh, Thầy Đào Thiện, Thầy Nguyễn Văn Phú, Thầy Trần Phiên, Thầy Nguyễn Phi Long, Lâm Sĩ Đắt K9, Nguyễn Văn Liễu K7, Anh Sơn, Anh xã Nguyên Nhung.
































































































Hôm nay 6-10-2017 Thầy và trò tại Houston, tổng cộng 30  người, họp mặt tại tư gia Lâm Sĩ Đắt. 10V và phu nhân cùng Lâm Sĩ Đắt cùng lái con Tàu. Thầy cô Trần Phiên đến từ Austin. Thầy Cô Đào Thiện cũng đến từ Austin. Thầy Cô Nguyễn Văn Phú và Thầy Nguyễn Phi Long từ Houston. Buổi họp mặt thật vui trong tình thân thương bạn bè và Thầy trò.

 Xưa nay có một người rất nổi danh trong quán cà phê cầu mát mà Ông chủ HDL rất qúi mến nhưng 5P chưa bao giờ hân hạnh quen biết. Cô rất vui vẽ, thân thiện và qúi mến. Người đẹp được mang cái tên cũng thật đẹp trong quán cà phê đó là: 10Hoàng. Cô đến từ Canada. Anh 5 hân hạnh được gặp 10H.

Tối hôm nay còn một đêm ăn bánh, uống trà quê hương, ngắm trăng rằm tại Cầu mát Biên Hoà do sáng kiến của cô em út thứ 15 Diệu Hương đến từ San Jose. Sau đó anh em sẽ đến thưởng thức cháo khuya tại đầu chợ BH do đầu bếp trứ danh ngày xưa nấu.
Mại dô, mại dô ăn không trả tiền, xin mời bà con cô bác đến tham dự đông đảo...

(Đỗ Hữu Phương: Phóng viên chiến trường viết vội vài hàng gửi về Bộ chỉ uy.)



Từ trái: 10V, chị của Nguyên Nhung, Diệu Hương K15, 10 Hồng, Nguyên Nhung, 10 Hoàng, Ánh Vân K7, chị Hoá, chị Minh Tâm.