Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Thơ : ĐI VỀ PHÍA ANH - hathuthuy.

 




ĐI VỀ PHÍA ANH.

Đi về phía anh là về phía biển

Có thùy dương bãi cát sóng xô bờ

Ngỡ là gần mà đi hoài không đến

Gần cuối đời vẫn cứ thế...ngu ngơ.


Đi về phía anh cồn cào tiếng sóng 

Tưởng đến rồi lại vời vợi xa xăm

Tình mông lung tựa như là chiếc bóng

Buồn tênh tênh não nuột nốt nhạc trầm.


Đi về phía anh gieo neo đồi dốc

Đá chênh chao trăng nửa mảnh chạnh lòng

Buồn nao nao cơ hồ mưa gió lộng 

Đẩy con thuyền trôi dạt giữa mênh mông.

hathuthuy ( Thuy Hà )

Thơ: LÁ THƯ THỜI MỚI LỚN - Trần Văn Nghĩa.

 



LÁ THƯ THỜI MỚI LỚN. 

(Hồi đó, thư từ là phương tiện giao tiếp phổ thông để gửi lời thăm hỏi, làm quen, tỏ tình và...

   Bây giờ thời đại công nghệ thông tin, hiếm ai sử dụng phương tiện này nữa. Có thể nói gần như đã chìm vào quên lãng. Xem như là chuyện xưa tích cũ.

  Tôi viết bài thơ này đã hơn 10 năm, để nhớ lại thời học trò với lá thư ngày xưa nhiều xao xuyến!) 


LÁ THƯ THỜI MỚI LỚN


Lá thư ngày ấy, lá thư em!

Làm anh luýnh quýnh muốn rụng tim

Tình cờ gặp lại trong ngăn kéo

Màu giấy thời gian đã cũ mèm


Lá thư ngày ấy, lá thư xưa!

Mà anh chẳng dám đọc cho to

Nếu như gió biết và nghe được

Chở hết tình đi sẽ tối mò


Lá thư ngày ấy, lá thư ơi!

Nhớ sao là nhớ, nhớ một thời

Thập thò trước lớp em đang học

Về thấy chiêm bao nở trắng trời


Lá thư ngày ấy, lá thư ai!

Cho anh nỗi nhớ giống liêu trai

Từ khi thơ dại giờ bạc tóc

Nét chữ xinh theo ám ảnh hoài...


Cám ơn cô bé... giờ xa lắc!

Cho đời hạnh phúc nhớ và yêu

Lá thư ngày ấy thành cổ tích

Thời đại a- còng*, chỉ thích meo**!


TRẦN VĂN NGHĨA 2012

---------------------

Ghi chú :

*@

**mail

Thơ vui: TÌNH CỜ GẶP LẠI - Ta Trung.

 



TÌNH CỜ GẶP LẠI 

Tình cờ gặp lại buổi trưa

Tối về nằm ngủ em mơ thấy chàng

Thức dậy nước mắt hai hàng

Chàng ơi chàng hỡi gặp chàng mà chi?


Anh đến trong mơ

Anh về trong mộng

Giấc mơ tình nồng

Em mãi chờ trông


Thức dậy thẩn thờ

Nghĩ nhớ đến anh

Mối tình trẻ thơ

Tưởng quên lại nhớ?


Lúc trước, ngày xưa, 

em còn ngây thơ

Chưa biết yêu đâu.. 

cũng chưa biết nhớ


Sao giờ gặp anh,  

em lại thẩn thờ?

Bâng khuâng, bâng khuâng...

thấy lòng vương vấn


Gặp lại cố nhân, 

lấn cấn em buồn!

Vẫn nhận ra nhau, 

dẫu hơi ngờ ngợ


Chắc mình vướng tình 

khi thuở còn thơ

Muốn thành tình nhân, 

chia cùng hơi thở


Nhưng thôi cũng đành, 

ta lại chia phôi

Em tự dỗ em

Thôi để trôi qua


Tình lững lờ trôi

Tình xa xôi quá!

Có duyên gặp lại

Đành để duyên đi


Tiếc nuối mà chi

Đã hết xuân thì

Mai về trong cõi huyền vi

Ta lại cù lần có chi đâu mà

TA TRUNG. 

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Thơ tranh : ÁO PHAI HƯƠNG THẦM - Thạch Thảo BD.

 


Đời sống : LỪA ĐẢO QUA ĐIỆN THOẠI - St trên FB.



LỪA ĐẢO QUA ĐIỆN THOẠI. 

 Sáng nay, vừa vào giờ làm vài phút, tinh tang chuông điện thoại. Thấy số lạ nhưng e là đối tác, bèn nghe.

- Alo, chị có đúng là người có số ĐT này ko ?

Một giọng nam nửa Trung nửa Bắc rất chi là thái độ cất lên. 

Có vẻ căng đây. Vụ gì thế không biết. 

Mới chỉ kịp load trong não vậy, chưa kịp mở miệng thì đầu bên lại cất tiếng. Giọng rất gằn. 

- Tôi là người của An ninh mạng, chúng tôi nhận được tin báo số ĐT của chị đang sử dụng để thực hiện hành vi lừa tiền rất nhiều người. Đây là một hành vi lừa đảo cực kỳ nghiêm trọng, sẽ bị truy tố hình sự và phạt tù. Trích dẫn a, b. Bla bla ... Hình phạt càng lúc càng khủng khiếp. 

Vã mồ hôi hột, lạnh toát cả cái thằng người.

Định lên tiếng nhưng không có cơ hội chen vào. Một thôi một hồi sau, kẻ lừa đảo mới đến lượt:

- Mình có làm thế đâu bao giờ đâu. Sao lại thế được ?

- Không làm sao rất nhiều tin báo tố cáo ? Chúng tôi phải cho chị vào danh sách điều tra rồi đấy.

- Ôi thôi chết. Chắc nhầm hay sao ấy. Thế làm thế nào bây giờ hả đồng chí ? Giúp mình với !

- Chúng tôi cũng nghi ngờ có thể chị đang bị mạo danh nên mới gọi điện để kiểm tra và hỗ trợ cho chị.

- May quá, cảm ơn đồng chí ! 

  Nhưng cho mình hỏi chút, nãy nghe hơi bập bõm, đồng chí công tác ở an ninh mạng nào ạ ?

- Tôi công tác ở Hà Nội.

- À vâng. Vậy vụ của mình giờ có cách nào giải quyết không hả đồng chí ?

- Có. Chị đừng cuống. Sau đây tôi sẽ gửi cho chị 1 đường link, trong đó có hướng dẫn khai báo thông tin, chị cứ làm theo đúng hướng dẫn và chúng tôi sẽ hỗ trợ cho chị.

- Vâng, đồng chí gửi đi ạ. Mà xin lỗi, đồng chí tên gì nhỉ ?

- Chị hỏi làm gì, đây là công tác mật, chỉ cần biết tôi bên an ninh mạng là được.

- À, có gì đâu, mình hỏi để nhờ người nhà ở Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao gặp đồng chí gửi chút quà cảm ơn thôi.

- Tút tút ... 

Đồng chí an ninh mạng bay màu.


Tốn ít thời gian nhưng cũng thú zị phết í. 

Cảm ơn nha, đồng chí an ninh mạng ! 

Hí hí hí 🤣

SƯU TẦM TRÊN FB. 

Tản mạn : NÔNG DÂN KHÔNG NGHÈO... - Nguyễn Ngọc Tư (fb)

 



NÔNG DÂN KHÔNG NGHÈO MỚI LẠ !

"Ai quen với cái 'e' hễ nói tới nông dân là phải khăn rằn vắt vai, chân đất đầu sương, móng tay ám khói thuốc gò... gặp má tôi chắc chưng hửng. Bà mập mạp, hồn hậu, ăn mặc giản dị. Bà đi nhiều, hiểu nhiều chứ không suốt đời chôn chân mình vào một chốn quê. Bà chăn dắt đám ruộng chưa tròn mười công đất chứ không như nhiều nông dân khác, ruộng đất ròng ròng mấy chục công, cúm núm chiều về bay lạc ổ. Nhưng má tôi vẫn là người nông dân rặt bởi đã sống cực nhọc, lam lũ như đời nông dân lam lũ, cực nhọc. Để coi, tính mùa này nữa, má tôi làm ruộng suốt ba mươi tám năm (đến năm 2000).


Thăm ruộng về, lúa bị cháy lá, sâu phá má có thuốc trị, không buồn. Lúa thất, là thất đều trời, thất do thiên tai, dịch họa chứ không phải không biết làm ruộng mà lúa thất, không buồn. Má làm mệt, bực bội là rầy mấy đứa con làm biếng, không phải là buồn. Nhưng má tôi buồn lúc nửa đêm về sáng. Suốt ngày, ba tôi miệt mài ở cơ quan, biết được nhiều thông tin, trời chuyển hừng đông hay thủ thỉ kể cho má nghe, ông Y thâm lạm chục ngoài tỷ, ông X làm nhà nước thất thoát hai ba chục tỷ... Những câu chuyện đó làm cho má tôi buồn.


Quen nết nông dân, bà tính, được số tiền đó bà phải làm ruộng chắt mót suốt... đời. Lúa rẻ rề, một giạ vài chục ngàn, mấy ông “ở trển” làm mất tính ra hàng tỷ tỷ giạ chớ ít đâu. Có được một giạ thì phải chờ ngót ngét ba tháng. Má tôi còn có đồng lương của ba tôi hụ hợ, chứ như dì Ba, chú Tám... vợ đau, con đi học, tang chế, cưới gả giỗ quảy cũng nhờ vào bồ lúa, mà lúa giá như vầy, ngóc đầu sao lên? 


Má tôi trăn trở hạt lúa vàng sáng hới rồi, cắn vào răng nghe giòn rồi, chà mẻ gạo đầu mùa cơm thơm dẻo là hết vụ đầu. Vụ sau vẫn thế, cực thế. Mồ hôi má tôi túa đầm đìa, ướt áo chứ tuyệt không lặn vào trong. Chân má tôi nứt thêm chứ chẳng lành lại. Cực là bản chất của đời nông dân mà, vui buồn có khi thay đổi do hoàn cảnh, nhưng xoay qua lại thì cũng không qua con ốc, con chuột, do mưa nắng thất thường, do mấy ông “ở trển”... Ai biểu làm nông dân làm chi. Trách bà ngoại tôi ban cho má tôi máu làm ruộng, trách tổ tiên tôi cải cách cây lúa trời thành lúa nước, trách tôi, bạn và hàng triệu người suốt đời mê ăn cơm nấu từ gạo trắng, sống bằng gạo trắng. Chỉ hy vọng mấy ông “ở trển” làm cách nào cho dân bớt khổ, má tôi nhấn mạnh, bằng cái giọng hết sức tin tưởng, “mấy ổng hứa rồi...”. 


Mùa đang tới...".

NGUYỄN NGỌC TƯ.

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Thơ : CƠ MAN NỖI NHỚ - Thạch Thảo (BD)

 



CƠ MAN NỖI NHỚ

Không phải hình viên đạn

Đôi mắt nồng nàn ấm lửa chiều đông.

Mơ hồ như câu hò thiêm thiếp bên sông

Đêm chết đuối

Trăng bạt ngàn thao thức

Vòng tay nguyệt thực.


Những giọt sáng màu tinh cầu bối rối

Khúc sonate hụt hẫng nhịp phách.

Ta lặn vào nhau_chìm hư thực

Có bờ vai chàng chăn cừu bật thức

Nâng giấc mơ quả trứng vàng lơ

Đêm đầy sao.


Có phải là anh?

Một nửa em tìm cháy bỏng?

Lặn vào anh

Lặn vào cơ man nỗi nhớ.

Đêm ốc đảo

Sóng gào hờ hửng

Cách nhau một sợi tóc

Gọi tên.


THẠCH THẢO  ( BÌNH DƯƠNG )

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Đời sống : ĐÁM CHÁY - Chu Thị Hồng Hạnh.




 ĐÁM CHÁY

Đang đứng ở hành lang hút thuốc thì anh sững sờ khi thấy cô đi tới. Mười năm rồi, họ chia tay nhau đúng 10 năm. Ngày còn là sinh viên, cô nhỏ nhắn, gày gò, thiếu sức sống. Còn bây giờ trước mặt anh là một thiếu phụ xinh đẹp, đầy đặn, mặn mà, duyên dáng. Anh không ngờ gặp lại cô ở cái nơi miền Trung xa xôi này. Hoá ra anh và cô cùng đi công tác, và như một trò đùa của số phận, lại ở cùng một khách sạn, cùng tầng luôn.

Họ yêu thích nhau khi cùng tham gia vào chương trình Mùa hè xanh do Đoàn trường tổ chức vào năm thứ ba. Đến năm thứ tư khi tốt nghiệp, cô phải về quê vì mẹ cô bệnh nặng, gia cảnh nhà cô đơn chiếc. Xa mặt cách lòng và có lẽ tình yêu chưa đủ lớn nên họ chia tay nhau êm đềm. 

Sau 10 năm gặp lại, anh giờ có một công ty nhỏ,  một vợ hai con. Cô lấy một người chồng khá giả, yêu chiều vợ rất mực, không tiếc tiền cho vợ đi chăm sóc sắc đẹp. Cô cũng có một cô con gái đang học lớp một. Họ rủ nhau xuống quầy bar của khách sạn ngồi ôn lại chuyện cũ. Ly này nối tiếp ly kia và kết cục là sáng hôm sau họ mở mắt ra thì thấy đang nằm bên nhau.

Ngày ấy! khi chia tay nhau (trước đây 10 năm) thì giữa họ cũng mới chỉ có là những cái ôm, những nụ hôn nồng thắm. Còn đêm qua họ quấn vào nhau không ngừng.

Mấy ngày ở thành phố biển xinh đẹp trôi qua như cơn gió. Ngoài lúc đi làm việc, còn lại họ hối hả trở về phòng thỏa sức âu yếm nhau. Cả hai đều thấy nuối tiếc đã bỏ lỡ nhau. Anh giờ không còn là chàng trai ngô nghê ngày nào, mà thấm đẫm hương vị của người đàn ông thành đạt. Cô cuồng nhiệt say mê bên anh mỗi đêm...Trước khi chia tay họ đều thống nhất sẽ về nói thật với gia đình của mình để có thể đến được với nhau đàng hoàng, chính đáng.


Xuống xe taxi, vừa đi về lối rẽ vào chung cư, anh nghe thấy tiếng reo lớn

- A! ba đã về

Rồi con gái út lao đến ôm chặt lấy anh. Con trai đầu mới 8 tuổi nhưng rất chững chạc cầm dây xích chó đứng bên cạnh cười rõ tươi. Con Ki nhảy chồm lên rên rỉ liếm tay anh. Rồi 3 người một chó hân hoan dắt nhau lên nhà. Bước chân vào cửa là mùi thức ăn ngon lành bao phủ kín phòng. Vợ anh, người phụ nữ rất hiền lành, nhẹ nhàng, đảm đang quay ra cười dịu dàng, trìu mến.

- Anh tắm rửa đi, rồi ra ăn cơm cho nóng.

Ăn xong như mọi ngày, anh lại ra ngồi bên hồ cá để hút thuốc và suy ngẫm. Đây mới là cuộc sống của anh, vợ con của anh. Bây giờ anh nói gì với vợ đây? Nói là anh đã gặp người yêu cũ và muốn quay lại với cô ấy. Vợ anh đâu có tội tình gì mà anh phải đâm cho cô ấy một nhát dao chí mạng vậy! Bạn bè ai cũng nói vợ anh là típ phụ nữ vượng phu, ích tử. Ai lấy được cô ấy có phúc lắm. Có lẽ 9 năm vợ chồng với bao lo toan, gánh vác đã làm cho cuộc sống vợ chồng của họ trở thành nhàm chán, nên anh mới đắm đuối bên người yêu cũ.

Anh cứ lửng lơ như vậy mất mấy ngày, vì khi chia tay anh hứa về nhà sẽ nói chuyện với vợ và gọi cho cô, nhưng cứ nhìn đến điện thoại là anh lại cảm thấy khó chịu như người vướng phải nợ tình khó gỡ ra được.

Chiều nay về đến khu chung cư anh ở, thấy xe hú còi inh ỏi, người đông nghìn nghịt. Anh xuống kính xe hỏi thăm người qua đường.

- Có chuyện gì vậy hả anh ? 

- Cháy ở trên chung cư ấy!

Ngay lập tức anh rút điện thoại ra gọi cho vợ, không thấy nhấc máy, gọi lại vẫn không ai nhấc máy... Anh sợ quá xuống xe chạy bộ, gạt đám đông ra và nhìn thấy tầng nhà anh đang cháy. Cư dân đang chạy túa xuống, cảnh tượng rất hỗn loạn. Anh gạt tay mấy anh dân phòng để chạy lên. Họ giữ cứng anh lại.

- Yêu cầu anh ở yên dưới này cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy làm việc.

- Anh thở hổn hển nước mắt trào ra

- Trời ơi! để cho tôi lên, vợ con tôi đang ở trên đấy.

Cảm giác đau đớn nghẹt thở bóp chặt trái tim anh. Anh vô cùng sợ hãi khi nghĩ đến những tình huống xấu sẽ xảy ra, rồi mất đi những người thân yêu nhất...

Đang giằng co chợt anh nghe tiếng con gái anh gọi

- Ba ơi! Ba ơi! Ba...

Anh quay lại, như người vừa chết đi sống lại lao tới ôm chặt vợ con. Vợ anh nói

- Em và Ti đưa Bi đi học thêm rồi cho Ki đi dạo, về thấy nhà cháy sợ hết hồn. Điện thoại di động hết pin em đang sạc ở trên nhà nên không gọi cho anh được.

Anh lẩm bẩm như người mộng du

- May quá, cả nhà bình yên là anh mừng lắm rồi.

Những ngày tiếp theo đó, cả nhà vô cùng bận rộn. Cháy căn hộ kế bên nhưng nhà anh đồ đạc cũng bị hư hỏng, tường bị ám khói rộp hết. Anh luôn chân luôn tay sửa chữa nhà cửa và vô cùng cảm tạ ông trời đã phù hộ gia đình anh. Và cũng trải qua cảm giác tưởng chừng mất đi tất cả người thân, anh mới thấy trân quý gia đình bé nhỏ của mình.

Nhiều lúc anh cũng không hiểu nổi tại sao mình lại bốc đồng như thế trong những đêm ở khách sạn. Lúc ấy anh như là cậu thanh niên mới lớn, có thể đi cùng trời cuối đất với người mình thương.

Giờ đây, điều mà anh lo sợ nhất là cô sẽ nói với chồng cô về anh, rồi đề nghị li dị. Rồi gia đình cô sẽ ra sao? Tưởng tượng cảnh chồng cô sẽ gặp vợ anh mà anh lạnh hết cả người. Anh cảm giác, đám cháy như một điềm cảnh báo đối với anh. Nếu anh tiếp tục dấn sâu vào cuộc tình này, anh sẽ mất tất cả.

Anh thất thần, sa sút thấy rõ. Mấy đêm hôm trước vợ anh khẽ hỏi:

- Anh à! có chuyện gì xảy ra với anh vậy? Từ lúc anh đi công tác về em thấy anh bồn chồn, lo lắng, xuống sắc quá!

Anh giật mình

- Không có sao đâu em, công việc nhiều quá. Anh thấy ở chung cư cũng nguy hiểm nên đang cố gắng dồn tiền để đổi xuống đất em à!

Chiều nay đang tiếp đối tác thì anh có điện thoại. Là cô. Tròn một tháng cô mới gọi. Anh xin phép ra ngoài nghe điện thoại. Giọng cô gấp gáp

- Anh à! từ hôm về em  bận quá. Con gái em bị sốt dịch phải đi cấp cứu. Hai vợ chồng em mệt rã rời. Anh ơi chồng em tốt lắm. Em vẫn luôn yêu anh, nhưng tốt nhất mình đừng liên lạc nhau nữa nhé!

- Anh hiểu.

Anh trả lời giọng nhẹ tênh rồi dứt khoát nhấn nút chặn số máy của cô.

Từ giờ anh có thể yên ổn sống rồi! 


TG: Chu Thị Hồng Hạnh

Vui chút : VUI VUI - Lê Xuân Sang.

 

(Hình minh họa : Lê Xuân Sang)

VUI VUI 😃

Quan tòa:

-70 tuổi rồi lý do nào bà làm đơn li dị ổng?

Bà (xụt xịt):

-thưa quý tòa, vì 50 năm trước ổng khen tui: "ơi, con Hà mã đáng yêu của anh!"

-vậy sao tới bây giờ bà mới xin li dị vì câu nói đó?

-thưa quý tòa, vì hôm tuần rồi mấy đứa cháu dẫn tui đi sở thú. Lần đầu tiên trong đời tui thấy con...hà mã. Huhu 

LÊ XUÂN SANG 🤣

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Cuộc đời : CANH CẢI XANH... - T.H.B (FB)

 



CANH CẢI XANH NẤU CÁ RÔ RON.

Sau vụ gặt tháng 10, các con mương cũng không còn đầy nước, phải đến mùa cấy tháng giêng thủy lợi mới bơm nước trở lại.

Trên cánh đồng chỉ trơ lại những gốc rạ, tranh thủ lúc đất mềm người ta cày đổ ải cho đất nghỉ. Có chỗ lười cày, đất vài bữa sau khô nứt toác thành những hình lục giác bát giác.

Nước càng ngày càng cạn đi trong cái mương cụt dẫn nước từ mương cái vào để tưới rau. Cái mương cụt một bên là rặng chuối, một bên là kè đá.

Đây là mùa nhàn nhất trong năm của bọn tù đội rau. Công việc hiện tại chỉ tập trung trồng rau vụ động là bắp cải, su hào. Cái kè đá là nơi bọn tù nhàn tản ngồi tụ tập, tán phét trong lúc nghỉ giải lao tưới rau. Cách cái kè đá vài mét là một khoảng đất, thế nào ông quản giáo đưa một nắm hạt cải xanh để gieo. Nửa tháng sau rau đã lên xanh mơn mởn.

Một buổi ngồi nghỉ, thằng Lợi nhìn đám rau nói.

- Đéo hiểu ông Quản trồng rau cải này làm gì nhỉ, có một dúm thì làm cái đéo gì?

Thắng Bọ nói.

- Trồng cho nhà ông ấy ăn.

Thằng Lợi ở đây được 6 năm, nó rành rọt nói.

- Đéo biết câm mẹ mày mồm, nhà ông ấy không ăn rau ở đây bao giờ cả. Khéo chúng mày thù tẩm thuốc vào chết cả nhà ông ấy thì sao.

Thắng Bọ thắc mắc.

- Hay trồng nhập cho bếp trại?

Thằng Lợi lại chửi.

 - Đm bố đã bảo mày ngu lại hay nói, cả vạt cải này cân lên được bao nhiêu mà nhập trại.

Thắng Bọ tần ngần.

- Ừ nhỉ, đéo hiểu trồng thế làm gì?

Thằng Lợi thì thầm.

- Đm, ông ấy trồng bẫy bọn tù đấy. Thằng nào vặt ăn, ông ấy phạt cho nhà mang tiền lên mà nộp. Động vào rau của đội thì mất mấy lít (mấy trăm nghìn) đấy con ạ. 

Thắng Bọ ớ người.

- Thế không thằng nào bị bẫy, thì để cải chết già à?

Lợi đại bàng vừa bước đi vừa nói.

- Chết già thì chết, động vào là đi đấy.

Hơn tháng sau cải xanh lên bằng gang tay, nhìn bắt mắt. Nước trong cái mương cụt lại vơi đi một nửa. Bọn tù ngồi nghỉ trên kè đá, bỗng có thằng nói.

- Cái mương này nhiều cá đen lắm, thế nào cũng có bọn trê và chuối. Hay tát mẹ mương bắt đi.

Hắn bảo.

- Đang giờ làm đi tát mương, bắt cá. Chúng mày lại thích giẫy chết.

Cả hội thở dài, lại ngồi chép miệng tiếc rẻ, trong đầu chúng chắc thằng nào cũng nghĩ đến những con cái chuối, trê nướng thơm phức.

Hắn đi lên phòng quản giáo, thấy ông đang ngồi xem ti vi, hắn bảo.

- Thầy ơi, cái mương kia đầy rong rêu. Tranh thủ mùa này cạn mình nạo mương nhé, cũng đang nhàn.

Ông quản giáo giơ tay vẫy lia lịa.

- Ừ, ừ, mày cho chúng nó làm đi.

Hắn đi xuống, ban lệnh tát mương của quản giáo. Chọn ra bốn thằng ở vùng quê thành thạo, bọn chúng lấy thân chuối đổ làm thân đập, đắp bùn cho kín đập và thay nhau tát một hồi thì cạn cái mương. Lấy liềm và cuốc khua hết rong, cỏ, rêu lên. Thế là tha hồ mò cá, đúng là nhiều cá, nhưng toàn cá trê và chuối chỉ bằng hai ngón tay.

Được lưng xô cá trê, quả. Hắn thắc mắc.

- Sao đéo thấy cá rô bọn mày nhỉ?

Ông Ánh bảo.

- Cá rô nó chui vào ngách đá hay chui xuống bùn, cứ mò dưới bùn là thấy. Bọn này nó nhịn thở lâu, không như bọn chuối, trê một lúc là nhoi lên bùn thở đâu.

Ông Ánh làm nghề nuôi cá, lập tức cả hội nhảy xuống bùn mò. Hắn cũng thò tay vào khe đá kè để mò mẫm. Trong khe có cá rô thật, bọn cá rô khôn đến mức không những chui vào khe đá cạn nước. Chúng còn gương vây ngược chống vào hai bên kẽ đá cho khỏi rơi và nằm im như thế. Hắn cầm cái que nhỏ ngoáy ngược lên trong khe đá, cá rô cứ rơi lộp bộp. Những đứa khác cũng làm theo, chốc lại có tiếng reo mừng à, ồ.

Được một rổ cá rô ron, con nào con đấy béo múp, vàng ươm. Những cái vây sắc và cứng của chúng đánh vào tay bọn tù, đứa nào cũng rớm máu. Bọn tù nướng cá ăn, cá trê và chuối còn có thịt, ít xương, Bọn cá rô nướng toàn xương với vảy cứng. Phương châm hết nạc thì vạc đến xương, bọn tù nước cá trê và chuối trước. Đến lúc phải lao động thì rổ cá rô gần như còn nguyên.

Bọn tù đứng dậy, đứa cầm cuốc, đứa xách đôi thùng tưới nói.

- Làm gì bọn rô này, rán giòn lên chấm nước mắm hạt tiêu thì tuyệt.

Thằng khác bảo.

- Về nhà mày nhé, đm tù lại còn đòi sang. Điều kiện thế! Rán hết chỗ này thì mất lít mỡ.

Hắn bảo.

 - Toàn thằng đéo biết tính, cá rô này nấu với rau cải xanh đây này là ngon nhất.

Mấy thằng nói.

- Đm ông tinh tướng, giỏi mà vặt rau xem, trói treo chết mẹ mày luôn.

Hắn bê rổ cá rô lên phòng quản giáo, ông quản giáo hỏi.

- Cái gì đấy?

Hắn đáp.

- Dạ, bọn em vừa bắt được khi nạo mương. Thầy mang về cho cô và em ăn, cá béo lắm.

Ông quản giáo cười.

- Đm ăn đéo gì cá rô, toàn xương.

Hắn nói.

- Bọn cá rô này, nấu với canh rau cải, chan vào bánh đa sợi thì tuyệt. Nó là món đặc sản ở Hà Nội đấy thầy ạ. Giờ chỉ có quý tộc mới ăn sáng món đó thôi, còn đắt hơn phở. Mà ít hàng bán lắm vì cá rô đâu sẵn, toàn rô phi hay cá khác người ta độn vào.

Ông quản giáo mắng.

- Mày nói thế đéo nào, canh cải xanh nấu sườn là ngọt nhất. Thế Hà Nội lại là đặc sản à?

Hắn đáp.

 - Vâng, cá này luộc qua, gỡ thịt ra phi với hành , còn xương cá và đầu cá giã nát cho vào nước đun sôi một lúc. Lọc lấy nước để bỏ xương. Cải xanh  tươi mới hái, rửa sạch cho vào nước cá đang sôi đã nêm gia vị trước. Chan nước canh lên bát bánh đa trắng đã trần chín, rồi rắc thịt cá phi hành lên trên cùng. Hà Nội chỉ có quan to mới ăn được kiểu thế, toàn trong nhà hàng lớn, khách quen. Bên ngoài làm gì có quán nào có bán đâu.

Quản giáo rối rít thúc.

 - Ơ ơ, mình có cải xanh, có cải xanh. Mày hái một nắm để tí tao mang về, mày ghi lại cho tao cách làm để tao bảo bà ấy làm. Nghe cũng hấp dẫn đấy, thế toàn dân nhà giàu ở Hà Nội ăn à?

Hắn gật đầu.

- Vâng, toàn quan to cả nhà giàu ăn. Nhưng không  chắc được bằng thầy, vì cá tươi luôn, rau tươi luôn. Quán trên kia có khi cá rô phi cả cải héo nó cho vào.

Quản giáo.

-Đúng. Chúng nó có tiền, chắc đéo gì bằng mình. Mình ở đây của tươi sống rành rành.

Hắn bảo.


- Em xuống hái rau cho thầy, sẽ đánh vảy, mổ cá luôn. 

Hắn xuống chỗ bờ mương quát.

- Lợi, hái rau cải rửa sạch chia làm hai mớ. Một mớ cho bốn người ăn, một mớ đủ cho anh em mình.

Thằng Lợi  chửi.

- đm con chó, mày đùa tao à?

Hắn nói.

- Lệnh của thầy.

Hắn quay sang Thắng Bọ.

- Thắng Bọ, lên giếng nước làm cá rô, chuẩn bị chiều nấu canh cải cá rô.

Thắng Bọ.

- Điên, đm ăn xong đi kỷ luật hết à?

Hắn đáp.

- Lệnh của thầy, có làm không Tao chỉ nói lại, hay bọn mày đợi ông ấy xuống đây bảo.

Lát sau hắn để cá rô làm sạch và rau rửa sạch trong hai túi nilong, đặt vào giỏ xe của ông quản giáo.

Phần lớn cá và rau còn lại, bọn tù tối hôm đó xuýt xoa khen ngon. Nước canh cá ngọt lừ, thịt cá phi hành thơm ngon đọng mãi đầu lưỡi. Ăn xong vừa tấm tắc khen ngon, vừa lo sợ mai ông quản giáo phát hiện rau mất nhiều sẽ kỷ luật. Thằng Lợi nói.

- Đm, ngon thì ngon thật, nhưng lỡ mai mà đi cùm thì ăn đéo bõ ỉa.

Đứa nào cũng thoáng vẻ lo lắng, hắn nói.

- Yên tâm đi, mai ông ấy phát hiện thì tao chịu, tao sẽ bảo tao hái cho chúng mày ăn. Chúng mày không biết gì hết. 

Sáng hôm sau, như thường lệ, vào đầu buổi sáng ông quản giáo đi thăm đồng. Đi qua vạt rau cải xanh, ông nhìn một lúc rồi đến gần hắn bảo.

- Hôm qua canh cải nấu cá rô ngon thật, bà ý cứ bảo mày dân Hà Nội có khác, sành ăn thế.

Lúc ông quản giáo đi rồi, bọn tù xúm lại hỏi.

- Ông ấy không nói gì à?

Hắn nói.

 - Ông bảo canh cá rô nấu rau cải xanh, ăn ngon nhỉ?

Cả hội bật cười, thằng Lợi hỏi.

Ư- Mày làm đéo gì mà ông ấy bỏ qua thế?

Hắn đáp.

- Tao vừa cho cả nhà ông ấy một bữa làm quan to, đại gia, quý tộc hơn bọn Hà Nội. Chẳng lẽ làm đại gia, quý tộc thành phố mà hôm nay nhìn vạt rau lại bảo, hôm qua nhà tao ăn có một góc vạt rau, còn lại đi đâu rồi à? 

Canh cá rô rau cải là món mẹ nấu cho hồi hắn còn 10 tuổi. Đấy cũng là món mẹ hắn thích nhất. Món ăn không hề đắt, nhưng lại mất công làm. Lúc hắn lớn thì mẹ già, tay chân bà run lẩy bẩy không đụng được vào dao thớt. Cuộc sống bươn chải, vợ con, làm ăn và nhiều thứ khiến hắn quên bẵng mẹ già thích món gì. Hắn lấy vợ ở nơi khác, tháng về thăm mẹ dúi tiền cho mẹ lúc ít, lúc nhiều tuỳ theo lúc kiếm ăn được nhiều hay ít. Cái lời hứa lúc ăn bát canh bánh đa cá rô mẹ nấu khi thơ đó hắn còn nhớ. Con biết làm rồi, sau mẹ thích ăn con sẽ làm cho mẹ. Lời hứa ấy bẵng một cái đã hơn 30 năm.

Lúc khó khăn nhất cuộc đời, hắn vẫn xoay sở nấu được bát canh cá rô cho người đời ăn.

Nhưng lúc này, lúc mà yên ấm, đề huề nhất từ trước đến nay. Hắn vẫn chưa nấu được cho mẹ mình như lời hứa năm nào.

Giá như còn gặp lại mẹ, việc đầu tiên hắn sẽ ra chợ mua mớ cá rô và rau cải thật tươi.

T.H.B

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Cuộc sống : CÂU CHUYỆN LÚC 2 GIỜ SÁNG - St Chi Nguyen.

 

( Hình ảnh sưu tầm trên mạng )


CÂU CHUYỆN LÚC 2 GIỜ SÁNG.


Tôi mua chiếc xe tải nhỏ và nhận chở hàng để kiếm sống. Cuộc sống của tôi hoàn toàn tự do, không phải làm thuê cho ai, ngoài chuyện kiếm sống, tôi còn có thể đem đến niềm vui cho người khác.Trên những đoạn đường dài, có rất nhiều hành khách trò chuyện cùng tôi. Những câu chuyện muôn màu của họ đã vẽ nên bức tranh cuộc sống vô cùng phong phú .... Nhưng đáng nhớ nhất là câu chuyện của một người phụ nữ kể tôi nghe vào một đêm tháng tám....

Khoảng 2 giờ sáng, sau khi nhận được cuộc điện thoại nhờ chở hàng. Tôi tìm đến địa chỉ được thông báo. Đó là một tòa nhà chìm trong bóng đêm, chỉ có chút ánh đèn le lói hắt ra từ cửa sổ tầng trệt. Thông thường, các tài xế bóp còi một hai lần rồi đợi vài phút, nếu không thấy người ra thì lái xe đi, coi như mình bị một kẻ vô công rỗi nghề nào đấy chọc phá. Nhưng tôi thì vẫn cứ im lặng đậu xe ngoài cửa, lòng thầm nghĩ : Biết đâu người khách kia thực sự cần sự giúp đỡ thì sao ?

Chờ một lúc sau, tôi xuống xe và bước đến gõ cửa.

-- Giọng trả lời run run, yếu ớt của một phụ nữ lớn tuổi vọng ra. Vui lòng đợi tôi một phút.

Tới gần tôi nghe có một vật gì đó rất nặng, rơi xuống nền nhà .... cánh cửa từ từ mở .... dáng bà thấp bé đứng trước mặt tôi, tay xách một chiếc valy nhỏ. Nhìn vào trong, cảm tưởng như căn nhà này đã nhiều năm không ai ở, tất cả đồ đạt đều phủ khăn, trên tường chẳng hề có một cái đồng hồ treo tường hay tranh phong cảnh để trang trí gì ...

-- Cậu có thể mang giúp tôi cái thùng này ra xe không ? 

Vâng thưa bà.! Sau khi khuân hết đồ đạc, tôi dìu bà lên xe.

-- Bà đưa tôi một mảnh giấy nhỏ chỉ đường .

Nhìn tờ giấy tôi nói nhanh. Nếu đi theo đường này thì xa lắm bà ạ, cháu biết có một con đường khác nhanh hơn .

-- Bà trả lời :  Không sao, tôi không vội gì, tôi cần ghé vào một trại tế bần trên đường đi .... ngập ngừng một lát bà nói tiếp, tôi không có gia đình để về, bác sĩ bảo tôi không còn sống bao lâu nữa !! 

Nghe bà nói tôi lặng người và chạy thật chậm. Suốt hai giờ, tôi chở bà loanh quanh khắp thành phố theo sơ đồ được vẽ sẵn .... Bà chỉ tôi ngôi trường mà ngày xưa bà từng là giáo viên ở đó ... rồi căn nhà bà từng sống khi mới kết hôn... ngang qua cửa hàng trang trí nội thất bà nói, trước đây nó từng là một Câu Lạc Bộ Khiêu Vũ....có lúc ngang qua một cao ốc, bà yêu cầu tôi lái xe chậm, rồi đưa mắt nhìn vào khoảng không gian tối đen trước mặt. Chúng tôi cứ đi như vậy, mãi khi trời gần sáng bà bất chợt bảo:

-- Tôi cũng hơi mệt rồi, anh đưa tôi đến địa chỉ ấy thôi.

Tôi lặng lẽ lái xe đến địa chỉ ghi trên mảnh giấy...

Đến nơi, đó là một ngôi nhà cũ kỹ, nằm sâu trong hẻm, giống như một nhà An Dưỡng, phía trước có chiếc cổng mái vòm .

-- Bà nói với tôi : Đấy là Trại Dưỡng Lão. Bắt đầu từ hôm nay tôi sẽ sống ở đây. Khi các con biết bệnh tình của tôi, chúng gởi tôi vào nơi này. Ngôi nhà lúc nãy sẽ bán đi để chia cho chúng. Không hiểu sao, suốt đêm qua tôi không ngủ được, nên quyết định đến sớm hơn dự tính...

Tôi nhủ thầm " Sao lại sớm hơn dự tính ??".Thấy tôi tỏ vẻ khó hiểu, bà cười buồn

-- À, các con tôi định tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ để tiễn tôi đi vào chiều nay ấy mà. Tôi thấy nên ra đi trước khi điều đó xảy ra thì hơn. Những người già như chúng tôi rất sợ những cuộc tiễn đưa .... vào Trại Dưỡng Lão cần gì mà đưa tiễn chứ. Cảm ơn cậu đã cho tôi những giờ phút tuyệt vời. Hôm nay là ngày cuối cùng, tôi được thăm lại những nơi mà tôi yêu thương, ngày cuối cùng tôi được tự do đi lại ..

Tôi thấy nước mắt bà ứa ra, miệng cứ lẩm bẩm .

-- Hôm nay là ngày cuối cùng... ngày cuối cùng .... rồi bà loay hoay mở ví tiền.... À tôi phải trả cho cậu bao nhiêu ? 

Không có gì đâu, thưa bà .!

-- Nhưng anh còn phải sinh sống nữa chứ, xe là phương tiện làm ăn của anh mà.!

Đó là với những hành khách khác bà ạ ! Rồi dường như chẳng kịp suy nghĩ gì cả, tôi cúi xuống ôm chầm lấy bà.

-- Bà cũng xúc động, quàng tay vỗ vỗ vào lưng tôi yếu ớt ... cảm ơn... cảm ơn cậu !!. 

Một anh bảo vệ Trại Dưỡng Lão bước ra đỡ lấy hành lý và dìu bà đi vào . Chiếc mái vòm oai phong, bệ vệ đón lấy tấm thân run rẩy của bà ....

Ngoài kia .... mặt trời đã lên cao..!!


🛑 Cha mẹ họ không bỏ bạn khi bạn còn bé..thì bạn đừng rời bỏ cha mẹ khi họ về già...ông bà ta có câu: Sóng trước đổ đâu - sóng sau đổ đấy....


Sưu tầm - Chi Nguyen 


Ngẫm : ĐỪNG TRANH CÃI... - St trên FB.

 




ĐỪNG TRANH CÃI VỚI CON LỪA

Con lừa nói với con hổ:

- "Cỏ màu xanh lam".

Con hổ đáp:

- "Không, cỏ xanh lục."

Cuộc thảo luận nóng lên, và cả hai quyết định đưa nhau ra phân xử, và vì điều này, họ đi tới con sư tử, Vua rừng.

Ngay trước khi đến khu rừng phát quang, nơi con sư tử đang ngồi trên ngai vàng của mình, con lừa bắt đầu hét lên:

- “Thưa điện hạ, có phải cỏ là màu xanh lam không?”.

Sư tử đáp:

- "Đúng vậy, cỏ là màu xanh lam."

Con lừa vội vàng và tiếp tục:

- “Con hổ không đồng ý với tôi, mâu thuẫn và làm phiền tôi, hãy trừng phạt nó.”

Sau đó nhà vua tuyên bố:

- "Con hổ sẽ bị trừng phạt 5 năm im lặng."

Con lừa vui vẻ nhảy lên và tiếp tục con đường của mình, bằng lòng và lặp lại:

- “Cỏ xanh lam”…

Con hổ chấp nhận hình phạt của anh ta, nhưng trước khi đi, anh ta hỏi sư tử:

- "Bệ hạ, tại sao lại phạt ta ?, rốt cuộc cỏ cũng xanh lục."

Sư tử đáp:

- "Trên thực tế, cỏ là màu xanh lục."

Con hổ hỏi:

- “Vậy tại sao Ngài lại trừng phạt tôi?”.

Sư tử đáp:

- “Điều đó không liên quan gì đến câu hỏi cỏ có màu xanh lam hay xanh lục. Hình phạt là bởi vì không thể để một sinh vật dũng cảm và thông minh như ngươi lại lãng phí thời gian tranh cãi với một con lừa, hơn nữa lại đến quấy rầy ta phán xử câu hỏi kia. ”

Sự lãng phí thời gian tồi tệ nhất là tranh cãi với kẻ ngu ngốc và cuồng tín, kẻ không quan tâm đến sự thật hay thực tế, mà chỉ quan tâm đến sự chiến thắng của niềm tin và ảo tưởng của mình. Đừng bao giờ lãng phí thời gian vào những lập luận không có ý nghĩa…

Có những người, cho dù chúng ta đưa ra bao nhiêu bằng chứng cho họ, họ cũng không thể hiểu được...một số người khác bị che mắt bởi cái tôi, hận thù, ngu ngốc và tất cả những gì họ muốn là đúng ngay cả khi không phải như vậy.

Khi sự ngu dốt kêu gào, thì trí thông minh im lặng. Sự bình yên và yên tĩnh của bạn đáng giá hơn!

St trên FB. 

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Bài hát : CHO NHAU - Kim Dung.


 


CHO NHAU. 

* Sáng tác: Kim Dung 

* Trình bày: CS Sao Mai - Ben Nguyễn 


Đâu chỉ ngày 8/3, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm... và suốt cuộc đời, người phụ nữ luôn cần được tôn trọng và yêu thương

Thân mời ACE và các bạn nghe bài hát Cho Nhau của KD nhé. Bài hát được trình bày rất hay bởi hai ca sỹ  Sao Mai và Ben Nguyễn. Chúc tất cả mọi người trong chúng ta - nhất là các bạn nữ- luôn được yêu thương và bình an trong cuộc sống.

Cám ơn hai em CS Sao Mai và Ben Nguyễn đã trình bày bài hát rất hay và rất tình cảm!

Cám ơn anh Song Huynh đã viết lời Karaoke cho bài hát của em nhé.

Lyrics 

CHO NHAU

Hãy cho nhau một trời nắng ấm

Hãy cho nhau nụ cười ánh mắt

Dù mai xa cách người

Hãy quên đi nỗi buồn số kiếp

Hãy cho nhau tình nồng thắm thiết

Đừng tiếc gì nhau

Yêu đi đừng ngại ngần

Cho nhau dù muộn màng

Để buồn trôi vào quên lãng

Bên nhau dù một lần

Mai xa cách ngàn trùng

Chỉ còn lại nỗi nhớ trên tay


Xin cám ơn người tình hỡi

Đã cho ta những ngày vui

Cho ta hạnh phúc tuyệt vời

Bao dấu yêu vẫn còn đó

Theo tháng năm chẳng nhạt phai

Xin cám ơn người tôi yêu 

Xin cám ơn đời đã cho ta tìm thấy nhau.

KIM DUNG.


Đường link you tube 

https://www.youtube.com/watch?v=i4nK3lWMQZs

Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

Thơ: NGÀY TÁM THÁNG BA - hathuthuy

 



NGÀY TÁM THÁNG BA

Bó hoa con tặng mẹ

Mừng ngày tám tháng ba

Gió trên sông la đà

Nắng buông lơi nhè nhẹ.


Tháng 3 ơi! Tháng 3!

Sông Đồng êm như thế 

Lục bình trôi xa xa

Không đâu bằng quê nhà.

hathuthuy 

.

Phương xa: HAI NƯỚC TỰ DO - St trên FB.

 












(Hình phía trên : "đường biên giới" ở giữa một đôi trai gái, một bên USA một bên là CANADA !)

HAI NƯỚC TỰ DO.

☘️ Biên giới Canada - Hoa Kỳ dài gần 9000km kéo dài từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương là đường biên giới dài nhất trên thế giới giữa hai quốc gia. Đây cũng là đường biên giới yên bình nhất, đường biên giới này không hề có biên phòng vũ trang cũng chẳng có cột mốc hàng rào thép gai loa phóng thanh gì cả.


Đường biên giới này đi qua các rừng cây, lúc này đường biên rộng 6m không có cây mọc, mỗi bên Mỹ và Canada tự trả kinh phí phụ trách 3m cắt cây để lộ một đường thẳng xuyên rừng.


Đường biên này đi qua cả sông hồ thác nước, nước thì không kẻ được, Mỹ và Canada kệ nó. 


Đường biên đi qua cả các con phố, các thị trấn làng mạc, con phố… lúc này đường biên là các vạch kẻ sơn. 


Đường biên đi qua cả những ngôi nhà, đất đai họ sở hữu tư nhân, nhà họ nằm giữa hai quốc gia kệ họ, ko ai vào được. Có anh chị chủ sở hĩu căn nhà có đường biên đi qua, một lần anh chủ nhà người Mỹ đứng trong nhà và đi ra ban công, nhưng ban công anh lại thò sang đất Canada. Khi đó tình cờ có sĩ quan Canada đi qua, anh sĩ quan dừng lại đứng dưới phố nhìn lên ban công và nói : 

“ Chào mừng đến với Canada, chúc quý khách có một chuyến đi vui vẻ “ 


Đường biên giới này đi qua cả những thư viện, họ kẻ vạch khắp sàn nhà thư viện và để người dân hai nước tự do ra vào thư viện và đọc sách miễn phí. 


Đường biên này đi qua cả các quán bar, thông thường mọi người vào quán bar có kẻ vạch biên giới. Lúc mới vào, người Mỹ ngồi một bên, người Canada ngồi bên phần đất của họ, đến lúc ziệu say rồi thì hai bên bắt đầu vượt biên và nhẩy múa 


Biên giới Mỹ- Canada, đường biên giới nhiều cảm xúc nhất, yên bình nhất và là đường biên nhiều du khách muốn khám phá nhất. 


🍁🍁🍁

Nguồn MTĐN 

Vule Bt ( Bài & Ảnh )

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Vui vui: TƯỞNG BỞ! - St trên FB.

 TƯỞNG BỞ! 

Sưu tầm trên FB 

Thơ: NHỚ CẢNH CẦU HÀM RỒNG - Tản Đà (1932)

 


NHỚ CẢNH CẦU HÀM RỒNG

Thơ TẢN ĐÀ


Ai xui ta nhớ Hàm Rồng

Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây


Từ ta trở lại Sơn Tây

Con đường Nam Bắc ít ngày vãng lai

Sơn cầu còn đỏ chưa phai?

Non xanh còn đối? sông dài còn sâu?

Còn thuyền đánh cá buông câu?

Còn xe lửa chạy trên cầu như xưa?

Lấy ai viếng cảnh bây giờ?

Mà hay cảnh có đợi chờ cùng nhau?


Ước sao sông cứ còn sâu

Non xanh còn cứ giữ mầu xanh xanh!

Khung cầu còn cứ như tranh

Hoả xa cứ chạy, bộ hành cứ đi!

Xuân sang cỏ cứ xanh rì!

Thuyền ai chài lưới con chì cứ tung!


Sơn Tinh, Hà Bá hay cùng

Giữ nguyên phong cảnh Hàm Rồng đợi ta

Có ngày xe lửa đi qua

Trong xe lại có Tản Đà đứng trông

Lại vui cùng núi cùng sông

Người xưa cảnh cũ tương phùng còn lâu

Nhắn non, nhắn nước, nhắn cầu!


(An Nam tạp chí, 1932)


Nguồn:

1. Tản Đà toàn tập - tập I, NXB Văn học, 2002

2. Tản Đà vận văn toàn tập, NXB Hương Sơn, Hà Nội, 1945.