Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Thơ : NÀNG XUÂN - Xuân Duyên.





NÀNG XUÂN

Mùa xuân đang đến rồi đó anh
Con chim lúng liếng hót chuyền cành
Tiếng sáo vi vu hòa điệu hát
Hoa vàng hé nụ..chớm mầm xanh
  Mắt biếc ai đùa theo  v ạt nắng
  Nhẹ nhàng kẻo chạm cánh mong manh
  Nàng xuân e ấp trong như đã..
  Gởi gấm tâm tình.. thoáng long lanh
       

 XUÂN DUYÊN - 1/1/2020

Thơ : TỰ TRÀO CUỐI NĂM - Huỳnh Văn Huê



(Họp mặt bạn học trung học Ngô Quyền-Biên Hòa 9-2019)
(Họp mặt bạn học khóa 12 Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp SG 12-2019)

         Thơ TỰ TRÀO CUỐI NĂM. 

Cuối năm đã thấy lao xao 
Hễ nghe họp mặt ào ào... đứng lên !!!...
Tháng chín họp mặt Ngô Quyền 
Mười hai là tháng họp liền Nông Lâm
Bạn bè đâu phải xa xăm 
Cuối năm ta nhớ tình thâm năm nào 
Cho dù sáu chín (*) đã sao ?
Gặp nhau ta cứ ào ào... đứng lên!!!... 

HUỲNH VĂN HUÊ  ( 31-12-2019 )
-----------------
(*) 69 tuổi ÂL

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

Thơ : SỚM MÙA ĐÔNG - Xuân Duyên.





SỚM MÙA ĐÔNG

Lành lạnh sương mờ sớm mùa đông
Áo len ướm thử.. má em hồng
Xoa bàn tay nhỏ.. trao hơi ấm
Mấy bận ngượng ngùng bóng ai trông
    Gió lùa se sắt ngoài song cửa
     Hoang hoải mơ theo mái tóc bồng
     Tình em còn đó, hoài mong nhớ
      Đông buồn năm cũ.. có còn không?
         

 XUÂN DUYÊN -12/2019

Thơ : LẬP ĐÔNG RỒI... - Văn Châu.





LẬP ĐÔNG RỒI
       - NHỎ VỀ CAO NGUYÊN KHÔNG?

        ( Thà rằng Người không hẹn
        Để tôi khỏi mong chờ
        Nhưng Người bảo sẽ về
        Nên tôi...đành phải đợi! )

Lập đông rồi- Nhỏ về Cao nguyên không?
Để anh dắt lên thăm đồi cỏ hồng
Có lẽ năm nay trời lạnh sớm
Nên dã quỳ cũng kịp nở vài bông.

Lập đông rồi- Nhỏ về Cao nguyên không?
Trời mù sương cho má đỏ, môi hồng
- Hãy nhớ choàng thêm khăn đủ ấm
Kẻo rồi cảm lạnh đấy nghe không!

Lập đông rồi- Nhỏ về Cao nguyên không?
Phố vẫn xưa, sao anh cứ nao lòng
Mây thật thấp và trời gần quá đỗi
Rất mơ màng đầy xao xuyến, bâng khuâng.

Lập đông rồi- Nhỏ về Cao nguyên không?
Bài thơ anh mới viết nửa chừng
Đợi lúc Nhỏ về thêm vần nữa
Là sẽ thành Phiên Khúc Của Mùa Đông.|

Lập đông rồi- Nhỏ về Cao nguyên không?

VĂN CHÂU (11-2019)

MỪNG NOEL VÀ NĂM MỚI 2020 - MCHX blog.


MỪNG NOEL VÀ NĂM MỚI 2020 !

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Thơ : TÌNH YÊU NGANG TRÁI - HTT





TÌNH YÊU NGANG TRÁI.

Lạy Chúa ! Con là người ngoại đạo
Nhưng trong con Thiên Chúa tràn đầy
Con mang nặng tình yêu ngang trái
Cứu rỗi tình con với Chúa ơi!!

HTT ( 22-12-2019 )

Thơ : BÊN MẸ LÀ XUÂN - HTT



       ( Hình ảnh trên Facebook )

BÊN MẸ LÀ XUÂN

Thèm lắm bàn tay mẹ
Nhớ lắm lời ủi an
Thương lắm giọng hiền hiền
Nhớ lắm mẹ yêu ơi
Hương vị vào cuối năm
Nhớ mẹ thật là nhớ
Muốn ôm mẹ ngày Đông
Thấy ấm nồng sâu lắng
Ôi mẫu tử thiêng liêng
Làm sao con tả hết
Tình mẹ dành cho con
Cuối Đông con sẽ về
Ôm mẹ như nàng Xuân
Cho thỏa lòng thương nhớ
Xuân bên mẹ là Xuân...

HTT ( 19-12-2019 )

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Vui cười : HAI VỢ CHỒNG GIÀ NÓI CHUYỆN - St trên mạng.


Cuộc sống : TRONG RỦI CÓ MAY - St trên mạng.



TRONG RỦI CÓ MAY.

Có một vị quốc vương rất thích săn bắn, và thường cùng tể tướng cải trang vi hành. Câu cửa miệng của thừa tướng là: “Tất cả đều là sự an bài tốt nhất”.
Một hôm, quốc vương vào rừng sâu săn bắn, ông bắn một mũi tên hạ được một con báo hoa. Quốc vương xuống ngựa đến xem báo hoa. Nào ngờ báo hoa dùng hết sức tàn, lao lên vồ, cắn đứt đốt ngón tay út của ông.
Quốc vương bảo tể tướng uống rượu giải sầu, ai ngờ tể tướng lại mỉm cười nói: “Bẩm đại vương, ngài hãy nghĩ thoáng một chút, tất cả đều là sự an bài tốt nhất!”.
Quốc vương nghe vậy rất bực mình, nói: “Nếu quả nhân tống giam khanh vào ngục, đó cũng là sự an bài tốt nhất sao?”.
Tể tướng mỉm cười nói: “Nếu là như vậy, thần cũng tin rằng, đó là sự an bài tốt nhất”.
Quốc vương nổi giận, sai người đem tể tướng tống giam trong ngục.
Một tháng sau, quốc vương đã dưỡng lành vết thương, một mình đi vi hành. Ông đến một vùng núi rừng hẻo lánh, bỗng từ trên núi một nhóm thổ dân xông xuống, bắt ông trói gô lại rồi đem về bộ lạc.
Bộ lạc nguyên thủy trên núi, mỗi khi đến ngày trăng tròn đều xuống núi tìm vật tế Nữ Thần Mặt Trăng. Thổ dân chuẩn bị đưa quốc vương đi thiêu để tế Thần.
Đúng lúc quốc vương tuyệt vọng, viên quan tư tế bỗng kinh hãi thất sắc, ông ta phát hiện ra ngón tay út của quốc vương bị thiếu một đốt. Đây là đồ tế không hoàn mỹ, nhận được đồ tế như thế này, Nữ Thần Mặt Trăng sẽ nổi giận. Thế là nhóm thổ dân thả quốc vương đi.
Quốc vương mừng rỡ, sau khi về cung sai người thả ngay tể tướng, bày tiệc rượu mời. Quốc vương nâng chén chúc rượu tể tướng rằng: “Khanh nói thực sự không hề sai chút nào, quả nhiên, tất cả đều là sự an bài tốt nhất! Nếu chẳng phải quả nhân bị báo hoa cắn, thì hôm nay ngay cả mệnh ta cũng đã mất rồi”.
Quốc vương bỗng như nhớ ra điều gì, hỏi tể tướng: “Nhưng khanh vô duyên vô cớ bị giam trong ngục hơn một tháng, vậy thì nói sao đây?”.
Tể tướng chậm rãi uống chén rượu, rồi mới nói: “Nếu thần không bị giam trong ngục, thế thì người tháp tùng bệ hạ đi vi hành ắt là thần. Khi thổ dân phát hiện ra bệ hạ không phù hợp để tế Thần, vậy chẳng phải sẽ đến lượt thần đó sao?”.
Quốc vương không nén nổi phá lên cười ha hả, rồi nói: “Quả nhiên không sai, tất cả đều là sự an bài tốt nhất!”.
Câu chuyện trên nói nên một đạo lý: Khi chúng ta gặp sự việc không như ý, tất cả nhất định là sự an bài tốt nhất! Chớ buồn rầu, chớ chán nản, cũng không được nhìn nhất thời. Hãy đưa tầm mắt nhìn ra xa, mở rộng tầm nhìn cuộc đời. Chớ than thân trách phận, chớ trách Trời oán người, hãy luôn luôn lạc quan, cố gắng, tin rằng Trời không tuyệt đường sống con người.
Trong phúc có họa, trong họa có phúc bởi vì tất cả đều là sự an bài tốt nhất
Hãy cứ lạc quan, cố gắng, ông Trời không tuyệt đường sống con người. (Ảnh: pixabay.com)
“Tất cả đều là sự an bài tốt nhất”, đây chính là câu chuyện mà các bậc thầy thôi miên tâm lý thích kể nhất. Vì họ thấy rằng, tiềm ý thức của con người vô cùng lớn mạnh, hơn nữa lại không có khả năng phán đoán, chỉ cần chúng ta nhập vào câu lệnh và chương trình chính xác, tiềm ý thức sẽ nghe theo và thực hiện. Thôi miên là phương pháp nhanh nhất ảnh hưởng đến tiềm ý thức, gây dựng lại tiềm ý thức.
Câu chuyện này có tác dụng chính diện tích cực, thực tế chứng minh tác dụng vô cùng lớn. Rất nhiều người nghe xong câu chuyện này, đều có sự cải biến cuộc đời, hơn nữa cuộc đời sau đó còn tiếp tục chứng minh câu nói ấy.
Kỳ thực, chỉ cần chúng ta suy nghĩ lại kỹ lưỡng mỗi sự kiện trong cuộc sống, cũng có thể tự nói với bản thân rằng: “Tất cả đều là sự an bài tốt nhất”. Khi ở quanh chúng ta có người phát tín hiệu cầu cứu, như tâm trạng chán nản, nổi giận đùng đùng, hoặc hành vi dị thường, thì hãy kể câu chuyện này cho họ, khơi thông tâm lý hữu hiệu hơn các biện pháp dự phòng rất nhiều.
Do đó, tất cả đều là sự an bài tốt nhất. Cảm ơn hết thảy những gì chúng ta gặp trong cuộc đời.
Theo mạng Lệ Chí
Nam Phương biên dịch

Thơ : BÓNG GIÁO ĐƯỜNG - Thạch Thảo.




BÓNG GIÁO ĐƯỜNG

Chiều đông lành lạnh se se gió
Vẳng tiếng chuông ngân nóc giáo đường.
Xóm đạo rộn ràng mừng đón Chúa
Noel về ấm áp mùa thương.

Em ngoan nhất xứ,quỳ xin lễ
Cầu nguyện khiêm cung bên cạnh chàng.
Đất nước an vui người hạnh phúc
Tay làm dấu thánh.Biết ăn năn.

Lấp lánh đèn hoa nơi máng cỏ
Đàn chiên mừng đón Chúa hài đồng.
Cầu kinh nho nhỏ mùa sao sáng
Phúc thảo thơm lành.Đau đáu mong.

Hồi chuông tan lễ tàn cơn mộng
Và giấc mơ buồn cũng bể dâu
Cho dẫu em là người ngoại đao
Vẫn tin Chúa ngự ở trên đầu.

Noel về nhớ chàng-ngoan đạo
Nhớ mối tình thơ.Bóng giáo đường
Hình ảnh xưa còn hoài ký ức
Mỗi mùa lành lạnh chợt... thương thương.

Viết về một mùa xưa-Tặng TNH

 Masteri Thảo Điền mùa Noel 2019
     Thạch Thảo Bình Dương.

* Ảnh của họa sĩ Quang Thám

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Cuộc sống: GIEO GÌ GẶT NẤY - St trên mạng.





GIEO GÌ GẶT NẤY

Ðời sống là một chuỗi ngày gieo giống. Mỗi ngày ta gieo trong tư tưởng lời nói và hành động để một ngày kia ta sẽ gặt. Mặc dù khoảng thời gian có thể rất xa xôi như thể không bao giờ gặt, nhưng chắc chắn mùa gặt sẽ tới. Nhiều bó lúa phải gặt trước khi ta chết, và nhiều bó khác sẽ phải gặt trong cõi vĩnh hằng.

Một người giàu có đã cao tuổi, để lại tất cả tài sản cho đứa con duy nhất và dự định sống với nó cho đến khi chết. Nhưng sau một thời gian chung sống, người con dâu chán không muốn thấy bố chồng ở mãi trong nhà nên bảo chồng phải đưa bố đi nơi khác ở. Người con không muốn mất cảm tình với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nơi rẻ tiền nhất.
Một tuần sau đó hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Ði được một lúc bỗng nhiên người cha bật khóc, Lương tâm người con không chịu nổi, anh nói vài câu xin lỗi cha.

Sau một vài phút, người cha bị hất hủi nghẹn ngào nói:
- Con ơi, cha không khóc vì con đưa cha vào nhà dưỡng lão dành cho những người già nua tàn tạ, nhưng cha khóc vì nhớ lại cách đây bốn mươi năm, cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con và cũng đưa người vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ gặt lấy những gì mà cha đã gieo khi trước thôi.

Bạn thì sao? Bạn có sống với những nghĩa cử thương yêu hay đang chắt bóp và chỉ lo cho chính mình? Hãy nhớ rằng: ta gặt những gì mình đã gieo.

ST TRÊN MẠNG .

Tản văn : ĐỨA TRẺ KHÔNG RÕ CHA - St trên mạng.





ĐỨA TRẺ KHÔNG RÕ CHA

Tôi cầm túi đồ ăn ném mạnh vào giỏ rác, nói như hét: "Đã nói má đừng có lên nữa, sao không chịu nghe vậy? Tiền nè, má về đi". Mẹ tôi run rẩy bước tới cạnh thùng rác: "Thôi, con không ăn thì má đem về... Tại má nhớ con quá thì lên thăm chớ má đâu có cần tiền. Mai mốt con về thì hết con nước rồi, má sợ không có cá ngon như vầy nữa...".

Tôi dịu giọng: "Sao má không chịu nhớ? Lâu rồi con đâu có thích ăn cá linh? Cá gì mà xương không...". Mẹ tôi mở giỏ lấy ra túm bông điên điển: "Vậy má để lại cái này cho con nghen? Nước rút rồi nên bông cũng ít. Hôm qua má phải đi hái cả buổi mới được nhiêu đây". Tôi thấy chạnh lòng nên gật đầu: "Má cứ để đó cho con. Thôi, má về đi, con phải đi làm đây".

Tôi đứng nhìn theo mẹ bước thấp, bước cao khuất dần nơi đầu hẻm. Tôi để mẹ đi một mình vì không muốn người trong hẻm biết tôi có một người mẹ tật nguyền...

"Cô Tư què", "bà Tư què"... là những tiếng mà tôi nghe người ta gọi từ khi tôi nhận biết sự bất thường của đôi chân mẹ. Lớn lên một chút, tôi biết mẹ tôi bị tật cả hai chân từ lúc mới lọt lòng. Bà ngoại mất khi mẹ tôi mới 16 tuổi. Sống một mình giữa đồng nước mênh mông, một đêm mưa nọ, mẹ đã bị một gã đàn ông cùng xóm cưỡng hiếp. Kết quả là tôi có mặt trên cõi đời này với bao nhiêu điều tiếng xấu xa.

Thế nhưng với mẹ thì ngược lại. Bà xem đó là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho mình. "Má nói thật đi, ai là cha con?". Không phải chỉ một lần, tôi hỏi mẹ câu đó. Nhưng lần nào cũng vậy, mẹ chỉ lặng im. Có lần tôi làm dữ thì mẹ nói: "Con biết thì cũng đâu có lợi ích gì mà còn làm cho gia đình người ta xào xáo. Thật lòng, má phải mang ơn người ta chớ thân má như vầy, ai mà thèm...".

Tôi lớn lên như một cái cây non thiếu ánh sáng. Sau lưng tôi, người ta xầm xì: "Đồ con hoang". Rồi đến những đứa bạn học cùng lớp cũng trêu chọc: "Đồ không cha". Mấy tiếng "con hoang" như một vết chém sâu hoắm vào tâm hồn non nớt của tôi. Không biết từ bao giờ, trong tôi chỉ còn lại sự căm ghét người mẹ tật nguyền của mình. Trong mắt tôi, mẹ là một kẻ tội đồ vì đã sinh ra một đứa con mà không cho nó biết cha nó là ai...

Lên lớp 10, tôi ra thị xã học. Suốt những năm học cấp 3, tôi chỉ về nhà dịp hè và Tết dù từ nhà ra thị xã chỉ mất 30 phút đi xe máy. Thằng Kiên con bác Ba Bảo ở cạnh nhà có nhiệm vụ "tiếp tế" cho tôi mỗi tuần. Có lần nó bảo: "Ê, sao mày không về thăm má mày? Tao thấy tội nghiệp má mày lắm. Hôm trước hình như bả bị bịnh đó".

Tôi có hơi băn khoăn nhưng rồi lại quên ngay. "Mày về nói với má tao là nhớ mua thuốc uống, lúc này tao bận học lắm nên không về được". Thằng Kiên bĩu môi: "Mày đúng là con bất hiếu".

Học hết lớp 12, tôi quyết định lên Sài Gòn. "Lên trên đó dễ kiếm tiền lắm"- chị Thu con bác chủ nhà tôi ở trọ bảo. Chị làm đầu bếp trong một nhà hàng lớn ở Sài Gòn, lương mỗi tháng cả chục triệu. Chị hứa sẽ đỡ đầu nếu tôi muốn lên trên ấy.

Mẹ tôi đã khóc cả đêm khi biết ý định này. "Con lên trên đó làm sao má đi thăm?"- mẹ tôi sụt sịt. Tôi nạt: "Ai cần má thăm? Má cứ ở nhà, con làm có tiền sẽ gởi về nuôi má".

Vậy là tôi đi. 4 năm qua, tôi về thăm nhà đúng 1 lần. Mẹ tôi nhờ thằng Kiên dò la tin tức. Biết chỗ tôi làm, nó gọi điện thoại trách: "Mày đúng là con bất hiếu. Nếu tao không gọi, chắc mày cũng im luôn. Má mày lo tới bịnh luôn đó". Tôi bực vì cái tiếng "bất hiếu" của nó nên nạt: "Mày còn nói cái giọng đó nữa thì đừng có gọi điện cho tao nghe chưa". Nói rồi tôi cúp máy.

Có lẽ nó tức lắm nên dẫn mẹ tôi lên tận Sài Gòn tìm tôi. Dĩ nhiên là nó bị tôi chửi vuốt mặt không kịp. Mẹ tôi cũng bị vạ lây: "Còn má nữa, ai biểu má lên đây?". Thật sự thì đâu có ai biểu mà chỉ có tấm lòng, tình yêu của một người mẹ đã thúc giục mẹ tôi lặn lội đi tìm con. "Tại con không về nên má nhớ..."- mẹ tôi rưng rưng. Thấy vậy, tôi cũng không nỡ rầy la: "Thôi được, má muốn lên thì cứ lên; nhưng con nói trước là con không có về dưới nữa đâu".

Từ đó, cứ vài tháng, mẹ tôi lại lặn lội từ Châu Đốc lên Sài Gòn thăm con. Thỉnh thoảng thằng Kiên rảnh thì lại đi cùng với mẹ. Có lần nó đùa: "Ê, má bà đã hứa gả bà cho tui rồi đó nghen. Bà ở trên này đừng có lộn xộn". Tôi không nhớ nó đã đổi cách xưng hô từ khi nào nhưng vừa nghe vậy đã đổ quạu: "Đừng có mơ. Tui không bao giờ trở về cái xứ đó. Mà ông cũng đừng có ăn nói bậy bạ". Nó cười hì hì: "Giỡn bà thôi chớ cái thứ con cái không ra gì như bà, có cho tui cũng không thèm lấy".

Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như tôi không tình cờ quen một người. Anh là trưởng phòng của một công ty lớn. Chân dung của tôi trong mắt anh là một đứa trẻ mồ côi, tự lập, tự bươn chãi vào đời... "Anh yêu em vì những điều đó. Em là một cô gái đầy nghị lực"- có lần anh bảo tôi như vậy.

Tôi gọi điện cho Kiên: "Ông đừng có dẫn bà già lên nữa nghe chưa. Tôi nói với người ta là tôi mồ côi...". Vừa nghe vậy, Kiên đã sừng sộ: "Bà ăn nói gì bất nhơn thất đức vậy? Má bà còn sống sờ sờ đó mà". "Tui nói rồi, ông mà còn dẫn má tui lên là đừng có trách sao tui cạn tình nghen"- tôi nói dứt khoát.

Kiên còn dẫn mẹ tôi lên một lần nữa. Sau đó, hắn mất biệt. Mẹ tôi lại lặn lội đi một mình. Tôi bực bội ra tối hậu thư: "Má đừng có lên đây nữa, con khó ăn khó nói với người ta. Nếu má không nghe lời, con sẽ đổi chỗ ở, không cho biết số điện thoại luôn".

Lần đó về, mãi 4 tháng sau mẹ tôi mới dám lên. Đó chính là cái lần tôi đã vứt giỏ đồ ăn mà mẹ lụm cụm mang từ nhà lên cho tôi. Và vì giận mẹ không nghe lời nên tôi đã đổi chỗ ở và không thèm gọi điện thoại về nhà.

Cho đến một hôm, tôi bỗng thấy ruột gan mình bồn chồn. Tôi lục tìm số điện thoại của Kiên. Nhưng tôi tìm mãi mà chẳng thấy. Bẳng đi một thời gian khá lâu, khi sắp xếp lại đồ đạc, tôi tìm được quyển sổ trong đó có ghi số điện thoại của Kiên. Tôi mừng quýnh vội gọi ngay. Vừa nghe tiếng Kiên, tôi đã líu lo: "Xin lỗi nghen, tui bỏ mất số điện thoại của ông, giờ mới tìm được. Ông sao rồi? Khỏe không? Cưới vợ chưa hay là còn chờ tui?".

Không nghe Kiên trả lời, tôi lại ghẹo: "Ê, bộ còn giận hả?". Bên kia, giọng Kiên thật chậm: "Giận làm gì cái thứ không phải con người như bà". Tôi chột dạ: "Làm gì mà nặng lời như vậy? Ông thấy má tui khỏe không?".

Không có tiếng trả lời. Tôi sốt ruột: "Nói đi chớ, tốn tiền điện thoại của người ta...". Kiên thủng thẳng: "Giỏi lắm thì bà cũng chỉ tốn tiền điện thoại một lần này chớ mai mốt có muốn tốn cũng không được...". Tôi phát bực nên gắt: "Nói gì thì nói lẹ lẹ lên, không thôi tui cúp máy à".

Lần này tôi không phải chờ lâu vì Kiên nói ngay: "Má bà mất rồi". Tôi nghĩ là Kiên nói đùa: "Ê, hết chuyện giỡn rồi sao? Má tui đang mạnh sần, ông trù ẻo hả? Đồ xấu xa". "Còn bà là đồ bất hiếu. Muốn biết thì về. Tui cúp máy đây".

Giọng Kiên cụt ngủn. Hắn cúp máy thật. Tôi gọi lại, chuông vẫn đổ nhưng hắn nhất quyết không nghe máy. Bán tín, bán nghi, hôm sau tôi chạy về...

Kiên không hề nói đùa. Mẹ tôi đã mất cách nay hơn 3 tháng. Trước đó, bà đã bệnh không ăn uống cả tuần... Kiên kể với tôi, hôm đám tang mẹ tôi, trời mưa tầm tả. Những người đưa đám đều khóc khi thấy người đứng ra lo ma chay cho mẹ tôi lại là Kiên. "Tui có nhờ nhắn tin trên truyền hình, cả đăng báo nữa..."- giọng Kiên buồn buồn.

Tôi cúi đầu, không dám nhìn vào ảnh mẹ. Kiên đã nói đúng. Tôi không chỉ là một đứa con bất hiếu mà thậm chí, tôi cũng không đáng làm một con người. Tôi có mẹ mà như một đứa con hoang...

(Nguồn: Diễm Chi/Webtretho)

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

Tản mạn : ĐI TÌM MỘ ÔNG... - Trần Thị Trung Thu.





ĐI TÌM MỘ ÔNG NGUYỄN HIẾN LÊ

“Mộ Nguyễn Hiến Lê hả? Chị không biết. Chị chưa nghe cái tên này bao giờ” – chị D. lắc đầu. Nhìn sâu vào mắt chị, tôi biết chị nói thật. Tôi cứ nghĩ một học giả tài đức vẹn toàn như cụ thì ai từng cắp sách đến trường đều biết. Huống hồ chị – người công tác trong lĩnh vực văn hóa…

“Ông này cũng nổi tiếng dữ!”

Tôi chạy hơn 150 km bằng xe Honda đến Đồng Tháp để tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê. Tôi đi chỉ để thắp một nén nhang trước linh cữu con người đáng kính ấy. Đọc sách, tôi biết mộ cụ nằm ở Lai Vung. Với một người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa như cụ, tôi tin người dân ở đó sẽ chỉ cho tôi mộ cụ dễ dàng như trở bàn tay.

Câu nói chân thật của chị D. không khiến tôi suy suyển. Tôi cẩn thận ghi tên cụ vào giấy rồi đưa chị đọc. Cuối cùng, chị trả lại mảnh giấy với nụ cười e lệ: “Chị không biết thật rồi. Để chị giới thiệu cho em một người khác nhé!”.

Sau khi nghe nguyện vọng của tôi, người này nhún vai nói chắc nịch: “Anh chưa nghe tên ông ấy bao giờ. Em có lầm với ai không?”. Tôi cố nở nụ cười méo xệch: “Anh không biết ông ấy thật à?”. “Thật mà. Ông ấy là ai vậy em?”. Anh hỏi lại tôi hết sức bình tĩnh như đang chờ được cung cấp thông tin về một con người xa lạ.

Nhìn chiếc máy tính nối mạng của anh, tôi dè dặt hỏi nhờ tra cứu thông tin về cụ. Google sổ ra cả một núi thông tin về cụ, nhưng chi tiết về mộ cụ hiện ở đâu thì không hề thấy. Anh đứng cạnh tôi nheo mắt đọc chăm chú. Cuối cùng anh a lên một tiếng: “Ông này cũng nổi tiếng dữ!”.

Câu nói của anh khiến tôi đau nhói. Ngồi xuống chiếc ghế đá lạnh lẽo chiều mưa, tôi tự hỏi mình còn cách nào để tìm ra mộ cụ. Tôi cảm tưởng mình đang phiêu lưu trong khu rừng rậm rạp để truy tìm kho báu.
Cuộc tìm kiếm vô vọng

Chợt nhớ cô giáo dạy văn cấp ba quê ở Lai Vung, tôi liền bấm số điện thoại của cô, hy vọng tìm được đôi chút thông tin. Nhưng cô giáo tôi không biết. Cô hứa sẽ gọi điện hỏi thăm bà con ở Lai Vung xem thử có ai biết mộ cụ ở đâu không.

Tôi lại không ngần ngại bấm số điện thoại của một nhà văn. Anh là người miền Tây, chắc sẽ có những thông tin hay. Kết quả là anh biết rất rõ về cụ, nhưng cái vụ mồ mả của cụ thì anh bí. Tôi lại lục trí nhớ để để tìm số điện thoại của một nhà báo. Sau khi nghe tôi hỏi, anh cười sặc sụa và mạch lạc trả lời là anh… không biết.

Không bó tay, tôi bèn bấm số 1080 và nghe giọng nhẹ nhàng của một nữ điện thoại viên. Tôi dám chắc là cô đã phải nhịn cười. Mất năm phút tra cứu thông tin, cô nói tổng đài chưa cập nhật thông tin này và mong khách hàng thông cảm. Tôi thông cảm. Cụ Nguyễn Hiến Lê mất đến nay đã tròn 25 năm, không ai nghĩ đến chuyện nghiên cứu về cụ, một vị học giả dành cả đời đóng góp vào tàng thư dân tộc những tác phẩm giá trị nhất.

Mở đầu cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê viết: “Mà có bao giờ người ta nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại có lợi cho văn hóa biết bao”. Thật không ngờ, điều cụ luôn canh cánh trong lòng, đến khi mất lại vận vào chính đời cụ.

Vỡ òa niềm vui

Tôi đứng ở Lai Vung và biết mộ cụ cũng chỉ nằm đâu đó quanh đây. Chợt nhớ đến người thầy đã dạy cho tôi biết về Nguyễn Hiến Lê, lòng tôi vỡ òa như đứa trẻ. Tôi cuống quýt gọi điện cho thầy. Thầy cười rồi gửi tin nhắn. Tin nhắn không dấu. Một người dân đoán nơi tôi cần đến là chùa Phước Ân, gần ngã tư Cai Bường, Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Võ.

Người địa phương nhìn tôi dặn dò: “Từ Lai Vung, con đi thêm khoảng 10 km nữa dọc theo quốc lộ 80 là sẽ tới ngã tư Cai Bường. Tới đó con hỏi chùa Phước Ân ai cũng biết hết”.

Mưa bắt đầu nặng hạt quất vào mặt, vào mũi, vào áo mưa ràn rạt nhưng tôi không cảm thấy rét buốt. Có điều gì đó cựa quậy trong lòng, vừa đê mê vừa phấn khởi. Con đường trắng xóa trong màn mưa như những bông tuyết bay lững lờ trong không trung. Giọt mưa nào ngọt ngào rớt lên môi mắt tôi. Giọt mưa nào tắm mát tâm hồn tôi. Tôi phóng xe trên con đường thênh thang, lòng rộn ràng như đã đặt được bước chân vào chốn cần tìm.

Nơi an nghỉ của người nổi tiếng

Vĩnh Thạnh nghèo nàn và ướt át. Tôi phải hỏi tới người thứ tư mới biết chính xác đường vào chùa Phước Ân. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1 km đường đất nữa mới tới. Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn ngơ. Gia quyến cụ Nguyễn Hiến Lê phải cực kỳ tinh tế và hiểu ý cụ mới đem cụ về an nghỉ chốn bình yên này.

Chùa Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm vừa thân thiện. Ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Không một bóng người. Không gian im ắng. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Một bà cụ mặc áo nâu sòng, mái tóc hoa râm xuất hiện. Biết tôi muốn tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê, bà chậm rãi trả lời. “Trong chùa này chỉ có thầy trụ trì với bà biết ông ấy thôi”.

Bà dẫn tôi vào chánh điện. Sau lớp kính mờ ảo của khung ảnh, nụ cười cụ Nguyễn Hiến Lê vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần gian, đôi mắt như thăm thẳm một niềm an lạc. Di ảnh cụ được treo bên cạnh người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Liệp. Sau khi cụ mất, bà xuất gia đi tu và mong muốn được an nghỉ tại chùa Phước Ân cùng chồng.

Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong khoảng 20 ngôi mộ khác. Ngôi mộ của một con người lỗi lạc nhỏ nhắn và giản dị đến nỗi bát nhang không một nén. Nhưng tôi biết, cụ rất ấm cúng khi nằm chung với toàn thể gia quyến trong một khu mộ.

Không hoành tráng lộng lẫy. Không bia đá trường cửu. Không khoa trương diễm lệ. Cụ nằm đó bên ngôi chùa trầm mặc nghe kinh kệ là một diễm phúc hiếm ai nghĩ tới. Có lẽ đây là lối đi mãn nguyện nhất đối với một tâm hồn vốn giản dị và thanh sạch.

Trong gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có thân thích gì với cụ Lê không mà lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió. Tôi thưa thật, tôi chỉ là người đọc sách của cụ. Tôi tìm mộ cụ chỉ để thắp một nén nhang trước hương hồn cụ để tỏ lòng cảm phục.

Bà chưa đọc sách cụ nên hỏi tôi rằng cụ viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn có người nhắc đến. Bà nói nhỏ: “Con đã tìm được đến đây thì làm cách nào đó cho mọi người cùng biết nhé”.

Tôi cắm vào lư hương trên mộ cụ một nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay làm cay cay khóe mắt.

TRẦN THỊ TRUNG THU.

DSGX — với Sách Lãng.

(FB Trần Văn Phương / Hà Nội Tri Thức).

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Cuộc sống: SUY NGẪM - St trên FB.





SUY NGẪM

Người đàn ông không hề biết rằng có một con rắn ngay phía dưới. Người phụ nữ cũng không hề biết có một tảng đá đang đè lên người đàn ông.
Người phụ nữ nghĩ rằng: "Mình sắp ngã rồi và mình không thể trèo lên được vì con rắn sẽ cắn mình mất. Sao anh ấy không thể cố gắng thêm chút nữa để kéo mình lên?"
Người đàn ông thì nghĩ: "Mình đau đớn quá. Mình đang cố giữ cô ấy bằng mọi sức lực có thể. Nhưng sao cô ấy không thể cố gắng trèo lên một chút?"
🌺 Chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy những áp lực và nỗi đau của đối phương. Và họ cũng chẳng thể nhìn thấy những gì chúng ta đang chịu đựng.

Cuộc sống là thế, dù là trong tình yêu, công việc, gia đình, hay bạn bè, chúng ta nên cố gắng hiểu nhau hơn, học cách đứng trong hoàn cảnh của người khác, học cách nghĩ khác đi và thấu cảm nhiều hơn. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều!

St trên FB.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Cuộc sống: NGHỊ LỰC CON NGƯỜI - Sưu tầm trên FB





NGHỊ LỰC CON NGƯỜI.

👊5 tuổi cha qua đời
👊16 bỏ học
👊17 tuổi bị đuổi việc 4 lần
👊18 tuổi lấy vợ
👊19 tuổi làm cha
👊20 tuổi bị vợ bỏ và đem theo cô con gái nhỏ
👊18 - 22 tuổi, làm nhân viên đường sắt và bị buộc thôi việc.
👉🏿 Sau đó làm lính dọn dẹp trong quân đội
👉🏿Xin học trường luật và bị khước từ.
👉🏿Làm nhân viên bán bảo hiểm và rồi lại thất bại.
👉🏿Sau đó làm nấu ăn kiêm rửa chén bán cho quán cafe nhỏ.
👉🏿Thất bại trọng việc bắt trộm cô con gái, cuối cùng cũng thuyết phục được vợ bế con về với mình.
👉🏿65 tuổi về hưu.
👊Ngày đầu tiên nghỉ hưu, được chính phủ bố thí cho 105 $ từ quỹ phụ cấp an sinh xã hội.
Cầm 105$ an sinh xã hội ông cảm thấy thông điệp rằng mình đã trở thành kẻ bất lực ăn bám nhà nước.
👎Ông quyết định tự tử, cuộc đời không còn đáng sống nữa, ông đã có quá nhiều thất bại trong cuộc sống.
👎Ông ngồi dưới gốc cây sau vườn để viết di chúc, nhưng ông thay đổi, Ông viết ra xem mình còn có thể làm gì với cuộc đời còn lại của mình.
👍Ông nhận ra mình vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành xong. Có một việc ông có thể làm tốt hơn những người ông biết. Ông nấu ăn ngon hơn họ.
👍Ông vay 87$ từ tấm séc trợ cấp xã hội của mình. 👍Ông mua gà, chiên gà từ công thức của riêng mình. Ông đi gõ cửa từng nhà hàng xóm tại Kentucky để bán món thịt gà của mình.🐔
🐥Còn nhớ không?
Ở tuổi 65 ông đã sẵn sàng tự tử.
🦁Nhưng đến tuổi 88
🦁Người đàn ông mang tên Colonel Sanders, sáng lập chuỗi nhà hàng KFC (Kentucky Fried Chicken) một đế chế tỷ đô.
☘️ Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu
☘️ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT, ẤY LÀ THÁI ĐỘ CỦA BẠN, ĐỪNG BAO GIỜ BỎ CUỘC, ĐỪNG ĐỂ BẠN MẤT ĐÀ
Khởi động lại, lấy đà lại luôn là khó. Nhưng không gì là không thể. Bạn luôn có thể tạo ra sự khác biệt. Bạn tin mình có thể hay ko thể TẤT CẢ ĐỀU DO BẠN CÓ HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT HAY KHÔNG?
Cuộc sống không bao giờ lấy hết đi cơ hội của mình chỉ là do cách mình nhìn cuộc sống và mình hành động như thế nào mà thôi .Cố lên tôi ơi !
St

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2019

Tản mạn : DUYÊN THẦY TRÒ - LPQ.





DUYÊN THẦY TRÒ

Mới đó mà đã 40 năm. Ngày ấy thầy mới ra trường, hai em là hai SV của lớp đầu tiên thầy dạy học. Tuổi thầy và tuổi trò chỉ cách nhau vài năm. Thầy trẻ nên được học trò chiếu cố hay chọc thầy nói giọng miền Tây “truyền động êm thành truyền động im”.

Sáng nay ngồi cà phê bên lề đường, tình cờ hai học trò ngày xưa gặp lại thầy, mừng vui ấm khoé mắt tình thầy trò sau mấy mươi năm biền biệt. Hai em cùng lớp sau khi ra trường lấy nhau, giờ cũng đã thành ông bà ngoại, đi về hai nơi San Jose - Saigon mỗi năm hai mùa.

Câu chuyện thầy trò càng lúc càng vui hơn, thầy ký tặng trò tập thơ Đi bên lề thôi và trò xin phép thầy được tài trợ cho 2 Tủ sách Đáp đền tiếp nối vào đầu năm 2020 khi chương trình khởi động lại sau nghỉ Tết Nguyên Đán.

DUYÊN Thầy Trò chúng tôi như vậy, ly cà phê bình dân lề đường càng thấy ấm hơn giữa tiết trời Saigon trở lạnh sáng nay.

Thầy cám ơn hai em Loan - Liêm, lớp CD24 ngày xưa.

LPQ (8-12-19)

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Ngày tạ ơn : ƠN AI THEO SUỐT... - Nguyễn Trần Diệu Hương

Ơn Ai Theo Suốt Cuộc Đời
 
nhoonThayCo

Với truyền thống tôn sư trọng đạo của nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa, học trò đều biết chuyện về Đại tướng Carnot của Pháp ghé thăm Thầy giáo dạy ông thời Tiểu học.

Ca dao VN từ ngàn xưa cũng nhắc các bậc cha mẹ:
     "Muốn sang thì bắc cầu Kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy"

Nhà Văn, Nhà Giáo Võ Hồng đã viết chuyện ngắn "Nửa Chữ Cũng Thầy"
để nhắc nhiều thế hệ VN đã qua "tuổi học trò mắt sáng môi tươi" nhớ là ai đã từng đi học cũng có những người Thầy đã uốn nắn mình từ thủa hãy còn là măng.

Thời gian qua nhanh như "bóng câu qua cửa sổ" các chs Ngô Quyền ngày xưa đã bước vào "tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay".
Dù mới chớm "vàng" như lá đầu thu, hay khô héo như lá cuối thu, đều có thể thấy ảnh hưởng của Thầy Cô với các chs NQ.


***  Chẳng hạn như dù không học chuyên ngành "Khoa học Chính trị", các đàn anh khóa 1, khóa 6, và khóa 8 phân tích tình hình chính trị của thế giới, của quê nhà không kém các cây bút chuyên viết bình luận thời cuộc.
Ở những bài viết đó thấp thoáng những lý luận chặt chẻ của môn Toán các anh đã học được từ quý Thầy Cù An Hưng, Trần Phiên, Nguyễn Thất Hiệp, Lê Văn Túy, Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Phong Cảnh, Huỳnh Công Ân, Nguyễn Phi Long…

*** Chẳng hạn dù không biết "trường dạy Viết Văn Nguyễn Du" ở trong nước dạy điều gì, các chị đã sáng tác được những bài thơ, những chuyện ngắn, những tùy bút đi vào lòng người, được truyền bá rộng rãi trên khắp trang các trang web tiếng Việt. Không khó để thấy công lao của quý Thầy Cô dạy Quốc Văn: Đoàn Viết Biên, Phạm Ngọc Quýnh, Hà Bích Loan, Trần Văn Kế, Nguyễn Văn Phú, Bạch Thị Bê, Phạm Thị Nhã Ý, Nguyễn Thị Nguyêt… với các tác giả Ngô Quyền.

*** Rất rõ ràng là trong thành đạt của các chs Ngô Quyền hành nghề "thiên thần áo trắng" có công lao của các giáo sư Lý Hóa: Mai Kiến Phúc, Lê Quý Thể, Phùng Thái Toàn, … hay các giáo sư Vạn Vật: Lâm Tấn Văn, Phạm Thị Khang...

Với các anh chị sống ngoài Việt Nam, sau mỗi lần tranh luận thắng người bản xứ bằng ngôn ngữ thứ hai, hay thứ ba của mình là lời thầm cảm ơn quý Thầy Cô dạy môn Anh văn, hay Pháp Văn thời Trung học: Phan Thị Tốt, Kiều Vĩnh Phúc, Đào thị Nga, Võ Thu Thủy, Đinh Hữu Quyến, Phạm Tấn Bình, Đinh Thị Hòa, Đinh Văn Sái….

*** Có những chs Ngô Quyền thầm lặng, miệt mài dạy Việt Sử online chỉ mong các thế hệ kế tiếp thấy được hào khí của Vua Quang Trung đuổi quân Tàu (nhà Thanh) chạy dài, nhớ mãi công phá  Tống, bình Chiêm của danh tướng Lý Thường Kiệt, nghiêng mình trước "tiếng bom Sa Diện" Phạm Hồng Thái, và sự bất khuất "không thành công cũng thành nhân" của Nguyễn Thái Học. Bởi vì thời Trung học các anh chị này đã được nghe những bài giảng môn Sử đầy lửa nhiệt tình của quý Thầy Cô: Bùi Quang Huệ, Nguyễn Viết Long, Trần Thị Minh Tâm, Nguyễn Ngọc Ẩn...

** Trên hết là trong những ngược xuôi của đời sống, chúng ta thấy có những người đã qua "tuổi nào nhìn thấy mây bay ngang trời" từ rất lâu nhưng chưa bao giờ mất đi nhân cách nhờ những bài học Công dân đầu đời từ lớp 1 đến lớp 11.

Hẳn là Thầy Lê Quý Thể rất vui vì không bao giờ gặp lại một anh học trò cũ đạp xích lô. Chẳng những thế, các chs NQ nếu cần đi xích lô, luôn yêu cầu được xuống xe đi bộ khi xe xích lô phải lên dốc. Cả kiến thức Vật lý, lẫn kiến thức về Công Dân Giáo dục đã giúp các chs NQ đem lại nụ cười trên môi Mẹ, môi Cha, và cả  trên môi những người vất vả kiếm sống trên đường phố.

Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền, của con cháu bà Trưng, bà Triệu và lòng yêu nước của Lý Thường Kiệt, của Nguyễn Thái Học.

Xin kính cảm ơn các bậc sinh thành về công ơn sinh thành dưỡng dục.

Và xin cảm ơn các đàn anh, đàn chị, bạn bè Ngô Quyền đã cùng chúng tôi lưu giữ một phần đời hạnh phúc thời Trung học,

Nguyễn Trần Diệu Hương
NQK15
(Chú thích của người viết: Con xin lỗi đã không thể kể hết tên quý cựu Giáo Sư Ngô Quyền trong bài. Từ tận lòng thành, con luôn nhớ câu "Không Thầy Đố Mầy Làm Nên" và câu "Nửa Chữ Cũng Thầy".
Công ơn của quý Thầy Cô ,với con, chỉ đứng sau công ơn Cha Mẹ.)
[Nguồn : ngo-quyen.org]


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Thơ tranh: GẶP LẠI CỐ NHÂN - Hà Thu Thủy.



Tản mạn : NGƯỜI TỪ TRĂM NĂM... - Lê Hữu ( ngo-quyen.org )


Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”

 

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”
Câu hát quen thuộc từng được nghe đi nghe lại trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam một thời nào. Nỗi Buồn Hoa Phượng, tên bài hát của Thanh Sơn, có thể xem là bài “tình ca học trò” tiêu biểu thuở ấy với sân trường phượng vỹ, với tiếng ve gọi hè, với những tà áo nữ sinh và những lưu bút ngày xanh chuyền tay nhau của những cô cậu học trò dưới mái trường trung học.
Đường Duy Tân, chợ Bến Thành
Chân ai thả bộ còn in khóe cười  (thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Cho đến một ngày kia, những “tình ca học trò” này bỗng trổ sang một nhánh khác; nói khác hơn, được “nâng cấp” thành những bài “tình ca sinh viên”. Không còn những “phượng thắm sân trường”, những “cổng trường vôi tím”, những “một thời áo trắng”… Sân trường Trung Học được thay bằng khuôn viên Đại Học, lớp học được thay bằng giảng đường, hình ảnh cô nữ sinh hay mơ hay mộng được thay bằng cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công (Anh Không Chết Đâu Em, nhạc Trần Thiện Thanh). Lần đầu tiên người ta nghe được những câu hát:
Trả lại em yêu khung trời Đại Học…
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát… (Trả Lại Em Yêu, nhạc Phạm Duy).
Hay là:
Kể từ sau đêm đó sân vui Đại Học mất tiếng chim ca… (Trên Đỉnh Mùa Đông, nhạc Trần Thiện Thanh)

Cũng đúng thôi, xong bậc Trung Học thì phải lên Đại Học chứ, và tình yêu cũng… chuyển trường. Có thể xem việc “nâng cấp” những bài tình ca học trò này là một cách “tạo dáng” (như cách nói bây giờ) và là cái mode thời thượng khá phổ biến vào thời ấy.
Trong số những bài “tình ca sinh viên” ấy, không thể không nhắc đến một bài hát trữ tình viết riêng cho những anh chàng, cô nàng sinh viên Luật Khoa Sài Gòn, mặc dù trong bài hát không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường “Luật Khoa Đại Học Đường”. Bài hát chỉ nhắc đến tên của một con đường quen thuộc như là nét phác trong một bức họa đẹp.
“Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”
WRvrLJE

Chắc chắn đấy không phải là con đường có nhiều “cây dài” và “bóng mát” nhất ở Sài Gòn, thế nhưng con đường mang tên vị vua yêu nước của triều Nguyễn ấy như gắn liền với ngôi trường Đại Học Luật Khoa, và trở thành một trong những “con đường tình ta đi” quen thuộc của những câu chuyện tình sinh viên, học sinh ngày ấy. Duy Tân, con đường của những hàng cây sao già cỗi – như tuổi của ngôi trường cũ kỹ ấy – với những trái sao tròn nhỏ gắn đôi cánh mỏng dài và cong vẹt màu nâu đất, khi lìa cành bay là là và xoay tròn trong gió như những cánh chuồn chuồn của một thuở mộng mơ.
Con đường Duy Tân ấy, ngôi trường Luật ấy, Hồ Con Rùa (hay Công Trường Duy Tân) ấy và Nhà Thờ Đức Bà nữa, kết hợp thành một quần thể thân thuộc đối với những ai từng có thời kỳ gắn bó nơi chốn ấy, từng in những “dấu chân kỷ niệm” trên những lối đi, về ấy.
Nghe bài hát Trả Lại Em Yêu
Trả Lại Em Yêu, bài hát của Phạm Duy được cất lên lần đầu với giọng lảnh lót của Thái Thanh đã hớp hồn tuổi trẻ ngày ấy, hóa thành bài tình ca một thuở của sinh viên trường Luật và những ai có ít nhiều kỷ niệm với ngôi trường này. Bài hát kể về tình yêu trong một đất nước chiến tranh, khi mà đời sống con người luôn bị đè nặng, phủ trùm những âu lo và bất trắc. Những chàng “trai thời loạn” đành “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, giã biệt tình đầu để lên đường theo tiếng gọi của non sông, không hẹn một ngày về.
Anh sẽ ra đi về miền cát nóng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc su’ng…
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về…
Trả lại em yêu / mây trời xanh ngát… 
Trả lại, trả lại hết những “con đường học trò”, những “mối tình vời vợi”, những mắt sáng môi tươi, những khung trời đầy trăng sao và những “Chủ Nhật uyên ương hẹn hò đây đó” và “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”… Trả Lại Em Yêu trở thành bài hát duet khá tình tứ được nhiều đôi nam nữ ca sĩ trình bày. Có thể nói không ca sĩ nào ngày ấy mà không từng hát Trả Lại Em Yêu, không chàng sinh viên nào ngày ấy mà không từng nghêu ngao câu hát Trả lại em yêu khung trời Đại Học…
Một bài tình ca khác, gọi đúng tên, gọi đích danh ngôi trường Đại Học nằm trên con đường Duy Tân ấy.
“Người từ trăm năm về ngang trường Luật…”
Bài hát là một bài phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy, Thà Như Giọt Mưa. Bài hát được phổ biến tràn lan trên các làn sóng đài phát thanh, các băng cassette, trên những đường phố, trong những quán café hay những sân trường.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá… 
Điều khá lý thú, bài thơ được phổ nhạc (“Khúc Tình Buồn”, thơ Nguyễn Tất Nhiên) không hề nói năng gì đến trường Luật, không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường ấy cả. “Về ngang trường Luật” là những chữ được nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào một cách cố ý. Mối tình giữa Nguyễn Tất Nhiên và cô gái Bắc tên Duyên rất nổi tiếng thời ấy, nên nhạc sĩ cũng đã thêm đích danh tên của nhận vật nữ chính vào bài hát, dù cho bài thơ gốc không nhắc tới:
Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
Cô gái tên Duyên và trường Luật cũng làm người ta nhớ tới một bài thơ khác cũng khá nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên:
Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!
(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Ta – thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể… (Gái Bắc – Nguyễn Tất Nhiên)
Có lẽ cũng lấy cảm hứng từ bài thơ này mà nhạc sĩ Phạm Duy viết những lời nhạc này trong ca khúc Thà Như Giọt Mưa:
người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi…
Thà Như Giọt Mưa là bài hát kể về câu “chuyện tình thư sinh” của anh chàng thất tình vì ta hỏng Tú Tài, hụt tình yêu, với những lời lẽ vu vơ, phất phơ như là “sao cũng được”, “thế nào cũng xong”, “tới đâu thì tới”…, chỉ cốt rong chơi cho qua ngày tháng.
Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân…
Ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi
quỵ té trên đường rồi…
Chuyện tình yêu của tuổi trẻ ngày ấy là vậy, là “chạy vòng vòng”, là “chạy mòn chân”, chạy hụt hơi để đuổi bắt chiếc bóng lung linh của tình yêu.
Trả Lại Em Yêu, Thà Như Giọt Mưa và những bài hát nào nữa đã khởi đầu cho một nhánh tình ca xanh tươi – tách ra từ dòng nhạc tình muôn thuở của nhạc Việt – gọi là “tình ca sinh viên, học sinh”. Có không ít những bài tình ca kể về những ngôi trường từng được hát, được nghe, được yêu thích một thời mà ai cũng dễ dàng kể tên ra được. Những bài tình ca như vậy đã không còn kể từ cái ngày đổi vận. Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, thành phố ấy đã thay tên, con đường ấy đã đổi tên, ngôi trường ấy cũng đổi tên, thay hình đổi dạng như hóa thành một người nào khác. Tôi đứng đó, tần ngần, hụt hẫng trước bao cảnh đổi thay của từng góc phố, mỗi con đường. Ngôi trường nhìn tôi dửng dưng, xa lạ. Tôi đã như chiếc bóng mờ của “những người đã qua”.
Lịch sử đã sang trang, chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng. Chỉ mấy mươi năm mà tôi tưởng chừng dài đến cả trăm năm. Người từ trăm năm…, lúc này đây tôi hiểu ra câu hát ấy, câu hát về những đời người đã cũ, về những ngày vui mơ hồ còn đọng lại trong tôi như những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.
Con đường cũ ấy không còn những “cây dài bóng mát”. Những “bạn bè cũ, mới” của tôi nay đâu?! Câu hát ngày xưa chỉ còn ngân nga trong trí tưởng, nghe rớt lại một nỗi ngậm ngùi.
Người từ trăm năm
về ngang trường Luật…
Nguồn: Lê Hữu (t-van.net)