HỎI VÀ TRẢ LỜI TRỚT QUỚT KIỂU QUẢNG NÔM
Nếu như lần đầu đến xứ Quảng, bạn đừng ngạc nhiên với tính cách của người dân ở đây. Nếu bạn hỏi họ điều gì đó, thì đừng hi vọng sẽ nhận được câu trả lời ngay lập tức, bởi Quảng thường trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi do họ đặt ra cho người vừa hỏi họ. Nó tréo hều chỗ nớ...
Ví dụ bạn hỏi: "Chú ơi đây có phải là đường xuống Hội An không?" Thay vì trả lời "Đúng rồi" người Quảng sẽ "cãi" lại bằng một câu hỏi khác kiểu như: "Mi dân ở đâu mới tới phải không? Đường ni không xuống Hội An chẳng lẽ ra Đà Nẵng...Cứ đi thẳng qua cầu Vĩnh Điện rẽ trái chạy miết là tới Hội An à".
Dù câu trả lời khiến bạn thất vọng, tuy nhiên người Quảng rất chân tình, sau câu hỏi họ thường chỉ dẫn cụ thể tường tận cách đi, thậm chí nếu đường khó đi quá họ sẽ dẫn đi luôn "để khỏi mắc công hén lại hỏi đi hỏi lại người khác".
Hỏi: "Chị ơi em kêu cà phê nãy giờ sao chưa có" - Trả lời: "Bộ chú không thấy hả? Quán mấy chục người mình tui răng làm cho kịp. Cái ông áo trắng vô trước chú tui cũng chờ như chú mà ổng có hỏi chi đâu. Từ từ chút bưng ra. Chắc ở đâu mới tới hả?"
Hỏi: "Bà ơi trái dưa này ngon không?". Ngay lập tức người hỏi sẽ bị hỏi lại: "Chắc dân ở mô chứ dân ở đây chỉ nhìn qua một cái là biết dưa ngon dở liền. Nhiều chuyện quá..." haha.
Hỏi là đặc tính của người Quảng. Bất cứ ai cũng có thể bị dân Quảng vặn vẹo hỏi. Nhất là người Quảng xa quê thường "đau đầu nhức óc" với các kiểu câu hỏi mỗi khi tết đến xuân về kiểu như: "Bô chừ mi dề?", "Hăm mấy mi dể?", "Răng bữa ni chưa dề?", "Chắc làm ăn không ra chi nên bữa ni chưa thấy dề", "Mấy đứa dề hết trơn rồi, chỉ có mình mi là chưa về"...haha...
Nhưng đối với những đã về quê rồi thì cũng bị một loạt câu hỏi khác: "Về hồi mô rứa?", "Răng dề sớm rứa?", "Làm ăn có ra chi hông mà bữa ni đã dề rồi?". Còn về trễ thì vẫn bị hỏi kiểu: "Răng về trễ rứa", "Mấy đứa dề từ 20 còn mi bữa ni mới dề", "Chắc làm ăn không ra chi nên dề trễ", "Người ta dề từ 17-18 còn mi bữa ni mới dề..."...
Nhưng về mà ở nhà lâu quá lại bị chất vấn kiểu khác "Bữa mô mi đi lại", "Làm ăn có ra chi không mà bữa ni còn đủng đỉnh ở quê?", "Hỏi thiệt nghe, định ở ngoài ni luôn hay răng mà chưa thấy đi?". Túm lại toàn câu hỏi xóc ốc không hà.
Nhưng với dân Quảng chẳng ai thấy khó chịu vì được hỏi, thậm chí nếu không được hỏi họ sẽ buồn. Người Quảng có thói quen hỏi mà không cần câu lời. Hỏi cũng là cách để yêu thương. Hỏi là bày tỏ sự quan tâm của mình với người được hỏi. Trả lời cũng được mà không trả lời cũng được, chẳng ai giận hờn chi nhau. Một khi đã hỏi có nghĩa là người hỏi đã tự có câu trả lời cho chính mình rồi.
Để lý giai câu chuyện vì sao người Quang hay hỏi là vấn đề làm đau đầu biết bao nhiêu "nhà Quảng Nôm học". Tính cách của con người xứ Quảng được mô tả trong hồi ký Christoforo Borri viết vào năm 1618 khi ông ngụ lại Quảng Nam “Người Đàng Trong siêng năng, ưa làm lụng, tránh sự ăn không ngồi rồi… có được sự hòa hợp hoàn hảo, cư xử thân tình,… tuổi tác được coi trọng hơn thứ bậc”, “Bản năng tự nhiên là tử tế, ưa làm điều thiện nhất là đối với người nghèo”. Còn giáo sĩ Alexandre de Rhode, năm 1624 thì lại viết: “Dẫu họ đánh giặc rất giỏi, coi thường mạng kẻ địch, nhưng đối với nhau tại thương yêu như ruột thịt”.
Cá tính Quảng được thấy rõ nhất ở những những bậc anh hùng kiệt như tổng đốc Hoàng Diệu “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện. Bình sanh trung nghĩa, đương nhiên đại cuộc khởi vô tâm”, là Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu...là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi... và nhưng nhà cách mạng tiên phong trong việc "khai dân trí, chấn dân sinh, hậu dân sinh"...
Ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, cá tính Quảng cũng làm nên một tên tuổi đáng kính như nhà văn Nguyên Ngọc. Một Phan Vũ gốc Quảng như viết "Em ơi Hà Nội phố" còn mãi với thời gian. Vũ Đức Sao Biển bàn chuyện kiếm hiệp Kim Dung đọc không chán. Là Trầm Tử Thiêng, Đinh Trầm Ca với những bản tình ca bất hủ. Là Nguyễn Nhật Ánh già đanh khú đế nhưng chuyên viết truyện về con nít vạn người mê. Là Tiểu Vy, Mỹ Tâm, Thoại Mỹ, Ngọc Ánh, Võ Hạ Trâm...không cần trang điểm vẫn đẹp lộng lẫy.
Tất cả sự khác biệt đó đã làm nên một cá tính mang tên xứ Quảng. Người Quảng ngày nay đi khắp nơi để làm ăn sinh sống, môi trường xã hội xung quanh có thể ít nhiều làm thay đổi cách nhìn cách suy nghĩ của họ, nhưng có thứ họ bao giờ bị "đồng hóa" đó là "cá tính Quảng.
Và cuối cùng nếu đọc bài ni, ai mà chê là viết dở thì chắc chắn chắn họ là dân ở mô chứ không phải dân xứ Quảng Nôm !
TIỂU VŨ.