GÓC CHÈ SÀI GÒN NHỎ XÍU, HIỀN LÀNH GẦN NỬA THẾ KỶ…
Góc chè không tên, người bán như không tuổi, nằm nép một góc rất nhỏ - chừng thước rưỡi vuông ở ngã tư Nguyễn Trọng Tuyển - Trương Quốc Dung (Phú Nhuận).
Thuở 1976, 1977, khi tôi 14, 15 tuổi, cùng bạn bè cắm trại ở khu vườn - đồi nay là Trường THCS Ngô Tất Tố, phía sau Trường Thánh Thomas (nay là Trường Hàn Thuyên), cách góc chè chừng trăm thước. Chúng tôi kéo nhau lội bộ đi ăn. Lúc đó chỉ có hai món: chè đậu đen và chè đậu xanh. Người bán là một cô gái tuổi đôi mươi, da dẻ mịn màng, nói giọng Quảng Ngãi: gọn, nhẹ và ngọt như… chè.
Hai món chè xứ đường phèn, đường phổi ấy khác với món chè đậu đen, đậu xanh kiểu Bắc 54 Ông Tạ mà tôi hay ăn: không thơm bằng nhưng có phần ngọt thanh hơn, sánh hơn. Ăn một miếng chưa qua cuống họng đã nôn nao miếng thứ hai. Chè đựng trong chén nhỏ, ăn đứng tại chỗ. Nếu tôi nhớ không lầm thì 5-10 xu gì đó một chén, bằng giá một tờ báo. Có lúc cô dúi cho tôi một miếng đường phổi. Thời khó khăn sau 1975 ấy, đứa trẻ con nào cũng thèm đường.
Mười năm sau, năm 1985 - 1986, khi đã làm báo Khăn Quàng Đỏ, tôi vừa là phụ tá huấn luyện viên vừa là vận động viên Đội Karate kiêm bảo vệ (cuối tuần) Nhà văn hóa Thanh niên thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi lần lãnh lương, trên đường đạp xe về, tôi ghé mua mấy bịch chè đủ loại, vừa cho gia đình vừa để bồi dưỡng sức khỏe. Mẹ tôi ăn, bảo: “Chè người Trung nấu dẻo hơn, quến hơn chè người Bắc mình”.
Gần 20 năm sau, năm 2005, khi tòa soạn báo Tuổi Trẻ dời từ 161 Lý Chính Thắng (quận 3) về 60A Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), tôi đi làm theo lối này, bất ngờ gặp lại góc chè tuổi thơ của mình vẫn còn đó. Góc chè ấy đã lên năm, sáu món. Giá từ 5-10 xu thuở xưa đã là 2.000 - 3.000 đồng. Góc chè nhỏ ấy không còn xài chén mà đựng trong các bịch nhựa, ly nhựa.
Buổi trưa, xế chiều từ tòa soạn về, tôi thường ghé qua. Các món chè đã mướt hơn với nước cốt dừa kiểu Nam bộ, nhưng hột đậu hột nếp vẫn mềm, vẫn thanh như ngày nào. Cô gái bán chè giờ đã thành một phụ nữ tuổi 50, da đã có phần ngăm đen với nắng mưa Sài Gòn và góc chè nhỏ xíu của mình. Giọng cô chủ đã Sài Gòn lắm rồi nhưng nghe kỹ, chất giọng ấy vẫn thoáng Quảng Ngãi - gọn, rõ như thời thiếu nữ.
Gần 20 năm nữa, tức hiện nay 2024, góc chè nhỏ xíu này đã lên tám món: chè đậu đen, chè đậu xanh, chè đậu trắng, chè bà ba, chè thập cẩm, chè chuối, chè thưng và sâm bổ lượng. Các món chè bày chật góc nhỏ trong những nồi nhôm sạch bóng. Múc cho khách xong, vung nồi được kéo lại ngay để tránh bụi đường. Người chủ góc chè đã gần 70, da đã sạm nâu, lên chút đồi mồi. Đôi mắt ấy đã phần nào đục, khi nếm trải hết cuộc mưu sinh đến thời cuộc, từ hồi con đường Nguyễn Trọng Tuyển còn tên Nguyễn Minh Chiếu, nhỏ hẹp chừng ba mét, bụi mù lúc nắng, lầy lội khi mưa.
Hôm nay, đường Nguyễn Trọng Tuyển đã rộng gấp đôi sau giải tỏa, mở rộng đường gần 30 năm trước, trải nhựa sạch sẽ. Xung quanh góc chè đã là những cao ốc lộng lẫy, những công ty đa quốc gia. Khách của góc chè không chỉ là bà con xung quanh, ông xe ôm, anh chạy grab, chị mua ve chai… ăn mặc xuề xòa mà còn là những công dân cao ốc, nhân viên công ty áo quần thẳng thớm nếp gấp, thơm mùi nước xả vải.
Tất cả đều bu quanh góc chè trên xe chè nhỏ xíu ấy - dù qua thời gian, nó đã nhuốm màu thời gian lắm rồi. Các món chè của góc chè này không mà mắt, thuốc miệng khách bằng mấy món tốp ping “ngập ngụa” kiểu bây giờ. Không rõ khách ăn khác ra sao, nhưng với tôi, đây là góc chè ngon khó tìm ở Sài Gòn. Tôi ăn chè nhiều nơi vẫn không thấy nơi nào hơn. Để tới giờ, tôi vẫn ghé về người chủ cũ, với món chè xưa: hột nếp dẻo như bột, thơm như sữa; hột đậu nào cũng mềm như bún, mịn như nhung…
Tôi có ông anh họ xa, đi lính đóng quân ở Quảng Ngãi. Hồi học tiểu học cuối thập niên 1960, có năm ảnh đưa tôi đi nghỉ hè ở Quảng Ngãi bằng máy bay. Tôi ở đó suốt hai tháng, chơi với đám con nít Quảng Ngãi. Tụi nó hay rủ tôi đi nhổ trộm khoai mì, lột vỏ xong xin vô lò đường nhúng ké khoai mì vô chảo mật mía rất lớn, lúc nào cũng sôi sùng sục. Một hồi khoai mì chín, mì và đường mật quyện vô nhau, ăn rất ngon, thơm phức mật mía. Giờ trong một món chè ở đây, tôi thấy có khoai mì cắt miếng nhỏ. Nhớ lại một trời tuổi thơ.
Cách đây một, hai năm, bịch chè vẫn giữ giá 7.000 đồng, trong khi các hàng chè xung quanh đã bán 10.000 từ lâu. Nấn ná mãi, bịch chè lên 10.000 đồng, nhưng cô chủ múc lên đầy đặn hơn. Có lúc tôi phải cản: “Múc vừa thôi chị”.
Đó là chè Sài Gòn, nguyên liệu miền Nam cho hợp mồm miệng Sài Gòn chớ không còn nguyên gốc chè Quảng Ngãi nữa. Cô chủ ấy bảo: “Chè Quảng Ngãi bây giờ tôi về ăn thấy vẫn có phần cứng, thô như ngày xưa tôi rời xứ vô đây”.
… Thuở ấy, cô chủ ấy mới 20 tuổi, giận cha dỗi mẹ thế nào không rõ, “rời xứ”, rời quê vô Sài Gòn từ năm 1976, một thân một mình giữa đô thị với góc chè nhỏ. Mười năm sau, 1986, cô gom góp tiền từ muôn vàn chén chè mới mua được một căn nhà 20 thước vuông trên đường Thích Quảng Đức và ở đó cho tới giờ. Một tay tự nấu đủ món chè, không ai phụ nên giờ mỗi tuần, khi cô chủ tuổi đã lớn, góc chè chỉ bán mỗi tuần bốn buổi, từ thứ hai tới thứ năm. Có lúc thứ năm tôi mua ba, bốn bịch, dặn không bỏ nước dừa; mang về bỏ trong ngăn mát tủ lạnh, mấy ngày sau ăn vẫn mềm.
“Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi” gần nửa thế kỷ giờ cô thôn nữ xưa đã thành một người Sài Gòn gốc Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cái gốc yêu thương của cô cả một thời niên thiếu, tuổi đôi mươi ấy vẫn đưa cô về viếng mộ cha, cúng giỗ mẹ, cưu mang anh em mình… như ngày nào còn thiếu nữ.
… Và cô bảo: “Tên tám chị em mình là do ông nội đặt: Hồng - Đào - Nở - Hoa - Tư - Sanh - Nhành - Lựu”. Cô là con thứ ba, tên Nở.
CÙ MAI CÔNG