Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Ngày tạ ơn : ƠN AI THEO SUỐT... - Nguyễn Trần Diệu Hương

Ơn Ai Theo Suốt Cuộc Đời
 
nhoonThayCo

Với truyền thống tôn sư trọng đạo của nền giáo dục nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa, học trò đều biết chuyện về Đại tướng Carnot của Pháp ghé thăm Thầy giáo dạy ông thời Tiểu học.

Ca dao VN từ ngàn xưa cũng nhắc các bậc cha mẹ:
     "Muốn sang thì bắc cầu Kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy"

Nhà Văn, Nhà Giáo Võ Hồng đã viết chuyện ngắn "Nửa Chữ Cũng Thầy"
để nhắc nhiều thế hệ VN đã qua "tuổi học trò mắt sáng môi tươi" nhớ là ai đã từng đi học cũng có những người Thầy đã uốn nắn mình từ thủa hãy còn là măng.

Thời gian qua nhanh như "bóng câu qua cửa sổ" các chs Ngô Quyền ngày xưa đã bước vào "tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay".
Dù mới chớm "vàng" như lá đầu thu, hay khô héo như lá cuối thu, đều có thể thấy ảnh hưởng của Thầy Cô với các chs NQ.


***  Chẳng hạn như dù không học chuyên ngành "Khoa học Chính trị", các đàn anh khóa 1, khóa 6, và khóa 8 phân tích tình hình chính trị của thế giới, của quê nhà không kém các cây bút chuyên viết bình luận thời cuộc.
Ở những bài viết đó thấp thoáng những lý luận chặt chẻ của môn Toán các anh đã học được từ quý Thầy Cù An Hưng, Trần Phiên, Nguyễn Thất Hiệp, Lê Văn Túy, Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Phong Cảnh, Huỳnh Công Ân, Nguyễn Phi Long…

*** Chẳng hạn dù không biết "trường dạy Viết Văn Nguyễn Du" ở trong nước dạy điều gì, các chị đã sáng tác được những bài thơ, những chuyện ngắn, những tùy bút đi vào lòng người, được truyền bá rộng rãi trên khắp trang các trang web tiếng Việt. Không khó để thấy công lao của quý Thầy Cô dạy Quốc Văn: Đoàn Viết Biên, Phạm Ngọc Quýnh, Hà Bích Loan, Trần Văn Kế, Nguyễn Văn Phú, Bạch Thị Bê, Phạm Thị Nhã Ý, Nguyễn Thị Nguyêt… với các tác giả Ngô Quyền.

*** Rất rõ ràng là trong thành đạt của các chs Ngô Quyền hành nghề "thiên thần áo trắng" có công lao của các giáo sư Lý Hóa: Mai Kiến Phúc, Lê Quý Thể, Phùng Thái Toàn, … hay các giáo sư Vạn Vật: Lâm Tấn Văn, Phạm Thị Khang...

Với các anh chị sống ngoài Việt Nam, sau mỗi lần tranh luận thắng người bản xứ bằng ngôn ngữ thứ hai, hay thứ ba của mình là lời thầm cảm ơn quý Thầy Cô dạy môn Anh văn, hay Pháp Văn thời Trung học: Phan Thị Tốt, Kiều Vĩnh Phúc, Đào thị Nga, Võ Thu Thủy, Đinh Hữu Quyến, Phạm Tấn Bình, Đinh Thị Hòa, Đinh Văn Sái….

*** Có những chs Ngô Quyền thầm lặng, miệt mài dạy Việt Sử online chỉ mong các thế hệ kế tiếp thấy được hào khí của Vua Quang Trung đuổi quân Tàu (nhà Thanh) chạy dài, nhớ mãi công phá  Tống, bình Chiêm của danh tướng Lý Thường Kiệt, nghiêng mình trước "tiếng bom Sa Diện" Phạm Hồng Thái, và sự bất khuất "không thành công cũng thành nhân" của Nguyễn Thái Học. Bởi vì thời Trung học các anh chị này đã được nghe những bài giảng môn Sử đầy lửa nhiệt tình của quý Thầy Cô: Bùi Quang Huệ, Nguyễn Viết Long, Trần Thị Minh Tâm, Nguyễn Ngọc Ẩn...

** Trên hết là trong những ngược xuôi của đời sống, chúng ta thấy có những người đã qua "tuổi nào nhìn thấy mây bay ngang trời" từ rất lâu nhưng chưa bao giờ mất đi nhân cách nhờ những bài học Công dân đầu đời từ lớp 1 đến lớp 11.

Hẳn là Thầy Lê Quý Thể rất vui vì không bao giờ gặp lại một anh học trò cũ đạp xích lô. Chẳng những thế, các chs NQ nếu cần đi xích lô, luôn yêu cầu được xuống xe đi bộ khi xe xích lô phải lên dốc. Cả kiến thức Vật lý, lẫn kiến thức về Công Dân Giáo dục đã giúp các chs NQ đem lại nụ cười trên môi Mẹ, môi Cha, và cả  trên môi những người vất vả kiếm sống trên đường phố.

Xin kính cảm ơn quý Thầy Cô đã góp phần tạo nên những chs Ngô Quyền thành đạt, những chs NQ luôn giữ được phẩm hạnh, và nhân cách của con cháu Vua Ngô Quyền, của con cháu bà Trưng, bà Triệu và lòng yêu nước của Lý Thường Kiệt, của Nguyễn Thái Học.

Xin kính cảm ơn các bậc sinh thành về công ơn sinh thành dưỡng dục.

Và xin cảm ơn các đàn anh, đàn chị, bạn bè Ngô Quyền đã cùng chúng tôi lưu giữ một phần đời hạnh phúc thời Trung học,

Nguyễn Trần Diệu Hương
NQK15
(Chú thích của người viết: Con xin lỗi đã không thể kể hết tên quý cựu Giáo Sư Ngô Quyền trong bài. Từ tận lòng thành, con luôn nhớ câu "Không Thầy Đố Mầy Làm Nên" và câu "Nửa Chữ Cũng Thầy".
Công ơn của quý Thầy Cô ,với con, chỉ đứng sau công ơn Cha Mẹ.)
[Nguồn : ngo-quyen.org]


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Thơ tranh: GẶP LẠI CỐ NHÂN - Hà Thu Thủy.



Tản mạn : NGƯỜI TỪ TRĂM NĂM... - Lê Hữu ( ngo-quyen.org )


Người từ trăm năm về ngang trường Luật, nhớ về một thuở “tình ca sinh viên”

 

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…”
Câu hát quen thuộc từng được nghe đi nghe lại trên các làn sóng phát thanh ở miền Nam một thời nào. Nỗi Buồn Hoa Phượng, tên bài hát của Thanh Sơn, có thể xem là bài “tình ca học trò” tiêu biểu thuở ấy với sân trường phượng vỹ, với tiếng ve gọi hè, với những tà áo nữ sinh và những lưu bút ngày xanh chuyền tay nhau của những cô cậu học trò dưới mái trường trung học.
Đường Duy Tân, chợ Bến Thành
Chân ai thả bộ còn in khóe cười  (thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Cho đến một ngày kia, những “tình ca học trò” này bỗng trổ sang một nhánh khác; nói khác hơn, được “nâng cấp” thành những bài “tình ca sinh viên”. Không còn những “phượng thắm sân trường”, những “cổng trường vôi tím”, những “một thời áo trắng”… Sân trường Trung Học được thay bằng khuôn viên Đại Học, lớp học được thay bằng giảng đường, hình ảnh cô nữ sinh hay mơ hay mộng được thay bằng cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công (Anh Không Chết Đâu Em, nhạc Trần Thiện Thanh). Lần đầu tiên người ta nghe được những câu hát:
Trả lại em yêu khung trời Đại Học…
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát… (Trả Lại Em Yêu, nhạc Phạm Duy).
Hay là:
Kể từ sau đêm đó sân vui Đại Học mất tiếng chim ca… (Trên Đỉnh Mùa Đông, nhạc Trần Thiện Thanh)

Cũng đúng thôi, xong bậc Trung Học thì phải lên Đại Học chứ, và tình yêu cũng… chuyển trường. Có thể xem việc “nâng cấp” những bài tình ca học trò này là một cách “tạo dáng” (như cách nói bây giờ) và là cái mode thời thượng khá phổ biến vào thời ấy.
Trong số những bài “tình ca sinh viên” ấy, không thể không nhắc đến một bài hát trữ tình viết riêng cho những anh chàng, cô nàng sinh viên Luật Khoa Sài Gòn, mặc dù trong bài hát không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường “Luật Khoa Đại Học Đường”. Bài hát chỉ nhắc đến tên của một con đường quen thuộc như là nét phác trong một bức họa đẹp.
“Con đường Duy Tân cây dài bóng mát”
WRvrLJE

Chắc chắn đấy không phải là con đường có nhiều “cây dài” và “bóng mát” nhất ở Sài Gòn, thế nhưng con đường mang tên vị vua yêu nước của triều Nguyễn ấy như gắn liền với ngôi trường Đại Học Luật Khoa, và trở thành một trong những “con đường tình ta đi” quen thuộc của những câu chuyện tình sinh viên, học sinh ngày ấy. Duy Tân, con đường của những hàng cây sao già cỗi – như tuổi của ngôi trường cũ kỹ ấy – với những trái sao tròn nhỏ gắn đôi cánh mỏng dài và cong vẹt màu nâu đất, khi lìa cành bay là là và xoay tròn trong gió như những cánh chuồn chuồn của một thuở mộng mơ.
Con đường Duy Tân ấy, ngôi trường Luật ấy, Hồ Con Rùa (hay Công Trường Duy Tân) ấy và Nhà Thờ Đức Bà nữa, kết hợp thành một quần thể thân thuộc đối với những ai từng có thời kỳ gắn bó nơi chốn ấy, từng in những “dấu chân kỷ niệm” trên những lối đi, về ấy.
Nghe bài hát Trả Lại Em Yêu
Trả Lại Em Yêu, bài hát của Phạm Duy được cất lên lần đầu với giọng lảnh lót của Thái Thanh đã hớp hồn tuổi trẻ ngày ấy, hóa thành bài tình ca một thuở của sinh viên trường Luật và những ai có ít nhiều kỷ niệm với ngôi trường này. Bài hát kể về tình yêu trong một đất nước chiến tranh, khi mà đời sống con người luôn bị đè nặng, phủ trùm những âu lo và bất trắc. Những chàng “trai thời loạn” đành “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, giã biệt tình đầu để lên đường theo tiếng gọi của non sông, không hẹn một ngày về.
Anh sẽ ra đi về miền cát nóng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc su’ng…
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về…
Trả lại em yêu / mây trời xanh ngát… 
Trả lại, trả lại hết những “con đường học trò”, những “mối tình vời vợi”, những mắt sáng môi tươi, những khung trời đầy trăng sao và những “Chủ Nhật uyên ương hẹn hò đây đó” và “Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”… Trả Lại Em Yêu trở thành bài hát duet khá tình tứ được nhiều đôi nam nữ ca sĩ trình bày. Có thể nói không ca sĩ nào ngày ấy mà không từng hát Trả Lại Em Yêu, không chàng sinh viên nào ngày ấy mà không từng nghêu ngao câu hát Trả lại em yêu khung trời Đại Học…
Một bài tình ca khác, gọi đúng tên, gọi đích danh ngôi trường Đại Học nằm trên con đường Duy Tân ấy.
“Người từ trăm năm về ngang trường Luật…”
Bài hát là một bài phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy, Thà Như Giọt Mưa. Bài hát được phổ biến tràn lan trên các làn sóng đài phát thanh, các băng cassette, trên những đường phố, trong những quán café hay những sân trường.
Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa khô trên tượng đá… 
Điều khá lý thú, bài thơ được phổ nhạc (“Khúc Tình Buồn”, thơ Nguyễn Tất Nhiên) không hề nói năng gì đến trường Luật, không hề có câu, chữ nào nói về ngôi trường ấy cả. “Về ngang trường Luật” là những chữ được nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào một cách cố ý. Mối tình giữa Nguyễn Tất Nhiên và cô gái Bắc tên Duyên rất nổi tiếng thời ấy, nên nhạc sĩ cũng đã thêm đích danh tên của nhận vật nữ chính vào bài hát, dù cho bài thơ gốc không nhắc tới:
Thà như giọt mưa vỡ trên mặt Duyên
Thà như giọt mưa khô trên mặt Duyên
Cô gái tên Duyên và trường Luật cũng làm người ta nhớ tới một bài thơ khác cũng khá nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên:
Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!
(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Ta – thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể… (Gái Bắc – Nguyễn Tất Nhiên)
Có lẽ cũng lấy cảm hứng từ bài thơ này mà nhạc sĩ Phạm Duy viết những lời nhạc này trong ca khúc Thà Như Giọt Mưa:
người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi…
Thà Như Giọt Mưa là bài hát kể về câu “chuyện tình thư sinh” của anh chàng thất tình vì ta hỏng Tú Tài, hụt tình yêu, với những lời lẽ vu vơ, phất phơ như là “sao cũng được”, “thế nào cũng xong”, “tới đâu thì tới”…, chỉ cốt rong chơi cho qua ngày tháng.
Ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn chân…
Ta chạy mù đời, ta chạy tàn hơi
quỵ té trên đường rồi…
Chuyện tình yêu của tuổi trẻ ngày ấy là vậy, là “chạy vòng vòng”, là “chạy mòn chân”, chạy hụt hơi để đuổi bắt chiếc bóng lung linh của tình yêu.
Trả Lại Em Yêu, Thà Như Giọt Mưa và những bài hát nào nữa đã khởi đầu cho một nhánh tình ca xanh tươi – tách ra từ dòng nhạc tình muôn thuở của nhạc Việt – gọi là “tình ca sinh viên, học sinh”. Có không ít những bài tình ca kể về những ngôi trường từng được hát, được nghe, được yêu thích một thời mà ai cũng dễ dàng kể tên ra được. Những bài tình ca như vậy đã không còn kể từ cái ngày đổi vận. Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, thành phố ấy đã thay tên, con đường ấy đã đổi tên, ngôi trường ấy cũng đổi tên, thay hình đổi dạng như hóa thành một người nào khác. Tôi đứng đó, tần ngần, hụt hẫng trước bao cảnh đổi thay của từng góc phố, mỗi con đường. Ngôi trường nhìn tôi dửng dưng, xa lạ. Tôi đã như chiếc bóng mờ của “những người đã qua”.
Lịch sử đã sang trang, chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng. Chỉ mấy mươi năm mà tôi tưởng chừng dài đến cả trăm năm. Người từ trăm năm…, lúc này đây tôi hiểu ra câu hát ấy, câu hát về những đời người đã cũ, về những ngày vui mơ hồ còn đọng lại trong tôi như những giấc mơ ngọt ngào không bao giờ tắt hẳn.
Con đường cũ ấy không còn những “cây dài bóng mát”. Những “bạn bè cũ, mới” của tôi nay đâu?! Câu hát ngày xưa chỉ còn ngân nga trong trí tưởng, nghe rớt lại một nỗi ngậm ngùi.
Người từ trăm năm
về ngang trường Luật…
Nguồn: Lê Hữu (t-van.net)

CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO - MCHX blog



  CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO

Thơ: THĂM LẠI ĐÀ LẠT - Lương Thái Sỹ.

THĂM LẠI ĐÀ LẠT.
Lương Thái Sỹ (2008)


Cuộc sống: SAO BIẾT ĐƯỢC LÒNG NGƯỜI? - St trên FB.





Người chồng sau khi kiếm được tiền trở về nhà lại muốn ly hôn với vợ, cho rằng cậu con trai sẽ chọn sống cùng mẹ, thật không ngờ điều xảy ra khiến người mẹ vô cùng bất ngờ.

Người chồng lên thành phố lớn kiếm tiền với lý do để vợ và con có được cuộc sống sung sướng hơn. Người vợ đã bằng lòng, cô cùng cậu con trai của mình tiếp tục sinh sống ở quê. Sau thời gian dài người chồng đi làm xa, người vợ ở nhà nhớ nhung và luôn ngóng trông ngày chồng mình sớm trở về.

Thời gian đầu, người chồng thường gửi một chút tiền cho gia đình và cũng hay gọi điện về thăm hỏi. Về sau, người chồng không những không gọi điện mà đến tiền cũng không gửi nữa, dường như anh đã quên mất vợ và con trai ở nhà. Người vợ ngày càng sốt ruột và lo lắng, hàng ngày nghe ngóng hỏi han tin tức của chồng khắp nơi, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Không có cách nào khác, cô đành mở một sạp bán trái cây, hàng ngày đều đi sớm về muộn nhưng tiền kiếm được cũng không nhiều.

Ba năm trôi qua, thật không ngờ, người chồng đột nhiên trở về nhà... Người vợ không thể ngờ rằng, người chồng trở về để... Ly hôn! Anh chồng lái một chiếc ô tô con trở về, tất cả mọi người đều cho rằng nỗi vất vả của người vợ từ đây sẽ kết thúc và những tháng ngày chờ mong thật không uổng phí.

Thế nhưng, đêm hôm đó, người chồng nói với vợ là anh trở về để ly hôn, vì anh đã có người con gái khác. Anh chồng thừa nhận thẳng với vợ, hai người họ đã sống chung với nhau trong nhiều năm, và bây giờ anh không còn tình cảm với cô nữa. Những lời nói ấy như sét đánh ngang tai, cô hỏi chồng: "Anh thực sự không còn tình cảm với em sao? Anh có biết rằng, bao năm qua ngày nào em cũng mong chờ anh trở về không?”

Người chồng nói với vợ, anh không muốn cô ấy phải chờ đợi. Anh còn nói, ngay bây giờ hai vợ chồng sẽ ký đơn ly hôn. Anh còn nói mình đã kiếm được một chút tiền nên sẽ đưa cho vợ, xem như để đền bù tổn thất mà cô ấy phải chịu. Người chồng xem ra kiên quyết đòi ly hôn và người vợ cũng hiểu ra chồng mình đã thay lòng đổi dạ, sau khi suy ngẫm và đồng ý, cô nói: "Vậy con của chúng ta phải làm sao đây? Em không muốn làm tổn thương con”. Người chồng nói: “Cứ thuận theo ý nó, nó muốn ở cùng với ai thì ở”.

Cô nghĩ, con trai nhất định sẽ chọn ở cùng cô, bởi cô và con trai đã luôn ở bên nhau từ trước tới giờ. Hơn nữa, người chồng đã đi xa nhiều năm như vậy, con không gần gũi bố, nên không thể có khả năng con sẽ chọn ở cùng bố. Người vợ tin chắc con trai sẽ chọn ở cùng mình, nhưng không ngờ...

Ngày ly hôn, quan tòa hỏi cậu bé muốn ở cùng với mẹ hay ở cùng với bố? Không ngờ, cậu bé trả lời: Con muốn ở cùng với bố!”.

Câu trả lời của cậu bé, khiến mọi người đều chấn động, quan tòa hỏi cậu: “Vì sao cháu muốn ở cùng với bố?”

Cậu bé cười và nói: “Vì bố cháu có nhiều tiền!”

Lời nói của cậu bé rất thật, đúng là bố cậu có tiền, vì thế nên anh sẽ có thể mua được cho con trai rất nhiều đồ ăn nó thích, và còn có thể mua cho con trai nhiều đồ chơi nữa. Ngược lại, khi ở với mẹ, nó đã trải qua một cuộc sống nghèo khổ, mẹ không bao giờ cho nó tiền tiêu vặt, cũng không được mua đồ ăn mà nó muốn, càng không bao giờ được mua một món đồ chơi yêu thích. Thậm chí khi nó muốn ăn một loại quả nào đó, thì mẹ cũng không tùy tiện cho nó ăn. Đôi lúc vì sự nghịch ngợm của nó, người mẹ lại mắng và đánh nó, chắc chắn trong lòng, mẹ rất là đáng ghét, cho nên nó chọn ở cùng bố là điều đương nhiên.

Thế nhưng mà, người mẹ lại không chấp nhận được điều này, cô hỏi con trai: "Con trai, tại sao con lại không lựa chọn sống cùng với mẹ chứ? Ở cùng với mẹ, từ nay về sau, mẹ có thể mua cho con đồ ăn vặt, cũng có thể mua cho con đồ chơi nữa...” Nhưng đứa bé lắc đầu nói: "Con không thích mẹ”.

Người chồng nghe xong, cười đắc ý, xem ra, hai ngày trước anh ta mua cho nó đồ chơi, đồ ăn, là việc làm thật đúng đắn! Hai ngày trước, anh ta đã cố gắng thiết lập mối quan hệ với cậu con trai, là vì anh ta nghĩ đến con trai, người vợ hiện tại của anh ta không muốn sinh con, mà anh ta thì lại mong muốn có một đứa con.

_Hôm đó, người vợ ở ngay trước mặt mọi người mà nước mắt lưng tròng, ruột gan cô như đứt ra từng khúc, vì cô không thể ngờ, người con mà cô luôn quan tâm và chăm sóc lại có thể nói rằng “Con không thích mẹ”, vào lúc quan trọng nhất, đứa con thân yêu lại có thể từ bỏ cô, giờ khắc đó, cô vô cùng tuyệt vọng và chỉ nghĩ đến cái chết. Thế nhưng, khi ngẫm nghĩ lại, mình phải sống tốt, không chừng một ngày nào đó con trai cô sẽ không thể chịu được sự ngược đãi của mẹ kế mà quay trở về bên cô. _

_Lúc cậu con trai đi, cô đã mua đồ ăn vặt và đồ chơi cho con, nhưng người mẹ lại một lần nữa không thể ngờ được, cậu con trai lại có thể đem tất cả những món đồ đó ném xuống dưới xe. Thậm chí, cậu còn nói với bố mau chóng lái xe đi vì không muốn nhìn thấy mẹ nữa. _Người vợ nhìn theo chiếc xe rời xa mà khóc nức nở.

Kể từ đó, cô phải sống lẻ loi một mình. Hàng ngày, cô vẫn đi sớm về muộn và bày bán sạp hoa quả, có điều việc làm ăn buôn bán của cô kém đi so với trước đây rất nhiều, bởi vì cô luôn luôn không yên lòng, trong lòng cô lúc nào cũng nhớ đến con trai mình, cô không biết nó sống có tốt hay không. Rất nhiều lần, người vợ đột nhiên đẩy sạp trái cây quay về nhà, chuẩn bị đi lên tỉnh tìm con trai, thế nhưng khi đi đến nhà ga, cô lại tự đắn đo, bởi vì cái tỉnh thành này to như vậy, cô lại không biết phải đi đâu mới có thể tìm được con trai. Có thể con trai cô khả năng không còn ở trong tỉnh này nữa, cho dù cô có đi tìm thì cũng chỉ phí công vô ích.

Biên lai gửi tiền bí ẩn, không ai khác lại từ cậu con trai!

Một hôm, cô nhận được tờ biên lai chuyển 15 triệu, nó được gửi đến từ tỉnh thành, người gửi tiền chỉ ghi: "_I Love You”_ khiến cô không sao hiểu nổi. Cô không biết được ai là người đã gửi tiền cho mình nên không dám đi rút tiền. Không ngờ, một tháng sau, người vợ lại được nhận thêm tờ biên lai gửi tiền như lần trước.

Điều này giống như có người đang viện trợ cho cô, nên cô đã đi rút tiền. Trong lòng thầm nghĩ, đợi đến sau này khi đã biết ai là người gửi tiền cho mình thì sẽ đem tiền này trả lại cho người đó. Từ đó về sau, cứ cách một tháng, cô lại nhận được một tờ biên lai gửi tiền 15 triệu, hơn nữa người gửi tiền mỗi lần đều ghi: “I Love You”. Bản thân rất muốn biết người gửi tiền cho mình là ai, nhưng địa chỉ của người gửi chỉ có tên đường phố mà không có số nhà, khiến cho cô đành bó tay.

Đến Tết cổ truyền, cô lại nhận được một lá thư với nội dung: "Mẹ kính yêu! Mẹ có khỏe không? Con biết rõ mẹ rất yêu rất yêu con, con đã rời xa khỏi mẹ, khiến mẹ không quen và rất nhớ rất nhớ con. Mẹ của con! Thực ra, con cũng rất yêu, rất yêu mẹ, rời xa mẹ, con cũng rất không quen, cũng nhớ mẹ rất nhiều! Mẹ ơi! Con cũng biết rõ trong lòng mẹ rất khó chịu vì lúc trước con đã chọn sống cùng với bố. Mẹ có biết không? Lúc đầu, sở dĩ con lựa chọn sống cùng với bố là vì muốn được giảm bớt gánh nặng cho mẹ, đồng thời, con ở bên cạnh bố thì sẽ có thể xin tiền của bố, sau đó gửi tất cả cho mẹ, như vậy, mẹ sẽ không cần phải đi sớm về muộn mà bán hoa quả nữa! Mẹ ơi! Mẹ hãy sống tốt nhé, đừng lo lắng cho con, sau này con sẽ trở về với mẹ. Mẹ vĩnh viễn là người mẹ tốt nhất của con, con vĩnh viễn cũng sẽ không rời xa mẹ, mẹ hãy đợi con lớn lên, con sẽ đón mẹ đến ở cùng với con, chúng ta sẽ sống hạnh phúc bên nhau mẹ nhé!”.

Cầm lá thư trong tay, người mẹ nước mắt giàn giụa, hóa ra con trai cô chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ rời bỏ cô, hóa ra, trên đời này có một kiểu rời bỏ, mà lại không phải thật sự là rời bỏ, mà là để được gần nhau hơn, cho ta nhiều yêu thương hơn...

Thái Thủy

*** Tại đây có nhiều câu chuyện thú vị! Hãy để lại biểu cảm để tôi biết bạn đã đọc. Bạn có thể Share, mời bạn fb nếu muốn!!!

Thư giãn: HAI VỢ CHỒNG CÃI NHAU - St trên mạng.


Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019

Tản mạn: ĐI CŨNG LÀ ĐỂ QUAY VỀ - LPQ.





ĐI CŨNG LÀ ĐỂ QUAY VỀ

An Giang là quê ngoại nơi chôn nhau cắt rún của Mẹ tôi. Ngày xưa khi còn trung học, đến hè tôi đều mong được về thăm quê Mẹ vào mùa nước nổi. Bây giờ khi tóc điểm bạc, lời mời "về quê" của một người bạn thân đồng hương đúng lúc tuổi tác đã giúp mình cảm nhận ra mọi sự trên đời đều đến rồi đi, đều có rồi không...nên tôi nhận lời ngay và nao nao ngày trở về.

Đứng bên mạn phà qua sông Hậu, tôi cố gắng hít cho đầy buồng phổi cái mùi thơm thơm quen thuộc của con nước đậm màu phù sa gánh chở những giàn lục bình xanh thẳm nổi trôi như duyên phận bao đời của người dân sông nước miền Tây .
Bồi hồi nhớ lại ngày xưa, mỗi khi mùa nước nổi tràn về là nước ngập trắng hai bên đồng, muốn bắt cá lớn anh em tôi phải chèo xuồng đi vô đồng giăng câu thả lưới, hoặc khi trời mưa dầm thì chỉ cần ngồi trên nhà lấy vợt quơ dưới sàn nước là có được một nồi cá linh kho. Bây giờ thì nước nổi không còn ngập sâu như xưa nữa mà chỉ vừa tràn cuống rạ, các em nhỏ lội bì bõm đi bắt cá, xa xa đàn vịt vui đùa tắm mát dưới ruộng rồi nhẩn nha đứng rỉa cánh trên bờ đê.
Đường vào làng dọc theo nhánh các kinh đào không còn là đường đất mà đã được trải bê tông vừa đủ rộng để xe gắn máy chạy và các em thơ đạp xe đi học dễ dàng. Bốn mươi năm qua rồi mà làng quê tôi giờ vẫn còn mái tranh vách lá dầu dãi nắng mưa như ngày nào, vẫn những chiếc xuồng ba lá len lỏi chở hai mùa mưa nắng đi về khó nhọc áo cơm .
Sáng sớm, pha ly cà phê ngồi vừa nhâm nhi vừa nhìn những vạt nắng rưng rưng chiếu xuyên qua mái hiên bên hông nhà, chúng tôi ôn lại chuyện ngày xưa thuở làm học trò, sinh viên, vượt biên ra đi, rồi quay về...

 “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
   Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ...”
Nên:
"Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy
Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già

Ai cũng đã từng một lần trong đời sau những thăng trầm của vinh quang và cay đắng, đến một lúc ngẫm nghĩ lại những việc do chính mình tạo ra và trở nên trầm mặc để thấy rõ sự cần thiết của tĩnh tại tâm hồn .
Đó chính là lúc thẩy lòng mình hồn nhiên như trẻ thơ, chúng tôi trở về quê ngoại, mĩm cười bước những bước đi lắng lặng ngắm nhìn hương đồng cỏ nội bên đường và chợt nhận thấy rằng:
            Cuộc đời, ra đi cũng là để quay về !

LPQ
Viết cho những ngày đầu ấp ủ chương trình Pay It Forward cùng Phuong Ly.
Tháng 11/2015

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

Tiểu phẩm vui: Việt NAM TOÀN NGƯỜI GIÀU- St trên FB.






VIỆT NAM TOÀN NGƯỜI GIÀU.

Ông bạn Tây lần đầu tiên sang Việt Nam đi chơi, nhìn thấy quá nhiều người vận chuyển toàn tiền USD theo cách như thế này mới ngạc nhiên hỏi:
- Bên nước tao chở từng này tiền phải đi xe bọc thép đấy mà còn phải có bảo vệ mà sao nước mày chở bằng xe gắn máy vậy, không sợ cướp à?..."
- Dân tôi yêu nước lắm ! Nên chỉ quen tiêu tiền Việt thôi ! Chứ tiền USD chúng tôi không xài mà chỉ mang đi đốt thôi !
Tây nghe xong toát hết cả mồ hôi, miệng lẩm bẩm:
- Việt Nam giàu thật !

*St.

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Thơ: CHO EM NÓI MỘT LỜI XIN LỖI ! - Lan Phương




CHO EM NÓI MỘT LỜI XIN LỖI!

Em không còn đủ trẻ để chông chênh
Để nói...và... nghe những lời yêu lời thương
dù là sự thật !
Cuộc sống vốn mong manh giữa... nhận cho và được mất
Lại càng mỏng manh hơn khi tất cả đã là...

Em chỉ biết là mình chỉ chừng đó chớ...quá xa
Em không muốn tại ai ? Tại ta ? Hay tại người mới lạ
Không muốn những trong mơ hiện về trong vô ngã
Để sáng mai ra tất cả hóa vô thường...

Hạnh phúc là gì ? như một bản cửu chương
Theo cấp số nhân nếu chung đường sánh bước
Nếu yêu anh ! Em ngược đường gió hướng
Nên xin anh đừng tơ tưởng chi nhiều

Thôi một lời... xin khép lại... bấy nhiêu !!!
           
Lan Phương   (3/11/19)
----------------
( TL giới thiệu )

Thơ: TIỄN THU - Minh Ngọc.





TIỄN THU
Thơ Minh Ngọc

Chớm đông lạnh đã về rồi
Heo may cõng nắng hút nơi cuối trời

Ngậm ngùi lá vẫn rơi rơi
Âm thầm gió nhắn gửi lời tiễn thu

Trời đã chớm đông anh có biết
Gió lạnh về lùa tóc em bay

Khi tình yêu chưa che kín bờ vai
Nghe chiếc lá thở . . . khúc ru lỡ làng

Cuối thu nếu đã muộn màng
Chút buồn chớ có mang sang đông này

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Thơ: HOÀI THƯƠNG SỢI TÓC VƯƠNG BỤI PHẤN- Thạch Thảo.





HOÀI THƯƠNG SỢI TÓC VƯƠNG BỤI PHẤN

Cuối thu mỗi bận trời se lạnh
Lại nhớ thầy cô thuở học trò
Nhớ từng khuôn mặt thân thương ấy
Cứ hẹn về trong những giấc mơ.

Lời giảng ngọt ngào trang sách vở
Bay bay bụi phấn rớt vai gầy
Dịu dàng nắn nót từng câu chữ
Gói cả lòng trong - ôi...! Khó phai.

Tháng năm tất bật trò đi mãi
Ông lái ngày xưa cũng đã già.
Quãy mùa qua khắp miền dâu bể
Cả khối tình sâu đâu dễ xa.

Hoài thương sợi tóc vương hương phấn
Hoài nhớ dáng gầy mỗi cuối thu
Giọt mắt rưng rưng chiều lạnh gió
Cứ đong đầy-Biết gửi về đâu ? !

  Thạch Thảo Bình Dương
( 10 /11/2019 )

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Viết từ phương xa: MỘT CÂU CHUYỆN RẤT NGẮN - St trên FB




MỘT CÂU CHUYỆN RẤT NGẮN, NHƯNG LAN TỎA ĐẾN RẤT NHIỀU NGƯỜI...

Tôi lên giường ngủ lúc 11 giờ khuya, bên ngoài trời đang có tuyết rơi. Tôi co ro rúc vào trong chăn, cầm chiếc đồng hồ báo thức lên xem thì phát hiện nó đã ngừng hoạt động từ lúc nào, tôi đã quên không mua pin cho nó.

Bên ngoài trời lạnh như thế, tôi quả thực không muốn phải ngồi dậy, liền gọi điện thoại cho mẹ: “Mẹ ơi, đồng hồ báo thức của con hết pin rồi, ngày mai con có cuộc họp công ty, khoảng 6 giờ mẹ gọi điện đánh thức con dậy nhé!”.

Mẹ ở đầu dây bên kia giọng như đang ngái ngủ, nói: “Được rồi, mẹ biết rồi!”.

Sáng hôm sau, điện thoại báo thức vang lên trong lúc tôi còn đang mộng đẹp. Ở đầu dây bên kia, mẹ nói: “Con gái mau dậy đi, hôm nay con còn có cuộc họp đấy”.

Tôi mở mắt nhìn đồng hồ, mới có 5h40, liền cảm thấy khó chịu mà cằn nhằn mẹ: “Chẳng phải con nói 6 giờ mới gọi con dậy sao? Con còn muốn ngủ thêm một lát nữa, lại bị mẹ làm phiền rồi”.

Mẹ ở đầu dây bên kia lặng im không nói gì, tôi cũng cúp điện thoại…

Tôi ngồi dậy rửa mặt, chải đầu rồi ra khỏi nhà. Thời tiết thật lạnh, khắp nơi toàn là tuyết, trời đất chỉ một màu.

Tại ga xe bus tôi không ngừng dậm chân cho đỡ lạnh, trời vẫn còn tối đen như mực, đứng bên cạnh tôi là hai ông bà lão tóc bạc trắng.

Tôi nghe ông lão nói với bà: “Bà xem xem, cả đêm ngủ không yên giấc, mới sáng sớm đã thúc tôi dậy rồi, nên giờ mới phải chờ lâu như thế”.

Năm phút sau, cuối cùng xe bus cũng đã tới. Tôi vội bước lên xe, tài xế là một người thanh niên còn rất trẻ, anh ta chờ tôi lên xe rồi vội vã lái xe đi.

Tôi nói: “Khoan đã! Anh tài xế, phía dưới còn có hai ông bà lão nữa, thời tiết lạnh như thế mà họ đã đợi từ rất lâu rồi, sao anh không chờ họ lên xe mà đã đi rồi?”.

Anh ta ngoảnh đầu lại, cười nói: “Không sao đâu, đó là cha mẹ của tôi đó. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi lái xe bus, nên họ đến xem tôi đấy”.

Tôi đột nhiên rơi lệ, nhìn lại dòng tin nhắn của cha tôi: “Con gái, mẹ của con cả đêm ngủ không được, mới sáng sớm đã tỉnh dậy, bà ấy lo con sẽ muộn giờ”…

-***-
Người Do Thái có một câu ngạn ngữ: “Lúc cha mẹ cho con thứ gì, con đều nở nụ cười; lúc con cái cho cha mẹ thứ gì, cha mẹ khóc”. Cả đời này, người có thể làm cho chúng ta mọi thứ mà không cầu báo đáp chỉ có cha mẹ, vậy nên, dù thế nào cũng đừng phàn nàn họ, hãy thông cảm cho họ, quan tâm tới họ.

Hãy trân trọng từng phút giây bên cha mẹ, bởi không ai biết được khi nào họ sẽ rời xa ta mãi mãi. Khi cha mẹ còn hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan tâm chăm sóc tới họ, đừng để cha mẹ mỏi mắt ngóng trông mà không nhìn thấy hình bóng của bạn.

Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời.
Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời.
Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, chỉ có cha mẹ là người hạnh phúc nâng niu bạn trong vòng tay, cũng chỉ có cha mẹ là người ngày đêm bỉm sữa, chăm sóc bạn từng miếng ăn giấc ngủ.

Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời.

Khi bạn đau ốm, chỉ có cha mẹ là người mất ăn mất ngủ, ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Vì bạn, dẫu phải bán đi khối tài sản cuối cùng trong tay, họ vẫn sẵn sàng.

Khi bạn gặp khó khăn trắc trở, hay khi cả thế giới đều quay lưng với bạn, thì cha mẹ vẫn luôn ở bên che chở bạn, vỗ về bạn. Thời gian có thể làm lòng người thay đổi, nhưng vĩnh viễn không thể thay đổi tình yêu cha mẹ dành cho bạn.

Nhưng nếu một ngày cha mẹ buộc phải ra đi, họ sẽ không thể báo trước cho bạn một lời nào, không thể tiếp tục gọi tên bạn, cũng không thể cùng bạn ăn cơm và quan tâm tới bạn được nữa…

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn báo hiếu mà cha mẹ đâu còn? Giá như ta đã có thể bớt xem một bộ phim, bớt chơi một ván cờ, bớt đi dạo cùng bạn bè, để dành thời gian ở bên cha mẹ, ta sẽ cảm thấy bản thân đỡ ân hận phần nào!

Bởi vậy, nhân lúc cha mẹ còn đang khỏe mạnh, hãy an ủi tinh thần cho họ, hãy dành nhiều thời gian hơn để bên cạnh họ, cố gắng đáp ứng hết nguyện vọng của họ, đừng khiến cho bản thân sau này phải hối hận.

Hãy yêu thương cha mẹ như yêu thương chính bản thân mình, bởi vì họ cũng cần được yêu thương… Và nếu có một ngày thực sự họ rời đi, chúng ta sẽ không phải ngậm ngùi về những tháng ngày đã qua…

TUỆ TÂM biên dịch

---------
Dù tất cả có quay lưng với ta, cha mẹ vẫn luôn mở rộng vòng tay, chào đón ta trở về bằng tất cả yêu thương.

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

Thơ : GẶP LẠI CỐ NHÂN - Hà Thu Thủy





GẶP LẠI CỐ NHÂN

Khi bà già gặp lại cố nhân
Thì tóc và mây chung sắc trắng
Bồi hồi nhớ tình đầu lận đận
Mắt in hằn dấu vết thời gian.

Khi ông già gặp lại người xưa
Thì chân đã liêu xiêu gậy chống
Tay run run nhặt cành lá úa
Một lần xa,..xa mãi mênh mông.

Khi ông bà tìm về chốn cũ
Bến sông xưa bên lở bên bồi
Con đò đã buông neo buồn rũ
Ba nhịp cầu nắng rớt chơi vơi.

Khi bà nói ông như nghe lại
Giọng trong veo tiếng hát xuân thì
Vì xa nhau nên ông nhớ mãi
Nụ cười răng khểnh ngó hay hay.

Vì xa nhau nên bà mãi nhớ
Tiếng ghi ta theo gió bập bùng
Trôi theo bà như là duyên nợ
Cũng bởi vì bà vẫn yêu ông.

HÀ THU THUỶ (6-11-2019)

Thư giãn : NGU !... - Võ Tòng Đánh Mèo.

NGU !...
Đám cưới xong, anh con trai chuyển ra nhà riêng để sống cùng vợ. Sau ngày đầu tiên, anh ấy nhắn tin về cho bố:
“Bố ơi! Có vợ thật tuyệt vời! Chúng con suốt ngày quấn lấy nhau không rời. Cô ấy ngoan ngoãn và dịu dàng như một con mèo, khiến con ngỡ mình như một con mãnh hổ đang dang vòng tay ra che chở. Những lúc nghỉ giải lao giữa hiệp, con và vợ lại mở cửa sổ phòng ngủ ra ngắm đất trời bao la, ngắm những chú bướm đùa giỡn cùng những cánh hoa! Thích lắm bố ạ!”.
Bố nhắn lại: “Ờ! Mừng cho con!”
ngu
Hai hôm sau, anh ấy lại nhắn cho bố: “Bố ơi! Con thấy hơi mệt! Tại mấy hôm nay hoạt động quá sức mà lại toàn phải ăn mì tôm. Vợ hỏi con: “ăn mì tôm có nóng ruột không?’, con đành phải trả lời: “Không! Chỉ cần được ở bên vợ thì ăn gì cũng ngon”.
Bố nhắn lại: “Ờ! Mừng cho con!”
Vài hôm sau, anh ấy lại nhắn cho bố: “Con ăn mì tôm cả tuần rồi bố ơi! Từ hôm cưới đến nay chưa được miếng cơm nào vào mồm. Vợ con nó hiện nguyên hình rồi! Nó bảo nó không biết nấu cơm, ai thích ăn thì đi mà nấu. Giờ những lúc nghỉ giải lao giữa hiệp, con cũng không được ngồi trên giường ngắm bướm, ngắm hoa nữa mà phải đi lau nhà, giặt quần áo, cọ bồn cầu. Nó còn vào danh bạ điện thoại của con, thấy số nào của mấy em trẻ trẻ là nó xóa hết. Nó bảo thà xóa nhầm còn hơn bỏ sót, có vợ rồi, đừng hòng mà đú đởn. Thẻ ngân hàng của con nó cũng cầm. Giờ muốn ăn gì, mua gì thì phải xin ý kiến nó, nó nghe thấy hợp lí thì mới cho tiền. Con giờ như thằng ô-sin rồi! Khổ quá bố ơi!”.
Bố nhắn lại: “Ờ! Mừng cho con!”.
Anh ấy lập tức trách móc: “Bố vô tâm lắm! Con trai bố khổ sở mà bố không động viên được một câu!”.
Bố cũng không kém phần gay gắt: “Động viên à? Thế bao nhiêu năm nay, tao cũng làm ô-sin cho mẹ mày, cũng khổ như mày, mày đã động viên tao được câu nào chưa? Bố mừng cho mày vì cuối cùng cũng đã nhận ra được cái điều mà lẽ ra mày phải nhận ra từ lâu rồi! Mày có một tấm gương lù lù trước mặt là bố mày đây, sao mày không soi vào, sao mày không rút được kinh nghiệm? Đời mày rồi cũng khổ như đời bố mày thôi! Ngu! Ngu thì chết con ạ!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Thơ : NỢ LẠI THÁNG MƯỜI - Văn Châu.



NỢ LẠI THÁNG MƯỜI

Đành nợ lại tháng Mười
      những bài thơ dang dở
Chưa viết được gì nhiều
      trời đã vội cuối thu
Chiều phố núi
      gió heo may lành lạnh
Mùa quỳ hoa chớm nở
      giữa sương mù.

Anh lặng lẽ
      đi lên đầu con dốc
Ngồi nhớ Người
      như Phạm Thái nhớ Quỳnh Như...

             Văn Châu (2-11-2019)

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Thơ : VỀ RỪNG SAY - LPQ.





VỀ RỪNG SAY

Ta trốn phố về rừng say mùa cũ
Đốt lá rừng thu bỏ quên giữa núi đồi
Tình xa đi lá cỏ chẻ làm đôi
Ta vẫn giữ nửa bờ môi tương tư ngọt

Nửa bờ khuya sương giọt rơi lạnh buốt
Rớt xuống đêm tàn ướt đẫm ngọn cỏ may
Rượu một mình ta uống rũ môi say
Thấy trăng rụng dưới đáy ly rượu cạn

Ta say
Để quên, cuộc hồng trần nhân thế
Ta say
Vì quên, không nhớ nổi tháng ngày...

LPQ
11.2019

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Cuộc sống: ĐÀN ÔNG NHƯ THẾ... - Sưu tầm.





ĐÀN ÔNG NHƯ THẾ...

Bên một chiếc bàn gỗ mốc thếch, tôi ngồi uống rượu với một người bạn. Anh này thạo nhiều thứ tiếng dân tộc vì đã một thời chuyên đi thu mua nấm rừng, thảo quả trong các bản làng xuất sang Trung Quốc. Bàn bên cạnh có hai người đàn ông mặc quần áo chàm vừa nốc từng bát rượu đầy vừa chằm chằm nhìn vào mặt nhau. Ngồi né ra xa một chút là một người phụ nữ váy áo thêu xanh đỏ, khắp người đeo không biết bao nhiêu vòng bạc lủng lẳng.
Suốt đến gần nửa tiếng đồng hồ chỉ thấy có một anh chàng nói, khi thì giận dữ khi thì nghẹn ngào, có lúc lại đắm chìm trong ưu tư như bị men rượu nhấn chìm. Can rượu to trên bàn đã vơi quá nửa, bỗng hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau, nức lên rưng rức. Cái bàn ọp ẹp chao ngiêng làm hai bát rượu đổ tóe ra sàn. Lẳng lặng nhìn hai gã đàn ông quá say, người đàn bà cúi xuống nhặt những chiếc bát đặt lên bàn rồi lẳng lặng mở nút cái can nhựa cao đến hai gang tay, nghiêng can rót rượu đầy tràn hai miệng bát. Xong xuôi lại trở về chỗ, lẳng lặng nhìn bâng quơ ra rặng núi giăng ngang trước mặt.
Thấy cảnh lạ lùng, tôi thì thầm hỏi anh bạn xem chuyện gì đang xảy ra. Thì ra hai gã đàn ông này chính là “tình địch” của nhau, theo cái cách định nghĩa ngu ngốc của người dưới xuôi chúng ta. Một anh là chồng, còn một anh là người yêu cũ của người đàn bà đang ngồi đây. Nhìn kỹ ra thì cô vẫn còn khá trẻ nhưng vẻ tiều tụy và cam chịu làm cho ta nghĩ rằng đấy đã là một thiếu phụ nhan sắc đang tàn.
Chiều tối ngày hôm qua họ đã xuống đến chợ. Như nhiều đôi khác, hai vợ chồng này buộc ngựa vào một góc bên quán, ăn một bữa no nê rồi chia tay nhau. Sáng hôm nay họ lại tìm về quán cũ theo lệ thường để rồi sẽ lại ăn một bữa trước khi túc tắc dắt ngựa đi về. Thế nhưng lần này, cô vợ không về quán một mình mà dẫn theo anh người yêu cũ. Thế là ba người ngồi cùng nhau. Hai người đàn ông và một người đàn bà.
Anh bạn tôi ngồi xây mặt ra cửa nhưng căng tai về phía bàn bên để nghe và cố hạ giọng dịch cho tôi nghe từng câu nhát gừng đứt quãng của người đàn ông đang vừa nói vừa uống một cách đầy bức xúc. Anh bạn tôi còn phải tóm tắt cả câu chuyện đã xảy ra trước khi tôi hỏi, thế nhưng vẫn theo kịp được khúc sau vì anh kia cứ nói một câu lại uống một hớp, rồi lại gật gật cái đầu như đang cố vắt ra các ý nghĩ lộn xộn nằm đâu đó bên trong óc mình.
Tôi vừa nín thở để nghe và cố sắp xếp các lời dịch của anh bạn. Cuối cùng thì tôi hiểu được đại khái câu chuyện giữa hai người đàn ông, một người chỉ nói, vừa nói vừa nghẹn ngào, một người cúi gằm mặt xuống vừa nghe vừa cắn chặt hàm răng. Bỏ qua những câu vòng vo mà tôi không nhớ mà cũng không hiểu hết ý thì tóm tắt lại là như sau:
- Thằng Xín Thau kia, mày uống hết cái bát ấy đi rồi nghe tao nói. Suốt đêm qua tao đau tức cái tim, đau quặn cái ruột. Tao đi theo vợ mày về đây tìm mày.
-...
- Cái ngày bố mày theo ông thầy cúng đưa mày đến đón vợ mày về, tao buồn muốn chết. Tao đã bắn hết cả một túi thuốc, nhồi hết đạn chì thì nhồi sỏi sạn vào mà bắn. Đáy nòng vỡ ra, sẹo trên má tao vẫn còn đây này.
-...
- Sau khi cưới, vợ mày nó bảo rằng tao đừng buồn, mày thương vợ lắm. Tao tin nó quá, thế là tao vui.
- ....
- Phiên chợ trước tao được tin nhắn là phiên này vợ chồng nhà mày sẽ đi. Tao đắp vội mấy khúc bờ ruộng cho xong, tao bỏ cái đám cưới trong bản để ra đây gặp vợ mày.
- ...
- Mày phải biết. Khi đi ra chợ tao vui quá, bỏ không bắn hai con chim to trên cành, bỏ không bắn một con nhím to trong bụi. Tao chỉ nghĩ đến cái lúc được gặp vợ mày. Thật đấy. Tao vẫn còn thương con vợ mày lắm mà.
- ...
- Đến lúc tao tìm được con vợ mày, tao vui đến chảy cả nước mắt. Tao lại hát lại cái bài mà ngày xưa lần đầu tao hát vào bên tai con vợ mày, cái đêm đầu tiên tao gặp được nó.
- ...
- Thế mà, dắt nhau đi rồi, đèn tao chiếu vào tận mặt mà tao không còn nhận ra nó là cô con gái đẹp nhất bản. Giàng ơi. Ngày xưa cái mặt ấy tròn như trăng rằm, hai cái vú nó tròn to như hai quả dưa chín, cái tay nó đẹp như mình con trăn trên cây, tiếng nó cười hay như chim hót làm nắng cũng cười theo, cái váy nó thơm như hoa rừng làm bướm cũng bay theo.
- ...
- Giàng ơi. Đêm qua tao chỉ thấy mặt nó cong méo như trăng hạ tuần, ngực nó nhăn như hai quả bí héo. Nó không cười, nó chỉ muốn khóc. Tao đau cái tim tao quá. Giàng ơi.
- ...
- Mày nói đi. Là thằng đàn ông, mắt mày có nhìn thấy vợ mày nó khổ hay không? Là thằng đàn ông, mày có thấy vợ mày nó buồn hay không?
- ...
- Mày là thằng tốt số nhất đời. Mày sinh vào lúc nào mà mày lấy được vợ mày. Mày thật là có cái tội to. Hôm nay tao định đánh mày, tao thương con vợ mày quá.
- ...
- Lần này tao mang hai bao ngô giống. Tao không bán nữa. Mày mang về đi mà trồng. Phiên chợ sau tao gửi phân bón vào cho.
- ...
- Đến kỳ ngô ra bắp tao bảo mày cách đặt bẫy. Tao có bài thuốc, bẫy sập là lợn rừng ngấm thuốc không chạy được đâu. Tao sẽ cho mày. Nếu nhím sập bẫy, mày bắt nguyên cả con mang ra chợ. Có người mua ngay. Ba cái dạ dày nhím sống là đổi được một con lợn giống to.
- ...
- Mày không được lười. Mày đói thì tao kệ mày nhưng vợ mày thiếu thóc thiếu ngô là tao đánh mày đấy.
- ...
- Thằng Xín Thau kia, mày có phải là thằng đàn ông hay không?
Nhìn hai gã đàn ông gục đầu vào nhau rưng rức khóc trên hai bát rượu đã cạn khô, tôi thấy thật là khó tả. Nhìn sang người đàn bà lẳng lặng ngồi bên, tôi không đọc được những ý nghĩ gì đang ẩn hiện trong đầu cô ta. Phải chăng là vừa hạnh phúc vừa tủi thân, phải chăng là vừa ái ngại vừa thương xót cho cả hai gã đàn ông của cô.
Rất lâu về sau, một lần tôi đem câu chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Vợ tôi thở dài, cầm cái điều khiển tắt phụt màn hình vô tuyến đang lải nhải vô duyên và bâng quơ nói: “Đàn ông như thế mới là đàn ông”.

PHẠM HOÀNG HẢI