Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Thơ : VỊNH ĐÁ BA CHỒNG - Kha Tiệm Ly.

 



VỊNH ĐÁ BA CHỒNG *


Chẳng là Tô Thị, chẳng Nam Xương

Một dạ trung trinh mới lạ thường

Bốn tiết gió mưa gìn tứ đức

Ba tầng son sắt vẹn tam cương

Ngàn thu bão táp bền gan đá

Chín lớp mây che vững mối giường 

Sừng sững ngang trời, cao khí tiết

“Ba chồng”, ai bịa nghĩ mà thương!


KHA TIỆM LY


* Đá Ba Chồng ở Định Quán, Đồng Nai

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Thơ : CÔNG THANH & NỖI NHỚ - hathuthuy.




 CÔNG THANH và NỖI NHỚ 

Tặng cho em những tâm tình cô giáo

Và lời thương êm ả ngát môi mềm

Hát lên em! Bài đồng dao yêu dấu

Gọi chim về ngậm nhánh cỏ bình yên .


Tặng cho em... Lời ru trong bài giảng

Có cánh cò bay lả trắng đồng xanh

Có tiếng võng giữa trưa hè im ắng

Tiếng mái chèo khua sóng nước long lanh.


Tặng cho em tình thương trong con điểm

Đỏ rực ráng chiều cuối bãi đầu sông

Đã bao năm ... Cô đưa đò lặng lẽ

Giờ xa rồi... Ngàn nỗi nhớ mênh mông.

hathuthuy 

(Trường Tân Phú - Quận Công Thanh - Tỉnh Biên Hòa 1972)

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Phim ảnh : SỰ LÂY NHIỄM - Lê Quang Huy.

 



SỰ LÂY NHIỄM ( CONTAGION )

(Nhân đọc được tin một nam sinh ở Khánh Hòa tử vong vì mắc cúm gia cầm H5N1)

 Một chiếc xe ủi trong lúc làm nhiệm vụ dọn dẹp rừng ở Trung Quốc đã đốn hạ một cây chuối, làm xáo trộn môi trường sống tự nhiên của bầy dơi. Khi một con dơi lạc loài tìm đến trang trại nuôi heo để trú ẩn, nó làm rơi một mẩu chuối xuống đất và mẩu này bị một con heo ăn mất. Sau đó con heo này bị đem về một sòng bạc ở Macau giết mổ và làm thịt, rồi tay đầu bếp mổ heo truyền virus cho cô Beth Emhoff thông qua một cái bắt tay, khởi đầu cho một cơn đại dịch. 

 Đó là cảnh hồi tưởng cuối bộ phim truyện Contagion (Sự lây nhiễm), một phim hay về dịch bệnh. Được sản xuất năm 2011, đây là một tác phẩm điện ảnh dự báo hơi “mạnh tay” (vào thời điểm đó) của đạo diễn Steven Soderbergh về đại dịch và phản ứng của giới khoa học trước một cơn khủng hoảng y tế.  

 Phim hay và lôi cuốn do đạo diễn Steven Soderberg đã khai thác nhiều nội dung khác nhau đan xen, như các yếu tố gây hoảng loạn đám đông, quá trình ngăn chặn đại dịch, xung đột giữa những động cơ hành vi cá nhân với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, những mặt hạn chế và hệ quả của phản ứng y tế công cộng… Về kỹ thuật, Steven Soderbergh đã sử dụng lối kể chuyện từ nhiều góc nhìn, chuyển cảnh liên tục giữa các vị trí địa lý và con người cách xa nhau. 

 Trong thể loại phim về đề tài dịch bệnh, có lẽ phim Contagion có nhiều yếu tố gần gũi với dịch bệnh Covid-19 nhất, dù đó là một tác phẩm điện ảnh được ra đời trước đại dịch này gần 10 năm. Có lẽ vì vậy mà khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới khiến người dân các nước phải cách ly trong nhà thì bộ phim Contagion bất ngờ được nhiều người tìm xem bởi nội dung mang tính dự báo từ 9 năm trước.

Điểm đáng lưu ý là trong phim lẫn diễn biến dịch Covid-19 ngoài đời thực, mầm bệnh đều bắt nguồn từ Trung Quốc và căn bệnh đều được kết luận là truyền nhiễm từ loài dơi.

LÊ QUANG HUY. 

Huyền diệu : NHÁT ĐỤC CUỐI CÙNG - St trên FB.

 



NHÁT ĐỤC CUỐI CÙNG

 

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giao du qua lại với ai. 

Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa. 

Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi. 

Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ. Danh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả. 

Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, Thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua! Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện. 

Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giêsu cao một mét bảy. - Nhưng thưa ông, Chúa Giêsu là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi? Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân: -Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần. Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm. Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp… 

Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách: - Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài. 

Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh. Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình. Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận! Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu. Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi. hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở! 

Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc. Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn! Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như vị này! Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này! Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt. Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá. Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi! Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy! Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải? Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! cái điệp khúc “Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi. Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới thánh thiện làm sao! Mỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ. Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông sắp chết, nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông. 

Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong cả bốn quyển Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giêsu phải chịu. Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và má-u thì dĩ nhiên rồi! Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?”, mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại! Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúa Giêsu đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục. Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế! Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại? Gương mặt Chúa Giêsu thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông. Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt. Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường. Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị. Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên. Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa! Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông. Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này. Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi… 

 Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chế-t dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt nhìn lên Thánh Giá!


Sưu tầm trên FB. 

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Thơ : PHƯỢNG CŨ XA RỒI - Thạch Thảo BD.

 



PHƯỢNG CŨ XA RỒI.


Đây đó ve ca. Đường phượng đỏ

Hạ về, nắng mới. Tóc em thơm.

Áo bay trắng xoá trời thương nhớ

Gợi lại mùa xưa. Biệt mái trường.


Ngày ấy xa rồi. Thu mắt biếc

Có nàng ngọc nữ tuổi hồn nhiên.

Vô tư sách vở cùng bè bạn

Thân ái bên nhau. Mộng rất hiền.


Rồi mùa hạ đó, mình chia biệt

Mỗi đứa đường riêng. Gót hải hồ.

Năm tháng áo cơm. Mờ xóm cũ

Vẫn hằng đau đáu những ngày thơ.


Chiều nay nắng mới, thênh thang gió

Ve gọi hè sang, phượng đỏ cành.

Nhắc nhớ mùa xa, lòng rưng rức

Đâu rồi biêng biếc, mắt em xanh?


Gọi thầm nho nhỏ ngày xưa ấy

Bè bạn thầy cô…Thân ái ơi.

Giờ biết tìm đâu? Yêu dấu hỡi

Đầy trời thương nhớ… Ngậm ngùi thôi.


Ngày 17-3-24

THẠCH THẢO BD

Bài hát : GỞI EM - Kim Dung.

 


Bài hát hay : GỞI EM

Sáng tác : KIM DUNG

Tiếng hát : NGỌC MINH

Về bài thơ : TRỐNG THỦNG. HXH - Hoài Nguyễn.

 




TRỐNG THỦNG - Hồ Xuân Hương

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được người đời mệnh danh là “Bà Chúa Thơ Nôm”, có nghĩa là những bài thơ theo Đường luật đã được bà “Việt hóa” và gần gũi với ngôn ngữ bình dân của người Việt mình.

Trong thơ của bà, có “thanh cao mà hàm ý tục” và người đọc nếu hiểu ý cũng chỉ tủm tỉm cười thầm. Hay nhất trong thơ của Hồ Xuân Hương là cách bà nhấn mạnh vào hai câu kết!

Người ta cho rằng Hồ Xuân Hương bị lận đận trong đường tình duyên, chỉ là phận lẻ mọn nên chuyện “chăn gối” với bà chỉ “lẻ tẻ” chẳng bõ bèn gì với nhu cầu thực nên bà mượn thơ ca để “xả stress” ví dụ như : "Năm thì mười họa hay chăng chớ. Một tháng đôi lần có cũng không", hoặc qua các bài thơ tựa như : Đánh đu, Dệt cửi, Trống thủng, Đá ông Chồng bà Chồng …

Chính từ điểm này mà một số người cho rằng Hồ Xuân Hương "khủng hoảng tình dục". Họ cho rằng Hồ Xuân Hương trẻ đẹp, đầy sức sống nhưng tình duyên trắc trở, thèm khát dục vọng, mà viết nên những bài thơ dâm ấy!

Nhưng kỳ thực, Hồ Xuân Hương nhìn cuộc đời với thế giới quan hết sức bình thường theo kinh Dịch của Nho học, có Âm thì phải có Dương đó là một sự tương giao tự nhiên trong vũ trụ để tồn tại. Không như một số văn nhân thi sĩ né tránh đụng chạm đên những vấn đề mang tính “nhạy cảm”, Hồ Xuân Hương xem sự tương giao giữa âm dương, giống đực và giống cái, giữa đàn ông và đàn bà … là chuyện bình thường như chuyện ăn mặc, ngủ thở .. để con người mọi vật sinh sôi nảy nở và tồn tại theo quy luật tự nhiên của đất trời.

Cái nhìn của bà cũng như mọi người trong mối quan hệ âm dương ấy đưa ta đến gần với tín ngưỡng phồn thực là một tín ngưỡng thời nguyên thủy xa xưa.

Thời Hồ Xuân Hương, cách đây vài trăm năm, chắc các lễ nghi mang tính phồn thực hãy còn sống trong môi trường văn hóa ấy, con người thông minh tuyệt vời ấy với trí tuệ sắc sảo của mình, đã không bỏ qua mà tìm trong đó một khía cạnh phục vụ cho ý đồ sáng tác của mình. Một mặt là nhằm làm nổi lên ý nghĩa cơ bản sâu xa của việc cầu chúc có tính ma thuật để cho sản xuất được bội thu là trở về với một quan niệm đã thành tín ngưỡng đơn giản: cái gốc của sự sinh sôi nảy nở, cái gốc của sự sống là ở sự giao hòa của hai vật khác giống. Kinh Dịch của Nho gia sẽ cho biết thêm hai vật khác giống ấy được quy vào hai khí âm dương. Từ đó những lễ nghi phồn thực chẳng còn có gì là tục tằn, càng chẳng có gì là dâm đãng. Ngược lại, nó thiêng liêng, cao quý vì nó cầu cho con người có được đời sống dồi dào hơn, tốt đẹp hơn.

Cũng ở mức độ tự nhiên, cái nhìn với phụ nữ trong mối quan hệ âm dương sẽ đưa tới một quan niệm bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Nếu âm dương phối hợp thì sinh ra sự sống, nghĩa là làm nên sự sống ắt phải có âm có dương, có âm thì có dương, có dương thì có âm, hai bên phối ngẫu với nhau trên bình diện ngang nhau, do đó, âm dương hoàn toàn bình đẳng. Từ đó chuyển lên mức độ xã hội, nhất định cũng phải thế.

Hồ Xuân Hương không những quý trọng thương yêu sự sống mà nhân đó còn đề cao vai trò to lớn và không thể thiếu được của phụ nữ trong chức năng thiêng liêng là sinh ra sự sống. Sinh ra con người là phải có đàn bà, đâu chỉ có đàn ông. Và thân phận phụ nữ cũng được tạo hình từ thịt xương như nhau cả, cần phải có sự bình đẳng chứ người phụ nữ không thuần túy là “đồ chơi” của mấy ông!

Trong nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương, tôi cũng từng họa một số bài như “Đèo Ba Dội” … nay họa thêm bài “Trống Thủng” để tiện đường cho các bạn hiểu thêm về nữ sĩ tiền bối và tài hoa này.

Bài “Trống Thủng” được Hồ Xuân Hương làm theo luật Bằng nhưng tôi họa lại theo luật Trắc và vẫn giữ nguyên vận ….

*Trống Thủng


Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,

Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi,

Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc,

Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi,

Khi giang thẳng cánh bù khi cúi

Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.

Nhắn nhủ ai về thương lấy với,

Thịt da ai cũng thế mà thôi.


Hồ Xuân Hương


*Dùi Cong


Chửa đánh mà nghe đã ngậm ngùi

Xưa nay phận mỏng chỉ là dùi

Tùng tùng mấy phát chừng như mệt

Cắc cắc vài canh đã bở hơi

Lúc mới hăm he mong gặp trống

Khi mòn lác đác cố ăn xôi

Dùi nào đánh mãi mà không thế!

Đánh trống bỏ dùi chỉ thế thôi!


HOÀI NGUYỄN  – 03/11/2015

Tản mạn : CHỮ DẠ TRÊN MÔI - St trên FB.




 CHỮ DẠ TRÊN MÔI


Nhiều người vẫn lầm tưởng khi dùng chữ  ‘dạ’ là tỏ thân phận hèn kém, bề dưới, lép vế, hay hèn mạt. 

Hoặc thậm chí hiểu sai luôn khi cho rằng chỉ người dưới mới cần dạ với người trên. 

Chữ ‘dưới’ ở đây được hiểu là người nhỏ tuổi hơn trong xã hội, hay vai em/con/cháu trong gia đình.

Mình đi dạy kèm. 

Ông nội đứa học trò ngang tuổi ba mình. Vài lần tới sớm nhóc chưa kịp tắm hoặc ăn cơm, hay những khi mưa to phải ngồi chờ cho dứt cơn mới về là bác hay tiếp chuyện mình. 

Bác cẩn thận hỏi ba mẹ mình nhiêu tuổi. Khi biết ba mình hơn bác một tuổi bác khiêm tốn xưng chú và cười thẹn:  

“Thật là có lỗi với bác bên nhà quá.”. Mình cũng chữa thẹn cho bác, nói:  

“Dạ, con cũng như em út của các anh chị bên đây nên bác là bác cũng phải mà.”

Điều đặc biệt là mỗi câu trả lời của bác luôn có chữ ‘Dạ’ đệm ở đầu câu:  

“Dạ, hồi còn thanh niên tui cũng ham chơi lắm cô.”,  

“Dạ, cháu nó còn dở dang chén cơm cô vui lòng ngồi chờ chút.”,  

“Dạ, xin lỗi cô, hai bác bên nhà năm nay chắc còn mạnh?”.

Những năm sau này không tiện ghé thăm bác mình gọi điện hỏi thăm. 

Ngôn ngữ bác dùng trên điện thoại lại càng trang trọng hơn:  

“Dạ thưa cô cháu nó lớn rồi mà tui cũng còn lo lắm”,  

“Dạ thưa cô năm nay cũng không đi lại nhiều bị cái chân nó không còn được như xưa”,  

“Dạ, bà nhà tui kỳ này cũng ít còn may vá”.

Mỗi lần gọi học sinh phát biểu, tụi nhỏ không chịu trả lời ngay mà cứ “Dạ thưa cô”,  

“Thưa cô con đọc bài” 

nghe cũng sốt ruột nhưng nghĩ lại đó là nếp lễ nghi cần duy trì nên cũng kềm bớt cái tính nóng nảy lại. 

Dạo còm-men thấy dân tình đối đáp có chữ dạ, chữ thưa sao mà thấy vui quá. Mình dạy tiếng Anh nên không ác cảm với chữ “OK” như một số người hiểu lầm là lối nói xấc xược. 

Nhưng thấy mọi người hay chốt câu chuyện bằng chữ  “Dạ anh”, “Dạ chị”, “dạ chú”, “Dạ bác” thì vẫn thấy vui hơn chữ “OK” gọn lỏn.

Những gia đình còn cố giữ lễ nghi, phép tắc vẫn dạy con luôn có chữ “Dạ” đầu câu. 

Cô hỏi con mới đi Đà lạt về hả, trò trả lời

“Con mới về á cô.”

Mẹ quay qua nhắc con: 

“Con phải nói dạ con mới về”.  

“Con 5 tuổi”, 

con phải nói là 

“Dạ thưa cô con 5 tuổi”,  

“Con ăn rồi.”, 

con phải nói là  

“Dạ con ăn cơm rồi”.

Lang thang quán xá, 

“Chị ơi tính tiền.”, 

“Dạ, của em 5 chục nha”. 

Ra khỏi quán, anh bảo vệ hỏi đi hướng nào để dắt xe giùm, ngại quá bảo anh cứ để em,  

“Dạ, không sao chị. Chị cứ để tui.”

Xứ Đàng Trong, chữ “Dạ” đệm đầu câu cho câu nói thêm dịu dàng, khiêm tốn, và để thể hiện con nhà có giáo dục, lễ nghi, phép tắc. Nào phải đớn hèn, nhục nhã gì đâu! 

Chỉ sợ sau này thứ văn hóa xuống cấp thì 2 mẫu tự tạo nên chữ ngọt ngào ấy cũng sẽ tuyệt chủng.


Chuyện của Sài Gòn

Sưu tầm

Thơ : TRỞ LẠI TRƯỜNG YÊU - Trâm Nhân.

 



TRỞ LẠI TRƯỜNG YÊU

(Trâm Nhân thương tặng các cựu học sinh trường Trung học tư thục Minh Đức, Pleiku khối tú tài IBM 1974 nhân dịp về thăm trường cũ)


Nắng sân trường rực rỡ sáng tháng ba

Vài tiếng ve đan cài trong vòm lá

Chùm phượng vỹ lửng lơ bên thềm hạ

Gió xạc xào reo khúc hát hoan ca


Em có về, mình hò hẹn tháng ba

Áo trắng sân trường, rưng rưng ngày hội khóa

Sống lại một thời hoa niên trong trẻo quá

Kỷ niệm ùa về giăng ký ức xanh rêu


Năm mươi năm ta trở lại trường yêu

Đây góc lớp, đây chỗ ngồi thân thuộc

Hành lang đó, mỗi ngày ta đếm bước

Khoảng sân này ghi dấu những bàn chân


Năm mươi năm, mái tóc đã hoa râm

Vết thời gian in hằn trên khóe mắt

Bạn bè xưa, người đã đi xa lắc

Để người còn một khoảng lặng chơi vơi


Ta trở về nguyên vẹn tuổi đôi mươi

Khung trời cũ mênh mang màu mực tím

Tà áo trắng vương hồn ta xao xuyến

Bài thơ tình viết mãi vẫn chưa xong


Em có về hò hẹn tháng ba không?

TRÂM NHÂN. 

Pleiku, 19/03/2024

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Thơ : NẮNG THÁNG BA - Xuân Duyên.

 



NẮNG THÁNG BA.

Nắng tháng ba sao dịu dàng thế nhỉ?

Lúng liếng cười trao ánh mắt đưa duyên

Đoá súng hiền ngoan ngoãn cạnh bên hiên

Nghe hoang hoải bỗng trầm im đến lạ

Mây bay đi như bặt chim tăm cá 

Vạt nắng vàng có để lại trong tôi

Tháng ba ơi ,còn đọng ở bờ môi

Hồng lên nhé, cho cuộc đời xanh mãi

Ai rẽ lối cho thuyền ra bến bãi 

Nhớ ân tình ,hoa sẽ dạt về đâu? 

Tháng ba ơi ,còn bao chuyện bể dâu

Cây thay lá ..thời gian dần tan tiến

            XUÂN DUYÊN  - 3/2024

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Suy ngẫm : BẠN THẬT MAY MẮN... Sưu tầm.

 



BẠN THẬT MAY MẮN KHI SỐNG QUA ĐƯỢC TUỔI 65


Cảm ơn ai đã tổng hợp số liệu thống kê này !

Đọc để hiểu chúng ta may mắn như thế nào nếu đã ở trên tuổi 65 và có nhà, có đủ cơm ăn và áo mặc.

Dân số hiện tại của Trái đất là khoảng 7,8 Tỷ người. Tuy nhiên, ai đó đã cô đọng 7,8 Tỷ người trên thế giới thành 100 và sau đó thành các thống kê tỷ lệ phần trăm khác nhau.

Kết quả phân tích tương đối dễ hiểu hơn nhiều.

* Trong số 100 người có: 11 ở Châu Âu, 5 ở Bắc Mỹ, 9 ở Nam Mỹ, 15 người ở Châu Phi và khủng khiếp khi nghĩ có tới 60 người Châu Á.

* Trong số 100 người: 77 có nhà riêng và 23 không có chỗ ở.

* Trong số 100 người: 21 người được nuôi dưỡng quá mức; 64 có thể ăn no; 15 người thiếu dinh dưỡng.

* Trong số 100 người: 87 có nước uống sạch, 13 hoặc thiếu nước uống sạch hoặc tiếp cận với nguồn nước bị ô nhiễm.

* Trong số 100 người: 75 có điện thoại di động và 25 không có.

* Trong số 100 người: 30 người có quyền truy cập internet, 70 không có điều kiện lên mạng.

* Trong số 100 người: 7 nhận được giáo dục đại học và 93 đã không được học đến bậc đại học.

* Trong số 100 người: 83 người có thể đọc còn lại 17 người mù chữ.

* Trong số 100 người: 33 người theo đạo thiên chúa, 22 người theo đạo Hồi, 14 người theo đạo Hindu, 7 là Phật tử, 12 là các tôn giáo khác và 12 người không có tín ngưỡng tôn giáo. Như vậy Phật tử chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và tỷ lệ này ngày càng giảm.

* Trong số 100 người: 26 sống dưới 14 năm, 66 người chết từ 15 đến 64 tuổi, 8 người trên 65 tuổi.

Bạn thật may mắn khi đã sống trên 65 tuổi, nghĩa là trong số 100 người, có 92 người phải chết trước tuổi 65.


KẾT LUẬN:


- Nếu bạn có nhà riêng của mình,

- Ăn đầy đủ các bữa ăn và uống nước sạch,

- Có điện thoại di động,

- Có thể lướt internet và đã đi học đại học,

- Bạn đang ở trong một lô nhỏ - rất nhỏ - có những đặc quyền mà 93% nhân loại KHÔNG được hưởng.

🌹Và quan trọng là bạn hiểu tại sao người ta chọn tuổi 65 để được hưởng lương hưu và các phúc lợi xã hội? Há há 😂

Trong số 100 người trên thế giới, chỉ 8 người có thể sống hoặc vượt quá 65 tuổi. Nếu bạn trên 65 tuổi. Hãy bằng lòng và biết ơn. Bạn đã là người có phúc giữa nhân loại.

Hãy chăm sóc sức khỏe của chính mình thật tốt vì không ai quan tâm tới bạn hơn chính bạn!

Và ta nên cư xử với mọi người như với chính mình. Không phân biệt giai cấp, giới tính, đảng phái chính trị ... 


Sưu tầm!

Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

Cùng suy nghĩ : VỀ 2 CÂU NÓ NÓI XƯA - KTL

 



VỀ HAI CÂU NÓI XƯA  

 Có hai câu nói của xưa dường như ai cũng biết, nhưng về ý nghĩa thì lại giải thích chẳng giống nhau. Chúng tôi xin trình bày sau đây đề quý vị cùng tham khảo.

 Thứ nhất là câu “Hậu sinh khả úy!” (Kẻ sinh sau đáng sợ!). Theo sự hiểu biết của hầu hết mọi người từ trước thì đây là LỜI KHEN của Đức Khổng Tử sau khi “tranh luận” và bị… “bí” với đứa bé sáu tuổi tên là Hạng Thác. (Câu chuyện nầy quá phổ thông nên chúng tôi nghĩ không nên viết lại – Quý độc giả  nào muốn tìm hiểu thêm xin tra cứu “Khổng Tử  và người Hạng Thác). 

 Người ta hiểu rằng Khổng Tử đã bái phục Hạng Thác, và khẳng định là kẻ sinh sau luôn thông minh hơn, tài giỏi hơn người đi trước. 

 Câu thứ hai là: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Câu nầy được hiểu là:”Một chữ cũng là thầy; nửa chữ (cũng) là thầy”,  nó hàm ý nhắc ở mọi người không được quên ơn thầy dù thầy mình có dạy mình nhiều thứ (nhất tự) hay chỉ dạy mình một vài điều nhỏ nhặt nhất (bán tự).

 Khi còn học tiểu học, tôi vẫn được dạy như trên, nhưng từ khi được thầy Trần Văn Huấn  (cháu nội của nhà cách mạng Trần Quý Cáp) dạy cho Hán Văn thì thầy lại bảo rằng “Hâu sinh khả úy!” không phải lời khen mà là một LỜI THAN: “(Đạo đức, nhân phẩm, lễ nghĩa… của) Kẻ sinh sau (thật) đáng sợ!”' Đây là một lời nói chua xót, ẩn tàng một cái nhìn không mấy thiện cảm với lớp hậu sinh qua một cậu bé sáu tuổi mà đã nói lên những câu hỏi, những câu trả lời ngông nghênh và thiếu lễ độ với bậc tiền bối. Những câu hỏi của Hạng Thác hỏi Khổng Tử như: “Trên trời có mấy ngôi sao?”, “Dưới đất có bao nhiêu nhà?” hay “lông mày có mấy sợi?” thì bất cứ đứa trẻ nào cho chút thông minh và chút … láu cá đều hỏi được; hoặc khi Hạng Thác bày trò xếp gạch giữa đường, cản đầu xe Khổng Tử, ngài bảo: “Sao mầy không tránh xe tao?”. Đáp: “Xưa nay xe phải tránh thành chớ thành nào phải tránh xe”. Đây là lý luận của một đứa trẻ con KHÔN LỎI mà thôi. Có người bảo: “Nếu Khổng Tử không phục, sao lại bái Hạng Thác làm thầy?”. Thưa: “Chuyện Khổng Tử bái Hạng Thác làm thầy chỉ thấy ở ngoại sử, mà ngoại sử thì ai muốn thêu dệt thế nào tùy ý. Cho dù là chuyện có thật thì cũng không có gì là lạ, bởi bất cứ ai cũng có thể là thầy của Ngài: “ Ba người cùng đi ắt có thầy ta. Chọn người thiện thì là ta theo, nếu người không thiện thì ta lấy đó mà sửa mình” (Tam nhơn đồng hành tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tùng (tòng) chi; kỳ bất thiện giả nhi cải chi).

 Nếu hiểu “kẻ sinh sau đáng sợ!” là một lời tán dương, thì nó chỉ đúng về khía cạnh khoa học, về tiến bộ  trật tự xã hội ngày nay; nhưng lúc đó Hạng Thác có biết gì về khoa học,  ngoài những câu hỏi đáp ngang bướng với Khổng Phu Tử, thì lấy chi mà khen tặng”?

 Một câu hỏi có tính khoa học mà Hạng Thác hỏi Khổng tử: “Tại sao mặt trời buổi sáng lại lớn hơn buổi trưa? - “Vì  mặt trời buổi sáng gần hơn” – “Sao gần hơn mà nó lại mát hơn (buổi trưa)?”. Khổng Tử không giải thích được. Nếu Hạng Thác thật sự là một “hậu sanh khả úy” , hiểu theo nghĩa kẻ sinh sau thông minh hơn, giỏi hơn người trước thì đã giải thích được hiện tượng nầy rồi; đàng nầy Hạng Thác hỏi được , nhưng cũng “bí” vì điều thắc mắc của mình, thì sao gọi là “giỏi”?  Ta nên nhớ rằng Khổng Tử là nhà tư tưởng chớ không phải là nhà khoa học. Hiện tượng  mặt trời đỏ và lớn vào buổi sáng mãi đến tiền bán thế kỷ 17 người ta mới giải thích được khi biết… trái đất tròn và xung quanh trái đất có lớp không khí dày đặc!

 Nếu Hạng Thác giỏi hơn Khổng Tử thì sao từ đó về sau ta không gặp tên Hạng Thác trong bất kỳ loại sách vở nào nhắc đến? Điều nầy làm ta nghi ngờ Hạng Thác chỉ là nhân vật của trí tưởng tượng.

 Nhưng lời than “kẻ sinh sau đáng sợ” thì thấy dẫy đầy: gian xảo, lưu manh, chém cha đánh mẹ, lừa thầy phản bạn, giết người hàng loạt, mổ mật, lấy tim…!

 Về câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đây là câu nói truyền khẩu trong dân gian mà có lẽ xuất phát từ những lão nho. Theo thầy Trần Văn Huấn, nó không phải là lời khuyên mọi người nên “tôn sư trọng đạo” như đã nói ở trên, mà là một câu đầy tính mai mỉa: “ Một chữ cũng (bày đặt) làm thầy; nửa chữ cũng (bày đặt) làm thầy!” (Chữ “vi” nghĩa là “làm” chứ không phải “là”); Câu nầy cũng không ngoài để chế nhạo những lang băm, học qua loa hay học lóm được mấy bài thuốc rồi “nhảy” ra trị bệnh cho người!

 Với chữ Hán, tôi còn chưa biết viết nét nào trước, nét nào sau, nên nào dám lạm bàn cái nào sai, cái nào đúng; nhưng vì hai câu trên quá phổ thông trong đời sống hàng này nên mạo muội viết bài nầy chỉ mong thỉnh ý quý vị cao thâm.

KTL.

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2024

Thơ : THẤT CHÍ CA - Kha Tiệm Ly.

 



THẤT CHÍ CA

 

Từ thuở chim rừng bặt lối quen,

Vẫn mơ về núi cũ êm đềm.

Ta mang theo nửa hồn mưa gió,

Một nửa hồn yêu gởi lại em.

 

Quán cũ xuân về ta với ta,

Ngoài sân buồn bã cội mai già.

Bâng khuâng nhấp rượu, sầu nghiêng chén,

Gió buốt đâu về cợt cánh hoa!

 

Một chút tàn đông cũng lạnh lùng,

Bụi đường chưa rũ áo sương phong.

Liễu gầy xõa tóc, ta say tỉnh,

Khi hạt nắng vàng rụng cuối sông.

 

Rượu mới lưng bình đã vội say,

Diễm xưa còn thẹn chuốt mi dài?

Xa xăm màu má thơ ngây ấy,

Sao lại rơi vào chén rượu cay?

 

Dong ruỗi chưa chồn vó ngựa câu,

Bút nghiên còn  thẹn với tinh cầu,

Thị phi không rõ màu đen trắng,

Bởi mắt nhân gian vốn đục ngầu!


KHA TIỆM LY

Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Thơ : TÌNH TỰ THÁNG 3 - hathuthuy.

 



TÌNH TỰ THÁNG BA

Nắng reo bài tháng ba

Lên bát ngát hoa vàng 

Trên con đường êm ả

Bình minh rơi miên man


Mây hát bài tháng ba

Tặng đàn cò xoãi cánh

Lục bát chiều thiết tha

Hoàng hôn hồn cổ tích.


Gió hát bài tháng ba

Hoa Sala say ngủ 

Giữa đất trời bao la

Êm êm lời tình tự.

hathuthuy

Tiểu phẩm : THÁNG GIÊNG GIÓ... - Nguyễn Ngọc Tư.

 



THÁNG GIÊNG GIÓ BỎ NHÀ ĐI. 

Trăm năm trước ông bà mình khi chất hành lý lên ghe men theo bờ biển vô Nam khai phá, phía đó còn không có bạn bè chờ sẵn. Trước mặt mịt mù, nhưng họ vẫn dứt dây ghe cái một.


---


"Một bữa cơm trước Chạp, thằng cháu nội ông đột ngột nói sẽ đi miền Đông. Ai nấy đều ngừng đũa. Chuyện này rồi sẽ tới, mọi người trong nhà, kể cả ông già đều lường trước, nhưng khi nó thật sự ập vào thì đỡ không nổi cơn choáng váng. “Ở đây thiếu cha gì công chuyện để làm, sao phải đi?”, bữa đó cả nhà xúm thuyết phục thằng nhỏ, nhưng nó chỉ nói thêm một câu khi lùa xong chén cơm, “xóm này tụi nó đi muốn hết, thằng Chín cũng đi rồi”. Chín là bạn thân nó, nhưng cả nhà biết hai đứa không chỉ thân, Chín còn có đứa em gái duyên, da mật. Cô đã cùng đi với anh mình.


Những thanh niên trong xóm Cầu Nâu kéo nhau ngược miền Đông từ vài năm trước. Hồi đầu thì lác đác, nghe tin đứa nhỏ nào bên xóm đó quảy túi bỏ đi, ông già không mảy may nghĩ chuyện đó liên quan tới mình. Nhưng bữa cúng đình, thấy thanh niên thưa thớt, mấy ông già ngồi kiểm đếm coi con cháu nhà nào đang đi - ở, ra một con số không nhỏ. Nếu như con số có mùi vị, thì nó hẳn mang mùi mất mát. Lúc đó ông già bất giác nhìn thằng cháu mình đang làm trà đá đằng góc sân, thấy bần thần.


Nhưng cảm giác bất an cộm lên trong lòng ông, từ anh em thằng Chín khăn gói đón xe đi Bình Dương. Thằng cháu ông buổi tối không còn chải tóc vuốt keo láng mướt, hớn hở xách xe chạy đâu đó, giờ nó treo mình trên võng cắm mặt vào điện thoại. Hỏi sao không đi xóm chơi, nó nói nhìn coi cái xóm này còn ai nữa mà chơi. Ngoài đường vắng ngắt, đêm là dành cho đám trẻ, nhưng tụi nó giờ cũng tản mác xứ người, nên đêm của những làng xóm miệt này bị bỏ rơi.


Cả nhà lén lút bàn nhau tìm công chuyện cho thằng nhỏ làm, tay chân bận bịu thì nó bớt ngó phía chân trời. Ông già o bế lại cái đầm tôm bỏ không lâu nay, giao hết cho nó, từ coi giữ, cho ăn, đến mỗi tuần lấy mẫu tôm đi xét nghiệm. Thấy thằng nhỏ chăm chỉ, cả nhà mừng. Lúc đó đâu ai biết nó âm thầm gom mớ vốn cho ấm túi lúc ra đi, tiền sẽ bảo đảm cho cuộc trốn thoát thành công, kể cả nó không nhận được sự cho phép của người lớn.


“Người ta không đất không nghề ngỗng mới bỏ xứ đi, nhưng nhà này đâu tệ”, ông già tức tối nói. Con dâu ông, tức má thằng nhỏ, cũng sụt sịt rằng mình no đủ, làm chủ vẫn hơn làm công. Nước mắt chị không làm thằng nhỏ mủi lòng. Và cái cớ yếu ớt đó, nhưng cũng bị thằng nhỏ bẻ gãy cái một, khi kể tên một lô lốc những đứa trạc tuổi nó, con nhà giàu nhưng bỏ xóm đã lâu. Tụi nó rậm rật đi theo tiếng gọi của bạn bè, của những đứa con trai (con gái) mà mình thầm thương nhớ, của những cơn gió mùa, của những chân trời xa xôi.


Vợ ông hồi tại thế cứ nhắc hoài, vụ con trai chưa giáp thôi nôi ông đã nhảy tàu đi Nam Vang chơi với bạn. Bà nói lúc má chồng trao đôi bông cưới, cứ nhìn con dâu bằng cái nhìn áy náy, bà thấy lạ nhưng rồi sớm hiểu tại sao. Người nhà này có máu giang hồ. Vì tính hay đi mà lúc thằng con lén đi đăng lính, lúc người ta bửa đập dẫn mặn vào đồng, lúc bà bị đau thương hàn suýt bỏ mạng, chồng bà đều tình cờ vắng mặt. Giờ bà mà còn sống, chứng kiến thằng cháu nội sửa soạn cuốn gói, thể nào cũng nói nó giống ông chớ ai.


Nhìn vào mình, ông già biết thằng cháu đi chỉ để mà đi, có trời cản nổi. Nhượng bộ duy nhất của nó là ở nhà cho tới ra Giêng. Cái Tết của nó trôi qua chậm đến phát điên, nhưng với cả nhà thì quá nhanh, vèo cái đã hết. 


Hình ảnh sau cùng mà ông nhìn thấy là cái lưng của nó... Chừng như nó sợ nhìn thấy ông nước mắt lưng tròng. Người già mà khóc, coi thê lương. Nó đã ớn nước mắt lắm rồi. Ba lô chỉ mỗi một cái đeo sau lưng, hành lý gọn đến mủi lòng, thằng nhỏ nói mang vác chi cho cực, thiếu gì mua nấy, bạn nó khoe quanh mấy khu công nghiệp thứ chi cũng có. Thằng nhỏ chưa tới nơi chốn này lần nào, nhưng nó tỉnh trân, “bạn con ở đó đông như quân Nguyên”.


Ông già bỗng nghĩ trăm năm trước ông bà mình khi chất hành lý lên ghe men theo bờ biển vô Nam khai phá, phía đó còn không có bạn bè chờ sẵn. Trước mặt mịt mù, nhưng họ vẫn dứt dây ghe cái một. Hôm ông về Quảng tìm lại gốc gác nhà mình, kịp gặp bà cóc một trăm lẻ chín tuổi. Vẫn minh mẫn, cóc nói mẹ của bà kể rằng lúc xô ghe ra không ai ngoái lại. Mẹ cóc khi ấy còn nhỏ, không nhớ tháng nhớ năm, chỉ nhớ bữa đó buồm họ căng gió Bắc."


- Tháng Giêng gió bỏ nhà đi | 

NGUYỄN NGỌC TƯ



Suy ngẫm : GIA ĐÌNH - St trên FB.

 

GIA ĐÌNH 


Thơ: NỖI NHỚ ĐONG ĐẦY - hathuthuy.

 



NỖI NHỚ ĐONG ĐẦY

Nhớ  vô vàn hàng yên chi hoa đỏ

Nhớ khuôn sân đá cuội trắng rì rào

Nhớ hàng sao chim tụ về làm tổ

Nhớ tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao.


Và rất nhớ con dốc dài Kỷ Niệm

Chiều tan trường áo dài trắng bay bay

Gửi tặng nhau bài thơ màu mực tím

Đóa hoàng lan thơm ngát mãi không phai.


Nhớ rất nhớ hành lang hun hút gió

Bậc cầu thang chân sáo nhỏ tung tăng

Nhớ bàn học khắc đầy tên trên đó

Nhớ lá vàng rơi tơi tả ngoài sân.


Nhớ bạn bè của Ngô Quyền yêu dấu

Xa lắm rồi giờ biền biệt muôn nơi

Vẫn rất nhớ cành phượng già chim đậu

Và nhớ hoài chiều tan học mưa rơi.

hathuthuy

Thơ : THƯƠNG NHỚ NGƯỜI DƯNG - - Thạch Thảo BD.




 THƯƠNG NHỚ NGƯỜI DƯNG


Bất chợt đường đời, xuôi gặp gỡ

Ánh nhìn xao xuyến. Buổi đầu tiên.

Mắt cười lúng liếng, bao duyên dáng

Đã hốt hồn ai. Má lúm tiền.


Đường đời vạn nẻo, xuôi chi gặp

Đã phải lòng nhau, tự kiếp nào?

Hò hẹn lung linh, chiều mát gió

Đêm về thao thức. Bởi vì đâu?


Thương lắm người dưng, xa lắc ấy

Người dưng ơi ới. Gọi người dưng.

Tháng ngày khắc khoải, tim ai nhớ

Điêu đứng tình si. Thương quá chừng.


Như phải lòng nhau, từ kiếp trước

Bùa mê ai bỏ tự lâu rồi?

Từng đêm thắc thỏm, tương tư suốt

Bóng dáng người ta. Mỏi đứng ngồi.


Thương nhớ người dưng. Thương nhớ lắm

Yêu ai xin hứa hết đời nầy.


Ngày 26-2-2024

THẠCH THẢO - BD

Tìm hiểu : DỰNG NÊU - Cao Minh (fb)

 



DỰNG NÊU….

Mỹ Tục Tết miền Nam hai ngày dựng nêu ở Miền Nam xưa. 

Ca dao có câu:

“cu kêu ba tiếng cu kêu, 

trông mau tới tết dụng nêu ăn chè”

Nếu như Miền Bắc hay dựng nêu vào ngày 23 tháng chạp trùng với ngày đưa ông Táo, còn tại Miền Nam việc dựng nêu có hai móc thời gian chánh đánh dấu hai khoảng thời gian công việc vào ngày tết là ngày 25 tháng chạp và ngày 29 hoặc 30 tháng chạp. (Một số ít các gia đình miền Nam vẫn có lệ dựng Nêu ngày 23). 

1. Dựng Nêu ngày 25 tháng chạp.

Lý do dựng ngày 25 tháng chạp thường chỉ áp dụng với các nơi công sở, nhà việc, vì đến ngày này là ngày Tiễn Ông (tiễn thần) và cũng là ngày “treo ấn” của các Hương Chức trong Hội tề, việc dựng nhiều nhằm báo hiệu cho người dân trong làng biết là Hội đồng Hương chức và Hương chức Hành chánh làng đã nghỉĩ tết, các công việc liên quan đến hành chánh, tư pháp của làng xã tạm gác lại qua đến khi nào hạ nêu mới giải quyết. 

Nếu trong khoảng thời gian này, trong làng xã xuất hiện trộm cướp, giặc phỉ bị bắt tội quả tang thì Thầy Hương Quản, Cai tuần hiệp đồng nhau lại làm thị chứng mà đóng trăng tội phạm ở Nhà Việc chờ đến "hạ nêu" vào mồng 7 tết mới xét xử.

Lệ dựng nêu ở Công quán, Công sở, Nhà việc này đến sau đời Pháp thì dần mất đi, người dân sau đó chỉ dựng nêu vào ngày cuối năm.

Hiện, chỉ còn một số ít đình, chùa còn dựng theo ngày này, nhằm báo hiệu ăn Tết. 


2. Dựng Nêu ngày cuối năm (29 tháng thiếu, 30 tháng đủ). 

Đối với người dân bình thường trong làng xã, thì sau khi chuẩn bị các công việc bên ngoài gia đình như dọn dẹp khuôn viên nhà, giẫy mả tổ tiên và sau đó là dọn dẹp nhà cửa, đến khi nào mà các công việc chuẩn bị huờn thành xong thì người nhà bắt đầu cho việc DỰNG NÊU – LÊN NÊU. Cây nêu dựng tại nhà bá tánh cũng có hai ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhứt: báo hiệu rằng gia đình đã chuẩn bị các công việc dọn dẹp, chưng dọn, bày trí xong rồi và chuẩn bị “ăn tết”. 

Thứ hai: cây nêu có tác dụng yếm tà, trừ quĩ, ngăn chặng những thứ “dơ dái” vào nhà vào dịp tết. 

Tại Miền Nam khác với các nơi khác là dựng nêu vào cuối năm. Và nhà người dân có lệ chỉ dựng nêu vào ngày rước ông bà, khi mà các công việc chưng dọn trong gia đình huờn thành hết. 

Do vậy, tại các nhà thường khi châu toàn việc xong mới dựng Nêu. 

3. Ngoài lề

Việc dựng Nêu ngày 25 hay 29, 30 vừa có ý nghĩa "gia đình đã chuẩn bị ăn tết", vừa là báo hiệu cho ma, quĩ không đến gần. 

Vì sau ngày 23 tháng chạp miền Nam ít dựng Nêu. Vì nhiều người cho rằng, ngày đó ông Táo về trời, không còn bảo vệ gia đình? 

Thiệt ra, ngày 23 mới đưa ông Táo, trên cơ sở các thần thánh, bổn mạng, tiên phật vẫn còn tại gia, nên việc dựng Nêu sớm thường ít được sử dụng. 

Thứ nhì, vì xưa coi dựng Nêu là báo hiệu ba ngày Tết, và ba ngày này bọn ma quỷ hay quấy phá, do đó cuối năm thường dựng nhứt, bên cạnh việc dựng Nêu, ngày cuối năm còn là ngày "đuổi Na ông, Na bà- ma quỉ", nên thường ngày trừ tịch là rộn ràn hơn hết. 

Thứ ba, xét về việc dựng Nêu, nếu dựng quá sớm, cây tre sẽ mau úa vàng, coi không được xanh tốt, do đó việc nhà dân dựng vào cuối năm để sáng mồng 1 sắc tre vẫn xanh tươi. 

4. Về hình thức cây Nêu

Cây nêu tựa như dáng một thân cổ thọ xòe nhánh, do đó khi chặt tre, chừa trên đảnh cây để tượng cho cây Đào vươn tàn, trừ ma khử quĩ. 

Trên cây Nêu treo một lá bùa Tứ Tung Ngũ Hoành, nhằm trấn trạch bình an. 

Kế đó trên cái giỏ hay cái bội nhỏ, để các lễ phẩm như trầu cau giấy tiền. 

5. Về việc dựng Nêu

Do từ ngày 25, tới cuối năm trước khi Khai Hạ, các làng xưa có lệ không cho động thổ phá cây, nên việc dựng Nêu liên quan đến đào đất động thổ, như vậy phải đặt bàn nhang mà cúng xin. 

Thường, khi dựng sẽ có bàn nghi và thực án, thực án bày đồ cúng Đất đai viên trạch xinh được đào xới. Cúng xong đoạn tuần hương rồi sẽ dựng Nêu lên. 

6. Kết 

Dựng Nêu là một nét rất hay trong văn hóa ta, cần nên bảo lưu lắm, ngày Tết thấy cây Nêu ít ra cũng mang vẻ Tết đến Xuân sang, vừa thể hiện sự bảo tồn văn hóa, vừa là cách quảng bá văn hóa tốt hơn hết vậy. 

• Copy từ Fb CAO MINH.