Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

Cuộc sống : MƯU SINH VÀ... - Dương Anh Vũ.

 



MƯU SINH VÀ SỰ TỬ TẾ ...


Tôi tình cờ chụp được bức ảnh này khi đi ăn trưa tại một nhà hàng nằm ở mặt tiền đường Hàm Nghi, trung tâm Q1, đối diện toà nhà Bitexco. Khi ngồi xuống ghế được 2 phút thì có một anh chàng shipper bước vào, bộ đồ anh ấy mặc trên người bạc thếch, ở phần nách áo có một chỗ rách khá to, anh ấy bước đến quầy để xác nhận đơn, chuẩn bị bước ra thì nhân viên bảo anh ấy cứ ngồi lại trong quán vì ngoài trời rất nóng dù khung giờ trưa là giờ đông khách. Chắc vì quá mệt, chỉ tầm 1 phút sau thì tôi thấy anh ấy đã ngủ say. Không có bất cứ nhân viên nào trong nhà hàng kêu anh ấy dậy dù khách cứ nối tiếp nhau bước vào để dùng bữa trưa. 


Khách ở nhà hàng chủ yếu là dân văn phòng ở các toà nhà gần đó, nhìn rất dễ nhận ra thông qua trang phục họ mặc trên người… có khi họ đi ăn cùng một nhóm 5-7 người, họ bước vào, mặc nhiên không ai ngồi bàn đó, tôi còn nghe có người nói “để anh ấy ngủ, đừng làm phiền anh ấy” rồi họ bước sâu vào quán hoặc lên lầu để ngồi. 


Chẳng ai thấy phiền khi thấy anh ấy ngủ, kể cả chủ và nhân viên của nhà hàng, những vị khách bước vào, trên môi họ nở một nụ cười nhẹ khi nhìn thấy anh shipper ngủ say sưa… Tầm 10 phút sau, nhà hàng chuẩn bị xong đơn và kêu anh shipper thức dậy, anh ấy bừng tỉnh và gãi đầu theo kiểu rất ái ngại… chắc anh ấy không nghĩ rằng mình đã ngủ khi đang chờ đơn. 


Albert Schweitzer đã nói thế này: “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống tử tế, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn”… Tại sao sống tử tế mà ta lại khó khăn? Vì sự tử tế ấy luôn phải đánh đổi bằng quyền lợi của mình, trong câu chuyện này, nhà hàng đã từ chối để anh shipper ra ngoài chờ đơn vì trời quá nóng, để thực hiện sự tử tế của mình thì họ phải mất một chỗ ngồi cho anh ấy phía trong nhà hàng, trong khi nhà hàng đang giờ đông khách. Nhìn dưới ánh mắt tích cực của Charlie Chaplin thì: “Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác. Con người là thế. Chúng ta muốn sống bên hạnh phúc của nhau chứ không phải sự khổ sở của nhau.”


 DƯƠNG ANH VŨ


Cười rồi khóc: NƯỚC MẮT VẪN... CHẢY XUÔI! - St trên mạng.

 NƯỚC MẮT VẪN... CHẢY XUÔI! 


ST TRÊN MẠNG

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Tản mạn : NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI... - Nam Phan.

 




NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI  …

Đi công chuyện xong, tính đẩy xe ra đường, chợt nghe bên tai, dạ thưa, cậu tính đi hướng nào, lâu lắm rồi mình mới nghe lại những tiếng dạ thưa như vậy. Nhìn thấy chú khắc khổ, mình ngại ngùng, dạ chú để con tự dắt xe được rồi. Để chú, vì người ta trả tiền để chú làm việc đó. Nói chuyện dăm câu, mới hay ngày xưa chú cũng từng học đại học. Thế sự thăng trầm, gia đình chú rời Saigon về miền đất mới, con gái chú mất trong một tai nạn, chú đem cháu ngoại về nuôi. Cô chú thì ngày một lớn tuổi, ở quê không làm gì ra tiền, nên khi cháu ngoại vào đại học, chú trở lại Saigon, kiếm thêm chút tiền nuôi cháu ăn học, và cũng tiện bề chăm sóc cháu. Mình nói, cháu học ngành đó, ra trường có việc ngay, chú sẽ không phải làm việc này nữa. Chú cười, trời cho còn sức khỏe, chú vẫn sẽ làm chứ không muốn phiền đến cháu.

Thỉnh thoảng ghé quán bên đường, quán nghèo, người phụ việc cũng nghèo, có lần đang ăn thì thấy con trai của người phụ việc lại xin tiền. Chị đưa tiền, rồi hối con đi cho nhanh không thì bạn bè biết mẹ làm ở đây. Sợ mình hiểu sai về con, chị nói, con chị có hiếu lắm, biết nhà nghèo nên chịu khó học hành, biết đi làm thêm để kiếm tiền. Chỉ là chị không muốn con chị gặp người quen ở đây, chị sợ con chị tủi thân với bạn bè. Mình mỉm cười, dạ, em hiểu mà chị. Đất miền trung lớp khô cằn sỏi đá, lớp bão lụt tơi bời, con vô đại học, chị cũng vô Saigon hoa lệ, vừa nuôi đứa lớn ăn học, vừa gửi tiền về quê nuôi đứa nhỏ. Mình nói, ráng vài năm, con chị ra trường, kiếm được tiền, chị sẽ không còn vất vả nữa. Chị cười, không, chị vẫn đi làm em ơi, tiền của con trai làm ra, chị muốn con để dành lo cho tương lai của nó.

Có lần ghé lại ven đường mua một bó hoa cúc vàng, anh bán bông có lẽ hơn mình chừng hai ba tuổi gì đó thôi, nhưng sương gió cuộc đời làm vẻ bề ngoài của anh già hơn tuổi thật cả chục tuổi. Tính tiền, mình buột miệng, sao rẻ quá vậy anh, rồi lời được mấy đồng đâu. Anh lấy công làm lời chú ơi, bán sao để được khách thương mà ghé lại lần sau. Hỏi thăm đôi ba câu, mới biết từ khi con gái vô Saigon học đại học, anh cũng vô Saigon ở trọ, ngày ngày chạy khắp Saigon bán bông dạo để kiếm tiền nuôi con. Anh nói, vậy mới có đồng ra đồng vô mà nuôi con ăn học, chứ ở quê, biết làm gì ra tiền bây giờ. Mình  nói đùa, giờ phải vất vả trăm bề để nuôi vợ thằng khác, không biết sau này nó có nuôi lại mình ngày nào không. Anh cười, anh cầu trời là nó nuôi được thân nó, chứ mong gì nó nuôi lại mình chú ơi.

Sau mùa dịch năm kia, ghé xe hàng rong, lúc dịch cao điểm, cô bị kẹt lại Saigon, không thể về quê. Được bà con trong xóm trọ thương, nên mới cầm cự được. Thấy nhiều người tháo chạy khỏi Saigon bằng xe máy, cô hoảng quá, ráng tìm người quen để xin quá giang về quê mà không được. Trong cái rủi có cái may, nhờ ở lại nên giờ này mới đẩy xe đi bán được, kiếm được chút tiền nuôi con trai út đang học đại học. Dịch bệnh làm tan tác nhiều xóm trọ nghèo, cô đã chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi xa, mà trời còn thương nên vẫn đặng bình an. Mình an ủi, thôi cô ráng vài năm, con trai út ra trường, cô không phải đội mưa đội nắng rong ruổi khắp Saigon nữa. Ngày nào trời cho còn khỏe, cô vẫn đi bán con ơi, chứ tiền con mình làm ra, bao nhiêu là mồ hôi nước mắt của con mình trong đó, cô không nỡ xài đâu.

Hồi học đại học năm hai, về thăm nhà và phải trở lại Saigon sớm cho kịp giờ học, ba mình đạp xe chở mình ra bến xe. Đến bến xe, ba hối mình vô ăn sáng rồi vội vã ra về để chuẩn bị đi làm, và lúc đó mình cũng nghĩ rằng ba phải ra đồng sớm. Ăn sáng xong, lên xe ngồi chờ, qua cửa kiếng, bất chợt mình thấy ba vẫn còn đứng xa xa nhìn cho đến khi xe từ từ lăn bánh và bóng ba từ từ khuất dần trong ánh đèn vàng vọt. Ba không biết rằng lúc đó mình đã tìm được chổ dạy kèm, mình có lương, mình có đủ tiền để mời ba 1 tô phở. Nhưng mình hiểu dù cho biết mình đã đi làm và có thêm chút tiền, ba cũng sẽ từ chối tô phở đó. Sau ngày ba về trời, đọc hồi ký của ba, mình mới hay đến tận những năm cuối đời, ba vẫn còn tự trách bản thân không có tiền để lo cho mình đầy đủ như bạn bè trong những năm học đại học ở Saigon. 

Ừ, thì muôn đời nước mắt vẫn chảy xuôi …

NAM PHAN 

Thơ : NGÀY CỦA THÂN CÒ - Hồ Ngọc Bích.




 NGÀY CỦA THÂN CÒ...!

Ngày đó của tôi nay ở đâu?

Ngày xanh ấy bước qua trang mới.

Ngày bôn ba như một cánh cò.

Ngày làm mẹ ngỡ ngàng nghịch cảnh...

Ngày dìu con chập chững bước đi.

Ngày mưa nắng thân cò lặn lội,

Ngày qua nhanh con cũng trưởng thành.

Ngày nối tiếp ngỡ xong bổn phận ,

Ngày lại ngày phải tự ủi an.

Ngày chờ đợi sum vầy xa xỉ 

Ngày lại ngày phải cảnh cô đơn...

Ngày âm thầm ngày của kiếp cò

Ngày của mẹ cô đơn ai thấu...

              HỒ NGỌC BÍCH. 

Thư giãn : TẤN CÔNG HẠT NHÂN - St trên mạng.

 



NƯỚC NGA BÀN CHUYỆN TẤN CÔNG  HẠT NHÂN 

Bộ thống soái Nga dưới sự chủ trì của đồng chí Putin vĩ đại họp bàn tấn công VKHN vào châu Âu và Mỹ. Không khí cuộc họp rất chi là hồ hởi, phấn khởi và khí thế.

Mở đầu cuộc họp, đồng chí Putin nói rằng cần phải tấn công hạt nhân phủ đầu Mỹ và châu Âu. Bởi đó là kẻ thù xấu xa, là bọn đế quốc, thực dân bóc lột và để cho chúng biết sự vĩ đại của nước Nga. Cả phòng họp cùng hô vang “quyết tâm. Quyết tâm”. 

Ra hiệu cho mọi người im lặng, đồng chí Putin yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu báo cáo kế hoạch chi tiết. Shoigu cho rằng cần phải tấn công Mỹ trước. Bởi lẽ Mỹ là kẻ cầm đầu. 

Chưa dứt lời thì đồng chí Putin nói luôn:

- Tại sao lại là Mỹ? Đồng chí có biết ở đó có con trai của đồng chí Medvedev đang sinh sống và làm việc không?

Shoigu liền xin lỗi đồng chí Medvedev rằng mình đọc nhầm. Lẽ ra phải tấn công Đức trước. Liền đó, Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Quốc gia, Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất đập bàn cái bốp và hét lên: 

- Tại sao không phải là Anh, là Pháp, là Ý… mà lại cứ phải là Đức? Đồng chí có biết là ở đó có các con của đồng chí Chủ tịch Duma Quốc gia không?

Tỏ ra hối tiếc, đồng chí Shoigu giải thích rằng sự nhầm lẫn do đứa đánh máy. Và chính xác phải là Pháp mới đúng. Chưa kịp dứt lời, đồng chí Chủ tịch Duma đã gằn giọng:

- Con trai đồng chí Lavrov, Ngoại trưởng của chúng ta đang ở Pháp. 

Lúc này Shoigu khá là căng thẳng. Ông ta chưa kịp phản ứng thì Lavrov gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ý là ý kiến tốt. Vừa nói xong thì tay trợ lý thì thào vào tai Lavrov rằng 2 nơi đó là chỗ con trai đồng chí Shoigu sinh sống và hưởng thụ. 

Lavrov quýnh quáng xin lỗi Shoigu và nói bừa rằng ý muốn nói là nên tấn công Thuỵ Sĩ. Lavrov vừa nói xong thì phòng họp bỗng lặng yên như tờ, đến độ người ta có thể nghe được tiếng con muỗi đậu trên cọng tóc. Mọi con mắt run rẩy hướng về đồng chí Putin kính mến. 

Phát hiện ra mình vừa mắc phải một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời, Lavrov đờ đẫn người ra như kẻ mất hồn. Mồ hôi ông ta vã ra như tắm. 

Nắm chặt 2 tay vào mép bàn, mặt Putin đỏ lựng, 2 môi mím chặt như chưa bao giờ được mím, Putin đứng phắt dậy nói lớn:

- Thưa các đồng chí, chúng ta cần phải tỏ ra thiện chí với kẻ thù để họ thấy nước Nga chúng ta bao dung và độ lượng. Đồng thời, kể từ giờ phút này, kẻ nào nghĩ đến việc tấn công Mỹ và phương Tây bằng VKHN thì kẻ đó là phản động. Giải tán!


( St trên mạng )

.

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

Vui vui: SINH NHẬT ANH MUỐN... - Lam Anh.

 



SINH NHẬT ANH MUỐN...

SINH NHẬT mình 22/12 đấy bạn cùng phòng ơi

ANH đây không thích lòng vòng

MUỐN  đây là muốn chân tình cùng em

MUA đâu cho được tình yêu

CÁI làm điên đảo đảo điên tâm hồn

ĐỒNG  lòng tát cạn biển Đông

HỒ keo gắn kết đôi mình em ơi

LAM ANH (FB) 

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Văn hóa : TẾT ĐOAN NGỌ - Đặng Phương Mai.

 



TẾT ĐOAN NGỌ - TIẾT ĐOAN DƯƠNG

Đặng Phương Mai


Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ quan trọng chỉ đứng sau tết Nguyên Đán, vì thế mới có câu "mùng 5 ngày tết". Theo văn hóa phương Đông, ngày tết Đoan Ngọ này khoảng cách từ mặt trời đến trái đất là gần nhất. Vì thế, khí dương cực thịnh, đỉnh điểm mạnh nhất là giờ Ngọ (từ 11h đến 13h) nên còn gọi là tiết Đoan Dương. Con người và vạn vật hấp thụ được khí dương. Biết cách thì sẽ bồi dưỡng được cơ thể, nâng cao được thể chất, tinh thần; làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh.


Đông y cho rằng vào ngày này, nhằm giờ Ngọ mà thu hái thuốc nam thì sẽ rất tốt vì lúc đó cây thuốc đã hấp được vượng khí cực dương để cho chất thuốc tự nhiên tốt nhất.


Dân gian cho rằng vào lúc chính Ngọ ra khảo cây xin bói quả thì sang năm cây sẽ ra trái trĩu trịt.


Tục giết sâu bọ thực hiện sáng sớm mồng 5. Sau khi thắp hương gia tiên và dâng lễ ở đình đền cảm tạ trời đất , các nhà ăn cái rượu khi mờ sáng để trừ giun sán...


Các tập tục:


- Tục biếu tặng quà

- Tục khảo cây

- Tục đổ bệnh cho cây

- Tục xâu lỗ tai

- Tục nhuộm móng tay

- Tục hái thuốc

- Tục làm bánh tro.

- Tục bôi rượu hùng hoàng lên ngực và thóp thở trẻ em...


Ngày nay các tục trong tết Đoan Ngọ này mai một nhiều, còn rất ít địa phương và gia đình lưu giữ được. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn còn giữ tục hái đủ 12 loại lá cây để sắc uống trong ngày và những ngày tiếp theo để trị rôm sảy, sẩn ngứa, an thần, mát gan, lợi tiểu: Bồ công anh, ngải cứu, cà gai, kim ngân, lá vối, cây vòi voi, mã đề, lá dâu, dây tầm bốp, dây lạc tiên.

(SƯU TẦM TRÊN MẠNG) 

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Xả stress : XE HIỆN ĐẠI - St trên mạng.

 XE HIỆN ĐẠI 



Thơ : CHÀO THÁNG SÁU- Hương Mùa Thu.




CHÀO THÁNG SÁU

 Chào tháng Sáu hạ nồng nàn rực rỡ

Cánh phượng hồng nhắc nhở buổi chia ly

Tím bằng lăng da diết nỗi người đi

Để hạ biết ...tuổi xuân thì ...gần  hết


Nắng rực vàng..sóng ngắt xanh..tha thiết

Như con thuyền mải miết vượt thời gian

Áng mây kia cũng rực rỡ nhẹ nhàng

Nhưng cuộc sống...lại vương mang đến thế.


Tháng Sáu về gió miên man như thể

Mang hương nồng kể lể  chuyện đêm nao

Trời thẳm sâu lấp lánh muôn vì sao

Nồng nàn quá...ta đón chào tháng Sáu.


Gửi nhớ thương đến những người yêu dấu

Chút hương tình ai hiểu thấu trong tim

Hạ vừa sang cứ ngơ ngẩn kiếm tìm

Bao kỷ niệm đã chìm vào dĩ vãng.


Rồi lẩm cẩm ngồi đếm ngày tính tháng

Tiết Hạ về đón ánh nắng vàng mơ...

Thời gian đi chẳng quay lại bao giờ.

Sao nhanh quá chẳng ngờ đã tháng Sáu...!


HƯƠNG  MÙA THU


Thứ Hai, 19 tháng 6, 2023

Thơ tranh : TRI ÂM- Thạch Thảo BD.

 


Bài hát hay : DẠ KHÚC - Quốc Bảo.

 


Bài hát hay : DẠ KHÚC 

Tác giả : QUỐC BẢO 

Trình bày : DUNG NGUYỄN

Thơ : CÁT VÀNG SÓNG TRẮNG - hathuthuy.




CÁT VÀNG SÓNG TRẮNG. 

 Muốn úp mặt vào cát vàng sóng trắng

Tìm xôn xao biển muôn kiếp trào lòng

Để nghe được lời chân tình sâu lắng

Của cát vàng giành cho biển mênh mông.

Muốn thả tóc bay trong chiều biển gió

Cảm nhận nồng nàn ve vuốt trùng khơi

Để còn nghe hồn ngập tràn thương nhớ

Về một thời yêu dấu đã xa rồi.

Muốn dang tay ôm trọn nghìn giọt nắng

Nhuộm trên đầu những ngọn sóng già nua

Vẫn hồn nhiên dạt dào vào bãi lặng

Thật ngọt ngào ru cát ngủ bình yên.

Rất muốn ngắm biển đêm bằng đôi mắt

Để tìm điều ẩn ý dưới hoang mang

Và muốn nghe giữa vô cùng tịch mịch

Trăng lạc đường khiến gió phải lang thang.

hathuthuy

Cuộc sống : "QUỸ TỪ THIỆN" - St trên mạng.

 



"QUỸ TỪ THIỆN"

Người phụ nữ hỏi lão già: “Ông bán số trứng này giá bao nhiêu?”. Lão bán trứng trả lời: “3.000 đồng một quả, thưa bà.”

Người phụ nữ liền nói: “6 quả 12.000 đồng, không bán tôi mua chỗ khác.”

Lão bán trứng nói: “Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ tôi vẫn chưa bán được quả nào.”

Người phụ nữ lấy những quả trứng và rời đi, lòng thầm đắc thắng.

Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích. Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000 đồng trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại.

Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với ông già nghèo khổ bán trứng gà kia.

Vấn đề mấu chốt ở đây là: Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó? Và tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta?

Có lần tôi đọc được ở đâu đó một câu chuyện:

“Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông thậm chí còn trả thêm tiền cho họ. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ.”.

SƯU TẦM TRÊN MẠNG. 

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Thư giãn : ĐÊM CHIA TAY - Ta Trung (fb)

 



ĐÊM CHIA TAY. 

Tại Phan Thiết, đêm trước khi chia tay vào Saigon để đi Mỹ học đại học, chàng rủ nàng lên Lầu Ông Hoàng ngắm trăng và tâm sự, nàng vui vẻ nhận lời mang theo lò than, tôm, ghẹ, mực để nướng ăn không quên mua thêm xị rượu đế cho chàng nhâm nhi tìm cảm hứng...

Trăng thanh gió mát, đêm cũng đã khuya, ghẹ, tôm, mực, rượu cũng cạn, lò than cũng đã tắt dần, mà không thấy chàng nói gì, hay có cử chỉ âu yếm gì gọi là tình tứ với nàng... nàng đành đánh tiếng:

- Mai anh xa quê nhà lạc bước vào chốn phồn hoa đô thị xứ người, nhiều cám dỗ, sa đoạ cụp lạc của tuổi trẻ... không biết bao giờ trở về có còn nhớ đến người em xóm chài quê hương nghèo khó này không... Chia tay em không có gì tặng anh làm kỷ niệm, thôi thì em quyết định... em, em, em... chôn cái lò...

Chàng nghe vậy vội can ngăn:

- Ấy chết, em đừng chôn cái lò, em mang về mà xài, cái lò còn mới tinh, chôn đi phí của Trời!

Nàng xích lại gần chàng, giọng hổn hển:

- Không, em quyết định rồi đêm nay em sẽ chôn cái lò này...

Chàng bực bội đẩy nàng ra:

- Em không đem về thì cứ để đây, mai ai thấy thì họ đem về nhà xài, chôn làm gì cho mất công em ơi!

Đến nước này nàng không chịu được nữa vùng vằng đứng dậy hét to:

- Anh ăn học cho cố mà ngu mắc ớn! Thôi anh ở lại với cái lò của anh đi!!!

TA TRUNG (FB) 

Cười : THOÁT HIỂM - Trần Vãn (fb)

 

THOÁT HIỂM!!! 



Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

Một thời : CHÚ A TỶ - DoDuyNgoc (fb)

 

( Hình ảnh sưu tầm trên mạng )


CHUYỆN… CHÚ A TỶ VÀ TIỂU THANH


Hồi mới vô Sài Gòn, tôi thuê căn nhà nhỏ trên kênh Nhiêu Lộc ở cùng với mấy người bạn. Đầu hẻm ở mặt tiền đường có một tiệm tạp hoá của một gia đình người Hoa. Có người gọi là tiệm chạp phô. Chắc là gọi theo tiếng Quảng.

Chủ tiệm là một người đàn ông trung niên, lúc nào cũng mặc chiếc áo thun ba lỗ với cái quần chỉ ngắn đến đầu gối. Chú đi chiếc xe Honda Dame màu đỏ, loại bán cho quân nhân hồi xe Honda mới nhập vào miền Nam. Có hai lí do mà đám sinh viên chúng tôi để ý đến tiệm tạp hoá này. Thứ nhất tiệm này cần mua gì cũng có, bán giá rẻ hơn nơi khác, dù chỉ vài đồng, nhưng sinh viên nghèo mà, rẻ hơn đồng nào đỡ đồng đó. Tiệm lại luôn mở cửa để bán hàng cho khách. Nhiều lần đi chơi đêm về khuya lắc lơ, muốn mua mấy gói mì hay chai bia con cọp, đập cửa rầm rầm, chú vẫn vui vẻ mở cửa bán hàng. Thứ hai là chú có cô con gái khá dễ thương. Tóc bím hai bên, da trắng hồng, lại hay mặc áo cắt theo kiểu người Hoa, nhìn ngộ lắm. Cô bé chắc nhỏ hơn tụi tôi vài tuổi. Thằng nào đi đâu về trước khi vào hẻm cũng liếc vào xem cô bé có ở tiệm không, dù chưa đứa nào tán được cô bé một câu. Chú tên A Tỷ, cô bé tên Tiểu Thanh. Biết tên cô bé là do công của tôi. Một lần vào tiệm mua đồ, chú A Tỷ lấy hàng, cô bé ngồi học bài ở gần kệ thu tiền, tôi thấy trên nhãn vở đề tên Tiểu Thanh bằng tiếng Hoa. Tôi là dân học Việt Hán, hai chữ này cũng dễ đọc nên tôi đọc được ngay. Tôi hỏi: Em tên Tiểu Thanh à? Cô bé ngước lên nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên, cười rồi lại cúi xuống không trả lời. Chú A Tỷ đưa hàng, tôi không có lý do gi nán lại đành đi về. Về nhà, tôi nổ với mấy đứa cùng phòng là đã nói chuyện được với cô bé, biết được tên cô bé, mấy đứa phục tôi lắm. 


Chú A Tỷ cũng được mọi người chung quanh và cả những người ở trong xóm sâu thương yêu vì chú lúc nào cũng nhẹ nhàng, mua bán đàng hoàng, biết gia đình nào khó khăn có khi chú không lấy tiền, lại cho thêm vài món. Nhờ thế, chú buôn bán phát đạt, hàng hoá càng ngày càng phong phú. Tết đến, chú mang tặng những gia đình nghèo trong xóm bờ kênh nước đen gói quà có mứt, bánh và lạp xưởng. Họ biết ơn chú lắm nên mua gì cũng ra tiệm của chú. Ăn Tết xong chú sửa nhà, xây thêm hai tầng, cửa tiệm bây giờ không còn là tiệm tạp hoá nho nhỏ nữa mà là một cửa hàng rộng rãi với hàng hoá chất đầy. Đàng sau chú làm cái kho, chứa gạo, đường , sữa... đầy nhóc. Mà quên, chưa nói đến vợ chú. Đó là người đàn bà Hoa có khuôn mặt phúc hậu, ít nói nhưng hay cười. Cũng là người tốt như chú. Chiều chiều, ngồi bán hàng thấy mấy đứa nhỏ đi học về, bà hay kêu vào lúc cho cái bánh, khi cho cái kẹo nên mấy đứa nhỏ thương bà lắm. Lúc nào gặp bà cũng vòng tay chào rất lễ phép.


Từ hôm biết tên cô bé là Tiểu Thanh, tôi lại càng siêng ghé tiệm của chú mua đồ, có khi mấy đứa bạn cần mua gì tôi lại xung phong đi mua giúp. Nhưng cũng hiếm khi gặp cô bé, nhất là khi nhà có thêm tầng lầu, chắc là cô bé ngồi học trên đó. Mà hoạ hoằn có gặp, tôi cười chào thì cô bé cũng chỉ nhoẻn cái miệng rất xinh cười lại thôi, chứ chẳng nói được gì. Nhưng rồi tôi cũng gặp may một lần. Hôm đó trên đường từ Đại học Văn Khoa về, xe bus thả tôi xuống đầu đường Trương Minh Giảng. Vừa xuống xe thì gặp Tiểu Thanh đang loay hoay với chiếc xe đạp tuột xích. Trưa nắng gắt, cô bé sửa hoài mà không gắn được sợi xích vào ổ líp, mặt đầy mồ hôi, má ửng hồng vì nóng. Thế là tôi ra tay hiệp sĩ, sửa xe cho nàng rồi luôn tiện xin đi ké chở nàng về luôn. Từ đó, tôi thường gặp cô bé hơn qua những cuộc hẹn. Thì cũng chỉ đi loanh quanh bằng chiếc xe đạp của Tiểu Thanh, bởi lúc đấy tôi chẳng có xe xiếc gì, đi đâu cũng cuốc bộ hay đi xa hơn thì có xe bus vàng. Đi ngồi quán thì cũng chỉ là những quán chè, quán nước bên đường hay mấy quán gỏi đu đủ, bột chiên. Có lẽ cô bé cũng biết tôi là sinh viên nghèo nên em chẳng bao giờ có ý kiến chi. Nói chuyện với nhau thì cũng là chuyện nắng mưa, chuyện học hành, luẩn quẩn lần nào cũng từng đấy chuyện. Tôi cũng hay hỏi em về những chữ Hán, những bài thơ Đường dù lúc đấy em mới học lớp mười một theo chương trình của Đài Loan. Tình thì cũng đã bén rồi, nhưng cả hai chẳng ai đề cập đến. Đến cái nắm tay, cái vuốt ve cũng chưa có dù cả hai đã có mấy lần vào Rex xem phim. Thế nhưng mấy đứa trong phòng thường được nghe tôi kể xạo như trong tiểu thuyết Quỳnh Giao, lãng mạn lắm, tình cảm lắm, thằng nào cũng phục lăn, lè lưỡi thèm thuồng.


Cuối năm đấy, tôi có được một học bổng của  Bộ Giáo Dục đi du học ở Pháp. Mừng vì được đi nước ngoài học nhưng cũng buồn vì xa Tiểu Thanh dù tình cảm cũng đang lửng lơ nửa vời.  Tôi và Tiểu Thanh ngồi với nhau ở kem Bạch Đằng, đây là lần đầu tiên tôi xài sang thế. Và cũng lần đầu tôi cầm tay Tiểu Thanh để thông báo cho nàng tôi sắp đi học xa. Tiểu Thanh vẫn để yên bàn tay của em trong bàn tay tôi và em khóc. Tôi hỏi: Em chờ anh được không? Em bảo: Em chờ, bao lâu em cũng chờ. Ba em đang chuẩn bị cho em sang Đài Loan học Đại học, nhưng chắc em không đi. Em không muốn sống xa Ba Má, không nỡ để Ba Má ở một mình. Em ở lại Việt Nam chờ anh về.


Và thế là tôi đi. Hành trang tôi mang theo chẳng có gì chỉ là chiếc va li nhỏ. Tiểu Thanh gởi tôi món quà là chiếc khăn tay có thêu tên tôi và tên nàng và một lá bùa nhỏ gói trong chiếc khăn màu đỏ rực. Nàng bảo đó là lá bùa hộ mệnh giúp tôi luôn được mạnh khoẻ và sẽ thành công. Mấy năm ở Pháp, tuần nào tôi cũng gởi thư về cho nàng, và tuần nào tôi cũng nhận được thư của Tiểu Thanh. Tôi cũng thường gởi quà cho em, sinh viên nghèo, học bổng chẳng là bao chỉ đủ chi tiêu tằn tiện nên quà cũng chỉ là những món đồ kỷ niệm ít tiền, nhưng Tiểu Thanh rất vui. Nàng cũng báo tin là Ba Má nàng đã chấp nhận không qua Đài Loan học nữa. Và Tiểu Thanh trông ngóng tôi về.


Giáng sinh năm 1974, tôi về nước. Tiểu Thanh bây giờ là một cô gái hăm mốt tuổi, xinh hơn nhiều trong ý nghĩ của tôi. Chú A Tỷ vẫn vậy, vẫn cái áo thun ba lỗ và chiếc quần ngắn ngang đầu gối và vẫn cỡi chiếc xe Honda Dame màu đỏ. Tôi và Tiểu Thanh bàn cách để nói chuyện với chú A Tỷ xin cưới Tiểu Thanh làm vợ. Bởi phong tục người Hoa không muốn con gái lấy trai Việt, nên đó là cản trở lớn nhất của chúng tôi. Chưa có dịp để nói chuyện thì chiến sự càng ngày càng gay cấn. Và rồi 30.4.75, bộ đội miền Bắc chiếm được Sài Gòn. Chú A Tỷ vẫn bình thản vì chú bảo mình làm ăn lương thiện, chế độ nào cũng cần phải ăn để sống, chú cũng chẳng tham gia chính quyền cũ, chú sống tốt với mọi người, chú không có kẻ thù, chú không có gì phải ngại chính quyền chế độ mới. Nhưng rồi tai hoạ ập xuống gia đình chú. Vợ chú bị đau ruột thừa, vào bệnh viện, tình hình đang lộn xộn, bác sĩ cũ lớp thì di tản, lớp thì còn đang e ngại, lớp thì đi học tập chưa về, đa số là các bác sĩ và y tá trong rừng ra và ngoài Bắc vào. Chẳng biết họ chữa làm sao mà thím A Tỷ bị vỡ phúc mạc, chết trên bàn mổ. Tiểu Thanh khóc sưng cả mắt, chú A Tỷ thì như người mất hồn cứ đi ra đi vào và hỏi sao lại thế, sao lại thế? Lúc đấy xã hội lộn xộn lắm, ai cũng thu mình lại, dấu mình đi vì sợ. Bang hội của chú cũng đến giúp tang ma. Tôi cùng bạn bè và bà con trong xóm cũng lặng lẽ đến để đám tang được trọn vẹn. Chú A Tỷ ngơ ngẩn cả tháng trời, Tiểu Thanh cũng buồn bỏ cả ăn uống, người gầy rạc đi. Thế là chúng tôi chưa có dịp để nói chuyện cưới xin, mà phải đợi ít năm nữa sau khi mãn tang mới bàn tính được


Nhưng tai hoạ không chỉ dừng lại đó, mấy tháng sau gần ngày tết Trung thu năm bảy lăm, lúc đó khoảng bảy giờ tối, Tiểu Thanh hốt hoảng đạp xe đến báo cho tôi hay là bộ đội vào nhà, đang kiểm kê và niêm phong hàng hoá, kết tôi chú A Tỷ là tư sản bóc lột, làm giàu trên xương máu nhân dân. Tôi chở nàng chạy về thì thấy bộ đội súng ống kè kè đi với một đám tay đeo băng đỏ cũng rần rộ súng ống đang lùng sục trong cửa hàng, mặt ai cũng đằng đằng sát khí. Chú A Tỷ thì vẫn áo ba lỗ và quần ngắn thường ngày, ngồi gục đầu như tượng, họ bảo ký vào đâu thì ký vào đó, không nói một lời. Tiểu Thanh thì run rẩy đứng tựa vào người tôi, đôi mắt mở to, uất hận đầy nước mắt nhưng cũng chẳng nói gì. Đến nửa đêm thì họ đọc quyết định tịch thu hàng hoá và căn nhà, ra lệnh gia định chuẩn bị để đi vùng kinh tế mới. Lúc đó chú A Tỷ ngã ra bất tỉnh, Tiểu Thanh cũng gục trên vai tôi, mặt xanh như xác chết. Cả một đời gầy dựng, cả một đời làm ăn lương thiện chỉ một lời quyết định, người ta đã lấy hết, tịch thu hết lại còn kết án là kẻ bóc lột, đuổi đi vùng kinh tế mới. Chú A Tỷ vừa lai tỉnh, chú nhìn quanh, hét lên một tiếng lớn, đẩy căm hờn như tiếng thú trong cơn tuyệt vọng cùng đường rồi lại ngã ra sàn bất tỉnh lần nữa. Tiểu Thanh cũng thét lên tiếng thét ai oán: Ba ơi! rồi gục trên thân thể lạnh giá của cha. Tình trạng thảm thương đó chẳng làm động lòng đám người thi hành lệnh, họ vẫn mặt lạnh như tiền, súng gờm gờm trên tay như sẵn sàng nhả đạn những ai có hành động phản kháng. Hàng hóa ngổn ngang, không khí như nén lại. Tôi bất lực chẳng biết phải làm gì ngoài việc cứ xức dầu cho chú A Tỷ.


Sáng hôm sau, đoàn xe đến chở người đi vùng kinh tế mới. Tiếng loa oang oang như nhói vào tai, bộ đội, du kích súng ống kè kè đưa từng hộ gia đình lên xe. Những người bị đưa đi ngơ ngác nhìn, đau khổ nhìn, uất ức nhìn nhà cửa, tài sản của mình đóng dấu niêm phong với dấu đỏ loè loẹt như những vết máu. Tôi ngồi theo xe cùng chú A Tỷ và Tiểu Thanh, đồ đạc chỉ được phép lầy mang theo là mấy cái nồi niêu, xong chảo và mùng mền chiếu gối. Tài sản bao nhiêu năm giờ chỉ là một đống đồ chẳng giá trị gì. Chú A Tỷ vẫn im lặng gục đầu. Tiểu Thanh vẫn đầy nước mắt, ngơ ngác không biết ngày mai sẽ ra sao? Nhiều người quay đầu nhìn lại, họ biết tất cả sẽ chẳng còn gì, tất cả đã bị tịch thu.


Xe chạy gần một ngày, qua những đoạn đường đầy bụi, xe dằn xốc liên tục, mặt mũi ai cũng bơ phờ đầy bụi đỏ. Đến chiều khi mặt trời đỏ như máu đang dần xuống ở đầu ngọn cây thì đoàn xe dừng lại. Mọi người bị lùa xuống một khoảng rừng thưa, trước là một bãi đất đầy cỏ dại ngút ngàn, khô cằn, hoang vu trong hoàng hôn. Có lác đác mấy lều tạm bợ đã được dựng sẵn. Loa lại kêu từng hộ gia đình vào lều, nhìn cảnh tượng như cảnh nhập trại tù binh của người Do Thái thời phát xít Đức. Buổi cơm tối được nấu tạm bợ trong chập choạng mờ tối với những ánh lửa hiu hắt. Nhưng chẳng ai nuốt nổi. Cả ngày đi đường quá mệt, tâm trạng lại rối bời, lại nhìn cánh rừng mà mốt mai phải sống ở đây, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Nghe mọi người bảo đây là vùng Đắc Nông, Phước Long gì đó. Nghe như chốn xa vạn dặm nào. Tôi thu xếp cho Tiểu Thanh và chú A Tỷ có một chỗ tạm ngụ, sáng hôm sau tôi lại bu mấy xe đò chạy than về lại thành phố. 


Lúc này tôi đã nộp đơn xin đi làm mấy cơ quan, nhưng chẳng chỗ nào nhận. Họ bảo lý lịch của tôi có nhiều điểm bất minh, cần làm rõ. Đặc biệt là sao tôi lại trở về Việt Nam vào tháng 12 năm 1974. Họ cho công an điều tra xem tôi trở về để làm gì? Có nhận nhiệm vụ gì của tổ chức nào không v..v? Cũng may, cuối cùng tôi cũng được Sở Giáo dục nhận, nhưng cũng do lý lịch, họ đẩy tôi về dạy học ở Củ Chi. Có lẽ lúc này nhà nước đang thiếu giáo viên quá. Nhìn ngôi trường, tôi quá ngao ngán. Đó là một ngôi trường quê, chỉ có một dãy khoảng năm phòng làm lớp học, một dãy nhà lợp tole khác gồm hai phòng làm phòng ban giám hiệu và kho chứa đồ. Ban đêm thầy cô giáo xếp bàn làm giường, giăng mùng nằm ngủ. Các tiện nghi sinh hoạt thiếu thốn trầm trọng. Tôi tự nhủ cố gắng cho qua rồi tính tiếp.


Tôi không có giờ dạy ngày thứ hai, nên hai tuần một lần thứ bảy tôi qua mấy chặng xe lên Đắc Nông thăm Tiểu Thanh và chú A Tỷ, sáng thứ hai hoặc tối chủ nhật lại bu mấy chặng xe về. Có mấy thứ nhu yếu phẩm cỏn con, có khi chỉ vài muỗng bột ngọt, miếng vải mùng, nhúm hạt tiêu, vài ba gói thuốc lá đen, tôi cũng để dành mang lên cho họ. Họ sống khó khăn quá. Toàn dân thành phố mà bây giờ phải vào rừng chặt cây dựng nhà, học cách trồng cây, gieo mạ, cấy lúa trên miếng đất khô cằn. Lác đác đã có người trốn về. Nhưng về thành phố rồi làm gì, ở đâu? Họ biến thành những kẻ đầu đường xó chợ. Lương thiện thì đi ăn xin, bất lương thì đi ăn trộm, móc túi để sống. Tôi thấy Tiểu Thanh và chú A Tỷ ở đây không ổn rồi, tôi đang tính cách để đưa họ về lại thành phố mà tính mãi chưa ra. Tính chưa xong thì lần thứ ba tôi lên lại Đắc Nông, tôi chứng kiến Tiểu Thanh bị rắn độc cắn cùng hai người khác khi đi rừng. Ba nạn nhân được dân chúng gánh về bệnh viện bằng cái võng và thân cây tre làm đòn khiêng. Chẳng có phương tiện nào khác. Tôi vừa chạy theo vừa niệm khẩn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát, nhưng người không đoái hoài. Và cả ba đã chết trên đường đi. Nửa người của Tiểu Thanh tím đen vì nọc độc, mắt Tiểu Thanh không nhắm, mở trừng trừng như muốn nhìn thấu nỗi oan khiên. Chú A Tỷ một lần nữa ngã quỵ, chú bây giờ như bộ xương khô, đôi mắt lạc thần, khuôn mặt như kẻ điên dại. Tiểu Thanh được chôn trong nghĩa địa vừa mới hình thành, lác đác đã có gần chục nấm mồ mới mọc, cỏ chưa kịp xanh vì tuần nào cũng có người chết. Kẻ bị rắn cắn, người bị cây đè, người khác bị bom mìn còn sót nổ khi cuốc đất, người thì thấy bế tắc quá, tự tử chết, đủ cách để chết. Tôi khuyên chú A Tỷ trốn về, nhưng chú bảo bây giờ còn mộ Tiểu Thanh ở đây, con mới mất, chú đi không đành, ở lại để chiều chiều, sáng sáng thắp cho nó cây nhang, đêm đêm chuyện trò với nó, kẻo nó buồn, nó tủi thân. Tôi chỉ biết khóc, tội nghiệp Tiểu Thanh quá. Và tội cho chú A Tỷ nữa. Cũng tội nghiệp cho mọi người bị lùa lên đây. Họ làm gì nên tội. Đã lấy tài sản một đời gom góp của họ, đã cướp nhà của họ, có người chồng đã đi vào trại cải tạo không có ngày về, sao lại đày đoạ họ đến đây với rừng rú, với hoang địa, với đói nghèo và cận kề cái chết như thế này? Cùng một dòng máu đỏ da vàng mà sao người ta tàn nhẫn thế, ác nhân thế? Mà thật ra có thù hằn gì nhau đâu mà phải trả thù. Họ có tội gì đâu mà bắt họ đền tội. 


Tôi vẫn tiếp tục đi dạy học ở trường quê đấy. Hàng ngày phải gào giọng rao giảng những điều giả dối, hàng ngày phải tuôn ra những lời ca tụng thời đại đẹp nhất trong lịch sử, ca ngợi những con người đang đày đoạ nhân dân mình trong đói nghèo và lạc hậu. Thỉnh thoảng đôi tuần, tôi lại bu xe về Đắc Nông thăm chú A Tỷ. Có nhiều đêm hai chú cháu nằm nói chuyện suốt đêm trong nước mắt. Chú bảo chú biết con và Tiểu Thanh thương nhau, nếu ngày xưa chắc hôn sự khó thành, nhưng thời buổi đảo điên này, chú định bỏ qua lệ ấy mà tác thành cho hai đứa, không ngờ mẹ nó chết rồi đến nó cũng không sống được. Chú quý con lắm, thôi thì số phận đã thế thì mình phải chịu phần số thế thôi. Rồi chú lại khóc. Chú ôm chặt vai tôi mà khóc, nước mắt đẫm vai tôi, rồi chú uống rượu, uống nhiều lắm dù trước đây chú chưa bao giờ biết đến rượu bia.


Mấy tháng cuối năm học, luyện cho học trò thi tốt nghiệp, rồi bận gác thi, chấm thi, tôi không ghé thăm chú được. Lúc công việc đã vãn, lên thăm thì nghe người ta bảo chú bị lên cơn điên, đưa vào bệnh viện huyện rồi chú trốn về mất biệt, không biết đi đâu. Tôi về thành phố, tìm khắp không gặp chú. Cuối cùng tôi nghĩ bụng chắc chú về khu nhà cũ. Đúng y như thế. Chú về căn nhà cũ, tối nằm ở vỉa hè trước nhà, ngày đi lượm ve chai, đói ai cho gì ăn đấy. Căn nhà của chú cấp cho gia đình cán bộ ngoài Bắc vào. Cũng có vài lần họ đuổi chú đi, nhưng chú lại về, ngủ ở đấy mặc họ la hét, chửi rủa, riết rồi họ chán, họ im. Lâu lâu có dịp về thành phố, tôi lại tìm đến chú, hai chú cháu ra quán, kêu vài món, vài ly bia hơi nhạt nhẽo, lần nào chú cũng khóc. Chú càng ngày càng gầy, áo quần rách rưới. Giờ chú không còn mặc áo thun ba lỗ với chiếc quần ngắn đến đầu gối nữa. Chú mặc bất cứ thứ gì kiếm được hoặc của mọi người mang đến cho. Dân ở khu đấy đã từng biết chú cũng hay giúp chú miếng ăn khi đói, viên thuốc khi bệnh. Nhưng mà lúc đấy ai cũng khó khăn,ai cũng túng bấn, không có gạo trắng để ăn, lương thực toàn bo bo với bột khoai mì với vài ba ký gạo hẩm. Nhiều khi nhiều người muốn giúp chú mà cũng chẳng có gì để giúp. Lúc đấy tôi cũng chẳng có chỗ nương thân ở Sài Gòn, dạy học rồi ăn ở luôn trong trường, nên cũng chẳng giúp chú dược gì. Lâu lâu về gặp, gởi chú ít tiền trong số lương thầy giáo còm cõi thế thôi. Mà chú thì dứt khoát chẳng chịu dời đi đáu. Chú bảo đây là nhà chú, không ở trong được thì ở ngoài. Khó xử lắm.


Mùa mưa năm 1977, không hiểu sao Sài Gòn cứ mưa mãi thế. Nhiều lúc mua từ nửa khuya cho đến hết ngày. Mưa như trút nước. Mưa như trời giận dữ loài người. Lại thêm bệnh ghẻ ngứa. Không biết sao mà người bị bệnh đó lắm thế. Mọi người cứ gãi sồn sột. Gãi đến tróc da, chảy máu. Con nít ngứa khóc suốt đêm, người lớn ngứa không ngủ được. Vào bệnh viện toàn cho thuốc xuyên tâm liên. Bệnh gì cũng xuyên tâm liên. Xuyên tâm liên là thuốc tiên, chữa bá bệnh.


Buổi chiều hôm đấy trời mưa, một trận mưa lịch sử. Đường sá Sài Gòn ngập lên đến bụng, cả thành phố như một biển nước. Lại thêm gió ào ạt, nghe đâu có bão rớt. Lo cho chú A Tỷ, đêm hôm sau tôi ghé chú vì chú chỉ về đó ban đêm. Đến nơi không thấy chú, hỏi thăm thì mọi người bảo chú chết rồi, chết đêm qua, trong cơn mưa bão. Xác chú dập dềnh suốt đêm trước cửa nhà. Sáng sớm bà giúp việc mở cửa định tát nước ra thì thấy xác chú lừng lững trôi vào nhà. Bà giúp việc hoảng quá la hét rầm trời bỏ chạy. Bà chủ nhà trên lầu bước xuống thấy xác chú vào đến giữa nhà, xoay mòng mòng theo con nước dội vào nhà khi có xe qua, bà sợ quá hét lên một tiếng rồi ngất xỉu. Ông chủ nhà là một cán bộ lãnh đạo của thành phố cũng từ trên lầu chạy xuống, thấy xác chú quay tròn giữa phòng khách thì cũng cứng đơ người, sai bà giúp việc lấy cây đẩy ra, nhưng càng đẩy ra, xác lại giạt vào. Ông ta hoảng quá gọi công an. Một giờ sau công an có mặt, xác vẫn xoay tròn. Công an làm biên bản, gọi xe cứu thương đến nhận xác. Lúc đấy, nước bắt đầu rút, xác chú A Tỷ xoay dến chân câu thang, nằm lại đó, đôi chân như muốn bước lên. Người ta chở xác chú đi đâu không rõ.


Từ đấy, người ta đồn nhà ấy có ma. Đêm đêm có người đàn ông đi lên đi xuống cầu thang. Có người còn kể thấy chú đứng ở balcon, mặc áo thun ba lỗ với chiếc quần ngắn đến đầu gối nhìn xuống đường. Gia đình cán bộ hãi quá, xin đổi nhà khác. Những gia đình đến sau đấy cũng ở không yên, đêm thì nghe tiếng khóc, đêm thì nghe tiếng người đi, đêm thì thấy bóng người ngồi thu lu trên ghế. Người không ở được, nhà nước chuyển thành văn phòng của ủy ban phường, sau đó thành đồn công an phường. Mấy anh công an kể đêm nào cũng thấy ma.


Đến thời kỳ đổi mới, nhà nước bán cho một công ty nước ngoài đập bỏ xây cao ốc. Không biết chú còn vất vưởng ở đó không hay đầu thai kiếp khác rồi. Và cũng từ đấy, ngôi nhà, cơ nghiệp cả đời của chú A Tỷ đã biến mất, chẳng còn dấu tích gì trên cõi đời này nữa


DODUYNGOC

Tản mạn : BỠN - Trần Thanh Cảnh (fb)

 



BỠN!

Đức ông Hi Văn Nguyễn Công Trứ là một danh nhân mà tôi vốn ngưỡng mộ bậc nhất trời Nam này. Sự nghiệp kinh bang tế thế hoành tráng. Sự nghiệp thơ văn vĩ đại. Và, cái sự nghiệp chơi của cụ cũng ít ai bì nổi...

Thơ cụ nhiều bài hay, mang đậm triết lý nhân sinh, thế nhưng tôi lại khoái nhất hai bài thơ bỡn cợt, giễu nhại, trêu đùa của cụ: Bỡn bạn và Bỡn bồ!

BỠN BẠN

Lênh đênh một chiếc thuyền nan,

Một cô thiếu nữ một quan đại thần.

Ban ngày quan lớn như thần,

Ban đêm quan lớn tần mần như ma. 

Ban ngày quan lớn như cha,

Ban đêm quan lớn rầy rà như con.

BỠN BỒ

Tao ở nhà tao tao nhớ mi,

Nhớ mi nên phải bước chân đi.

Không đi mi nói răng không đến,

Đến thì mi nói đến làm chi. 

Làm chi tao đã làm chi được,

Làm được tao làm đã lắm khi.

***

Lạy cụ ạ!

Cả thơ lẫn chơi của cụ trời Nam từ bấy đến nay chưa có người thứ hai!

Thế nhưng cuối tuần này đọc thơ cụ, mới chợt nhớ ra, xưa cụ từng được triều nhà Nguyễn sai đi dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành cầm đầu ở vùng Sơn Nam Hạ (Thái Bình, Ninh Bình ...ngày nay). Cuộc khởi nghĩa này chủ yếu tập hợp đám lưu dân vô học, không ruộng đất, sản nghiệp, đói khát cùng quẫn rủ nhau đi cướp phá kiếm miếng ăn. Cụ Trứ một mặt bao vây quân sự, một mặt thi hành chính sách an dân: chiêu dân lấn biển, lập làng, chia ruộng cho...Dân có sản nghiệp, cày cấy ấm no, không theo Phan Bá Vành nữa. Kết quả cụ dẹp dễ vụ này.

Thực ra thì sau khởi đầu khá khẩm ở triều vua Gia Long, chính sách sai lầm đã khiến cho nhà Nguyễn đã nhanh chóng đánh mất lòng dân, khắp nơi dân đói cùng đinh nổi dậy cướp phá. Cho đến lúc thực dân Pháp nổ súng cướp nước ta, dân và quan đã thành hai phía hầu như "không liên quan"! Cứ xem cái cảnh dân Hà Nội đổ ra xem Pháp hạ thành thì biết! Thậm chí, xong còn đưa đoàn vũ nữ hát mừng: 

"Kính Thiên cột dựng hai hàng

Tây ngồi đánh chén với đoàn thanh lâu"!

Thời ấy cũng có nhiều quan lại tốt như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương. Cương cường trung liệt. Nhưng những sự ấy chẳng đi đến đâu. Chỉ tiếc không có nhiều những bậc tài quan kinh bang tế thế như Đức ông Hi Văn Nguyễn Công Trứ, văn võ toàn tài, vừa giỏi cầm quân vừa biết an dân. Cụ biết rằng dân Việt- Nông dân, gắn với đất! Họ nổi loạn vì không có đất! Cụ bèn đi khai hoang lấn biển, lấy đất chia cho dân cày cấy: thật là một phép trị nước "sâu rễ bền gốc", bền chặt vững vàng từ gốc rễ cội nguồn...

Nay ai về điền dã vùng Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) sẽ thấy không biết bao nhiêu nơi thờ phụng cụ Hi Văn! Mà nghe nói, nhiều miếu thờ được lập từ khi cụ còn đương sống (sinh từ).

Thật đúng là:

"Giúp dân dân lập đền thờ

Hại dân dân đái ngập mồ thấu xương."

Nước Việt nay, không biết có ai còn nhớ đến Nguyễn Công Trứ?

Cũng là nói Bỡn vậy!

TRẦN THANH CẢNH. 

Hồi ức : NHÂN NGÀY CỦA CHA - Bùi Chí Vinh (fb)




 Nhân ngày Happy Father’s Day (Ngày Của Cha 18-6) tôi nhớ lại vài hồi ức về cha tôi… 


VÀI HỒI ỨC VỀ CHA TÔI NHÂN NGÀY 

“HAPPY FATHER’S  DAY” 


Tôi bước vào ngôi trường tiểu học chậm mất hai năm so với bạn bè cùng lứa tuổi vì một lý do bất đắc dĩ. Ba tôi là ông Bùi Văn Trình,sinh năm 1914 tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định,đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam thời kỳ đầu thành lập, ông từng sang Paris học nghề thợ giày dành cho người tàn tật và gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp. Lúc về nước ông tiếp tục hoạt động và bị bắt giam dưới chế độ Ngô Đình Diệm, bị tịch thu cửa hiệu mặt tiền “Tiệm giày tàn tật Bùi Văn Trình” trên đường Yên Đổ (tức đường Lý Chính Thắng bây giờ). Khi bị bắt ông đang là thành viên Ban Tuyên Truyền Thi Hành Hiệp Định Geneve do ông Mai Văn Bộ làm trưởng ban. Mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Mùi cũng tương tự như vậy, bà mang bí danh Mỹ và Định, bà cũng là đảng viên Đảng Lao Động (tiền thân của Đảng Cộng Sản) nhưng thời gian ở tù ít hơn chồng. Bà thường tự hào nói với con cái rằng “Gia đình mình là gia đình Công Giáo yêu nước”. Bà từng bị giam ở bót Hoàng Hùng, bót Catina… và có thời gian ở chiến khu. Trong tù bà bị nhốt chung với vài nhân vật lịch sử như bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Lan Mê Linh… như lời bà kể. Bà từng kể “bà Nguyễn Thị Bình còn gọi là Châu Sa tính tình như con trai, ăn nói rất táo bạo”. Còn trong chiến khu bà từng mô tả về cách sinh hoạt đặc biệt của ông Lê Duẩn thuở hàn vi, lúc ra suối tắm thân thể đầy ghẻ, dáng lam lũ và có máu khôi hài không thua gì ông Lưu Bang lúc chưa lập nên nhà Hán. Những chuyện kể của bà loáng thoáng như món rau muống luộc chấm nước tương trong bữa ăn nhà nghèo khiến tôi không mấy quan tâm. Điều tôi quan tâm là bà đã thay mặt người chồng nằm trong vòng lao lý, dạy dỗ ba đứa con nên người bằng nghề thợ may thuê cực khổ. 

Năm 1961 ba tôi được chế độ Ngô Đình Diệm thả về, trên lưng và ngực đầy những vết thương tím bầm do bị tra tấn bằng roi điện, roi cá đuối. Ngày ông xuất hiện trước cửa căn nhà sàn vách ván lềnh bềnh trên mặt sông với bộ đồ bà ba đen, thằng con trai đầu lòng mới 7 tuổi là tôi đã từ chối ông. Từ trước đến giờ tôi quên mất mình có cha và chỉ được học đánh vần bởi người mẹ bằng cuốn “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Tôi đã quay lưng với ông suốt một tuần lễ mặc kệ đêm nào ông cũng rơi nước mắt khi nằm bên cạnh các con. Ấy thế mà chỉ trong vòng một năm tập làm quen tình phụ tử với nhau, tôi đã được ông dạy gần hết chương trình tiểu học. Tôi đã học giỏi đến mức có thể đi biểu diễn ở các trường công và trường tư lúc mới vừa…8 tuổi. Tại trường tiểu học tư thục Sao Mai dưới chân cầu Công Lý, các thầy giáo nhà dòng đã dẫn tôi đến tất cả mọi lớp từ lớp năm đến lớp nhất (tức lớp 1 đến lớp 5) để đọc bảng cửu chương từ 2 cho đến 9 đọc xuôi rồi đọc ngược, sau đó làm toán chia bốn con lẫn toán phân số của bậc trung học. Tôi biến thành tấm gương hiếu học một cách kỳ lạ. Tại trường tiểu học công lập con trai Tân Định (giờ là trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn) tôi đã được thầy hiệu trưởng đặc cách nhận vô học lớp tư (tức lớp 2) sau khi trắc nghiệm năng lực về văn và toán. Kể từ đó tôi luôn luôn lãnh phần thưởng hạng nhất cuối năm học từ lớp tư cho đến lớp nhất. Chỉ cần đứng hạng nhì mỗi học kỳ là tôi đã bị trừng phạt bằng những ngọn roi da giày của ba tôi quất tới tấp vào mông. Những lần bị đòn như thế tôi rất oán hận và nguyền rủa ba tôi nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại mới thấy ông có cách giáo dục và thương con cực kỳ đặc biệt. Ông có cách giáo dục như bà mẹ thầy Mạnh Tử dạy con lúc còn thơ trong sách Cổ Học Tinh Hoa. Tôi lại may mắn thụ giáo những bậc thầy giỏi ngay từ tiểu học. Lớp Tư 1 học thầy Nhạ. Lớp Ba 1 học cô Cổ Tấn Mỹ Loan. Lớp Nhì A học cô Phan Thị Mai. Lớp Nhất A học bà Giáo. Thi Đệ Thất vô trường trung học công lập Trần Lục năm đó chỉ lấy 170 người trên hơn 10.000 thí sinh ứng thí, tôi thi đậu hạng 7 và được nhận học bổng suốt những năm trung học đệ nhất cấp. Số điểm hạng 7 của tôi so với hạng nhất thủ khoa chỉ cách 1 điểm rưỡi. Ba tôi bằng cách nào đó đã xem phiếu điểm thi và rất hài lòng khi thấy bài văn tôi đạt điểm cao nhất, còn bài toán được tôi giải theo kiểu phân số của bậc trung học và bị trừ 2 điểm dù đáp số y chang của Bộ Giáo Dục.

Trong phạm vi bài viết này thiết tưởng cũng cần nói lên sự ưu việt của nền giáo dục thời đó dành cho trẻ em nghèo. Tuy đất nước trong thời chiến, nhưng những đứa trẻ con chúng tôi mỗi buổi sáng đến trường không cần phải lấy tiền của cha mẹ, bởi trước khi vào lớp đều được nhận một phần ăn bánh mì phô mai và ly sữa bột nóng miễn phí. Đứa nào trốn xếp hàng nhận phần ăn sẽ bị cấm vào lớp học. Chính vì thế con nít thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm hầu như không có chuyện thiếu dinh dưỡng bị còi xương. Thanh niên trưởng thành đều phát triển chiều cao sức khỏe đúng tiêu chuẩn khoa học, hợp với câu thành ngữ “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Chưa kể nhà trường còn chăm sóc đến cuối năm đứa nào nghèo quá thì được lãnh phần thưởng “CÂY MÙA XUÂN” gồm quần áo sách vở, không hề phân biệt gia đình có hoạt động chống lại chế độ hay không. Cụ thể là gia đình “tù chính trị” nghèo mạt hạng của tôi luôn có thêm phần thưởng ấy. Chưa kể học tiểu học được dạy môn Đức Dục, lên trung học có môn Công Dân đều là những môn dạy căn bản đạo lý làm người. Chính nhờ những môn học nhân văn bắt buộc ấy mà từ trẻ em đến người lớn khi ra đường thấy đám ma đi ngang đều dừng lại cúi đầu chào, nghe tiếng quốc ca vang lên đều đứng yên phăng phắc, đến ngã tư thấy đèn đỏ đều tự động dừng lại trước vạch vôi trắng, phát hiện người già người tàn tật băng qua đường đều tự giác dẫn họ qua. Ở quận, phường khóm nào cũng có nhà thương thí, trạm y tế, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nghỉ cho đồng bào bệnh hoạn hoặc bất hạnh có chỗ nương thân. Và đặc biệt những nơi này hoàn toàn miễn phí không thu một cắc. (Nếu tôi không quá chủ quan trong nhận định thì có thể nói thời điểm ông Diệm cầm quyền là thời kỳ vàng son nhất của miền Nam trên trường quốc tế). Thời điểm ấy nền kinh tế và dân trí Việt Nam Cộng Hòa sánh ngang với Nhật Bản, hơn Đại Hàn và tất nhiên hơn xa các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo. Thời điểm ấy Sài Gòn sạch sẽ như Tân Gia Ba và được mệnh danh là HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG cũng không có gì thái quá.

Năm 11 tuổi tôi bắt đầu có thơ in báo ở các trang thiếu nhi của các nhật báo, tuần báo miền Nam trước 1975. Tôi đọc ngốn ngấu cổ văn kim văn, nhai nuốt và tiêu hóa hết kho sách cũ của ba tôi và cậu tôi giấu kín dưới gầm giường. Ở trường dạy loại thơ gì là tôi thực hành ngay loại thơ đó, kể cả thể loại thơ khó nhất là thơ Đường Luật. Tôi làm thơ Đường bảo đảm có đủ “mạo, thực, luận, kết” với cặp thực và cặp luận đối nhau chan chát. Số lượng thơ đăng báo của tôi cho đến 15 tuổi không dưới vài trăm bài thơ được cắt dán trong sổ hẳn hoi. Năm học Đệ Lục trường Trần Lục tôi và hai người bạn cùng lớp là Vũ Hào Hiệp, Ngô Đình Hải dám thành lập “Nhóm Thơ Hồn Trẻ” với những tôn chỉ, mục tiêu, thủ tục kết nạp nhóm viên đăng lên các báo. Chúng tôi có quỹ riêng tích lũy bằng sự đóng góp của các tân nhóm viên và đăng đàn sáng tác thơ, truyện y chang những ngòi bút chuyên nghiệp. Các bạn thử tưởng tượng lúc đó chúng tôi mới 12, 13 tuổi “chưa ráo máu đầu” giờ tan trường còn thèm ăn cà rem Kinh Thành khu Tân Định, ấy vậy mà dám cả gan làm “sếp” các nhóm viên một nhóm thơ, trong đó có không ít nhóm viên nam, nữ là sinh viên hoặc công nhân, lính tráng. Giờ xin trở lại với lứa tuổi hồn nhiên… vô số tội. Hai thành tích của tôi trong giai đoạn này là đoạt giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á lúc mới 9 tuổi đang học lớp Ba 1 trường Tân Định với bức tranh màu nước mang tựa “Quang Trung Hành Quân” và giải thưởng truyện ngắn Viết Trên Quê Hương Điêu Tàn của một nhật báo đối lập lúc 15 tuổi với truyện “Trái Đầu Lâu”. Trong bức Quang Trung Hành Quân tôi vẽ cuộc tiến công thần tốc của Hoàng Đế Quang Trung ra Bắc bằng cuộc chuyển quân trên võng, cảnh tượng cứ hai nghĩa quân Tây Sơn đi như chạy cáng võng một người nằm quả là hình ảnh đặc sản chỉ có ở con người Việt Nam và ở sự sáng tạo thần kỳ của Nguyễn Huệ. Đầu năm 1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân mời người đối kháng với chế độ ông là cha tôi Bùi Văn Trình (từng bị ông nhốt tù chính trị) dẫn tôi vào Dinh Độc Lập nhận giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á với sự có mặt của các vị Đại Sứ nước ngoài. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng cũng đủ bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông, một vị Tổng Thống có tinh thần mã thượng biết quý trọng hiền tài không phân biệt xuất thân, lý lịch. Một Tổng Thống có vẻ ngoài hiền hậu nhưng lại có tầm nhìn xa thấy rộng, không cho phép người Mỹ can thiệp quân sự vào hiện tình đất nước Việt Nam. Đáng tiếc là một Tổng Thống anh minh như thế lại bị chết oan ức, chết thảm khốc trong cuộc đảo chính quân sự 1-11-1963 do chính người Mỹ giật dây theo kịch bản của họ. Ông Diệm chết vài tháng sau khi đọc diễn văn khai mạc Trại Hè Thiếu Nhi Xuất Sắc Toàn Miền Nam tại Bà Rịa Vũng Tàu mà tôi là một đại biểu thiếu nhi được mời tham dự. Sự trả giá sau cái chết của ông Diệm cũng được tôi đề cập trong truyện TRÁI ĐẦU LÂU. 

Ngày 7-8-1971 người đối kháng với Tổng Thống Diệm là cha tôi cũng lìa đời vì hậu quả những vết thương do tra tấn trong tù ngục. Năm đó tôi mới 17 tuổi. Tôi nhớ lại hết ngày tôi còn nhỏ xíu khoảng 7 tuổi được cha tôi dẫn đến nhà bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa tại tư gia của bà trên giao lộ Trần Quang Khải – Hai Bà Trưng.Tại đây tôi được bà Dương Quỳnh Hoa (Bộ trưởng Bộ Y Tế Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam) lì xì và nghe bà trò chuyện với cha tôi bằng tiếng Pháp để tránh sự dòm ngó. Bây giờ thì bà lẫn cha tôi đều đã mất trong đau đớn và nuối tiếc, khi những người từng gọi là “anh em” phản bội lại lý tưởng của mình, làm tay sai cho ngoại bang phương Bắc. Họ đã bán đứng không chỉ miền Nam mà cả một dân tộc kiên cường trong chiến đấu để đổi lấy một chỗ ngồi vinh thân phì gia bị lịch sử suốt đời nguyền rủa. Tội nghiệp ông Bùi Văn Trình, tội nghiệp bà Dương Quỳnh Hoa, tội nghiệp những người yêu nước ngây thơ thời tôi chưa mở mắt chào đời, tôi chỉ biết tưởng niệm cha mình bằng những câu thơ viết trong giấc mộng:

Cánh rừng khô, lá khô, máu khô

Ba đứng đó một mình hiu quạnh

Trắng, xám, xanh, đen… màu địa y 

Ba khoanh tay hất hàm ương ngạnh 

Những nếp nhăn nửa đời, cả đời

Trên trán ba, trên trán thảo mộc

Thôi quên đi chính trị, thi ca 

Ba mím môi lặng người đứng khóc

BCV 

______________

Ghi chú :

Hình trên : Ba má tôi, tôi và em gái tôi ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn