Thứ Năm, 23 tháng 1, 2020
Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020
Thơ : XUÂN ĐẾN RỒI SAO? - Hà Thu Thủy.
XUÂN ĐẾN RỒI SAO?
(Tặng chị KHÁNH PHƯƠNG -Nhà thơ xứ Huế mộng mơ)
Đếm thời gian xa nhau bằng lãng đãng
Những mây ngàn trôi biền biệt ngàn phương
Theo gió bay cành lá rơi xao xác
Bao mùa xa rờm rợp nắng hanh vàng.
Đếm mùa xuân trôi qua bằng nhung nhớ
Trên mai vàng trên vạt cỏ xanh non
Hoa vàng ,nụ xanh chan hòa rực rỡ
Sao tay ta mười ngón vẫn u sầu.
Mùa xuân bay dịu dàng trong nắng ngát
Nhắc mùa xưa xa ấy biệt ly buồn
Ngóng chờ nhau giữa nhớ thương vật vã
Xuân đến rồi sao nắng gió buồn tênh.??
HÀ THU THỦY (21-1-2020)
Sưu tầm : TÌNH CHA - Phong Luu st trên FB.
Nhà thờ Lớn Hà Nội ảnh chụp năm 1906
(xây dựng hoàn thành trong 4 năm 1884-1887)
TÌNH CHA
Tôi là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng ơn Chúa, Người đã cho tôi có một gia đình đầm ấm đầy ắp yêu thương. Đó là gia đình ba má nuôi của tôi. Papa tôi, ông Charles-Théodore Millot, một thương nhân người Pháp.
Biến cố bất ngờ xảy đến với tôi vào một ngày Thu của Hà Nội năm 1855, khi tôi mới 5 tuổi. Mẹ mất năm nào thì tôi không nhớ, nhưng khi đó cha tôi làm nghề đánh giày, ngày ngày dắt tôi đi quanh những con phố nhỏ của Hà thành. Hồi ấy có mấy ai đi giày, chỉ có những thương nhân Châu Âu hoặc những người Việt Nam giàu có theo Tây học mới có giày thôi. Đánh giày cho họ cũng chẳng dám nói giá, cứ xin họ cho đánh là tốt rồi. Đánh xong, họ muốn cho bao nhiêu là tùy họ. Tuy thế, tiền công đánh giày cũng tạm đủ cho cha con tôi hai bữa qua ngày. Hôm nào cha tôi đánh được dăm ba đôi, được ông Tây bà Đầm nào cho thêm cho vài xu, là tôi lại có quà.
Hôm ấy, vừa được khoản bo, cha bảo tôi đứng bên này đường và chạy vội sang bên kia mua cho tôi chiếc bánh bao. Lúc quay trở về, một chiếc xe ngựa chạy vút qua đã làm cha con tôi xa nhau mãi mãi. Tôi lao ra ôm lấy cha khóc lóc gào thét, nhưng một ông cai đội kéo tôi dậy để người ta đưa xác cha tôi đi. Vừa lúc đó, ba má nuôi tôi đi qua. Hai ông bà đã ngoài bốn mươi mà chưa có con, chứng kiến cảnh đau lòng ấy, bèn nhận nuôi tôi.
Đêm đầu tiên ngủ ở nhà mới, cuộc sống thay đổi hoàn toàn, tôi không thể nào ngủ được. Mama dẫn tôi vào một phòng lớn, ga gối đệm trắng tinh, bà ra hiệu cho tôi nằm xuống, hôn lên trán tôi rồi ra hiệu cho tôi ngủ. Nhưng tôi chưa hề phải ngủ một mình. Dù phòng trọ chật chội tối tăm thì mùa hè vẫn có cha nằm bên cạnh phe phẩy quạt, mùa đông thì đắp chung chiếc chăn mỏng và cha ôm chặt để truyền hơi ấm cho tôi. Sự ôm ấp ấy làm tôi yên tâm và ngủ ngon lành. Nay nằm trong chăn gối trắng tinh, nhưng phải ngủ một mình, lại nhớ cha, tôi cứ ôm gối khóc rưng rức. Mama phải gọi chị sen vào vỗ về tôi, đọc chuyện cổ tích cho tôi nghe, mãi mới dỗ được tôi chìm vào giấc ngủ.
Sáu tuổi, tôi bắt đầu đi học với tên Leonardo Millot. Ở lớp, bọn bạn chỉ gọi tôi là Leo. Lớp học của tôi hầu hết là con các thương nhân Tây phương, một số ít là con nhà giàu người Việt. Tôi nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới. Đồng phục của học sinh rất đẹp. Đầu giờ, học sinh xếp hàng từ ngoài đi vào trường, các chị bán hàng rong, ông xe kéo, ông đánh giày, chị bán hoa quả, cứ đứng đằng xa nhìn, ngưỡng mộ.
Mama tuy là vợ thương nhân giàu có nhưng có lòng trắc ẩn, rất thương người. Mỗi bữa ăn, bà thường bắt tôi ăn món nào hết món đó, không được để thừa. Món nào không thích, bà để nguyên, gói cẩn thận, bảo tôi đưa ra cổng cho những người ăn xin. Tôi làm nhiệm vụ này một cách thích thú vì mỗi lần đưa thức ăn ra, những người ăn xin mắt sáng lên rạng rỡ hạnh phúc.
Thấm thoắt mười ba năm học cũng trôi qua, tôi đậu Tú tài loại ưu. Đã đến lúc phải xa ba má nuôi, tôi lên đường đi Pháp học đại học. Tôi thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo, và tôi cũng thích làm linh mục để an ủi cho những linh hồn khốn khổ. Papa bảo tôi không thể làm cả hai thứ đó trong đời. Ông khuyên tôi để hai năm đầu học khoa học cơ bản rồi ba năm sau chuyên về thần học.
Ngày lên đường, papa đưa tôi xuống Hải Phòng để đáp tàu thủy đi Pháp. Mama, chị sen và một số người làm công trong nhà ra cổng tiễn tôi lên đường. Tôi cũng ngạc nhiên khi ngoài cổng còn có một đoàn người khác đứng xem. Họ thấy lạ, tò mò muốn xem hay là họ cũng biết tôi sắp đi xa lâu ngày nên muốn tiễn?
Năm năm sau tôi tốt nghiệp Cử nhân Thần học, lại được Tòa thánh Vatican cho sang Roma tu nghiệp. Sau ba năm chăm chỉ học tập, nghiên cứu ở Roma, tôi có bằng Tiến sĩ. Vatican sẵn sàng bố trí cho tôi một vị trí tương xứng ở tòa thánh, nhưng tôi xin về Việt Nam.
Sau tám năm xa cách, cuộc gặp lại ba má nuôi thật là đặc biệt. Tôi rưng rưng trong vòng tay của mama và thật cảm động với sự sắp xếp hướng dẫn của papa trên đường đời. Ông ôm hôn tôi nhẹ nhàng rồi đẩy tôi ra để ngắm nhìn tôi: “Chà! Một vị Tiến sĩ. Ta tự hào vì con, con ạ”.
Sau khi tôi về nước ít lâu thì đức Giám mục Paul-Francois Puginier đến thăm và làm việc với papa. Ngài là Tổng Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài, bao gồm các giáo phận Bắc kỳ và bắc Trung kỳ. Ngài đến để cám ơn papa về việc đã giúp đỡ để giáo hội có khu đất đẹp để xây nhà thờ.
Nguyên khu đất này trước kia là thuộc chùa Bảo Thiên, một ngôi chùa cổ kính được xây từ thời nhà Lý. Nhưng sau một tai nạn hỏa hoạn đã trở thành hoang phế. Lúc này Bắc kỳ đã là xứ bảo hộ, Đức Giám mục đến nhờ Thống sứ Bonal can thiệp để Nam triều cấp đất cho giáo hội, nhưng ngài Bonal nói việc đó không thuộc thẩm quyền của ngài. Papa tuy không có chức vụ chính thức nhưng giao thiệp rộng, rất có ảnh hưởng với bên Nam triều, người đã vận động để Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ lấy lý do ngôi chùa đã đổ nát và không tìm thấy hậu duệ của người thành lập nên đã cho phá sập và chuyển nhượng khu đất cho nhà thờ. Đức Giám mục đã cho xây một nhà thờ bằng gỗ để giáo dân có chỗ làm lễ hàng tuần.
Lần này, Ngài đến đề nghị ba tôi vận động cho mở vài kỳ xổ số để lấy tiền xây dựng thành nhà thờ gạch khang trang và bền vững cho mai sau. Ba nói người sẵn sàng ủng hộ và mời đức Giám mục nghỉ lại ăn trưa. Trong bữa ăn, ba giới thiệu tôi với đức Giám mục. Ngài Giám mục phấn khởi, nói:
- Thế thì còn chờ gì nữa? Đây rồi. Tôi đã tìm được người kế vị. Một Tiến sĩ Thần học tài năng, trẻ tuổi, hào hoa phong nhã như thế này, không chọn thì còn chọn ai? Tôi sẽ đề nghị trước hết là truyền chức Phó Tế cho cậu nhà, rồi giao cậu điều khiển, trông coi việc xây dựng nhà thờ. Xây dựng xong sẽ truyền chức Linh mục cho cậu, và cậu sẽ thay mặt tôi quản nhiệm nhà thờ này. Tôi tin rằng trước sau thì Tòa thánh Vatican sẽ cho tách ra khu vực Hà Nội và các vùng lân cận thành một giáo phận riêng. Khi đó cậu nhà sẽ thăng tiến lên giám mục phó, rồi giám mục Chính tòa. Con đường tiến lên Hồng Y của cậu nhà là chắc chắn, thưa ngài.
Tiếp đó, hai ông còn thảo luận thêm nhiều chi tiết nữa. Tưởng là phải tổ chức ít nhất là dăm kỳ xổ số, nhưng không ngờ dân chúng hưởng ứng nhiệt liệt. Mới phát hành được hai kỳ, tiền thu được đã đủ để xây nhà thờ mới. Về danh nghĩa, Giám mục Puginier tự tay thiết kế và điều hành việc xây dựng, nhưng thực tế là tôi đảm nhiệm tất cả những công việc cụ thể. Cả ngài và tôi đều thống nhất rằng nhà thờ này phải là một Notre Dame Paris thu nhỏ. Hai tháp chuông và mái vòm phải y hệt để thoạt nhìn người ta đã nghĩ đến Notre Dame Paris rồi.
Xây dựng trong ba năm, đến năm 1884 nhà thờ được hoàn thành. Mọi người ngưỡng mộ, nhận ra ngay kiến trúc Gô tích trung cổ Châu Âu giữa lòng Hà Nội. Xây dựng xong, tôi được bổ nhiệm quản nhiệm nhà thờ. Tên của nhà thờ là Nhà thờ thánh Giuse, nhưng dân chúng thường gọi là Nhà thờ lớn Hà Nội.
Tôi chăm sóc các con chiên, tổ chức các hoạt động đối ngoại của nhà thờ. Còn việc trông coi trong nhà thờ là do sơ Maria. Nhiều giáo dân, già trẻ, ngày nào cũng tình nguyện vào phục vụ việc quét dọn nhà thờ, lau chùi đồ lễ… giữ cho mọi thứ lúc nào cũng sáng bóng. Một bà già rất phúc hậu và nhanh nhẹn đến bữa đem thức ăn lên cho tôi. Còn nấu ăn là một ông già thọt chân, kín tiếng, làm món rất ngon. Từ mấy chục năm nay tôi toàn ăn đồ Tây, nhưng từ ngày về ở hẳn trong căn nhà dành riêng cho linh mục đằng sau nhà thờ, thỉnh thoảng bà già lại mời tôi ăn vài món dân dã, như bánh cuốn, bánh bao, bánh giò, là những món quà thời thơ ấu.
Một lần, bà già đưa lên mời tôi một chiếc bánh, nhưng không đưa ngay mà cứ rào trước đón sau:
- Thưa cha, cha tha lỗi nếu có gì không phải. Con muốn cha thử món bánh sắn dân dã này, nhưng chỉ sợ cha giận vì mời cha thứ bánh quá rẻ tiền.
Tôi cười thân thiện:
- "Con cảm tạ Chúa ban cho con có thức ăn hằng ngày và con sẽ không quên những người đang đói khổ. Bà đừng lo. Đây là thứ quà quý mà ngày bé tôi rất thích đấy." Và tôi ăn ngon lành. Tôi không muốn kể cho bà biết bánh sắn là kỷ niệm đặc biệt đối với tôi. Lần ấy, mấy ngày liền chẳng gặp khách, cha thì chỉ còn một xu, mà tôi thì đói quá. Ông hỏi: “Cha chỉ đủ tiền mua chiếc bánh sắn thôi, có được không con?”. Tôi nói “được”, và quả là chiếc bánh sắn hôm ấy ngon thật. Đó là chiếc bánh làm tôi nhớ nhất và cảm thấy ngon nhất trong đời.
Ông già tàn tật thọt chân (tôi cũng không để ý nhớ tên ông) rất ít nói. Cứ làm xong việc là ông chui ngay vào căn phòng nhỏ dành cho người làm của nhà thờ, vì ông không có nhà riêng. Nhưng thường vào bữa ăn của tôi, ông lại hay đứng chực ở phòng ăn. Tôi nhắc ông: “Thôi đủ rồi, tôi không cần gì nữa đâu, ông về phòng nghỉ đi”, nhưng ông vẫn luẩn quẩn quanh đấy xem tôi có cần gì không. Có hôm tôi phải sai bảo một điều gì đó như kiểu: “Lấy giùm tôi quả ớt” thì ông mới yên tâm làm xong về phòng.
Sau một năm quản nhiệm nhà thờ tôi được truyền chức linh mục. Buổi thánh lễ truyền chức linh mục rất trang trọng. Ba má nuôi của tôi rất hài lòng và hạnh phúc. Cuộc sống tưởng như đã an bài. Tôi sống giữa lòng Chúa và có một gia đình ba mẹ nuôi đầy ắp yêu thương.
Nhưng một sự kiện đã làm xáo động tất cả. Hôm ấy sơ Maria bẩm với tôi rằng ông già tàn tật ốm rất nặng, không dậy được. Tôi bảo sơ đưa ông vào nhà thương, và nhớ trả tiền cho việc chăm sóc ông, chứ đừng đưa vào nhà thương làm phúc, bởi vì ông đã phục vụ nhà thờ suốt mấy năm ròng, ông xứng đáng được trả tiền cho việc chữa bệnh. Căn dặn thế, tôi coi như đã xong phận sự và có tình có nghĩa với ông. Nhưng một tuần sau thì sơ Maria báo tin ông già đã mất, đã an táng cho ông xong xuôi. Có vài món đồ tư trang lặt vặt nhà thương đưa lại và sơ muốn trình tôi xem. Lúc đầu tôi gạt đi, bảo sơ cất vào đâu đó chứ tôi xem làm gì. Nhưng sơ bảo có cái này lạ lắm, cha cứ nhìn qua xem sao.
Cái mà sơ thấy lạ là chiếc mặt dây chuyền tôi vẫn đeo trước đây. Đó là ảnh của tôi năm 6 tuổi ba má nuôi gắn trong hộp nhỏ mạ vàng đeo vào cổ cho tôi suốt bao năm. Hôm tôi được tấn phong linh mục, ba má nuôi lại trao tặng một sợi dây chuyền mới với cây thánh giá. Tôi cởi sợi dây chuyền cũ để trong nhà tắm. Mấy ngày sau, tôi tìm lại để cất đi thì thấy mất chiếc hộp có ảnh. Nghĩ rằng nó bị rơi ở đâu đó, chứ ai mà có tính gian tham thì họ lấy cả sợi dây chuyền vàng chứ sao lại chỉ lấy nguyên cái ảnh. Tôi cũng không để ý nữa. Thế mà nay, sơ phát hiện ra là ông già đã đánh cắp và giữ làm của riêng suốt mấy năm qua.
Xem thêm mấy thứ nữa thì tôi giật bắn mình. Tư trang của ông già lại có con quay gỗ mà ngày trước tôi thường chơi ở vỉa hè khi cha tôi đánh giày cho khách. Hai bộ quần áo của tôi hồi nhỏ. Lại nữa, máy bay giấy với các hình tôi vẽ ngày mới đi học. Một quyển vở nháp hồi trung học. Và đôi giày thể thao đã vẹt gót, há mõm mà tôi chắc chắn rằng chính tay tôi đã mang ra trước cổng bỏ vào thùng rác trước nhà.
- Trời ơi! Chẳng nhẽ ? … Chẳng nhẽ ? … Thôi đúng rồi! … Cha ơi!
Tôi vội đến đồn cảnh sát nhờ lục tìm hồ sơ lưu trữ những vụ tai nạn giao thông lúc cha tôi mất. Ơn trời, họ cũng ghi chép cẩn thận. Có một vụ tai nạn giao thông, người cha tưởng đã chết, đứa con được nhận nuôi. Xe chở người cha vào nhà xác thì ông tỉnh lại, chỉ bị thương ở chân. Vậy là, sau trận tai nạn ấy, cha tôi đã hỏi thăm và biết tôi được ông bà Tây danh giá nhận nuôi. Ông không đến nhận con, xin lại đứa con trai duy nhất của ông để dắt theo trên hè phố nữa. Ông chấp nhận sống cô đơn để dành cuộc sống ấm no đầy đủ cho đứa con của mình. Hóa ra, ông vẫn đứng đằng xa nhìn tôi khi tôi đem thức ăn ra cho những người ăn xin. Ông vẫn tới cổng trường đứng đằng xa nhìn tôi xếp hàng vào lớp. Và ông cũng đến tiễn tôi khi cùng ba nuôi lên xe đi Hải Phòng để xuống tàu đi Pháp. Ông đã săn sóc tôi với những chiếc bánh bao, bánh giò, bánh sắn như những ngày thơ ấu. Ông lấy cắp chiếc ảnh để đêm đêm tưởng như tôi vẫn nằm ngủ trong lòng ông thuở nào.
Mọi kỷ niệm về cha tràn về. Tôi lang thang trên phố vắng Hà Nội để tìm lại những nơi cha con tôi đã từng đi qua. Tôi mong trời mau sáng để được đến trước mộ cha mà cất lên tiếng gọi: Cha ơi!
***
Thưa các bạn, chuyện này do bạn Anna Nguyệt, một giáo dân nhà ở phố Ấu Triệu cạnh nhà thờ lớn Hà Nội, kể lại cho tôi. Gia đình bạn ấy nhiều đời tình nguyện vào phụng sự trong nhà thờ. Cụ tổ của bạn có một người con gái là là sơ Maria, người đã được đọc những dòng ghi chép trên và đã chứng kiến đêm hôm ấy, một đêm mùa đông lạnh buốt và ướt át, cha Leonardo Millot đi lang thang suốt đêm ngoài phố.
Ít lâu sau, đức cha nhận được tin mẹ nuôi đã mất tại Paris, người cha nuôi của ngài là Charles-Théodore Millot còn lại một mình đang rất cô đơn. Đức cha làm đơn xin từ nhiệm để về Paris chịu tang và chăm sóc cha nuôi. Với đức cha, tình yêu thiêng liêng của cha đẻ cũng như tình yêu lý trí của cha nuôi đều cần được đền đáp. Vì thế ngài không tiếp tục sự nghiệp và bàn giao cho đức cha Pierre-Marie Gendreau.
Những ngày này, nhiều người vẫn còn thổn thức, tiếc nuối chưa có dịp được đến thăm nhà thờ Đức Bà Paris, thì đây, nhà thờ lớn Hà Nội, một phiên bản của nhà thờ Đức Bà Paris vẫn còn đó. Hy vọng câu chuyện về một tình yêu cha con thiêng liêng trong lòng Chúa sẽ dẫn dắt các bạn đến thăm nhà thờ này. Hàng ngày nhà thờ vẫn mở cửa đón du khách thập phương đến tham quan. Còn nếu hỏi câu chuyện trên đây có thật hay không, thì xin hỏi bạn Anna Nguyệt. Người viết truyện này không dám cam đoan.
Người kể: Anna Nguyệt
Người viết: Pháp Vân
Phong Luu copy từ Fb Khiem Nguyenanh.
Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020
Nhìn quanh : MỘT QUỐC GIA HẠNH PHÚC - Sưu tầm trên mạng.
MỘT QUỐC GIA HẠNH PHÚC.
Mỗi năm, bảng xếp hạng về quốc gia hạnh phúc trên thế giới lại có sự thay đổi. Tuy nhiên, nhóm dẫn đầu thì hầu như chỉ thay đổi đôi chút, và theo bảng xếp hạng gần đây nhất, danh hiệu ấy đang thuộc về Phần Lan.
Nhưng cuộc sống ở một đất nước hạnh phúc là như thế nào? Khá là tuyệt vời đấy! Dành cho những ai chưa biết, 99% cư dân tại quốc gia nhỏ bé ở Bắc Âu này đi… tắm hơi ít nhất 1 lần/tuần. Một đất nước thân thiện với thiên nhiên, đến mức hươu nai có thể đi lại tự do trên những con đường nhỏ mà chẳng lo sợ gặp phải vấn đề gì.
1. Đất nước đắm chìm trong thiên nhiên
70% lãnh thổ Phần Lan là những khu rừng tươi đẹp, đó là lý do vì sao cuộc sống của người Phần Lan từ lâu đã gắn liền với cây cối và thiên nhiên. Họ thích cảm giác được bao bọc bởi núi rừng, tâm hồn thư thái khi hòa mình vào tự nhiên.
Người Phần Lan cũng dành rất nhiều thời gian tận hưởng không khí ngoài trời, thích leo núi và thường xuyên chạy xe đạp.
2. Nước uống miễn phí
Bên cạnh núi rừng, Phần Lan còn có tới cả ngàn hồ nước, được hình thành từ kỷ băng hà vào khoảng 10.000 năm trước.
Nước hồ tại quốc gia này trong lành đến mức chúng ta có thể uống trực tiếp từ vòi mà không cần qua xử lý. Các nhà hàng cũng thường gửi cho khách những chai nước tự đóng, và dĩ nhiên là hoàn toàn miễn phí.
3. Trẻ em được cho tiền mỗi tháng, kéo dài đến năm 17 tuổi
Phần Lan thực sự có những đứa trẻ may mắn nhất thế giới. Một cặp vợ chồng ở quốc gia này, mỗi đứa trẻ sẽ được chính phủ trả 100 euro/tháng, kéo dài cho đến năm 17 tuổi. Số tiền này dùng làm gì cũng được, nhưng đa số các bậc phụ huynh thường không đụng đến, coi đó là một khoản tiết kiệm dành cho con cái họ khi chúng trưởng thành.
Chưa hết đâu! Ngay khi sinh em bé, các bậc cha mẹ sẽ nhận được một vài thùng quà tặng từ chính quyền địa phương, trong đó có những vật dụng cần thiết cho đứa trẻ. Mỗi hộp có ít nhất 64 vật dụng khác nhau – từ quần áo, tã bỉm, đồ chơi… và nhiều nhu yếu phẩm khác.
4. Nơi có những chiếc pizza ngon nhất thế giới
Nhắc đến pizza, ai cũng nghĩ ngay đến nước Ý (dù đây không phải quê hương của món bánh này). Tuy nhiên nếu là chiếc bánh pizza ngon nhất, nó thuộc về Hà Lan.
Nguyên nhân của mọi chuyện bắt nguồn từ năm 2005, khi Silvio Berlusconi – thủ tướng Italia đương thời tuyên bố ông không thích đồ ăn của Phần Lan. Berlusconi cho rằng thịt nai hun khói – món truyền thống của người Phần Lan là rất vô vị, không thể so sánh với jam-bon Parma của Ý được.
Có điều chỉ 3 năm sau, Phần Lan đã vượt qua Ý trong một cuộc thi quốc tế về pizza. Chiếc bánh họ đưa ra mang tên “pizza Berlusconi”, với thành phần làm từ thịt nai.
5. Đỉnh cao tái chế rác thải
Phần Lan là một quốc gia đặc biệt chú trọng sự phát triển bền vững. Họ có một nền kinh tế thực sự khép kín, do đó phải sử dụng mọi nguồn lực trong xã hội mà vẫn đảm bảo lượng rác thải ra ở mức thấp nhất.
Ở thời điểm hiện tại, 99% rác thải tại Phần Lan đều được tái chế, hoặc được chuyển đến nhà máy đốt rác và chuyển thành năng lượng.
6. Đất nước đầu tiên trên thế giới cấp quyền truy cập internet cho mọi người dân
Năm 2010, Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức đưa việc truy cập internet trở thành một quyền của công dân. Chính phủ khi đó đã đưa ra sắc lệnh yêu cầu các nhà cung cấp internet phải đảm bảo đường truyền ổn định, và đảm bảo ai cũng phải được sử dụng.
Khác với nhiều nơi trên thế giới, Phần Lan đã sớm công nhận internet là nhu cầu cần được ưu tiên, vì nó phục vụ cho sự phát triển của cá nhân lẫn xã hội.
7. Những ông bố tận tình chăm con, thậm chí nhiều hơn mẹ
Phần lan cũng là quốc gian đầu tiên trên thế giới cực kỳ coi trọng ý nghĩa của người bố trong việc nuôi dạy con. Sở dĩ có chuyện này là vì chính phủ Phần Lan có cung cấp rất nhiều lợi ích cho các ông bố dành thời gian chăm lo cho con. Ví dụ, thời gian nghỉ phép của một ông bố có thể kéo dài 9 tuần mà vẫn được nhận 70% lương trung bình.
8. Tiền học miễn phí
Phần Lan có một trong những nền giáo dục tốt nhất thế giới, với những tiêu chuẩn khá đặc biệt, trong đó yêu cầu trẻ em phải giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng bản địa. Và đặc biệt hơn nữa là tiền học – cả trung học lẫn đại học – đều được miễn phí cho các công dân trong EU.
Thơ : HÁI HOA MÙA XUÂN - Xuân Duyên
HÁI HOA MÙA XUÂN
" mùa xuân ai đi hái hoa"
Bay bay cỏ non màu mạ
Kìa con bướm vàng lơi lả
Ươm tình xuân khắp phương xa
Gặp em trên đường cỏ lá
Hương ngàn theo bước em qua
Dừng chân hái cành hoa nhỏ
Xanh trời, mắt biếc.. xuân ca
XUÂN DUYÊN - 1/2020
Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2020
Thơ : NGỌT NGÀO HƯƠNG XUÂN - Hà Thu Thủy.
NGỌT NGÀO HƯƠNG XUÂN
Trời đất thơm ngọt ngào hương xuân thắm
Ngẩn ngơ bay chim én liệng quanh vườn
Gói trong lòng ngàn ước mơ sâu thẳm
Chờ giao thừa hái nhánh lộc uyên nguyên.
Gọi tên anh giữa muôn màu hoa cỏ
Có nghe không rừng rực tiếng mai vàng
Tiếng yêu thương của hoa giong riềng đỏ
Tiếng đợi chờ hoa súng tím mênh mang.
HÀ THU THỦY - 13/1/2020.
Sưu tầm : TẠI SAO THỊT KHO "TÀU"... ?? - Trên FB.
TẠI SAO THỊT KHO TÀU NGÀY TẾT MÀ CHỮ “TÀU” KHÔNG CÓ VIẾT HOA ?
Khoảng 9,10 năm trước, trong một buổi sinh hoạt với đồng hương để chuẩn bị cho một buổi picnic. Tham dự buổi sinh hoạt đa số là quý đồng hương lớn tuổi. Tôi có đưa ra một câu hỏi là : “Tại sao chúng ta gọi là thịt kho tàu, trong khi đó, món thịt kho này là món ăn thuần túy của người Việt, và cũng là một trong những món ăn truyền thống của chúng ta ?”
Hơn 30 người đều xì xào nhưng không có ai trả lời được. Cuối cùng có một bà thím giơ tay lên và trả lời rất hóm hỉnh. Bà thím đã nói như sau :
“Thịt kho tàu thì miếng thịt phải cắt to, vì vậy khi kho nó nổi lên trong nồi như những chiếc tàu, nên ông bà mình đặt tên là thịt kho tàu.”
Mọi người cười vang thích thú. Tôi bèn hỏi : “Ở đây có ai ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long không ?” Nhiều người giơ tay, tôi nói thêm: “Ở miền Tây có sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ, ở Cần Giờ có sông Lòng Tàu. Vậy riêng chữ “tàu” ở đây có nghĩa là gì ?”
Mọi người im lặng. Tôi nói tiếp : “Theo nhà văn Nguyễn Đức Lập, cũng như theo nhà văn mà cũng là nhà nghiên cứu nổi tiếng Bình Nguyên Lộc, thì chữ “tàu” nói theo ngôn ngữ miền Tây có nghĩa là “mặn ngọt lờ lợ”. Những dòng sông có nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ mình gọi là sông Cái Tàu Thượng, sông Cái ở phía dưới thì gọi là sông Cái Tàu Hạ, sông Lòng ở Cần Giờ thì gọi là sông Lòng Tàu vì những sông này có nước lờ lợ.”
Bà thím nói theo :
“Tới tuổi này mà bây giờ tui mới biết thịt kho tàu là món ăn chính cống của người Việt mình. Chữ “tàu” có nghĩa là ngọt mặn lờ lợ. Thịt kho tàu là thịt kho ngòn ngọt, mằn mặn… ăn với cải chua dưa giá thì khỏi chê.”
Cả lớp cười ồn ào, rồi tôi nói tiếp : “Vì vậy, các cô chú bác nhớ rằng và cũng nên nói lại cho người mình quen biết rằng thịt kho tàu là món ăn chính gốc của người Việt Nam mình, chớ không có liên quan gì đến Ba Tàu, Made in China cả.”
Quang Nguyen Thanh.
Thơ : ĐẦU NĂM KHAI BÚT - Huỳnh Văn Huê.
Đầu năm khai bút viết gì đây?
Đào, Mai đua sắc báo Xuân đầy
Non sông một dải bao hoa gấm
Tổ quốc triệu người bấy nhiêu mong
Công mẹ - cha sinh thành nên vóc
Ơn cô - thầy giáo huấn thành nhân
Nhưng trong lòng canh cánh bâng khuâng
Dân tộc mãi sao còn chậm bước?!
HUỲNH VĂN HUÊ
Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020
Truyện năm Canh Tý : ÔNG TRÙM BẪY CHUỘT- Huỳnh Văn Huê.
Truyện năm Canh Tý : ÔNG TRÙM BẪY CHUỘT
( ... Viết theo lời kể của một bạn... cà phê. Lời kể đầy dí dỏm và có lẽ có chút ít hư cấu... )
( ... Viết theo lời kể của một bạn... cà phê. Lời kể đầy dí dỏm và có lẽ có chút ít hư cấu... )
Hồi còn nhỏ tôi đã nghe Ba tôi từng kể...
Ông nội tôi là một nông dân cần cù siêng năng, rất giỏi làm ruộng trồng lúa. Nhưng ngoài ra ông còn nổi tiếng là một người rất giỏi... bẫy chuột! Bà con chòm xóm đặt cho ông biệt danh là ông... trùm bẫy chuột !!!...
Ngày ấy, nơi làng quê xưa, nơi mà tôi chưa ra đời và Ba tôi hãy còn là một cậu thiếu niên nông thôn quê mùa. Lúc ấy Ba tôi là thành viên của một gia đình nông dân - là gia đình ông nội tôi - có tám thành viên: gồm hai vợ chồng và sáu người con trai gái. Tất cả sống bình dị nơi một làng quê nhỏ nhắn yên bình... .
Dân làng quanh năm sống nhờ vào một vụ lúa mùa và có thể thêm một vụ rau màu... . Những người nông dân cần cù, chấp nhận một cuộc sống bình thường, khiêm tốn với mảnh đất mà cha ông truyền lại từ không biết bao đời... .
Thế nhưng... . Thành quả ít ỏi của họ nào được hưởng trọn vẹn ! Đó là do sự phá hoại của loài chuột. Nghe đâu đây là loài vật phá hại nhưng đã tồn tại với đời sống của con người ngay từ thuở... hồng hoang (!?) Nghĩa là khi có con người hình thành thì cũng có loài chuột hiện diện theo như bóng với hình.
Cái giống loài xấu xa, chỉ chờ đợi thành quả lao động của con người vừa có được - chưa kịp hưởng - là chúng cùng bè lũ có mặt ngay để ăn trên ngồi trước bằng cách đánh cắp thành quả lao động của người ta !
Loài chuột phá hại ! Chúng sinh sôi nẫy nở thật nhanh, nhất là khi có cơ chế thuận lợi, những thứ chúng muốn ăn phơi bày ra đó, chúng dễ dàng muốn ăn lúc nào cũng được. Thậm chí những thứ người dân đã mang cất giấu kỹ càng rồi bọn chúng vẫn tìm cách moi ra mà ăn... !!!
Những người nông dân tuy hiền lành chất phác nhưng đâu có chịu đựng được mãi cái lũ gian tham ăn cắp nhưng lại nhơn nhơn tự đắc như vậy. Chúng hành động như là cánh đồng lúa chín vàng là của... chúng nó. Ngôi nhà có lẫm lúa là của... chúng nó. Chúng muốn ăn là ăn, chúng muốn phá là phá, hoặc vừa ăn vừa phá !
Không thể chịu được, trong số những người muốn tiêu diệt lũ chuột có ông nội của tôi nổi tiếng như đã nói ở trên.
Thời ấy, nếu không ra tay thì thôi, một khi ông tôi đã bẫy thì lúc nào cũng bắt trọn được cả một đàn chuột lớn đông đúc lên đến mấy chục con. Ông mà ra tay vài lần là triệt hạ có thể đến vài trăm "tên trộm cắp" như chơi... .
Người dân trong làng dĩ nhiên ai ai cũng biết bẫy chuột, từ ông lão lớn tuổi hơn cả ông nội tôi cho đến đứa nhỏ học trường làng nhỏ tuổi hơn ba tôi lúc ấy. Nếu đồng lòng và quyết tâm thì việc tiêu diệt lũ phá hại đó ai cũng làm được hết.
Đặc biệt ở chỗ ông nội tôi bẫy được số lượng lớn chuột trong chỉ một lần đặt bẫy. Tất nhiên cái bẫy của ông nội tôi cũng to lớn hơn cái bẫy thường thường của thiên hạ.
Ba tôi nói là ông nội tôi không hề giấu diếm "bí quyết" gì hết. Ông nói : Chuột sống bầy đàn, có một "xã hội" thu nhỏ của bầy đàn đó. Nếu so sánh với con người thì con chuột cũng có một tập thể giống như một... "bộ tộc" (?!) vậy. Mà đã là bộ tộc thì phải có lãnh đạo giống như là... là... "tù trưởng" chẳng hạn. Cái quan trọng trước tiên là phải để ý, rình rập xem con đầu đàn là con nào? Sinh hoạt đi đứng ra sao?
Làm sao để biết con chuột nào là con đầu đàn? Không khó lắm đâu. Khi đã là "đàn trưởng" rồi thì con đầu đàn trở thành yếu... thú ! ( con người thì gọi là yếu nhân- người trọng yếu ! ). Khi đó nó có kẻ hầu người hạ, đi đứng... thận trọng vì sợ... chết ! Lâu lâu để lấy uy, vào những đêm trăng mờ nó cũng đi ra ngoài hang ổ một vòng. Tuy nhiên phải có trinh sát thân tín dò đường trước, chuyến đi ngắn nhưng được bảo vệ chặc chẽ, tiền hô hậu ủng !...
Nhưng cái bí quyết bí mật và cũng quan trọng nhất là khi tìm ( hoặc đoán ra ) được con đầu đàn rồi phải làm sao "nghe" được tiếng gọi đàn của nó. Ai cũng biết rằng loài chó nghe được siêu âm, trong khi loài người có lẽ do bước tiến hóa riêng mà khả năng nghe được siêu âm đã không còn. Còn theo ông tôi, có lẽ loài chuột có khả năng nghe được âm thanh... "cận siêu âm" và loài người cũng có một số cá thể đặc biệt vẫn có khả năng tương tự... .
Ban đầu khi thành lập đàn, con đầu đàn có công dùng miệng lưỡi tức là lời nói để mê hoặc và thu phục những đồng loại nhẹ dạ ! Khi đã tập hợp được một số đông rồi và trở thành đầu đàn thì càng lúc nó càng phát huy... miệng lưỡi để củng cố và tiếp tục tạo thêm quyền lực nữa.
Vì biết tầm quan trọng của con đầu đàn như vậy nên ông tôi nói muốn thành công phải cố tìm cho được đường "di hành" của nó. Xong ông làm một cái bẫy lớn, thật lớn. Bẫy này đặc biệt có 2 ngăn, ngăn ngoài để mồi, ngăn tiếp theo kín, rộng và... đẹp !(?).
Còn nói về mồi : phải là sản vật đặc biệt mà vùng đất này không có, thí dụ như cơm gạo thơm nấu với nước cốt dừa từ lúa thơm của địa phương khác, hay là cá thòi lòi biển nướng vàng ngậy.
Ông tôi quả thật là giỏi. Ông quá hiểu rằng đã là bậc "quyền quý" rồi thì nhu cầu ( hay lòng tham? ) của họ là... vô tận !!!...
Xong xuôi đâu đó ông chỉ chờ một đêm mờ trăng, thời tiết tốt... , rồi đem bẫy đặt vào nơi ông đã tìm tòi nghiên cứu mấy ngày trước.
Trên đường "di hành", tất nhiên công lao phát hiện ra "cao lương mỹ vị" ( chính là mồi bẫy ) là do đám tiền trạm dẫn đầu. Nhưng đám này đâu dám... phạm thượng, chúng sẽ báo cáo lên con đầu đàn để lập công rồi biết đâu chúng sẽ được... thăng tiến?!
Thế là con chuột đầu đàn sẽ cố ra vẻ đầy uy lực, dương dương tự đắc tiến lên và... chui vào bẫy! Ngăn ngoài một khi đã vô rồi thì không thể đi ra, cửa bẫy được thiết kế như van một chiều vậy. Chuột chúa có vẻ chột dạ, nhưng giữa đám tùy tùng thân cận nó cố giữ bình tĩnh và tiếp tục quan sát... .
Nó nhận thấy ngăn thứ hai đẹp đẻ bề thế hơn ngăn thứ nhất nhiều ( ông nội tôi đã cố ý làm như vậy ! ). Nó nghĩ trong đầu chuột của nó rằng biết đâu ngăn thứ hai có nhiều thứ quý giá hơn ? Và, và đã đến nước này rồi thì cũng... đánh liều ! Nó hiên ngang oai dũng chui vào ngăn kế tiếp! Vào trong ngăn thứ hai rồi nó hoàn toàn hiểu ra sự thật. Nó đã sập bẫy không chỉ một lần.
Bây giờ vấn đề tối quan trọng của sự việc là tư duy của chuột đầu đàn. Biết rằng không thể thoát thân được, nhưng nếu nó lên tiếng kêu gọi cầu cứu thì chắc chắn là cả bầy nó sẽ nhanh chóng bỏ rơi nó mà chạy mất tăm trong vòng một nốt nhạc. Chi bằng nó giả vờ như vừa đến được chốn thiên đường... .
Nó dùng "miệng lưỡi" phát ra thứ tiếng nói "cận siêu âm" với tùy tùng và đồng loại. Nó lớn tiếng kêu gọi toàn thể hãy tiếp bước theo nó để chui vào... bẫy ! Như thế biết đâu nhờ số đông bọn chúng có cơ may chiến thắng bằng cách phá bẫy mà cùng nhau thoát thân?! Còn ngược lại ( khả năng rất cao hầu như là tuyệt đối ) thì cùng chết chùm với nhau !!! Bỡi không lẽ nó chịu chỉ một mình nó trở thành mồi nhậu cho con người trong khi đám "dân đen" kia lại được nhởn nhơ hưởng tự do bên ngoài !?
Chính vì con đầu đàn ranh ma như vậy mà cả đàn chuột mấy mươi con đều hùa nhau vô bẫy là thế.
Nhờ nắm bắt được bí mật này của loài chuột đồng mà ông tôi bẫy hết bầy chuột này đến bầy chuột khác từ cánh đồng làng của mình sang đến các làng lân cận. Ông nội tôi nổi tiếng là "ông trùm bẫy chuột" từ đó... .
Ba tôi còn kể thêm. Những lúc rảnh rỗi, chiều về bên bàn nhậu thịt chuột cùng với mấy ông bạn chòm xóm thân tình. Ông tôi bộc bạch rằng có khi cũng có vài con chuột thức tỉnh, hiểu được sự lừa dối của con đầu đàn, chúng không nghe lời kêu gọi mà chui vào bẫy. Chúng rút lui khỏi nơi đó, tách ra sống trên cây cao, ăn những trái cây hoang dại, nếu có đụng chạm đến cây trái của nông dân thì chỉ là số ít, nhất là không đụng đến các thứ lương thực thiết yếu của con người. Theo ông nói, chúng tiến hóa thành loài sóc hoang dã (được gọi là sóc chuột ?), không biết có đúng không ?
HUỲNH VĂN HUÊ ( 9-1-2020 )
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)