NGỤ NGÔN MÙA THU: CÂY TÙNG VÀ LAU SẬY
Trong rừng già, cây tùng nghiêng mình xuống cây sậy:
“Chú mày còn mê ngụ ngôn nhảm nhí ấy đến bao giờ nữa? Cái chân lý khốn nạn ấy khiến mọi người đều cúi đầu, thấy gió chiều nào thì dạt qua chiều ấy! Sống như vậy để làm gì...”
Cây lau phất lên nghe hướng gió, thấy mình trí tuệ như cây trúc:
“Nhà bác nói sao ấy chứ! Thân phận nhỏ bé èo uột này thì làm sao hiên ngang chống trọi với đời như nhà bác ở trên đó? Đã khôn ngoan là phải biết cúi, sau này có ngày còn biết ngửng. Chứ cứng cổ ngang tàng như nhà bác trên đó thì sẽ bị vật chết!”
Hình như trời có mắt.
Vì ngay sau đó phong ba bão táp nổi lên. Ba ngày ba đêm, mây đen vần vũ quật ngã tất cả. Cây tùng nghều nghệu kia cũng chẳng thoát, bật trơ gốc nằm ngang tầm cỏ… Bên dưới, lau sậy dạt dào - nói theo người nghệ sĩ – hay dật dờ trong nước lũ.
Khi trời quang mây tạnh và nước đã rút, cây sậy ngửng lên từ sình lầy. Trong tiếng nói đã có giọng hả hê, từ ánh mắt là sự đắc thắng bị dồn nén từ lâu:
“Nhà bác thấy không? Em đây vẫn sống nhăn!”
Cây tùng chìm ngang mặt nước, châu thân rã rượi. Rễ cái trổ ngược lên trời như móng vuốt bị gẫy. Nó bỗng cười gằn, lẫm liệt, thê lương:
“Nhưng tao vẫn là cây tùng!”
Cách ngôn ư? Xin để bà con tự tìm lấy, vui hơn!
XUÂN NGUYỄN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét