Thứ Năm, 7 tháng 3, 2024

Cùng suy nghĩ : VỀ 2 CÂU NÓ NÓI XƯA - KTL

 



VỀ HAI CÂU NÓI XƯA  

 Có hai câu nói của xưa dường như ai cũng biết, nhưng về ý nghĩa thì lại giải thích chẳng giống nhau. Chúng tôi xin trình bày sau đây đề quý vị cùng tham khảo.

 Thứ nhất là câu “Hậu sinh khả úy!” (Kẻ sinh sau đáng sợ!). Theo sự hiểu biết của hầu hết mọi người từ trước thì đây là LỜI KHEN của Đức Khổng Tử sau khi “tranh luận” và bị… “bí” với đứa bé sáu tuổi tên là Hạng Thác. (Câu chuyện nầy quá phổ thông nên chúng tôi nghĩ không nên viết lại – Quý độc giả  nào muốn tìm hiểu thêm xin tra cứu “Khổng Tử  và người Hạng Thác). 

 Người ta hiểu rằng Khổng Tử đã bái phục Hạng Thác, và khẳng định là kẻ sinh sau luôn thông minh hơn, tài giỏi hơn người đi trước. 

 Câu thứ hai là: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Câu nầy được hiểu là:”Một chữ cũng là thầy; nửa chữ (cũng) là thầy”,  nó hàm ý nhắc ở mọi người không được quên ơn thầy dù thầy mình có dạy mình nhiều thứ (nhất tự) hay chỉ dạy mình một vài điều nhỏ nhặt nhất (bán tự).

 Khi còn học tiểu học, tôi vẫn được dạy như trên, nhưng từ khi được thầy Trần Văn Huấn  (cháu nội của nhà cách mạng Trần Quý Cáp) dạy cho Hán Văn thì thầy lại bảo rằng “Hâu sinh khả úy!” không phải lời khen mà là một LỜI THAN: “(Đạo đức, nhân phẩm, lễ nghĩa… của) Kẻ sinh sau (thật) đáng sợ!”' Đây là một lời nói chua xót, ẩn tàng một cái nhìn không mấy thiện cảm với lớp hậu sinh qua một cậu bé sáu tuổi mà đã nói lên những câu hỏi, những câu trả lời ngông nghênh và thiếu lễ độ với bậc tiền bối. Những câu hỏi của Hạng Thác hỏi Khổng Tử như: “Trên trời có mấy ngôi sao?”, “Dưới đất có bao nhiêu nhà?” hay “lông mày có mấy sợi?” thì bất cứ đứa trẻ nào cho chút thông minh và chút … láu cá đều hỏi được; hoặc khi Hạng Thác bày trò xếp gạch giữa đường, cản đầu xe Khổng Tử, ngài bảo: “Sao mầy không tránh xe tao?”. Đáp: “Xưa nay xe phải tránh thành chớ thành nào phải tránh xe”. Đây là lý luận của một đứa trẻ con KHÔN LỎI mà thôi. Có người bảo: “Nếu Khổng Tử không phục, sao lại bái Hạng Thác làm thầy?”. Thưa: “Chuyện Khổng Tử bái Hạng Thác làm thầy chỉ thấy ở ngoại sử, mà ngoại sử thì ai muốn thêu dệt thế nào tùy ý. Cho dù là chuyện có thật thì cũng không có gì là lạ, bởi bất cứ ai cũng có thể là thầy của Ngài: “ Ba người cùng đi ắt có thầy ta. Chọn người thiện thì là ta theo, nếu người không thiện thì ta lấy đó mà sửa mình” (Tam nhơn đồng hành tất hữu ngã sư yên; trạch kỳ thiện giả nhi tùng (tòng) chi; kỳ bất thiện giả nhi cải chi).

 Nếu hiểu “kẻ sinh sau đáng sợ!” là một lời tán dương, thì nó chỉ đúng về khía cạnh khoa học, về tiến bộ  trật tự xã hội ngày nay; nhưng lúc đó Hạng Thác có biết gì về khoa học,  ngoài những câu hỏi đáp ngang bướng với Khổng Phu Tử, thì lấy chi mà khen tặng”?

 Một câu hỏi có tính khoa học mà Hạng Thác hỏi Khổng tử: “Tại sao mặt trời buổi sáng lại lớn hơn buổi trưa? - “Vì  mặt trời buổi sáng gần hơn” – “Sao gần hơn mà nó lại mát hơn (buổi trưa)?”. Khổng Tử không giải thích được. Nếu Hạng Thác thật sự là một “hậu sanh khả úy” , hiểu theo nghĩa kẻ sinh sau thông minh hơn, giỏi hơn người trước thì đã giải thích được hiện tượng nầy rồi; đàng nầy Hạng Thác hỏi được , nhưng cũng “bí” vì điều thắc mắc của mình, thì sao gọi là “giỏi”?  Ta nên nhớ rằng Khổng Tử là nhà tư tưởng chớ không phải là nhà khoa học. Hiện tượng  mặt trời đỏ và lớn vào buổi sáng mãi đến tiền bán thế kỷ 17 người ta mới giải thích được khi biết… trái đất tròn và xung quanh trái đất có lớp không khí dày đặc!

 Nếu Hạng Thác giỏi hơn Khổng Tử thì sao từ đó về sau ta không gặp tên Hạng Thác trong bất kỳ loại sách vở nào nhắc đến? Điều nầy làm ta nghi ngờ Hạng Thác chỉ là nhân vật của trí tưởng tượng.

 Nhưng lời than “kẻ sinh sau đáng sợ” thì thấy dẫy đầy: gian xảo, lưu manh, chém cha đánh mẹ, lừa thầy phản bạn, giết người hàng loạt, mổ mật, lấy tim…!

 Về câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Đây là câu nói truyền khẩu trong dân gian mà có lẽ xuất phát từ những lão nho. Theo thầy Trần Văn Huấn, nó không phải là lời khuyên mọi người nên “tôn sư trọng đạo” như đã nói ở trên, mà là một câu đầy tính mai mỉa: “ Một chữ cũng (bày đặt) làm thầy; nửa chữ cũng (bày đặt) làm thầy!” (Chữ “vi” nghĩa là “làm” chứ không phải “là”); Câu nầy cũng không ngoài để chế nhạo những lang băm, học qua loa hay học lóm được mấy bài thuốc rồi “nhảy” ra trị bệnh cho người!

 Với chữ Hán, tôi còn chưa biết viết nét nào trước, nét nào sau, nên nào dám lạm bàn cái nào sai, cái nào đúng; nhưng vì hai câu trên quá phổ thông trong đời sống hàng này nên mạo muội viết bài nầy chỉ mong thỉnh ý quý vị cao thâm.

KTL.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét