Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015
Sưu tầm: DÂN CHƠI CẦU BA CẲNG - Sao Khuê.
DÂN CHƠI CẦU BA CẲNG.
Trong thế giới ngầm, thế giới ăn chơi, để phân biệt đẳng cấp và vị trí của người chơi, giới chơi và cách chơi, giang hồ thường đặt cho một hỗn danh để ngầm quy ước vai trò quan trọng hay thể hiện đúng vị thế, dấu ấn của dân chơi.
Hỗn danh “dân chơi cầu Ba Cẳng” ra đời trước năm 1975 và lưu truyền đến nay để nhắc về một lớp đàn anh “ngang trời dọc đất” nhưng dám chơi mà không dám chịu, đụng chuyện thì tránh né. Hỗn danh này còn được gắn cho một tay anh chị do Mã Ban cầm đầu một nhóm ăn chơi thuở xưa, nhưng sau đó gác kiếm, rút lui khỏi giới giang hồ về với đời thường một cách lặng lẽ.
Cầu Ba Cẳng không còn cẳng nào
Trước hết phải khẳng định cầu Ba Cẳng là một cây cầu có thật. Theo bút ký của nhà văn Trương Đạm Thủy, vùng Q.6, Chợ Lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt có hình dạng rất lạ, có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận... nên người dân lấy hình mà đặt tên, tức cầu Ba Cẳng. Ngày ngày, dân bụi đời ưa tụ tập ở đó để cờ bạc, đá gà, ăn nhậu gây mất trật tự và vẻ khó coi cho khu Chợ Lớn mới. Đêm đêm dân chơi đi... “bắt bò lạc” là mấy em gái ăn sương cũng thường coi cầu Ba Cẳng là điểm hẹn để tìm một đêm vui. Vì thế mà cái tên “cầu Ba Cẳng” lần hồi đã trở nên nổi tiếng. Đi xa hơn, loại dân chơi nào bị coi là chơi không đẹp, chơi nhếch nhác, chơi thiếu... mỹ quan thì bị thiên hạ gán cho cái tên “dân chơi cầu Ba Cẳng”.
Còn theo ghi chép của Hội những người yêu Sài Gòn, trước 1954, thành phố Sài Gòn thường quen được gọi là “Sài Gòn - Chợ Lớn” để phân biệt như hai khu vực. Một vùng do đại đa số người Việt sinh sống, còn vùng kia là người Việt gốc Hoa buôn bán làm ăn phát triển (từ Q.5 tới Q.11, trừ Q.9 thành lập sau này thuộc vùng Sài Gòn).
“Cầu Ba Cẳng” thuộc vùng Chợ Lớn bắc qua một cái vàm (ngã ba kinh rạch) của kinh Hàng Bàng, do quan Khâm sai người Pháp (không nhớ tên và thời điểm) ra lệnh xây dựng. Lúc đầu mang tên cầu Khâm Sai. Do một trận hỏa hoạn lớn ở đường Gia Long, người ta đổ xô lên cầu chen lấn, đứng xem quá đông khiến cầu bị sập. Sau đó cầu được xây lại thành ba nhánh bằng bê tông cốt sắt vững vàng hơn. Dân chúng trong vùng không còn gọi là cầu Khâm Sai nữa mà gọi theo hình dáng xây dựng là “cầu Ba Cẳng”. Cầu nằm cuối đường, phía sau chợ Kim Biên P.13, Q.5, thuộc Chợ Lớn. Cầu Ba Cẳng nay không còn nữa. Xưa, cầu ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, sau đó được lấp thành đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe, Q.6. “Cầu Ba Cẳng” nằm ở khúc rẽ phải ra kênh Tàu Hũ, hai chân nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành, còn chân kia ở bến Vạn Tượng. Cầu tồn tại đến năm 1990 thì bị sập hoàn toàn. ( còn tiếp )
SAO KHUÊ.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét