Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017
Truyện hương xa SÀ BÌ CHƯỞNG... (phần cuối) - Hồ Đình Nghiêm
SÀ BÌ CHƯỞNG (*)... ( p.cuối)
Khi không mà đâm chộn rộn. Thì bởi vậy, sống mà được hoán đổi không khí chuyện ấy hẳn cần kíp. Nhưng nói nào ngay, giả anh Tư chị Tám bảo lãnh một cậu em trai thì e tình hình có khác. Kệ mẹ nó chứ, để nó lao động trong bếp chứ quen biết chi mà ra chào hỏi. Đừng mua hàng Trung quốc, chớ bỏ hoá chất trong thức ăn là quý lắm rồi. Mình người Việt với nhau sao nỡ xuống tay chơi khăm thắt họng! Lịch sự vòng tay thưa gửi, đôi lúc ta phải giả bộ quên thứ văn hoá lề mề ấy đi. Chớ học thói bún chửi, phở quát, cháo mắng thì đã độc lập tự do hạnh phúc lắm rồi, chẳng mong chi hơn. Lạ cho cách hành xử của bọn quân sư, giá mà ngày đó nó dắt ngài Obama đi xơi bún chửi xem thử con mẹ ấy có động thái nào trước người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Hay bọn quân sư đã tường mười mươi, sợ mất mặt bầu cua:
-Chả xách đít tới ăn thì bà đây đéo cần, cha ông chúng mày từng bị đất nước này đánh cho rách bươm cái quần đấy. Mẹ! Đế quốc mí thực dân, đồ láo lếu! Đồ cọp giấy! Đồ ăn vụng chẳng biết chùi mồm! Đồ mặt người mà dạ thú! Đồ…
Dạ thưa các bác ạ! Ui, con cái nhà ai mà đẹp người đẹp nết rứa bây! Cả bàn không hẹn mà cùng ngồi ngây người ra. Tấm màn nhựa in biểu tượng ba miền Chùa Một Cột Chùa Thiên Mụ Chợ Bến Thành treo ngăn ở nhà bếp mãi còn rung động dù o con gái đã đứng dậm chân chốn đây. Áng chừng hai chục, tóc dài, da bần quân, mắt lá răm, lúm đồng tiền và giọng Huế chưa từng pha tạp, còn trinh nguyên, nghĩa là chữ nào cũng thêm dấu nặng:
- Dạ mậy bạc cọ khoẹ khộng ?
Oan cho cô ta quá. Thường khi mấy bác có tới chín người, hình như bữa ni không đụ số.
- Răng, món gỏi con chào hàng có ngon nhức nách không?
Không ai vọng động. Quen nhìn chị Tám rồi, nhàm khuôn trăng đầy đặn ấy rồi nên chi thiệt bất ngờ khi ngó ra cái nét ngài nở nang kia. Giả thử có bán gỏi chửi e rằng hàng quán ấy cũng có lắm đứa bỏ quên cây đàn. Đụ chi được, bị có hai người tới không được, một thì con đau, một thì vợ càm ràm. Hai bác nớ tuần sau sẽ tới nếu biết có o con gái mới ở Huế qua.
- Rứa thì o tên chi hè? Chị em mà răng hai người mặt mũi không giống nhau?
- Dạ, cháu tên Chín.
- Ui, đậm chất phèn chua nước mặn quá, sang tới đây rồi đặt cái tên khác nghe cho oách chớ tội tình chi.
- Bậy nà, người ta chín nút, số đẹp vậy đòi chi hơn. Đi casino mà dụ cô Chín này theo thì chắc mẫm. Đụng đâu thắng đó. Đánh nhỏ thắng nhỏ đánh vừa vừa thắng vừa vừa đánh lớn thắng lớn.
Có người không mặn chuyện bình loạn, thích phá mồi, tấm tắc gật gù:
-Gỏi ngon thiệt! Cô Chín mát tay ghê!
Cô gái cười chúm chím, má lúm hào sảng hai đồng tiền rõ to:
- Dạ, bác nói răng lạ rứa, chỉ có bác sĩ mới mát tay thôi chứ tay ai cũng nóng cả.
Hề hề, nói cũng có lý, đôi bàn tay kia mà nhờ cạo gió thì khỏi cần xức dầu. Người chị của Chín, chị Tám tới chữa cháy:
- Em ạ, mấy bác đây họ vui tính lắm, họ toàn là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá cả đấy, thơ văn đầy mình, em nhớ giữ mồm giữ miệng kẻo bị ngộ nhận hàm oan. Mấy bác cũng rứa, có chi không phải thì châm chước bỏ qua cho.
Lời bình của chị chủ quán thật hàm hồ, đầy sai lạc. Thứ nhất là mấy bác đây hổng có vui tánh lắm đâu nhá. Thứ nhì, đừng áp đặt rằng các bác là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, nghe kinh! Chỉ riêng mấy bác mới hiểu lòng nhau, vui được phút nào hay phút đó bởi mấy bác thảy đều tri thiên mệnh, thảy nghi bất hoặc, thảy cổ lai hy. Và nói cho rốt ráo thì mọi thứ thảy là phù vân. Lần hồi cứ hao hụt dần chuyện tùng tam tụ tứ. Gầy cuộc vui mà sanh ra ngộ nhận thì còn nước nôi gì, vì vậy những cuộc gặp gỡ cứ không đụ mặt, cứ mai một dần. Bây chừ có ai hỏi quán Nhị Vị Hương mần ăn có khấm khá chăng cũng chả biết đường mà lần. Cô Chín có chấm được vị khách nào mãi bỏ công rù quến để so lại đôi đũa cho ngay thì cũng bù trất. Tuần báo vẫn còn sống tuy vậy mấy vị thượng đế nọ đã nhác chơi không thèm xắn tay viết đôi hàng “lăng-xê” Nhị Vị Hương Quán. Người ngoại cuộc có thể phát sanh dị nghị, vụng nghi ngờ mấy “cha nội” kia đang giận lẫy cuộc đời bạc bẽo với văn chương giã từ vũ khí. Nghĩ vậy cũng hàm oan, tiểu đội nọ vẫn còn đó một vài người sung mãn, thường hằng ghẹo gió giỡn trăng. Chữ viết ra không nhất thiết phải mượn không khí của quán Nhị Vị. Ồn ào quá, tốn kém quá, nhọc sức quá. Thảng hoặc có tiện đường, sau khi đi chợ, sau khi đi khám bệnh thì tìm quán cà phê mà nhăng cuội đôi điều. Ừ, mỗi thời mỗi giai đoạn. Gian đoạn ưa bù khú ở tiệm ăn cũ đã lật trang, đánh dấu một thời “Phách Lối”:
Với những nội dung đàng hoàng
tôi nghiêm chỉnh viết chững chàng thành thơ
khi bày những chuyện bá vơ
tôi thường phóng bút hồ đồ thành thi
thi, thơ khác nhau những chi?
không cần tìm hiểu, điều ni rầy rà
người đời quen gọi thi ca
chẳng mấy ai gọi thơ ca bao giờ
làm thơ là nuôi ước mơ
thành thi sĩ viết dật dờ thi ca
vậy là tôi đã vậy là.
Thơ thi trên là của anh Luân Hoán, người cùng kẻ hèn này luôn sát cánh trong những buổi phá mồi bởi tửu lượng chẳng giống ai. Luôn sát cánh vì chung khẩu vị khi ăn nhậu, kén cá chọn canh. Ai sao chẳng biết nhưng chúng tôi thích quán Nhị Vị Hương giản dị vì chủ nhân là anh Tư người Đà Nẵng mà chị Tám người Huế, chúng tôi đồ rằng ấy là một kết hợp vẹn toàn. Chúng tôi có mua vé số xổ hàng tuần để mơ màng với ước mơ chuyện lạ sẽ xẩy tới. Sẽ mua lại quán Nhị Vị Hương, sẽ giữ o Chín làm đầu bếp và như thế chúng tôi tạo dựng ra được một địa chỉ khác lạ làm trạm nghỉ chân cho các văn nghệ sĩ phương xa bốc đồng đi thăm thú phố lạnh. Ngồi mát mà ăn bát vàng là ước mơ hoang đường, bất khả!
Hiện thực, giấc mộng khác nhau những gì? Không cần tìm hiểu điều ni rầy rà. Chín nút bây giờ ra sao? Chú ơi cho cháu yên thân làm giàu. Hồi nào cháu lấy được chồng, quán tên Tam Vị mời chú ghé thăm. Ôi, viết về một cuộc tình thì dễ mà ca ngợi một quán ăn thì thậm khó vậy! Dễ đi tới dật dờ thi ca. Mà thi ca thì tự thuở nào tới giờ hổng có hưởng được đồng bạc nhuận bút. Trần thân thay!
Hồ Đình Nghiêm
Ghi chú : (*) Sà bì chưởng nói lái thành "sườn bì chả"...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét