KARAOKE
“Karaoke” là tiếng Việt, có nghĩa là cứ “ca ra là OK”. Vậy là dân ta thoải mái ca ra, dù nhiều khi chẳng OK chút nào. Trong mùa dịch cô Vi này, người người ở nhà, thiếu thú vui giải trí, người ta đâm ra thích “ca ra OK”. Tại Việt Nam, karaoke đã trở thành đại nạn, không biết có trầm trọng hơn dịch bệnh không, nhưng đủ để dân chúng la làng.
Người ta hát thoải mái bất kể giờ giấc, nửa đêm vẫn cứ đua nhau gào làm náo động khu phố. Tôi đọc được trên Facebook lời than của một bạn ở Sài Gòn: “Nó hát ngày, hát đêm, hát thêm Chủ Nhật, hát tràn cung mây, hát không cho ai ngủ. Nó chuyển sang “Vùng Lá Me Bay” mà giọng lúc thì ồm ồm, lúc thì rít sần sật lên như thế thì lá bay sao được, bay kiểu gì mà từ trưa tới tối vẫn chẳng hết lá!”.
Ngoài nước, phong trào karaoke của người Việt hải ngoại rộ lên vào thập niên 1990 của thế kỷ trước. Hầu như nhà nào cũng có dàn máy. Có từ hai người trở lên là có thể gân cổ lên được rồi. Nhưng hát như vậy uổng. Giọng vàng phải được nhiều người thưởng thức.
Vậy là chia tua nhau, mỗi cuối tuần tới một nơi, ăn uống rồi karaoke. Càng đông càng hào hứng. Tự nhiên có nhiều người bỗng khám phá ra mình có tài ca hát. Tôi chơi nhạc từ bé, không có tài gân cổ nhưng vẫn không thoát được karaoke. Một lần, có anh bạn xưa đến chơi, mời tôi tới nhà người em gặp gỡ một tối. Bắt buộc phải tới, bạn cũ rích cũ rang từ thời đi học được coi như rượu lâu năm, càng …già càng quý. Trong nhà tập họp khoảng dăm chục người.
Tới giờ hát mới thấy hầu hết những người có mặt đều là ca sĩ. Số người không biết hát hỏng chi thì chỉ dăm người. Vậy là màn giới thiệu mở đầu chương trình giới thiệu dăm vị khán giả. Các ca sĩ ngồi vỗ tay. Họ quý khán giả vì ít khi có người tới không hát mà chịu khó ngồi nghe. Nghe được vài bài, tôi khều anh bạn chẩu ra ngoài quán cà phê. Tự nghĩ mình có tội tình chi đâu mà phải chịu cực hình!
Thật ra karaoke là tiếng Nhật. Vì có sự trùng âm lại na ná có ý nghĩa theo tiếng Việt nên tôi “phán” là tiếng Việt cho vui. Phải trả lại người Nhật ngôn ngữ của họ. Tiếng Nhật, kara có nghĩa là “không”, oke là “dàn nhạc”. Karaoke là hát không cần dàn nhạc. Người bắt cả thế giới ngoác miệng ra là ông Daisuke Inoue.
Năm nay ông đúng 80 tuổi, đang sống tại Nishinomiya, phía đông thành phố Osaka, cùng vợ, một cô con gái, ba đứa cháu ngoại và bảy con chó. Ông nguyên là một tay trống trong các ban nhạc. Một bữa kia, một ông chủ tịch của một công ty nhỏ tới gặp ông. Công ty của ông sắp tổ chức một hội nghị khách hàng và chắc chắn ông phải lên sân khấu trình diễn một cái chi. Ông dự định sẽ lên hát.
Ông nhờ ông Inoue thu sẵn nhạc đệm vài bài hát ông yêu thích để ông tập ở nhà và lên trình diễn. Màn trình diễn của ông chủ tịch này thành công ngoài sự mong đợi. Từ việc này, ông Inoue nghĩ ra việc chế tạo một chiếc máy phát ra nhạc để người ta hát theo.
Chiếc máy đầu tiên ông hoàn thành rất đơn giản. Ông thu sẵn phần nhạc, kết nối với một chiếc micro, loa và bộ khuếch đại âm thanh. Ông tìm các linh kiện điện tử tại cửa hàng của một người bạn. Khách dùng chỉ việc bỏ tiền vào máy, chọn bài nhạc mình ưa thích và hát.
Chiếc máy đầu tiên ông hoàn thành vào năm 1971, có tên là Juke 8. Giá khoảng 425 đô Mỹ. Ông chế ra được mười máy, để tại các quán rượu. Chẳng ma nào thèm mó tới. Ế sưng ế sỉa!
Ông suy nghĩ và thuê một cô gái duyên dáng đẹp đẽ tới từng quán rượu có đặt máy, hát thử mỗi nơi vài bài. Trò quảng cáo của ông có ép-phê liền. Người ta đua nhau hát thử. Và nghiện! Không ai muốn rời khỏi chiếc micro. Chuyện chi cũng phải có mỹ nhân mới ra trò! Cuối năm đó, đã có trên hai trăm quán tại Kobe đặt máy karaoke. Hai quán rượu còn mở thêm chi nhánh tại Osaka, đặt máy Juke 8. Kobe là thành phố nhỏ, chỉ nổi danh với món thịt bò, ít người biết tới. Osaka là…kinh đô, to đùng, tấp nập dân chơi. Vậy là chẳng bao lâu sau, toàn thể nước Nhật inh ỏi hát karaoke. Tổng số máy ông Inoue sản xuất ra trong một năm là 25 ngàn chiếc! Chỉ trong vòng hai năm, công ty của Inoue đã có doanh thu lên tới 100 triệu đô Mỹ mỗi năm. Số tiền này có thể lên cao hơn nhiều nếu ông nạp bản quyền phát minh. Người ta tính ra là nếu ông giữ bản quyền thì mỗi năm ông ngồi không hưởng số tiền 100 triệu như chơi. Tại sao ông không nạp bản quyền phát minh, ông trả lời báo Post trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày máy karaoke ra đời: “Khi ấy tôi tưởng là bằng sáng chế chỉ dành cho những phát minh vĩ đại biến điều không thể thành có thể. Chiếc máy karaoke của tôi chỉ là tập hợp một số linh kiện điện tử sẵn có. Vì thế tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một phát minh thực sự”. Nhưng ông không tiếc. Ông nghĩ rằng nếu chiếc máy Juke 8 của ông được cấp bằng sáng chế, karaoke sẽ không được phổ biến như hiện nay. Ông tự mãn: “Ca hát là đam mê của phần lớn con người. Tôi tin rằng karaoke đã cho họ cơ hội được tự mình trở thành ngôi sao. Đó là những gì tôi nghĩ khi thấy mọi người ca hát”.
Ông Inoue nghĩ không sai. Phát minh của ông đã làm thay đổi cả nền âm nhạc thế giới. Những gì ông được hưởng về tinh thần lớn hơn số tiền bạc triệu trong túi. Năm 1999, tạp chí Time đã vinh danh ông là “một trong 20 nhân vật Châu Á của thế kỷ 20”. Tên ông đứng chung với tên của “thánh” Mahatma Gandhi! Năm 2004, Đại Học Harvard đã trao cho ông giải Ig Nobel vì “phát minh ra karaoke và tạo ra một phương pháp mới giúp con người học cách bao dung với nhau”.
Thị trường karaoke trên thế giới ngày nay được đánh giá là 10 tỷ đô! Những nước Á châu như Trung Quốc, Đài Loan, Thái, Việt Nam tưng bừng hát. Không chỉ thu hẹp tại các nước láng giềng, karaoke bay tứ tung. Trong bài viết vào ngày 10/1/2020, “Karaoke – A Global Fusion Culture”, ký giả Zoe Lin đã tán tụng karaoke như sau: “Dân chúng từ Paris tới Toronto, từ Iceland tới Brazil, đều mê mệt karaoke. Những năm đầu thế kỷ 21 này, máy hát karaoke là thứ quà tặng nóng nhất; các cửa hàng luôn hết máy. Hiện tượng karaoke tràn qua nhiều nơi, trên nhiều bình diện; quan trọng nhất là trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Năm 2003, một cuộc tranh tài quốc tế karaoke được tổ chức ở Phần Lan với sự tham dự của 30 quốc gia. Không còn nghi ngờ chi khi nói karaoke là nhịp cầu văn hóa dung hợp toàn cầu; nó được nhắc nhở liên tục trên phim ảnh, sân khấu và sách báo”.
Phần Lan có khoảng 10% dân số hát karaoke. Michael Yelvington, Giám Đốc Thương Vụ Quốc Tế của Singa, một công ty phần mềm tại Helsinki, cho biết: “Phần Lan là một quốc gia độc đáo. Dân số chỉ có 5 triệu rưởi người nhưng đó là nơi số một của karaoke bên ngoài châu Á. Có nhiều nơi hát karaoke như nhà hàng, quán rượu, nếu theo tỷ lệ dân số thì nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Họ điên cuồng vì karaoke!”. Ngày 26/5/2011, Phần Lan đã giữ kỷ lục thế giới Guinness về số người cùng hát karaoke một lần với con số lên tới trên 80 ngàn người gân cổ. Biến cố này xảy ra tại thủ đô Helsinki. Bài hát bữa đó là bài “Hard Rock Hallelujah”.
Nhiều người cho rằng chính vì ý tưởng mang tới những niềm vui hòa đồng như kiểu phổ biến karaoke ở mọi nơi mọi lúc mà Phần Lan đã được bầu là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Không phải một lần mà nhiều lần. Năm nay, 2020, Phần Lan lại được Liên Hiệp Quốc xếp hạng số dách, nằm trên Đan Mạch và Thụy Sĩ. Kết quả được đánh giá trên các mặt sản lượng quốc gia, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, tự do chọn lựa lối sống, quảng đại, ít tham nhũng. Mỹ đứng hạng 18. Vậy là Phần Lan giữ ngôi vị đầu trong ba năm liền, từ 2018 đến 2020.
Trở lại quê hương của karaoke, tôi được đọc một bài viết của Nguyễn Loan, một người Việt sống ở Nhật, về chuyện hát karaoke nơi đất tổ của món giải trí vang danh này. Có vài điểm lạ. Các tiệm karaoke ở Nhật đều mở cửa suốt đêm, tới 6 giờ sáng mới phẹc mê bu tích. Chơi bạo như vậy là do thực tế xã hội Nhật. Dân Nhật là dân làm việc tới…bơ phờ. Họ thiếu ngủ triền miên. Trên những chuyến tàu về nhà, họ ngồi ngủ như chết. Làm việc nhiều mà nhà lại ở xa sở làm. Nhiều người ngủ qua đêm ngay trên tàu để sáng hôm sau cày tiếp. Có người lỡ chuyến tàu cuối về nhà nhưng không muốn ngủ vạ vật trên tàu, họ thuê phòng trọ qua đêm. Giá phòng trọ đắt hơn giá thuê phòng karaoke nên họ thuê thứ này để vừa hát vừa ngủ.Nhật còn có các tiệm karaoke hát một mình, tiếng Nhật gọi là Hito-kara. Nghe đã thấy nản nhưng dân Nhật coi như chuyện thường. Một mình một micro, tha hồ rên rỉ, chẳng phiền tới ai. Nếu muốn còn có thể thu âm giọng ca…vàng của mình mang về làm kỷ niệm.
Phải qua Nhật hoặc Phần Lan mới được hưởng cái thú vui này. Không muốn chi tiền máy bay hoặc không đủ khả năng mua vé máy bay, chúng ta vẫn cứ rống karaoke trước lỗ tai của mọi người. Dù biết rằng hát hay không bằng hay hát nhưng quả thật nhiều người trong chúng ta rất rộng lượng với tiếng hát của mình. Đã ai cầm micro mà lại nhún nhường cho là mình hát không hay. Vậy nên chúng ta nhiệt tình phổ biến văn hóa ngày đêm làm phiền hàng xóm chung quanh.
Ông người Nhật Inoue đã phát minh ra chiếc máy khiến điếc tai hàng xóm thì cũng một ông người Nhật khác, ông Seiji Nakazawa, sáng chế ra một dụng cụ cứu tai hàng xóm. Trong những ngày nằm nhà buồn bã vì đại dịch, Seiji cũng muốn hát cho lên tinh thần. Nhưng nhà ở Nhật thường liền kề nhau, vách bằng ván hoặc giấy, cất tiếng hát thì hàng xóm phải làm thính giả bất đắc dĩ. Không muốn làm phiền người bên cạnh, ông sáng chế ra một thiết bị mà ông đặt tên là Hitori de Karaoke DX. Muốn cho dễ đọc ông chơi thêm tên tiếng Anh: One-Person Karaoke Deluxe.
Thiết bị này trông giống như một chiếc ly có micro ở trong. Khi hát thì bịt chiếc ly vô miệng. Trong…ly có một lớp bọt cách âm hạn chế âm thanh thoát ra ngoài. Kết nối với một bộ nghe bịt vô tai, người ta tha hồ hát mà chỉ mình mình nghe, hàng xóm vẫn bình an thoải mái. Theo ông Seiji thì One-Person Karaoke Deluxe hiện có bán trên Amazon với giá 73 đô.
Tôi không dám khuyên mua vì sợ dân karaoke mắng không cho họ phổ biến tiếng hát vượt…không gian mà họ tự mến mộ. Hơi đâu mà vác vạ vào thân!
BB ̣(st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét