Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Truyện BỨC HỌA KHỎA THÂN - Phạm Thành Châu ( ST sưu tầm &giới thiệu )

 Phần 1 - ( Hình ảnh minh họa )


Chuyện quái lạ sau đây, xảy ra cho người bạn của tôi khiến tôi cứ thắc mắc mãi. Có phải chết là hết hay là còn linh hồn? Nếu còn thì thế nào là siêu thoát, thế nào là oan hồn, uổng tử? Ma, quỉ là gì? Thời đại khoa học mà lại có người bị chết vì bị con quỉ hút hết tinh lực? Giống như chuyện Liêu Trai. Làm sao mà tin được!

Tôi với hắn quen nhau trên đảo Galang, Nam Dương, nơi đón nhận những người vượt biên bằng thuyền sau biến cố năm bảy lăm. Qua Mỹ, cùng về tiểu bang Virginia, thỉnh thoảng gặp nhau thường rủ vô tiệm cà phê, chuyện trò. Hắn và tôi đều độc thân nên sống thoải mái, chẳng hề bận tâm chuyện nhà cửa, điện nước, vợ con. Thế rồi hơn cả năm không gặp hắn, tôi gọi điện thoại, chủ nhà trọ bảo hắn đã dọn đi nơi khác rồi.

Bỗng một hôm, tình cờ tôi gặp lại hắn ngoài chợ. Người hắn ốm nhom, da xanh như tàu lá, đi không vững nhưng đôi mắt còn linh động, miệng vẫn tươi cười. Tôi hỏi.

- Lối rày sao trông mầy xanh xao quá! Có bịnh hoạn gì không? Đi bác sĩ chưa?

- Chả bịnh gì cả. Không hiểu sao? Đi bác sĩ khám bịnh, thử máu, chụp hình. Chụp từ đầu đến chân. Tim, gan, phèo, phổi đều được khám xét rất kỹ. Vẫn bình thường.

- Thế thì phải có chuyện gì xảy ra cho mầy? Hay là gặp em nào, "đêm bảy ngày ba" mầy mới ra nông nổi nầy.

- Mầy đoán có phần đúng, nhưng không phải em nào làm tao xanh xao mà là một bức tranh.

- Tôi kinh ngạc.

- Tại sao một bức tranh lại có thể làm mầy suy sụp đến nguy hiểm như vậy được?

- Chuyện dài dòng lắm, đây là địa chỉ của tao, chủ nhật tới, đến tao, chỉ cho mầy bức tranh, tao kể chuyện mầy mới hiểu được.

Chủ nhật sau, tôi đến. Hắn thuê phòng dưới một tầng hầm (basement), trong phòng có treo một bức tranh thiếu nữ khỏa thân. Tôi chưa hề thấy một bức tranh tuyệt vời đến như thế. Cô gái trong tranh đẹp lồ lộ, nhưng là vẻ đẹp tinh khiết, từ đôi mắt ngây thơ đến mái tóc đen tuyền xỏa trên vai, nhất là thân thể, chân tay, làn da... đều sáng, mịn như đúc bằng ngọc bích. Cô giống như nàng tiên, cùng các bạn xuống chơi trần thế, vừa tắm suối xong, bước lên bờ một cách hồn nhiên, vô tư tưởng chừng như thế gian không có người phàm tục.

Thấy tôi cứ đứng ngẩn ngơ trước bức tranh, hắn đi nấu nước trà rồi bắt tôi ngồi xuống để nghe hắn kể.

*

Câu chuyện bắt đầu từ Việt Nam, cách đây khá lâu, khi tao còn học trường Phan Chu Trinh, Đà Nẳng. Thời trung học thì mầy cũng biết, yêu ai thì cứ yêu, không cần biết đối tượng có yêu lại hay không. Được yêu lại thì gọi là yêu nhau. Bị từ chối thì gọi là yêu đơn phương. Tao yêu đơn phương.

Năm đó tao học đệ nhị, em học đệ ngũ. Con gái đệ ngũ như hoa hồng hé nở, cô nào cũng đẹp, cũng duyên dáng. Em là con chiên Công Giáo, sáng chủ nhật đi lễ nhà thờ, tao cũng dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, ôm quyển tự điển to tướng, trông giống quyển thánh kinh, dĩ nhiên đã bao cái bìa, đi chen vào với gia đình em, mục đích để được đi cạnh em mà không ai quan tâm vì tưởng tao cũng là bổn đạo. Bố em là công chức Tòa Thị Chính, nơi khác đến làm việc chứ không phải người địa phương. Ông ta ốm, thấp, mặt mũi nhăn nhó, khó chịu. Tao sợ ông ta lắm vì mặc cảm yêu con gái ông ta. Thường thì thấy tao, em mỉm cười chào một cách yên lặng. Khi đến nhà thờ, tao loanh quanh đâu đó rồi quay về, vì tao đâu phải giáo dân.

Nhà em ở đầu con hẻm, nhà tao ở trong hẻm nên tối nào, đang học bài, nhớ em, tao đi qua lại trước nhà em vài lần. Tao còn làm thơ yêu em, trước khi gửi bài thơ đăng báo, tao đều gửi đến em kèm với lá thư tình. Tao gửi trực tiếp đến phòng học của em chứ không qua bưu điện. Số là một buổi tối, đi ngang nhà em, tao thấy có ánh sáng hắt ra từ một căn phòng. Nhà em có vườn rộng, buổi tối đóng cửa sớm. Tao bước lên hiên nhà em, cúi xuống nhìn qua cửa lá sách, thấy em đang học bài. Thế là từ đó, tao đến với lá thư, tao ngắm trộm em một lúc trước khi chuồi lá thư qua khe cửa. Em không biết được, nhưng sáng hôm sau, mở cửa, em sẽ thấy lá thư.

Em được thư tao nhưng không thấy phản ứng gì, gặp tao em không nhìn chỉ mím cười. Như thế thì mầy cũng hiểu là em không yêu tao, tuy có hãnh diện được tao si mê. Tao yêu em gần ba năm mà tình trạng vẫn không thay đổi. Cho đến năm tao thi xong tú tài hai, chuẩn bị vào Sài Gòn học đại học, tao mới viết một lá thư thật dài, toàn những lời si mê em. Nào là dù phương trời góc biển, tao cũng không quên em, dù sau nầy khi em không còn trẻ đẹp nữa, nếu em rủ lòng, tao sẵn sàng quì dưới chân em, làm một tên nô lệ. Cuối thư, tao xin em, trả lời cho tao vài chữ, để mắng chửi tao cũng được, miễn sao tao có bút tích của em, làm "hành trang lên đường!" Tao còn thêm một câu "Ý định xin Bình Minh một tấm hình có phải là không tưởng, là viễn vông chăng?" Góc lá thư tao ghi địa chỉ người bà con ở Sài Gòn mà tao sẽ vào trọ học. Tối đó, tao mang lá thư đến nhà em. Tưởng nghỉ hè, em đi ngủ sớm, không ngờ đến nơi, thấy đèn phòng em vẫn còn sáng, nhưng nhìn qua khe cửa lá sách, tao không thấy em. Tao đi vòng qua phía sau vườn thì phát giác phòng em còn một cửa sổ nữa. Cửa sổ nầy hé mở nhưng không có thềm nhà nên rất cao. Vì muốn nhìn em lần cuối trước khi đi xa nên tao leo lên một cây nhỏ bên cửa sổ, cố nhìn vào bên trong tìm em. Cây nầy thấp nhưng rất dẻo, tao đứng trên cành nhỏ mà không gãy. Vì sợ gây tiếng động, tao leo nhẹ như một con mèo.

Tao thấy được em, nhưng mầy biết em đang làm gì không? Nói, ắt mầy không tin, lúc đó chính tao cũng không tin ở mắt mình nữa. Em đang khỏa thân, nghĩa là không mặc áo quần gì cả. Tao nhớ rất rõ, bấy giờ, chân tay tao, cả người tao run bần bật như lên cơn sốt rét, khiến cành cây cũng rung theo, tiếng lá nghe xào xạc. Tim tao đập thình thịch, như vang dội khắp nơi. Cũng may em không để ý, vả lại tao ở trong bóng tối, em không thể nào thấy được hai con mắt tao núp sau cánh cửa. Em đứng cách tao khoảng vài mét, đèn điện sáng trưng nên hầu như tao nhìn thấy rõ từng sợi tơ mịn trên thân thể em. Ngực em nhỏ nhưng dựng đứng lên, bụng em thon, đùi em tròn...Tao không ngờ thân thể con gái hấp dẫn, tuyệt vời đến như thế. Từ lúc yêu em tao chỉ mới biết mái tóc em, dáng em đi, là những gì đẹp nhất, đến khi chiêm ngưỡng thân thể của em, từ đầu cho đến chân, tao như bị em lấy mất linh hồn. Em cứ đứng trước gương soi xoay người, nghiêng mình... giống như trình diễn thời trang nhưng lại không có áo quần gì cả! Cho đến bây giờ, em vẫn còn như trước mắt, tao nhớ suốt đời và ước mơ suốt đời, với em. Tao không biết mình chiêm ngưỡng thân thể em trong bao lâu, nhưng khi em tắt đèn đi ngủ thì hai tay tao mỏi rã rời, và lũ muỗi, chưa hề gặp được một người tử tế đến độ cho hút máu thoải mái mà không cục cựa. Khi vào đến Sài Gòn, mặt mũi, chân tay tao vẫn còn những chỗ ngứa đến mưng mủ. Trước khi ra về, tao để lá thư của tao chỗ cửa sổ. Không hiểu em sẽ nghĩ gì khi biết tao nhìn thấy thân thể em?

- Nhưng mầy có biết vì sao em lại thoát y, uốn éo trước gương soi cả buổi không? Có phải em bị một chứng bịnh nào đó về tâm sinh lý, bịnh phô bày chẳng hạn, nghĩa là em muốn được mầy ngắm thân thể em, thì em mới khoái cảm, vì biết mầy thường đến nhìn trộm em qua cửa sổ?

- Tao biết chắc là tâm lý em bình thường nhưng nguyên nhân em thoát y, cho đến bây giờ, tao vẫn không tìm ra. Để tao kể tiếp. Khi vào đến Sài Gòn độ một tuần, tao đã được thư em, tuy không ghi địa chỉ người gửi. Tao hồi hộp mở phong bì ra. Chẳng có gì cả! Tao thất vọng, nhưng nhìn kỹ, trong góc phong bì có một tấm ảnh nhỏ của em, thứ ảnh học trò thường dán trên thẻ học sinh, nhỏ cỡ lóng tay cái. Hình em tóc ngang vai, nhìn thẳng, ngây thơ, hiền lành. Đó, tấm ảnh tao dán ở góc bức tranh kia kìa. Mầy thấy hình vẽ và ảnh chụp đúng là một người, phải không? Sau ảnh em có ghi mấy giòng chữ li ti "Bình Minh báo cho anh một tin vui và một tin buồn. Tin vui là Bình Minh đã yêu một người. Tin buồn là người Bình Minh yêu không phải là anh." Tao chẳng cần biết em yêu ai, miễn có ảnh em là tao vui rồi. Chỉ cần ngắm ảnh bán thân tí xíu của em tao có thể tưởng tượng được toàn thể thân thể em, để mà ham muốn, thèm thuồng em. Vả lại khi em chịu cho ảnh lại viết mấy chữ, chứng tỏ em không ghét tao, có thể có cảm tình với tao nhưng ít hơn người em yêu. Biết đâu, khi em bị tình phụ, tao có nhiều may mắn được làm người kế tiếp. Tình yêu học trò, khó có chuyện thành vợ chồng nên tao có quyền hi vọng. Hết niên học ở Sài Gòn, tao về Đà Nẳng nghỉ hè, mục đích thăm em. Nhưng về đến nơi thì được tin em đã chết. Nhà em đã đổi chủ, gia đình em đã dọn đi nơi nào không rõ. Người ta đồn rằng em thất tình tự tử, người thì cho rằng em bị bịnh thình lình mà chết. Tao có tìm đến thăm mộ em, thắp nhang và khấn rằng "Bình Minh có linh thiêng xin linh hồn em cho anh gặp. Anh chỉ yêu một mình em thôi. Anh sẽ không yêu ai cả, không lấy vợ..." Có lẽ vì quá mơ tưởng em nên tối đó tao chiêm bao thấy em Bình Minh đến đứng cạnh giường tao, nhìn tao mỉm cười rồi quay bước ra khỏi cửa. Từ đó tao không mơ thấy em nữa, mãi đến sau nầy...khi tao có bức tranh treo kia kìa. Mầy thấy dung nhan em ra sao? Có đáng để tao si mê em không?

Tôi nhìn kỹ và nói.

- Đúng là hai tấm hình là của một người, rất đẹp, nhưng người vẽ mới là tài hoa.

- Họa sĩ danh tiếng mà mầy!

- Nhưng làm sao mầy có bức tranh nầy? Có điều lạ là chuyện mầy kể xảy ra trước năm bảy lăm, mà bức tranh nầy, họa sĩ La Hy ký tên và đề năm chín mươi, nghĩa là họa sĩ vẽ bức tranh sau khi em Bình Minh của mầy chết đã hơn mười mấy năm. Không lẽ em Bình Minh của mầy còn sống?

- Điều chắc chắn là em Bình Minh đã chết.

- Vậy thì mầy thử kể lai lịch bức tranh nầy tao nghe. Ông họa sĩ La Hy thì tao có biết tiếng. Mầy mua bao nhiêu, khi nào? Hay là mầy ăn cắp?

- Không mua mà cũng chẳng ăn cắp. Thực ra tao cũng định ăn cắp, vì bức tranh giá trị như thế, tao không đủ tiền mua, mà chắc gì ông họa sĩ muốn bán cho một thằng chẳng ra gì như tao.

- Mầy cứ kể lai lịch bức tranh nầy và nguyên nhân nào khiến mầy xanh xao, gầy còm đến như thế?

- Đừng sốt ruột! Đầu đuôi câu chuyện như thế nầy. Khi qua đến xứ Mỹ, lúc rảnh rỗi tao có làm thơ đăng báo. Thơ tao chẳng hay ho gì, nhưng bạn thơ thường tìm đến nhau, tụ tập trò chuyện. Thế rồi cả bọn đề nghị ra một tập thơ nhiều tác giả. Nhiệm vụ tao là đến nhờ họa sĩ La Hy cái tranh bìa tập thơ. Tao chưa hề biết ông ta, chỉ giở điện thoại niên giám và gọi xin đến gặp về cái tranh bìa. Đúng hẹn, tao đến. Khi vào nhà ông thì tao muốn ngộp vì tranh. Chỗ nào cũng treo đầy tranh. Thấy tao thích tranh, ông chỉ lối cho tao lên phòng trưng bày tranh của ông rồi bỏ đó cho tao được tự do. Trước đây, khi còn ở Sài Gòn, tao đã có dịp xem tranh ông triển lãm, nhưng chưa bao giờ thấy nhiều tranh đến như thế. Bức nào cũng đẹp. Tao như bị thôi miên, như mộng du, cứ lẩn thẩn từ bức tranh nầy đến bức khác. Lúc gần đến cuối phòng, tao giật mình khi chợt thấy bức họa khỏa thân nầy. Đó là hình vẽ em Bình Minh, thần tượng của tao. Tao đứng ngắm hình em, mê mẩn tâm thần. Tao bỗng có ý mua bức tranh, nhưng nghĩ lại, chắc gì tao có đủ tiền để mua. Mua tranh chứ đâu phải như ở Việt Nam đi chợ mua cá mà trả giá. Cũng làm gì có chuyện mua trả góp như mua nhà, mua xe! Nhưng tao nhất định phải có bức tranh em Bình Minh. Trong trí tao bỗng nảy ra ý định ăn cắp. Lúc đó ông họa sĩ đã xuống dưới nhà. Tao nhìn quanh, thấy phòng đó có cửa kính mở ra sau vườn, giống như bất cứ nhà nào ở xứ Mỹ nầy. Đó là loại cửa đẩy. Tao kéo cái chốt gài, đẩy lùi cửa, một chút thôi, như thế cái chốt hở ra chứ không gài vào cái ngàm, coi như cửa không khóa, người ở ngoài có thể mở dễ dàng. Mục đích, sau nầy, khi cả nhà ông đi vắng, tao sẽ vào cửa sau và ăn trộm bức tranh. Tao quay xuống phòng khách, suýt soa khen tranh ông nhưng không hề đề cập đến bức họa khỏa thân em Bình Minh.

Tôi chận lại.

- Sao mầy không hỏi người trong tranh là ai? Có phải em Bình Minh hay là người nào khác? Nhất là cái năm mà ông ký tên ở góc bức tranh, cách ngày em Bình Minh của mầy chết cả mười mấy năm.

- Tao còn ngứa miệng, tò mò gấp mấy lần mầy, nhưng tao giữ lại kịp. Nếu tao hỏi mà chỉ mấy hôm sau, bức tranh biến mất thì ông ta biết ngay tao là thằng ăn trộm. Thế nên tao chỉ nói chuyện với ông ta về cái tranh bìa tập thơ mà thôi. Ông hẹn tao tuần sau đến lấy. Bức tranh cứ ám ảnh tao mãi. Dạo đó vào cuối mùa Thu, trời hay mưa. Tao dự định đậu xe một nơi xa, mặc áo mưa trùm kín, không ai nhận diện được, nhất là vào lúc khuya, mọi người rút cả vào trong nhà, ngủ kỹ, rất thuận tiện cho tao ra tay. Âm mưu chưa thực hiện được thì đã đến ngày tao đến nhận cái tranh bìa tập thơ. Hôm đó là sáng Chủ Nhật, hình như mọi người trong nhà đều tụ tập ở phòng khách. Sau vài thủ tục trao đổi, tao lấy cái tranh bìa rồi cáo từ, nhưng ông ta giữ lại "Anh chờ tôi một phút, tôi có món quà tặng anh" Xong ông ta vào phòng tranh, lúc trở ra ông mang theo bức họa khỏa thân của em Bình Minh. Tao vừa kinh ngạc vừa xấu hổ. Tao nghĩ là nhà ông có máy thu hình, lần trước đã thấy tao đứng nhìn say sưa bức tranh rồi lại gỡ cái chốt cửa kiếng ra. Thế là rõ ràng tao muốn ăn trộm. Cho nên tao thối thác ngay "Tôi thích bức tranh nầy lắm, nhưng trị giá của nó không phải là nhỏ, tôi không đủ sức mua, vả lại phòng trọ của tôi chật hẹp, không xứng để treo, thỉnh thoảng cho phép tôi đến ngắm là thỏa mãn lắm rồi" Ông ta bảo "Bức tranh nầy tôi không có ý định bán, tôi giữ trong nhà hoặc tặng cho anh mà thôi, và anh là người duy nhất được cái hân hạnh đó. Bà xã tôi đây cũng đồng ý như thế" Tao lấy làm quái lạ, trước giờ tao chỉ gặp ông họa sĩ là lần thứ hai, cũng không hề biết người nào khác trong gia đình ông, vậy mà lúc đó, mọi người nhìn tao với cặp mắt thân thiện chứ không mỉa mai như tao nghĩ. Vợ ông họa sĩ để tựa bức tranh vào tường, đứng nhìn với vẻ thân ái, rồi chị trịnh trọng trao cho tao. Cả nhà đứng lên, không phải tiễn tao mà tiễn bức tranh một cách lưu luyến. Tao chỉ biết nói cám ơn rồi mang bức tranh đi ngay, sợ ông ta đổi ý, đòi lại. Tao đặt bức tranh ở ghế bên cạnh, vừa lái xe vừa ngắm hình em Bình Minh cho đã con mắt. Đột nhiên tao kinh ngạc. Mầy nhìn kỹ xem, em Bình Minh nhìn thăng, không cười. Vậy mà lúc đó tao thấy rõ ràng, em đang liếc nhìn tao, miệng hé mở như đang cười với tao.

Tôi kêu lên.
    ( còn tiếp )

PHẠM THÀNH CHÂU.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét