Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Truyện hương xa MÙA THU CHAMPRIN ( phần cuối ) - Kim Thanh* CNL giới thiệu




MÙA THU CHAMPRIN

      Bỗng nhiên, cô hất mạnh tay tôi, nhăn mặt, lớn tiếng: “Tại sao anh không nói gì cả? Bộ anh mê đứa nào, rồi lạnh lùng với em phải không?”
      Tôi dịu dàng, nói dối một cách trơn tru, nhuần nhuyễn, như một con vẹt thuộc bài: “Anh vẫn yêu em mà, như anh đã từng yêu em, cho đến hết cuộc đời. Em không tin anh sao… Je t’aime toujours, comme je t’ai toujours aimée, jusqu’à la fin de ma vie, de notre vie. Tu ne m’en crois pas?”. Champrin gật đầu, hài lòng, không nói nữa, ôm chặt lấy tôi. Rồi có lẽ thấy mệt, cô nằm lại xuống giường, sau khi hôn tôi bonne nuit, mon chéri. Một lát sau, cô thiêm thiếp, hơi thở dồn dập, rồi chìm vào giấc ngủ nặng nề.
      Tôi lấy chăn đắp cho cô, ngắm cô giây lâu, nghĩ thầm: “Dính vào người điên, mệt quá, nhưng lỡ rồi”, rồi chặc lưỡi, lặng lẽ mở cửa phòng, bước ra hành lang, đứng nhìn bóng đêm ngập khu vườn nhỏ trước mặt. Một nỗi thương cảm tràn dâng, cùng lúc với sự mệt mỏi, căng thẳng thần kinh. Và nhớ câu nói muôn đời của cha ông ta: Hồng nhan bạc phận. Tôi nghĩ đến nỗi gian truân của bao khách má hồng tự thuở xưa, mà Thúy Kiều của cụ Nguyễn Du là một. Đến giấc mơ hoa tàn vỡ của em gái Bội Trân, sau khi hôn phu, một phi công, chết trong tù cải tạo, đang chôn vùi tuổi xuân và khổ hận trong một Dòng Kín xa xôi. Đến Lệ Ngà, đến Hương Mai, đến Marita, và biết đâu Soriya –những mỹ nhân đã sớm lìa bỏ dương trần, từ những mùa chinh chiến cũ, còn để mãi trong tim vàng võ của tôi dung nhan yêu kiều và kỷ niệm xót xa. Bây giờ đến lượt Champrin. Người đẹp có bao giờ được hạnh phúc, tại sao? Hay đó là quy luật bù trừ đặt ra bởi ông “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” (Kiều)?
      Từ ấy, cứ mỗi chiều thứ sáu, tôi lên Portland, ăn tối với John, rồi ghé “làm việc” với Champrin trong điều kiện gay cấn như thế. Và mỗi lần, thấy cô thêm hồng hào, thêm xinh đẹp, nói năng thêm mạch lạc. Nhưng vẫn tưởng (lầm) tôi là Rithisak, hay Bernard. Phần tôi, đôi khi cứ tưởng (bở) mình là chồng cô thật. Quen hơi, riết rồi, những ngày ở Eugene tôi dần dần thấy nhớ về cô một cách kỳ lạ. Nhớ mùi hương phấn từ khắp người cô, trên áo, trên vai, trên tóc, trên môi. Nhớ những lời yêu, điên mê, nồng cháy, mà vẫn dịu dàng, cô dành cho người đã khuất. Thoáng nghe bên mình những khát khao bất chợt, òa vỡ, được làm chồng cô thật sự, để ôm siết cô thực lòng trong vòng tay rực lửa –những khát khao, dù sao, cũng bị áp chế mau chóng bởi nỗi lo âu trước trách nhiệm, đạo lý, chưa kể lương tâm “nghề nghiệp”, và nhất là cặp mắt tinh quái của ông bạn kiêm “ông chủ” John, người giấu mặt, nhưng có thể thấy hết, nghe hết, biết hết. Hoặc an toàn hơn, thầm mong vẩn vơ, một ngày, cô lành bệnh, biết đâu cả hai, đều độc thân và tự do như gió, sẽ kết tóc xe tơ một cách hợp pháp, tại sao không? Ôi, giấc mơ ngà ngọc trong những đêm trường Eugene cô liêu, trằn trọc, thở dài.

      3. Thấm thoắt mà ba tháng trôi qua, từ đó. Thu đi, đông đến. Trời thay mùa, giá buốt, lạnh cắt da, buổi sáng và buổi chiều có hàng triệu giọt sương la đà, giăng mắc trên cây cành trụi lá. Có những ngày tuyết đổ và đường đóng băng. Tôi được nghỉ Noël và Tết Tây và lên Portland tỵ nạn một tuần lễ tại gia đình tiệm ăn Yến Hà –nơi mà ngày còn học tại PSU tôi đã đến rửa chén kiếm tiền cash. Một buổi trưa trời bỗng trở nắng đẹp, ấm áp, John gọi gấp:
- Bạn có thể đến dẫn Champrin dạo vườn một chút được chứ?
      Sure, tôi trả lời. Khu vườn chan hòa ánh sáng với từng vạt nắng vàng óng ả soi dọi trên những giọt sương tan, lóng lánh muôn màu, trên lối đi xào xạc lá và cỏ khô loang lổ trắng, dấu vết của mùa thu và trận bão tuyết tuần trước –những lối nhỏ mà tôi gọi là “nẻo đường mơ”, khiến Champrin hớn hở lặp lại: “C’est ça, Bernard, l’allée du rêve. La nôtre.” “Nẻo mơ của chúng ta, cô tiếp, trên đó ta sẽ dìu nhau đi cho đến hết cuộc đời, phải không chéri?” Tôi mỉm cười, gật đầu.
      Chúng tôi sánh bước bên nhau, tay trong tay. Làm tôi nhớ những lời thơ Xuân Diệu: “Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ / Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ”… Có lúc cô ngừng bước, tựa đầu vào vai tôi, thủ thỉ: “Oh, que tu es beau, et comme je t’aime, Rithisak. Comme toujours!” (Ôi, anh đẹp trai quá chừng, và em yêu anh xiết bao, Rithisak. Như luôn luôn!). Trưa hôm ấy, cô mặc áo len ấm màu xanh, bên ngoài khoác chiếc manteau tím nhạt. Tóc cài hờ hững với một cánh hoa vàng tự chế. Chân mỏi, chúng tôi đến ngồi trên băng ghế gỗ. Cô ngước nhìn bầu trời xa thẳm, xanh biếc một màu. Rồi bất thần hỏi tôi:
      -Đời sống tươi đẹp như thế này, mà tại sao Thượng đế bày ra chiến tranh làm chi, hỡi anh?  
     Câu hỏi không dễ trả lời và lúc ấy quá bất ngờ đối với tôi. Tôi lắc đầu:
      - Không phải Thượng đế bày ra. Chiến tranh, cũng như đau khổ, là do con người.  
     - Con người, con người, không, con người đã bị chiến tranh tiêu diệt hết rồi, còn đâu? Con người là cái gì? Là tay sai và nạn nhân của Thượng Đế, phải không? Nếu Thượng đế ác độc kia không bày ra chiến tranh thì con người ngu dốt lấy đâu bom đạn, để chém giết nhau,  gây ra bao nhiêu máu lệ chan hòa mặt đất?
      Nói đến đó, cô ôm mặt khóc nức nở: “Ôi, em sợ quá, máu đổ thịt rơi khắp nơi. Cứu em với! Au secours! Au secours! Kìa, dao găm, mã tấu, búa tạ, trời ơi! Anh có đau lắm không, Bernard?”. Tôi liếc nhìn cô, cảm thấy lo ngại, vì biết bệnh cô chưa hoàn toàn khỏi, lúc tỉnh lúc mê. Tôi ôm cô, vỗ về: “Không có gì phải sợ, vì có anh bên cạnh em”. “Thật không?”, cô hỏi.
      Một lúc sau, Champrin lại nói:
      - Thượng đế ác quá, cứ bắt con người đánh nhau hoài.
      Tôi ôn tồn trả lời:                                                                                                                              
      - Không phải vậy đâu em. Thượng Đế nhân từ của chúng ta không ác như thế. Chỉ có những thần linh bất tử trong thần thoại Hy Lạp vì không được diễm phúc chết như loài người, nên sinh ra ghen tức với họ, bắt họ phải chém giết lẫn nhau cho bõ ghét. Anh suy nghiệm điều này từ L’Odyssée của Homère mà chắc em cũng đã học ở trường. Trong L’Iliade, các thần linh, đứng đầu là Jupiter, chia thành hai phe đối nghịch trong cuộc chiến tranh, mà chính họ gây ra, giữa thành Troie và Hy Lạp –xúi giục hai bên đánh nhau chí tử…
      Tôi bỗng nhớ hình như đã nói điều này với Soriya trong một bữa ăn tối tại Phnom Penh năm nào. Lúc ấy, Soriya đã gật đầu đồng ý với tôi. Còn Champrin thì có vẻ lạc lõng, không hiểu gì.
Cô nắm lấy bàn tay tôi, vuốt ve, và tỉ tê:
      - Anh có bao giờ muốn chiến tranh, Bernard? Anh có bao giờ muốn đi lính giết hết bọn Khmer Đỏ để báo thù cho anh, báo thù cho em không?
       - Dĩ nhiên, anh không muốn chiến tranh, nhưng trả thù cho em thì muốn lắm chứ!
      - Được, em tin anh, Bernard. Anh là bác sĩ mà! Bàn tay anh mềm mại quá. Đâu phải để cầm súng giết ai, mà chỉ để xoa dịu nỗi đau cho đời.
      Câu chuyện về chiến tranh, hận thù, chém giết, con người, thần linh... cứ vậy tiếp nối,  lan man, khiến tôi mệt óc, muốn khùng luôn. Cho đến hai giờ sau, khi bóng chiều xuống nhanh, mặt trời sửa soạn đi ngủ sớm, cô than nhức đầu, và đề nghị tôi đưa về phòng nghỉ. Sau đó, tôi đi gặp John, “báo cáo” tỉ mỉ kết quả buổi dạo vườn trưa hôm ấy. Anh vui mừng bảo: “Cô biết hỏi những câu như vậy chứng tỏ đã tiến đến giai đoạn khỏi bệnh”, nhưng không cắt nghĩa tại sao. Tôi tin vào khả năng chuyên môn của anh, nên không hỏi gì.
      Hai tuần sau, John gọi thăm tôi từ OHSU, báo tin Champrin “được đánh giá là đã bình phục, tuy chưa hoàn toàn, nhưng có thể xuất viện, do yêu cầu của gia đình”. Cô đã tỉnh, anh nói tiếp, nghĩa là biết personality thật của mình, nhận ra mình là ai rồi. Anh cám ơn tôi và mời lên Portland tham dự bữa tiếp tân “mãn khóa” tiễn cô về với thân nhân.
      Suốt tuần lễ ấy, tôi nôn nao đợi ngày thứ bảy tới nhanh, chuẩn bị quần áo, cà vạt, lịch sự hơn mọi khi, nhất là cố nhớ lại những câu lãng mạn trong tiểu thuyết trữ tình lâu ngày đã quên, cùng với những lời hẹn ước sau này được gặp lại nhau ở một khung trời nào khác đầy mộng, đầy thơ, có hoa, có bướm, có những nẻo đường mơ rợp nắng thu vàng –đẹp hơn những allées mà chúng tôi đã đi qua trong khu vườn bệnh viện.

      4. Trưa hôm ấy, khi tôi bước vào phòng tiếp tân thì John và các nhân viên Mental Health Department đã tề tựu đông đủ, có cả nữ bác sĩ giám đốc Marilyn, người đã thỉnh thoảng hỏi thăm tôi về Champrin, vây quanh nói chuyện với cô. Cô đẹp lộng lẫy trong chiếc sarong màu xanh đậm, vẻ mặt rạng rỡ. Trên bàn đầy hoa và bánh cookie, nước ngọt. Tôi thủ sẵn nụ cười tươi, và đầy tự tin tiến đến chào, nhưng cô nhìn tôi xa lạ, ngơ ngác, mà vẫn lịch sự chìa tay cho tôi bắt, ngập ngừng nói bằng một thứ tiếng Anh ESL 101, có lẽ học tại Bataan:
- Hi, Mr... Xin lỗi, ông là...?
      Tôi vô cùng ngạc nhiên, thất vọng và thấy “quê” quá, chưa kịp đáp thì John xuất hiện, đỡ lời:
- Ngu-y-en. Professor Julien Ngu-y-en, từ University of Oregon, bạn tôi.
- À. Hân hạnh biết ông, Professor Ngu-y-en, cô trả lời, vẻ thản nhiên.
      Rồi quay sang tươi cười, ríu rít bằng tiếng Cam Bốt với một cô, cũng mặc sarong, mà John giới thiệu là Chandrea, em gái của Champrin, định cư tại Mỹ từ 1975, đến để rước cô về Long Beach, California. Cả người tôi chợt lảo đảo như bị sét đánh, chết điếng, thấy mình tự dưng vô ích, thừa thãi giữa đám đông, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. John lại đến bên, một tay cầm ly coke, tay kia kéo tôi ra góc phòng, cười vui, nói khẽ, với một chút hóm hỉnh:
      - Champrin khỏi bệnh, bây giờ là Boupha, đã biết mình là ai, cho nên không biết bạn là ai, dĩ nhiên. Nghĩa là trong trí cô, Julien là một anh chàng Julien lạ hoắc, không còn thay thế Rithisak hay Bernard để làm chồng hờ nói tiếng Pháp của cô nữa. Đó, bạn đã thấy sự kỳ diệu của ngành tâm thần học chưa? Tất cả là nhờ công lao và tài diễn xuất tuyệt vời của bạn. Mission well accomplished, cám ơn và chúc mừng bạn.
      Tôi gượng cười:
      - Tôi cũng rất mừng cho cô ấy, và cho bạn.
      Rồi John đi vòng vòng, tiếp tục chuyện trò với đồng nghiệp, bỏ tôi đứng ngẩn ngơ với sự tiếc nuối dày vò. Và tự ái nữa. Lòng ấm ức như hồi nhỏ bị mấy thằng nhóc lừa đánh cắp đồ chơi. Tôi trở về Eugene ngay chiều ấy, loay hoay với câu hỏi thật vô lý, rất điên rồ: “Sao Champrin không tiếp tục điên, cho tôi cứ tưởng nàng yêu tôi thật?”

     5. Hơn hai mươi năm trôi qua kể từ mùa thu ấy. Tôi không bao giờ gặp lại Champrin  –mà, khác với Soriya, tôi cũng không cố đi tìm gặp lại, coi chuyện đóng vai chồng hờ của cô như một kỷ niệm buồn, hơi vô duyên, mà hi hữu, ngàn năm một thuở. Còn John, sau đó, xin nghỉ việc tại OHSU, đi truyền giáo trở lại. Trong một bữa ăn tối, nhắc đến Champrin, anh cho biết cô đã hoàn toàn bình thường, làm lại cuộc đời với một đồng hương tỵ nạn góa vợ, cựu sĩ quan thân tín của Lon Nol. Anh chồng trở về Phnom Penh, làm bộ trưởng gì đó trong chính phủ Hun Sen, thân Việt Cộng, nhưng cô nhất quyết ở lại Mỹ, không chịu theo về để nhìn thấy quê hương, dù chỉ một ngày, khiến anh ta bị kẹt, không biết tính sao.                    

        Rồi đến năm 1995, tôi cũng được làm chồng, lần này thật. Không giống bệnh nhân Champrin, Loan rất tỉnh táo, khi nhận lấy tôi, trước mặt cha xứ họ đạo và nhiều giáo dân trong nhà thờ. Mặc dù tình yêu lúc nào cũng được ví như là một cơn điên.          
                                                                                               
Portland, 12 December 2013
KIM THANH









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét