Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Tản mạn : ÔNG CÔNG CỦA NGƯỜI VIỆT - Nguyễn Thùy Dương.





CÓ MỘT ÔNG CÔNG CỦA NGƯỜI VIỆT.

Hôm nay là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, chợ búa đua chen bán cá lóc nướng. Tôi lục tìm trên google về ngày Ông Bà Chủ Đất, không một dòng thông tin. Những bài báo của các tòa soạn lớn nói về một ông Công đâu đẩu bên Tàu, lạ lẫm lắm so với tôi từng được dạy.

Hồi tôi còn nhỏ, bà Cố có kể cho tôi nghe về ngày cúng Ông Bà Chủ Đất, dĩ nhiên tôi cũng có dịp chứng kiến cái lễ cúng đơn sơ đó.

Từ khuya người trong nhà đã đi cắm câu, rạng sáng thì đi thăm câu. Mấy con cá lóc quẩy mạnh trong giỏ tre được đem về rọng trong khạp, bà Cố lọ dọ đi hái rau lang, chuẩn bị trầu cau, thuốc lá( loại thuốc bán theo kg hoặc cây hút bằng cách vấn giấy).

Nhà tôi làm ruộng, ruộng cách nhà xa nên cúng ở nhà với cúng luôn ở ruộng. Bà Cố kể hồi ông Cố còn sống thì ông mặc áo dài đen để cúng. Ông Cố tôi mất, bà Cố với bà Ngoại tôi thay phiên nhau cúng kiến Ông Bà Chủ Đất.

Tôi được phân công vác cái tàu lá chuối lẫm đẫm theo mẹ với Cố ra ruộng. Đồ cúng là một cây bông thọ, cơm, rau lang luộc, mắm nêm, con cá lóc nướng trui thơm phức, trầu cau, một điếu thuốc vấn bự bằng ngón chân cái người lớn, rượu trắng. Bà Cố tôi khấn vái như sau:

- Hôm nay, mùng mười tháng Giêng, con tên Nguyễn Thị..... cả nhà con có miếng ruộng ở đây, nhờ ơn ông bà qua lại trông coi, dạy dỗ mà nên. Tụi con có làm quấy gì xin ông bà chủ bỏ quá cho. Xin ông bà chủ phù hộ tụi con làm ăn thuận lợi. Công ơn ông bà Chủ tụi con không dám quên. Nay xin kiến ông bà ít lễ.

Bà Cố tôi dạy tôi phải nhớ ơn ông bà Chủ, nhờ ông bà Chủ mới có đất đai, nhà cửa cho mình làm ăn, nương náu. Tôi hỏi ông bà Chủ là ai, sao phải nhớ thì Cố tôi giải thích.

Hồi xưa, miền Nam là đất hoang hóa, những người đầu tiên đi khai hoang lập ấp phải chịu cảnh dưới sông cá sấu, trên bờ cọp kêu. Họ là ông bà khai làng, dựng chợ đưa đường cho dân về ở. Như ở khu Giồng Ông Tố có ông bà chủ đất chôn ở ấp Trung. ( Sau này mồ mả ông bà bị đập phá bởi một nhóm người . Xui sao trong đám đó bị vật lăn quay 1 mạng nên để lại, mỗi năm đều thờ cúng đàng hoàng). Ông bà chủ bỏ tiền lập ấp lập chợ, mở trường. Ông Tố chèo đò đưa dân vào khu đất Giồng để ở. Nên có địa danh Giồng Ông Tố.

Mỗi năm cứ vào mùng 10 từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch là người dân cúng lễ nhớ ơn Ông Bà Chủ Đất. Cái ơn khai phá, ơn lập ấp đưa đường, ơn ông bà bỏ mạng khai hoang.

Cố kể: bà chủ khó tánh hơn ông chủ, nên trầu cau cúng bà phải lựa cho tươi, bông cho đẹp, con cá nướng phải ngon. Ông không để bụng chứ bà giận bà quở thì phải chịu. Mình sống trên đời phải biết ơn ông bà. Con người không biết ơn như con chim không có tổ. Sống với ai, nương tựa ở đâu ?

Năm nay, người ta cũng bán cá lóc. Mà cái nhân vật được cúng là cái ông Công bên Tàu, người ta cúng để phát tài, phát lộc. Người ta quên hồn thiêng sông núi còn ngậm ngùi dõi theo con cháu.

Mấy ai nhớ kẻ hiến mình cho rừng thiêng nước độc. Mấy ai thật sự rớt nước mắt vì thương máu thấm từng nắm đất dưới chân. Sống như thế trời tru đất diệt vì tội quên gốc, quên nguồn.

Viết để sau này người ngoại quốc họ hỏi cúng ai còn biết để mà trả lời.

NGUYỄN THÙY DƯƠNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét