Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Tản mạn : TRỞ VỀ ẤU THƠ - Quỳnh Giao.





TRỞ VỀ ẤU THƠ

Vào thuở xa xưa, khi còn là đứa bé con, người viết chỉ có thể hồi hộp đọc truyện đường rừng của Lan Khai. Đấy là chân trời xa lạ nhất của đất nước mà trí tưởng tượng của con bé có thể vươn tới.

Đến khi đọc "Bên Đường Thiên Lôi" của Thế Lữ là con bé phải chui vào trong chăn, chung quanh có toàn người lớn với đèn đuốc sáng trưng. Sợ lắm mà vẫn thích đọc y như mấy đứa trẻ nhát gan cứ đòi nghe kể truyện ma!

Lớn lên một chút thì mừng là Thế Lữ đã từ cõi bí hiểm hãi hùng nào đó trở về thành phố! Vì ông viết truyện "Lê Phong phóng viên", một nhân vật không thể nào là văn minh thị thành hơn được. Đó là loại truyện trinh thám xuất hiện khá sớm và đậm mùi Tây phương... nên mình mới thấy gần gũi!

Sau này còn được thấy phóng viên Lê Phong bằng xương bằng thịt, lại nói tiếng Pháp nữa.

Đó là ký giả Tintin trong tập truyện hình mượn của đứa em trai. Chữ nghĩa khi đó có lẽ chưa đầy vốc tay mà xem truyện hình thì vẫn hiểu hết! Đấy là biệt tài của tác giả, chỉ được thấy in là Hergé.... Thế rồi cái tuổi ấu thơ cũng lang đãng tan dần và đời sống có những buồn vui như của loài người.

Chỉ còn trong ký ức những cuộc phiêu lưu của nhà thám tử Tintin với con chó Milou và những cảnh trừ nguy diệt bạo.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, quả là Tintin đã có chân chạy vì dẫn người đọc qua bao thác ghềnh và biển cả, từ Hương Cảng lên đến Hy Mạ Lạp Sơn, qua tận Nam Mỹ và còn bay lên cung trăng nữa. Những cuốn truyện hình đó là cõi thần tiên có vẻ thật hơn truyện cổ tích được nghe bà ngoại kể lại.

Nhưng thật ra ngần ấy hình ảnh xa xưa cũng mờ dần trong cõi nhớ cho đến khi, ở trên đất Mỹ, người viết được biết rằng mình còn hơn nhà đạo diễn kiêm sản xuất phim ảnh nổi tiếng là Steven Spielberg ở một điểm!

Năm đó, cũng gần ba chục mùa Thu rồi, khi qua Pháp trình chiếu một cuốn phim về Indiana Jones, đạo diễn Spielberg ngẩn người về một câu phỏng vấn của báo chí Pháp. "Ông có thấy Indiana Jones của ông có những điểm giống Tintin không?"

Đại đạo diễn Mỹ ngơ ngác hỏi lại: "Tintin là ai?"

Ông ta thua xa rất nhiều đứa trẻ Pháp và không ít trẻ em Việt Nam ở Sàigòn! Tintin là ai mà còn phải hỏi!

Người Mỹ tuyệt luân ở một điểm. Không biết là hỏi, là học! Steven Spielberg cho người đi lùng cho đủ Tintin toàn tập và ngấu nghiến đọc trong khách sạn, trên máy bay rồi nhất định kết bạn với tác giả Hergé: Steven Spielberg muốn đưa Tintin lên màn ảnh!

Sau đấy, ông trở thành người chuyên trị về Tintin và biết rằng nghệ thuật truyện hình hoạt họa của Pháp là cả một khu vực tung hoành của các nghệ sĩ người Bỉ, như Hergé hoặc cha đẻ ra nhiều nhân vật nổi tiếng khác.

Ngay sau khi bị "cú đờ phút" đến mê mệt về Tintin, Steven Spielberg đã dày công chuẩn bị và nhiều lần điện thoại thảo luận cùng tác giả Hergé và còn hẹn ngày qua gặp, vào cuối tháng 3 năm 1983. Cuộc gặp gỡ không thành vì Hergé đã vãn du nơi tiên cảnh vào đầu tháng đó, ở tuổi 76. Nhưng nhà đạo diễn Mỹ vẫn tâm thành giữ nguyên ý kiến, tư tưởng và mọi biểu tượng của Hergé về nhân vật Tintin.

Một giấc mơ mất ba chục năm mới thành hình: ngay trước Giáng Sinh này, khán giả Mỹ sẽ được xem phim Tintin đầu tiên của Steven Spielberg. Sự thật thì khán giả Mỹ cũng lạc hậu mất hai tháng!

Bỗng dưng Quỳnh Giao viết về chuyện này vì nhiều lý do gợi nhớ. Trong một bài tạp ghi cách đây cũng không lâu, Quỳnh Giao đã viết về chuyện Tintin cũng với tinh thần hồi niệm khung cảnh ngày xưa.

Tintin là một nhân vật trẻ, gần như không tuổi, xuất hiện bên Tây từ một bộ não nghệ thuật của Bỉ. Chú bé tung hoành khắp năm châu bốn biển qua nhiều tập truyện hình, một số đã hạ cánh xuống Sàigon điêu linh, ở nhà sách Portal gì đó trên đường Tự Do. Tintin làm Lê Phong phóng viên sống lại và kêu gọi viễn du vì dẫn ta đi vào mọi chốn trong những truyện trinh thám luôn luôn có hậu.

Cùng với Tintin và con chó Milou, một chuỗi nhân vật như Thuyền trưởng Haddock, hai anh em Dupond và Dupont, bà Bá tước Castafiore, nhà bác học Tournesol, v.v.... đã chinh phục cả thế giới.

Riêng có trẻ em Mỹ thì có lẽ vẫn chưa được giới thiệu! Vì vậy, Steven Spielberg phải cho trình chiếu phim này tại Âu Châu và Gia Nã Đại trước, may ra thì có tiếng vang về nhà khiến khán giả Mỹ sẽ chú ý mà chiếu cố.

Khi thực hiện, ông còn dày công hơn vậy vì cộng tác với một đạo diễn và sản xuất người Tân Tây Lan, Peter Jackson. Hai thiên tài của những tác phẩm két tiếng như E.T., Indiana Jones, King Kong hay Lord of the Rings, v.v... cùng chung sức cho một truyện hình của con nít!

Mà con nít thời nay thì cũng biết rằng với nước Mỹ, Tân Tây Lan là cuối bãi đầu ghềnh chân trời góc biển. Khi họ thực hiện cuốn phim là qua màn ảnh để từ mờ sáng ở cực Nam Úc châu, Peter Jackson có thể ngồi nhà, bận quần pijama tay cầm ly cà phê sữa góp ý về nơi đặt ống kính trong phim trường bên Mỹ!

Kết quả, phim Tintin là một xuất phẩm sống, có tài tử thủ diễn hẳn hoi, nhưng cũng là phim hoạt hoạ và thực hiện theo phương pháp gọi là "không gian ba chiều"....

Ngày 23 tháng 12 này chúng ta ở tại Hoa Kỳ mới được xem. Riêng người viết thì sẽ phải xem để nhớ lại tuổi ấu thơ và so sánh giữa mơ với thực. Mà cũng để xem con trẻ thời nay có say mê như mình không. Ngày xưa, chúng ta chỉ được xem trên giấy mà đã mê tơi, ngày nay, con cháu được xem trên màn bạc qua hình ảnh ba chiều. Không biết chúng có hạnh phúc như chúng ta thời xưa hay chăng?

Mà viết rằng "trở về ấu thơ" như vậy thì có lẽ hơi lãng mạn!

Chứ chiều 23 tháng 10 này thì người viết đã phải thủ vai người lớn: trở về thực tại với việc ra mắt cuốn "Tạp Ghi"!

Nói "ra mắt" là theo lẽ thường, chứ hôm đó Hội trường Người Việt được mở rộng để đón nhận quý vị đến chung vui cùng Quỳnh Giao và các bằng hữu. Một buổi chiều Thu, một chút bánh trái, âm nhạc và rất nhiều thân hữu, bên cuốn sách đã được các nghệ sĩ Nguyễn  Đồng và Nguyễn Thị Hợp của Người Việt chăm chút từng chi tiết mỹ thuật. Chỉ thầm mong là quý độc giả sẽ đến đúng giờ vì chỗ ngồi có hạn, thời giờ cũng vậy, mà M.C. Đinh Quang Anh Thái lại còn hắc hơn quản giáo!

Một chút kỷ niệm từ cây bút tạp ghi đã đến với độc giả Người Việt từ hơn sáu năm nay, giờ này mới xuất hiện....
__
(Quỳnh Giao viết bài này ngày 11 thang10, 2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét