Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Ngày Nhà Giáo : THẦY CỨU ! - Canh Tranthanh.

 



THẦY CỨU!

Hồi học đại học có câu, học tài thi phận. Học không lại, vào phòng thi còn có thầy cứu, bạn cứu! Chuyện này thì qua trải nghiệm cá nhân, tôi biết rõ, thấm lắm!

Có một kỳ thi vào mùa Hè, ôn thi trong vòng có độ tháng rưỡi mà bọn tôi phải thi 7 môn. "Học trường Y thi trường Dược"! Thi được một kỳ ở trường Dược Hà Nội xong, cứ như vừa qua một cuộc chiến tranh khốc liệt không bằng! Năm ấy trời cực nóng, thi xong được 6 môn, tôi cảm thấy oải lắm rồi! Cứ thức triền miên đọc sách thông đêm, sáng ra người bồng bềnh như trên mây...Còn môn cuối cùng "Kinh tế chính trị", đọc chối tỉ, tôi ngán quá, bụng bảo dạ, thôi chấp nhận out môn này để hè lên thi lại cho đỡ mệt! Xác định thế xong, bèn lấy xe máy đánh võng ra Hàng Rươi, Văn Miếu...xem có mánh gì kiếm ăn được thì làm! Chẳng là tôi vốn bộ đội xong mới về đi học, lại đã từng buôn bán đất thổ đu rồi nên biết khá mánh. Thời nhập nhoạng giữa bao cấp và kinh tế thị trường, nếu biết, kiếm tiền cực dễ...

Tôi ra nhà người quen trên phố Hàng Rươi đóng ít hàng, xong ra đầu phố ngồi hàng trà chén thư giãn. Thế quái nào, sau 5 phút ông thầy dạy môn Kinh tế chính trị cũng vào quán! Thầy đi mua thuốc về cho nhà thuốc bán lẻ của mình. Hai thầy trò chào nhau như những đồng nghiệp thân thiết. Bởi ông thày này gốc dược sĩ, làm tiến sĩ chính trị, nhưng vẫn giữ nghề mở nhà thuốc kiếm ăn. Thầy kiếm ăn được nên có vẻ thương sinh viên. Lên lớp toàn nói chuyện xã hội và cách kiếm tiền chứ chẳng giảng Mác Lê câu nào! Thầy bảo: "trên lớp thầy trò nói chuyện với nhau cho vui, mở mang đầu óc. Còn đi thi, viết theo sách nhé!"

Cơ mà đọc sách Kinh tế chính trị học Mác Lê thì biết rồi đấy! Chối đến tận củ tỉ âm ti...

Hai thầy trò ngồi uống trà đá.

Thầy hỏi: "Thi thố kỳ này thế nào?"

Trò: "Em qua được 6 môn rồi. Môn của thầy, đọc không vào, thôi em xác định hè lên sớm thi lại!"

Thầy cười khì khì, bảo: "Thôi cứ cố mà đọc sách đi!"

Thầy trò thân ái chia tay nhau sau chầu trà đá vỉa hè.

Mấy hôm sau, lên phòng thi. Hai giám thị trẻ đang đọc danh sách, số báo danh vào phòng thi thì ông thầy tới (thầy cũng là trưởng bộ môn luôn!). Thầy comple, catap cực diện, nói: " Tôi coi thi phòng này"!

Thấy vậy, tôi thầm reo trong bụng: "có khi thầy đến cứu mình đây!"

Là vì ở trường Dược, theo kinh nghiệm của đám sinh viên, các thầy càng học vị cao, càng giỏi càng thương sinh viên, dễ bỏ qua lỗi lầm của chúng. Còn các thầy cô trẻ thì...thôi rồi lượm ơi, hơi ngọ nguậy là "go out" lập tức!

Vào phòng thi, cô giám thị trẻ đọc chép đề, còn thầy đứng dưới quan sát. Sau đó, thầy đến ngồi cạnh chỗ tôi, mở catap, lấy tờ báo ra mở rộng hết cỡ che lấp cả tôi và chăm chú đọc!

Ba mươi phút sau, thầy quay sang hỏi: "xong chưa?" "dạ thưa, em xong rồi ạ!"

Thầy cất báo, xách catap đứng lên, bảo cô giám thị trẻ: "Tôi đi họp với ban giám hiệu, cô trông nốt!"

Và tôi qua môn Kinh tế chính trị học một cách ngoạn mục!

Ps1: sinh viên đi thi có câu: "phi phao bất thành sinh viên!". Nên đi thi hầu như đứa nào cũng thủ ít "phao" trong người. Thày cô mà dễ, cho dùng thì xử! Còn không thì thôi, nhưng phải có sẵn lận trong người cho yên tâm! Tôi cũng chẳng ngoại lệ, nhất là cái môn chết giẫm này! Thế nên khi thấy thầy mình ngồi xuống bên cạnh, mở báo ra...Tôi cũng bèn rút phao ra, và chép với tốc độ ở trường đua F1! Xong ngay...

Ps2: cũng từ ấy đến giờ, tôi chưa từng gặp lại thầy lần nào! Thầy chắc cũng chẳng chấp, thậm chí chẳng nhớ đến đứa sinh viên mình đã "cứu"! Bởi thầy vốn nổi tiếng nhân hậu, trong đời dạy học của mình đã cứu không biết bao sinh viên qua cái môn "phải gió" của thầy!

Nhẽ lúc nào nên đến chào thầy một lần, ông Đỗ Hưng Vượng , ông Vũ Văn Minh nhỉ?

CANH TRANTHANH (FB) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét