CÀ PHÊ VỚI BẠN.
(Rất mong quý đọc giả thông cảm , vì câu chuyện có thể có những địa danh hay nhân vật trùng hợp một cách ngẫu nhiên... )
Đúng như dự đoán, bà thấy ông sửa soạn lấy áo khoát, xách theo cái túi nhỏ là bà biết ngay ông sắp đi... uống cà phê với bạn bên quận 9 . Miệt này tuy thuộc địa phận Sài Gòn nhưng không có quá xa nơi ông-bà trú ngụ lâu giờ : chỉ khoảng trên mười cây số.
Cứ cách một, hai, hoặc lâu lắm ba tuần là ông chuẩn bị đi như vậy. Khi thì ông đi bằng xe gắn máy, khi đi bằng xe ôm, xe taxi, có khi ông nói cần thể dục nên đi bằng xe đạp. Mới đầu khi nghe ông nói đi uống cà phê với bạn bên quận 9, bà nghĩ thầm trong bụng, có đi uống bia thì đi, có gì mà phải giấu. Vì biết về khoảng bia bọt ông cũng có chừng có mực nên bà yên lòng, chỉ lâu lâu nhắc ông chút thôi.
Nhưng rồi lần đó bà bị... đoán sai. Đường khá xa, vậy mà đến trưa khi ông đã về đến nhà, không có dấu hiệu nhậu nhẹt chi hết!... . Một thoáng ngạc nhiên lướt qua, ông bạn nào mà ổng phải đi xa như vậy để... uống cà phê ?...
Sự việc diễn ra đều đặn khiến bà bắt đầu thành ra... nghi ngờ ! Nhất là với phụ nữ ai mà không như vậy. Giác quan thứ sáu của họ rất... tuyệt vời. Hơn mười năm qua bà chú tâm vào việc công quả nơi ngôi chùa gần nhà, thời điểm đó người phụ nữ trong bà đã ngưng cái chức năng để bà có thể gần gủi ông theo đúng nghĩa vợ chồng. Bà đã tự an ủi mình rằng cái "duyên" của mình đã dứt, thôi thì biết đâu như vậy sẽ khiến mình trong sạch(?) hơn để bước theo con đường đạo pháp, và nhất là dù sao mình cũng đã sống với ông ấy mấy mươi năm và có một đứa con trai ngoan ngoãn rồi... .
Nhưng với tính cảnh giác thiên phú như vậy, mối nghi ngờ cứ lớn dần, lớn dần... . Rồi hơn nữa, bà tiếp nhận thêm thông tin ngoài đời, rằng có những đàn ông dù lớn tuổi nhưng lại... sinh tật, "cặp" với những cô gái trẻ hơn cả chục tuổi, rồi lại có con có cái với nhau nữa!... . Chịu hết nỗi rồi, phải tìm hiểu cho ra lẽ mới được. Bà tâm sự với bà bạn thân nhất... , không ngờ bà ấy - đúng là bạn thân - cố vấn cho bà tìm đến một tay ... xe ôm kiêm thám tử tư lão luyện.
Thế là... . Cách đây hai tuần, tay này theo dõi ông đến tới nơi rồi thì... mất dấu! Hắn gọi điện thoại về "báo cáo" cho bà rằng thấy ông rẽ vào một ngã ba, có cái quán cà phê kín đáo thì bị một chiếc xe container tình cờ cản đường, thế là không thấy ông ấy đâu nữa !? Ngã ba này đi vào một đường lớn xe hơi đi lọt nhưng là một đoạn đường chưa hoàn tất (?). Duy nhất chỉ có cái quán cà phê tên KGX mà tay này đã vào thiếu điều "lùng xục" từng ... cái ghế nhưng chẳng thấy "đối tượng" theo dõi... .
Ráng nén cơn giận đang trào dâng trong lòng, bà lắp bắp nói hắn ra đầu ngã ba chờ xem lúc nào ông quay ra, nhất là nhớ cho thật kỹ địa điểm và khu vực này. Tốt hơn nữa là lấy điện thoại ra chụp cho bà vài tấm hình. Cái tay thám tử xe ôm này vậy cuối cùng cũng... được việc đó chớ. Nhờ những dữ kiện thu thập được, hôm nay bà lên kế hoạch, nhất định theo dõi ông. Bà quyết biết mặt cho được người nào đã mê hoặc ông, đã khiến ông mỗi lần lén lút đi gặp ả ta lại phải nói dối vợ con là đi cà phê với bạn.
Hôm nay quả là dịp may đã đến với bà, ông đi đúng ngày cuối tuần, lại đi bằng chiếc xe gắn máy quen thuộc. Bà vội vã gọi điện cho cậu lái xe dịch vụ quen (cũng do bà bạn giới thiệu) , lại một cái may mắn nữa: xe chưa có khách. Không có gì phải lâu, chưa được mười phút xe đã đến, bà nhanh chân bước lên xe... , khác hẳn những lúc ông phải chờ đợi để chở bà đi chợ hay đi siêu thị... .
Nhờ có tay thám tử xe ôm chỉ đường, bà nói xe chay ngay ra liên tỉnh lộ. Cái tỉnh nơi bà sinh sống kể cũng ... ngộ. Con đường liên tỉnh này đi chừng vài cây số là đã qua tỉnh lân cận, rồi chỉ vài ba cây số nữa sau khi vượt qua quốc lộ là vào ngay đất... Sài gòn. Chiếc xe có dán film chống nắng nên bên ngoài khó nhìn thấy người bên trong, nhưng bà vẫn cẩn thận mang cặp kính đen lên, quấn cái khăn choàng cổ - mượn của bà bạn - lên tận... càm. Miệng nhắc lại lần nữa với cậu lái xe:
- Cậu cứ cho xe chạy thẳng theo con đường này đến chùa... "Thái lan" rồi tôi chỉ tiếp.
Miệng tuy nói nhưng ánh mắt bà vẫn lom lom nhìn ra đường, bà cũng nhắc cậu tài xế chạy xe vừa phải thôi, bà nghĩ nếu mình đến sau sẽ hay hơn, vì không chừng bà sẽ bắt gặp họ tay trong tay hay má tựa vai kề gì đấy... .
* * *
Xe đã ngang qua ngôi chùa được gọi là chùa Thái lan, nhưng thật ra chỉ là một ngôi chùa VN trăm phần trăm, chỉ vì chùa có ngọn tháp cao (na ná tháp chùa bên Thái lan?) sơn nhủ vàng chóe, từ xa ai cũng nhìn thấy. Chùa có tên Việt là L.B, nhưng có lẽ cái tên chùa Thái lan sẽ có nhiều người biết hơn. Cậu lái xe cẩn thận lên tiếng hỏi bà tiếp tục đi như thế nào, bà trả lời với giọng của một người đang cố gắng tỏ ra... bình tĩnh:
- Cậu cứ cho xe chạy vừa phải theo con đường chính này, không phải rẽ hay... quẹo đâu hết.
Miệng trả lời nhưng ánh mắt bà không có quên nhiệm vụ đâu. Tự dưng bà thấy thiếu... cảm tình với con đường này. Con đường không rộng lắm, đi men theo bờ sông, có đọan gần sông đoạn xa sông, cây xanh các loại hai bên đường còn rất nhiều nên nơi đây khá mát mẽ... . Cái tên đường mới đặt là tên của nhân vật nào đó với bà xem ra... lạ hoắc. Cho rằng bà lớn tuổi nên không biết, nhưng nếu hỏi mấy cô cậu thanh niên đang đi đường ngoài kia bà dám chắc họ cũng chẳng biết hơn bà.
Máy lạnh trong xe khá tốt sao bà vẫn thấy... nóng trong người. Nhất là cái người bà đang theo dõi nảy giờ vẫn... bặt tăm. Bà cẩn thận lấy điện thoại ra xem lại mấy tấm hình của tay xe ôm cung cấp cho bà. Đúng là thời đại kỹ thuật cao, tay xe ôm chỉ nói bà đưa điện thoại của bà, gã bấm bấm trên hai cái điện thoại mấy phát thế là bên điện thoại của bà có ngay mấy tấm hình. Sẽ lại càng quý giá biết bao nếu trong mấy tấm hình đó có hình của ông và ... "người bạn cà phê" . Bà ước thầm mình có được những chứng cứ như vậy. Nhưng... . Theo lời hướng dẫn và hình ảnh của tay xe ôm, bà đã đến được nơi cần đến. Bà bắt đầu... run giọng nên chỉ nói ngắn gọn với cậu lái xe:
- Đến ngã ba lớn trước mặt th...ì q..u..ẹ..o.. phải!
Qụeo phải là một con đường rộng như đường chính, vẫn có hai làn xe chạy. Bà căng mắt ra nhìn, bên phải đúng như thông tin bà biết trước, có quán cà phê tên KGX. Hôm nay quán vắng hay là khách uống cà phê sớm đã về hết, trên khoảng sân rộng có thể đậu được cả xe du lịch, lèo tèo chỉ có mấy chiếc xe gắn máy. Bà nhìn kỹ thật kỹ, không có chiếc xe của ông. Bây giờ chỉ còn nước đi thẳng... . Suy nghĩ trong đầu như vậy rồi bà nói ngay tức thì với cậu tài xế:
- Cậu cứ cho xe đi thêm đoạn nữa... .
Đúng như lời ông xe ôm đã nói, đi một đoạn nữa thì... hết đường. Chợt một suy nghĩ vừa lóe sáng. Xe vừa mới đi ngang qua một nghĩa trang lớn nằm bên trái con đường, nghĩa trang thật lớn với tường thật cao bao chung quanh... . Bà lại suy nghĩ bằng đầu óc vốn sắc sảo và trái tim đang nóng bỏng của mình, biết đâu ông chồng bà cùng với... "ai" vào đây thăm mộ một người nào đó?! Bà hấp tấp nói với tài xế:
- Cậu quẹo vô nghĩa trang này cho tôi... .
Tội nghiệp người tài xế, tuy biết có gì đó nghiêm trọng khác thường, nhưng vì công ăn việc làm, cậu ta cho xe quẹo vào nghĩa trang với gương mặt không kém phần căng thẳng!
Có hai người bảo vệ mặc đồng phục nghiêm trang tươm tất cùng đứng dậy, họ không hỏi gì chỉ mỉm cười và... cúi nhẹ đầu chào, chờ đợi. Bà nhanh tay hạ kính xe xuống và nói:
- Dì vô đây thăm mộ người thân... .
Một lần nữa họ mỉm cười và cùng... dang tay mời người và xe cùng vào. Làm ăn của tư nhân có khác! Không nói đến mấy cơ quan công quyền lớn lao làm gì, chỉ nói đến mấy công ty nhà nước hoặc vài trụ sở phường xã bà đã có dịp vào... . Cũng chưa nói đến việc tiếp xúc với "công bộc" của dân, những nơi này chỉ riêng bảo vệ thôi đã khó đăm đăm, cau có khi trả lời người dân, lúc trở ra còn phải trả tiền... gửi xe!
Vào bên trong rồi mới thấy nghĩa trang này xứng với cái tên đã đặt: APV. Không gian rộng rãi, thoáng đãng. Đầy những hoa lá, bãi cỏ xanh tươi, đường nội bộ trải nhựa thẳng tắp sạch sẽ... . Đặc biệt có những khu nhà to được xây dựng mang dáng dấp của các ngôi chùa VN, các kiến trúc này nổi bật trên nền trời xanh và mặt đất cũng xanh bằng gam màu nâu và vàng đất trầm mặc ấm áp... .
Nhưng cảnh vật chung quanh không còn lôi cuốn bà nữa, vì, bà đã thấy chiếc xe ông dựng không xa lắm ! Ông đang đứng trước một ngôi mộ, cạnh đó là một ... cô gái đội nón lá, với chiếc áo khoát màu rất đặc biệt... , cũng đang ngồi lui cui bên mộ. Tim gan bà sôi sục, bà muốn mở cửa xe xông đến hai người. Bà tự trách mình lâu nay không để ý, giờ "họ" đi thăm mộ thân nhân có đôi có cặp như thế đấy... .
Nhưng rồi bà kịp suy nghĩ và dằn lòng... . Bà nói cậu tài xế cho xe đến cách ông ấy chỉ vài mươi bước chân, một khoảng cách vừa đủ để bà quan sát nhưng không bị phát hiện. Bà quyết ở lại trên xe, chỉ nhờ người tài xế vào vai người đi... viếng mộ. Anh ta quả đáng được tưởng thưởng: anh ta nhập vai thật khéo, bước lại một ngôi mộ vắng, sẵn một bó nhang (có lẽ của thân nhân nào đó để lại), anh ta nghiêm trang kính cẩn cúi đầu, chậm rãi thắp mấy cây nhang... .
Bà vẫn hướng mắt không rời về phía ông. Cô gái đội nón lá chợt đứng dậy bước đi xách theo cái xô đựng... cỏ. À!... . Thì ra đây là công nhân của nghĩa trang. Vậy mà suýt chút nữa ...! Bà tiếp tục quan sát, thấy ông lấy trong cái túi xách ra một cái dĩa và hai trái thanh long, ông dùng dao xẻ một trái, đặt tất cả vào cái dĩa giấy màu trắng, ông thắp nhang mang theo, mắt nhìn tấm hình trên bia mộ và hình như ông có lâm râm "tâm sự" chi đó !
Thấy mấy trái thanh long làm bà nhớ lại và chợt hiểu... . Mấy năm về trước cũng đi ... uống cà phê , ông đem về nói là giống thanh long ruột đỏ, của người bạn mang từ một tỉnh miền Tây lên cho ông. Ông đem trồng trong chậu, chăm sóc cẩn thận nhưng chưa có trái, ông nói vì trồng trong chậu đất ít, hơn nữa chỉ trồng để... kỷ niệm nên không có trái cũng không sao.
Thế rồi, gần đây mắc gì chậu thanh long lại... trỗ 2 hoa và đậu được... hai trái. Cả nhà trầm trồ... . Khi trái chín, có đứa cháu đòi ăn thử, ông đâu có cho, nói cây trồng trong chậu để đó cho... đẹp. Thế rồi ông đi đâu đó, mua về mấy ký thanh long ruột đỏ để cả nhà ăn. Vậy mà... . Vậy mà hôm nay ông hái hai trái thanh long trong chậu mang ra tận nơi này. Tuy học hành, chữ nghĩa không nhiều, nhưng thông minh-sắc sảo bà đâu kém. Bà nhớ lại và hiểu ra rằng chuyện đi "cà phê với bạn" của ông không phải mới đây đâu, mà ít gì cũng cả ... mấy năm nay rồi.
Chợt bà như... nín thở, ông đã thu dọn hết đồ cúng, nếu thứ trái cây nào khác ông còn để lại, riêng hai trái thanh long quý báu kia ông gói ghém cẩn thận mang về. Rồi ông lưu luyến quay nhìn tấm hình trên mộ như từ giã xong mới bước đi, không thèm nhìn ra chung quanh, kể cả chiếc xe trong đó có bà đang ngồi. Bà đợi cho ông đi khuất xa xa, ước chừng đã ra khỏi cổng nghĩa trang, bà mới hồi hộp xuống xe, bước đến ngôi mộ mà ông ấy vừa đến thăm.
Đúng như bà dự đoán, đây là mộ người... "bạn" đã mang mấy nhánh thanh long ruột đỏ về cho ông trồng. Giờ thì, qua những hàng chữ trên bia mộ bà biết chỉ mới mấy tháng nay thôi người ấy đã nằm xuống trong cái nghĩa trang u tịch này. Vốn là người có tâm đạo, trước khói nhang hãy còn lãng đãng, bà thương cảm cúi đầu chắp tay lâm râm cầu nguyện cho người phụ nữ vắn số kia được siêu thoát. Xong, bà gọi cậu tài xế và thờ thẩn quay ra xe trở về... .
Lúc ngang qua quán cà phê ban sáng, chợt bà thấy xe ông đang... đậu trong sân ! Không lẽ lại có "tập hai" trong câu chuyện này hay sao?! Bà mau miệng nói cậu tài xế lui xe, cho xe vào sân quán và nhờ cậu ấy xuống xe mua giùm bà ly cà phê đá mang về. Phần bà vẫn ngồi trên xe và thấy ngay ông đang ngồi một mình, bà để ý kỹ trước mặt ông chỉ duy nhất có một ly cà phê.
Cái áo khoát màu kem vẫn đang mắc trên lưng ghế, gương mặt trĩu nặng u buồn, tay ông vuốt nhẹ lên chiếc tablet, có lẽ ông xem lại những hình ảnh gợi nhớ hay những emails xa xưa nào đó... . Bà rất hiểu, nơi đây không như ở nhà, nơi đây xa lạ không ai quen biết, ông chỉ có một mình, ông không cần phải che giấu cảm xúc của mình.
Người đàn ông buồn bã ngồi kia, người đàn ông của bà, người đàn ông tao nhã và nghiêm trang, có chút đạo mạo nhưng vẫn dễ hòa đồng với mọi người... . Mấy mươi năm làm chồng bà, bạn bè bà nói so với nhiều người đàn ông khác, ông như vậy là người... đàng hoàng. Bà đâu có quên nhiều năm trước, cái năm mẹ bà bệnh nặng, vì lo chăm sóc cho mẹ, bà gần như để ông ở một mình với cô người làm khá xinh, trẻ hơn bà nhiều tuổi... . Bạn bè bà lưu ý, hàng xóm nhắc nhở nói xa nói gần... .
Nhưng rồi đâu có chuyện gì xảy ra ! Bà nhớ lại, người phụ nữ nằm xuống nơi nghĩa trang u buồn kia cũng không hoàn toàn xa lạ với bà đâu. Có dạo bà muốn học nấu tàu hủ hoa, ông đã chở đứa cháu nói đi xuống nhà "bà cô" để xin... tài liệu. Bà trách mình sơ ý quá, đó chỉ là bước khởi đầu "họ" cố tình dàn dựng để cho hai bà... quen nhau thôi, vì tại sao tài liệu không gửi qua email ? Lần đó đứa cháu về còn khoe được "bà cô" dẫn đi mua cái cặp mới, được bánh Trung thu do bà cô làm gởi về... . Rồi do "bà cô" biết photoshop nên dịp gần Tết năm kia còn có làm giúp tấm lịch treo tường, trên đó có hình chính... hai ông bà... . Còn nhiều lắm... .
Nhất là chỉ mấy tháng trước đây thôi, qua những câu trả lời các cuộc điện thoại dồn dập từ bạn bè của ông, xâu kết lại các sự việc, giờ đây bà đoán biết gần đầy đủ về người phụ nữ này... . Hình như người này trước đây cùng học với ông ở Sài Gòn, ... không định cư luôn ở nước ngoài nên trở về quê, hay vẫn đang ở trong nước gì đó... . Tuy nhiên việc ấy không quan trọng, vấn đề là người nầy mắc phải bệnh "máu trắng", tuổi không còn trẻ, cơ thể lại không đáp ứng với thuốc nên... .
Suy đi nghĩ lại bà thấy mình cũng có phần... thiếu sót. Bà cứ nghĩ mình đã hết... "nghiệp" rồi nên thiếu quan tâm để ông cô đơn cả chục năm trời. Thời gian qua "họ" cũng muốn tạo tình thân để có dịp giải bài với bà nhưng vì..., vì bà quá vô tình nên việc này với "họ" trở nên chậm chạp và quá... khó !
Những cảm thương lúc ngoài nghĩa trang giờ như được... nhân đôi. Ai bằng xương bằng thịt lại không có máu... ghen ? Nhưng trong hoàn cảnh này sao bà thấy... thương ông quá. Bà cũng lấy làm lạ cho mình. Không biết trong trường hợp này những người phụ nữ khác sẽ thế nào?? Phần bà, bà biết chớ sao không. Đối với người phụ nữ vắn số đáng thương kia ông còn... nghĩa tình như thế, vậy trong khi đã có con có cái với ông, cùng chung sống mấy mươi năm bên nhau thì ông sẽ đối với bà phải còn... hơn thế... ! Rốt cuộc, thật ra bà thấy thương cho cả hai. Nếu..., nếu... . Nhưng giờ thì đã muộn rồi, có một trong hai người đã đi xa mãi mãi ... !
Cậu tài xế cũng vừa mang cà phê ra, anh ta ngạc nhiên khi thấy bà đang một tay cầm cái kính mát, tay kia cầm khăn tay chậm nhẹ lên đôi mắt... .
* * *
Bà xem đồng hồ, đoán ông ấy cũng sắp ra về. Vì chủ ý muốn để ông ấy về nhà trước nên bà dặn xe ghé nhà người bạn, rủ bà này đi siêu thị và trong lúc chờ đợi, nhờ cậu tài xế uống giùm bà ly cà phê luôn.
Sau khi đi siêu thị xong, bà cùng đi thẳng về nhà bạn và nhờ đứa con gái bà bạn đưa về nhà bằng xe gắn máy. Riêng cậu tài xế ngoài số tiền theo hợp đồng còn được thưởng thêm một khoản kha khá... .
Về đến cổng, ông đã về rồi và vội vàng đi ra xách đồ đạc cho bà. Xong xuôi, ông nói bà rửa mặt rửa tay cho mát rồi... ăn thanh long, ông đã hái rồi. Hai người ăn hết trái thanh long, bà tấm tắc khen thanh long này trồng ở nhà nên ngọt và thơm hơn thanh long mua ngoài chợ, hơn nữa đây là giống thanh long mới, ruột đỏ... .
Nghe vậy ông nói để xẻ tiếp trái còn lại. Nhưng bà cản, nói thôi để khi nào đi uống cà phê với bạn thì mời người ta... . Bà bất giác nói vậy chớ không hề có phần trăm nào mỉa mai, tị hiềm... . Nếu có gì chăng là chỉ muốn "ghẹo" ông chút thôi, vì bà tinh tế nhận xét sau chuyến đi vừa rồi, giờ về đến nhà nhưng trên gương mặt ông vẫn không giấu kín được nét phảng phất buồn... .
Thấy ông còn có vẻ... bất an, nên bà giải tỏa thêm bằng cách nói ông đem xả đông giùm con cá lóc, hôm nay bà nấu món ông thích là canh chua lá giang. Biết bà lâu nay có tính: việc gì nhờ chồng đều được, ngoại trừ việc... phụ bếp ( trừ khi vui... đặc biệt! ). Và cho dù ông cũng không tệ lắm trong công việc này. Hôm nay được dịp, ông như mở cờ trong bụng. Tuy còn có chút tần ngần trước cử chỉ và ánh mắt cảm thương là lạ từ phía bà nhưng ông vẫn mau mau đi về chỗ cái tủ lạnh... ./.
HUỲNH VĂN HUÊ ( 2014 - Một mùa Thu nhớ...)
( Truyện đã đăng trên Cà Phê Cầu Mát blog vào 11/2014 )
Bạn H thân,
Trả lờiXóaChuyện bạn viết có ý nghĩa thật. Nhưng đôi khi phải đọc hai ba lần mới hiểu.
Chuyện nầy tôi phải đọc hai lần.
Bạn có lối kết thúc bỏ lững câu cuối để người đọc nghĩ ngợi một chút.
Một nét đặc biệt.
Bài viết ý nhị, cảm động.
( Trên đây là nhận xét của NMQ, vừa là bạn đọc vừa là bạn... học SG xưa kia... )
Cảm ơn bạn Quan về một bình luận cũng rất ý nhị...
Xóa