Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Truyện dịch MỘT CHUYỆN MAI MỐI KỲ LẠ - Sông Bồ.



   Ở nhà tôi, mọi người thường hay bàn tán về Xan-ta-nát, cô bạn láng giềng của chúng tôi. Mẹ tôi khen:

- Con bé trông cũng dễ thương! Ăn mặc trang nhã, lịch sự. Đầu tóc lúc nào cũng chải cẩn thận đến từng sợi tóc…

Chị tôi tiếp:
- Nếu nước da trắng hơn một tí và vóc người đừng cao quá thì cũng không đến nỗi ! Cô ta cao quá nên trông người cứ còng xuống…

- Lại siêng năng chăm chỉ ! – Mẹ tôi tiếp – Từ nơi làm việc về đến nhà là xắn tay áo, hết xách thùng lại cầm chổi. Cổng rào nhà con bé lúc nào cũng sạch sẽ, sáng sủa…

- Đúng là một cô gái dễ mến… Nhưng sao cô ta lại không được may mắn nhỉ ? Nhiều năm đã trôi qua, và cô ta cứ ở vậy một mình. Bạn bè cô ta đã lấy chồng cả… từ lâu…

- Chẳng sao cả ! Như người ta nói : "Một viên ngọc rồi cuối cùng người đời cũng nhặt được nó”. Xan-ta-nát rồi cũng sẽ gặp hạnh phúc…

Tôi không tham dự vào những cuộc bàn tán ấy; nhưng trong thâm tâm, tôi đồng ý với mẹ tôi và không đồng ý với chị tôi.

Thật thế, tại sao lại gọi Xan-ta-nát là một cô gái "thiếu may mắn” ? Chị ấy là y tá trong một nhà hộ sinh. Mọi người quý trọng chị. Tôi cũng rất mến chị: chị không tự cao, không làm ra vẻ quan trọng như những người khác. Dù tôi còn nhỏ, Xan-ta-nát nói chuyện với tôi như một người bạn, cùng chia sẻ vui buồn. Chị có cuộc sống không dễ dàng : mẹ chị thường đau ốm luôn. Và với tất cả tấm lòng, tôi mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chị. Chẳng hạn, chị gặp một chàng trai dễ mến và họ cưới nhau. Tại sao lại không thể được chứ ? – Chị quả thật là một người tốt, tính tình hiền hậu, thật thà. Có điều, chị ít có những người bạn gái gần gũi…Có phải vì chị luôn bận rộn ? – Mọi việc trong nhà chị làm hết một mình. Hay vì chị có bản tính rụt rè ? – Tôi không biết. Nhưng điều tôi biết chắc là : "tôi là bạn của chị và tôi phải giúp chị tất cả”…

Một lần, tôi đang đứng trước cổng nhà, Xan-ta-nát đi ngang qua, hỏi tôi:

- Em vẽ những cái này đây hả ? – Chị chỉ vào một con ngựa vẽ bằng phấn trên cánh cổng nhà tôi.

Tôi lắc đầu: - Không …

- Nhưng em thích vẽ lắm phải không ?

- Vâng !

- Vậy thì em sang đây ! – Và chị dẫn tôi vào sân nhà chị.

Tôi chưa bao giờ sang nhà chị, nên lúc này tôi nhìn chung quanh với vẻ hiếu kỳ. Mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp. Cái sân lớn đầy hoa, thật là đẹp mắt ! Xan-ta-nát tặng tôi một hộp bút chì màu và một cuốn tập vẽ. Từ đó chúng tôi thân nhau nhiều hơn... Tôi thường nặn óc suy nghĩ : "Phải làm cái gì đây để chị vui lòng ?” – Dần dần, tôi đi đến ý nghĩ là "phải tìm cho chị một người chồng tốt”, để người ta không còn xem chị là một cô gái "thiếu may mắn” hay "bất hạnh”.

Một hôm, khi đi đến cửa hàng mua bánh mì, tôi trông thấy một đám thanh niên đang tụ tập chuyện trò náo nhiệt. Tôi suy nghĩ : "Ai trong bọn họ có thể làm chồng Xan-ta-nát được nhỉ ?”. - Xa-bi-a, anh sinh viên chăng ? Không, anh này đẹp trai nhưng tính hay kiêu ngạo. Hay A-mát, nhân viên cửa hàng ? – Nhưng anh này đã có vợ rồi. Còn Noóc-ku-di thì tính tình xốc nổi, nhẹ dạ, thêm nữa anh ta lại hơi lùn. Có thể là "anh chàng có râu” Kha-lin chăng ? Tôi bắt đầu suy nghĩ lại.

Quả thật, Kha-lin chưa có vợ, là một thợ điện trẻ. Nếu ai đó trong chòm xóm có những trục trặc về điện, tìm đến anh, anh sẽ sẵn sàng giúp cho, không bao giờ từ chối. Ở anh có một cái gì đó giông giống Xan-ta-nát: tính tình hiền lành và giản dị. Tóm lại, đó là một cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa. Suy nghĩ đến đây, trong đầu óc của tôi đã hiện lên cảnh lễ cưới của hai người và tôi đang nói những lời chúc tốt đẹp cho đôi vợ chồng trẻ …

- Ê, chú bé ! Có gì mà trố mắt nhìn bọn ta kỹ thế ? – A-mát hỏi tôi.

- Chú còn nhỏ quá so với bọn ta mà ! - Noóc-ku-di thêm. Và thình lình anh ta nheo mắt một cách ranh mãnh, tiếp: - À ! nói đi nào ! Có phải chú mày mới mọc râu phải không ?

Xa-bi-a phụ hoạ:

- Đúng rồi ! Này, nếu chú mày mới mọc râu thì phải làm tiệc để khao mọi người, đó là một tục lệ ! Một bữa cơm chiên thịt để ăn mừng râu mọc, chú mày đã nghe rõ chưa ? Rồi chúng ta sẽ cho chú mày nhập bọn …

Bọn họ cùng cười vang. Tôi đỏ mặt xấu hổ. Cứ thế, mấy chàng thanh niên không ngớt lời đùa cợt về đề tài bộ râu của tôi …

Về đến nhà, tôi chạy ngay đến trước chiếc gương lớn trong góc tường, nhìn vào gương. Chẳng có gì cả, tôi chưa có râu. Hú vía !

Hôm sau, đi học về, tôi gặp Kha-lin.

- À, lại chú mày nữa! Sao, đã làm tiệc khao bộ râu chưa ?

Tôi dừng lại, chưng hửng… "Mình, mình muốn làm điều tốt cho một người, mà người đó lại …”. Chợt tôi trông thấy Xan-ta-nát đang đi phía bên kia đường, ăn mặc chỉnh tề, bước từng bước nhỏ như chim đa đa. Không nhìn chung quanh, chị thản nhiên đi trên con đường của mình. Và tôi thấy Kha-lin liếc nhìn theo chị.

- Chị láng giềng của tôi đấy ! – Tôi hãnh diện nói, chặn tia nhìn của Kha-lin lại.

- Có thật không, chị ấy là người láng giềng của chú mày à ?

Tôi bạo dạn hơn :

- Chị ấy là bác sĩ hộ sinh đấy !

- Bác sĩ, chú mày nói thật chứ ?

- Sao lại không ! Chị ấy hay… chích thuốc ! Chính mắt tôi trông thấy mà…

Kha-lin cười xòa.

- Anh có muốn tôi giới thiệu anh với chị ấy không ? – Tôi buột miệng nói, không biết điều ấy đã vọt ra khỏi miệng mình như  thế nào. Nói xong, tôi đỏ mặt đến tận mang tai.

Kha-lin nói cho tôi đỡ ngượng:

- Chà ! Chú thật là một người lớn, dù chưa có râu …

Thình lình, anh đặt thẳng vấn đề:

- Được rồi, tôi bằng lòng. Nhưng chú làm thế nào để giới thiệu chúng tôi với nhau, hở ông bạn ?

Tôi im lặng vì chưa suy nghĩ gì về chuyện đó. Nhưng "đã là người lớn”, ai lại rút lại lời nói bao giờ ? Đã nói là phải làm. Và tôi tuyên bố một cách quả quyết:

- Trong trường hợp này, anh hãy đến nhà tôi vào ngày thứ Bảy. Sẽ tìm ra một cách gì đó chứ !...

O

Thứ Bảy, anh đến đúng giờ hẹn. Tôi xem anh như người đồng mưu và báo tin:

- Xan-ta-nát có một bình trà điện bị hỏng.

Kha-lin hiểu ngay ý tôi:

- Vậy thì chúng ta sang chữa đi. Em cùng đi với anh nhé !

Tôi dẫn anh sang nhà người láng giềng, bấm chuông gọi cửa. Xan-ta-nát ra mở cửa. Mẹ chị không có ở nhà.

- Tôi đem đến cho chị một người thợ điện. Hôm nọ chị có bảo…

Xan-ta-nát niềm nở chào chúng tôi và mời chúng tôi vào nhà:

- Mời các anh vào, rất hân hạnh…

- Tốt lắm, thế bình trà điện ở đâu ?- Kha-lin nói lắp bắp.

- Chốc nữa tôi sẽ chỉ nó cho anh. Nhưng trước tiên, mời các anh dùng một tách trà đã nhé !

Chị dẫn chúng tôi vào trong một căn phòng nhỏ và mời chúng tôi ngồi. Trong chốc lát, trà đã được dọn ra. Xan-ta-nát một tay đặt lên ngực vẻ trịnh trọng, một tay đưa tách trà mời Kha-lin, rồi đến tôi.

- Các anh tự nhiên nhé ! – Chị nói xong, đi ra ngoài.

Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Tôi không thể nào nén được một nụ cười. Kha-lin nhíu đôi lông mày lại như để cho tôi biết rằng đây không phải là lúc có thể đùa được. Tôi hiểu ý và nhón lấy một miếng bánh kẹp trong dĩa bánh, ăn ngon lành, vừa khuyến khích Kha-lin:

- Anh ăn thử đi, ngon tuyệt !

Nhìn tôi ăn, anh bạn đồng hành của tôi hình như cũng có vẻ thèm muốn. Anh vừa đưa tay lấy một cái bánh kẹp thì Xan-ta-nát đi vào:

- À, mời các anh dùng bánh ! Những loại bánh lỉnh kỉnh ấy đều do tôi làm cả, "cây nhà lá vườn” mà …

Chị cầm tách trà của Kha-lin, rót trà nóng cho anh. Anh uống vội một ngụm lớn và … trợn mắt ! Tôi không nhịn được, phì cười. Nhưng Xan-ta-nát như không hay biết gì, vẫn mời mọc chúng tôi một cách tự nhiên. Kha-lin mặt đỏ như gấc, tháo mồ hôi hột. Anh đưa tay vào túi lục tìm khăn tay. Xan-ta-nát để ý đến cử chỉ của anh và đưa cho anh một cái khăn mặt. Anh lóng ngóng lau mặt, thế nào lại để rơi chiếc khăn vào trong dĩa bánh. Thế là anh lại bắt đầu đổ mồ hôi từng giọt lớn, cựa quậy một cách vụng về trong cái ghế cứ kêu cọt kẹt như một cái xe gỗ cũ kỹ…

Mắc cỡ, Kha-lin định hút một điếu thuốc lá để làm lối thoát. Anh mân mê điếu thuốc trong tay, nhưng suy nghĩ thế nào lại nhét nó lại vào trong gói: "Làm sao dám hút thuốc trong một căn phòng sạch sẽ như thế này ?”. Xan-ta-nát không nói gì, nhưng hình như bằng lòng với cử chỉ của Kha-lin. Cả ba chúng tôi đều im lặng… Tôi ném những tia mắt lo lắng về phía Kha-lin, sợ rằng anh lại làm những cử chỉ vụng về khác. Xan-ta-nát như nhớ lại một cái gì đó và lại đi ra ngoài:
G
- Tôi sẽ trở lại trong chốc lát…

Kha-lin chấm mồ hôi trán, thì thầm với tôi:

- Tôi chịu hết nổi rồi ! Chúng ta về nhanh đi thôi !

- Còn cái bình trà điện ?- Tôi nhắc anh – Chúng ta đến để chữa nó mà…

Xan-ta-nát trở lại và mời chúng tôi ăn dưa hấu. Tôi nuốt vội một miếng rồi quyết định đi ra ngoài: "Có thể không có tôi, hai người sẽ dễ nói chuyện với nhau hơn chăng ?”. 

O

Trên cái ghế dài nhỏ gần cửa ra vào, tôi trông thấy cái bình trà điện bị hỏng, và lại gần xem xét : sợi dây điện bị đứt ở gần chỗ phích cắm. Tôi chữa nó chỉ trong nháy mắt.

Vừa lúc ấy, Kha-lin phóng người ra.

- Anh làm sao thế ? - Tôi hỏi.

- À, bên trong nóng nực quá ! - Và anh thẩn thờ móc gói thuốc lá nhàu nát từ trong túi ra …

Liền đó, cánh cửa lại bật mở và Xan-ta-nát đi ra:

- Sao các anh vội thế ? Tôi muốn mời các anh ở lại dùng cơm …

Chúng tôi cùng trả lời cám ơn và bước vội ra cổng.

- Anh làm cái gì thế ?- Tôi hỏi Kha-lin ngay.

- Tôi đã làm đổ bình trà …. Thật là hết chỗ nói !... 

Bạn sẽ hỏi : Câu chuyện kết thúc như thế nào ?- Tất cả rồi cũng "đâu vào đấy” cả ! Xan-ta-nát và Kha-lin đã cưới nhau và có hai đứa con kháu khỉnh. Còn tôi, mỗi lần nhớ lại việc làm hồi thơ ấu của mình, tôi không khỏi cảm thấy một niềm hãnh diện: Dù sao, mọi việc cũng đã đi đến một kết thúc tốt đẹp !./.

    SÔNG BỒ ( Trần Lực - 1985 ).
  ( Đã đăng trên báo Văn Nghệ )





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét