Từ Mặt CHÙ Ụ Đến Con CHÙ Ụ…
Hồi nhỏ, ở miền Nam trong trí nhớ của PL, ngôn ngữ thường ngày rất phổ biến, dễ gặp từ “Chù Ụ” này.
Biết và sử dụng cả ngàn vạn lần, nhưng thật tình PL không hiểu xuất xứ của từ này do đâu mà có, PL và đa số người dùng chỉ hiểu nó qua ngữ cảnh, đại loại như một số câu:
Mẹ sai con đi mua nước mắm, đang mê chơi nên cầm tiền, xách chai đi mà cái mặt cứ xụ xuống, mẹ cười:
- Coi cái mặt nó Chù Ụ kìa, mẹ nhờ chút xíu mà vậy đó…
Diễn tả nhan sắc của con nhỏ bạn học chung lớp:
- Con nhỏ đó mặt Chù Ụ khó ưa.
Lý do tại sao bác T.B. (giám thị trường học) đá gà thua hoài:
- Mặt ổng Chù Ụ hãm tài, bởi vậy đá đâu thua đó…
Chủ của con gà chạy sang nhà hàng xóm quậy, bị láng giềng phàn nàn còn chửi lại:
- Nó có ăn hết của nhà mầy chưa mà mặt Chù Ụ vậy mậy?.
Nói về con dzợ “bà La Sát” của thằng bạn:
- Mày cứ rủ thằng S nhậu hoài, làm con dzợ nó mặt Chù Ụ, mày ơi!.
Chàng xin lỗi nàng vì lỡ hẹn:
- Cho anh xin lỗi đi “tục tưng” đừng Chù Ụ nữa mà…
Chủ sạp bán thịt chửi khách mở hàng:
- Sáng mới mở hàng gặp con mẹ mặt Chù Ụ vô trả giá kiểu âm binh, tao phải đốt phong long mới được...
Vậy Chù Ụ là một tính từ có gốc ở miền Nam, theo phương ngữ Tây Nam bộ thì được dùng để diễn tả cái gương mặt khó chịu của ai đó đang trong tâm trạng bực bội nhưng phải chịu đựng, cái mặt bí xị, bất mãn, xụ xuống, buồn rầu pha nét nhẫn nhục, sầu não như đau bệnh trĩ, nói túm lại là gương mặt… hông có mùa xuân.
Nhưng mặt Chù Ụ không phải là mặt đáng ghét, nhiều người còn thích chọc ghẹo để người khác hiện nét Chù Ụ mà cười cho vui nữa. Cái mặt đáng ghét người ta gọi là mặt chằm dằm, mặt chầu quậu, mặt hãm tài, mặt chúa ngục, mặt âm binh, mặt cô hồn các đảng…
Các bà vợ thường bị gán cho từ Chù Ụ nhiều nhất, nhưng vợ làm mệt muốn chết mà chồng thì cứ nhậu nhẹt say sưa lè nhè tối ngày, hỏi ai trong cảnh:
Đang cơn lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem… mà không Chù Ụ chứ?.
° ° °
Con CHÙ Ụ.
Khoảng vài năm gần đây, trên các trang du lịch và ẩm thực, người ta nói nhiều tới vùng biển Ba Động của Trà Vinh, và các món ăn hấp dẫn chế biến từ “con Chù Ụ”.
Con Chù Ụ là con gì?.
Đó là loài giáp xác, một sinh vật 8 cẳng 2 càng thuộc họ nhà cua, Chù Ụ thường sống ở những vùng biển bãi bồi, nước lợ, nơi dòng sông đổ ra biển, nhiều nhất là các huyện duyên hải tỉnh Trà Vinh và những cánh rừng phòng hộ ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long.
Chù Ụ có 2 càng lớn màu đỏ hoe, trông còn to hơn cả thân mình của nó, trên mai có những vết hằn sần sùi gồ ghề giống như hoa văn, Chù Ụ có hình dáng tương tự con ba khía, nhưng tướng tá dình dàng hơn, bề ngoài rất thô kệch, ù lì, lừ đừ, di chuyển chậm chạp, là đứa kém phần nhan sắc nhất trong họ nhà Cua.
Về cái tên Chù Ụ, thì nhìn vào ai cũng thấy ngay mặt nó lúc nào cũng diễn vai buồn, sù sụ một đống như mặt một người đang Chù Ụ. Có lẽ vì vậy mà dân miền Tây vui tính đã lấy tính từ Chù Ụ, đặt cho nó thành cái tên Chù Ụ (tính từ chuyển thành danh từ. PL nghĩ thế, hông biết trúng trật nha bà con), để phân biệt với loài 8 cẳng 2 càng khác như cua, còng, ba khía…
Bỗng dưng, Chù Ụ leo lên bàn ăn và trở thành món đặc sản, nên nghề săn Chù Ụ gần đây rộ lên ở miền duyên hải. Ngày trước, người Trà Vinh chỉ bắt ghẹ, cua biển, ba khía, vì có nhiều và dễ khai thác hơn Chù Ụ.
Dù chậm chạp, lề mề, nhưng Chù Ụ biết ngụy trang, trốn kỹ dưới đất bùn sâu cả mét nên rất khó bắt, người giỏi lắm cũng chỉ được vài ký / ngày.
PL thật tình không muốn mô tả các món ăn và cách chế biến từ con Chù Ụ dễ thương, bị săn bắt một cách thái quá, chắc có ngày em nó tiệt chủng. Nếu một ngày kia chẳng còn ai thấy cái mặt hài hước của em nó nữa, có phải đời mất vui không? Nếu thiếu vắng đi một sinh vật tám cẳng hai càng, từng mang tên… gương mặt quý bà xã khi…Chù Ụ.😄
Phong Luu 8-11-2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét