Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Truyện ĐỜI PHIÊU BẠT (p2) - Lê Xuân Sang.

ĐỜI PHIÊU BẠT  ( hay ÁO DÀI ƠI ) tập 2

Mấy tay mặt mài bậm trợn ban đầu tư Lê thấy hơi "ớn",nhưng khi tiếp xúc tư thấy.....họ hiền queo. Mà trong góc sâu   tâm hồn của họ cũng chất chứa  nhiều nỗi niềm lắm.
Tư Lê cảm thấy tức cười khi nghe lời giới thiệu của hai Nhỏ khi nói mình là dân "nẫu "  . Không biết từ Nẫu có từ khi nào khi người ta nói về người miền Trung. Ừ, nghe cũng hay hay. Nhưng có chắc tư Lê là dân nẫu hay không? Vì tư được"sinh"ra từ bô rác kia mà. Có biết mẹ cha là ai đâu?
Rồi tư Lê cũng thích thú nhận xét : Sài gòn như cái vùng trũng, các nơi vì hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống ở quê nhà đã đổ về đây với hy vọng    cuộc sống sẽ  khá hơn. Miền Trung cũng chạy vào, miền Tây cũng chạy lên. Từ đó phát sinh những khu ổ chuột, những con kênh nước đen đầy ô nhiễm.

Rồi thời gian giống như chiếc bánh xe, mãi lăn mãi lăn. Vợ chồng tư Lê vẫn miệt mài với nghề may để phục vụ bà con . Thỉnh thoảng thằng Mạnh về Tam Quan thăm nhà, tư Lê gửi lời thăm dì năm Ra và không quên gửi chút quà biểu cho dì để nhớ ơn nghĩa tình những ngày ở trọ. Ngược lại, lúc trở lên Sài gòn, thằng  Mạnh cũng mang quà quê, thường là trái cây gửi cho vợ chồng tư Lê. Dì cũng nói nhớ thằng Lai lắm, "hôm nào vợ chồng bây về Bình Định nhớ dẫn nó theo cho dì năm coi nó lớn cỡ nào nhé." Năm ơi, biết bao  giờ con có dịp trở lại Tam Quan đây?
Theo lời kể của thằng Mạnh thì trận  chiến bữa đó,sau khi vợ chồng tư Lê đi được một ngày thì chiến sự lan tới cái làng nhỏ xanh bóng dừa này. Lúc súng nổ quá gần, dì năm và bà con gồng gánh nhau chạy . Dì năm theo đoàn người chạy về Quy nhơn lánh nạn. Mấy hôm sau êm tiếng súng, mọi người lục đục trở về quê cũ thì bày ra trước mắt cảnh tang hoang  . Có nhà cháy chỉ còn trơ mấy cây cột đen thui, có nhà thấy bên  ngoài có vẻ còn    nguyên vẹn nhưng  bên trong thì trống quơ trống quác. Ngôi nhà của dì Năm cũng cùng chung số phận. Thôi thì chiến tranh là nỗi đau chung của đất nước. Mọi người chung tay nhau dựng lại nhà nơi nền cũ, để tiếp tục cuộc sống.
Nhưng cuộc đời có bao giờ bình lặng như ý tư Lê đâu .

                                             X         X
                                             ‎      x

Đầu năm 75 ,tư Lê cảm thấy hình như chiến tranh tiếp tục . ..... ...bám theo tư Lê tiến gần vào Sài gòn. Theo dõi tin tức trên báo chí và ti vi mỗi đêm, tư cảm thấy bất an. Từ cái lo lắng  vu vơ nghĩ là chiến tranh còn ở rất xa, đến bây giờ trở thành lo lắng thật sự : chiến tranh đã ở sát nách rồi.
Sáng 30.4.1975 nghe mấy bà con trong chợ nói xe tăng quân giải phóng vào tới đầu cầu Phan thanh Giản rồi( bây giờ là Điện biên Phủ ) . Một số người tò mò xách xe chạy đi coi quân giải phóng như thế nào, một số người lo lắng đóng cửa im ỉm trong nhà chờ xem"tình hình".
Đang lưỡng lự không biết tính thế nào thì hai Nhỏ chạy ào vào rủ rê :
- tư Lê ơi, đi coi xe tăng quân giải phóng hôn? Ở nhà làm gì, người ta đi coi đông lắm. Nghe nói họ gần tới dinh Độc lập rồi .
Nghe xuôi tai, tư Lê nói với vợ :
- em ở nhà trông chừng  thằng Lai. Anh đi với anh hai Nhỏ chút xíu về. Nhớ đóng cửa cẩn thận đó.
Thế là tư Lê nhảy phóc lên cái ba - ga  xe đạp của hai Nhỏ.  Hai người nhắm hướng dinh Độc Lập thẳng tiến.
Nhưng tư Lê có biết đâu bữa đó là ngày chia tay vỉnh viễn  vợ con mà không biết bao giờ gặp lại!
Sau khi hoà cùng dòng người lũ lượt đi xem "bộ đội vào Sài gòn" , trời đã quá trưa , hai anh em kết nghĩa đạp xe trở về.
Tới nhà , nhìn cửa khóa ngoài, tư Lê chợt buột miệng :
- Quái, giờ này 2 mẹ con đi đâu cà ?
- thì chắc vợ mày ẵm con đi mua đồ ở trong chợ chứ  gì . Hai Nhỏ trấn an.
Đang không biết vào nhà bằng cách nào  thì chị út trái cây ở kế bên bước ra, tay cầm chiếc chìa khóa đưa cho tư Lê :
- Thiếm tư nó gửi tui cái chìa khóa này nhờ tui đưa lại cho chú.
- Mà nó có nói đi đâu không chị? Tư Lê ngạc nhiên hỏi lại.
Từ hồi nào tới giờ,có bao giờ Ngọc Hân đi kiểu này đâu ! Chị út trái cây lắc đầu :
- Tui hỗng biết nữa. Nghe thiếm nói có viết lá thư gì đó. ..
Tư Lê vội mở cửa bước vào nhà. Sau nhiều năm,nay là lần đầu tiên tư cảm thấy cái không khí vắng vẻ đáng sợ của căn nhà. Không   tiếng  bi bô của của con trẻ, không hơi ấm của con người.
Chợt thấy có lá thư để trên bàn tư Lê chụp vội , đọc ngấu nghiến :
"Thương gửi anh tư
Lần này em và thằng Lai chắc đi thật xa. Em mượn 3 cây vàng để làm lộ phí . Khi nào có điều kiện em sẽ trả lại.
Em còn để lại 5 chỉ để anh hộ thân.
                                                    Thương anh nhiều "
   Bất giác tư Lê hồi tưởng lại mấy lúc gần đây Ngọc Hân có nhiều thái độ khác lạ mà anh không để ý . Thường có tâm trạng bồn chồn lo lắng ,như giấu diếm   điều gì. Thì ra cô ấy có ý định vượt biên ,giờ đã rõ.
   Không biết vì muốn trấn an tư Lê hay an ủi người em kết nghĩa, hai Nhỏ vỗ  vai :
   - Không sao đâu, yên chí. Đi không lọt vài bữa  nó xách túi về đây bây giờ . Thôi tao về. Cũng một phần lỗi tại tao. Nếu không rủ mầy "đi coi xe tăng"  thì đâu có vụ nầy  .
Tư Lê nói trong nước mắt  :
- Anh hai không có lỗi gì đâu. Ý nó muốn đi thì không bữa nay cũng bữa khác ,cản sao được!
Sau khi hai Nhỏ ra về ,tư Lê chạy vội vào buồng, giở vạt giường lên thì quả đúng y chang. Cái hộp thiếc nhãn hiệu Biscuits  giấu dưới vạt giường đựng hơn 3 cây vàng giờ chỉ còn 5 khoẻn!          Số  vàng này  2 vợ chồng dành dụm mấy năm nay dự định mua 1 căn nhà để không còn cảnh ở nhà thuê nữa. Giờ thì mọi suy tính đều gãy đổ .
Một tuần lễ sau hai Nhỏ ghé nhà hỏi thăm tư Lê về tin tức mẹ con Ngọc Hân
- chắc mẹ con nó đi luôn rồi anh hai ơi. Buồn nẫu ruột. Không biết sống, chết ra sao? ! Tư Lê nói.
Hai  Nhỏ sau một lúc suy nghĩ bèn lên tiếng :
- Thằng Mạnh về Bình Định không biết bao giờ mới quay lại, chú  ở đây có một thân một mình. Thôi về quê tui sống đi.
-    Hoà bình rồi   vợ chồng  tui rút về quê phụng dưỡng bà già. Xe bánh mì tui mới sang lại cho người ta ngày hôm qua. Nếu thấy tiện thì theo vợ chồng tui về ngã Bảy  sống. Ở dưới đó tôm cá nhóc, dễ sống lắm . Hết chiến tranh rồi, về quê thôi. 
Tư Lê buồn bã:
- Thôi anh chị  quyết định đúng thì cứ về quê phụng dưỡng bà già  ,còn tui phải ở đây chờ mẹ con nó  trở về.  Nếu tui đi thì mẹ con nó về đây biết đâu mà tìm.
Mấy hôm sau, sầu đời, trời vừa sụp tối, tư Lê cuốc bộ ra góc đường Phan đình Phùng, Cao Thắng  để mua ổ bánh mì thay cho bữa cơm .......chiều, vừa nhớ lại cái xe bánh mì của hai Nhỏ.  Vì hiện sống một thân một mình nên tư  làm biếng nấu cơm . Ăn qua loa  cũng xong bữa.     
Thời đó, ai đi ngang góc đường Cao Thắng - Phan đình  Phùng  thấy xe bánh mì số Zách của hai Nhỏ đều phải dừng lại mua ít nhất 1 ổ.   Hình ảnh đập vào mắt mọi người là ngoài thùng xe có vẽ bàn tay nắm lại với ngón cái chĩa lên trời , bên dưới là chữ SỐ ZÁCH thiệt lớn.     
         Bánh mì của hai Nhỏ nổi  tiếng nhờ món nhận, nhất là món pa tê  ( pâté) không chê vào đâu được. Hương vị đặc trưng, đậm đà của nó khiến ai mới ăn lần đầu đâm nghiện và cứ ghé hoài.
 Nhưng sao hôm nay, cũng xe bánh mì Số Zách này,cũng bánh mì nhận pa tê này       mà  tư Lê ăn vào thấy nó không có vị đậm đà như trước. Hay vì thiếu bàn tay điêu luyện, sành điệu của hai Nhỏ? !
 Thằng Mạnh sau thời gian về quê phụ  giúp mẹ    ổn định nhà cửa, nay dẫn lên thêm thằng em vừa mới đậu  đại học ở chung nhà. Lúc nầy tụi nó cũng ít ghé thăm tư Lê vì thời gian đầu sau giải phóng, sinh viên rất bận rộn trong công tác phong trào , "mùa hè xanh ",về thôn quê lao động giúp bà con nông dân, rồi học tập chính trị, sinh hoạt đoàn, nhóm. .v..v. ..  vì vậy cửa nhà tụi nó lúc nào cũng đóng  im ỉm.
 Xóm chợ Vườn chuối, khu bàn cờ sau 30.4.1975 gần như thay da đổi   thịt. Người ở đây lâu năm, một số lớn về quê như trường hợp hai Nhỏ, thay vào đó là những gương mặt mới không biết từ đâu tới. ...trám chỗ. Kể cả những người từ ngoài Bắc vào làm " cư dân mới ".
 Cuộc sống dần dần  ồn ào, sinh động trở lại nơi khu chợ này . Người sống cứ sống, người chết cứ chết, người đi ,   kẻ đến,     bánh xe lịch sử , bánh xe luân hồi cứ lăn, mãi lăn. ...nhưng lòng tư Lê vẫn cảm  thấy buồn vô cùng. Nhớ  lại những ngày hạnh phúc bên vợ con mà anh không bao giờ quên.
 Bẳng đi thời gian chừng 2 năm,   một hôm đang lui cui nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm chiều thì một dáng người cao to ,   đen  đúa     xồng xộc bước vào . Tư Lê quay ra buộc miệng :
 - Hai Nhỏ!
Mừng mừng tủi tủi, tư Lê ôm  chầm lấy người anh kết nghĩa. Đúng là hai Nhỏ rồi, không lẫn vào đâu được ! Có điều hiện giờ da ngâm đen hơn . Tư nói như hờn mát :
- Dữ  hôn, tưởng anh quên thằng em này rồi. ...
Hai Nhỏ cười hề hề :
- Quên sao được . Lần này tao lên là có ý rủ mầy về quê tao mà sống. Mình nông dân thì trở lại kiếp nông dân là hợp gu rồi. Hiện vợ chồng tao sống rất ổn định. Phụng dưỡng bà già. Hai thằng con cho đi học ở trường gần đó. Về với tao đi, cá tôm ở đó nhiều lắm, tha hồ. .....
Rồi hai Nhỏ hỏi thăm :
- Vậy lúc nầy tình hình mần ăn của chú sao rồi?
-  Bết bát lắm anh hai ơi. Tư Lê  đáp ,  Sau 75, mấy ai còn mặc áo dài nữa! Ca sĩ lên sân khấu gần như không thấy mặc áo dài nữa. Còn mấy cô công chức thì treo áo dài trong tủ để. ....làm kỷ niệm một thời  . Họ đi làm bằng áo bà ba ,quần sa ten ống rộng hoặc quần lãnh Mỹ A. Có cô lịch sự một chút thì vận quần tây, áo sơ mi, dép lê. Về cánh cô giáo và  học sinh trung học      thì khỏi nói, có gì. ..... mặc nấy, chẳng áo dài mà  cũng chẳng đồng phục gì ráo! Lúc nầy nghề may áo dài của em. ....ngáp ruồi anh hai ơi!
Hai Nhỏ cười khoái chí   :
-Vậy là phải rồi, chú mầy theo anh về quê thôi.
Đêm đó hai Nhỏ ở lại nhà tư Lê. Hai anh em tâm sự suốt đêm mà hình như chưa hết chuyện. 
Sáng ra tư Lê quyết định theo hai Nhỏ về Hậu giang, thêm một bước đi   tới    nơi ở mới  đang chờ đón  bước chân tư.

LÊ XUÂN SANG

      (Hết tập 2,mời xem tiếp tập 3 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét