Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Tản mạn : NHỨC NHỐI CON TIM (p2)- Tràm Cà Mau




NHỨC NHỐI CON TIM (p2)

Về sau, tôi nói điều nầy với ông bác sĩ chuyên môn bệnh tim, ông cười và mĩa mai tôi. Vì các thử nghiệm đó, không thể kết luận nghẹt mạch máu tim. Chỉ khi nào làm thử nghiệm soi mạch máu (angiography) mời biết rõ có nghẹt hay không. Bác sĩ gia đình cho tôi uống thuốc trừ mỡ trong máu (cholesterol), uống mỗi ngày, uống đều đều. Một hôm tôi đọc được tài liệu cho biết, uống thuốc trị mỡ lâu ngày, có thể đưa đến bệnh gan trầm trọng. Bạn tôi cũng dọa tôi về bệnh gan, đưa cho tôi nhiều thống kê đáng sợ về những người bị hư gan vì uống thuốc đau tim. Có lẽ tôi thiên vị, thương lá gan hơn thương trái tim, cho nên tôi ngưng uống thuốc trừ mỡ.
Sau đó, tôi thường nghĩ, đâu cần uống thuốc trừ mỡ, không uống, tôi vẫn sống nhăn răng ra đây, có can gì đâu. Cho đến một hôm, tôi thấy cánh tay trái mỏi trong bắp thịt, hơi tê tê, nhói nhói. Tôi tưởng vì cắt tỉa mấy cây hường mà ra. Nếu đau tay vì tỉa hoa, thì phải đau tay mặt mới đúng, nhưng tôi cố giải thích sao cho tự yên tâm mình. Nghĩ rằng, rồi bắp thịt sẽ hết đau. Nhưng sau đó, nhiều hôm đang tập thể dục nữa chừng, thì mệt dữ dội, phải ngưng tập năm bảy phút mới tập lại được. Sau đó, mỗi lần xách cái gì nặng, cũng mau mệt khủng khiếp. Những lúc đi ra ngoài trời lạnh, thì mệt ngất, đi không được, phải quay về. Thêm vào các triệu chứng đó, là thỉnh thoảng nghe nhói trong tim, ở ngực, nhưng không xác định được chắc chắn đau chỗ nào. Có đêm đang ngủ, nghe nhói tim thức giấc dậy. Những lúc nầy, là tim đau, nếu được “thăng” ngay, thì khỏe khoắn và nhẹ nhàng lắm. Không đau dớn chi nhiều cả.
Với những lời khai bệnh như trên, ông bác sĩ gia đình vẫn cười, cho rằng chưa đáng chuyển qua bác sĩ chuyên môn, và chỉ cho uống thuốc. Dù ông nầy rất tử tế, rất tốt. Khi tôi khai có ngày bị đau nhói trong ngực và mệt đến hai ba lần, ông mới chuyển qua bác sĩ chuyên môn về tim. Qua lời khai, ông bác sĩ nầy biết ngay là tôi bị nghẽn mạch máu tim. Ông giải thích, và cho tôi biết có 3 cách chữa trị.
Thứ nhất là uống thuốc để cầm cự. Thuốc không chữa được bệnh, mà chỉ làm mạch máu giản to ra, cho máu dễ lưu thông hơn, khi nào không uống thuốc, thì mạch máu không gỉản, và lúc đó có cơ nguy.
Cách thứ hai là đút vào chỗ nghẽn một cái ống kim loại như cái lò xò lưới, rồi cho ống phình ra, ép chất mỡ vào thành mạch máu, để máu có thể lưu thông qua “ống cống” đó.
Cách thứ ba, là lấy ống tĩnh mạch ở chân, rồi nối bắc cầu băng qua chổ nghẽn, cho máu lưu thông theo đường mới.
Cả ba cách, chất mỡ vẫn còn nằm đó, nguồn bệnh vẫn còn đó, nhưng máu huyết được lưu thông, thì bớt đau, hoặc bớt nguy hiểm cho tính mạng. Ông hẹn ngày, và nói sẽ đút cái “ống cống” vào mạch máu cho tôi, dễ lắm, chưa đầy nữa tiếng thì xong. Chỉ nằm bệnh viện một hôm rồi về nhà. Tôi yên chí lớn. Sá gì một hai cái ống kim loại nằm trong thân thể. Đúng ngày hẹn, ông bác sĩ cho đè tôi ra, cắt mạch máu ở háng, đút cái ống thông lên tận tim. Thật lạ, tôi không thấy đau đớn chi cả. Chỉ khi ông bơm thuốc nhuộm vào mạch máu qua cái ống, thì cảm thấy nóng nóng, ấm ấm. Tôi nhìn vào màn truyền hình, thấy màu đen tỏa ra nhiều nhánh như hệ thống thượng nguồn của sông rạch. Ông bác sĩ chỉ cho tôi chỗ mạch máu bị nghẹt. Ông nói, mạch nầy đã nghẹt 100% nếu không thì sẽ thấy máu đi vòng qua bên kia. Ông cho biết hai mạch bị nghẹt nặng, một mạch khác bị nghẹt 60%. Không thể đặt “ống cống” thông (sten) được. Ông cắt cử bác sĩ giải phẩu cho tôi, và định luôn ngày mổ banh ngực. Tôi cũng hơi ngạc nhiên, và không ngờ tình trạng trái tim của mình tệ đến thế. Rồi tôi làm đủ các thủ tục. Được dặn dò điều gì phài làm trước ngày lên bàn mỗ. Cho tài liệu đọc, để biết sơ sơ về mổ cái gì, mổ ra làm sao, và làm cái gì trong lúc mổ.
Để biết lý lịch và kinh nghiệm của ông bác sĩ sắp giải phẩu cho tôi, tôi mở internet ra, vào Google, rồi đánh máy tên ông bác sĩ vào. Mở cái web có tên ông ấy ra, tôi sẽ biết rỏ năm sanh, học trung học ở đâu, đại học ở đâu, tốt nghiệp năm nào, làm ở nhà thưong nào bao nhiêu năm, làm gì, đưọc huy chưong, tưởng thưởng nào. Tôi không ngờ, ông bác sĩ sẽ mổ cho tôi, là trưởng khoa tim ở bệnh viện tôi sắp nằm, và ông nầy có rất nhiều kinh nghiệm trong việc mổ tim. 
*************
Tôi về nhà, lục internet xem về mổ tim. Qua mạng lưới Google, tôi tìm mục mổ tim (open heart surgery), tìm ra được rất nhiều bài viết, phim chiếu rất rõ ràng, hay. Có nhiều mục chiếu video cuộc mổ tim. Chiếu từ khi rạch ngực, cưa đôi cái xương sụn nối với các xương lồng ngực, banh lồng ngực ra, và khâu vá, mổ, đóng lại. Xem thì hơi ớn, vì thấy ghê quá, banh toác bộ xương sườn ra, mà mằn mò, khâu vá như một ông thợ may vụng về tập may, trong khi trái tim vẫn đập thoi thóp co bóp. Nếu không “cóc cần” mọi sự, thì e cũng lo lắm. Ai sắp mổ ngực, nếu sợ chết, thì đừng xem các video nầy mà sợ. Không thấy, không biết, thì yên tâm hơn. Đỡ sợ.
Trước khi mổ tim mấy ngày, bệnh viện dặn dò tôi làm phải giữ gìn sức khỏe kỹ lưỡng, đừng để bị ho hen, cảm cúm, Vì nếu bị bệnh khác, thì cuộc mổ sẽ hoãn lại, hoặc bị nhiểm trùng trong khi mổ, rất khó bình phục và nguy hiểm. Họ phát cho tôi khá nhiều tài liệu để đọc, nhiều giấy tờ dặn dò làm việc gì trước, việc gì sau, phải ghi xuống giấy để nhớ theo thứ tự. Cái bàn của tôi, vung vải giấy tờ lộn xộn. Biết là có thể “đi đong” cái mạng già trong cuộc giải phẩu, tôi làm một bảng liệt kê nhắc nhở và dặn dò bà xã phài làm gì, làm gì, nếu tôi không còn nữa. Điều cần nhất là đừng có khóc lóc, buồn bả, vì chết cũng là một tiến trình của đời sống. Đừng có làm đám tang um sùm, đừng tụng kinh gõ mõ cầu siêu, cũng đừng cáo phó, đừng vòng hoa, đừng hòm tốt. Giản dị đem thiêu, rồi lấy tro. Sau đó, làm gì với mớ tro đó cũng được.
Trước khi mổ mấy hôm, tôi giữ gìn vệ sinh kỹ lắm. Mặc thật ấm áp, ăn uống điều độ, ăn chất hiền lành, ngủ nghê đầy đủ. Ít dám đi ra ngoài, tránh đám đông. Thế mà trước khi mổ hai hôm, gia đình đứa cháu kêu điện thoại, nói là còn chừng bốn mươi lăm phút nữa thì sẽ ghé thăm. Họ đi xa bốn trăm dặm để thăm tôi, lẽ nào từ chối được. Họ nói là nghe cậu sắp đi mổ, đến thăm và chúc may mắn. Tôi và vợ vôi vã dọn dẹp lại căn phòng khách bừa bãi, lộn xộn, quét nhà, lau chùi, đang bệnh mệt, lại mệt thêm, giữa mùa đông mà mồ hôi vã ra. Mấy lần vợ chồng mệt quá, gắt nhau. Cả gia đình đưá cháu gồm năm người, vừa ho hen, vừa hít mũi sụt sịt. Họ ngồi trong phòng khách mà nhảy mũi lia lịa, làm bà xã tôi sợ hải, tái mặt. Tôi cũng ngại mình bị nhiễm bệnh, chỉ cười mà không dám nói ra. Họ ngồi chơi chừng một tiếng đồng hồ. Tôi cũng mệt lắm, nhưng không dám đi nằm. Sau khi gia đình đứa cháu đi rồi, chúng tôi vội vàng bày lại giấy tờ cần thiết ra bàn lại, và nhất định không bốc điện thoại. Ai kêu cũng không bắt. Bệnh viện có gì khẩn cấp thì nhắn lại trong máy. Bây giờ, tôi mới có cái kinh nghiệm là đừng đi thăm ai trước khi họ sắp lên bàn mổ, và đừng thăm họ sau khi họ mổ xong về nhà. Vì thời gian nầy, sức khoẻ của họ rất mong manh, rất dễ bị nhiễm trùng từ người khác. Vã lại, họ đang mệt, đừng làm họ mệt thêm, mình thì vì thương mến họ, đến thăm viếng, nâng đỡ tinh thần, và nếu không thăm, thì sợ bị trách là vô tình. Nhưng nếu chờ họ bình phục rồi đến thăm thì tốt hơn, vui hơn.
Bệnh viện hẹn tôi 5 gờ sáng. Tôi phải dậy lúc 3 sáng giờ sửa soạn, 4 giờ thì anh bạn hàng xóm lái xe đưa tôi đi. Đến nơi, bệnh viện còn đóng cửa. May nhà tôi không xa bệnh viện, có nhiều bệnh nhân phải ngủ tại khách sạn đêm trước đó, để kịp giờ hẹn. Những y tá, nhân viên làm thủ tục giấy tờ trước khi lên bàn mổ rất dịu dàng, vồn vã, tử tế. Cũng làm cho tôi cảm thấy vui trước khi lên bàn mỗ. Nhắc tôi rằng, đời còn có nhiều người dễ thương lắm. Một ông y-tá già, cầm cái dao cạo điện, hỏi han tôi ngọt ngào, và ông bắt đầu cạo lông lá cho tôi, cạo từ dưới háng cạo lên bụng, ngực. Trơn tru, sạch sẽ. Ông vừa cạo vừa mĩm cười. Sau đó, tôi được đẩy vào phòng mỗ. Trên đường vào phòng mỗ, tôi nghĩ rằng, mình đã về hưu được đúng hai năm, đã được nghỉ ngơi, thong dong, đi chơi, vui thú, làm biếng, không lo lắng, không bận rộn, nhàn nhã, thảnh thơi. Thế thì hôm nay, nếu cuộc giải phẩu thất bại, cái thân nầy được chở xuống nhà xác, thì cũng khỏe, không có gì để tiếc nuối cả. Nghĩ thế, tôi sướng quá, và cười thành tiếng. Ông y-tá đẩy xe ngạc nhiên, chắc chưa thấy một “thằng điên” nào vui vẻ cười tươi như vậy trước khi được mổ tim, nguy hiểm đến tính mạng. Ông hỏi tôi cười cái gì, giờ nầy mà còn cười được, không lo lắng hay sao. Tôi cho ông biết lý do tại sao tôi cười sung sướng, ông vỗ vào chân cái bộp, và khen tôi chí lý.
Thực tâm mà nói, thì sống chết đối với tôi, cũng không quan trọng lắm. Không chết trẻ, thì chết gìa. Không chết bây giờ, thì sau nầy cũng chết. Con người phải già, phải chết, để cho các thế hệ trẻ lớn lên thay thế, thế giới sung sức hơn. Cứ thử giả dụ như, con người không chết, thì bây giờ, cả thế giới đầy cả người già lụ khụ, già chiếm chín phần, trẻ chỉ một phần. Thế giới nây toàn ông bà già mấy trăm tuổi, chống gậy lê từng bước, xe lăn đầy phố phường, đường xá. Thế thì lấy ai mà sản xuất, nuôi nấng nhân loại. Bởi vậy, tôi bình tỉnh, và nghĩ rằng được sống cũng vui, mà được chết, cũng vui không kém.
( Còn tiếp )

TRÀM CÀ MAU.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét