Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Tùy bút : SÀI GÒN TRONG TRÁI TIM TÔI - St trên FB.






SAIGON TRONG TRÁI TIM TÔI..

          Tôi chính thức là dân Saigon năm tôi lên 4 tuổi . Nhưng từ lúc giáp thôi nôi thì tôi cũng đã từng sống quanh quẩn ở Saigon . Những biến động theo dòng lịch sử như ngày 01.11.1963 hay mùa mùa Xuân năm Mậu Thân 1968 tôi cũng có ít nhiều trông thấy qua cái nhìn ngơ ngác của trẻ thơ ,hay theo những dòng chữ nghệch ngoạc , lem luốc  trên những trang giấy báo in chỉ một màu mực đen duy nhất bốn chữ TỰ Ý ĐỤC BỎ.

         Những hình ảnh xuống đường của thanh niên Học Sinh Sinh Viên ,của những người lao động thợ thuyền hay của những nhà sư dấn thân vào đường chính trị vì lý do gì thì chỉ những nhà sư nói trên mới là người thấu hiểu . Như cuộc đời của ông Thượng toạ Thích Trí Quang vừa viên tịch  hôm 08.11.2019 tại chùa Từ Đàm Huế . Một ngôi chùa đầu tàu gây nên cuộc chính biến chấm dứt triều đại cai trị nền dân chủ đệ nhứt cộng hoà của gia đình vị tổng thống họ Ngô Đình .
           
         Một tuổi thơ êm đềm đuổi hoa bắt bướm , cũng có những buổi chiều trốn học để rong chơi , về nhà bị đòn mếu máo khóc nhè , nước mắt đầm đìa lăn dài trên gương mặt vì sợ đòn roi, rồi vụt chạy cười dòn nắc nẻ khi được xí xoá khỏi đòn roi.
           
       Một tuổi thơ đêm đêm nằm nghe tiếng đạn bay xé không gian , hay những khi tiếng đạn bác rú gầm vang vọng ở xa xa , những đêm hoả châu sáng rực cả nữa góc trời . Những xác chết của thú nuôi và lẫn cả con người nổi lình bình trên dòng nước xanh trong của con kinh Tàu Hủ , những  tiếng nổ đì đùng của nòng pháo 12 ly 7 từ chiếc tàu sắt Hải Quân bên cạnh gốc Cây Đa già , nằm cạnh bến đò Bình Tây bắn sang, làm cháy sạch cả cái xóm nghèo ngã ba Cồn Trấu ,cái xóm nghèo ven đô mà dân có tiền không bao giờ muốn đến .
         
         Đến những cái giựt nẫy người nhảy dựng lên rồi nằm im Vĩnh viễn  của những anh lính sư đoàn 7BB bên vệ đường Thiệu Trị gần ngã tư Phú Lâm ,trước cửa trường tư thục tiểu học Huệ Tâm , xưởng cơ khí Phan Thanh Tòng trong đợt công kích lần thứ 2-3 mùa xuân Mậu Thân  năm 1968 đã in hằn trong ký ức tuổi thơ của tôi mà không thể nào bôi xoá được .
         
        Saigon thời đó có những con đường có lá me bay , mà nhiều nhà văn thêu dệt ca tụng với những mối tình thơ ngây của tuổi học trò ,trên những cuốn tiểu thuyết mini Tuổi Hồng , Tuổi Ngọc mà ngoài bìa có những bức tranh minh họa của họa sĩ Vivi . Nhưng đối với tôi thì me chỉ là một loại cây ăn trái nếu là me non , me đậu phọng . Còn me ván ,me chua thì dùng để nấu canh ,nhất là lá me non dùng để nấu canh chua với cá úc hay là cá chốt thì ngon tuyệt cú mèo , hơn những gì mà các nhà văn đã tả

      Hay những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo loang lỗ , những ổ voi , ổ gà ứ đầy nước mưa đỏ lòm sền sệt ,  khi những chiếc xe thổ mộ chạy qua lún lầy , khiến con ngựa già hý vang vì kéo xe lên còn không muốn nổi , mỗi khi xe đi ngang chòng trành thiếu điều lật ngữa , khách bộ hành phải nắm níu lẫn nhau , rồi chợt ngượng ngùng phát hiện ra người mà mình bám chặt lại là một người dưng khác họ lạ hoắc , lạ hươ .
             
         Saigon hồi xưa đường không to nhưng thoáng và rộng , vì người qui hoạch luôn dành một không gian mênh mông cho nhà dân và khách bộ hành bằng hai dãy hành lang an toàn là những vỉa  hè gần gấp đôi con lộ chính . Có vỉa hè lót gạch bông khía , có nơi lót bằng đá hộc chẻ ,có nơi tráng bằng đá rửa sỏi được khai thác từ các mỏ ở miệt Bình Dương . Chớ không có những con đường lộng lẫy xa hoa ,lót vỉa hè bằng đá garnit nhưng tình nghĩa con người nhạt thếch còn thua nước ốc luộc .
           
         Và Saigon hồi xưa cũng có khá nhiều con đường ,được phủ bằng những hàng cây xanh rộp trời che bóng mát , ngoài những hàng cây me thì có những hàng sao ,sến,  hàng cây sọ khỉ hay những hàng cây dầu ráy cao chót vót ,vươn những cành nhánh dài thậm thượt phủ kín cả một góc trời mơ ước . Ở dưới những tàn cây có những nhà chờ trạm dừng xe buýt , có những xe đẩy cóc ổi , mía ghim , sương sa hột lựu , có những xe gỏi đu đủ trộn khô bò , ruột vịt chua chua và cay xé họng khi khách choai choai đòi phải chan thêm mắm ớt , của những chú chệt già mặc quần tà lõn rộng thùng thình ,khoác chiếc áo 3 túi để đựng tiền ,đầu đội cái nón cối bằng nhựa màu trắng mà nay nó đã ngã qua màu ngà ,vì mưa nắng trái trời bao năm tháng , thường hay xí xoá cười xoà khi lũ tiêu yêu vòi thêm món nầy món nọ .

          Tôi nhớ lắm những vòi nước công cộng trên vỉa hè đường Thiệu Trị , trước cửa hãng giấy Thanh Bình  hồi năm Mậu Thân 1968 , thỉnh thoảng lúc yên bình sau công kích bắn nhau , đám nhỏ ở trại tạm cư lạ hoắc ,lạ hươ , rồi bổng chốc trở thành quen thân , sẵn lòng chia nhau vài cục kẹo , hay dùng chung hộp nho Mỹ mà cả đám nhảy dựng reo hò réo gọi hai tiếng Ô Kê , khi đoàn công voa lính Mỹ chạy qua trước cổng sân trường Mạc Đĩnh Chi quăng xuống , ăn xong khát nước chạy ù qua mở vòi uống vội . Nhớ nhất là hai cái phông tên nước bên đây và bên kia cầu Rờ Nôn (Renault) trước cổng hai ngôi chùa Phước Long và Phước Thạnh , mà sau 4 năm mài đũng quần ở ngôi trường Quốc Việt , có những buổi trưa tan trường nắng cháy da đầu ,mà trong túi không tiền,  khát khô cổ họng ,quăng chiếc xe đạp vội bên đường rồi nhoẽn miệng cười cầu hoà xin các chị , các dì cho há họng vô vòi uống hụp hửi , nước mắt nước mũi chảy ròng vì bị sặc bởi nước chảy quá mạnh không bớt được , vì cái rô bi nê đã hỏng lâu ngày mà không ai thèm sửa chửa , vì trụ nước có ngừng được lúc nào đâu mà phải khoá .
           
        Saigon hồi xưa đất có chật không , nói thật lòng thì cũng có chổ có , chổ không . Người ta chen chúc nhau sống ở nội đô vì an toàn xa chiến sự , chớ rìa ven đô thì trái lại đất rộng người thưa . Đô thành Saigon hồi xưa chưa tới 2 triệu dân . Sống rải đều trên 8 quận rồi sau mở rộng ra thành 11 quận đô thành , theo dòng người khắp các nơi lũ lượt rời bỏ xóm quê , làng mạc ruộng vườn , mồ mả ông bà quê cha đất tổ , nhằm né tránh cảnh đạn lạc bom rơi .
         
        Rồi sau này lớn khôn lên thì những quán cóc vỉa hè , nơi bán cà phê vợt , cà phê phin , ở những góc phố ngã ba , ngã tư đường có một ông lão già nua , hay chị phụ nữ ngồi co ro rồi bất chợ gục đầu ho rũ rượi bên những tủ nhỏ thuốc lá lẻ ven đường , vì cái lạnh , lùng bùng bởi những làn gió bấc hiu hiu chuẩn bị cho mùa xuân về tết đến

        Tôi nhớ lắm những đêm khuya lúc 2-3 gIờ sáng nơi bến tạm ngã tư Bình Tiên , cả đám tài xế trẻ già ngồi quây quần uống những ly cà phê rang , mà mùi bắp khét đen còn nhiều hơn hương vị cà phê , hay những ly trà Huế chẳng có vị , có mùi còn nghi ngút khói , Ngồi để đợi để chờ rước những khách bạn hàng Saigon , chở ra bến xe đò xa cảng miền Tây ,để kịp chuyến xe tài đầu , về các tỉnh đồng bằng mua mấy món hàng mà người dân Saigon ưa chuộng , cái thuở mà giới con buôn đều chắc lưỡi kêu trời vì món hàng nào cũng là hàng quốc cấm , dù đó là những ký gạo , để nuôi sống con người trong thời củi quế gạo châu của cái năm lũ lụt miền Tây , kèm theo cái lạnh run người mùa đông năm 1979 .
       
        Rồi chợt ngậm ngùi khi nghe băng cassette nhà ai vọng lại bài hát của nhạc sĩ Y Vân Saigon đẹp lắm Saigon ơi ! Saigon ơi .....

Saigon hai mùa mưa nắng 2020
(Ảnh trên mạng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét