Cựu Học Sinh Ngô Quyền Vĩnh Biệt Thầy Hà Tường Cát
Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
Bùi Giáng (1926-1998)
Chân dung Thầy Hà Tường Cát phác họa bởi NQ K9 Bùi Thị Duyên (Michigan)
Đậu vào lớp 6 Ngô Quyền thời gian sắp mất nước, chúng tôi không có hân hạnh là học trò của Thầy Hà Tường Cát, thậm chí nhiều bạn còn không biết mặt Thầy. Nhưng tất cả chúng tôi đều nghe nói đến tên Thầy qua các anh chị "niên trưởng" có tham gia phong trào Du Ca, hoặc Đoàn Thanh Niên Thiện Chí.
Đầu thập niên 70, đất nước đang có chiến tranh, nhưng học trò được rèn luyện bằng nền giáo dục nhân bản, nhất là môn Công Dân Giáo Dục, dạy chúng tôi cả trí và đức.
Học trò thời đó, dù mới bắt đầu đi học (lớp 1) hay sắp sửa bước xuống cuộc đời vốn dĩ không bình yên như trong khung cửa lớp (lớp 12) đều nhớ câu "nửa chữ cũng thầy" để kính trọng tất cả Thầy Cô đã dạy mình thời đèn sách.
Thầy Hà Tường Cát còn được các anh chị học lớp trên nhớ đến không những chỉ là một Thầy giáo dạy Sử Địa và Toán, mà còn là một huynh trưởng trong phong trào Du ca mang lại hào khí dân tộc và nhiệt tình xây dựng đất nước cho học trò.
Trường Trung học Ngô Quyền -Biên Hòa- ngày xưa có cả một dàn đại hợp xướng với trường ca "Con đường cái quan" của Phạm Duy đã đưa người nghe, đi dọc theo quê hương từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Các anh chị học sinh Ngô Quyền lớp 11 và 12 lúc đó dưới sự hướng dẫn của Thầy Hà Tường Cát, và những người bạn trong nhóm Du ca của Thầy, đã hát bằng cả tấm lòng với quê hương và đất nước, bằng nhiệt tình của tuổi mới lớn.
Thầy cũng hướng dẫn học trò tham gia "Đoàn Thanh Niên Thanh Niên Thiện Chí” góp tay vào việc giúp những người không may vì thiên tai, hay chiến tranh.
Học sinh Ngô Quyền giai đoạn 1956-1975 đều biết góp phần trong việc phân phát vật phẩm cứu trợ ở các trại tạm cư; dạy học thiện nguyện ở các cô nhi viện địa phương. Những điều tốt đẹp đó đã thành "nếp" theo chúng tôi suốt cuộc đời, ngay cả khi phải sống đời lưu lạc.
Thầy Hà Tường Cát không chỉ dạy Sử Địa, và Toán cho học trò bằng chuyên môn của một người tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn mà còn đưa vào tâm hồn chúng tôi lòng yêu quê hương, lòng quan tâm đến người khốn khó.
Bên đời lưu vong ở quê người, dù bận rộn với việc làm báo, nhưng Thầy vẫn dành thời gian quý báu cố vấn Ban Chấp Hành Hội cựu Học sinh Ngô Quyền, duy trì sinh hoạt hàng năm, kết nối Thầy trò Ngô Quyền trên khắp thế giới qua trang www.ngo-quyen.org hơn 20 năm qua.
11 năm lao lung trong các trại "tù cải tạo" ở Gia Trung (Kontum), Hàm Tân (Bình Thuận) sau tháng 4 năm 1975, đã tàn phá sức khỏe của Thầy nhưng không làm hao mòn nhiệt tình của Thầy với đất nước , và học trò.
Ở tuổi ngoài 70, Thầy vẫn thỉnh thoảng thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình Thầy đã góp phần nhen nhúm trong lòng các cựu học sinh năm xưa bằng kinh nghiệm nhiều năm là một nhà giáo, một huynh trưởng trong các phong trào Du ca, và Thanh niên Thiện chí.
Thưa Thầy, tiễn Thầy về với hạc nội mây ngàn, các anh chị cựu học sinh Ngô Quyền ở Nam California sẽ thay mặt chs Ngô Quyền ở khắp thế giới kính cẩn chào Thầy lần cuối như như ngày xưa tụi em vẫn đứng dậy chào Thầy mỗi đầu giờ học.
Tụi em xin hứa với Thầy, tụi em không những chỉ giữ được lửa nhiệt tình với đất nước, mà còn truyền được ngọn lửa năm xưa Thầy thắp sáng trong lòng tụi em đến các thế hệ kế tiếp.
Thầy đi thanh thản, yên lòng ở thế giới vĩnh hằng.
Chắc chắn, Thầy sẽ có một vị trí trân trọng trong lòng nhiều thế hệ học trò.
Nguyễn Trần Diệu Hương (California)
NQ K15
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét