Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

Hồi ký : TUI ĐI XEM PHIM - Lê Xuân Sang.

 




Hồi ký: TUI ĐI XEM PHIM

Nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ thấy bây giờ khác ngày xưa nhiều quá về cái khoản “coi phin” mà giới bình dân hay gọi.

Nếu truy nguyên từ gốc tiếng Tây tiếng U thì nó do từ chữ film mà ra. Thế nhưng ở miền Nam trước năm 1975 hổng có ai nói đi “xem phin” hết á, mà gọi là đi coi "chớp bóng", đi xi nê , hoặc xi-nê-ma   cũng từ tiếng Pháp cinéma mà ra.

Theo tiếng Pháp thì cinéma là nơi thính đường rộng lớn,trong đó người ta thiết kế nhiều ghế ngồi dành cho khán giả và phía trước mặt khán giả là cái phông màn thiệt lớn bằng vải trắng ( nên còn được gọi là “màn bạc”)       để hình ảnh được chiếu lên đó. Ở trên lầu,phía sau lưng khán giả là cái phòng chứa máy chiếu phim. Trên vách tường người ta trổ mấy ô vuông nhỏ để hình ảnh từ máy chiếu  phóng to rồi    rọi thẳng xuống màn bạc.

Ở mấy tỉnh khác không biết sao chứ riêng tỉnh Biên hoà ,theo tui được biết hồi nhỏ thì trước khi một phim nào được công chiếu,người ta pré ( chuẩn bị) rất công phu trước đó một tuần. Nào là thợ vẽ ( bằng bột màu) poster phim     trên những tấm pa nô to cỡ 3mX 4m rồi treo trên cao trước rạp,đồng thời có xe ngựa hay xe cam-nhông-nết (camionnette= xe tải nhỏ) gắn 2 tấm pa nô 2 bên xe ,chạy khắp đường phố để quảng cáo. Trong lúc xe chạy chầm chậm ,họ đánh trống,khua chiêng và     rãi giấy giới thiệu nội dung phim. Hồi nhỏ bọn  con nít  tui thường gọi là xe “tùng chen” ,vì từ xa đã nghe tiếng và  chuẩn bị đứng ở lề đường chờ xe tới hoặc chạy đuổi theo xe để xin cho được tờ chương trình,rất vui, trong đó có ....tui. 😀

Ngày trước( trước năm 1968) ở Biên hoà chỉ có 2 rạp hát là Biên Hùng và Vạn khánh Hưng. Biên Hùng nằm ngay trung tâm Biên hoà,trên đường Quốc lộ 1 ,     thuộc xã Bình Trước. Rạp này chiếu đủ các thể loại phim của các nước Anh,Mỹ, Pháp, Nhựt,Hồng Kông, Việt Nam,...,còn Vạn khánh Hưng chuyên chiếu phim Ấn độ có chuyển âm tiếng Việt( bây giờ gọi là lồng tiếng)    theo kỹ thuật RIP. Rạp Vạn khánh Hưng nằm ở ngay chợ Biên hoà, sát bến xe ngựa,xe lam.

Đặc biệt, 2 rạp nầy là loại “ lưỡng dụng”. Tuy chiếu phim nhưng thĩnh thoảng có đoàn ca nhạc ( hồi đó gọi là đại nhạc hội) ,hoặc đoàn cải lương nào tới thì chủ rạp cũng cho thuê để diễn.

Ba tui là tín đồ xi nê, còn má tui là tín đồ cải lương. Hễ có phim nào hay(nhất là phim hành động, cao bồi cưởi ngựa) là ba hay dẫn tụi tui đi xem. Tui còn nhớ anh xét vé ở rạp Biên Hùng là người Việt lai Ấn. Vé lúc đó bán theo "chế độ" con nít bằng nửa giá vé người lớn, còn gọi là vé "đờ mi". Mỗi lần đi xem ba dẫn theo 3,4 đứa anh em tui nhưng ba mua chỉ 1 vé người lớn và mấy vé trẻ em, mặc dù có quy định trên 8 tuổi phải mua vé người lớn. Lúc đó tụi tui đều trên 8 tuổi hết trơn😄.

Vừa đưa vé cho anh Việt Ấn kiểm soát, ba vừa đẩy tụi tui ào qua cửa. Anh Việt Ấn nhìn theo lắc đầu vừa cười như mếu:

-ông giáo làm vậy chết tui ! 

Hehe.

Còn má, mỗi lần có đoàn cải lương nào hay má cũng dẫn tụi tui đi coi. Hồi đó kỹ thuật thiết kế sân khấu cũng thuộc trình độ giỏi. Trước khi sắp tới cảnh nào hoành tráng thì họ hạ phông vải xuống để nghệ sĩ diễn một màn gì ngắn gọn ở phía trước, còn ở phía sau thì lực lượng hậu trường"bày binh bố trận"thí dụ như cảnh rừng núi, cảnh thác đổ, cảnh cung điện ,triều đình...v.v... Khi đâu đó xong xuôi, họ tắt đèn sân khấu cái bụp, kéo phông vải lên rồi bật đèn sân khấu trở lại  thì hiện ra cảnh lộng lẫy hoành tráng(cái này chỉ diễn ra tích tắc, gọi là chuyển cảnh). Họ còn làm mây bay, trăng khuyết đang chầm chậm di chuyển rất hay.

Rồi phong trào phim chưởng ở thập niên 70, cải lương cũng biến chuyển theo thời cuộc. Trong một số tuồng cải lương cũng có đánh chưởng xịt khói xịt lửa, rồi diễn viên cũng "bay" ào ào nhờ có sợi dây móc ở.... lưng quần .😄 Và có một vài tai nạn diễn viên phải đi cấp cứu vì.... đứt dây.😄

Nhưng thời đó micro chưa có hệ thống Bluetooth gắn bên lỗ tai    như bây giờ mà là cục micro bự bằng nắm tay treo lơ lửng trên đầu diễn viên do một người đứng núp trên cao điều khiển. Khi diễn viên nào sắp nói hoặc ca thì người điều khiển micro đứng phía trên kéo micro về phía họ.

Sau năm 1970, Biên Hòa mở thêm nhiều rạp chiếu phim như Thanh Bình, Lido....nên tăng lên gần chục rạp.

Sau năm 1975, rạp Biên Hùng được "quốc hữu hóa" và đổi tên thành rạp Nam Hà.

Ngày 27.7.2019 người ta giải tỏa rạp để làm một công trình khác và từ đây rạp Biên Hùng bị xóa sổ. Kỷ niệm một thời thơ ấu.

Xin quay lại chuyện coi phim. Thời nay phương tiện giải trí coi bộ cung nhiều hơn cầu. Nếu cần xem phim người ta chỉ cần ngồi nhà mở mạng internet ra thì có hàng chục kênh phim. Trả tiền có, miễn phí có nên ít ai muốn đến rạp chiếu. Có chăng là những phim thật hay, mới ra lò và những cặp nhí rủ nhau đi xem. Vì vậy rạp bây giờ thường là nhỏ (mini) và thiết kế hiện đại mới hấp dẫn người ta đến xem.

Mà đổi đời cũng có chuyện lạ. Hồi nhỏ ba thường dẫn tui đi xem, còn ngược lại bây giờ con tui nó dẫn (rủ) tui đi vì nó biết tui cũng thích xem phim. Thường thì rạp chiếu bây giờ nằm trong khu thương mại hay siêu thị và hay chiếu phim hoạt hình. Đang coi chừng nửa phim thì bỗng nghe tiếng cười hô hố vang lên của cô xồn xồn, bên cạnh đó là tiếng khóc thúc thít của em bé vì trong phim có  đoạn cảm động, kèm tiếng ngáy ro ro của ông già 71 tuổi. Đó là 3 thế hệ nhà tui. Haha 

😄😄😄

LÊ XUÂN SANG - 24.7.22


(* Trong bài có một số hình ảnh minh họa cho bài viết. Xin phép tác giả cho được đăng để bài thêm sinh động. Không vì mục đích thương mại. Cảm ơn)

2 nhận xét:

  1. Lẹ ghê nha, mới đây mà lên blog rồi. Cảm ơn bạn .😀

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây phải cảm ơn tác giả vì đã "mượn" bài đưa lên blog chứ !😄

      Xóa