Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

GIỌNG MIỀN TÂY - Sưu tầm trên mạng.




Nước ta trải dài hơn 2.000km, qua nhiều vùng miền khác nhau, phong thổ, tập quán sinh hoạt khác nhau, giọng nói và từ ngữ giao tiếp hàng ngày mỗi vùng, miền cũng khác nên mới có giọng Hà Nội, giọng Nghệ, giọng Huế, giọng Quảng, giọng miền Nam mà Sài Gòn là đặc trưng.
Cùng là chất giọng miền Nam, không khác mấy Sài Gòn, nhưng nghe dân miền Tây chính gốc phát âm là nhận ra ngay quê tôi: Con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gẹc. Có người nói, giọng miền Tây “rặt” nghe dân dã, bình dị và dễ thương lắm. Bạn bè tôi dân miền Trung, miền Bắc, những năm tháng sinh viên “choảng” nhau vì “nhạy giọng” (chửi cha không bằng pha tiếng mà!), nhưng xa nhau mấy mươi năm vẫn nhắc hoài cái chất giọng chân chất, giọng miền Tây! Nhiều người miền Tây xa quê mấy mươi năm, hàng ngày nói tiếng Tây, tiếng Tàu hay đã pha tạp chất giọng của các vùng miền khác, nhưng chỉ cần đôi ba tuần sống hòa mình với chốn xưa, lại trở về cái chất giọng của cố hương. Cùng là dân miền Tây, nhưng người Bến Tre, lại nói âm giọng “Bến Te”; cùng là người Cần Thơ, nhưng miệt Thốt Nốt lại nói “ăn cơm dzồi”. Đặc biệt, miền Tây có nhiều từ ngữ “đặc sản” chỉ vùng này mới có. Sự giao thoa ngôn ngữ Việt - Hoa - Khmer như món lẩu mắm của xứ này (cái lẩu – tiếng Hoa, món mắm – người Kinh, Khmer đều quen dùng). Người miền Tây hay nói “xấu quắc” để diễn tả rất xấu, xấu lắm. Hay để biểu thị sự giống nhau, thường nói “y hệt”, “y chang”. Bạn bè thân nhau, gọi là “ní” (nị, ngộ) – đều có gốc từ tiếng Hoa. Nhưng cũng có nhiều từ là sự “giao thoa ngôn ngữ Việt – Khmer: Gặp một em gái miền Tây đi đâu một mình, hỏi: “Em đi với ai?”, trả lời: “Dạ, em đi mình ên”. Thì ra trong tiếng Khmer, “êng” có nghĩa là “một mình”. Ca sĩ, nhạc sĩ Đình Văn có bài hát rất hay “Buồn mình ên. Qua ngõ nhà em, thương lắm rồi mà làm bộ dửng dưng (một chút làm cao), không rẽ vào nhà mà đi qua luôn, gọi là “đi huốt” – cũng có gốc từ tiếng Khmer. Dân miền Tây hào hiệp, phóng khoáng, sống luôn mở rộng lòng mình (chơi thì xả láng, sáng về sớm), nên không câu nệ khi dung nạp từ ngữ của người khác, há gì những cộng đồng người từng gắn bó với mình từ thuở khai hoang, mở đất, rồi sống chết giữ gìn từng mảnh ruộng, bờ mương qua bao cuộc chiến tranh. Người miền Nam nói chung và dân miền Tây nói riêng không dùng lẫn lộn các từ “đắc” và “mắc”, “vay” và “mượn”. Bán “mắc” là bán hàng giá cao hơn giá trị thực, còn bán “đắc” là đông khách hàng đến mua. Anh em giúp đỡ nhau chút ít tiền gọi là “cho mượn”, không bao giờ nói là “cho vay” – có tính lãi (do dân miền Tây sớm hội nhập với kinh tế thị trường, quá rành các nguyên tắc giao dịch trong luật dân sự chăng?). Nếu để ý, người miền Tây có cách dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba trong tiếng Việt rất đơn giản (không cần thêm từ) mà dễ hiểu; thí dụ như để chỉ anh ấy, chị ấy, ông ấy, em ấy, bà ấy,... họ nói ảnh, chỉ, ổng, ẻm, bả – gọn thế là xong. Tiếng miền Tây chân chất, đơn giản, cũng dễ hiểu, dễ nói, nhưng khó viết một chút; nếu phiên âm nguyên xi thì sai lỗi chính tả. Người Việt do đặc điểm tiếng nói và tư duy ngôn ngữ khác (ngôn ngữ đơn âm tiết, nói chuyện uốn lưỡi bảy lần) nên nói chung học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga – thuộc ngôn ngữ đa âm) rất cực. Ngoại ngữ là một trong những yêu cầu rèn luyện của mọi người, nhất là giới trẻ, doanh nhân, nhưng giới trẻ ngày nay hội nhập vào nhiều nền văn hóa, học nhiều, biết nhiều ngôn ngữ quốc tế (nhất là tiếng Anh, tiếng Hàn), đã cung cấp thêm vốn từ “ba rọi”, nửa nạc nửa mỡ nghe cũng vui tai nhưng thấy kỳ kỳ. Nhiều người báo động sự phong phú, giàu đẹp và trong sáng của tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ “xâm lăng” của ngôn ngữ ngoại lai. Giọng nói, từ ngữ vùng, miền cũng không nằm ngoài nguy cơ đó. 

Trần Hiệp Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét