Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

CUỘC ĐỜI "CHIẾN ĐẤU" CỦA TUI ( phần cuối ) - Lê Xuân Sang





TUI LÀM BÁO

Nhiều lúc nằm đêm vắt chân lên trán suy nghĩ ,đáng lẻ ra tui phải là. ...phóng viên mới phải ,vì mộng làm báo của tui có từ hồi. ....tiểu học lận!
Nhớ đâu vào năm học lớp nhì ( 1961-62) của trường tiểu học Nguyễn Du,Biên hoà ,lần đầu tiên tui làm báo và được. ....đăng báo.Bài đầu tiên được đăng trong đời là 1 chuyện...... vui cười ( nội dung thì tui quên mất rồi ).Các bạn có biết cảm giác của tui lúc đó như thế nào không? Hảnh diện và lâng lâng lắm. Các bạn trong lớp trầm trồ khen ngợi : thằng Sang hay ghê, được đăng báo tụi bây ơi. Tờ báo tui được đăng là "phụ trang Ngôn Luận ". Báo Ngôn Luận lúc đó là báo ngày . Mỗi tuần nó ra thêm 1 phụ trang chuyên về văn nghệ, thơ cho người lớn , còn truyện và truyện tranh để dụ khị ....con nít. Về truyện tranh, bọn con nít tụi tui thích nhất là Chúa đảo Mai Sơn chống bọn xấu (gần giống như Tarzan ) rất ly kỳ. Truyện bé Ngôn, bé Luận, bé Sơn và anh Hiếu Kỳ là chủ đề thám hiểm không gian. Họa sĩ độc quyền của báo lúc đó là Văn Hiếu. Ông này có tài vẽ tranh truyện rất đẹp. Sau này có một số hoạ sĩ tham gia nhưng nét vẽ không đẹp và chuyện cũng không hấp dẫn nên bọn tui không thích lắm.
Ngồi kế bên tui có bạn Nguyễn văn Giỏi ,bạn này rất "thần tượng "tui. Hắn than thở :
-Sao tao viết hoài mà "nó" không đăng.
Hehe chắc tại tao. ...hên. .Thời gian dần trôi, báo dành cho thiếu niên, nhi đồng lúc đó rộ ra như nấm sau mưa. Anh em tui phân công nhau nhịn tiền quà vặt ba cho để mua báo. Báo thì nhiều, nhưng anh em tui chỉ chọn báo Măng Non, Tuổi Trẻ, phụ trang Ngôn Luận. Đặc biệt báo Tuổi trẻ thời đó ( 1962) đã có kỹ thuật in màu offset rất đẹp. Và câu vè mà báo đăng marketing khắp nơi, nó dễ nhớ, dễ thuộc mà tui nhớ tới bây giờ:
"Thứ ba, thứ sáu, đọc báo Tuổi Trẻ ".
Nói chung, báo dành cho thiếu niên nhi đồng lúc đó đều có những mục như :
Truyện ngắn, truyện dài nhiều kỳ, truyện vui, ô chữ, truyện tranh, thơ. Nhưng đặc biệt báo nào cũng có mục trả lời thắc mắc hoặc tâm tình với mấy em bé độc giả ,do 1 anh hoặc chị phụ trách để. .....dụ khị mấy con nít nhỏ.
Tui còn nhớ mỗi tờ báo đều có một số truyện tranh ,trong đó có những nhân vật để " gây nghiện "(dụ khị ) mấy đứa con nít như tụi tui. Một khi đã mua, đã xem rồi thì khó mà. ......hổng mua nữa, vì. .....còn tiếp, kỳ sau sẽ rõ! ( theo như bây giờ người ta gọi là câu view ).Thí dụ :báo phụ trang Ngôn Luận thì có Bé Ngôn, bé Luận, anh Hiếu Kỳ ,bé Sơn . Báo Tuổi Trẻ có Bờm, Bê, Bốp phiêu lưu, hành động, (bắt chước truyện tranh Spyrou của Pháp nhưng được Việt hoá ).Báo Măng Non cũng có nhân vật đặc trưng nhưng tui quên mất (bạn nào còn nhớ xin bổ xung).Trong tờ báo này tui còn nhớ hoạ sĩ Đằng Giao. Anh sáng tác tranh triển lãm thì được, nhưng vẽ tranh truyện thiếu nhi thì hơi bị. ...dở ! Tui còn nhớ truyện tranh Thạch Sanh -Lý Thông ( nháy chuyện cao bồi Lucky Luke nhưng được Việt hoá )của anh vẽ thấy. ....ớn .hehe.
Ngoài ra, anh em tui còn mua nhiều tập truyện rất hay (bây giờ quên tên rồi),cứ 1 tháng ra 1 kỳ, khổ nhỏ, lúc nào cũng đúng 32 trang như: truyện loài vật trong rừng ( gần giống Dế mèn phiêu lưu ký ) , cuộc phiêu lưu của David Croket (anh hùng thời nội chiến Mỹ ),.....Rồi phụ trang báo Buổi Sáng xuất bản bộ truyện Tề Thiên Đại Thánh,mỗi tuần 1 số (truyện có kèm tranh vẽ cổ của Tàu mà sau này nữ đạo diễn Dương Khiết dựa vào đó làm phim y chang nguyên tác Tây du ký do Lục tiểu linh Đồng đóng vai Tề Thiên ) .Anh em tui đón mua từ số đầu tiên cho tới. ..số chót, hình như gần 200 số .Từ lúc Tề Thiên ở Thủy liêm Động cho tới theo Tam Tạng thỉnh kinh rồi thành. ...... Đấu Chiến Thắng Phật. (Khoảng năm 90,người ta có tái bản lại, do "ăn theo" bộ phim Tây du Ký đang chiếu rầm rộ trên TV.nhưng chỉ vài số rồi. .tịt ngòi vì chắc bán không chạy. ) Thế rồi khi tuổi người ta lớn, tâm sinh lý thay đổi, "gu "( goût= tiếng Pháp )con người ta. ...cũng đổi thay! và anh em tui chuyển qua đọc tạp chí dành cho lứa tuổi. ....ô mai như Tuổi Hoa ,còn truyện tranh lúc đó mê Lucky Luke, Tin Tin, Spyrou, con Vượn đốm, ....được dịch sang tiếng Việt, nhưng hình thì trắng đen, rất xấu, không bằng bản in sau này ( khoảng cuối thập niên 80 có in lại rất đẹp ), rồi tạp chi Thời Nay (của Nguyễn văn Thái ) Phổ Thông (của Nguyễn Vỹ )... . Tui còn nhớ Tuổi Hoa (do Linh mục Chân Tín làm chủ nhiệm )tui cũng gửi và được đăng 3 bài,bây giờ thất lạc hết. Báo này có hoạ sĩ ký tên R.Nguyễn vẽ rất đẹp. Báo có kích thước 20 × 15 cm in đẹp, được coi là bước tiến lớn cho lứa tuổi mới lớn thời bấy giờ. Hồi đó được điểm thuận lợi là bưu điện Biên hoà nằm bên hông trường tiểu học Nguyễn Du,tui chỉ cần bước vài bước là có thể bỏ thư gửi đăng báo. Sau này, khi đậu đệ thất Ngô Quyền,ba thưởng cho chiếc xe đạp, vậy là có điều kiện đi gửi bài đăng báo nhiều hơn. Tui còn nhớ, vì mê báo quá, phải nhịn ăn quà để có tiền mua báo coi rồi còn mua tem, thư gửi đi. Gửi 10 lần được đăng chừng. ..2 lần. Vậy mà khoái! có lúc bí đề tài quá, không "nặn" ra được chuyện ngắn, chuyện vui cười thì tui sáng tác. ...ô chữ. Thế là được đăng, !haha. Nhưng thù lao lúc đó có gì đâu, chỉ là tờ. ..báo biếu của số báo mà mình được đăng, thế thôi. Vậy mà vui còn hơn. ...trúng số!
Tui còn nhớ, lúc đó nhà có căn gác. Đó là giang sơn cho anh em tui lên đó học hành. Một hôm ông già (ba tui ) đi "thanh tra "xem nó học hành ra sao. Ổng đi lên cầu thang thiệt êm. Đi khám "điền thổ " mà hổng cho người ta biết trước gì hết .Bị bắt tại trận đang chổng khu "sáng tác ".Ổng quất cho mấy cây chổi lông gà quắn đít và phán :
-Ăn no rồi cứ viết báo ,không học hành gì hết! nữa lớn đi hốt c....bò nha con!
Vậy mà tui đâu có ngán, vẫn chứng nào tật nấy. He he.
Về văn chương, hồi đó tui "mặn" nhứt là các nhà văn Hồ biểu Chánh (chuyên Việt hoá các tác phẩm của Tây thành của mình như: Ngọn cỏ gió đùa dựa theo truyện Les Miserables =Những người khốn khổ của Victor Hugo , Cay đắng mùi đời dựa theo truyện Sans famille = Vô gia đình của Hector Malot, Chút phận linh đinh dựa theo Dans famille = Trong gia đình cũng của Hetor Malot, Chúa tàu Kim Qui dựa theo Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas ,Người thất chí dựa theo Tội ác và hình phạt của Dostoevsky, ......và hàng trăm tác phẩm khác, sau này đa số được dựng thành phim và kịch. Bình Nguyên Lộc (dân Biên hoà. Tên Bình Nguyên Lộc cũng từ đây ra. Bình nguyên có nghĩa là Đồng bằng, Lộc là nai ) và Sơn Nam. Đặc điểm giọng văn của 3 ông này rất bình dân, rất Nam bộ và hơi. ...tưng tửng ,vậy mà tui khoái và ảnh hướng cách viết văn của ba ông tiền bối này.
Rồi sách học làm người của Nguyễn hiến Lê, Thu Giang Nguyễn duy Cần, .... Nói về ông Nguyễn hiến Lê, ông này là công chức thủy lợi, chuyên đi theo sông nước miền Tây để đo mực nước cao thấp. Trong lúc nhàn rỗi ,ngồi trên ghe ông tra cứu và tự học sinh ngữ ,vậy mà ông dịch được rất nhiều sách nước ngoài ra tiếng Việt. Ba quyển sách dịch của ông mà tui tâm đắc nhất thời đó là Đắc nhân tâm của Dale Carnegie, Quẳng gánh lo đi và vui sống, 7 bước đến thành công. (Ông đã mất cách nay gần 10 năm. Hiện có một người cũng tự học, tự nghiên cứu sách vở và có tầm hiểu biết uyên bác giống như ông, đó là thầy Châu kim Lang của chúng ta. Thầy biết rất nhiều thứ tiếng :Pháp, Anh, Đức, Tây ban Nha , Ấn Độ và cả tiếng. ....Tàu nữa! Thật ngưỡng mộ. )
Ngoài ra, lúc đó tui còn "mê" Duyên Anh. Tay này có giọng văn ngang tàng và hơi. ...."du côn",nhưng đọc rất khoái .Ông ta chuyên viết những chuyện tình yêu (Áo tiểu thư,...)và nhất là chuyện về "xã hội đen " như: Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang, Điệu ru nước mắt, Dấu chân sỏi đá ,Bò sữa gặm cỏ cháy, Dzũng Dakao ,..... đã từng được một số đạo diễn trước năm 1975 dựng thành phim.
Sở dỉ tui phải kể lể dài dòng với các bạn vì cái gì nó cũng có nguyên nhân của nó. Cũng vì quá mê văn chương, báo chí mà không những xem, gửi bài đăng báo mà tui còn tổ chức. ...làm báo nữa chứ , !
Thời gian đó chắc khoảng năm học đệ lục (lớp 7 bây giờ ) tui tổ chức làm báo. ...tại nhà. Chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm thư ký tòa soạn và. ....họa sĩ. Thành phần tham gia là mấy đứa em kế tui,còn mấy đứa nhỏ hơn chưa biết sáng tác thì làm. .....độc giả trung thành với báo. Riêng chị Hai, anh ba của tui thì không tham gia vì không "mặn ".
Báo "xuất bản " đều đặn một tháng một lần (vì còn phải đi học ) ,mỗi lần chỉ. ..... 1 bản viết tay , cũng đầy đủ các mục : lời nói đầu, truyện ngắn, vui cười,truyện tranh ,ô chữ, và. ..vv .Nếu tui nhớ không lầm thì trong giai đoạn này, bạn Huỳnh văn Huê có tham gia một vài bài? Tiếc rằng sau mấy chục năm, những tờ báo kỷ niệm này không còn nữa,!
Thế rồi năm 1967,tui giả từ mái nhà thân yêu với"tòa soạn" thân yêu để. ...du học ở NLSBL !kể từ đó tòa soạn giải tán và chỉ xuất bản mỗi năm 1 số vào dịp. ...tết ,lúc tui từ Bảo lộc về nghỉ Tết và huy động các em. ..cộng tác. Nhưng cũng chỉ được 3 số đặc san Xuân " lưu hành nội bộ " ( lúc học đệ tam, nhị, nhất ) là. .....đóng cửa luôn!

" xin trả lại những kỷ niệm buồn vui,
"ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi
"Ngồi viết tâm sự, nhớ ngược về quá khứ,
"Chợt lên nét suy tư. ...

Việc tui làm báo cũng coi như kỷ niệm đẹp thời niên thiếu vậy.
Qua những biến động của xã hội, những lo toan trong cuộc sống, máu "văn nghệ " của tui cũng vơi đi ít nhiều.
Sau năm 1975 tui có sáng tác một số bài đăng báo Tin Sáng của Ngô công Đức ( được 3 bài ) và sau đó có gửi cho một số báo nữa nhưng họ. ...không thèm đăng .Chắc không hạp "rơ" (jeu=tiếng Pháp )với ban biên tập? "Nản chí anh hùng",từ đó tui giả từ viết bài đăng báo luôn. Ông bà ta nói :"hậu sanh khả ố. .......ủa lộn khả uý ".Vậy mà cái đám hậu sanh ở tòa soạn chẳng biết "tui – là - ai! “ Hehe ‘ Nhưng cũng may, nhờ khoa học tiến bộ, giờ đây có blog, có FB, mình có thể tự viết, "tự sướng" bằng cách đăng bài lên trang cá nhân của mình mà không cần ai duyệt trước.
Nếu có bạn nào thích bài viết của mình thì LIKE một cái, nếu không thích thì DISLIKE cũng được , còn không thì xin đừng ném đá tội nghiệp em. Vậy là vui rồi. Hehe
Nhiều lúc suy nghĩ lại, sao mình mê văn chương, báo chí mà lại cuối cùng theo nghề. ...thú y ?
Chính cái nghề có sẵn (vốn tự có ) mà mình không để ý lại "nuôi" mình suốt tận bây giờ. Nhớ cách nay gần 40 năm, 3 ông thầy giáo già dẫn 3 thằng con "khờ khạo " là Lê xuân Sang, Trần mình Tuyên, Ao văn Thân lên trình diện nhập học lớp đệ tam Nông lâm Súc Bảo Lộc( Ao văn Thinh biết rõ )
. Chính ngôi trường thân thương này đã tạo "vốn tự có " để mình có thể sống và phục vụ tốt nghề thú y sau này chứ không phải nghề. ....Làm - Báo! Ha ha

LÊ XUÂN SANG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét