Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Tản mạn : CÀ PHÊ VÕNG... - Bùi Nhật Lai




Cà phê võng và sông nước Cà Mau
(sưu tầm trên trang nlsdinhtuong.com)

...Chị bảo văn hóa nơi đây có rất nhiều điều thú vị, các anh hãy tự đi và tìm hiểu hẳn sẽ có rất nhiều điều làm các anh thích thú...
      Trong chuyến đi thực tế sáng tác của đoàn văn nghệ sỹ Thái Nguyên tại thành phố biển Vũng Tàu đầu tháng 10 năm 2017. Tôi thật sự may mắn được Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ cho theo anh đi về Cà Mau mảnh đất địa đầu cực nam của tổ quốc, nơi mà chỉ mới nghe thôi tôi đã thấy tim mình thổn thức và rạo rực. Vậy là kế hoạch được Nguyễn Kiến Thọ vạch ra. Anh gọi điện thuê xe để chúng tôi hành trình về đất mũi ! Do quen biết với nữ Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư từ trước nên anh gọi điện cho chị, rất may cho chúng tôi chị đang ở thành phố Hồ Chí Minh để làm visa sang Hàn Quốc theo lời mời của một nhà xuất bản bên ấy và chị cũng đang chuẩn bị về Cà Mau. Vậy là chị đồng ý đợi chúng tôi đến rồi cùng về.

     Không cần nói gì thêm thì mọi người cũng biết chuyến đi của chúng tôi trở nên thú vị đến chừng nào. Tôi lấy làm vinh dự khi được làm quen với một cây bút nữ hiện đang rất nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn ở một số nước trên thế giới nữa. Những trang viết đầy cảm xúc của chị đã làm rung động biết bao trái tim của những người hâm mộ. Tôi cảm mến chị ngay từ cái bắt tay, giới thiệu làm quen của chị. Từ trang phục đến giọng nói, nụ cười đều toát lên vẻ thông minh, hỏm hỉnh mà rất đỗi bình dị. Nếu bình thường gặp chị hẳn khó có ai lại nghĩ chị là một nhà văn đang rất nổi tiếng. Rong ruổi cùng chị suốt chặng đường dài trên 370 km chị đã kể cho chúng tôi nghe về nhiều điều thú vị trong cuộc sống cũng như những nét văn hóa độc đáo vùng sông nước Cà Mau quê hương của chị. Chị bảo rằng : "Cà Mau - Nghĩa là "nước đen" cái từ đó có nguồn gốc từ tiếng của người Khơ me. Vì nước chảy từ trong rừng đước ra thường có màu đen." Vậy là tôi lại hiểu tường tận thêm về một cái tên của một địa danh trên đất nước mình. Trong khi nói chuyện với chúng tôi chị thường xen vào những câu, từ rất hỏm hỉnh và ngộ nghĩnh khiến chúng tôi đều bật cười thú vị. Chị bảo văn hóa nơi đây có rất nhiều điều thú vị, các anh hãy tự đi và tìm hiểu hẳn sẽ có rất nhiều điều làm các anh thích thú.
     Nghe vậy tôi cũng thật sự muốn mình tự trải nghiệm để hiểu thêm về văn hóa đất và người vùng sông nước nơi đây. Ở đây cà phê là đồ uống phổ biến nhất, chính vì thế mà hàng quán cà phê mọc lên ở khắp nơi để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sang thì trong nhà hàng, khách sạn, bình dân thì các hàng quán ven đường. Ở đây người dân uống cà phê giống như người Thái Nguyên uống nước chè vậy. Vì thế các loại hình quán cà phê cũng từ đó được hình thành nhằm thỏa mãn nhưng sở thích riêng tư của các tầng lớp người trong xã hội.
     Từ sáng sớm tôi đã thấy những ông già hay những người trung niên tụ tập rủ nhau đến các quán cà phê, họ trò chuyện râm ran hàng giờ cùng nhau bên ly cà phê trong các quán lá. Trong các loại quán cà phê tôi đặc biệt chú ý đến quán cà phê võng đây là loại quán rất phổ biến dọc ven đường quốc lộ. Nó tạo nên nét đặc trưng riêng độc đáo của vùng sông nước miền tây nói chung và Cà Mau nói riêng. Cà phê võng là nét riêng của bà con vùng sông nước.
      Anh chàng lái xe giải thích điều này cho tôi: "Chú ơi! Cái võng gắn bó với người dân vùng sông nước nơi đây từ bao đời nay rồi chú ha, do cuộc sống mưu sinh nơi sình lầy phải đào bưng, đắp đìa nuôi tôm, nuôi cá hàng ngày. Chỉ cần chiếc võng mắc lên hai chạc cây là là trên mặt nước là người ta có thể leo lên lấy cơm nắm ra ăn và sau đó đánh một giấc khò khò, để rồi chiều lại tiếp tục công việc của mình. Còn đối với cánh lái xe như cháu sau chặng đường vài trăm cây số được ngả lưng trên võng, đong đưa vài chao là đã có thể đánh một giấc ngon lành, khi tỉnh dậy nhâm nhi một ly cà phê đặc sánh, với mùi hương béo ngậy sẽ thấy tâm hồn thư thái, gân cốt chân tay rãn ra cảm giác vô cùng thoải mái chú à! Và như thế lại tiếp tục ngồi sau tay lái mà không hề thấy mệt mỏi."
    Thì ra là vậy đó! Có lẽ cà phê võng được ra đời cũng xuất phát từ thói quen dùng võng của người dân nơi đây. Quán cà phê võng mà tôi gặp dọc ven đường thường cũng rất đơn sơ, nó được dựng lên từ những thân tràm, thân đước, mái và vách được lợp và bưng bằng lá dừa nước một loại cây mọc hoang dã và có nhiều ở đầm lầy hoặc ven các con kênh rạch. Lá dừa nước được bà con lấy về chẻ đôi rồi đan tết thành những tấm tranh lợp trông rất đẹp chẳng khác gì một tác phẩm nghệ thuật cả. Lá lợp dày vừa mát lại vừa bền. Trong quán người ta đóng cọc buộc hai dãy cây ngang ước tầm ngực người lớn để làm nơi mắc võng, có quán lại chôn cọc để mắc võng. Quán lớn có tới hàng chục chiếc võng, quán nhỏ thì 5 - 7 cái. Khách đến uống cà phê sẽ được chủ quán pha và bưng đến tận võng, mỗi võng lại có một ghế nhựa cho khách đặt ly. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư bảo rằng: "Quán cà phê võng giờ cũng rất hiện đại ngoài quạt điện thì hầu như quán nào cũng có wifi miễn phí, khách đến uống cà phê có thể tự do vào mạng nghe nhạc hoặc lướt web tùy thích !"
     Điều đáng nói nữa là giá cà phê ở đây cũng rất rẻ chỉ từ 8 - 10 nghìn đồng một cốc và người dân nơi đây rất thật thà, mến khách. Khách không hiểu điều gì hỏi là họ sẵn sàng giảng giải ngọn ngành, chỉ bảo tận nơi rất cởi mở và chân tình.
      Chúng tôi dong duổi hơn một ngày trên đất Cà Mau, được đi ghe máy trên những dòng kênh ngang dọc ngắm những rừng đước, rừng tràm xanh rì bát ngát, nhìn những cánh cò trắng liêu xiêu bay trắng cả rừng và nghe giọng nói nhẹ nhàng, điều hò man mác của những cô gái Cà Màu, thưởng thức những đặc sản của sông nước Cà Mau như cua, ghẹ, cá, tôm... cùng những ly cà phê thơm ngậy trong những quán võng ven đường và thả hồn phiêu du cùng sông nước, để khi về rồi mà vẫn nhớ mãi khôn nguôi!
Vũng Tàu ngày 12/10/2017

Bùi Nhật Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét